Lê Hưng VKD: Tiếp cận Kinh Dịch:


Dụng ngữ ĐẠO trong triết luận nhị nguyên phương Đông


KINH DỊCH là bộ sách triết học của "Đông phuơng học", được coi là "kỳ thư" của thế giới. Người châu Á trong thực tế cuộc sống (xưa & nay) đã vận dụng kỳ thư (bộ sách hấp dẫn lạ lùng) này cho nhiều lãnh vực, như: xây dựng nhà cửa (phong thủy), canh tác (nông lịch tiết khí), nhận diện con nguời (linh khu mệnh lý), phòng và chữa bệnh (thời lệnh bệnh học), dự báo thời tiết (địa lý thiên văn) .... đồng thời cũng bộ sách này là "đầu mối thói mê tín dị đoan" của một số người hành nghề "bói toán", chỉ vì hiểu sai nội dung KINH DỊCH (hoặc không đủ tri thức thấu cảm dụng ngữ trong KINH DỊCH).

kinnhdich-2RR

 

1/ KINH DỊCH là gì ?

Theo nguyên nghĩa, chữ "kinh" là sách quí được tôn trọng, là sách của trí thức bậc thầy viết ra, là sách giáo lý cổ của tôn giáo… Học giả Vệ Thạch ĐÀO DUY ANH còn định nghĩa KINH là "đạo" dùng khi thường xuyên (sách Hán Việt từ điển, quyển thuợng trang 432, tái bàn 1957).

Theo nguyên nghĩa, chữ "dịch" (tổ hợp Hán - Nôm gồm chữ "nhật" ở trên, và chữ "vật" ở duới), bàn về sự biến hóa không ngừng trong vũ trụ vĩ mô bao la, cũng như trong vạn vật vi mô hiện thực...  Do vậy, KINH DỊCH là triết luận của "Đông phuơng học" nghiệm lý sự vận động của thế lực thiên nhiên siêu hình đã tạo ra sự sống hữu hạn" cho muôn loài muôn vật. Quá trình hình thành vận động liên tục ấy, trong KINH DỊCH  gọi là "đạo" theo định nghĩa của học giả Vệ Thạch ĐÀO DUY ANH = đem đường, mở lối, nguyên lý tự nhiên … (sách "Hán Việt Tự Điển, trang 251, Trường Thi tái bản năm 1957).

2/ ĐẠO là gì ?

Triết gia Lão Tử viết phần mở đầu trong cuốn "Đạo Đức kinh"(biên soạn vào thời Xuân Thu,đời Chu Linh Vuơng, thế kỷ thứ 6 truớc tây lịch):

- ĐẠO khả ĐẠO phi thuờng ĐẠO,

DANH khả DANH phi thuờng DANH

Tạm dịch nghĩa: Cái mở lối mà có thể mô tả rõ ràng, thì không phải là mở lối rốt ráo bền vững; cái tên đặt ra mà có thể chỉ định rốt ráo cụ thể, thì cũng không phải là cái tên đích thực của nó!

Xin lưu ý chữ "thuờng" trong Dịch lý học, nhà nghiên cứu Đông phương học nguời Pháp (SALET) đã dịch là "éternel = vĩnh hắng, mãi mãi như vậy"! Vậy phải hiểu chữ ĐẠO ra sao đây? Chúng ta cần đọc tiếp cách gợi ý mô tả bóng bảy về dụng ngữ ĐẠO của Lão Tử như sau:

- Cố thường VÔ dục dĩ quan kỳ diệu, thuờng HỮU dục dĩ quan kỳ khiếu...

Tạm dịch nghĩa: Cho nên cái KHÔNG triệt để rốt ráo (của ĐẠO) là ham muốn nhìn vào bản chất biến hóa khéo léo lạ lùng của toàn bộ sự - vật; còn cái CÓ (của ĐẠO) là ham muốn thấy cái khung suờn cấu trúc mọi sự - vật!

Xét ý tứ như trên, chúng ta tiếp cận dụng ngữ ĐẠO của Dịch học phuơng Đông như là quá trình sáng tạo mọi tồn tại (hữu hạn) mà xuất phát điểm là cách vận hành của "thường VÔ & thường HỮU":

- Thường VÔ là cái KHÔNG của mọi sự - việc ở trạng thái siêu hình - siêu thực, là nguyên nhân điều phối mọi qui luật, biến hóa khách quan;

- Thuờng HỮU là cái CÓ mọi sự - vật ở trạng thái định hình - hiện thực, là hiệu quả từ một trường hợp biến hóa chủ quan...

3/ Bản thể nhị nguyên của ĐẠO:

Như đã đề cập ở phần trên, kỳ thư KINH DỊCH là triết luận về "dụng ngữ tuyệt đối " của chữ ĐẠO, hay nói cách khác là mô hình Thể tính của ĐẠO:

 kinhdich-1R


Ghi chú:

ĐẠO: không thể định nghĩa, chỉ nên tạm hiểu là:tự nhiên giới, là Trời, là đấng sáng thế, là Tạo hóa, là Hóa công… (Lão Tử viết: Đạo ẩn vô danh, Đạo thuờng vô danh!)

KINH: Không phải là sách tín ngưỡng, nên hiểu là sách "dùng khi thuờng xuyên " như học giả Đào duy Anh đã giải nghĩa chữ "kinh ".

DỊCH: Là quan sát "tam tài" THIÊN-ĐỊA-NHÂN (quan thiên văn, sát địa lý, quán nhân sự) để nghiệm lý năng lực biến hóa vạn vật (sinh sinh chi vị Dịch!)

Nguyên HỮU: Cái sắc - tuớng hiện thực hữu hạn, là hậu quả của một quá trình biến hóa truớc đó ( vạn vật chi mẫu)

Nguyên VÔ: Cái bản thể chân tính,là nguyên lý tự nhiên của mọi biến hóa, là cái bắt đầu cho vạn vật hiện thực (vạn vật chi thỉ!). Xét cho cùng thì VÔ là thể tính quan trọng của ĐẠO !

4/ ĐẠO là nguyên lý tuyệt đối vận động của Dịch lý:

Học Dịch lý là muốn tìm hiểu (theo huớng phát triển sâu) về thế lực sáng tạo của tự nhiên giới, giúp mọi người củng cố nhận thức cuộc sống:

- Dĩ bất biến: Hiểu ĐẠO vốn dĩ huyền diệu khéo léo, bao gồm cả HỮU và VÔ, nằm ngoài và chi phối vạn vật biến hóa!

- Ứng vạn biến: là quá trình phải biết thích nghi để tồn tại (hữu hạn) và bộ máy người (là sinh vật bậc cao) trong vạn vật luôn có "4 cảm biến" kỳ diệu: tự tổ chức, tự thích nghi, tự điều chỉnh và tự tái tạo.

Mối tuơng thích giữa Hữu và Vô trong Dịch học là đặc trưng:

- Vạn vật sinh ư hữu = thế giới hiện thực được sinh ra từ HỮU (cái CÓ tạm thời)

- Hữu sinh ư Vô = HỮU đuợc sinh ra từ VÔ (cái KHÔNG vĩnh hằng)

- Kiến chi dĩ thường (1) Vô Hữu = khi hiểu Vô (siêu thực) và Hữu (hiện thực) là đã thấy được cái VĨNH CỬU.

*(1) Bạn đọc lưu ý về chữ "thường" = không bao giờ thay đổi được, vĩnh hằng… ( học giả nguời Pháp  ,ông SALETđã dịch là: éternel)

Ngoài ra, các học giả cổ đại và trung đại nước Tàu cũng đã nỗ lực giải thích "dụng ngữ" ĐẠO như sau:

4.1- Khổng Tử (sinh 551 tr.CN, mất 479 tr. CN, người nước Lỗ tỉnh Sơn Đông TQ) viết "hình nhi thuợng giả vị chi ĐẠO", nghĩa: phần thuộc lãnh vực siêu hình gọi là ĐẠO! (trích "Hệ từ thuợng truyện")

4.2- Lão Tử (sinh 604 tr.CN, không rõ năm qua đời, người nước Sở tỉnh Hà Nam TQ) viết trong sách "Đạo đức kinh": ĐẠO khả Đạo phi thường Đạo (nghĩa: cái đuợc gọi là ĐẠO thì không có ngôn từ nào giải nghĩa được, vì khi cố gắng định nghĩa thì nó không còn là ĐẠO đúng bản chất vĩnh hằng nữa)

4.3- Chu Liêm Khê (1017 - 1073, danh y TQ, tác giả sách Y TÔNG KIM GIÁM, đời nhà Tống TQ, thế kỷ 11 - 12) quan niệm ĐẠO là Vô Cực siêu hình có trước thái cực tượng hình, ông viết: "Vô cực nhi thái cực, thái cực sinh luỡng nghi, luỡng nghi sinh tứ tuợng, tứ tuợng sinh bát quái, bát quái sinh vạn vật..."

4.4- Triết lý duy thức Phật học cũng nhận định bản chất vạn vật không có "thể tính đích thực":

- Tướng vô tuớng (sắc dáng không có thực, chỉ hữu hạn tạm thời thôi)

- Sắc tức thị không, không tức thị sắc (sắc dáng triệt để rốt ráo vừa hiện thực mà cũng vừa siêu thực). BS. Đỗ Hồng Ngọc viết trong tác phẩm NHƯ THỊ: "Vượt qua đuợc cái THỊ, rồi sẽ thấy cái NHƯ !"

5/ Tiến trình vận động của ĐẠO trong Dịch lý

Trong "Tộc phả huyền thư" của dòng họ LÊ LÃ/Hưng Yên, cụ tổ đời thứ nhì LÊ LÃ TRIỆU đã nhắc nhở con cháu (khi chọn nghề thầy giáo hoặc thầy thuốc) phải ghi nhớ câu "Tư chi nhân bất khả dĩ bất tri thiên" = muốn hiểu nguời thì không thể không biết gì về trời). Trời đây là tự nhiên giới, là vũ trụ thiên nhiên… Năm xưa, minh triết gia ALBERT EINSTEIN khi nhận xét về phát kiến cơ học luợng tử (lý thuyết nhận diện về cái vô cùng bé), đã dí dỏm như sau: "Ông TRỜI rất tinh tế, nhưng không ranh mãnh, tuy thuyết lượng tử đã nói lên được nhiều điều, nhưng không gíúp chúng ta đến gần bí mật của TRỜI hơn!" (Thư gửi đồng nghiệp trong thời kỳ nổ ra tranh luận về thuyết luợng tử của giới khoa học vật lý 1916-1919).

Nội hàm biến hóa của Dịch học là dụng ngữ ĐẠO, tuy nguời xưa xếp loại "tuyệt đối bất khả tư nghị" (nghĩa: hoàn toàn không có cách gỉải thích triệt để rõ ràng đuợc), nhưng khi xét tiến trình vận động của ĐẠO (trong Dịch lý) thì đã có nhiều học giả dẫn giải rõ nét,điển hình là danh nho (mà cũng là danh y) CHU LIÊM KHÊ (đời nhà Tống TQ) đã lập luận theo 5 trình tự:

- Vô cực nhi thái cực (cái bất khả kiến có truớc, rồi mới đến cái khả kiến)

- Thái cực sinh luỡng nghi (cái khả kiến vận động theo 2 khuôn mẫu)

- Luỡng nghi sinh tứ tuợng (hai khuôn mẫu có 4 phép tắc khi quan sát)

- Tứ tuợng sinh bát quái (4 phép tắc tạo ra 8 dung mạo hình trạng gắn bó cuộc sống quen thuộc)

- Bát quái sinh vạn vật ( 8 hình trạng sản sinh mọi sự & mọi vật.....)

Cụ thể hơn, nguời viết minh họa theo Hình Học( géométrie) đơn giản  dễ hiểu:

- Khối hình cầu có truớc khối đa diện đều (vô số cực có trước nhiều cực)

kinnhdich-2RR


- Khối đa diện đều thoạt đầu có rất nhiều đỉnh, ta thu gọn dần và chỉ chọn khối đa diện đều có 8 đỉnh là khối lập phương. Nếu qui chiếu xuống một mặt phằng nào đó, ta có hình phẳng bát giác; còn như không qui chiếu gì cả, thì bản chất là khối 6 mặt 8 đỉnh (hình khối lập phuơng) (1):


Nếu xét theo phép tính đại số nhị phân (algèbre binaire), ta có ngay mô hình "bát quái đồ PHỤC HY tiên thiên":

kinhdich-3RRjpg

TẠM KẾT:

Đồng cảm với tản văn này, nhà giáo nữ VKD đã viết gíúp "lời tạm kết " theo ngôn ngữ duy thức luận về chủ đề Dịch lý:
- Khởi nguồn từ ĐẠO huyền không "sunyata" (vốn dĩ HƯ VÔ mãi là như thế), dòng chảy nhân văn tri thức này hồn nhiên biến hóa liên tục (trong cuộc sống mỗi cá thể) thành những "uẩn khúc" (skandhas = mối liên hệ phức tạp do cảm thụ + ý thức + ấn tuợng + sắc tuớng + trí tuệ ... của người đó kết hợp lại) rất đỗi cám dỗ ngọt ngào tựa như khúc luân vũ ma mị cứ đeo đẳng tái diễn vui - buồn - suớng - khổ.... cho mọi kiếp NGƯỜI.

 

Lê Hưng VKD
(và các cộng sự thế hệ thứ 5 gia tộc LÊ LÃ / Hưng Yên )


Tài liệu tham khảo:

TÂM THIỀN LẼ DỊCH XÔN XAO - NXB Tổng hợp TP. HCM - 2008.

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com