ANH THƯ: Lấy chồng công chức

DSCN1055rrr

"Đàn bà rắc rối quá". Đột nhiên,  tôi buột miệng sau khi đọc xong tạp bút này. Họ "rắc rối" thật sao? Đọc thì biết. Trên đời này,  họ đánh giá với người đàn ông (của họ) hoàn toàn theo suy nghĩ chủ quan, bất chấp logic, không thèm theo bất cứ một chuẩn mực nào cả. Nếu được khen, người đàn ông đó vẽ vang với danh hiệu "người đàn ông gương mẫu"; bằng không cũng chỉ là "đứa trẻ không chịu lớn" (trong mắt họ). Có phải vậy không Anh Thư?

L.M.Q

X.2012

 

Lấy chồng công chức

 

Tôi có một chị bạn thân. Chị ấy rất sắc sảo và thông minh. Chồng chị ấy làm trong cơ quan nhà nước, đâu như cơ quan cấp bộ hay ngang bộ gì đó. Chị ấy cũng biên chế nhà nước. Hai vợ chồng có một cô con gái đang học cấp hai. Hai vợ chồng “sáng cắp ô đi tối cắp về”, đầm ấm lắm, yên ả lắm.

Chồng - con - nhà cửa - công việc, bốn cái lớn nhất quan trọng nhất đảm bảo cho một cuộc sống bình thường nhất thì chị đã có đủ rồi. Mấy ai hơn được chị đây. Ấy vậy mà chị chẳng mấy khi hài lòng thì phải. Thi thoảng gặp nhau, câu chuyện đầu tiên, lời kêu ca đầu tiên của chị là hướng về đối tượng chồng.

“Ôi giời, cái lão ấy nhà tao đần chết đi được”. Chị gọi chồng bằng “lão” không phải vì anh hơn chị gần chục tuổi, cũng không phải vì nom anh già hơn chị. Chị gọi bằng “lão” đơn giản vì không khoái cái “xì-tai” của chồng.

Đàn ông con giai gì mới ngấp nghé 40 mà phong thái đã như ông già. Lúc nào cũng nghiêm cẩn, lúc nào cũng điềm đạm. Sáng cơm nhà, trưa cơm nhà, tối cũng cơm nhà. Đến ngụm nước uống ở cơ quan cũng phải tha từ nhà lên. Chẳng rượu chẳng chè chẳng thuốc lá cafe. Ngày nghỉ, muốn cho con ra ngoài ăn một chút, chơi một chút thì có vẻ cũng không thích, kêu ăn ở ngoài không hợp, rồi thực phẩm không kiểm soát được, rồi vân vân và vân vân. Rút cục cứ ru rú ở xó nhà, nấu nấu nướng nướng phát mệt. Suốt ngày như thế. Cả tháng cả năm cả đời như thế, ai mà phục dịch được cơ chứ.

Đó là chưa kể cái tính sạch sẽ, cái tính cẩn thận ngăn nắp một cách thái quá. Cái gì để đâu là cứ phải để đó, chị có dịch chuyển, có muốn thay đổi, hay là quên chỗ nọ bỏ chỗ kia là y như bị nhắc nhở, dù nhẹ nhàng thôi nhưng cũng là nhắc nhở (hic hic). Rồi còn cả cái tính điều độ đến quá mức nữa. Đi đúng giờ, về đúng giờ, ăn đúng giờ, ngủ đúng giờ. Nếu có bất thường đi một chút thì… eo ôi, phải báo trước một ngày.

Thế cái chuyện ấy có đúng giờ không chị?

Con ranh này, cứ trêu chị. Chị nói thật đấy. Chị là chị không chịu được cái bình bình ấy đâu. Nó nhạt nhẽo lắm, đơn điệu lắm. Nó làm chị phát chán lên được.

Thế tiền nong thì thế nào, chị có nắm được thu nhập của anh ấy không?

Ôi giời, đồng lương nhà nước, có gì mà không nắm được. Vậy mỗi tháng anh ấy đưa chị bao nhiêu?  Thì anh ấy đưa thẻ ATM cho chị giữ mà. Đưa hết cho chị, rồi lấy gì mà tiêu? Ừ thì chị lại đưa lại. Vài trăm. Lão ấy có tiêu gì đâu. Cơm thì đã cơm nhà rồi. Quần áo chị sắm cái gì mặc cái đó. Điện thoại thì chị khống chế chạm trần không quá hai trăm. Còn cái khoản đầu tóc thì lão tự ý húi cua cho nó tiện, đến kì thì cắt. Lão ấy có tiêu pha gì cho lão nữa đâu. Nhiều khi mở ví ra, thấy còn tiền, thôi chị chả đưa nữa. Cầm nhiều tiền để sinh rửng mỡ đi với gái à.

Trời, thế là chị sướng nhất rồi. Làm chủ gia đình, làm chủ… cả chồng nữa còn gì. Dưng mà em hỏi thật, thu nhập của anh chị mỗi tháng có được vài chục không?

Con ranh này, lấy đâu ra. Cả hai vợ chồng đều công nhân viên chức. Ừ, nhưng cơ quan lão còn khá, chứ chỗ chị, ngoài đồng lương còm ra chả còn khoản nào khác. Cùng một chế độ nhà nước, khá là khá làm sao? Thì chỗ lão hay có dự án nọ dự án kia. Mỗi dự án gom lại cũng được chút chút. Năng nhặt chặt bị mà. Được cái lão nhà chị cũng chăm chỉ. Thêm cái trợ cấp trưởng phòng nữa cũng tạm tạm.

Thế thì chị lại chủ quan rồi. Anh ấy có thu nhập ngoài, làm sao chị kiểm soát được mà tự tin như thế?

Hèn nào mỗi tháng chị chỉ đưa cho anh ấy vài trăm. Xì, lão nhà chị được cái thương vợ thương con. Lão cũng biết chị vất vả. Với lại thỉnh thoảng chị cứ rầu rĩ ra đấy, kêu ca nào tháng vừa rồi tiêu tốn quá, con học mất nhiều tiền quá… là trong túi có bao nhiêu lão phun ra hết ấy mà. Chẳng biết lão có sợ mình khổ không nhưng dứt điểm là lão sợ con lão khổ. Nói thực, cũng vì lão thương con lão thế nên nhiều lúc giận, chị muốn làm um lên rồi, muốn cho tanh bành rồi nhưng nghĩ đi nghĩ lại, lại thôi. Người đâu mà nguyên tắc. Người đâu mà tẻ nhạt. Người đâu mà chẳng có nhu cầu gì về tinh thần hay sao ấy. Cái gì cũng chuẩn mực, cái gì cũng mô phạm. Em cứ ở với người như thế một ngày mà xem, chán ngay!

Thế ngày xưa, sao chị lại yêu rồi nhất định lấy người ta cho bằng được?

Dào, đến tuổi lấy chồng thì phải lấy chứ. Vả lại, mình cũng tìm hiểu chưa kỹ. Vả lại, đến nhà lão, thấy lão chăm sóc bố ốm mẹ đau chu đáo lắm, hiếu thuận lắm nên mình xúc động, mình thương, mình nghĩ con người như thế không thể là người ăn ở hai lòng được. Mà phụ nữ mình cần những người như thế làm chồng. Đàn ông bây giờ ý à, sểnh ra một tí là dối vợ luôn, là cặp kè luôn, hãi lắm em ạ.

Thế thì chị còn kêu ca gì nữa.

Ừ, thì kêu vẫn phải kêu. Cũng chỉ vì chị muốn thỉnh thoảng thay đổi một tí, chứ vợ chồng mà cứ ngày nào cũng trông thấy mặt nhau, ngày nào cũng ngần ấy công việc ngần ấy sinh hoạt thì buồn tẻ lắm em ạ. Đôi khi chồng đi vắng như em hóa lại hay.

Ôi giời ơi, thế thì chị không biết, hôm trước em vừa gọi điện than thở với chồng em, em bảo ước gì vợ chồng mình cũng giống như hai vợ chồng bán rau ở ngoài chợ kia kìa, sáng chở nhau chở rau đi, chiều chở nhau về, cả ngày bên cạnh nhau sung sướng biết bao nhiêu. Ừ, nhưng công việc của chồng em nó phải giao tiếp, phải quan hệ rộng thì mới kiếm được nhiều tiền. Chứ như lão chồng chị thì… Ngày lễ ngày tết bảo lão đi đến chỗ này chỗ kia biếu nọ biếu kia lão cũng chẳng chịu, kêu ở nhà cho khỏe cái thân, lại còn mắng chị là cơ hội là chụp giật. Thế có tức không cơ chứ. Chà, nếu vì tiền mà vợ chồng mỗi người một nơi, sáng mỗi người mỗi ngả, đêm muộn rồi mà mâm cơm vẫn còn đậy lồng bàn thì em chả thiết. Em dám đánh đổi tất cả để lấy được hai chữ “bình yên”.

Chị biết không, hôm nọ em mới sực nghĩ ra là đã lâu lắm rồi vợ chồng con cái em chưa có một bữa cơm sum họp nào theo đúng nghĩa gia đình. Ngày trước, cứ cho con ăn xong là em lại đợi chồng em về ăn cùng. Đợi mãi, đợi đến khi cơm canh nguội ngắt nguội ngơ rồi mà anh ấy vẫn chưa về. Em thì đói lả, đói đến nỗi khi ngồi vào bàn ăn thì không còn cảm giác muốn ăn nữa, đói đến nỗi nếu ăn cơm vào là sẽ bị đau bụng anh ách luôn.

Chị biết không, những đêm mùa đông lạnh ngắt, gió thổi xạc xào lạnh buốt, em cứ dỏng tai lên để nghe tiếng xe máy của anh ấy. Bao nhiêu lần mừng hụt, vì tiếng xe nào chẳng giống tiếng xe nào cơ chứ. Hôm nọ, em nhìn thấy hai vợ chồng nhà kia, chồng đẩy xe cho con, vợ cầm bát cháo đút cho con mà em ứa nước mắt. Em nghĩ vợ chồng em chưa một lần nào đi cùng nhau như thế, sóng bước cùng nhau như thế, cùng nậng nịu con ăn trong một buổi chiều nhẹ nhõm và thanh thản…

Con ranh, mày khóc đấy à. Có gì đâu mà khóc. Thôi nín đi. Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Đừng nhắc đến nó nữa để nó còn yên tâm làm ăn. Đàn bà mình khổ mình thiệt đã đành. Đàn ông nó cũng chẳng sung sướng gì đâu. Nín đi em. Đến giờ chị phải về nấu cơm cho bố con lão rồi. Chẳng biết ăn cái gì bây giờ…

Bóng chị đổ dài theo nắng chiều. Chị hòa vào dòng người buổi tan tầm. Trong dòng người ấy, ở một hướng khác, một con đường khác, chồng con chị cũng đang vượt đám đông trở về nhà. Bữa cơm sum họp đang chờ đợi họ.

Anh Thư

cùng một tác giả: http://www.leminhquoc.vn/lmq/the-loai-khac/tac-pham-cua-ban-be/1096-anh-thu-con-xam.html

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com