THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo Lê Minh Quốc - MỘT NGÀY Ở MỸ - 2

Lê Minh Quốc - MỘT NGÀY Ở MỸ - 2

Mục lục
Lê Minh Quốc - MỘT NGÀY Ở MỸ
Thay lời tựa - Nhà văn NGUYỄN NHẬT ÁNH
1
2
3
4
5
6
7
8
9
LỜI BẠT ĐI MỘT NGÀY ĐÀNG Nhà văn DẠ NGÂN
Tất cả các trang
 

 

2.
Từ nay sẽ tỏa rộng và nhanh
Những nguyên tố mới, những chủng tộc, những sự điều chỉnh mạnh mẽ, nhanh chóng và táo bạo
Lại nữa một thế giới bắt đầu, những viễn cảnh vô tận của vinh quang tỏa ra mãi mãi
(Walt Whitman)

    Sự phát hiện ra châu Mỹ chỉ là một sự tình cờ. Sự tình cờ đôi khi đem lại nhiều bất ngờ. Từ thế kỷ XV, nhà hàng hải Christopher Columbus (Kha Luân Bố) người Ý, tìm đường sang phương Đông là nhằm mục tiêu mua gia vị, qua đó mở một con đường mới thuận lợi hơn, chứ không phải chủ đích tìm vùng đất mới. Với nhận thức trái đất tròn, thuở ấy các nhà hàng hải tài ba nhất của châu Âu cũng cho rằng nếu đi về hướng tây, người ta sẽ đến một châu Á huyền bí. Họ chưa biết sau Đại Tây Dương còn có một lục địa châu Mỹ rộng mênh mông và một Thái Bình Dương ngàn năm sóng vỗ. Chuyến đi của Christopher Columbus thực hiện năm 1492 dưới sự bảo trợ của hoàng đế Tây Ban Nha. Khi đặt chân lên châu Mỹ, ông báo cáo về triều đình là mình đã đến Tây Ấn. Oái oăm thật. Vì tưởng vùng đất này thuộc Ấn Độ (Indies) nên người da đỏ châu Mỹ bị gọi là Indian. Sự nhầm lẫn này đến nay hiển nhiên tồn tại.


         Rồi năm 1499 nhà hàng hải Ý Amerigo Vespucci đến cửa sông Amazon ở Nam Mỹ và ông khẳng định đây không phải châu Á mà một lục địa mới, một Tân thế giới. Chính vì thế năm 1507, dựa vào nhận định này nhà địa lý Đức Martin Waldessmuller đặt tên là America. Tại sao là America? Đơn giản, lấy theo tên Amerigo. Như vậy ngay từ thuở ban đầu, địa danh nước Mỹ đã mang dấu ấn của con người đi khám phá. Từ đó, một làn sóng nhập cư vào nước Mỹ cũng không ngoài mục đích đó. Mục đích muốn ổn định làm ăn và ước mơ đổi đời...


     Kể từ ngày Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ ra đời (1776), phải sau gần hơn 100 năm, người Việt Nam mới đặt chân đến nước Mỹ, không phải đi du hí du lịch mà vì sứ mệnh của đất nước.


          Thời điểm này, năm 1873, tình hình nước  ta ngày càng nguy ngập hơn, thành Hà Nội, rồi mấy tỉnh trung châu lọt vào tay giặc Pháp. Tâm trí vua Tự Đức rối bời như canh hẹ. Hòa hay đánh? Đánh ra sao? Hòa như thế nào? Một mặt, nhà vua cử người sang Pháp thương thuyết cầu hòa, một mặt cho người bí mật tiếp xúc với người Anh - để tìm thế đối trọng. Có lẽ, vua Tự Đức bấy giờ ít nhiều thấm thía những điều trần của Nguyễn Trường Tộ nên mới có quyết định này. Nhưng ai sẽ là người chịu trách nhiệm khó khăn này? Nhà vua nghĩ ngay đến Bùi Viện, một nhà nho cấp tiến có nhiều cải cách lúc bấy giờ. Đầu tháng 7.1873, lúc Bùi Viện vào cung bái mạng để lên đường, Tự Đức dặn dò:


           -Không nên sơ suất lời nói để người ta biết thực trạng kém cỏi của mình, không nên quá tiết kiệm  tiền bạc trong lúc giao thiệp, cốt sao giữ lấy quốc thể.


       Từ Túy Vân Sơn - một trong 20 di tích tuyệt đẹp ở Huế do vua Thiệu Trị phân hạng - Bùi Viện ra cửa Thuận An, trên chiếc thuyền nhỏ với một ít tặng phẩm và vàng bạc. Suốt nhiều ngay lênh đênh trên biển khơi, ông đã đến Hương Cảng - bấy giờ người Anh đang khai thác và tấp nập tàu bè các nước đến giao thương. Ông tìm mọi cách để giao thiệp với nhân sĩ Hương Cảng - dĩ nhiên là bút đàm bằng chữ Hán. Thông qua họ, ông đã làm quen với một viên lãnh sự Hoa Kỳ tại đây. Điều may mắn nữa là người này có mẹ người Trung Quốc, đã từng ở Trung Quốc nên thông thạo ngôn ngữ Trung Quốc. Thành ra cuộc đàm thoại giữa hai người không cần phiên dịch. Viên lãnh sự này khâm phục Bùi Viện tuy còn trẻ, nhưng lúc nào cũng canh cánh cho số phận của Tổ quốc mình. Vì vậy, khi Bùi Viện đề nghị được giới thiệu để tiếp cận với tổng thống Mỹ Ulysse Simpson Grant thì viên lãnh sự giúp đỡ ngay. Ông ta viết lá thư gửi gắm Bùi Viện cho người bạn thân đang làm việc trong dinh tổng thống.


        Có được “bửu bối” này, ngay lập tức Bùi Viện đáp thuyền đi Hoành Tân (tức Yokohama -Nhật Bản), từ đây ông đổi tàu đi Cựu Kim Sơn (tức San Francisco) và thẳng tới Hoa Thịnh Đốn (Washington D.C). Do không thông thuộc địa hình, bất đồng ngôn ngữ nên ông phải lưu lại trên đất Mỹ hơn một năm. Cuối cùng, ông mới được tiếp kiến tổng thống U.S. Grant. Trong cuộc gặp gỡ quan trọng này, Bùi Viện trình bày tình hình đất nước mình và yêu cầu tổng thống Mỹ viện trợ để chống lại  bọn Pháp xâm lược. Lúc này, Pháp đang can thiệp vào Mexico nên tổng thống Mỹ cũng muốn nhân cơ hội này trả đũa lại. Sự việc sẽ diễn ra như ý muốn, nếu lúc đó Bùi Viện có cầm theo Quốc thư ủy nhiệm của nhà vua nước ta. Do sự thiếu sót trong nghi thức ngoại giao nên ông đành cáo từ và hẹn sẽ quay lại lần thứ hai.


       Về nước, tàu vừa cập bến  thì  được tin mẹ già mất, Bùi Viện về quê thọ tang. An táng mẹ xong, thấy cha già lẻ loi cùng đàn em nhỏ không người chăm sóc mà mình còn phải bôn ba việc nước. Sau khi suy nghĩ cân nhắc về chữ hiếu, chữ trung ông đã rước thêm mẹ kế cho cha. Sau đó, Bùi Viện lại lên đường sang Mỹ lần thứ hai, năm 1875. Nhưng thời thế bấy giờ đã thay đổi: Thực dân Pháp cùng triều đình nhà Nguyễn đã ký xong Hiệp ước 1874, công nhận sự bảo hộ của Pháp; và Pháp đã nhượng bộ Mỹ về vấn đề thuộc địa. Do đó, tổng thống Mỹ thay đổi chính sách ngoại giao và từ chối lời cầu viện như đã hứa hẹn.
Có thể trước Bùi Viện cũng đã có người Việt Nam đặt chân lên đất Mỹ, nhưng họ không để lại một công nghiệp gì nên đời sau không buồn nhớ đến.


         Còn người Mỹ lần đầu tiên đến nước ta vào lúc nào?


     Họ đến từ rất sớm, năm 1819, chỉ sau 43 năm ngày thành lập Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Người thực hiện chuyến đi này là thương gia John White - sinh năm 1782 tại Marblehead thuộc tiểu bang Massachusetts, một tay có máu phiêu lưu “đầy mình”, thích xông pha sóng to gió lớn để đến chân trời mới. Ngày 2.1.1819 tại hải cảng Salem, John White bắt đầu thực hiện chuyến đi đến Việt Nam với mục đích tìm thị trường thương mại, trao đổi hàng hóa với các nước Á Đông. John White đã đến Côn Đảo, Vũng Tàu nhưng không được ngược dòng sông Đồng Nai vào Sài Gòn vì chưa được lệnh của vị quan Tổng trấn. Không còn cách nào khác, tháng 6 năm đó, John White quay tàu ra Tourane (Đà Nẵng) để tìm cách xin phép các vị quan triều đình Huế trước đã. Theo đường biển, ông thả neo tại Cù lao Chàm và sau đó cập bến Hội An. Thật ra trước John White, từ năm 1803 thuyền trưởng John Briggs đã đặt chân lên vùng đất Tourane (Đà Nẵng), nhưng ta không biết gì nhiều về chuyến đi lịch sử này.


          Mãi đến năm 1832, sự kiện đặt dấu mốc quan hệ Việt - Mỹ lần đầu tiên mới được lịch sử ghi nhận.
Năm đó, trên chiến tàu Khổng tước (Peacook), nhà hàng hải, thuyền trưởng Nghĩa Đức Môn La Bách (Edmund Robert) và đại úy Đức Giai Tâm Gia (Georges Thompson) dẫn đầu phái đoàn vượt trùng dương đến các nước Á Đông với mục đích giao thương. Tạo điều kiện thuận lợi cho “phái đoàn” hoàn thành nhiệm vụ, tổng thống Andrew Jackson đã viết bút thư gửi đến vua chúa các nước và một chứng minh thư ký ngày 26.1.1832 để vị đại sứ này “danh chính ngôn thuận”.


           Có lẽ do chuyến đi này chỉ mới thăm dò, chưa xác định được cụ thể từng quốc gia mà tàu Peacook sẽ dừng lại nên phía trên lá thư này vẫn chừa một khoảng trống để thuyền trưởng Edmund Robert tùy nghi điền thêm vào tên quốc vương, quốc hiệu lúc cần thiết. Do đó, đứng về nghi thức ngoại giao lá thư này không hợp lệ. Khi biết chuyện này, vua Minh Mạng cho rằng “Bất tất đầu đệ” - nghĩa là không cần đệ quốc thư lên ngự lãm và truyền lệnh:


         - Nước họ muốn cầu thông mậu dịch thì ta không ngăn cản, nhưng họ phải tuân theo luật pháp đã ấn định, lần sau họ có đến giao thương thì cho đậu thuyền tại vũng Sơn Trà thuộc vịnh Đà Nẵng, chứ không được lên bờ làm nhà.


       Chính thái độ mềm dẻo nhưng cương quyết của vua Minh Mạng đã để lại cho phái đoàn Mỹ nhiều tình cảm tốt đẹp, cho dù kết quả thương thuyết không diễn ra như ý muốn. Do đó, bốn năm sau, năm 1836, chính phủ Mỹ một lần nữa lại cử Edmund Robert đến Việt Nam. Tàu khởi hành từ New York ngày 23.4.1835 và đến nước ta vào ngày 20.4.1836. Sự kiện này trong sách Đại Nam thực lục chính biên có ghi lại cụ thể. Sau khi đọc tấu trình của tỉnh thần Quảng Nam tâu lên, biết là lần này phái đoàn Mỹ có đem theo cả quốc thư, vua Minh Mạng mới hỏi bá quan văn võ trong triều nên “xử lý” như thế nào? Có nhiều ý kiến khác nhau. Cuối cùng vua Minh Mạng cử Thị lang bộ Hộ Đào Trí Phú cùng Thị lang bộ Lại Lê Bá Tú vào cửa Hàn, Đà Nẵng để thăm hỏi, nghị thuyết với phái đoàn Mỹ.


        Nhưng đáng tiếc khi hai thượng quan của triều đình nhà Nguyễn vào đến nơi thì thuyền trưởng Edmund Robert đang lâm bệnh nặng, không tiếp đón được. Vì thế, ngày 21.5.1836, phái đoàn Mỹ đột ngột nhổ neo rời khỏi Đà Nẵng đưa thuyền trưởng Edmund Robert về nước trị bệnh, không kịp thông báo cho triều đình nước ta. Nhưng Edmund Robert không kịp về đến quê nhà, ông ta mất tại Macao ngày 12.6 năm đó.


          Như vậy, “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” giữa ta và người Mỹ không tạo được mối quan hệ nào đáng kể. Nhìn từ triết lý nhà Phật, tôi gọi đó là “duyên”. Duyên chưa đến, dù có đối diện cũng “bất tương phùng”.
Trước ngày chúng tôi đi Mỹ, cô Patricia D. Norland - Tùy viên văn hóa báo chí của chương trình giáo dục - Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ có trao đổi đôi điều. Cô nói rõ đây là chuyến đi của đoàn khách tham quan quốc tế do Bộ Ngoại giao Mỹ mời mà lần này chúng tôi là “nhân vật chính”.


        Sau đây là một vài thông tin mà tôi ghi nhận trong sổ tay: “Người Mỹ coi trọng sự thẳng thắn và bộc trực; hoặc có hoặc không một cách rạch ròi”. Tôi nghĩ, tính cách ấy khác người Việt. Người Việt mình thích chọn giải pháp “nước đôi”, uyển chuyển và linh động tùy theo tình huống, chẳng hạn “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”; hoặc “Đi với Phật mặc áo hoa, đi với ma mặc áo giấy”... Dù quan niệm “Một giọt máu đào hơn ao nước lã’, nhưng cũng có thể “Bán anh em xa mua láng giềng gần”...


         Tôi ghi tiếp: “Ở Mỹ có các loại tiền kim loại như sau: 1 cent (hoặc penny), 5 cent (hoặc 1 nicket), 10 cent (hoặc 1 dime), 50 cent (hoặc nửa USD) và 1 USD bạc”. Sau này ở Mỹ tôi mới biết, loại tiền kim loại này thuận lợi biết chừng nào. Nó có thể giúp cho mình nhiều thứ. Chẳng hạn, trả tiền phí cầu đường, tiền tips... Nghe nói hiện nay ở Mỹ loại  tiền kim loại 1 USD vàng cũng đã đưa vào sử dụng, nhưng tôi chưa được thấy.


    Tôi ghi tiếp: “Về loại tiền giấy có các mệnh giá 1 USD, 2 USD, 5 USD, 10 USD, 20 USD, 50 USD, 100 USD và cả 10.000 USD”. Sang Mỹ, tôi mới biết thêm một chi tiết khá thú vị ngay cả... người Mỹ chưa chắc đã biết. Tin không? Thật đấy. Đó là hiện nay người da đỏ ở Mỹ không “mặn mà” với tờ giấy bạc 20 USD. Đơn giản vì họ không thích hình tổng thống Jackson (1767- 1845) in trên đó. Tôi biết được điều này là do ông Thomas M. Brandom đã không giấu giếm khi trình bày chuyên đề “Bảo tồn và vai trò văn hóa thổ dân da đỏ đối với toàn cảnh của văn hóa Mỹ” tại thành phố Kansas. Tại sao họ không thích? Tìm hiểu lịch sử nước Mỹ, tôi biết lý do: Trong cuộc nổi loạn tháng 10.1813 của thổ dân Creek - dưới quyền chỉ huy của tù trưởng biệt danh Đại Bàng Đỏ - có khoảng 250 người lính da trắng ở pháo đài Mims (nay thuộc bang Alabama) bị giết. Dù gặp nhiều khó khăn như bệnh kiết lỵ hoành hành khiến nhiều binh sĩ muốn đào ngũ, quân trang quân dụng chưa tiếp tế kịp thời nhưng trên cương vị thiếu tướng quân đội tình nguyện, Jackson vẫn kiên quyết cầm quân phản kích. Và chiến thắng huy hoàng. Có thể nói, Jackson là vị tổng thống duy nhất của Mỹ từng là tù nhân chiến tranh. Lúc bị bắt làm tù binh, có lần viên sĩ quan người Anh bảo anh em Jackson cúi khom người xuống lau giày cho hắn, ông lắc đầu thì lập tức bị hắn chém một nhát kiếm lẹm vào xương và một nhát trên đầu hằn vết sẹo lớn...


        Qua đến Mỹ, tôi mới biết thêm hiện nay, người da đỏ được hưởng nhiều quyền lợi từ chính quyền Mỹ. Được cấp giấy chứng nhận thổ dân da đỏ là ước mơ của nhiều người. Có một điều đáng chú ý, trên giấy đó không ghi rõ họ thuộc cụ thể sắc tộc da đỏ nào. Ông Thomas M. Brandom cho biết nếu xét nghiệm có 1/8 máu thổ dân thì “đạt yêu cầu”. Sự ưu ái dành cho người da đỏ là một thỏa hiệp giữa chính phủ liên bang với thổ dân. Hầu hết lãnh thổ Hoa Kỳ xưa kia do người da đỏ sinh sống và khai phá. Sau này dần dần lọt vào tay những người đến sau. Dấu ấn của thổ dân da đỏ còn lưu lại dưới những cái tên của tiểu bang, thành phố và sông ngòi...


       Dấu vết của một dân tộc còn lưu lại qua định danh, ít nhiều gợi cho ta thấy được lịch sử thăng trầm của một quốc gia. Tôi là người căm thù sự phân biệt chủng tộc. Làm gì trên đời này có dân tộc thượng đẳng và dân tộc hạ đẳng? Phân biệt như thế là điên rồ. Mọi dân tộc đều có những tinh hoa riêng biệt để tạo nên một bản sắc. Khi đọc lại tập thơ Lá cỏ của Walt Whitman, tôi càng thấm thía điều đó. Sinh thời, thơ của ông chỉ bán được vài chục cuốn; thậm chí khi ông gửi tặng, đọc xong người ta trả lui và cẩn thận... xé đôi tập thơ để tác giả khỏi hiểu nhầm. Nay, ông là một trong những tác giả được chọn đưa vào sách giáo khoa Mỹ. Càng đọc, càng yêu mến ông hơn và tôi cũng cực đoan nghĩ ông mới là nhà thơ lớn nhất, người đại diện lỗi lạc nhất của nền thi ca Hoa Kỳ. Ông lớn lao và gần gũi. Ông quyết liệt lên án chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Tôi kính trọng những ai có tinh thần cao thượng ấy. Có lẽ, những câu thơ hay nhất viết về người da đỏ vẫn chính là của Walt Whitman:


Những người da đỏ
Họ để lại cho ta những hơi thở tự nhiên, những tiếng mưa và tiếng gió
Những tiếng kêu tựa hồ như những tiếng chim và tiếng thú rừng,
Và biến tất cả thành âm tiết
Họ để lại cho ta những thứ ấy làm tên Okonee, Koosa, Ottawa, Monongahela, Sauk, Natchez, Chattahoochee, Kaqueta, Oronoco,
Wabash, Miami, Saginaw, Chippewa, Oshkosh, Walla-Walla;
Họ để lại cho đất nước Hoa Kỳ như vậy đó, rồi ra đi, sau khi đã làm cho đất và nước mang đầy tên tuổi


         Thật vậy, tiểu bang Massachussett được đặt tên nhằm kỷ niệm bộ lạc Mass -adchu- senk, ý nghĩa là “Dân sơn cước”; Ohio: Sông đẹp; Micana: Nước lớn; Illinois được đặt để kỷ niệm bộ lạc Iroquois, có nghĩa “Những người can trường”; Kentucky: “Đồng cỏ”; Alabama: “Những kẻ đốn rừng hoang”; Mississippi: “Sông cái”; Minnesota: “Dòng nước có mây che” (trong từ điển mở Wikipedia dịch “Nước trắng như khói”); Iowa: “Dòng sông cạn”; Wyoming: “Bình nguyên bát ngát”; Missouri: “Sông lớn đục ngầu”; Arkansas được đặt tên nhằm kỷ niệm bộ tộc Ankansa thuộc sắc tộc Quapaw; Oklahoma: “Dân da đỏ”; Texas, lời chào mừng có ý nghĩa “Bạn”; New Mexico: “Đền Thánh” nhằm kỷ niệm bộ tộc Ajtecs ở Mexico; Idaho: lời chào mừng của bộ lạc Comanche, nghĩa là “Chào buổi sáng”; Utah có thể có nghĩa “Dân sơn cước” nhằm kỷ niệm bộ tộc Ute; Arizona: “Lạch suối nhỏ”, Kansas - nhằm kỷ niệm bộ tộc Kansa v.v...


         Nhưng không chỉ thổ dân da đỏ, còn có nhiều địa danh gắn với các chủng tộc khác. Chẳng hạn, tiểu bang New Hampshire đặt theo tên quận Hampshire ở Anh; Vermont: “Núi Xanh”, cái tên người Mỹ đã dịch từ tiếng Pháp sang; Rhode Island: người Mỹ đặt theo tên đảo Rhodes ở Địa Trung Hải, nhưng cũng có thể là tiếng Anh thoát âm từ tên người Hà Lan đặt cho Hồng Đảo (Red Island); New York, tiếng Anh đặt theo danh hiệu Công tước York được phong ấp tại thuộc địa này vào năm 1664; Pennsylvania, tiếng La Tinh, là “Rừng Penn”, đặt theo tên William Penn người khai phá vùng đất này năm 1681; New Jersey, tiếng Anh, đặt tên theo hòn đảo Jersey; Delaware đặt để kỷ niệm De La Warr - Thống đốc xứ Virginia năm 1634; Maryland đặt năm 1634 để kỷ niệm hoàng hậu Henrietta Marie, chánh cung của vua Charles đệ nhất; Florida, tiếng Tây Ban Nha, “Mùa lễ phục sinh”; California, tiếng Y Pha Nho, đặt theo tên một hòn đảo huyền bí trong truyện diễm tình Tây Ban Nha, do nữ hoàng Calafia ngự trị v.v...


       Ngoài ra còn có những địa danh mà đến nay ngay cả người Mỹ cũng không rõ ý nghĩa, gốc tích của nó như Wisconsin, Tennessee... Riêng địa danh Oregon đến nay người ta phỏng định do năm 1715 khi ấn hành bản đồ nước Mỹ, người Pháp đã in nhầm? Nhầm như thế nào? Tìm hiểu rốt ráo, tôi tra từ điển mở Wikipedia thấy ghi: “Nguồn gốc tên “Oregon” thì không ai biết. Một lập luận do George R. Stewart đưa ra trong một bài báo đăng trong American Speech năm 1944 đã được Sách Địa danh Oregon tán thành như “lời giải nghĩa hợp lý nhất”. Theo Stewart, cái tên là từ một sự nhầm lẫn khắc chữ trong một bản đồ Pháp xuất bản đầu thế kỷ 18 mà trên đó Ouisiconsink (Sông Wisconsin) bị đánh vần thành “Ouaricon-sint” và bị tách ra làm thành hai hàng với chữ -sint nằm bên dưới nên thành ra có nghĩa như là một con sông chảy về hướng tây có tên là “Ouaricon”; v.v...
       Lướt qua một vài thông tin lạ lẫm này để thấy rõ thêm cấu trúc hình thành Hiệp chủng quốc của Hoa Kỳ. Có điều tôi ngạc nhiên, tại sao những sự kiện lịch sử, lịch sử khai phá những vùng đất mới của một đất nước có đặc điểm “Một chủng tộc mới khống chế những chủng tộc đã sinh ra trước đó và vĩ đại hơn nhiều với những cuộc tranh chấp mới” (Walt Whitman) mà hầu như trẻ con trên thế giới lần đầu tiên biết đến không phải từ người Mỹ? Từ đâu? Tôi hồ đồ một cách thiếu căn cứ nghĩ rằng, chính từ... họa sĩ Morris - người Bỉ! Thuở học trò, ai mà chẳng từng mê anh chàng cao bồi ốm nhách, đội mũ rộng vành, có tài “bắn súng nhanh hơn cả cái bóng của mình”? Đó là nhân vật lừng danh Lucky Luke. Họa sĩ Morris là cha đẻ của Lucky Luke. Những cuộc hành hiệp vì đại nghĩa của chàng cao bồi này chính là lấy từ chất liệu có thật của lịch sử Mỹ. Cái hay của truyện tranh này còn có thể ghi nhận ở chỗ, thuở ban đầu Lucky Luke ngậm vắt vẻo điếu thuốc lá trên môi, nhưng sau này do sự độc hại của thuốc lá và không muốn độc giả nhóc tì bắt chước thói xấu này nên chàng cao bồi chỉ được... ngậm cọng cỏ khô!
    Như ta đã biết, thuở mới lập quốc, Hoa Kỳ chỉ mới có 13 tiểu bang là các thuộc địa tuyên bố độc lập năm 1776 - sau khi đánh bại quân đội Anh trong sáu năm trời ròng rã. Vì thế, ban đầu lá cờ “Ngôi sao và sọc” chỉ có 13 dải đỏ và trắng xen kẽ và 13 ngôi sao xếp vòng tròn trên nền xanh lam. Nay các sọc vẫn giữ nguyên, nhưng ngôi sao đã lên đến 50, đại diện cho 50 bang. Người ta giải thích rằng, màu đỏ tượng trưng cho dũng khí; màu trắng là tự do, thuần khiết; màu xanh đậm là trung thành, chính nghĩa.


     Nước Mỹ được thành lập với nhiều chủng tộc khác nhau, vậy tính cách họ như thế nào?


     Với câu hỏi này tôi tự nhủ sao lại “ôm rơm cho nặng bụng”, sao lại “nung nấu tâm can vò võ trán” để suy nghĩ về một vấn đề không dễ trả lời. Thế lại dại. Ừ! Chả dại gì, ta hãy nghe chính người Mỹ nói: “Con người đó hoặc là một người châu Âu, hoặc dòng dõi một người châu Âu, mang trong mình một dòng máu khác thường mà người ta không tìm thấy ở một nước nào khác. Tôi có thể kể cho anh nghe làm ví dụ, một gia đình mà tổ phụ là người Anh, vợ là người Hòa Lan, con trai kết hôn với một thiếu nữ Pháp, và bốn đứa con có 4 người vợ quốc tịch khác nhau. Người Mỹ là người đã vứt bỏ mọi thành kiến cũ kỹ và các thói tục xưa, và thâu nạp và mỹ tục mới mẻ trong một đời sống mới mà họ đã chọn, của một chính phủ mới mà họ tin phục và địa vị mới mà họ đã chiếm được”.


         Khoan vội tranh cãi. Còn gì nữa không? Ta hãy nghe tiếp, cũng chính người Mỹ nói:


         “Một phần dân số Hoa Kỳ sinh hoạt trong những trang trại quá hẻo lánh đến nỗi họ phải đi bộ hai ngày mới tới được trại của người láng giềng gần nhất. Trong khi đó có những gia đình người Mỹ lại chung sống với hàng 200 gia đình khác trong một tòa nhà nhiều tầng ngăn thành buồng riêng.


         Một số nông gia Hoa Kỳ cày hái trong vòng ba tháng và, suốt sáu tháng trời ròng rã, đồng ruộng của họ chìm ngập dưới một lượt tuyết dày. Trong khi đó những nhà nông khác cày cấy vào tháng giêng cũng “ngon ăn” như vụ tháng 5 vậy, mỗi năm họ gặt bốn vụ.
Một  phần nhân dân Hoa Kỳ đi làm bằng xe hơi và đậu xe cạnh dãy xe của ba ngàn bạn công nhân khác cùng làm một xưởng. Trong khi đó nhiều người Mỹ khác lại lủi thủi làm việc một mình và chỉ trông vào lợi tức riêng”.


           Cả hai tài liệu này, tôi trích dẫn từ hai tập sách xưa lắm rồi. Xưa cỡ nào? Nói như mẹ tôi thì xưa như “thời Bảo Đại còn cởi truồng tắm mưa”. Nhưng nó đáng tin cậy vì do Nha thông tin Hoa Kỳ ấn hành và cung cấp cho miền Nam thời tạm chiếm. Tôi đã nhặt được từ thời bao cấp, trong một lần mua hàng tạp pí lù của mấy bà bán ve chai ở chợ Bến Thành. Trước năm 1975, người Mỹ thực hiện nhiều sách báo (bản tiếng Việt) tuyên tuyền về đất nước họ. Ta có thể kể đến “Nguyệt san Thế giới Tự do - Ấn hành nhằm mục đích gia tăng sự hiểu biết cùng tình hữu nghị” của Sở Thông tin Hoa Kỳ; tạp chí Đời sống Mỹ; tạp chí Việt - Mỹ của Hội Việt Mỹ v.v.... Những ấn phẩm này không bán, chỉ là “tình cho không biếu không”. Tôi tin rằng, mỗi một cuốn sách đều có “duyên” với người mua một cách kỳ lạ. Đứng trước một hiệu sách, nếu thích cuốn nào đó, bạn hãy mua đi, đừng phân vân. Cuốn sách cũng như người đẹp, thích thì tán tỉnh, chiếm đoạt chứ đừng so đo tính toán rằng như thế sẽ ích lợi gì? Có tốn kém quá không? Đừng nghĩ ngợi trước một cuốn sách mà bạn thích. Cứ mua đi, không cần đọc vội. Biết đâu dăm năm, thậm chí mười năm sau chắc chắn bạn sẽ cần đến nó. Mà nếu không dùng đến nó cũng chẳng sao cả. Đem một cuốùn sách về nhà cũng đứng đắn hơn một bao thuốc lá!


       Ta hãy trở lại với câu nói của cô Patricia D. Norland: “Người Mỹ coi trong sự thẳng thắn và bộc trực; hoặc có hoặc không một cách rạch ròi”. Khi đến Mỹ, tôi thấy quả nhiên không sai. Sau một giấc ngủ dài chập chờn trong chăn êm nệm ấm trong khách sạn với quá đầy đủ tiện nghi, tôi thức dậy và bắt đầu một làm ngày việc. Tiếp chúng tôi là những người tổ chức chuyến đi này, giám đốc là ông Brad Minnick. Sau khi nghe chúng tôi tự giới thiệu đôi nét về bản thân, ông Christopher Schewb- người thiết kế chương trình cho biết, đến thời điểm này (2008) họ đã tổ chức cho 4.000 khách tham quan quốc tế đến Mỹ. Tất cả đều khởi sự từ Washington mà những người tổ chức đều là thành viên của các tổ chức văn hóa có tính chất tự nguyện. Christopher Schewb còn trẻ, gương mặt bầu bĩnh như con gái, chưa có ria mép cho biết khi làm việc với các tổ chức văn hóa ở Mỹ, chúng tôi cũng có quyền không trả lời các câu hỏi, nếu thấy không cần thiết; ngược lại trong các bài báo chúng tôi không được dẫn chứng lời họ nói, nếu có thì phải được sự đồng ý.


         Như thế là sòng phẳng.


          Những tưởng chúng tôi sẽ trao đổi thêm những gì “đại sự” khác. Nhưng không, điều khiến tôi bất ngờ là cô Deborah Burrll bắt đầu nói đến chuyện... tiền nong! Đó là tiền thanh toán khách sạn, ăn uống. Sau khi đưa cho chúng tôi những ngân phiếu du lịch (travelers cheques) nhiều mệnh giá khác nhau, có khả năng thanh toán khi vào các nhà hàng, siêu thị lớn... nàng bảo phải đếm lại kỹ lưỡng. Tôi không thể tưởng tượng được trên đời này có loại người đàn ông nhận tiền từ tay người phụ nữ xinh đẹp, rồi ngang nhiên xòe ra đếm lại trước mặt họ. Tôi không thể. Nàng lại bảo chúng tôi nên ký sẵn vào mỗi tờ hai chữ ký, nếu có bị mất, người khác nhặt được cũng không thể sử dụng. Gương mặt nõn hồng trái chín của Deborah Burrll đã khiến tôi có đầy cảm hứng để viết trong sổ tay:


Niềm vui dự báo nỗi buồn
Trong chừng mực có luông tuồng thế thôi!
Một giây là đã một đời
Một giọt nước chứa mây trời bao la
Trong em đã có người ta
Thì tôi thì cũng đã ba, bốn người
Trong héo hắt có tốt tươi
Thì thôi chín bỏ làm mười là xong
Mắt xanh cỏ biếc môi hồng
Thưa rằng, em đã có chồng hay chưa?


       Mới gặp nhau đã hỏi thế là sổ sàng, khiếm nhả. Tôi giữ lại bài thơ. Không đưa cho nàng. Mãi đến khi lúc “quy cố hương”, tôi cũng không hỏi. Tôi giữ lại bài thơ này, như phác thảo về một nhan sắc mà mình đã thấy. Chỉ thế thôi. Trước tôi, bậc thầy của tôi - thi sĩ Cao Bá Quát cũng đã có phút giây như thế. Ông đã viết bài thơ “Dương phụ hành” ngoài biển Đông nhân một chuyến đi công cán. Ông ghi nhận lại hình ảnh một người phụ nữ Tây dương ngồi trên thuyền “mặc áo trắng như tuyết, tựa vai chồng trò chuyện ríu rít dưới ánh trăng trong suốt” và khi gió lạnh, nàng uể oải cầm ly sữa và nũng nịu nghiêng mình đòi chồng nâng dậy...”. Bài thơ này lấy cảm hứng từ nàng, làm sao nàng có thể biết? Dù không cố ý, nhưng đã có hàng triệu, hàng triệu người phụ nữ trên trái đất này họ không ngờ mình lại trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều bài thơ ra đời. Sự thánh thiện này làm tâm hồn nhà thơ đẹp hơn một chút nữa, ít ra, đẹp hơn trong mắt của chính... nhà thơ.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com