THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo Lê Minh Quốc - MỘT NGÀY Ở MỸ - 6

Lê Minh Quốc - MỘT NGÀY Ở MỸ - 6

Mục lục
Lê Minh Quốc - MỘT NGÀY Ở MỸ
Thay lời tựa - Nhà văn NGUYỄN NHẬT ÁNH
1
2
3
4
5
6
7
8
9
LỜI BẠT ĐI MỘT NGÀY ĐÀNG Nhà văn DẠ NGÂN
Tất cả các trang


6.
Đây thăm thẳm chiều sâu và chiều cao, nơi gương mặt tôi phản chiếu
Đây bản thân tôi tư duy chìm đắm và trổ được đường ra

(Walt Whitman)

              Nói thật, nhưng không khéo có người cho là đùa. Trong suốt gần một tháng ở Mỹ, tại các cửa hàng sách công cộng tôi chỉ... một lần duy nhất thấy có bày bán công khai các tạp chí chuyên về sex. Thế nhưng cái phần “nhậy cảm” nhất, cần xem nhất (!?) lại bị che lại bằng một tấm gỗ đen, chỉ thấy mỗi cái tựa của tạp chí! Hỏi ra mới biết, những nơi công cộng thường có trẻ em đi theo nên không thể! Thậm chí khi vào quán uống rượu, người ta còn đóng trên tay mình một dấu vuông xanh lè, chứng nhận đã trên 21 tuổi mới được “làm bạn với Lưu Linh”! Thiên hạ thường bảo “tửu sắc”, nhưng ở San Francisco, tôi vào xem “múa cột” giá 20 USD để tận mắt nhìn những mỹ nhân luân phiên khoả thân gợi cảm mà chỉ được uống... nước ngọt miễn phí! Có người bảo, nước Mỹ là “thiên đường” của sex, nhưng thú thật tôi không được “thổ địa” đưa đến nên đành chịu. Có người bảo, đến Mỹ nếu không đến sòng bạc Las Vegas là một thiếu sót trầm trọng. Trầm trọng cỡ nào? Cũng tựa như ăn thịt chó thiếu lá mơ, ăn mì Quảng thiếu bánh tráng, ăn bún bò Huế thiếu trái ớt xanh... hoặc lần đầu tiên mời người yêu vào nhà hàng nhưng lại quên tiền ở nhà! Biết thiếu sót trầm trọng vậy, nhưng tôi vẫn không đến, dù có người tình nguyện đưa đi. Tại sao? Kỳ lạ cho sức ám ảnh của sách vở, dù chỉ một câu ta đã đọc. Thuở học trò, tôi đã đọc một câu trong tự thuật của Phạm Đình Hổ - tác giả Vũ trung tùy bút. Ông cho biết ngay từ nhỏ trước những trò thanh sắc, cờ bạc, hoặc ai đó rủ rê chơi đùa thì “bịt tai lại không muốn nghe”; và lúc lớn lên “các sách kim cổ, thơ cổ, thường xem, không lúc nào rời tay” tôi đã ám ảnh đến giờ và luôn nguyện bắt chước theo.


          Không sòng bạc Las Vegas, ta đi xem các bảo tàng, nhà hát nhé! Đi để tìm hiểu người Mỹ đã thực hiện các biện pháp như thế nào để nuôi dưỡng và phát huy yếu tố văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng? Một câu hỏi không dễ trả lời.


           Khi nói đến dân tộc Mỹ, người ta thường dùng khái niệm “nồi hầm nhừ” (melting pot) quan niệm này do một người Pháp sống ở Mỹ là Crèvecoeur đưa ra từ năm 1782: “những cá nhân thuộc đủ các dân tộc trà trộn nhuần nhuyễn thành một chủng tộc mới” để từ đó xuất hiện “con người mới với những đặc điểm mới”. Nói cách khác, theo nhà văn Trần Kiêm Đoàn, người Mỹ: “Họ cho rằng mọi đặc tính và hình thái văn hóa ngoại lai mang vào Mỹ sẽ bị trộn lại với nhau cùng với văn hóa Mỹ trong một “Nồi súp de văn hóa nóng chảy”.


        Đến nay giá trị của nó thế nào?


          Cũng theo ông Đoàn: “Phải cần cả trăm năm sau người ta mới nhận ra rằng, cái nồi Melting Pot đó đặt hoài trên lò bát quái của văn hoá mà không bao giờ chịu sôi lên để nóng chảy. Thực tế chỉ có một nền “Đa văn hóa” (Cultural pluralism) vẫn tồn tại và trơ gan cùng tuế nguyệt”. Theo Hồ sơ văn hóa Mỹ do nhà nghiên cứu Hữu Ngọc chủ biên: “Thực tế cho thấy “nồi hầm nhừ” chỉ là một ước vọng, một sự lý tưởng hóa đôi khi dùng để cổ vũ hay tuyên truyền. Sự hòa đồng thật tương đối và tính dân chủ và bình đẳng cũng chỉ áp dụng cho một số người da trắng có đặc quyền. Nhiều dân tộc ra khỏi lò tôi luyện mà không biến cải, họ sống đối diện với nhau hơn là sát cánh với nhau”. 


     Điều này có lẽ đúng.


     Tôi nghĩ, dù nước Mỹ trải hơn hai trăm năm lập quốc đã hình thành một chủng tộc mới với đặc điểm mới, cùng hòa nhập và tồn tại chung trong một thể chế chính trị. Nhưng vẫn không thể hình thành một bản sắc văn hóa mới riêng biệt, tiêu biểu của người Mỹ.


           Nói như thế liệu có mẫu thuẫn với suy nghĩ mà tôi đã trình bày về “biểu tượng văn hóa mới” là chú chuột Mickey của tập đoàn ngành công nghiệp giải trí hàng đầu Walt Disney? Thật ra, chú chuột Mickey là biểu tượng nhằm cung cấp cho người nước ngoài một cái nhìn khái quát về văn hóa Mỹ. Nếu đi sâu vào nền văn hóa của Mỹ, qua thực tế và chiêm nghiệm, ta sẽ nhận ra ở đó là sự đa dạng với bản sắc riêng biệt của từng sắc tộc. Dấu ấn Mỹ da đen, dấu ấn Mỹ da đỏ... là “tài sản” của nước Mỹ hôm nay đấy chứ! Nhưng phần hồn sâu thẳm, phần cốt lõi máu thịt của nền văn hóa này nhìn từ góc độ tâm linh, nếu không là người bản địa thì ta sẽ không hiểu hết, không cảm nhận được hết. Một tiếng kèn saxo man dại của Charlie Parker - người đã cách tân thể loại jazz bằng lối chơi đẩy nhanh tiết tấu - thì liệu chúng ta có cảm nhận được hết thân phận Đen không? Một tiếng hú vang vọng trong đêm trăng mờ mịt như sói gọi trên đồng hoang của một người da đỏ, liệu ta có cảm nhận được nỗi cô đơn khắc khoải của chính họ không? Không riêng gì chúng ta, những người nước ngoài, mà ngay cả người Mỹ “chính hiệu con nai vàng” cũng thế. Điều này cho thấy sức sống bền bỉ của văn hóa mà mỗi dân tộc đang có. Chỉ họ mới có thể thể hiện hoặc chia sẻ đến từng “chân tơ kẻ tóc” của loại hình nghệ thuật nào đó mà họ đã và đang gìn giữ từ đời này qua đời nọ. Bản sắc văn hóa ấy không gì có thể tiêu diệt nổi, không gì có có thể đồng hóa nổi. Với chúng ta, một ngàn năm chống lại áp lực xâm lăng văn hóa Trung Hoa, dù họ có tham vọng bành trướng văn hóa của họ xuống phía Nam bằng mọi thủ đoạn dã man nhất nhưng cũng chỉ “nhử đẳng hành khan thủ bại hư” (Lý Thường Kiệt). Với Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ dù sử dụng “nồi hầm nhừ’, dù các thành viên có tự nguyện nhảy vào đó thì cũng không thể “chảy ra” một dòng văn hóa thuần chủng Mỹ!


       Sau nhiều ngày “mỏi gối chồn chân” bởi mỗi ngày sáng, trưa, chiều, tối đều có mặt tại các bảo tàng, nhà hát, khu vui chơi từ Washington D.C lên Kansas ngược về San Francisco rồi xuống Florida, nhằm quan sát và tìm hiểu nền văn hóa Mỹ tôi nhận ra rằng: Mô hình văn hóa của người Mỹ đa dạng nhưng thống nhất trong một chỉnh thể chung để cùng tồn tại.


        Tại Washington D.C ngay sau khi làm việc với bộ phận thiết kế chương trình khách tham quan quốc tế đến Mỹ, Christopher Schewb đưa chúng tôi đến Bảo tàng của người Mỹ gốc châu Phi. Nơi này có khá nhiều hình ảnh và hiện vật liên quan đến quá trình có mặt của người da đen tại Mỹ. Thậm chí còn có cả những giấy viết tay thể hiện sự mua bán người nô lệ ngày xưa. Những trang giấy mỏng mảnh, chữ viết tay gợi lại một quá khứ bi thảm của đất nước Mỹ... Theo ông Robert Hall - người phụ tá giám đốc về vấn đề giáo dục của bảo tàng:


    -Chúng tôi không chỉ trưng bày các hiện vật đã có mà còn phải “làm mới” bằng các hoạt động gắn với nhu cầu thiết thực của công chúng. Chẳng hạn, nơi này từng triển lãm về... chuột! Tại sao lại là chuột? Đơn giản chỉ vì có lúc dân cư trong vùng than phiền về sự xuất hiện bất thường của chuột, họ muốn biết chuột mang lại bệnh tật như thế nào, tác hại như thế nào v.v... Không những thế, đây còn là nơi dạy ngoại khóa cho trẻ em trong vùng về các kỹ năng sống, chẳng hạn cách làm... một ngôi nhà! Những hoạt động này cũng nhằm tạo ra nguồn kinh phí “nuôi” bảo tàng bên cạnh kinh phí của nhà nước rót xuống.


     Đến Gallery Nghệ thuật Arthur M. Sackler, ngay cổng vào đã mở ra trước mắt tôi là một không gian rộng rải, nhiều tòa nhà được liên kết nhau bằng những vườn hoa tulip đang mùa chín rực rỡ. Vàng nõn. Tím nhạt. Trắng tinh. Và những thảm cỏ xanh biếc ùa vào hai con mắt. Đây cũng là nơi những ngày văn hóa Việt Nam lần đầu tiên trên đất Mỹ được tổ chức vào từ ngày 9 đến ngày 10.7.2005 sau chuyến viếng thăm thành công của Thủ tướng Phan Văn Khải và nhân dịp kỷ niệm 10 năm bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ. Tại phòng trưng bày các hiện vật Đông Nam Á, tôi sung sướng nhìn thấy các hiện vật gốm cổ xưa của người Việt đã từng làm lay động xúc cảm thẩm mỹ của người Mỹ. Muốn tìm hiểu  nghệ thuật làm gốm của Việt Nam, tôi chỉ cần thao tác trên màn hình vi tính là được xem một bộ phim sống động. Điều này cũng tương tự như tôi đã từng xem ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nằm trên đường Nguyễn Văn Huyên, Quận Cầu Giấy (Hà Nội). Thật bất ngờ, bà Louise Cort - người phụ trách phòng nghệ thuật gốm - cho biết nơi này cũng có mối liên hệ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và ngược lại, cũng không ngoài mục đích học tập lẫn nhau. Bà nói:


   -Chúng tôi còn tổ chức các chương trình biểu diễn ca nhạc, chương trình gia đình, chương trình học đường... Bảo tàng không là nơi dành cho “người già”, trẻ em cũng có thể tham gia bằng những chương trình như... thi làm thơ! Chẳng hạn, các nhóc có tinh thần yêu thơ sau khi ghi tên tham dự, được phát cho những bức tranh đời nhà Minh, nhà Thanh... để nhìn vào đó mà “tức cảnh sinh tình” bằng thơ; hoặc được phát những bài thơ để đọc, rồi vẽ lại thành tranh. Những “tác phẩm” này được trưng bày hoặc trình diễn. Công chúng muốn thưởng thức phải mua vé.


        Tôi đã được xem những bức tranh ngộ nghĩnh của các “mầm non văn nghệ” ấy. Ngoài ra, Bảo tàng này còn in nhiều catalogue, nhiều tập sách rất đẹp cũng không ngoài việc tìm thêm nguồn kinh phí! Đi tìm nguồn kinh phí hoạt động, có thể nói đây là một trong những điều cốt lõi mà những người làm văn hóa ở Mỹ luôn quan tâm. Chỉ mới đầu tháng 4, nhưng khi xem chương trình tôi thấy họ đã lên “kín” lịch đến hết năm 2008 từ trình diễn văn nghệ, biểu diễn kịch nghệ, âm nhạc, nghệ thuật sắp đặt... đến chiếu phim v.v... Đã thế, tại đây, tôi còn thấy có cả thư viện, nhà hàng sang trọng... Rõ ràng, họ đã kết hợp sinh động nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa khác nhau trong một “địa chỉ văn hóa” đặng thu hút, hấp dẫn đông đúc nhiều hơn nữa các “tầng lớp nhân dân”. Đây chính là cái ý nghĩa “thực dụng” của người Mỹ - họ luôn tính đến hiệu quả của công việc đang thực hiện. Nghĩ cho cùng, một trong những mục tiêu của công tác văn hóa vẫn là tìm mọi cách phổ biến dấu ấn văn hóa đến mọi tầng lớp nhân dân, kể cả du khách năm châu bằng nhiều hình thức khác nhau.


          Vào một sáng se lạnh, tiếp đón chúng tôi tại Trụ sở Nghiên cứu báo chí ở Washington D.C, ông giám đốc Gene Matter có kể một mẩu chuyện nhỏ, nghe ra buồn cười, nhưng cũng đáng suy ngẫm. Ông kể:


          -Sau khi tổ chức cho một đoàn nhà báo Trung Quốc tham quan Thư viện Quốc hội Mỹ, họ gật gù bảo: “Ủa! Nước Mỹ cũng có... văn hóa đấy chứ!


          Thư viện này nằm trên đồi Capitol, gồm 3 tòa nhà có mặt sàn sử dụng rộng tới 29 ha. Khi tôi đến, những vòm cây trước thư viện đã rụng hết lá. Chờ sang mùa trổ lộc mới. Chỉ còn những nhánh cây khẳng khiu in đậm trên nền trời xanh. Theo chị Liên Hương, người phụ trách mạng lưới sách khu vực Việt Nam và Đông Nam Á, thì hiện nay thư viện này có gần... 30 triệu cuốn sách,13 triệu tấm ảnh, 4,8 triệu bản đồ, 2,7 triệu băng cassette, băng video, microfilm, 5 triệu vật phẩm âm nhạc và nhất là đang lưu giữ 58 triệu bản thảo chép tay! Khi tham quan, chúng tôi được nhắc nhở là không được chụp hình trong phòng đọc sách. Trước mắt tôi, trên các kệ sách là các cuốn sách được đóng bìa da cẩn thận, ngoài khắc chữ mạ vàng. Những cuốn sách đứng ngay hàng thẳng lối, gợi cho tôi cảm giác nhớ đến đội ngũ người lính chấp hành kỷ luật, sẵn sàng chờ mệnh lệnh...


Thư viện này rộng đến nỗi dù làm việc lâu năm, nhưng khi dẫn chúng tôi ra ngoài, chị Liên Hương đã lính quýnh đến độ dẫn nhầm hướng ra cổng! Tại đây có một thông tin khiến tôi ấm lòng là mỗi tháng thư viện này dành kinh phí để bổ sung thêm 200 quyển sách xuất bản tại Việt Nam hoặc liên quan đến Việt Nam viết bằng tiếng Việt. Bà Patricia Gray - phụ trách phần văn chương cũng cho biết một trong những hoạt động đều đặn hàng tháng là sinh hoạt của... câu lạc bộ thơ! Những chương trình này đều có bán vé. Tương tự, Bảo tàng nhạc Jazz tại thành phố Kansas mỗi đêm đều có biểu diễn nhạc. Tất nhiên muốn vào cũng phải mua vé.  Một lần nữa, khi đến những đây tôi thêm xác tín phương thức hoạt động “khép kín” và đa dạng hoạt động là then chốt trong cách làm văn hóa của người Mỹ. Bảo tàng không chỉ là nơi trung bày hiện vật mà nó phải “sống” theo nhịp sống hiện tại. Qua đó, không chỉ thu hút khách mà còn là biện pháp tạo ra nguồn kinh phí để tái hoạt động. 


          Nhưng như thế vẫn chưa đủ.


       Họ còn kêu gọi sự đóng góp của các nhà hảo tâm. Bà Louise Cort - phụ trách phòng nghệ thuật gốm của Bảo tàng Nghệ thuật ở Washington D.C gọi đó là “hội viên danh dự”. Với mức tiền đóng góp, thấp nhất là 1.000 USD còn nhiều hơn nữa “tùy vào lòng hảo tâm”, họ được hưởng nhiều quyền lợi mà, chẳng hạn được xem miễn phí trong năm các chương trình diễn tại Bảo tàng. Ngay cả Thư viện Quốc hội Mỹ, Bảo tàng của người da đỏ, Bảo tàng nhạc jazz, Câu lạc bộ bóng chày của người da den, các Nhà hát lớn... cũng thế. Khi chúng tôi đến tham quan Thư viện Quốc hội Mỹ, thấy mọi người đang bận rộn trang trí hoa, đèn chiếu sáng tại một khán phòng lớn. Hỏi ra, chị Liên Hương - quản thủ thư viện - cho biết đêm đó có yến tiệc để chiêu đãi những “hội viên danh dự”. “Danh dự” vì trong các yến tiệc họ có dịp được gặp gỡ các quan chức cấp thành phố...


        Với việc tìm sự hỗ trợ kinh phí từ các nhà hảo tâm, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng đã thực hiện. Tương tự như tại Gallery Nghệ thuật Arthur M. Sackler, các nhà tài trợ cũng được quyền lợi như ưu tiên tham dự những hoạt động có tính chất đặc biệt, dự những buổi thuyết trình, tham gia các cuộc hội thảo; được ghi nhận trong bản tin hàng quý, được Bằng ghi nhận đóng góp; được những quyền lợi khác khi đến tham quan v.v..


       Nhưng như thế vẫn chưa đủ.


      Hầu hết các quầy hàng lưu niệm tại đây đều bày bán những sản phẩm mang một dấu ấn riêng biệt Nếu vào Sea World tại thành phố Orlando tôi thấy có tất tần tật thú nhồi bông cá voi, cá heo, sư tử biển...; các mũ, áo, giày, dép v.v... gắn nhãn hiệu Sea World. Nếu vào Khu phố cổ tại thủ phủ Sacramento của tiểu bang California - nằm kế bờ sông Sacramento, tôi thấy còn có cả mô hình đãi cát tìm vàng dành cho du khách! Nếu muốn tìm hiểu lịch sử vùng đất này, ngoài việc vào bảo tàng tham quan, ta còn có thể mua được rất nhiều sách, nhiều hiện vật chỉ có bày bán tại đây... Nếu vào Bảo tàng nhạc Jazz, ta lại gặp hình ảnh các nghệ sĩ nổi tiếng, nhạc cụ liên quan đến loại hình âm nhạc này. Nhìn chung các hiện vật này được thực hiện phong phú bằng nhiều hình thức, có thể là in trên áo, trên mũ hoặc là tài liệu sách vở v.v... Du khách chỉ có thể mua được khi đến nơi này, chứ không thể tìm được nơi khác. Nghĩa là họ ý thức tạo cho “địa chỉ văn hóa” của mình có một nét độc đáo, một bản sắc riêng, không lẫn lộn với nơi khác. Có như thế, mới hấp dẫn du khách, nếu không, chỉ cần đến một nơi là đủ, cần gì phải đến thêm nơi khác? Tất nhiên, những nơi này cũng không thể thiếu... các loại nhà hàng ăn uống, giải khát với giá cả, đẳng cấp khác nhau!


         Ngẫm nghĩ ra, ta thấy cách làm này đơn giản nhưng hiệu quả. Hiệu quả ở chỗ, mỗi khu du lịch này đều là một “hệ thống” khép kín, phục vụ đầy đủ, chu đáo mọi nhu cầu của du khách đặng khai thác túi tiền của họ một cách nhiều nhất, hợp lý nhất! Có một điều lạ, hầu hết các sản phẩm văn hóa, quà lưu niệm ở các khu vui chơi tại Mỹ đều là “made in China”. Mà không riêng gì Mỹ, tại châu Âu cũng thế thôi. Hàng Trung Quốc cũng tràn ngập!



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com