THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo Lê Minh Quốc - MỘT NGÀY Ở MỸ - 7

Lê Minh Quốc - MỘT NGÀY Ở MỸ - 7

Mục lục
Lê Minh Quốc - MỘT NGÀY Ở MỸ
Thay lời tựa - Nhà văn NGUYỄN NHẬT ÁNH
1
2
3
4
5
6
7
8
9
LỜI BẠT ĐI MỘT NGÀY ĐÀNG Nhà văn DẠ NGÂN
Tất cả các trang

7.
Bài hát của tôi không phải những chữ mòn lề thói
Nó cộc lốc đặt vấn đề, nhảy sang tận bên kia sự vật nhưng vẫn đem sự vật lại gần hơn
(Walt Whitman)

          Những chiều ở thành phố Kansas (bang Missouri) lạnh khủng kiếp. Mây xám xịt. Lất phất mưa. Đủ ướt tóc. Đường phố vắng hoe. Cỏ dại oằn mình chìm dưới những cơn gió lốc. Buốt lạnh. Trong thâm tâm tôi bỗng bật ý nghĩ ngộ nghĩnh “Bước ra khỏi khách sạn là bước vào... tủ lạnh”.


          Đã bảo rồi, không chịu nghe, anh bạn Đỗ Trung Quân nửa đêm không ngủ được, khoác áo ấm bước xuống phố. Lang thang một mình trong gió buốt. Buốt tận xương. Bỗng anh rùng mình, đưa tay quẹt ngang mũi, thấy một dòng máu nóng chảy ra. Đáng đời nhé. Cũng chả đáng đời gì. Nhờ thế, anh mới có thể cảm nhận: “Những khu da đen bỏ hoang đã hơn một thế kỷ nơi ngoại ô hoang vắng... Những hàng cây mùa đông xơ xác và văng vẳng tiếng kèn đồng buồn bã… Kansas ám ảnh bởi ấn tượng hiu quạnh ấy. Nhưng chính sự buồn bã của âm nhạc, từ những số phận buồn thảm - đầu thế kỷ cũ, người da đen không được vào trung tâm thành phố, họ quần tụ nơi ngoại ô của mình. Chính những nơi này họ - những nghệ sĩ đường phố, thứ màu da bị ruồng bỏ đã tặng cho nền văn hóa Mỹ cái thể loại âm nhạc bất hủ: jazz & blues”.
Thành phố Kansas nổi tiếng vì thế.


        Chúng tôi đã đến thăm một “di tích” của nhạc jazz còn sót lại. Đó là ngôi nhà màu hồng, tường xây bằng gạch đỏ sậm, phía trên cao ghi dòng chữ lớn “Mutual Musicians - Foundation Inc”. Ngôi nhà này có từ năm 1904, cũng nhỏ thôi, gợi nhớ đến một bar rượu. Bước vào trong, sau khi nhìn các hình ảnh liên quan đến sự ra đời của thể loại nhạc này, từ thập niên 20 của thế kỷ XX, chúng tôi đã bước lên một cầu thang gỗ cũ kỹ. Tầng này, sàn cũng bằng gỗ, là một một sân khấu biểu diễn và quanh tường chỉ có thể là những ảnh của những tên tuổi lừng danh như Count Basie, Charlie Parker, Mary Lou Williams... và nhiều nghệ sĩ khác từng biểu diễn tại đây.


        Nếu ở đây chưa “đã” con mắt nhìn, chưa no nê con mắt ngắm, chưa rót đầy âm nhạc vào tai thì ta có thể đến Bảo tàng nhạc jazz. Nơi này không cho phép chụp ảnh. Chỉ quan sát bằng mắt, không thể sờ vào hiện vật, tất cả đều được ngăn lại bằng kính trong suốt. Ngoài ra ta có thể tìm hiểu thêm qua hệ thống máy vi tính đặt trong phòng. Tôi đã dừng khá lâu tại nơi trưng bày hình ảnh của huyền thoại Charlie Parker. Từ hình ảnh thuở lên 7 đến những “pha” biểu diễn để đời của ông. Đây là nhân vật đã được dựng tượng tại một công viên ở Kansas. Tượng Charlie Parker màu xanh ngọc, đôi mắt ông khép hờ lại, nhìn xuống và đôi môi dày nhô ra. Bức tượng này chỉ có mỗi một cái đầu người nghệ sĩ tài hoa, nhưng nhìn ngang ta sẽ thấy hình thù bản đồ châu Phi. Âm nhạc, hay nói rộng ra là di sản văn hóa của người da đen đã để lại trong tôi nhiều tình cảm. Biết trong đoàn có những người ít nhiều liên quan đến hoạt động nghệ thuật, một nghệ sĩ da đen cao hứng bước lên sàn diễn. Anh đã biểu diễn nhạc jazz bằng tất cả cảm hứng nồng nhiệt. Ngoài đường vẫn gió lạnh. Nghe xào xạc lá cây trong gió thốc. Mọi người lặng im lắng nghe. Tôi nhìn một cô gái da đen có đôi mắt buồn thăm thẳm:


Chảy xuống từ trời đen một dòng đen
âm nhạc đen thế giới màu đen
nhẹ nhàng nốt nhạc đen
như dòng lệ em
lăn qua tình yêu đen
thời gian khoảnh khắc đen
từng giọt đen
từng giọt
từng giọt
tôi đưa tay che lấy ngực
một dòng đen đang nhói trong tim
tiếng kèn man dại
đen đen đen
những thân phận da đen
tiếng nấc lên men
cỏ dại hoa hèn
ngàn năm từ đá
bật lên những chồi đen
hy vọng...


           Nếu trước đó, gặp những người da đen ở thành phố San Francisco (bang California) tôi sẽ không có bài thơ này. Những người da đen vô gia cư, thất nghiệp, lang thang... đã làm tôi thất vọng. Họ có thể ngửa tay xin du khách từng mẩu thuốc lá, từng đồng cent. Không thèm quan tâm đến những ánh mắt miệt thị từ nhiều phía. Có những khu phố ngay trung tâm, nhưng người ta dặn dò ban đêm không nên lảng vảng một mình đến đó. Có thể bị trấn lột. Và tại trước tòa thị chính của thành phố này, trong một khuôn viên nắng ấm, tôi đã nhìn thấy một người đàn ông da đen nằm co quắp, che phủ bằng một cái mền chuột gặm, nhầu nát, đói rách... Trên đường phố, mỗi sáng, tôi lại thấy những người thất nghiệp đứng xếp hàng, chờ đến phiên mình nhận phần ăn. Những hình ảnh trái ngược của một nước Mỹ giàu có... 


          Nhìn hình ảnh bệ rạc đó, bất chợt tôi nhớ đến một tác phẩm đã tố cáo sự man rợ của chế độ nô lệ da đen. Nó đã “đổ dầu thêm lửa” làm bùng nổ cuộc “nội chiến” nước Mỹ. Đó là Túp lều của bác Tôm của nhà văn nữ E Beecher Stowe, ra đời năm năm 1852. Ban đầu bà nghĩ chỉ là một câu chuyện tầm thường, nhưng từ lúc được in ra đến cuối năm đó đã bán hết 300 ngàn cuốn, rồi phải tám máy in chạy suốt ngày đêm mới đủ số lượng cung cấp cho độc giả. Tổng thống A. Lincoln khi gặp bà lần đầu tiên đã ngạc nhiên: “Hóa ra bà chính là người phụ nữ nhỏ bé đã viết cuốn sách làm bùng lên cuộc chiến tranh vĩ đại”. Đó là cuộc chiến tranh giải phóng người da đen nô lệ. Nhưng nay chính người da đen đã làm tôi thất vọng. Tôi lại nhớ đến văn hào Lỗ Tấn. Năm 1916 nhân xem phim chiến sự Nga - Nhật, ông thấy người lính Nhật chém đầu người Trung Quốc bị tình nghi là gián điệp của Nga, thế mà những người Trung Quốc chung quanh lại dửng dưng vô sự. Lỗ Tấn bị xúc phạm dữ dội và nhận thức ra rằng, dân một nước mà tinh thần còn nhu nhược thì cơ thể có khỏe mạnh cũng trổ thành đớn hèn, vô dụng. Thế là Lỗ Tấn bỏ học ngành Y để để xướng phong trào văn nghệ mới. Thì ra, cái sự khỏe mạnh của thân xác cũng vứt đi, nếu trong đầu óc của anh không có gì khác ngoài việc ngày qua ngày chầu chực một miếng ăn. Tôi lại gặp những người da đen to cao lửng thững, thất thỉu đi trên phố. Không rõ trong đầu họ nghĩ gì?


         Đường phố San Francisco luôn gợi cho tôi một cảm giác bất ổn. Khi đến Hà Lan, trở về tôi viết tập bút ký Du lịch của người câm, trong đó có đoạn: “Một ngày ở Amsterdam, nếu bình tâm ta sẽ nghe nhiều hồi chuông vang lên nhịp nhàng. Khi dài, khi ngắn, khi mơn trớn, khi gióng giả... Có lẽ tùy theo đó mà người ta có thể đoán giờ hoặc những hồi chuông ấy mang theo một tín hiệu nào đó cần thông báo đã được quy ước trước trong cộng đồng chăng? Mỗi một ngày được nghe những hồi chuông của sự khoan dung thì lòng ta sẽ nhẹ nhàng hơn. Khi hỉ nộ ái ố níu lấy tâm hồn ta để nhấn chìm xuống bụi bặm thì tiếng chuông sẽ kịp thời vọng đến để thức tỉnh. Nghĩ như thế, tôi cảm tình với những hồi chuông lãng đãng thỉnh thoảng vọng đến và chờ đợi lắng nghe”. Tại San Francisco khác hẳn. Dù nằm trên tầng lầu 11 của khách sạn Nikko, cửa đóng kín nhưng thỉnh thoảng tôi lại nghe những tiếng còi xe rú lên thảng thốt. Giật mình. Vén rem nhìn xuống đất có lúc nhìn thấy xe cảnh sát vừa phóng qua...


          Chiều nay, chúng tôi vào thăm Bảo tàng Nghệ thuật châu Á, cách Tòa thị chính San Francisco không xa. Vào Tòa thị chính uống cà phê, xem tranh ảnh nghệ thuật, chụp hình lưu niệm; hoặc nếu ai đó “lỡ dại” ký kết chung sống trăm năm với người mình thương, mình yêu, mình nhớ thì cứ việc rủ nhau vào đây làm lễ cưới. Cứ vô tư bước vào đi, không e ngại một ai làm khó dễ. Nhưng muốn Bảo tàng phải mua vé đấy nhé!


          Vừa đẩy tấm cửa kiếng trong suốt, bước chân vào Bảo tàng tôi đã gặp bức tượng ông Avery Brundage (1888- 1975), một tay vận động viên, giàu có do buôn bán bất động sản, nhờ đi nhiều nơi trên thế giới và ý thức rằng “nếu nhân loại có sự trao đổi văn hóa thì họ sẽ hiểu biết nhau hơn”. Thế là toàn bộ tài sản được đem ra mua các hiện vật nghệ thuật - chủ yếu của châu Á - và khi qua đời ông đã hiến cho nhà nước. Nhiều thành phố muốn nhận, nhưng ông ta chỉ ưu tiên cho San Francisco, vì từ thành phố này chỉ vượt qua Thái Bình Dương, đã là cửa ngõ bước sang châu Á. Món quà vô giá này, ước định khoảng từ 3 đến 5 tỷ USD. Trong đó có nhiều hiện vật của Việt Nam. Vị trí  Bảo tàng này nguyên trước đây là Thư viện của thành phố, xây dựng từ năm 1917. Để trở thành Bảo tàng, người ta phải bỏ thêm 160 triệu USD cải tạo. Tiền đâu? Chủ yếu cũng từ phía những nhà hảo tâm có tâm hồn yêu nghệ thuật. Có một chi tiết ít người biết, kể cả người Mỹ, để bảo vệ sự an toàn tuyệt đối cho các hiện vật được trưng bày người ta đã làm gì? Thưa, khi làm móng xây toà nhà này, người ta đã đặt 250 tấm cao su khổng lồ, có sức co giãn nếu chẳng may xẩy ra động đất!


          Khi đến San Francisco, chúng tôi đi tham quan cây cầu Cổng Vàng (Golden Gate Bridge) nổi tiếng - một trong những cây cầu đẹp nhất thế giới. Nó trải dọc hai bờ vịnh San Francisco nhìn ra Thái Bình Dương. Tại cây cầu này có gắn những “đường dây nóng” nhằm hạn chế kẻ muốn lìa bỏ trần gian trong lúc quẫn trí. Trước lúc kết liễu cuộc đời, nếu kẻ chán đời trong một tích tắc muốn để lại lời trăng trối, muốn nghe một lời khuyên thì các nhà tư vấn tâm lý của đường dây điện thoại này sẽ lắng nghe, chia sẻ, khuyên can... để họ bỏ ý định điên rồ... Đứng trên cây cầu này, nhìn qua qua dòng sông đang cuồn cuộn chảy ta sẽ thấy đảo Alcatraz. Nơi đó có nhà tù cùng tên đứng trên một chỏm núi quay mặt ra biển. Cứ theo thiên hạ kháo nhau, rằng đây là nhà tù duy nhất trên thế giới mà tù nhân được tắm nước nóng, nếu quen nước lạnh họ sẽ có thể vượt biển vào đất liền (!?); rằng đây là nơi đã từng giam những “đặc sản” của gangster nổi tiếng nước Mỹ như Al Capone, Machine Gun Kelly, Robert Stroud... Từ năm 1963, nhà tù này đóng cửa và trở thành một địa điểm thu hút khách du lịch. Trên đường đi du lịch có những điều cần nghe, cần ghi, cần nhớ nhưng cũng có những điều nghe qua rồi bỏ. Nay, tôi ghi một vài thông tin ngay tại chân cầu Cổng Vàng. Tại đây, tôi đã nhìn thấy bức tượng kỹ sư thiết kế Joseph Baermann Strauss, ngay chân tượng là những thông số về cây cầu. Chẳng hạn, đường dây cáp có chiều dài 2.331.7 mét, đường kính 92.4 mét... Tôi thầm mơ ước sẽ có ngày kỹ sư, công nhân Việt Nam cũng sẽ thực hiện một chiếc cầu tương tự như thế. Tại sao không?


     Vượt qua cầu này, chỉ khoảng 1km 2 ta sẽ vào thành phố Sausalito. Đến đây vào lúc xế chiều, ngước nhìn những ngôi nhà mọc trên núi và nhô ra biển, tôi thấy đẹp mê hồn. Bỗng thèm thuồng có một ngày được đẫm mình trong sóng nước ở đây. Dù chỉ một lần. Giống như đàn bà, sóng biển luôn gợi một tình yêu để ta ngu ngơ đến với nó. Đến vì tưởng sóng biển chỉ tung tăng, hiền hòa, dịu dàng... chỉ biết mơn trớn ve vuốt nhưng ai ngờ giấu trong đó là những đợt sóng ngầm khủng khiếp? Người đưa tôi đến Sausalito là Anh, một giáo viên dạy học ở Oakland  một thành phố nằm ở bờ Đông của Vịnh San Francisco, nép mình vào đồi Berkeley. Anh chàng này có một niềm tin hồn nhiên như trẻ thơ, tin rằng nhà thơ Quang Dũng đã viết hai thơ này tặng riêng cho mẹ anh:


Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội giáng kiều thơm


     Mẹ của anh nay đã ngoài 80, thời xuân sắc là thành viên của ban kịch Thế Lữ, có làm thơ với bút danh Giáng Kiều thường làm thơ xướng họa với các nhà thơ thời Thơ Mới như Vũ Hoàng Chương, Đỗ Huy Nhiệm... Xem ảnh, tôi thấy bà cụ thuở thanh xuân có nét đẹp mê hồn. Nghĩ cũng lạ, khi sáng tác, nhà thơ phóng bút như chơi. Có những câu thơ đi qua trí nhớ của thời gian, có những câu thơ trôi tuột vào lãng quên. Nhưng đời sau, chỉ cần biết chắc (hoặc tưởng tượng) câu thơ đó tặng cho người thân mình, thì trong lòng đã dạt dào một niềm tự hào, một niềm vui vô bờ bến. Điều này có an ủi cho nhà thơ của thời đại chúng ta không? Tôi sực nhớ đến một nhà thơ đoạt giải Nobel cách đây dăm năm, bà kể buổi đọc thơ của bà có chừng mười người đến dự. Trong đó có sáu người thân và dăm người tình cờ tạt vào trú mưa! Nghe ứa nước mắt. Hầu như ngày nay, thơ không còn là mối quan tâm của thiên hạ. Ở Việt Nam cũng thế, chứ huống gì ở Mỹ. Khi đến thăm toà soạn báo San Francisco Chronicle, The Star (Kansas City), Trụ sở Báo chí Hoa Kỳ tại Washington tôi luôn hỏi trên báo họ có... in thơ hay không? Chỉ là những cái lắc đầu và không mấy hào hứng. Những ngày tại nhà Hà ở thành phố Fort Lauderdale, mỗi sáng người ta đưa đến chừng mười tờ báo, nhưng tôi lật vào trang trong tìm thơ cũng mỏi con mắt.


       Nếu trước đây, người Mỹ quan niệm “Tờ báo là con gà đẻ trứng vàng” thì nay không còn đúng nữa. Các nhà báo Steve Paul, Brian McTavish - những người phụ trách tờ The Star cho biết như thế. Nó đã bị sự cạnh tranh khốc liệt của internet. Tờ báo này ra đời năm 1888, do William Rockhill Nelson sáng lập (1841- 1915). Thế mạnh của tờ báo này phát hành vào buổi chiều, sau thêm xuất buổi sáng; nhưng từ năm 1990 bỏ hẳn xuất buổi chiều. Đơn giản chỉ vì hạn chót phóng viên phải giao bài lúc 13 giờ, nhưng đến lúc 18 giờ phát hành báo thì tin tức đã “nguội”. Trong khi đó, internet có thể post lên trong nháy mắt, sẵn sàng nhu cầu “săn” tin nóng của độc giả. Tương tự, nhà báo David Wiegand - người phụ trách phần nghệ thuật của tờ San Francisco Chronicle cho biết, trước đây hằng ngày họ phải in thông tin về thị trường chứng khoán New York, nay thì không vì mạng internet đã “nhanh chân” hơn gấp nhiều lần.


         Hiện nay, trong nền suy giảm về kinh tế, báo chí Hoa Kỳ cũng bị ảnh hưởng về quảng cáo. Những người phụ trách tờ The Star cho biết: Muốn tồn tại họ phải thu về 80 % quảng cáo và chỉ 20 % tiền bán báo. Chỉ tiêu này đã còn không còn dễ dàng. Do đó không ít tòa soạn sa thải nhân viên. Một nhà báo phải gánh thêm nhiều việc hơn. Có thể vừa viết thể thao kiêm luôn bình luận văn nghệ chứ không “độc lập tác chiến” như trước. Ban biên tập phải lập trang web cho tờ báo của mình, nhưng không post tất cả bài vở, nếu thế ai sẽ mua báo in? Trong tình thế khó khăn này, báo chí Hoa Kỳ ngày càng có khuynh hướng giảm số trang in; giảm các trang bình luận về văn hóa văn nghệ như điểm phim và nhất là... các bài “điểm sách” - phê bình, giới thiệu một tác phẩm văn chương! Chao ôi! Cách đây hơn nửa thế kỷ cụ Tản Đà - thi sĩ ngông số một của Việt Nam đã than thở “Văn chương hạ giới rẻ như bèo”, không ngờ nay báo chí ở Mỹ cũng đối xử với nó như thế thôi! Dù giảm trang in, nhưng họ “chống chọi” lại thế mạnh của internet bằng cách cho ra đời nhiều ấn phẩm khác nhau, chủ yếu cũng là các tập san chuyên quảng cáo các sản phẩm mới. Chẳng hạn, ngoài hàng chục ấn phẩm chính, tờ The Star còn phát hành cuối tuần chỉ dành cho đối tượng nhà giàu với cái tựa rất oách “Cứ xài tiền”... Than ôi! Thơ không đẻ ra tiền. Vậy thơ đứng ở nơi nào trên các trang báo ở Mỹ?


         Thử hỏi, người Mỹ có quan tâm gì đến báo chí tiếng Việt của người Việt tại Mỹ? Khoan nói về chất lượng, họ không quan tâm, tôi quả quyết như thế chỉ vì họ không có thời gian. Thế thôi! Ngay cả các loại báo của người Mỹ cũng đã quá nhiều rồi, không sao đủ thời gian “ngốn” cho hết.  Tại khách sạn, mỗi sáng tôi đã thấy người phục vụ đặt sẵn chừng mười loại báo khác nhau ngay trước cửa phòng, nặng chừng mươi ký chứ không ít. Rồi khi về nhà bạn bè ở miền Nam nước Mỹ, cũng không khác. Hằng ngày, người đưa báo đều đặn, chăm chỉ bỏ trước cửa nhà một tập báo, đủ loại rồi mỗi tháng đến thu tiền. Người ta có quá nhiều nguồn thông tin để chọn lựa - chưa kể truyền hình, internet... đang là thế mạnh! Vậy báo chí tiếng Việt sống như thế nào? Vào các nhà hàng ăn người Việt, ta đều thấy có nhiều tờ báo tiếng Việt, chất đầy một góc, từ số “mới ra lò” đến số phát hành cách đây chừng... nửa năm! Thực khách nào quan tâm? Xin mời! “Tình cho không biếu không”! So sánh nào cũng khập khiễng. Tôi chỉ đưa ra nhận xét, các loại tạp chí của người Việt ở Mỹ, từ nội dung đến hình thức không bằng sản phẩm cùng loại phát hành trong nước. Hầu hết nó chỉ in trên loại giấy rẻ tiền, kỹ thuật trình bày cũ kỹ, các chuyên mục lộn xộn nhưng chán nhất là đầy lỗi chính tả. Lật hết một số báo bất kỳ, tôi thấy bên cạnh bài vở hoài niệm về quá khứ, bình luận về chiến sự, thời cuộc cách đây gần nửa thế kỷ, xem bói, tử vi, góp nhặt tin tức trong nước, một vài tin thế giới, cáo phó... thì phần quảng cáo vẫn “ưu thế”. Tất nhiên những quảng cáo này chỉ nhằm phục vụ cho cộng đồng người Việt.


       Thú thật, trong những ngày ở Mỹ, ấn tượng nhất với tôi vẫn là được vào Bảo tàng truyền thông báo chí (NewSeum) tại Washington D.C trên đại lộ Pennsylvania vừa khai trương vào ngày 11.4.2008 với kinh phí xây dựng lên tới 450 triệu USD. Đứng trên tầng thứ sáu, ta có thể nhìn thấy toà Bạch Ốc và tòa nhà Quốc Hội. Tên của nó là sự kết hợp giữa News (tin tức) và Museum (bảo tàng) được đánh giá “Bảo tàng có tính tương tác nhất thế giới” với những kỹ thuật tân kỳ mới nhất của thời đại. Nếu ai có muốn hoàn thành xuất sắc một công trình nghiên cứu về lịch sử báo chí, từ lúc có chữ viết đầu tiên trên đất sét đến đến thời đại computer cứ việc “ăn dầm nằm dề” tại đây khoảng một năm chuyên cần tìm hiểu, ghi chép... sẽ toại nguyện. Nếu ai muốn tìm hiểu nỗi nhọc nhằn tác nghiệp, hiểm nguy săn tin của một nhà báo chuyên nghiệp hãy dành một tháng tìm hiểu tại đây sẽ có thể chia sẻ, đồng cảm...
Còn tôi, tôi đã đến đây một ngày, tôi cảm nhận được những gì?



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com