Thơ NGUYỄN BẢO CHÂN

Quen nhau chừng mười mươi năm, ít gặp nhau nhưng thỉnh thoảng vẫn đọc thơ của nhau. Mừng vì cuối tháng 6.2012, nhà thơ Nguyễn Bảo Chân được mời tham dự Liên hoan Thơ ở Anh. Có 204 nhà thơ từ khắp nơi trên thế giới được chọn từ hơn 4.000 người, tiến cử bởi những Liên hoan Thơ trước đó. Nguyễn Bảo Chân được Liên hoan Thơ Medellin ở Colombia giới thiệu. Trước chuyến đi này, Nguyễn Bảo Chân đã trả lời một cuộc phỏng về thơ, từ Anh (http://ticketing.southbankcentre.co.uk/poetry-parnassus/poets/chan-nguyen-bao) và lời giới thiệu:

Picture-210RR

Nhà thơ Nguyễn Bảo Chân

“Nguyễn Bảo Chân sinh năm 1969, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đã xuất bản 3 tập thơ: "Dòng sông cháy" (NXB Thanh Niên 1994), "Chân trần qua vệt rét" (NXB Hội Nhà văn, 1999), "Những chiếc gai trong mơ" (Song ngữ Anh - Việt, NNB Thế Giới, 2010). Tập "Dòng sông cháy" nhận giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 1994. Nguyễn Bảo Chân từng tham dự nhiều Liên hoan Thơ Quốc tế có uy tín, gần đây có thể kể đến Liên Hoan Thơ Medellin ở Colombia (7/2008) hay Liên hoan Thơ Parnassus tại London, Vương quốc Anh (6/2012). Hiện Nguyễn Bảo Chân là biên tập viên Ban Văn nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam”.

Nay, tôi chia sẻ với bạn yêu thơ chùm thơ của Nguyễn Bảo Chân vừa gửi trang web www.leminhquoc.vn. Tôi đọc và yêu một không gian thơ châu Âu được diễn đạt nhuần nhuyễn bằng tâm hồn Việt và cái nhìn rất Hà Nội. Chúc mừng bạn thơ. Phía chân trời vẫn còn có những câu thơ vẫy gọi, dù mơ hồ, dù lãng đãng khói sương nhưng cũng khiến ta lại bắt đầu cho một chuyến viễn du. Với thơ. Chỉ có thế.
 

L.M.Q
IX.2012

Steven J. Fowler phỏng vấn Nguyễn Bảo Chân


Steven J. Fowler: Dường như luôn có sự hiện diện sống động của Hà Nội đâu đó trong thơ chị. Hà Nội đã ảnh hưởng đến chị như thế nào?

Nguyễn Bảo Chân: Hà Nội là thành phố của đời tôi. Nó đã thay đổi rất nhiều trong vòng hơn 30 năm qua, chẳng còn giống với Hà Nội của tuổi thơ tôi nữa. Thành phố giờ hiện đại hơn, đông đúc hơn và trở nên ô nhiễm. Nhưng nó vẫn gợi một sức hấp dẫn tiềm ẩn, mà thời gian và cuộc sống hiện đại không bao giờ xoá nhoà được. Từng điều nho nhỏ tôi nhìn thấy hàng ngày trên thành phố của mình, đều có thể trở thành nguồn cảm hứng thi ca, bởi chính Hà Nội là một bài thơ lớn với tất cả nhan sắc và những di sản cổ xưa của nó. Hà Nội đã và sẽ mãi mãi là một phần tinh chất của thơ tôi, của những kí ức và tình yêu của tôi.

SJF: Tác phẩm của chị có tiếng bởi tính trữ tình và sự ngân rung của nó, điều đó dường như gợi lại những yếu tố truyền thống của thi ca Việt Nam. Liệu nó có đi vào Thơ chị một cách hiển nhiên?

NBC: Khi tôi còn nhỏ, bà ngoại và mẹ tôi vẫn thường hát ru tôi ngủ. Tôi sẽ không chịu ngủ nếu không được hát ru. Đó là những bài ca dao, dân ca Việt, tác giả khuyết danh, lưu truyền từ đời này sang đời khác, được ngâm lên một cách du dương đặc biệt. Lời ca thật đẹp, về tình yêu, về thiên nhiên...Vẻ đẹp của tiếng Việt và nền văn  hoá giàu có của chúng tôi đã làm phong phong phú tâm hồn tôi một cách tự nhiên. Thực ra, khi bắt đầu sáng tác, tôi không hề định mang những yếu tố truyền thống vào thơ. Hơi hướng truyền thống ít nhiều xuất hiện trong những bài thơ tôi viết, như một phần tất yếu của tâm hồn tôi, dù những bài thơ có thể được viết dưới những hình thức hiện đại nào đó.

SJF: Liên hoan Thơ Parnnasus là một trong những sự kiện thơ ca lớn nhất được tổ chức, trong hơn một tuần, với sự có mặt của hơn 200 nhà thơ. Mục đích cốt yếu của nó, đưa mỗi nhà thơ đến từ từng Quốc gia, góp mặt tại Olympics, có nghĩa, trong một phạm vi chắc chắn, chị là người đại diện của dân tộc mình, và một nền văn hoá thi ca. Chị cảm thấy thế nào về ý tưởng này?

NBC: Được là người đại diện của dân tộc và nền văn hoá thi ca Việt, quả là niềm vinh dự lớn lao trong đời tôi. Tôi sẽ cố gắng hết sức mình, để giới thiệu một phần khiêm tốn nào đó về nền văn hoá có lịch sử lâu đời và truyền thống thi ca của chúng tôi. Tôi sẽ tự hào nói rằng, tôi là người Việt Nam; tôi làm thơ bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Ngay cả đôi khi tôi cũng thử sáng tác bằng tiếng Anh, một ngôn ngữ tôi yêu và gắn bó nhiều năm qua, tôi vẫn viết với tất cả trái tim và tâm hồn của một người Việt đích thực, đã ăn sâu bén rễ vào lòng đất mẹ.

SJF: Vậy cảm giác của chị thế nào khi đến London, chia sẻ những sáng tác của mình và đọc thơ trước công chúng ở đó?

NBC: Bởi yêu ngôn ngữ và văn học Anh, nên tôi từng mơ ước, nước châu Âu đầu tiên tôi đến sẽ là nước Anh và thành phố London lịch sử. Thật may mắn, tôi từng có cơ hội thăm nước Anh, thăm London vào năm 2007, và tham dự Liên hoan Edinburgh. Như số phận, nước Anh chính là nước châu Âu đầu tiên tôi đặt chân đến. Trở lại Anh Quốc luôn là một trong những điều tôi mong muốn nhất kể từ đó. Lúc này đây, khi trả lời câu hỏi của anh, tôi không thể nói điều gì về cảm giác của mình nếu đọc thơ trước công chúng ở London, vì tôi chưa có dịp. Nhưng tôi rất nóng lòng có mặt tại London vào mùa hè này, tham dự Liên Hoan Poetry Parnnasus. Tôi đã từng đọc thơ tại một số thành phố trên thế giới, từ Đông Nam Á, đến Nam Mỹ. Tôi nhận thấy công chúng rất nồng nhiệt với thơ ca, dù họ ở bất cứ nơi nào. Họ đã khiến tôi rất cảm động, và truyền cảm hứng cho tôi để tôi có thể chia sẻ những sáng tác của mình. Tôi tin rằng, công chúng ở London cũng sẽ cổ vũ tôi, cho phép tôi được bày tỏ mình qua thơ.

SJF: Trong phạm vi tuyệt đối của mình, Liên hoan Thơ Parnnasus mang đến cho chị cơ hội có một không hai để tương tác cùng các nhà thơ đến từ khắp nơi trên hành tinh. Chị nghĩ thế nào khi trải nghiệm chung này sẽ giúp ích cho những người góp mặt, bộc lộ mình với nhiều truyền thống thi ca khác biệt, để nghe thơ qua  nhiều ngôn ngữ khác nhau?

NBC: Là một nhà thơ Việt Nam, tôi vô cùng vinh dự và hạnh phúc khi được mời tham dự LH Poetry Parnnasus. Đây quả là cơ hội lớn cho những nhà thơ từ khắp nơi trên thế giới học hỏi về những nền thi ca và văn hoá khác nhau. Tôi nghĩ, mọi thứ chúng ta trải nghiệm trong cuộc đời đều mang lại lợi ích cho chúng ta, bằng cách này hay cách khác, không quan trọng đó là hạnh phúc hay bất hạnh, niềm vui hay nỗi buồn, thành công hay thất bại... Cuộc sống thay đổi từng ngày. Những gì hôm nay là mới mẻ thì ngày mai lại đã cũ rồi. Nhưng tôi tin, có những khoảnh khắc đặc biệt, những điều hiếm hoi nào đó sẽ còn mãi trong ta, như những tài sản tinh thần quý giá. Và LH Poetry Parnnasus sẽ là một trong những khoảnh khắc đó của tôi.

SJF: Chị học điện ảnh và làm việc ở truyền hình. Công việc của chị liệu ảnh hưởng thế nào đến việc sáng tác của một nhà thơ như chị?

NBC: Không, thực ra thì công việc hiện tại của tôi tại Đài Truyền hình Việt Nam chẳng ảnh hưởng mấy đến vai trò nhà thơ của tôi. Ở VTV, tôi là một nhà báo năng động,  biên tập viên một chương trình về Văn học Nghệ thuật. Là một nhà báo, nghĩa là, tôi phải mạch lạc, có lý, khách quan và kiên định trong những ý kiến mình đưa ra. Thơ thì lại khác. Nó có thể được bắt đầu từ một cái gì đó rất nhỏ, rất mơ hồ. Nhưng rồi nó lớn dần lên trong tâm trí tôi, như cách một hạt mầm đâm chồi, thành cây xanh tốt với hoa tươi quả ngọt.

SJF: Ý tưởng về một thi đàn thực sự là tâm điểm của dự án Liên hoan Poetry Parnnasus, gợi về LH Thơ Quốc tế từng được tổ chức tại London năm 1967, sự kiện nhằm mục đích nói đến những quan điểm tự do diễn thuyết, sở hữu cộng đồng và hoà bình thông qua nghệ thuật thi ca. Chị có cho rằng truyền thống này cần được duy trì  năm 2012?

NBC: Dĩ nhiên. Tôi nghĩ truyền thống đó nên được duy trì, không chỉ năm nay mà còn cả trong tương lai. Nó sẽ mở rộng tầm ảnh hưởng của thơ ca, mang những tâm hồn đến với nhau, đưa con người lại gần nhau, tạo nên sự đoàn kết vượt qua những khoảng cách, những biên giới và sắc tộc. Tôi hy vọng, truyền thống thi ca này sẽ tồn tại lâu dài, trên phạm vi toàn thế giới.

(nguồn:http://ticketing.southbankcentre.co.uk/poetry-parnassus/poets/chan-nguyen-bao)

 

Thơ NGUYỄN BẢO CHÂN

 

Paris bên một tiếng thở dài

                               Viết cho Paris, như tôi từng biết

 

Đã có lần mắt đắm sông Seine,
ngợp bóng
Paris bên một tiếng thở dài
Paris trong hơi ấm bàn tay
Paris kề nụ hôn ngàn ngạt lá phong vàng
tôi thả vụn croissant
gọi đám bồ câu trước cửa Notre Dame,
rồi nhủ:
ta sẽ quay lại nơi này,
thuộc Paris như thuộc người tình cũ
tỏ lối gió qua cầu
quen đường trăng xuống phố
khói thuốc mờ
cay sương sớm
nức hương café sáng
nhấp một ngụm Paris đắng
ánh nhìn nâu
sóng sánh cười...

Paris thong dong
tôi vội  vã
hết ngõ ngách loanh quanh
lại đến phố dài
những biển số nhà cũ kĩ
lớp sơn bong từ quá khứ ngủ vùi
ai còn đó, trên căn áp mái
mơ mộng viển vông những chân trời
Cosette trốn cha
theo hoàng tử của mình
sột soạt áo khăn
giấu bước chân do dự
qua những lâu đài vàng son
rèm buông, cổng đóng
chàng xa rồi
vườn  vẫn vườn xanh
hoa lá lao xao...

Paris ồn ào
tôi lặng lẽ
tan
vào nắng
vào mưa
vào gió
vào sương
ngày trở lại
tôi tìm bóng mình
gặp bóng ai
sông Seine chảy ngược
về tôi,
sâu một tiếng thở dài...

10/11/2011


Mùa Non

Trời xanh ghen với mắt xanh
Gót xuân
Vừa ghé
Môi hanh  
Nắng đào
Nhấp lời
Tan
Cuống quýt nhau
Trắng
Đen
Nảy phím cầm
Trào tri âm
Trăng buông
Lênh láng ngón thầm
Sông nghiêng cạn nước
Đăm đăm
Ngóng về
Mưa bời
Mây rối
Tóc mê
Sợi đêm
Đợi sáng
Lắng nghe bước mình
Lạc vào quãng lặng thênh thênh
Chạm mùa non,
Trổ búp tình
Ấm cây.

6/2/2011 (Mồng 4 Tết Tân Mão)

 

Hồng vàng Mùa Vọng


Chủ Nhật lần thứ hai,
mùa Vọng*
những đóa hồng vàng tỉnh giấc
trà Anh thơm sáng
rượu mềm trưa
gió hanh,
và trời xanh vắt ngoài kia...

Có khoảnh khắc
thời gian ngưng thở
trước ánh hoa rạng ngời
âu yếm góc phòng
nơi cửa sổ he hé
mụ mị gót nắng
tới khẽ
đi thầm
để lại dấu yêu
mướt những cánh vàng
lộng lẫy ái ân.

Ta không thể níu chiều buông
lấp lóa môi
nụ cười chợt tắt
bình hồng thoắt sẫm
chạng vạng nhớ nắng
nhớ dịu mềm hoa
nhớ anh
gai cứa thịt da
sắc vàng đã khép
hương đã phai
mùa vẫn Vọng
ngóng mùa…

11/12/2011

* Mùa Vọng (Advent): Bốn tuần trước lễ Giáng Sinh, 25/12.

N.B.C

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com