THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo Lê Minh Quốc - MỘT NGÀY Ở MỸ

Lê Minh Quốc - MỘT NGÀY Ở MỸ

Mục lục
Lê Minh Quốc - MỘT NGÀY Ở MỸ
Thay lời tựa - Nhà văn NGUYỄN NHẬT ÁNH
1
2
3
4
5
6
7
8
9
LỜI BẠT ĐI MỘT NGÀY ĐÀNG Nhà văn DẠ NGÂN
Tất cả các trang
 

motngayomy-R

 

http://www.leminhquoc.vn/lmq/tac-pham-du-luan/nhan-dinh/822-doc-sach-mot-ngay-o-my.html

 

Lê Minh Quốc đi Mỹ một tháng, về nhà chìa cho tôi bản thảo Một ngày ở Mỹ, nói “Ông viết giùm tui lời giới thiệu”. Tôi nheo mắt “Ông qua bển ở một tháng lận mà, sao bảo một ngày?”. Quốc cười méo xẹo “Một tháng ở Mỹ cũng là cưỡi ngựa xem hoa thôi. Đất nước người ta rộng mênh mông, tôi biết bao lăm mà dám huênh hoang. Tôi chỉ viết theo cái ý “đi một ngày đàng học một sàng khôn” thôi”.


KHI NGƯỜI VIỆT ĐI XA

 

(Thay lời tựa)


Nhà văn NGUYỄN NHẬT ÁNH

 1.

Lê Minh Quốc đi Mỹ một tháng, về nhà chìa cho tôi bản thảo Một ngày ở Mỹ, nói “Ông viết giùm tui lời giới thiệu”. Tôi nheo mắt “Ông qua bển ở một tháng lận mà, sao bảo một ngày?”. Quốc cười méo xẹo “Một tháng ở Mỹ cũng là cưỡi ngựa xem hoa thôi. Đất nước người ta rộng mênh mông, tôi biết bao lăm mà dám huênh hoang. Tôi chỉ viết theo cái ý “đi một ngày đàng học một sàng khôn” thôi”.

Tôi ngạc nhiên về Lê Minh Quốc quá. Lần trước anh đi Hà Lan 7 ngày, về viết cuốn Du lịch của người câm. Nay đi Mỹ một tháng, về viết cuốn này. Mà toàn là đi lần đầu tiên, cái gì cũng không biết, cái gì cũng gặng hỏi. Chắc cái thú quan sát, ghi chép của một nhà báo ở trong anh phải mạnh mẽ lắm. Có cái say mê đó, đi một tháng có khi sự thu thập bằng người đi một năm. Ờ, suy cho cùng đối với người viết du ký vấn  đề không phải là anh đi bao lâu mà là anh đã nhìn thấy gì và ghi nhận được gì trong thời gian đó. Thời lượng của chuyến đi tất nhiên là quan trọng nhưng chất lượng của chuyến đi xem ra còn quan trọng hơn.

Xưa nay, các nhà văn xứ ta mỗi lần có dịp đi đến chốn lạ đều có thói quen ghi chép. Qua Pháp, Phạm Quỳnh viết Pháp du hành trình nhật ký, Nhất Linh viết Đi Tây. Qua Tàu, Lê Văn Trương viết Ba tháng ở Trung Hoa, Nguyễn Tuân viết Một chuyến đi. Qua Cao Mên, Nguyễn Hiến Lê viết Đế Thiên Đế Thích... Đi xa cũng viết. Đi gần cũng viết: Phạm Quỳnh có Mười ngày ở Huế, Nguyễn Hiến Lê có Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười...

Bây giờ Lê Minh Quốc có Một ngày ở Mỹ. “Mười ngày”, “bảy ngày” hay “một ngày” cũng chỉ là một cách nói. Nó cho thấy ham muốn nghe và nhìn, nhớ và ghi là thói quen, thậm chí là bản năng của người cầm bút.

2.

Lê Minh Quốc viết Một ngày ở Mỹ có điều bất lợi. Cuốn sách ra đời trong thời điểm nước Mỹ đã không còn là một quốc gia xa lạ, so với chục  năm trước đây sự qua lại giữa Mỹ và Việt Nam đã nhộn nhịp hơn nhiều. Bây giờ người Việt qua Mỹ và người Việt ở Mỹ về Việt Nam là chuyện bình thường: ngoài những điều mắt thấy tai nghe, trong những cuộc trà dư tửu hậu người ta đã thuật cho nhau biết bao nhiêu là chuyện về nước Mỹ. Chưa kể, trong bối cảnh bùng nổ thông tin với sự trợ giúp tuyệt vời của internet như hiện nay, trái đất hầu như không còn xó xỉnh nào không được phơi ra ánh sáng, nói gì một nước to đùng như nước Mỹ. Nước Mỹ ngày nay rõ ràng gần gũi hơn nhiều so với Singapore thời Tự Đức: “Tân-Gia từ vượt con tàu/ Mới hay vũ trụ một bầu bao la” (Cao Bá Quát). Mới hôm qua đây thôi, lúc đang ngồi đọc bản thảo này của Quốc, tôi thoáng thấy kênh truyền hình HTV3 hăm hở giới thiệu chương trình Tìm hiểu văn hóa Mỹ, được quảng cáo là sẽ phát vào lúc 21 giờ chủ nhật hằng tuần, liền giật mình nghĩ: “Thôi rồi, Quốc ơi!”.

Nhưng đọc kỹ Một ngày ở Mỹ, lại thấy Lê Minh Quốc có cái lợi của người đến sau. Với những người đã có hiểu biết ít nhiều về nước Mỹ, người ta đang tò mò chờ đợi xem cái anh “Lý Toét” Lê Minh Quốc cảm nhận về nước Mỹ như thế nào, có gì giống họ và khác họ không.

Giống, thì giống nhiều! Vì những điểm nổi bật của xã hội Mỹ nó sờ sờ ra trước mắt, ai cũng thấy, chẳng hạn về tinh thần thượng tôn pháp luật và ý thức tự giác cao của người Mỹ trong sinh hoạt cộng đồng, về những quan tâm đặc biệt mà pháp luật và xã hội dành cho người tàn tật và trẻ em, về ý thức bảo vệ thiên nhiên và động vật hoang dã, về trật tự xã hội và an toàn giao thông, v. v...

Nhưng cuốn sách của Lê Minh Quốc có những cái khác, cái riêng rất thú vị, nhất là những thông tin so sánh. Lâu nay, Lê Minh Quốc biên soạn nhiều đề tài, nhiều lãnh vực: từ báo chí, giáo dục, doanh thương đến chữ viết, địa chí, lịch sử. Với tư cách nhà tư liệu học, trong cuốn sách này anh hào hứng nhắc đến người Việt Nam đầu tiên đến Mỹ và người Mỹ đầu tiên đặt chân đến Việt Nam, anh nhắc đến Bùi Viện, đến John Briggs, John White, Edmund Robert; thấy dân Mỹ được phép mua súng phòng thân, anh lại nhắc chúng ta nhớ đến thế kỷ 18, do giặc cướp nhiều nơi nổi dậy chúa Trịnh Giang đã từng cho phép dân đinh tự sắm lấy vũ khí chống giặc (mặc dù sau khi phép tắc này ban ra, giặc giã còn loạn hơn vì người mua vũ khí nhiều nhất là... giặc cướp!) - những chi tiết có lẽ không phải ai cũng biết. Bên cạnh đó, với cảm xúc của một nhà thơ, đang ở Mỹ anh lại cảm khái nhớ đến Hồ Dzếnh, Thạch Lam, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Bùi Giáng và những liên tưởng bất ngờ này khiến cho cuốn sách của anh thêm phần tự nhiên, khoái hoạt.

3.

Không chỉ nhắc đến Bùi Giáng, Lê Minh Quốc còn hăng hái noi gương nhà thơ đồng hương của mình bằng cách chen thơ vô bất cứ chỗ nào chen được. Đặt chân xuống sân bay cũng làm thơ. Không nói được tiếng Mỹ, thèm tiếng Việt, ước chi cả nước Mỹ... đều nói tiếng Việt để mình đỡ khổ cũng làm thơ. Gặp cô gái đẹp đang cười với ai đó, tưởng cười với mình, cũng làm thơ. Và bài thơ Quốc viết khi đến thăm Bảo tàng nhạc Jazz, thứ âm nhạc bất hủ của người da đen, theo tôi là một trong những bài thơ hay nhất của Quốc từ trước đến nay: “Chảy xuống từ trời đen một dòng đen/ âm nhạc đen thế giới màu đen/ nhẹ nhàng nốt nhạc đen/ như dòng lệ em/ lăn qua tình yêu đen/ thời gian khoảnh khắc đen/ từng giọt đen/ từng giọt/ từng giọt/ tôi đưa tay che lấy ngực/ một dòng đen đang nhói trong tim/ tiếng kèn man dại/ đen đen đen/ những thân phận da đen/ tiếng nấc lên men/ cỏ dại hoa hèn/ ngàn năm từ đá/ bật lên những chồi đen/ hy vọng...”. Tôi rất thích bài thơ này, như tôi từng thích bài thơ Đen của Thanh Tâm Tuyền trước đây, có lẽ đó là tâm trạng của người hồi bé đã mê truyện Túp  lều của bác Tom của Harriet Beecher Stowe và lớn lên lại yêu thích nhà thơ Mỹ lừng danh Langston Hughes, một thi sĩ da đen  “đen như đêm tối/ đen như chiều sâu thăm thẳm của châu Phi”. Đọc bài thơ của Quốc, tôi thích đến nỗi đùa với anh “Đọc du ký của ông, tôi mới biết ông... mạnh về thơ”!

4.

Một điều tôi nôn nao khi đọc tập bút ký này là chờ xem Lê Minh Quốc có nhắc gì đến người Việt ở Mỹ hay không. Tôi chờ đợi điều đó, bởi vì khi gặp người Việt trên đất Mỹ, bao giờ tôi cũng cảm thấy mừng rỡ và xúc động lạ lùng, cái cảm giác như khi tôi rời quê vào Sài Gòn học đại học bất chợt gặp một người nói tiếng Quảng Nam - cái mừng rỡ “tha hương ngộ cố tri”. Người Việt trên đất Mỹ có thể không quen biết, có thể không phải “cố tri”, nhưng đó là “người Việt mình” - những đồng bào lưu lạc tha hương nơi đất khách quê người. Cái tình cảm thiêng liêng của người cùng một giống nòi nó thắm thiết lắm, nó vượt lên trên mọi bất đồng, nó biến mọi thứ khác thành tiểu tiết.

Nhớ hồi lần đầu tôi đến Mỹ, 8 giờ sáng ra ngồi ngoài hiên nhìn mưa bay lất phất, tự nhiên thấy nhớ nhà kinh khủng. Cũng lạ, ba mẹ tôi, tất cả anh em ruột thịt của tôi đều ở bên cạnh, thế mà tôi lại nhớ nhà. Hóa ra nhà trong tâm khảm người Việt không chỉ là gia đình ruột thịt mà còn là không gian là cảnh vật gắn bó với ta từ thuở ấu thơ, thậm chí từ nhiều đời, là tiếng mưa rơi trên mái tranh trên tàu lá chuối, là tiếng cuốc trưa hè, là những hình ảnh thấm vào ký ức và tình cảm ta một cách hữu hình lẫn vô hình... Ở Việt Nam, nhiều người nói “đi thăm nhà”, tức là đi qua Mỹ thăm gia đình. Nhưng đến Mỹ họ lại thấy “nhớ nhà”, tức là nhớ Việt Nam. Giống hệt như tôi. Lạ ghê!

May là Lê Minh Quốc đã nhìn ra điều này. Anh nhắc đến những “mảnh vườn Việt Nam” với cây bí, cây bầu, cây nhãn, cây xoài, cây cà chua, cây chuối, cây ớt, giáp cá, tía tô, húng quế... Đó là quê hương thu nhỏ đối với người Việt xa xứ. Quốc viết “Mảnh vườn của người Việt trên nước Mỹ là nơi người ta gửi gắm nỗi niềm bàng bạc nhớ quê”. Đúng quá! Mà ngay cả Quốc cũng thế: “mới xa nhà dăm ngày đã thấy não lòng huống gì những người già sống lâu dài ở Mỹ”.

Có lẽ người Việt xa quê nào cũng thế, không cứ là người già. Tôi nhớ bài tập đọc Chỗ quê hương đẹp hơn cả trong sách Quốc văn giáo khoa thư kể chuyện một người đi du lịch đã nhiều nơi, hôm về nhà hàng xóm láng giềng đến chơi rất đông. Có người hỏi “Ông đi du sơn du thủy, tất đã trông thấy nhiều cảnh đẹp, vậy ông cho ở đâu là thú hơn cả”. Người đó trả lời “Cảnh đẹp mắt tôi trông thấy đã nhiều, nhưng không đâu làm cho tôi cảm động, vui thú bằng lúc trở về chốn quê hương, trông thấy cái hàng rào, cái tường đất cũ kỹ của nhà cha mẹ tôi. Từ cái bụi tre ở xó vườn, cho đến con đường khúc khuỷu trong làng, cái gì cũng gợi ra cho tôi những mối cảm tình chứa chan, kể không sao xiết được”. Cái hàng rào đó, cái tường đất đó, cái bụi tre quanh con đường làng khúc khuỷu đó, thiết tưởng người Việt nào đi xa cũng mang theo trong lòng.

Lại nhắc chuyện tôi ngồi nhìn mưa bay bên Mỹ. Thấy mưa sao giống mưa bên nhà, lòng tự nhiên bồi hồi quá thể. Bỗng nghe tiếng chó sủa vẳng ra từ dãy nhà trước mặt, tiếng sủa giống y con Vàng, con Vện ở quê. Tôi mừng quýnh, chạy vô đập thằng em dậy, rối rít khoe: Này, tao vừa nghe tiếng chó sủa. Không phải chó bécgiê. Nó sủa y như mấy con chó nhà ngoại mình dưới quê. Thằng em chạy ra dòm, nói: Gia đình đó người Lào! Hóa ra không phải chó Việt, mà là chó Lào. Tôi thất vọng quá, nhưng rồi tự an ủi: Nước Lào ở kế mình, tuy tiếng Lào khác tiếng Việt, nhưng chó Lào sủa cũng không khác chó Việt là mấy, nó sủa cũng giống chó quê mình, không ra “ngoại ngữ” lắm! Nghĩ vậy, tự nhiên đỡ buồn!

Cho nên, thật dễ hiểu mà cũng thật cảm động khi Lê Minh Quốc bùi ngùi kết luận “Trong khi làm vườn với tâm thế hướng về quê hương, tìm lại những hình ảnh cũ thì cũng chính lúc ấy người Việt xa quê bắt đầu chớm lên tình yêu gắn bó với vùng đất đai của xứ sở mới”, chính vì xứ sở mới đã mang hình bóng của quê hương qua những trái bí trái bầu...

Đó cũng là những hình ảnh và những cảm nhận Lê Minh Quốc dành để khép lại tập bút ký Một ngày ở Mỹ. Như để nói rằng, trong Một ngày ở Mỹ giới thiệu về nước Mỹ không phải là phần quan trọng nhất mà điều lớn hơn là khám phá tâm tình người Việt. Và cái tâm tình đó chỉ được chiếu rọi rõ nét hơn khi người Việt đi xa, cụ thể là... đi Mỹ.


N.N.A


 

 

 

 

1.


Tôi nhởn nhơ chơi, mời linh hồn tôi đến
Tôi cúi xuống nhởn nhơ quan sát một ngọn cỏ mùa hè
(Walt Whitman 1819- 1892)



   Sau một giấc ngủ dài, nửa tỉnh nửa mê, chập chờn và bồng bềnh trên chín tầng mây trắng và xám, tôi giật mình thức dậy. Chiếc máy bay mang ký kiệu UA 862Q thấp xuống dần. Qua ô cửa kính, tôi bắt đầu nhìn thấy những con đường chằng chịt dưới đất. Những con đường hiện dần ra trong mắt. Sân bay Los Angeles. Một vạt nắng vàng ùa vào hai con mắt. Đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến nước Mỹ. Đi du lịch là mở lòng ra hòa nhập với thiên nhiên. Mở mắt ra để phóng một tầm nhìn và đem về một nhúm cỏ. Đến Mỹ, không như đến các nước khác, mỗi người Việt Nam tùy theo hoàn cảnh của mình mà có những suy tư khác nhau. Cũng có thể trái ngược nhau.


     Với tôi, bỗng dưng trong mắt hiện lên hình ảnh cậu bé lên năm, lên sáu gương mặt bầu bĩnh, đẹp trai nhưng con mắt hơi đa tình, rất đáng yêu. Cậu bé đó là tôi.


     Thuở nhỏ, tôi học ở trường Nam Tiểu Học (Đà Nẵng) được thầy cô và các nhân viên giáo dục người Mỹ “đối xử” một cách “lạ lùng” - nay nhắc lại có thể nhiều người… không tin. Làm sao có thể tin được, khi mà các cậu học trò tiểu học hồi ấy trong giờ ra chơi bị “bắt buộc” phải ăn bánh mì và uống sữa tươi! Bánh mì Mỹ và sữa Mỹ hẳn hòi đấy nhé! Mỗi bàn học có năm thằng nhóc hỉ mũi chưa sạch, được thầy giám thị phát một ổ bánh mì dài chừng nửa thước để tự chia nhau. Còn sữa tươi thì đựng trong cái bình lớn đặt ngay ngoài cửa lớp, học trò phải tự lấy uống! Ăn bánh mì và uống sữa riết cũng chán! Ngày ấy, chúng tôi thường nhai ruột bánh mì rồi lợi dụng lúc giáo viên lơ đễnh là ném chí chéo lên tường. Nó bám chặt phải biết! Còn sách giáo khoa là loại sách in trên giấy trắng tinh. Một thú vui của tôi thuở ấy là lật quyển sách ra và đưa sát vào mũi ngửi, hít hà, hít lấy hít để mà cảm nhận cái  mùi thơm thơm của mực và giấy mới. Sách này, bất cứ quyển nào ở bìa 4 cũng đều có ghi “Nhân dân Hoa Kỳ với sự hợp tác của Bộ Văn hóa giáo dục Việt Nam Cộng hòa thân tặng các Trường Sở tại Việt Nam. Sách này tặng, không bán”.


          Lại nhớ một kỷ niệm êm đềm của thời tiểu học. Bấy giờ người Mỹ vừa phóng phi thuyền Apollo 11 lên mặt trăng. Cuộc đổ bộ lịch sử của phi hành gia Neil Armstrong và Edwin Aldrin xuống mặt trăng diễn ra vào ngày 21.7.1969 đúng vào lúc 2 giờ 56 phút 20 giây GMT, tức 10 giờ 56 phút 20 giây tại Sài Gòn. Họ đã cắm cờ Hoa Kỳ. Chỉ sau 1 giây 3, hình ảnh từ trên mặt trăng đã vượt qua 380.000 cây số trên làn sóng vô tuyến điện để tới hàng triệu, hàng triệu máy truyền hình trong các gia đình dưới địa cầu. Thầy giáo của tôi hào hứng báo tin này và giao hẹn, hễ đứa nào học giỏi sẽ được nhà trường tặng cho phần quà nhỏ. Đó là chiếc huy hiệu tròn bằng đồng xu, bề mặt màu xanh hơi bầu, in hình phi hành gia trên nguyệt cầu. Lời hứa hẹn này đã làm chúng tôi náo nức lắm... Rồi bây giờ đến Mỹ, trong những ngày ở tiểu bang Florida, anh Tâm- chồng của ca sĩ Tâm Khanh muốn đưa tôi đến tham quan Cape Kennedy - nơi đã phóng Apollo 11 lên mặt trăng, từ nhà anh đến đó chỉ hơn một tiếng đồng hồ, đi bằng xe hơi, nhưng tôi từ chối. Tôi muốn giữ lại nguyên vẹn cảm xúc hồn nhiên, trong sáng của thuở học trò. Nay đến đó, nếu nhìn thấy sự vật không như thuở nhỏ mình đã tưởng tượng thì đến làm gì?


           Tôi chợt nhớ thời Mỹ mới đổ quân vào cảng Đà Nẵng, lúc ấy gần nhà tôi đã có người thầu giặt quần áo cho lính Mỹ. Nhiều lần họ mừng rú lên, khoe nhặt được nhiều tờ USD còn bỏ sót. Trên con đường đi học, tôi bắt đầu thấy mọc lên những “sờ nách ba” dọc theo bờ sông Bạch Đằng, ánh điện tù mù và đêm đêm gào thét những tiếng nhạc xập xình. Hình ảnh lính Mỹ từ trong đó bước ra ngả nghiêng với cơn say, giày bót-đờ-sô nghiến trên mặt đường đã trở nên quen thuộc. Nhiều hàng hóa Mỹ đổ vào Đà Nẵng. Khối người “phất” lên nhanh chóng nhờ buôn hàng PX. Khối người vào tù. Tại sao? Mùa xuân năm 1968 do bị chỉ điểm nhiều cơ sở nằm vùng bị đánh phá khốc liệt. Tôi đã thấy những “Việt cộng nằm vùng” bị xiềng tay dẫn đi trên đường, có người tìm cách trốn chạy, bị chúng bắn vỡ sọ rồi đạp xác xuống cống ven đường. Xa xa có những tiếng pháo mừng Xuân mới vọng về... Bọn lính rằn ri, lăm lăm súng ống trên tay đằng  đằng sát khí xộc vào nhà tôi. Chúng bẻ quặt tay ba tôi ra sau lưng. Chiếc còng số tám lạnh lùng siết chặt. Tống lên xe bít bùng. Tôi sợ hãi khóc không thành tiếng. Thời gian này, ba tôi bị giam ở nhà lao Đà Nẵng. Ấn tượng dữ dội đã tạo một vết sẹo không phai trong ký ức: Do bị bệnh nặng, chúng đã chuyển ông ra bệnh viện Đa khoa, ông mặc áo tù, nằm trên giường, gương mặt tím bầm. Hai chân của ông bị treo ngược lên cao bằng những sợi dây xích. Mỗi lần ông cựa quậy thì tiếng sắt va chạm vào nhau tạo nên một âm thanh khô khốc đến rợn người. Âm thanh ấy đập vào tai tôi và vang vọng suốt một đời. Sau đó, là chúng đày ông ra Côn Đảo. Chúng bí mật đưa ra đảo nên gia đình tôi không hề biết. Mẹ tôi cùng bà ngoại đã đi khắp chùa chiền để nguyện cầu. Nghe chỗ nào có thầy bói hay là lại tìm đến để dò hỏi tông tích của ba. Nhưng tất cả đều đoán trật lất. Từ đó, mẹ tôi không còn tin gì vào thần thánh. Cuối cùng, bọn đầu trâu mặt ngựa mới bắn tin đã đưa ba ra Côn Đảo và đòi hối lộ. Lúc bấy giờ, gia đình tôi đã khá giả, cả họ hàng bên ngoại đều bán vàng ở chợ Cồn với những hiệu lừng lẫy một thời: Vĩnh Châu, Vĩnh Thái, Vĩnh Phát, Vĩnh Thuận... Mẹ tôi mới sai thợ làm sáu chiếc lắc, mỗi chiếc năm lượng vàng ròng. Với yêu cầu đó, không thợ nào làm nổi. Sau cùng, cậu tôi phải đứng ra làm, ròng rã cả nửa tháng trời mới xong. Những tưởng hối lộ xong thì ba sẽ được tự do, nào ngờ mãi đến năm 1972 ông mới được trở về đất liền. Lúc ấy, ba bị phù thũng nên mỗi lần cười thì gương mặt méo xệch. Ông trở nên trầm ngâm hơn, ít nói. Một lần ba tôi dẫn tôi đi ăn mì Quảng. Những hột đậu phông rơi vãi trên bàn, ông cẩn thận nhặt lẩy bỏ vào tô của tôi. Vì đậu ngon hay ông tiết kiệm? Ăn xong, hai cha con đứng dậy trở về nhà. Đến đầu đường Nguyễn Trãi, tôi chợt thấy một người đeo kính đen, mặc áo montaghi ngồi trên xe hon - đa kín đáo nhìn theo. Ít lâu sau, ba tôi lại bị bắt. Ông ăn cơm tù nhiều hơn cơm nhà. Đơn giản chỉ vì ba tôi cùng đồng chí “Việt cộng nằm vùng” của ông không chấp nhận sự có mặt của quân đội Mỹ.


     Đó cũng là lúc mọi người kháo nhau về “huyền thoại” băng cướp “Người dơi”. Băng cướp này gồm những tên lái xe Suzuki thuộc loại “thần sầu quỷ khốc”, bịt mặt hóa trang như trong phim người dơi đang chiếu trên ti-vi thuở ấy. Chúng thường phục kích xe Mỹ chở hàng từ cảng Đà Nẵng vào thành phố để bám theo. Khi xe lên đến “xa lộ ruồi” (tức đoạn ngay Công viên 29.3 hiện nay), thuở ấy còn thưa thớt dân cư, ít người sinh sống, chúng thực hiện “phi vụ” động trời là bám vào đuôi xe Mỹ. Dù xe Mỹ đang chạy với tốc độ kinh hồn, nhưng tên ngồi sau đã liều lĩnh bám vào thành xe, leo lên thùng xe để lấy hàng thả xuống cho đồng bọn đang rú ga chạy đàng sau. Chuyện này xẩy ra như cơm bữa. Lính Mỹ điên tiết tìm cách trả đũa. Nhưng nghe đâu, khi chúng nã đạn thì những tên trong băng Người dơi đã luồn xe mình… sát ngay dưới gầm xe đang chở hàng của bọn chúng để trốn thoát (!?). Cứ như chuyện cổ tích, buồn cười thật!
-Cười gì vậy? Mua cà phê uống nhé!
          Đứng nhìn sân bay Los Angeles trong nắng nhạt, anh bạn nhà thơ Đỗ Trung Quân vỗ vai tôi bảo thế. Bỗng nhiên thèm một ngụm cà phê đắng. Thèm khủng khiếp. Từ tay một phụ nữ Mỹ, mắt nàng xanh nhạt, sau khi trả 1 USD tôi nhận lấy ly cà phê đựng trong giấy xốp. Hấp tấp đưa lên miệng. Ủa! Đắng ngét! Sau tôi mới biết, người ta chỉ bán cà phê, không bỏ thêm gì cả. Muốn gì “thượng đế”  hãy tự phục vụ lấy! Đường, sữa, muỗng... đặt sẵn ngay đấy! Nhiều vô kể. Ngọt nhạt thế nào thì tùy, muốn lấy bao nhiêu thì lấy, không ai than phiền lấy nửa lời. Dù sao ly cà phê này cũng rẻ hơn tại phòng đợi quốc tế của sân bay Tân Sơn Nhất những 3 USD. Bỗng nhớ nhà biên kịch Đoàn Tuấn, có lần bảo: “Đi du lịch mà cứ nói đến tiền nong sẽ làm mất đi cái sự phóng khoáng của nhà thơ”. Nhưng tôi còn là nhà báo. Mà nhà báo thì sao nhỉ? Chẳng lẽ, anh đi, anh thấy, nhưng không ghi chép hoặc không đưa ra những ý kiến của riêng mình? Tôi lại nhớ đến nhà văn bậc thầy Nguyễn Tuân, khi viết về cây cầu Hiền Lương chia đôi đất nước suốt một thời gian dài, ông đã cù mì củ mỉ đếm có tất cả bao nhiêu tấm ván lót trên chiếc cầu anh hùng ấy! Chi tiết nhỏ này cũng góp phần hữu ích cho các nhà sử học đấy chứ? Lại nghĩ, một bài báo thú vị là trong đó anh chàng nhà báo đã đưa ra những chi tiết mới lạ, mà ngay cả người “trong nghề” cũng ngạc nhiên..

.
           Không cần đưa tay đẩy, chỉ mới vừa bước đến, cánh cửa kính trong suốt đã mở, chúng tôi thong thả bước ra ngoài tìm một chút khí trời để thưởng thức cà phê. Ra khỏi căn phòng máy lạnh của sân bay phì phèo nhả khói và nhìn vạt nắng vàng lẳng lơ trong gió mới thú vị làm sao. Lại nhớ đến mấy câu thơ tài hoa của Hồ Dzếnh. Cái tựa “Màu mây trong khói” gợi cảm và âm vang hơn  “Chiều” mà Dương Thiệu Tước đã đổi khi phổ nhạc. “Nhớ nhà châm điếu thuốc. Khói huyền bay lên cây”. Tác giả viết bài thơ tại một cánh rừng biên giới Việt - Trung. Nắng chiều yếu đuối. Nắng đang hấp hối. Vì thế khói thuốc trở nên huyền hoặc và chia sẻ hơn chăng? Ở đây thì không. Cây ngoài kia cao vút. Nắng nhạt. Không có chút gió rét nào. Vì thế, cái cảm giác “Tiếng buồn vang trong mây” không có. Tôi chỉ cảm nhận nhận được “Ngỡ hồn mình là mây” khi đến Washington DC. Những ngày ấy, trời rét lạnh. Muốn nhả khói phải bước ra khỏi khách sạn mà gió buốt tận xương. Còn hứng thú cái nỗi gì? Người Mỹ hạn chế thuốc lá một cách triệt để. Không nửa vời. Trong nhiều khách sạn, chẳng hạn ở khách sạn Helix người ta thông báo nếu phát hiện ai hút thuốc lá trong phòng sẽ bị phạt 250 USD. Có thể, số tiền này với nhiều người chỉ là “chuyện nhỏ”, nhưng tại sao không ai dám vi phạm? Theo tôi đó là “áp lực” về tâm lý. Trong khi không ai dám nhả khói nơi công cộng, thế mà mình làm khác đi thì lập tức mọi người nhìn mình như “người ngoài hành tinh”! Ngay cả trong các khu vui chơi dành cho trẻ em, cũng cấm thuốc lá bừa bãi, có nơi có chốn riêng biệt, không muốn “thế hệ tương lai” phải nhìn thấy một hình ảnh xấu của người lớn? Còn trong nhà hàng? Đừng hòng. Một người bạn tôi ở Sacramento, lúc còn ở Việt Nam cũng là “tay chơi” có hạng. Nhưng... Sáng hôm ấy, anh mời tôi ly cà phê, đưa thêm điếu thuốc lá và bảo ra... sau nhà mà nhả khói. Sao không là ở trước nhà ngắm cảnh cho sướng con mắt? Anh bảo: “Những gia đình chung quanh nhìn mình sẽ không mấy thiện cảm”. Thật khó tìm thấy hình ảnh những người phì phèo thuốc lá ngoài phố xá. Thế đó, sự tự giác đôi khi còn bị ràng buộc bởi quan hệ cộng đồng. Một cái nhìn của người chung quanh - dù không nói ra, nhưng có tác dụng hơn một lời nói... Từ sân bay Los Angeles, tôi mở sổ tay hí hoáy ghi lại mấy dòng cảm xúc chợt đến:


Người ta thì cũng người ta
Nhưng âm sắc lại vừa xa vừa gần
Tôi nhìn xuống dưới gót chân
Vẫn bùn quê mẹ ân cần bám theo


     Sân bay này có ba tầng, diện tích của nó chừng... 14 cây số vuông! Chúng tôi vất vả lên xuống thang máy, tìm nơi check in chuyến bay kế tiếp. Trong phòng đợi, người vẫn người. Vẫn nườm nợp lướt qua. Máy lạnh vẫn lạnh. Những chuyến bay lên xuống. Tịnh không có tiếng động ồn ào, náo nhiệt. Nếu lắng tai, ta chỉ có thể nghe được âm thanh của những gót giầy vừa đi qua. Nếu thính mũi, ta còn biết được cô nàng xinh đẹp kia đã dùng nước hoa loại gì. Ngẫm ra rằng, cuộc đời này quá đỗi rộng lớn mà cũng qua đỗi xa lạ. Nắng ngoài kia vàng rực. Đẹp đến mê hồn. Vậy mà đã bao ngày, mình đơn độc thui thủi trong góc phòng “đóng cửa phòng văn hì hục viết”. Những tưởng từ màn hình trên máy vi tính sẽ mở ra những thế giới mới, nhưng không phải. Thực tế của đời sống, dù đơn giản, dù chỉ là một vạt nắng mơn trớn, chẳng gì to tát nhưng lại hấp dẫn hơn nhiều. “Nắng mơn trớn” không phải do tôi tìm ra. Năm xưa lên Đà Lạt, một người làm vườn đã “cho” tôi cái từ ấy và tôi giữ lại. Nhà văn Tô Hoài cho biết cũng có lần ông được người nông dân Bắc bộ cho hai từ đắc giá “mạ ngồi” - nhằm để chỉ mạ vừa nẩy mầm. Thực tế của đời sống là chất liệu cần thiết của người sáng tác. Tưởng tượng là cần, nhưng đôi khi hiện thực của đời sống lại vượt qua cái trí tưởng tượng của nhà văn. Văn chương chỉ là trò chơi của con trẻ. Câu nói của Cao Bá Quát đã từng ám ảnh trong ngày đi Hà Lan, nay lại quay trở lại. Tôi nghĩ, văn chương sống được là nhờ sự ảo tưởng từ phía người sáng tác. Đời sống có quá nhiều điều máu thịt khiến độc giả phải nhớ. Nhớ thêm một vần thơ liệu có ích lợi gì?


        Thuở còn bé, tôi nghĩ rằng “văn mình vợ người”. Nhưng bây giờ, trước mắt tôi là một không gian quá đỗi rộng lớn khiến mình choáng ngợp, tôi lại nghĩ rằng câu nói ấy chỉ dành cho những ai chưa từng trải. Chưa từng trải, chưa đau đớn bởi cái sự vùi dập của cái cõi nhân sinh này mới ngờ nghệch nghĩ thế. Đến lúc nào đó, có thể lúc sắp xuôi tay nhắm mắt ta mới ý thức ngược lại. Sự thủy chung của vợ mình mới là điều quý giá nhất ở cõi đời này. Vợ mình là nhất. Còn văn người mới là ghê là gớm, chứ văn mình nên cái trò trống gì! Ngay cả thi hào Nguyễn Du đã dựng nên một tượng đài vàng ròng, một kiệt tác Truyện Kiều cũng bùi ngùi ngùi, tặc lưỡi “Mua vui cũng được...”. Đó không phải khiêm tốn. Mà chính là ý thức tót vời của một con người “có con mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời”. Lũ chúng ta, chỉ mới nhăng nhố vài ba câu thơ đã huênh hoang xưng tên vỗ ngực. Ảo tưởng.


     Mà thôi, nhắm mắt lại ngủ đi.


           Qua chuyến bay kế tiếp, từ chuyến UA 210 Q, chúng tôi có mặt tại Washington D.C vào lúc nửa đêm. Qua đây tôi mới biết D.C là viết tắt của “District of Columbia” (quận Columbia) - một  quận hành chính Liên bang ở phía đông, gần Đại Tây Dương. Ngoài ra, còn có bang Washington ở tít phía Tây Bắc (bờ Thái Bình Dương). Tôi bắt đầu để ý đến những tấm bảng điện tử treo trong sân bay, ở đó ghi rõ lịch bay, thời gian, nơi đi nơi đến và cả nơi mình lấy hành lý. Nhờ thế, “mù” tiếng Anh nhưng tôi cũng không đến nỗi Lý Toét. Tại sân bay này, một Xã Xệ như tôi đã lấy làm ngạc nhiên khi biết muốn lấy xe đẩy hành lý phải cho vào hệ thống tự động vài USD, cụ thể 3 USD. Nhưng sau đó, muốn lại khoảng tiền này ta phải trả xe vào đúng vị trí cũ. Việc làm này giúp cho sân bay trở lại ngăn nắp như trước lúc đón khách. Như thế, họ không phải mất thêm khoảng tiền thuê mướn công nhân làm việc thu xếp này.


         Một lần khác tôi lại Lý Toét, lại Xã Xệ khi đang thiu thiu ngủ trên xe hơi lao vút với tốc độ cao, bỗng giật mình như vấp phải ổ gà! Điếng người! Bừng con mắt dậy, tôi ngơ ngác tự hỏi:


          -Ủa! Đường cao tốc của một đất nước hiện đại như Mỹ mà cũng cà chớn vậy sao?


       Hoàng đang lái xe cười khì:


       -Không phải đâu anh à! Họ cố tình làm những cái gờ, xe lướt qua sẽ bị lắc nhằm đánh thức người lái xe, nếu họ ngủ quên!


        Mà cũng dễ ngủ quên thật đấy chứ. Phong cảnh hai bên đường na ná như nhau. Cũng vạt rừng mênh mông, hoa vạt mọc li ti đến ngút ngàn; cũng những tòa nhà cao ngất... Không thấy người đi bộ. Chỉ xe lướt qua nhanh. Những tòa nhà gạch xám lạnh lùng, vô hồn. Hình ảnh này khiến tôi thấy cô đơn, lạc lõng. Không gì  hắt hiu, cô quạnh hơn khi nhìn những cao ốc sáng đèn, cửa kính trong suốt lại không thấy người. Không một ai trong nhà. Không một ai trên phố. Chỉ có hàng cây bơ vơ trong gió. Tiếng gió u u đủ gợi nhớ về quê nhà xa lắc. Chợt nhớ năm xưa khi đến Canberra - thủ đô của nước Úc, tôi đã sống trong cảm giác:


Gió chiều lành lạnh quạnh hiu
Ngược xuôi xe chạy dập dìu lướt nhanh
Lặng yên cây đứng để xanh
Tôi đi lặng lẽ loanh quanh đỡ buồn
Gió chiều xám xịt môi run
Tôi dỗ tôi rót nỗi buồn về đâu?


        Không để tôi lan man, Hoàng vén tóc, rồi đưa tay chỉ tôi nhìn bên ngoài:


       -Anh à! Đó là bức tường cách âm, nhằm tránh tiếng ồn cho những ngôi nhà gần đây!


         Bức tường này cao chừng năm mét và chạy dọc theo đường cao tốc, phía bên tay phải của người lái xe. Tỉnh ngủ, đưa mắt nhìn ra phía trước, tôi nhận ra những vệt trắng nằm thẳng trên mặt đường nhằm ngăn cách giữa các làn xe. Tưởng sơn trắng, nhưng không phải, đó là những kính dạ quang. Kính này đủ sức chịu lực, bánh xe chèn lên cũng không sao. Khi có đèn xe, nó phản chiếu ánh sáng rõ mồn một... Rồi tiếp tục quan sát, cứ cách khoảng một ngàn mét tôi lại thấy những trụ cây có gắn một cái điện thoại. Thời buổi này có cần phải như thế không? Mỗi người đều có một, hai điện thoại di động, nếu cần sẽ bấm phôn ngay thôi. Nhưng người Mỹ vẫn làm vì phòng có những nơi không phủ sóng, nếu đang đi trên đường gặp sự cố làm sao có thể liên lạc? Mà trên đường cao tốc thỉnh thoảng tôi lại thấy xe tuần tra của cảnh sát giao thông dưới đất và máy bay kiểm tra từ trên không.


     Nhìn chung hệ thống đường sá của nước Mỹ không chê vào đâu được. Nhiều làn xe. Mạnh ai nấy chạy. Sau này tôi biết thêm, đường cao tốc ở nước Mỹ từ Đông sang Tây số chẵn; đường nối Bắc - Nam số lẻ. Trên suốt một chặng đường dài thường có những siêu thị nhỏ, ta dừng chân nghỉ ngơi, ăn uống...  Nếu thích rửa xe thì cứ việc, không tốn một xu, chỉ cần đậu xe dưới một vòi nước tự động. Từ trên cao, nước sẽ phun xối xả, lúc xe chuyển bánh thì nó tự động ngưng...


         Có một điều lạ lẫm trong tâm thế của tôi, khi đến những nơi xa lạ, lúc ấy lại thèm nghe tiếng Việt khủng khiếp. Xa lạ ngay cả những thứ ta gặp hàng ngày, chẳng hạn với đơn vị đo khoảng cách người Mỹ dùng mile (tương đương 1.60 kilômet), yard (tương đương 0.91 mét), feet (tương đương 0,3048)...; đơn vị đo trọng lượng cũng thế, người Mỹ dùng pound (tương đương 0.40 kilogam), ounce (tương đương 28.35 gam) v.v...; khi đổ xăng lại dùng đơn vị gallon, trong khi ta lại quen với lít; khi nói về thời tiết họ dùng nhiệt độ Fahrenheit (độ F), chứ không dùng nhiệt độ Celsius  (độ C)... Đã rắc rối như thế lại không ăn được thức ăn Mỹ, không nói được tiếng Mỹ, không được nghe tiếng Việt thì làm sao đây hở trời? Anh bạn Quang kể, con gái anh lớn lên tại Mỹ có lần nhìn thấy áo khoác của anh bị rách, nó kêu lên: “Ba ơi! Cái áo của ba bị bể rồi”, thấy trái rụng ngoài vườn, nó bảo: “Ba ơi! Con thấy trái ổi vừa bị té xuống đất”. Nghe mà thương, mà yêu tiếng Việt vẫn còn giữ được ở người xa xứ... Tôi ghi trong sổ tay:


thèm nghe tiếng Việt ngọn tre cỏ dại
giọng nói quê mùa
trái ớt cay tê lưỡi
nước mắm thơm điếc mũi
rau muống xanh
tiếng Việt ngàn năm Hồng Hà, Cửu Long...
hát ru cánh cò chở gió qua sông
đi trên đất Mỹ
chẳng thấy mặt người
xe chạy vút
thời gian lao vụt
ngước mắt nhìn mây trời
vẫn xanh như quê mẹ
tôi yêu tiếng Việt như đứa trẻ
ngàn đời còn tập nói
tiếng Việt âm vang là núi là sông là rừng là suối
ngọt cả môi
kìa hãy nhìn cỏ mướt trên đồi
vạt hoa tím đến nao lòng
kìa hãy nhìn cao ốc
thứ tự ngay hàng thẳng lối
ngày sắp đi và đêm sắp tối
nắng vẫn vàng
tôi thèm nghe tiếng Việt Nam
môi em thơm chẳng vì son
vì tiếng Việt


     Tưởng tượng trên đất khách quê người, có dịp được nghe ríu rít bên tai âm vang những sắc huyền hỏi ngã nặng thì trong lòng bồi hồi xúc động, sung sướng biết bao nhiêu...


 

 

2.
Từ nay sẽ tỏa rộng và nhanh
Những nguyên tố mới, những chủng tộc, những sự điều chỉnh mạnh mẽ, nhanh chóng và táo bạo
Lại nữa một thế giới bắt đầu, những viễn cảnh vô tận của vinh quang tỏa ra mãi mãi
(Walt Whitman)

    Sự phát hiện ra châu Mỹ chỉ là một sự tình cờ. Sự tình cờ đôi khi đem lại nhiều bất ngờ. Từ thế kỷ XV, nhà hàng hải Christopher Columbus (Kha Luân Bố) người Ý, tìm đường sang phương Đông là nhằm mục tiêu mua gia vị, qua đó mở một con đường mới thuận lợi hơn, chứ không phải chủ đích tìm vùng đất mới. Với nhận thức trái đất tròn, thuở ấy các nhà hàng hải tài ba nhất của châu Âu cũng cho rằng nếu đi về hướng tây, người ta sẽ đến một châu Á huyền bí. Họ chưa biết sau Đại Tây Dương còn có một lục địa châu Mỹ rộng mênh mông và một Thái Bình Dương ngàn năm sóng vỗ. Chuyến đi của Christopher Columbus thực hiện năm 1492 dưới sự bảo trợ của hoàng đế Tây Ban Nha. Khi đặt chân lên châu Mỹ, ông báo cáo về triều đình là mình đã đến Tây Ấn. Oái oăm thật. Vì tưởng vùng đất này thuộc Ấn Độ (Indies) nên người da đỏ châu Mỹ bị gọi là Indian. Sự nhầm lẫn này đến nay hiển nhiên tồn tại.


         Rồi năm 1499 nhà hàng hải Ý Amerigo Vespucci đến cửa sông Amazon ở Nam Mỹ và ông khẳng định đây không phải châu Á mà một lục địa mới, một Tân thế giới. Chính vì thế năm 1507, dựa vào nhận định này nhà địa lý Đức Martin Waldessmuller đặt tên là America. Tại sao là America? Đơn giản, lấy theo tên Amerigo. Như vậy ngay từ thuở ban đầu, địa danh nước Mỹ đã mang dấu ấn của con người đi khám phá. Từ đó, một làn sóng nhập cư vào nước Mỹ cũng không ngoài mục đích đó. Mục đích muốn ổn định làm ăn và ước mơ đổi đời...


     Kể từ ngày Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ ra đời (1776), phải sau gần hơn 100 năm, người Việt Nam mới đặt chân đến nước Mỹ, không phải đi du hí du lịch mà vì sứ mệnh của đất nước.


          Thời điểm này, năm 1873, tình hình nước  ta ngày càng nguy ngập hơn, thành Hà Nội, rồi mấy tỉnh trung châu lọt vào tay giặc Pháp. Tâm trí vua Tự Đức rối bời như canh hẹ. Hòa hay đánh? Đánh ra sao? Hòa như thế nào? Một mặt, nhà vua cử người sang Pháp thương thuyết cầu hòa, một mặt cho người bí mật tiếp xúc với người Anh - để tìm thế đối trọng. Có lẽ, vua Tự Đức bấy giờ ít nhiều thấm thía những điều trần của Nguyễn Trường Tộ nên mới có quyết định này. Nhưng ai sẽ là người chịu trách nhiệm khó khăn này? Nhà vua nghĩ ngay đến Bùi Viện, một nhà nho cấp tiến có nhiều cải cách lúc bấy giờ. Đầu tháng 7.1873, lúc Bùi Viện vào cung bái mạng để lên đường, Tự Đức dặn dò:


           -Không nên sơ suất lời nói để người ta biết thực trạng kém cỏi của mình, không nên quá tiết kiệm  tiền bạc trong lúc giao thiệp, cốt sao giữ lấy quốc thể.


       Từ Túy Vân Sơn - một trong 20 di tích tuyệt đẹp ở Huế do vua Thiệu Trị phân hạng - Bùi Viện ra cửa Thuận An, trên chiếc thuyền nhỏ với một ít tặng phẩm và vàng bạc. Suốt nhiều ngay lênh đênh trên biển khơi, ông đã đến Hương Cảng - bấy giờ người Anh đang khai thác và tấp nập tàu bè các nước đến giao thương. Ông tìm mọi cách để giao thiệp với nhân sĩ Hương Cảng - dĩ nhiên là bút đàm bằng chữ Hán. Thông qua họ, ông đã làm quen với một viên lãnh sự Hoa Kỳ tại đây. Điều may mắn nữa là người này có mẹ người Trung Quốc, đã từng ở Trung Quốc nên thông thạo ngôn ngữ Trung Quốc. Thành ra cuộc đàm thoại giữa hai người không cần phiên dịch. Viên lãnh sự này khâm phục Bùi Viện tuy còn trẻ, nhưng lúc nào cũng canh cánh cho số phận của Tổ quốc mình. Vì vậy, khi Bùi Viện đề nghị được giới thiệu để tiếp cận với tổng thống Mỹ Ulysse Simpson Grant thì viên lãnh sự giúp đỡ ngay. Ông ta viết lá thư gửi gắm Bùi Viện cho người bạn thân đang làm việc trong dinh tổng thống.


        Có được “bửu bối” này, ngay lập tức Bùi Viện đáp thuyền đi Hoành Tân (tức Yokohama -Nhật Bản), từ đây ông đổi tàu đi Cựu Kim Sơn (tức San Francisco) và thẳng tới Hoa Thịnh Đốn (Washington D.C). Do không thông thuộc địa hình, bất đồng ngôn ngữ nên ông phải lưu lại trên đất Mỹ hơn một năm. Cuối cùng, ông mới được tiếp kiến tổng thống U.S. Grant. Trong cuộc gặp gỡ quan trọng này, Bùi Viện trình bày tình hình đất nước mình và yêu cầu tổng thống Mỹ viện trợ để chống lại  bọn Pháp xâm lược. Lúc này, Pháp đang can thiệp vào Mexico nên tổng thống Mỹ cũng muốn nhân cơ hội này trả đũa lại. Sự việc sẽ diễn ra như ý muốn, nếu lúc đó Bùi Viện có cầm theo Quốc thư ủy nhiệm của nhà vua nước ta. Do sự thiếu sót trong nghi thức ngoại giao nên ông đành cáo từ và hẹn sẽ quay lại lần thứ hai.


       Về nước, tàu vừa cập bến  thì  được tin mẹ già mất, Bùi Viện về quê thọ tang. An táng mẹ xong, thấy cha già lẻ loi cùng đàn em nhỏ không người chăm sóc mà mình còn phải bôn ba việc nước. Sau khi suy nghĩ cân nhắc về chữ hiếu, chữ trung ông đã rước thêm mẹ kế cho cha. Sau đó, Bùi Viện lại lên đường sang Mỹ lần thứ hai, năm 1875. Nhưng thời thế bấy giờ đã thay đổi: Thực dân Pháp cùng triều đình nhà Nguyễn đã ký xong Hiệp ước 1874, công nhận sự bảo hộ của Pháp; và Pháp đã nhượng bộ Mỹ về vấn đề thuộc địa. Do đó, tổng thống Mỹ thay đổi chính sách ngoại giao và từ chối lời cầu viện như đã hứa hẹn.
Có thể trước Bùi Viện cũng đã có người Việt Nam đặt chân lên đất Mỹ, nhưng họ không để lại một công nghiệp gì nên đời sau không buồn nhớ đến.


         Còn người Mỹ lần đầu tiên đến nước ta vào lúc nào?


     Họ đến từ rất sớm, năm 1819, chỉ sau 43 năm ngày thành lập Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Người thực hiện chuyến đi này là thương gia John White - sinh năm 1782 tại Marblehead thuộc tiểu bang Massachusetts, một tay có máu phiêu lưu “đầy mình”, thích xông pha sóng to gió lớn để đến chân trời mới. Ngày 2.1.1819 tại hải cảng Salem, John White bắt đầu thực hiện chuyến đi đến Việt Nam với mục đích tìm thị trường thương mại, trao đổi hàng hóa với các nước Á Đông. John White đã đến Côn Đảo, Vũng Tàu nhưng không được ngược dòng sông Đồng Nai vào Sài Gòn vì chưa được lệnh của vị quan Tổng trấn. Không còn cách nào khác, tháng 6 năm đó, John White quay tàu ra Tourane (Đà Nẵng) để tìm cách xin phép các vị quan triều đình Huế trước đã. Theo đường biển, ông thả neo tại Cù lao Chàm và sau đó cập bến Hội An. Thật ra trước John White, từ năm 1803 thuyền trưởng John Briggs đã đặt chân lên vùng đất Tourane (Đà Nẵng), nhưng ta không biết gì nhiều về chuyến đi lịch sử này.


          Mãi đến năm 1832, sự kiện đặt dấu mốc quan hệ Việt - Mỹ lần đầu tiên mới được lịch sử ghi nhận.
Năm đó, trên chiến tàu Khổng tước (Peacook), nhà hàng hải, thuyền trưởng Nghĩa Đức Môn La Bách (Edmund Robert) và đại úy Đức Giai Tâm Gia (Georges Thompson) dẫn đầu phái đoàn vượt trùng dương đến các nước Á Đông với mục đích giao thương. Tạo điều kiện thuận lợi cho “phái đoàn” hoàn thành nhiệm vụ, tổng thống Andrew Jackson đã viết bút thư gửi đến vua chúa các nước và một chứng minh thư ký ngày 26.1.1832 để vị đại sứ này “danh chính ngôn thuận”.


           Có lẽ do chuyến đi này chỉ mới thăm dò, chưa xác định được cụ thể từng quốc gia mà tàu Peacook sẽ dừng lại nên phía trên lá thư này vẫn chừa một khoảng trống để thuyền trưởng Edmund Robert tùy nghi điền thêm vào tên quốc vương, quốc hiệu lúc cần thiết. Do đó, đứng về nghi thức ngoại giao lá thư này không hợp lệ. Khi biết chuyện này, vua Minh Mạng cho rằng “Bất tất đầu đệ” - nghĩa là không cần đệ quốc thư lên ngự lãm và truyền lệnh:


         - Nước họ muốn cầu thông mậu dịch thì ta không ngăn cản, nhưng họ phải tuân theo luật pháp đã ấn định, lần sau họ có đến giao thương thì cho đậu thuyền tại vũng Sơn Trà thuộc vịnh Đà Nẵng, chứ không được lên bờ làm nhà.


       Chính thái độ mềm dẻo nhưng cương quyết của vua Minh Mạng đã để lại cho phái đoàn Mỹ nhiều tình cảm tốt đẹp, cho dù kết quả thương thuyết không diễn ra như ý muốn. Do đó, bốn năm sau, năm 1836, chính phủ Mỹ một lần nữa lại cử Edmund Robert đến Việt Nam. Tàu khởi hành từ New York ngày 23.4.1835 và đến nước ta vào ngày 20.4.1836. Sự kiện này trong sách Đại Nam thực lục chính biên có ghi lại cụ thể. Sau khi đọc tấu trình của tỉnh thần Quảng Nam tâu lên, biết là lần này phái đoàn Mỹ có đem theo cả quốc thư, vua Minh Mạng mới hỏi bá quan văn võ trong triều nên “xử lý” như thế nào? Có nhiều ý kiến khác nhau. Cuối cùng vua Minh Mạng cử Thị lang bộ Hộ Đào Trí Phú cùng Thị lang bộ Lại Lê Bá Tú vào cửa Hàn, Đà Nẵng để thăm hỏi, nghị thuyết với phái đoàn Mỹ.


        Nhưng đáng tiếc khi hai thượng quan của triều đình nhà Nguyễn vào đến nơi thì thuyền trưởng Edmund Robert đang lâm bệnh nặng, không tiếp đón được. Vì thế, ngày 21.5.1836, phái đoàn Mỹ đột ngột nhổ neo rời khỏi Đà Nẵng đưa thuyền trưởng Edmund Robert về nước trị bệnh, không kịp thông báo cho triều đình nước ta. Nhưng Edmund Robert không kịp về đến quê nhà, ông ta mất tại Macao ngày 12.6 năm đó.


          Như vậy, “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” giữa ta và người Mỹ không tạo được mối quan hệ nào đáng kể. Nhìn từ triết lý nhà Phật, tôi gọi đó là “duyên”. Duyên chưa đến, dù có đối diện cũng “bất tương phùng”.
Trước ngày chúng tôi đi Mỹ, cô Patricia D. Norland - Tùy viên văn hóa báo chí của chương trình giáo dục - Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ có trao đổi đôi điều. Cô nói rõ đây là chuyến đi của đoàn khách tham quan quốc tế do Bộ Ngoại giao Mỹ mời mà lần này chúng tôi là “nhân vật chính”.


        Sau đây là một vài thông tin mà tôi ghi nhận trong sổ tay: “Người Mỹ coi trọng sự thẳng thắn và bộc trực; hoặc có hoặc không một cách rạch ròi”. Tôi nghĩ, tính cách ấy khác người Việt. Người Việt mình thích chọn giải pháp “nước đôi”, uyển chuyển và linh động tùy theo tình huống, chẳng hạn “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”; hoặc “Đi với Phật mặc áo hoa, đi với ma mặc áo giấy”... Dù quan niệm “Một giọt máu đào hơn ao nước lã’, nhưng cũng có thể “Bán anh em xa mua láng giềng gần”...


         Tôi ghi tiếp: “Ở Mỹ có các loại tiền kim loại như sau: 1 cent (hoặc penny), 5 cent (hoặc 1 nicket), 10 cent (hoặc 1 dime), 50 cent (hoặc nửa USD) và 1 USD bạc”. Sau này ở Mỹ tôi mới biết, loại tiền kim loại này thuận lợi biết chừng nào. Nó có thể giúp cho mình nhiều thứ. Chẳng hạn, trả tiền phí cầu đường, tiền tips... Nghe nói hiện nay ở Mỹ loại  tiền kim loại 1 USD vàng cũng đã đưa vào sử dụng, nhưng tôi chưa được thấy.


    Tôi ghi tiếp: “Về loại tiền giấy có các mệnh giá 1 USD, 2 USD, 5 USD, 10 USD, 20 USD, 50 USD, 100 USD và cả 10.000 USD”. Sang Mỹ, tôi mới biết thêm một chi tiết khá thú vị ngay cả... người Mỹ chưa chắc đã biết. Tin không? Thật đấy. Đó là hiện nay người da đỏ ở Mỹ không “mặn mà” với tờ giấy bạc 20 USD. Đơn giản vì họ không thích hình tổng thống Jackson (1767- 1845) in trên đó. Tôi biết được điều này là do ông Thomas M. Brandom đã không giấu giếm khi trình bày chuyên đề “Bảo tồn và vai trò văn hóa thổ dân da đỏ đối với toàn cảnh của văn hóa Mỹ” tại thành phố Kansas. Tại sao họ không thích? Tìm hiểu lịch sử nước Mỹ, tôi biết lý do: Trong cuộc nổi loạn tháng 10.1813 của thổ dân Creek - dưới quyền chỉ huy của tù trưởng biệt danh Đại Bàng Đỏ - có khoảng 250 người lính da trắng ở pháo đài Mims (nay thuộc bang Alabama) bị giết. Dù gặp nhiều khó khăn như bệnh kiết lỵ hoành hành khiến nhiều binh sĩ muốn đào ngũ, quân trang quân dụng chưa tiếp tế kịp thời nhưng trên cương vị thiếu tướng quân đội tình nguyện, Jackson vẫn kiên quyết cầm quân phản kích. Và chiến thắng huy hoàng. Có thể nói, Jackson là vị tổng thống duy nhất của Mỹ từng là tù nhân chiến tranh. Lúc bị bắt làm tù binh, có lần viên sĩ quan người Anh bảo anh em Jackson cúi khom người xuống lau giày cho hắn, ông lắc đầu thì lập tức bị hắn chém một nhát kiếm lẹm vào xương và một nhát trên đầu hằn vết sẹo lớn...


        Qua đến Mỹ, tôi mới biết thêm hiện nay, người da đỏ được hưởng nhiều quyền lợi từ chính quyền Mỹ. Được cấp giấy chứng nhận thổ dân da đỏ là ước mơ của nhiều người. Có một điều đáng chú ý, trên giấy đó không ghi rõ họ thuộc cụ thể sắc tộc da đỏ nào. Ông Thomas M. Brandom cho biết nếu xét nghiệm có 1/8 máu thổ dân thì “đạt yêu cầu”. Sự ưu ái dành cho người da đỏ là một thỏa hiệp giữa chính phủ liên bang với thổ dân. Hầu hết lãnh thổ Hoa Kỳ xưa kia do người da đỏ sinh sống và khai phá. Sau này dần dần lọt vào tay những người đến sau. Dấu ấn của thổ dân da đỏ còn lưu lại dưới những cái tên của tiểu bang, thành phố và sông ngòi...


       Dấu vết của một dân tộc còn lưu lại qua định danh, ít nhiều gợi cho ta thấy được lịch sử thăng trầm của một quốc gia. Tôi là người căm thù sự phân biệt chủng tộc. Làm gì trên đời này có dân tộc thượng đẳng và dân tộc hạ đẳng? Phân biệt như thế là điên rồ. Mọi dân tộc đều có những tinh hoa riêng biệt để tạo nên một bản sắc. Khi đọc lại tập thơ Lá cỏ của Walt Whitman, tôi càng thấm thía điều đó. Sinh thời, thơ của ông chỉ bán được vài chục cuốn; thậm chí khi ông gửi tặng, đọc xong người ta trả lui và cẩn thận... xé đôi tập thơ để tác giả khỏi hiểu nhầm. Nay, ông là một trong những tác giả được chọn đưa vào sách giáo khoa Mỹ. Càng đọc, càng yêu mến ông hơn và tôi cũng cực đoan nghĩ ông mới là nhà thơ lớn nhất, người đại diện lỗi lạc nhất của nền thi ca Hoa Kỳ. Ông lớn lao và gần gũi. Ông quyết liệt lên án chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Tôi kính trọng những ai có tinh thần cao thượng ấy. Có lẽ, những câu thơ hay nhất viết về người da đỏ vẫn chính là của Walt Whitman:


Những người da đỏ
Họ để lại cho ta những hơi thở tự nhiên, những tiếng mưa và tiếng gió
Những tiếng kêu tựa hồ như những tiếng chim và tiếng thú rừng,
Và biến tất cả thành âm tiết
Họ để lại cho ta những thứ ấy làm tên Okonee, Koosa, Ottawa, Monongahela, Sauk, Natchez, Chattahoochee, Kaqueta, Oronoco,
Wabash, Miami, Saginaw, Chippewa, Oshkosh, Walla-Walla;
Họ để lại cho đất nước Hoa Kỳ như vậy đó, rồi ra đi, sau khi đã làm cho đất và nước mang đầy tên tuổi


         Thật vậy, tiểu bang Massachussett được đặt tên nhằm kỷ niệm bộ lạc Mass -adchu- senk, ý nghĩa là “Dân sơn cước”; Ohio: Sông đẹp; Micana: Nước lớn; Illinois được đặt để kỷ niệm bộ lạc Iroquois, có nghĩa “Những người can trường”; Kentucky: “Đồng cỏ”; Alabama: “Những kẻ đốn rừng hoang”; Mississippi: “Sông cái”; Minnesota: “Dòng nước có mây che” (trong từ điển mở Wikipedia dịch “Nước trắng như khói”); Iowa: “Dòng sông cạn”; Wyoming: “Bình nguyên bát ngát”; Missouri: “Sông lớn đục ngầu”; Arkansas được đặt tên nhằm kỷ niệm bộ tộc Ankansa thuộc sắc tộc Quapaw; Oklahoma: “Dân da đỏ”; Texas, lời chào mừng có ý nghĩa “Bạn”; New Mexico: “Đền Thánh” nhằm kỷ niệm bộ tộc Ajtecs ở Mexico; Idaho: lời chào mừng của bộ lạc Comanche, nghĩa là “Chào buổi sáng”; Utah có thể có nghĩa “Dân sơn cước” nhằm kỷ niệm bộ tộc Ute; Arizona: “Lạch suối nhỏ”, Kansas - nhằm kỷ niệm bộ tộc Kansa v.v...


         Nhưng không chỉ thổ dân da đỏ, còn có nhiều địa danh gắn với các chủng tộc khác. Chẳng hạn, tiểu bang New Hampshire đặt theo tên quận Hampshire ở Anh; Vermont: “Núi Xanh”, cái tên người Mỹ đã dịch từ tiếng Pháp sang; Rhode Island: người Mỹ đặt theo tên đảo Rhodes ở Địa Trung Hải, nhưng cũng có thể là tiếng Anh thoát âm từ tên người Hà Lan đặt cho Hồng Đảo (Red Island); New York, tiếng Anh đặt theo danh hiệu Công tước York được phong ấp tại thuộc địa này vào năm 1664; Pennsylvania, tiếng La Tinh, là “Rừng Penn”, đặt theo tên William Penn người khai phá vùng đất này năm 1681; New Jersey, tiếng Anh, đặt tên theo hòn đảo Jersey; Delaware đặt để kỷ niệm De La Warr - Thống đốc xứ Virginia năm 1634; Maryland đặt năm 1634 để kỷ niệm hoàng hậu Henrietta Marie, chánh cung của vua Charles đệ nhất; Florida, tiếng Tây Ban Nha, “Mùa lễ phục sinh”; California, tiếng Y Pha Nho, đặt theo tên một hòn đảo huyền bí trong truyện diễm tình Tây Ban Nha, do nữ hoàng Calafia ngự trị v.v...


       Ngoài ra còn có những địa danh mà đến nay ngay cả người Mỹ cũng không rõ ý nghĩa, gốc tích của nó như Wisconsin, Tennessee... Riêng địa danh Oregon đến nay người ta phỏng định do năm 1715 khi ấn hành bản đồ nước Mỹ, người Pháp đã in nhầm? Nhầm như thế nào? Tìm hiểu rốt ráo, tôi tra từ điển mở Wikipedia thấy ghi: “Nguồn gốc tên “Oregon” thì không ai biết. Một lập luận do George R. Stewart đưa ra trong một bài báo đăng trong American Speech năm 1944 đã được Sách Địa danh Oregon tán thành như “lời giải nghĩa hợp lý nhất”. Theo Stewart, cái tên là từ một sự nhầm lẫn khắc chữ trong một bản đồ Pháp xuất bản đầu thế kỷ 18 mà trên đó Ouisiconsink (Sông Wisconsin) bị đánh vần thành “Ouaricon-sint” và bị tách ra làm thành hai hàng với chữ -sint nằm bên dưới nên thành ra có nghĩa như là một con sông chảy về hướng tây có tên là “Ouaricon”; v.v...
       Lướt qua một vài thông tin lạ lẫm này để thấy rõ thêm cấu trúc hình thành Hiệp chủng quốc của Hoa Kỳ. Có điều tôi ngạc nhiên, tại sao những sự kiện lịch sử, lịch sử khai phá những vùng đất mới của một đất nước có đặc điểm “Một chủng tộc mới khống chế những chủng tộc đã sinh ra trước đó và vĩ đại hơn nhiều với những cuộc tranh chấp mới” (Walt Whitman) mà hầu như trẻ con trên thế giới lần đầu tiên biết đến không phải từ người Mỹ? Từ đâu? Tôi hồ đồ một cách thiếu căn cứ nghĩ rằng, chính từ... họa sĩ Morris - người Bỉ! Thuở học trò, ai mà chẳng từng mê anh chàng cao bồi ốm nhách, đội mũ rộng vành, có tài “bắn súng nhanh hơn cả cái bóng của mình”? Đó là nhân vật lừng danh Lucky Luke. Họa sĩ Morris là cha đẻ của Lucky Luke. Những cuộc hành hiệp vì đại nghĩa của chàng cao bồi này chính là lấy từ chất liệu có thật của lịch sử Mỹ. Cái hay của truyện tranh này còn có thể ghi nhận ở chỗ, thuở ban đầu Lucky Luke ngậm vắt vẻo điếu thuốc lá trên môi, nhưng sau này do sự độc hại của thuốc lá và không muốn độc giả nhóc tì bắt chước thói xấu này nên chàng cao bồi chỉ được... ngậm cọng cỏ khô!
    Như ta đã biết, thuở mới lập quốc, Hoa Kỳ chỉ mới có 13 tiểu bang là các thuộc địa tuyên bố độc lập năm 1776 - sau khi đánh bại quân đội Anh trong sáu năm trời ròng rã. Vì thế, ban đầu lá cờ “Ngôi sao và sọc” chỉ có 13 dải đỏ và trắng xen kẽ và 13 ngôi sao xếp vòng tròn trên nền xanh lam. Nay các sọc vẫn giữ nguyên, nhưng ngôi sao đã lên đến 50, đại diện cho 50 bang. Người ta giải thích rằng, màu đỏ tượng trưng cho dũng khí; màu trắng là tự do, thuần khiết; màu xanh đậm là trung thành, chính nghĩa.


     Nước Mỹ được thành lập với nhiều chủng tộc khác nhau, vậy tính cách họ như thế nào?


     Với câu hỏi này tôi tự nhủ sao lại “ôm rơm cho nặng bụng”, sao lại “nung nấu tâm can vò võ trán” để suy nghĩ về một vấn đề không dễ trả lời. Thế lại dại. Ừ! Chả dại gì, ta hãy nghe chính người Mỹ nói: “Con người đó hoặc là một người châu Âu, hoặc dòng dõi một người châu Âu, mang trong mình một dòng máu khác thường mà người ta không tìm thấy ở một nước nào khác. Tôi có thể kể cho anh nghe làm ví dụ, một gia đình mà tổ phụ là người Anh, vợ là người Hòa Lan, con trai kết hôn với một thiếu nữ Pháp, và bốn đứa con có 4 người vợ quốc tịch khác nhau. Người Mỹ là người đã vứt bỏ mọi thành kiến cũ kỹ và các thói tục xưa, và thâu nạp và mỹ tục mới mẻ trong một đời sống mới mà họ đã chọn, của một chính phủ mới mà họ tin phục và địa vị mới mà họ đã chiếm được”.


         Khoan vội tranh cãi. Còn gì nữa không? Ta hãy nghe tiếp, cũng chính người Mỹ nói:


         “Một phần dân số Hoa Kỳ sinh hoạt trong những trang trại quá hẻo lánh đến nỗi họ phải đi bộ hai ngày mới tới được trại của người láng giềng gần nhất. Trong khi đó có những gia đình người Mỹ lại chung sống với hàng 200 gia đình khác trong một tòa nhà nhiều tầng ngăn thành buồng riêng.


         Một số nông gia Hoa Kỳ cày hái trong vòng ba tháng và, suốt sáu tháng trời ròng rã, đồng ruộng của họ chìm ngập dưới một lượt tuyết dày. Trong khi đó những nhà nông khác cày cấy vào tháng giêng cũng “ngon ăn” như vụ tháng 5 vậy, mỗi năm họ gặt bốn vụ.
Một  phần nhân dân Hoa Kỳ đi làm bằng xe hơi và đậu xe cạnh dãy xe của ba ngàn bạn công nhân khác cùng làm một xưởng. Trong khi đó nhiều người Mỹ khác lại lủi thủi làm việc một mình và chỉ trông vào lợi tức riêng”.


           Cả hai tài liệu này, tôi trích dẫn từ hai tập sách xưa lắm rồi. Xưa cỡ nào? Nói như mẹ tôi thì xưa như “thời Bảo Đại còn cởi truồng tắm mưa”. Nhưng nó đáng tin cậy vì do Nha thông tin Hoa Kỳ ấn hành và cung cấp cho miền Nam thời tạm chiếm. Tôi đã nhặt được từ thời bao cấp, trong một lần mua hàng tạp pí lù của mấy bà bán ve chai ở chợ Bến Thành. Trước năm 1975, người Mỹ thực hiện nhiều sách báo (bản tiếng Việt) tuyên tuyền về đất nước họ. Ta có thể kể đến “Nguyệt san Thế giới Tự do - Ấn hành nhằm mục đích gia tăng sự hiểu biết cùng tình hữu nghị” của Sở Thông tin Hoa Kỳ; tạp chí Đời sống Mỹ; tạp chí Việt - Mỹ của Hội Việt Mỹ v.v.... Những ấn phẩm này không bán, chỉ là “tình cho không biếu không”. Tôi tin rằng, mỗi một cuốn sách đều có “duyên” với người mua một cách kỳ lạ. Đứng trước một hiệu sách, nếu thích cuốn nào đó, bạn hãy mua đi, đừng phân vân. Cuốn sách cũng như người đẹp, thích thì tán tỉnh, chiếm đoạt chứ đừng so đo tính toán rằng như thế sẽ ích lợi gì? Có tốn kém quá không? Đừng nghĩ ngợi trước một cuốn sách mà bạn thích. Cứ mua đi, không cần đọc vội. Biết đâu dăm năm, thậm chí mười năm sau chắc chắn bạn sẽ cần đến nó. Mà nếu không dùng đến nó cũng chẳng sao cả. Đem một cuốùn sách về nhà cũng đứng đắn hơn một bao thuốc lá!


       Ta hãy trở lại với câu nói của cô Patricia D. Norland: “Người Mỹ coi trong sự thẳng thắn và bộc trực; hoặc có hoặc không một cách rạch ròi”. Khi đến Mỹ, tôi thấy quả nhiên không sai. Sau một giấc ngủ dài chập chờn trong chăn êm nệm ấm trong khách sạn với quá đầy đủ tiện nghi, tôi thức dậy và bắt đầu một làm ngày việc. Tiếp chúng tôi là những người tổ chức chuyến đi này, giám đốc là ông Brad Minnick. Sau khi nghe chúng tôi tự giới thiệu đôi nét về bản thân, ông Christopher Schewb- người thiết kế chương trình cho biết, đến thời điểm này (2008) họ đã tổ chức cho 4.000 khách tham quan quốc tế đến Mỹ. Tất cả đều khởi sự từ Washington mà những người tổ chức đều là thành viên của các tổ chức văn hóa có tính chất tự nguyện. Christopher Schewb còn trẻ, gương mặt bầu bĩnh như con gái, chưa có ria mép cho biết khi làm việc với các tổ chức văn hóa ở Mỹ, chúng tôi cũng có quyền không trả lời các câu hỏi, nếu thấy không cần thiết; ngược lại trong các bài báo chúng tôi không được dẫn chứng lời họ nói, nếu có thì phải được sự đồng ý.


         Như thế là sòng phẳng.


          Những tưởng chúng tôi sẽ trao đổi thêm những gì “đại sự” khác. Nhưng không, điều khiến tôi bất ngờ là cô Deborah Burrll bắt đầu nói đến chuyện... tiền nong! Đó là tiền thanh toán khách sạn, ăn uống. Sau khi đưa cho chúng tôi những ngân phiếu du lịch (travelers cheques) nhiều mệnh giá khác nhau, có khả năng thanh toán khi vào các nhà hàng, siêu thị lớn... nàng bảo phải đếm lại kỹ lưỡng. Tôi không thể tưởng tượng được trên đời này có loại người đàn ông nhận tiền từ tay người phụ nữ xinh đẹp, rồi ngang nhiên xòe ra đếm lại trước mặt họ. Tôi không thể. Nàng lại bảo chúng tôi nên ký sẵn vào mỗi tờ hai chữ ký, nếu có bị mất, người khác nhặt được cũng không thể sử dụng. Gương mặt nõn hồng trái chín của Deborah Burrll đã khiến tôi có đầy cảm hứng để viết trong sổ tay:


Niềm vui dự báo nỗi buồn
Trong chừng mực có luông tuồng thế thôi!
Một giây là đã một đời
Một giọt nước chứa mây trời bao la
Trong em đã có người ta
Thì tôi thì cũng đã ba, bốn người
Trong héo hắt có tốt tươi
Thì thôi chín bỏ làm mười là xong
Mắt xanh cỏ biếc môi hồng
Thưa rằng, em đã có chồng hay chưa?


       Mới gặp nhau đã hỏi thế là sổ sàng, khiếm nhả. Tôi giữ lại bài thơ. Không đưa cho nàng. Mãi đến khi lúc “quy cố hương”, tôi cũng không hỏi. Tôi giữ lại bài thơ này, như phác thảo về một nhan sắc mà mình đã thấy. Chỉ thế thôi. Trước tôi, bậc thầy của tôi - thi sĩ Cao Bá Quát cũng đã có phút giây như thế. Ông đã viết bài thơ “Dương phụ hành” ngoài biển Đông nhân một chuyến đi công cán. Ông ghi nhận lại hình ảnh một người phụ nữ Tây dương ngồi trên thuyền “mặc áo trắng như tuyết, tựa vai chồng trò chuyện ríu rít dưới ánh trăng trong suốt” và khi gió lạnh, nàng uể oải cầm ly sữa và nũng nịu nghiêng mình đòi chồng nâng dậy...”. Bài thơ này lấy cảm hứng từ nàng, làm sao nàng có thể biết? Dù không cố ý, nhưng đã có hàng triệu, hàng triệu người phụ nữ trên trái đất này họ không ngờ mình lại trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều bài thơ ra đời. Sự thánh thiện này làm tâm hồn nhà thơ đẹp hơn một chút nữa, ít ra, đẹp hơn trong mắt của chính... nhà thơ.



3.
Những suy nghĩ đó thật ra của mọi người, ở mọi thời mọi nước, nào phải của riêng tôi
Nếu chỉ của tôi mà không phải của anh thì quả là vô nghĩa hay gần như vô nghĩa
(Walt Whitman)

          Trong chuyên đề “Hệ thống chính quyền liên bang Hoa Kỳ”, ông John White - giáo sư môn Chính trị, Tôn giáo của trường Đại học Mỹ nhấn mạnh đến ba yếu tố chính đề hình thành tính cách con người và văn hóa Mỹ. Đó là hệ thống chính trị, hệ thống giáo dục và địa lý. Ông gọi là “giấc mơ Hoa Kỳ” đối với nhiều người trên thế giới. Tại sao? Vì đó là nơi mà người ta tin vào sự tự do; tin vào cơ may đổi đời; và tin vào nỗ lực của cá nhân. Nhưng ông cũng nhấn mạnh, không phải ai đến Mỹ, sống ở Mỹ cũng trở thành người Mỹ. Đó là điều mà không ít người nước ngoài ảo tưởng - sau khi mình đã được chứng nhận “công dân Mỹ”.


        Điều này không lạ. Không riêng gì tại Mỹ, nếu không được trang bị tri thức, không hòa nhập được với dòng chảy của nền văn hóa mới tại vùng đất mới, dù có sống ở đó muôn đời, dù có khoác lên bao hào nhoáng bên ngoài, ta mãi mãi cũng chỉ da vàng mũi tẹt. Tôi đã nhìn thấy tại các khu chợ của người Việt Nam ở Mỹ, vẫn là sự nhếch nhác, đàn đúm, bừa phứa của không ít  người Việt lưu vong thất nghiệp ở đây. Họ sống ở Mỹ, nhưng tôi có cảm giác như họ đang sống ở chợ Cầu Muối, chợ Cồn... cũng xả rác, cũng ngồi nghếch chân lên ghế, cũng khạc nhổ bừa bãi, cũng chen lấn, cũng ồn ào trong các quán ăn và không quên... văng tục chửi thề! Thì ra, sự cách biệt lớn nhất trong quan hệ cộng đồng căn bản vẫn là nền tảng văn hóa của mỗi người, dù anh đang sống ở gầm trời nào.


             Với người Mỹ, tính cách ấn tượng nhất trong mắt tôi vẫn là sự tự giác. Tự giác có ý thức trong khuôn khổ chấp hành luật pháp đã quy định. Một nét đặc trưng của người Mỹ dễ nhận ra nhất là thói quen xếp hàng. Dù chỉ có hai người cũng phải xếp hàng. Thứ tự trước sau, không chen lấn. Với họ, xếp hàng đã là một biểu hiện của văn hóa, của sự bình đẳng. Ai đến trước được phần trước. Đơn giản vậy thôi. Nhưng với những người tàn tật lại khác, bao giờ cũng ưu tiên hơn. Tại nhiều nơi vui chơi công cộng, thậm chí ngay Tòa thị chính tại San Francisco... tôi đã thấy ngoài cầu thang cho người bình thường còn có lối đi riêng của người tàn tật. Mặc kệ chúng ta đang xếp hàng dài dằng dặc, nhưng người ngồi trên xe lăn dù đến sau, vẫn được ưu tiên trước bằng một lối đi khác dành cho họ. 


           Người Mỹ tin nhau, nói đúng hơn là họ tin vào sự trung thực của người khác. Ngay sau khi đón tôi đưa về nhà ở Orlando, trên đường về anh Tâm dừng lại một cửa hàng lớn. Tại đây bán đầy đủ các dụng cụ liên quan đến công việc làm vườn. Mua thêm gì à? Không phải, anh trả lại một vài thứ đã mua nhưng sử dụng không ưng ý, không hiệu quả. Mua xong trả lại là chuyện thường tình, nhưng anh mua cách đây bao lâu? 90 ngày! Nghe cứ tưởng như đùa! Nào ngờ, sau khi nhận các hóa đơn từ tay anh, cô thu ngân vui vẻ trả lại tiền và cũng không quên tặng thêm một nụ cười. Thì ra, cách kinh doanh này chỉ có thể thực hiện ở một nơi mà người ta tin nhau. Đôi bên tin nhau gần như tuyệt đối. Nếu không, chỉ có phá sản; nếu không, phải là câu nhắc nhở thô kệch “Mua xong xin miễn trả lại”!


         Trong những ngày này, có lúc tôi lại nhớ đến thời còn ở... bộ đội quá thể. Tại sao? Sau khi thưởng thức thỏa thuê những màn biểu diễn đặc sắc của các voi, hải mã... ở Sea World, chúng tôi đi ăn trưa. Đó là một khu nhà rộng lớn, thoáng mát, dù đông đúc nhưng mọi người chỉ trò chuyện nhỏ, đủ nghe, không náo nhiệt ồn ào thường gặp trong các nhà hàng châu Á. Trong lúc ăn, tôi quan sát thấy, sau khi ăn tất cả thực khách đều tự giác dọn bàn sạch sẽ. Tất tần tật những gì thừa thãi được cho vào cái khay nhựa và bỏ vào thùng rác ngay trong phòng. Lúc họ đứng lên là người khác có thể ngồi vào ngay. Hình ảnh tốt đẹp này lặp đi lặp lại nhiều lần ở nhiều nhà hàng khác. Hoặc trong nhà hàng của Newseum -một bảo tàng lớn nhất thế giới hiện nay về thông tin và báo chí, dù chính thức khai trương ngày 11.4.2008, nhưng trước đó chúng tôi đã được tham quan. Khi dọn dẹp bàn ăn rồi đặt vào vị trí  quy định thì sẽ có một hệ thống dây chuyền tự động đưa ngay ra sau bếp. Vì thế khi thực khách đứng dậy, bước ra cửa là nhà hàng trở lại sạch sẽ như ban đầu. Tương tự, những ngày ở bộ đội, chúng tôi cũng phải tự giác thế thôi.


          Tự giác gì nữa? Tự giác phục vụ cho chính mình, dù mình phải trả tiền! Chẳng hạn, khi vào cây xăng, ta phải... tự đổ xăng, sau khi đã đưa card tín dụng vào đó! Chẳng hạn, khi đi qua những con đường cao tốc phải đóng lệ phí, tôi nhìn ra bên ngoài, phía tay trái của tài xế thấy có gắn một cái phễu lớn, không thấy nhân viên thu tiền. Ngồi trong xe, chỉ cần ném tiền xu vào đó là xong. Nhưng nếu không tự giác, lúc xe phóng qua sẽ có hệ thống tự động chụp bảng số xe và lập tức gửi ngay “giấy báo nợ” về tận nhà. Nếu chậm đóng, lãi suất sẽ tăng thêm! Cái sự ràng buộc về ý thức tự giác còn áp dụng cho nhiều lãnh vực khác. Với các khoản tiền phải đóng hàng tháng cũng vậy, ta có thể trả qua internet, khỏi phải đến tận nơi xếp hàng, tốn thời gian. Nhưng nếu chậm trả thì người ta tính thêm lãi suất, vì thế ai ai cũng phải tự giác.


          Tôi nhận thấy, người Mỹ luôn chủ động bày tỏ sự thân thiện. Trên môi của họ dường như đã đặt sẵn câu “cám ơn”, “xin lỗi”, “xin chào”. Dù quen thân hoặc xa lạ, dù đi ngược chiều nhau hoặc gặp trong thang máy - tôi luôn được nghe những mỹ từ ấy. Nhưng có người bảo, người Mỹ là thế, họ chỉ chào theo thói quen chứ không hẳn đã là sự thân thiện. Cứ cho là như thế, nhưng “lời chào cao hơn mâm cổ”. Tình cờ gặp gỡ, dù chỉ thoáng qua và trao nhau nụ cười, vậy đã là vui chứ đòi hỏi gì hơn nữa trong đời sống quá đỗi rộng lớn, xa lạ này? Tôi đã gặp những nụ cười như thế và có một lần khó quên. Rằng, khi từ Fort Lauderdale về Việt Nam, do sợ trễ chuyến bay nên mới ba giờ sáng Minh đã đưa tôi ra sân bay. Tôi trở thành người xếp hàng đầu tiên, phía sau tôi là một phụ nữ Mỹ, tôi để ý vì gương mặt nàng tròn trịa như vầng trăng, như gương mặt của nhà nghiên cứu văn học Lưu Khánh Thơ -  cô bạn tôi ở Hà Nội. Trong lúc làm thủ tục, tôi khốn đốn vì mang hành lý nhiều quá cỡ, mỗi người chỉ được gửi miễn phí hai va li, mỗi vali chỉ chừng 65 pound (khoảng  29 ký 25). Không riêng gì hãng United Airlines mà nhiều hãng khác cũng thế. Chỉ dưới 30 ký chứ không hơn, lấy lý do bảo vệ sức khỏe, nghiệp đoàn lao động Mỹ không cho công nhân của họ không bốc vác những hành lý có trọng lượng nặng hơn. Nếu thêm va li? Cứ việc đóng thêm 100 USD. Vì thế tôi phải tháo tung va li ra để sắp xếp cả hai bằng nhau theo trọng lượng quy định. Công việc cũng nhanh chóng. Người phụ nữ kế tiếp bước lên. Tôi vào phòng đợi. Ngồi một mình buồn hiu. Không có ai để nói chuyện. Mà muốn nói chuyện cũng không xong. Bất chợt, có một người bước đến trước mặt tôi. Chao ơi! Gương mặt tròn trịa lúc nẫy xếp hàng sau lưng mình đây. Không nói không rằng, nàng bước đến cạnh đôi và... mỉm cười. Chỉ có thế. Rồi bước lên máy bay. Rồi không gặp lại nữa. Một nụ cười của những người không quen biết nhau, tặng cho nhau nơi xa lạ, vậy đã là vui. Đã là vui như lần nọ ra Hà Nội, nhà biên kịch Đoàn Tuấn đưa tôi về làng Định Công, tương truyền địa danh này là do Hai Bà Trưng đặt - trong vệt nắng chiều sắp úa từ cổng làng một cô thôn nữ bước ra, dù không quen biết nhưng nàng lại chào bằng một nụ cười, tôi cảm thấy thân thiết nơi xa xôi này quá đỗi...


        Nhưng không chỉ có nụ cười. Nếu ta “đòi hỏi”, thật sự có nhu cầu cần giúp đỡ thì họ sẽ sẵn sàng. Nói như thế có quá đáng không?


       Thôi thì, hãy kể chuyện của chính tôi vậy.


         Do đến Mỹ với tâm thức “du lịch của người câm” nên tôi đã chuẩn bị trước những câu tiếng Anh, ghi trên giấy, để nhờ người ta hướng dẫn. Trên chuyến bay từ sân bay San Francisco về thành phố Orlando, phía Nam nước Mỹ - mỗi lần thấy tôi đưa mảnh giấy “Vui lòng cho tôi biết, chuyến bay kế tiếp đi cổng nào?” lập tức đều có người chỉ dẫn cặn kẽ. Thậm chí sau khi dẫn tôi đến tấm bảng “Arrivals”, không chỉ bày cách xem mà họ còn gửi gắm tôi cho người khác, nếu người đó cùng đi chuyến bay kế tiếp như tôi. Lần khác ở San Francisco, sau khi tôi đưa ra tờ giấy “Vui lòng cho biết nhà hàng Việt Nam ở đâu? Có gần đây không?”, “Gọi taxi số bao nhiêu?” một thiếu nữ Mỹ đã lấy điện thoại cầm tay và gọi taxi giúp. Có lẽ do cô ta thấy vẻ mặt lơ ngơ láo ngáo, nhưng rất đỗi hiền lành của tôi chăng? Như thế đã cảm động. Khi xe đến, cô ta còn dặn dò tài xế thêm điều gì đó. Sau mới biết, tài xế tự động đứng đợi tôi ăn sáng xong và đưa về lại khách sạn. Quán ăn của tôi sáng hôm ấy là Nhà hàng Tháp Rùa “chuyên trị” các món ăn Hà Nội. Ngon đáo để. Tất nhiên hoàn cảnh này, bất cứ nơi nào trên thế giới ai cũng có thể gặp. Nhưng với tôi là một ấn tượng tốt. Khó quên.


         Người Mỹ có thói quen rất đúng giờ. Cô Patricia D. Norland bảo: “Nếu ta đến muộn sau 5 phút thì phải gọi điện thoại thông báo trước, tất nhiên cuộc họp ấy cũng sẽ... rút ngắn lại 5 phút. Nếu được mời dự tiệc, ta phải đứng dậy ra về theo đúng giờ giấc trên thiệp mời đã ghi”. Quả nhiên như thế, trong những ngày làm việc ở Mỹ, khi chúng tôi đến nơi, bước vào phòng đã thấy họ có mặt tự bao giờ rồi. Họ không có thói quen dùng giờ “dây thun”. Tôi chưa được dự đám cưới của một người Mỹ nên không thể biết trong trường hợp này họ có đúng giờ hay không? Với đám cưới ở Việt Nam, tôi đã “mòn răng” trong những bữa tiệc thịnh soạn ấy. Và không ít lần, được mời dự tiệc vào lúc 12 giờ trưa, nhưng tôi phải lẻn ra ngoài ăn một tô hủ tiếu để đủ sức tiếp tục ngồi ngáp vặt chờ thêm một, hai tiếng đồng hồ nữa.


           Người Mỹ tiết kiệm. Rất tiết kiệm. Trước ngày qua Mỹ, đọc qua nhiều thông tin trên báo tôi đã đoan chắc như vậy. Trong cuốn sách Triệu phú ngay bên cạnh, được viết bởi một tay triệu phú do đã dành toàn bộ thời gian nghiên cứu... bí quyết làm giàu của triệu phú Mỹ! Đó là Thomas J.Stanley. Bí quyết gì vậy? Đơn giản thôi. Chỉ có mấy chữ mà ai ai cũng thực hiện được: “Tiết kiệm, tiết kiệm và tiết kiệm”. Với con cái, không tặng những phần thưởng đắt tiền và nhất là “không bao giờ cho chúng biết mình giàu”. Nguyên tắc sử dụng đồng tiền để trở thành triệu phú “chỉ vừa đủ xài”. Không hoang phí. Nếu được tặng một món quà đắt tiền, chẳng hạn, một chiếc xe trị giá 1 triệu USD nhân ngày sinh nhật, có nên nhận không? Không! Một triệu phú Mỹ lập luận: “Nếu nhận chiếc xe này, tôi phải mất quá nhiều khoản tiền khác”. Sao kỳ cục vậy? Này nhé, phải đổi nhà mới cho phù hợp, tương xứng với giá trị “tầm cỡ” của chiếc xe. Nếu không thế cũng phải thay đổi trang trí nội thất trong nhà rồi kéo theo hàng trăm thứ “hầm bà lằng” khác rất tốn kém!


         Trong chuyến này, một đồng nghiệp của tôi là nhà báo Nhật Lệ, chị cũng có nhận xét: “Người Mỹ vốn nổi tiếng là thực tế. Vì thực tế, nên người Mỹ cũng rất tiết kiệm. Ở các thành phố trên, dòng xe hơi lẫn xe taxi đều cổ lỗ, chỉ thỉnh thoảng mới nhìn thấy mấy chiếc xe sang trọng. Đến các tòa báo lớn ở Kansas, San Francisco, không ít người ngạc nhiên vì đất nước nổi tiếng với những chiếc máy tính giá rẻ, lại trang bị chỉ toàn máy cũ, thậm chí không được màn hình phẳng. Ngược lại, người Mỹ rất khéo xoay ra tiền, nhất là từ túi khách du lịch”.


          Thật vậy, trong những lần dự tiệc ở Mỹ, tôi nhận thấy họ tiết kiệm quá mức. Là một cuộc chiêu đãi của một tổ chức văn hóa, với sự có mặt của nhiều doanh nhân “máu mặt”, nhiều đại gia có khối lượng tài sản kếch sù nhưng chúng tôi cũng chỉ được đãi bánh ngọt, bánh Pizza, trái cây, rượu nhẹ... Chỉ vừa đủ ăn chứ không quá nhiều, thừa thải. Không như câu thơ trước đây tôi đã viết về những cuộc nhậu từng được chiêu đãi ở quê nhà “Bia rót đầy sông, rượu tràn ngập suối”. Rồi trong lần làm “khách mời” của một gia đình người Mỹ, họ mời đến ăn tối. Là người háu ăn, tôi những tưởng sẽ gặp “tràng giang đại hải” những “cao lương mỹ vị”, món ngon vật lạ. Nhầm. Chỉ là những món ăn thông thường, chủ yếu là khoai tây xây nhuyễn, rau củ quả.... Và tất nhiên không thiếu bánh ngọt. Người Mỹ thích ăn bánh ngọt, rất ngọt. Ngay cả buổi sáng, họ cũng có thể ăn bánh ngọt, uống cà phê đi làm. Bước vào một cửa hàng ăn vào buổi sáng, thật khó khăn để tìm thức ăn mặn. Nhưng thức ăn gì đã làm người Mỹ mập “quá khổ” mà tôi đã gặp nhan nhản trên đường phố? Đàn ông mập theo hình trái táo, đàn bà béo theo hình trái lê. Thậm chí họ còn phải ngồi trên xe lăn để vận chuyển cái thân thể nặng nề. Do các loại thức ăn nhanh hamburger, gà rán Kentucky, McDonald’s... chăng? do thức uống Coca-cola, Pepsi... chăng? do bánh ngọt chăng? Không rõ. Nhưng có một điều chắc chắn khiến tôi phải tiếc hùi hụi (!?) khi thấy quá nhiều gương mặt phụ nữ Mỹ xinh đẹp, đẹp não nùng “chim sa, cá lặn, nguyệt thẹn, hoa nhường” nhưng lại béo phì!


           Một trong những tính cách Mỹ là văn hóa “tips” - tức tiền puộc boa, tiền service, nói nôm na la tiền “trà nước”, tiền “diêm thuốc”. Nó phổ biến đến nỗi ai ai cũng thực hiện, từ một người Mỹ “chính hiệu con nai vàng” đến nhà thơ mới chân ướt chân ráo sang Mỹ như tôi. Không ai quên tiền tips. Ai ai cũng nhớ và thực hiện một cách nghiêm túc như đã tân hôn thì phải động phòng vậy. Thế thôi. Mức tiền tips trung bình dành cho người hầu bàn là 15% trên tổng số chi phí bữa ăn. Nếu bạn... giả vờ quên thì sao? Thì không sao cả. Quản lý nhà hàng sẽ đến hỏi bạn khéo léo: “Thưa, việc tiếp đãi có điều gì khiến bạn không hài lòng?”. Và họ cũng ân cần... tính hộ cho bạn tiền tips theo qui tắc chung! Ngay cả việc đi taxi cũng vậy, tài xế cũng được hưởng 15%; khi vào khách sạn, nếu nhân viên trực tại sảnh đưa hành lý bạn lên phòng, tất nhiên bạn phải ngầm hiểu mỗi kiện hành lý ít nhất phải đưa tiền tips 1 USD. Do đó không phải ngẫu nhiên, trên báo chí của người Việt ở Mỹ, tôi đọc thấy các tiệm nail khi tuyển nhân viên phục vụ bao giờ cũng ghi thêm một dòng chữ thật hấp dẫn, đại khái “Tiệm này luôn có khách hàng là người Mỹ da trắng”. Điều đó cho thấy sự hứa hẹn về số tiền tips không nhỏ.


        Trở lại với buổi ăn tối ở gia đình người Mỹ. Họ tiếp đãi “đơn sơ” như thế không phải thiếu chân tình. Tôi không thể hiểu nổi, tại sao họ lại chân tình đến mức, bảo: “Nếu mệt thì bạn có thể vào trong phòng nằm nghỉ”. Trời đất! Tôi cứ tưởng là đùa. Chẳng lẽ lần đầu tiên đến nhà người ta mà lăn ra ngủ thì còn “thể thống” gì nữa? Chủ nhà biết tôi đang mệt mỏi bởi trái múi giờ, đang ngáp dài mà thú thật lúc đó để dằn lại cơn buồn ngủ tôi phải cắn môi suýt bật máu để giữ sự tỉnh táo nhưng cũng không thể... Thế là họ nằng nặc đưa tôi vào trong phòng dành cho khách để đánh một giấc ngon lành. Ngon lành vì buồn ngủ, đành rồi. Nhưng còn là lần đầu tiên tôi ngủ dưới... lòng đất ở Mỹ. Căn nhà này, đứng từ phía bên ngoài, ta thấy như mọi căn nhà khác ở vùng nông thôn Kansas. Không ngờ, chủ nhà lại đào âm xuống đất, nhằm tránh gió mùa rét. Tầng hầm này thiết kế hiện đại, đầy đủ tiện nghi. Cũng có máy lạnh, máy sưởi ấm. Nằm trên chăn êm nệm ấm mà lại nhớ thời đi bộ đội. Thuở ấy chúng tôi thường làm hầm trú ẩn, phía trên đặt những thân cây to và phủ đất, đứng trong hầm vẫn có thể quan sát bên ngoài. Tuy nhiên, có những thời điểm ngay trong hầm, chúng tôi còn đào sâu xuống đất gọi là “nhà thùng”, nhằm tránh sát thương của hỏa lực. Tất nhiên cũng có giường, nhưng chỉ là những thân cây sắp xếp tương đối bằng phẳng, rồi trải võng bạt nằm ngủ. Nhưng mùa mưa thì không thể, nước tràn vào hầm nhão nhoẹt nhầy nhụa nên phải nằm võng. Bỗng mấy câu thơ của thời hoa mộng tuổi trẻ đã quay về ám ảnh trong trí nhớ:


Ngủ giường lúc ở nhà thùng
Ngủ đất hò hẹn với cùng đất đai
Phục kích thì ngủ trên cây
Truy kích ngủ võng gối tay ân cần...


        Đâu đó trong căn phòng nệm ấm thoang thoảng lại mùi bánh nướng. Thơm đến ngọt cả môi. Và dường như ngoài kia gió vẫn thổi, thổi mãi...



4.
Một em bé hỏi cỏ là gì? Và đi kiếm cho tôi đầy hai nắm
Tôi biết trả lời sao? Cũng như em, tôi nào biết là gì?
(Walt Whitman)


       Trước ngày tôi lên đường, anh bạn Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng kể cho tôi nghe về ngôi nhà số một của nước Mỹ được xây dựng trên đồi Capitol, là tòa Quốc hội Mỹ. Anh có một “phát hiện” thông minh: “Ở đại sảnh là chân dung Washington, hai bên là tượng Nữ thần Tự do và tượng Nữ thần Chiến thắng, trần mái vòm được trang trí những tranh ảnh thời Phục hưng của Ý, nơi đây cứ bốn năm một lần tân tổng thống Mỹ sẽ đến làm lễ nhậm chức. Chúng tôi nói đùa tổng thống Mỹ tuyên thệ giữa hai bức tượng nữ thần khiến dân Mỹ hầu hết đều sợ vợ. Người phụ nữ được tự do và chiến thắng mọi lúc, mọi nơi trên đất Mỹ nên các đấng nam nhi Mỹ sẽ đau khổ, lạc lõng thê thảm nếu chẳng may bị vợ... bỏ”. Mà quả thật, tôi không thể hình dung một người đàn ông không vợ con, sống độc thân sẽ như thế nào? Suốt một ngày làm việc miệt mài, quay về nhà đơn thân độc mã vùi trong giấc ngủ từ đêm này qua sáng nọ. Ngày như mọi mọi ngày. Bừng con mắt dậy, tất tả đi làm rồi quay về lại chìm trong giấc ngủ. Còn gì là lạc thú ở đời? Nếu như thế, không riêng gì ở Mỹ, mọi đàn ông trên thế giới này đều bất hạnh như nhau. Đã độc thân, sẽ không cảm hết ý nghĩa của câu “tình chồng nghĩa vợ”, không được sống trong sự chia xẻ, ấm áp của một vài tình huống có thể nhỏ bé như hạt cát nhưng lại to tát như hạt gạo. Chẳng hạn... Người bạn xa mười năm, một chiều đông buốt giá thình lình gõ cửa đến thăm ta. Mở cửa chào nhau xong, ta mừng quá, chẳng kịp hỏi cố nhân đi thuyền hay đi bộ; đi tàu lửa hay đi máy bay, chẳng kịp mời ngồi ghế hay ngồi giường... ta ôm ghì lấy bạn. Hàn huyên qua loa, ta liền chạy mau vào nhà trong hỏi vợ: “Mình có được như bà vợ Tô Đông Pha sẵn có rượu để dành không?”. Hỏi là hỏi, chứ mấy hôm nay trong nhà không còn hạt gạo, lấy gì rượu nồng dê béo đãi bạn? Hỏi là hỏi, mặt buồn xo chống cằm ngồi bệt xuống đất. Nào ngờ vợ tươi cười, rút cây trâm vàng kẹp tóc đưa cho ta. “Tính ra có thể đãi khách được ba ngày... Chàng thấy thế nào?”. Thế nào nữa? Cụ Kim Thánh Thán bảo chỉ còn há mồm ra mà kêu lên rằng “Há chẳng sướng sao!”.


     Tôi muốn nói thêm, lấy vợ há chẳng sướng sao?


          Sướng lắm chứ! Ở Mỹ, vợ là nhất! Hầu như người ta ít thăm nhau. Một mái gia đình là một cõi riêng. Đi làm về là dành trọn vẹn cho vợ con. Nhất vợ nhì con. Và khi con trưởng thành, ra ở riêng thì cũng nhất vợ, nhì... trời! Có nhiều gia đình người Mỹ hoặc người Việt ở Mỹ, tôi đến thăm chỉ thấy trơ trọi hai vợ chồng già! Hỏi ra mới biết con cái không thích ở chung với cha mẹ. Nó muốn tạo một cuộc sống riêng theo sở thích của nó. Vấn đề này không lạ, bởi ở Mỹ đứa trẻ đã được giáo dục tính tự lập ngay từ lúc... còn trong bụng mẹ. Thật ra, ở Việt Nam cũng vậy thôi. Cha mẹ nào không muốn con cái tự lập? Nhưng theo tôi vẫn có sự khác nhau, căn bản là điểm xuất phát về văn hóa của mỗi dân tộc. Với người Mỹ, họ nói “Khi già vào viện dưỡng lão là xong”. Họ nói thật lòng, con cái nghe thật lòng và cả hai cũng đều thấy nhẹ nhàng như nhau. Nhưng với người Việt lại khác. Quan niệm “Trẻ cậy cha, già cậy con” vẫn phổ biến, khó có thể thay đổi. Và đứa con, ngay từ trong tiềm thức đã hằn một nếp nghĩ báo hiếu cha mẹ. Không thể khác. Trong quan hệ cộng đồng, thiên hạ khó đồng tình và chia sẻ với ai đó bỏ mặc cha mẹ trong viện dưỡng lão. Họ đưa ra chữ hiếu bình luận thì người đó khó “chống đỡ”.


             Còn người Mỹ sẽ nói gì? Ta hay nghe ông Gary Althen, tác giả quyển American Ways (bản dịch Phạm Thị Thiên Tứ) cho biết: “Nhiều người Mỹ không biểu hiện mức độ tôn trọng cha mẹ của họ như những người ở các xã hội truyền thống hay các xã hội có xu hướng thiên về gia đình. Theo quan niệm của họ, việc sinh ra từ các bậc cha mẹ nào đó là một kiểu ngẫu nhiên lịch sử và sinh học. Các bậc cha mẹ hoàn thành trách nhiệm đối với con cái của họ khi chúng còn nhỏ, nhưng khi chúng đạt đến “độ tuổi độc lập”, quan hệ giữa cha mẹ - con cái bị lung lay, thậm chí đôi khi còn bị phá vỡ. Không có gì khác thường khi những người Mỹ khoảng trên 22 tuổi (và đôi khi còn trẻ hơn), hiện đang sống với cha mẹ lại trả cho cha mẹ họ tiền phòng và tiền cơm tháng. Các bậc cha mẹ lớn tuổi sống cùng với những người con trưởng thành cũng làm tương tự như thế. Việc trả tiền phòng và tiền cơm tháng là cách bày tỏ sự độc lập, sự tự lực và trách nhiệm đối với bản thân mình”.


           Lạ quá nhỉ?


          Tôi tin rằng, người Mỹ cũng sẽ kêu lên “Lạ quá nhỉ?” khi biết phụ nữ Việt dù đã lấy chồng, về ở nhà chồng, đã sinh con đẻ cái nhưng vẫn chưa hết nghĩa vụ với gia đình. Trong truyện ngắn Cô hàng xén của Thạch Lam, ta thấy hiện lên mồn một hình ảnh cô Tâm - người chị đã có chồng, nhưng vẫn đau đáu lo lắng cho cậu em trai. Sau một hồi xin xỏ tiền mua sách vở nhưng chị Tâm vẫn không cho, cậu em trai dùng dằng làm mình làm mẫy, nói dỗi mình sẽ bỏ học. Không đành lòng, “Tâm lần ruột tượng lấy ra gói bạc giấy cuộn tròn. Số tiền nàng vừa lấy định trang trải các công nợ và lo sưu thuế cho Bài. Nhưng thấy vẻ mặt vui mừng của em, nàng quên mất cả những nỗi lo sợ đang chờ nàng. Lúc Tâm ra về, trời đã tối. Nàng vội vã bước mau để về cho con bú. Sương mù xuống phủ cả cánh đồng, và gió lạnh nổi lên: Tâm thu vạt áo lại cho đỡ rét, lần theo bờ cỏ đi. Lòng nàng mệt nhọc và e ngại: lấy đâu mà bù vào chỗ tiền đưa cho em? Tâm nhớ lại những lời dặn của mẹ chồng và những câu giận dữ của Bài mỗi khi hỏi nàng không có tiền. Nàng nghĩ đến những ngày buôn bán được, ngày không, Tâm dấn bước. Cái vòng đen của rặng tre làng Bàng bỗng vụt hiện lên trước mặt, tối tăm và dầy đặc. Tâm buồn rầu nhìn thấu cả cuộc đời nàng, cuộc đời cô hàng xén từ tuổi trẻ đến tuổi già toàn khó nhọc và lo sợ, ngày nọ dệt ngày kia như tấm vải thô sơ. Nàng cúi đầu đi mau vào trong ngõ tối”.


    Đọc ứa nước mắt. Tại sao Tâm lại làm như thế? Tình cảm huyết thống gia đình, “chị ngã em nâng”, “anh em như thể tay chân” đã ràng buộc ràng rịt từ trong máu thịt. Ướt đẫm bài thơ Lòng mẹ của Nguyễn Bính vẫn là những giọt nước mắt sụt sùi của cô gái ngày về nhà chồng. Nàng cứ ngần ngừ, bịn rịn mãi. Vì lẽ gì? Bị ép duyên? Vớ phải thằng chồng không gì? Ta hãy nghe bà mẹ mắng yêu:


Tôi già, tôi chết.... khiến cô thương
Nuôi dạy em cô, tôi đảm đương
Nhà cửa tôi coi, nợ tôi trả
Ai nhờ gái hóa việc quân vương


       Thì ra cũng chỉ vì cô còn lo lắng việc nhà. Qua Mỹ, tôi nhận thấy nhiều gia đình người Việt vẫn sống như thuở còn ở Việt Nam. Gia đình Hoàng “người em sầu mộng của muôn đời” của tôi là một ví dụ. Khi sang đến Mỹ, nàng vẫn phòng không chiếc bóng. Do biết tiếng Anh nên lúc các em mới chân ướt chân ráo sang đoàn tụ thì tất tần tận mọi thứ nàng phải lo toan, từ việc xin cháu nhập học đến đưa em nhập viện... Thời gian qua mau. Rồi các em lần lượt lập gia đình, ra ở riêng. Cha mẹ già vẫn ở chung với nàng. Mà cha mẹ nào không muốn mỗi ngày gặp gỡ con cái, cùng có một bữa ăn chung - nhất là đang sống xa xứ? Thế là các em mỗi ngày quay về với cha mẹ, cơm nước mỗi ngày... Tình cảm gia đình thêm ấm áp. Điều này hợp lý trong ứng xử văn hóa, cấu trúc gia đình truyền thống của người Việt. Cha mẹ chỉ ở với đứa con cả hoặc đứa con chưa lập gia thất. Vì thế mỗi ngày nàng phải cáng đáng mọi sự chi tiêu. Mà thôi, chuyện nhỏ, chị em ai lại tính toán với nhau chứ? Có thể sau hoặc trước đó mỗi người em sẽ góp thêm chút đỉnh, trang trải cho chị mình. Nhưng ở đây chỉ là sự tự giác, chứ không phải nguyên tắc bắt buộc.


       Điều khác biệt với người Mỹ là ở chỗ này.


        Với người Mỹ, văn hóa tiêu dùng của họ nằm ở chữ “Share”: chia đều, sòng phẳng. Lúc ở Washington D.C, sau buổi làm việc chúng tôi đi ăn trưa với nhau tại một nhà hàng trong Nhà ga xe lửa. Theo thói quen chúng tôi xếp hàng mua thức ăn. Nhà thơ trẻ Bùi Thanh Tuấn cùng Christopher Schewb đứng chung một hàng, còn tôi do không thể ngốn thức ăn Mỹ nên xếp ở dãy bán thức ăn Tàu. Tôi mua về ba đùi gà béo nhẫy, màu mỡ vàng lấp loáng đến ngon mắt. Cả ba chúng tôi ngồi chung bàn. Mỗi người nhai ngấu nghiến một đùi gà. Tất nhiên, tôi cũng ăn những thứ mà họ đã mua. Bữa ăn ngon miệng. Chuyện trò rôm rã, vui vẻ. Nhưng khi chuẩn bị đứng lên rời bàn ăn thì tôi “sốc”, bởi anh bạn người Mỹ thật thà “share” với tôi. Sòng phẳng đến lạnh lùng. Tự nhiên đến bất ngờ. Sau một bữa ăn, dù ai mời đi nữa cũng chia đều số tiền phải trả. Thậm chí nếu mình gọi món ăn đắt hơn người ngồi cùng bàn, khi “shase” cũng tế nhị phải trả số tiền nhỉnh hơn. Nhưng với người Việt lại khác. Anh em bạn bè mời nhau là thường tình, huống gì anh em trong một nhà, bè bạn cùng đi ăn chung với? Thậm chí sẽ là một xúc phạm, nếu người được mời lại giành quyền... trả tiền!


          Ta thử lý giải văn hóa “Share”. Sự bình đẳng chăng? Sự tự lập chăng? Anh và tôi cũng như nhau. Không việc gì tôi phải nhận một khoản tiền từ sức lao động của anh. Ngược lại, anh cũng thế. Rạch ròi. Sòng phẳng. Không ai “dựa dẫm” ai, “lợi dụng” ai...


        Sau một tháng lang thang đây đó, bằng sự linh cảm tôi nghĩ rằng thu nhập của mỗi công dân ở Mỹ ổn định và sự chi tiêu cũng “đâu vào đấy”, họ không mơ trong tuần bỗng có một khoảng tiền nào đó “từ trên trời rời xuống”, có mơ cũng không được, vì thế ít có ai dám “vung tay quá trán”. Anh bạn Tình Nguyễn ở Orlando - cũng thừa nhận. Anh bảo:


        -Anh à! Nếu muốn sống ngon lành ở Mỹ phải thuộc nằm lòng thêm chữ S nữa!


         Nghe lạ tai. Anh giải thích: “Đó là “Save”: tiết kiệm. Tiết kiệm tiền bạc, chỉ chi tiêu vừa đủ, mọi khoảng thu chi đã rạch ròi đâu ra đó trong một tháng nên “bớt đồng nào hay đồng đó”; tiết kiệm thời gian, thời gian là tiền bạc, lấy hiệu quả của công việc làm mục đích chính, xong việc là đứng lên chứ không rề rà “buôn dưa lê”, tán gẫu sau đó; tiết kiệm ngay cả trong giao tế, mọi người đi thẳng vào công việc chứ không con cà con kê “kính thưa các loại” lòng vòng, rào trước đón sau... Trong các thứ cần tiết kiệm, tiền vẫn là ưu tiên một”.


       Nghe vậy, tôi sực nhớ đến đứa em dù ở nước ngoài về, nhưng cu cậu chi tiêu xem ra dè xẻn lắm, vào nhà hàng khi cầm “menu” việc đầu tiên nhìn vào giá tiền. Ăn uống chừng mực, nhất là khoản rượu bia, không hề bốc đồng cao hứng “vung tay mua lấy trận cười như không”. Hỏi ra mới biết đời sống ở nước ngoài đã “rèn” nên tính cách ấy. Nhưng bù lại, cu cậu đối đãi nhân viên phục vụ bao giờ cũng lịch thiệp, nhỏ nhẹ, không quát tháo theo kiểu “khách hàng là thượng đế” và nhất là... không quên khoảng tiền tips. Sự chi tiêu chừng mực này khiến nhiều người Việt trong nước không hiểu, họ cứ nghĩ đã ở nước ngoài là phải giàu, “ngồi mát trên bát vàng”. Nhầm. Vì nhầm nên không ít người có thói quen xấu là mong con mình, em mình, cháu mình từ nước ngoài gửi tiền về “viện trợ”. Họ đâu biết, để có được đồng tiền ấy người Việt ở nước ngoài phải cật lực lao động và tiết kiệm, dành dụm mới có.


           Với tư cách của một... dân nhậu chuyên nghiệp, tôi nghiệm ra rằng, ở Mỹ chưa hẳn đã sướng, nhất là cái khoảng uống bia (!?). Họ khó thể được như ta mỗi chiều, lại mỗi chiều “xong việc rồi, bia nhé!” - như câu slogan từng có một thời quảng cáo ầm ĩ trên báo. Thú thật mỗi chiều đến, tôi lại mong đừng ai gọi điện thoại hoặc nhắn cho cái tin ưu ái “Chiều nay lai rai nhé!”. Mười chiều như một. Một chiều như mười. Rồi đôi lúc tự hỏi, ủa tiền đâu mà chiều nào tôi cũng quắt cần câu? Trong khi đó, nếu ai hỏi giá một ký gạo ngon, một lít xăng, một tờ báo, tạp chí... bao nhiêu tiền tôi cũng ngắc ngứ, chỉ có thể nói phiên phiến chứ khó đưa ra một con số chính xác. Thậm chí tiền lương mỗi tháng nhận được bao nhiêu, tài khoản trong card ATM còn bao nhiêu... tôi cũng chào thua! Đang vui chuyện, Tình Nguyễn nói tiếp: 


        -Anh à! Sống ở Mỹ còn phải thuộc lòng thêm một chữ S nữa!


         Rắc rối nhỉ! Chữ gì vậy? “Safe”: an toàn. Do ở Mỹ, ai ai cũng có thể mua súng đạn, tất nhiên có những quy định cụ thể, nhưng sống như thế thì cũng... ớn! Vậy cách tốt nhất là phải tự “cứu mình trước khi trời cứu” vậy! Hiểu được điều này ta mới biết vì sao ở Mỹ người ta luôn đề phòng mọi chuyện, ít giao tiếp cởi mở với người lạ... Trong một lần đi chơi ở Fort Lauderdale, Minh - chồng Hà - đưa tôi đến nơi xem công dân Mỹ tập bắn súng! Tưởng đâu xa, thì ra nó nằm ngay trong khu ăn uống, mua sắm! Do tường đã cách âm, từ phía ngoài nhìn qua một tấm gương lớn, tôi có thể quan sát mọi động tĩnh của họ nhưng không nghe âm thanh lớn.


           Minh nói, theo luật tại Mỹ, người dân trên 21 tuổi có quyền mua súng phòng thân. Nhưng mỗi tiểu bang đều có những quy định khác nhau, mà không phải ai cũng được quyền mua súng. Chẳng hạn kẻ tâm thần, kẻ từng tù tội, kẻ vi phạm luật v.v... Có nhiều ràng buộc chặt chẽ. Nghe đâu có tiểu bang chỉ đưa súng cho người đến mua sau nửa tháng, không “tiền trao cháo múc” ngay. Vì sao? Tôi thử suy luận, biết đâu gã đàn ông đằng đằng sát khí ấy đến mua súng chỉ vì... vợ cắm sừng!


       Thế nào là bị cắm sừng?


         Một anh chàng Mỹ da trắng có vợ mới sinh. Anh ta viết thư về khoe với mẹ: “Vợ con đã sinh một đứa con trai, nhưng vì không có sữa nên vợ con đã phải nhờ một bà da đen cho bú, vì thế nên khi con gặp thì thấy đứa bé có tóc xoăn và da đen như người châu Phi....”. Bà mẹ ngay lập tức viết thư cho con trai: “Con trai yêu quí, mẹ rất mừng khi nhận được thư con. Ngày xưa khi mẹ sinh con, mẹ cũng không có sữa nên đã phải cho con bú sữa bò, vì thế nên bây giờ con vừa ngốc vừa có... sừng!”. Lại còn có chuyện, một người khách du lịch đến Mỹ, không biết nói tiếng Mỹ. Vào tiệm ăn, muốn ăn thịt bò, thịt bò beefsteak ở Mỹ nổi tiếng ngon không thua gì thịt bò Úc nên ông ta ra dấu. Hai bàn tay lên đầu rồi hai ngón tay giơ lên, tượng trưng cho hai chiếc sừng. Người phục vụ gật đầu, tỏ vẻ am hiểu và chạy vào bảo bà chủ tiệm ăn:


     - Bà ơi, có người muốn tìm... ông chủ!


       Bị vợ cắm sừng, đang điên tiết, có súng trong tay thì chuyện gì sẽ xẩy ra? Nếu luật pháp Mỹ quy định chưa vội bán súng, phải nửa tháng sau mới giao, xem ra cũng có lý đấy chứ? Mà được mua súng và được phép đeo súng đi ra đường hay không còn là chuyện khác v.v...


          Không riêng gì tại Mỹ, Việt Nam ở thế kỷ XVII, triều đình vua Lê chúa Trịnh cũng cho phép nhân dân... tự trang bị vũ khí, súng ống! Trong Bản kỷ tục biên cho biết: “Năm 1739: chúa Trịnh Giang nghĩ giặc cướp nhiều nơi nổi dậy, bèn sai chấp chính đặt hương binh ở bốn trấn...”. Giữa lúc tình hình bất ổn như thế thì “Quan binh phiên tâu: số lính Thanh-Nghệ bỏ trốn, cộng 3.380 người. Các cơ đội của doanh, hiệu đều không đủ quân số tại ngũ. Bèn chia nhau đi bắt những lính trốn ấy”. Trịnh Giang đã tìm cách khắc phục bằng cách đặt phép “đoàn kết”. Theo phép này: mỗi xã cứ 10 dân đinh lấy 7 người cho tự sắm lấy binh khí, đặt điểm canh giữ. Tùy theo địa phận tiếp giáp nhau, hoặc 4, 5 xã hoặc 6 xã kết làm một “đoàn”. Chọn một đoàn trưởng đốc suất các xã, khi có việc thì tùy nghi đánh hoặc phòng ngự. Khi không đánh nổi thì cấp báo cho “đoàn” khác tiếp ứng. Bởi thế trong dân gian nơi nào cũng có binh khí. Đảng gian nhân cơ hội này, tụ họp cướp bóc ngày càng dữ!”. Chính sử còn ghi rành rành.


          Tôi tự hỏi, tại sao hiện nay người Mỹ có luật cho bán súng, để hình thành một nếp “văn hóa mê súng”? Có phải do xuất phát từ đặc thù hình thành lịch sử của đất Mỹ không? Những di dân mạo hiểm đánh đu cả cuộc đời trong công cuộc đào vàng, có gì bảo vệ họ ngoài súng? Những cuộc chinh phạt ròng rã từ vùng đất này qua vùng đất khác, trong tâm thức “mạnh được yếu thua” thì có gì hiệu quả hơn súng? Phải xét như thế mới có thể tìm được câu trả lời chăng? Không cần trả lời vội. Có một điều cần ghi nhận là trong nhiều khách sạn ở Mỹ, ít ra những nơi tôi đã ở, khi kéo hộc tủ bàn ngay đầu giường nằm luôn bắt gặp hai cuốn sách. Đó là cuốn The teaching of Buddha, dày đến 700 trang và cuốn Holy bible, dày 1.266 trang. Người Mỹ đang có khuynh hướng đến gần với tôn giáo?




5.
Tôi quay lại đàng sau, qua sương mù, nhìn những ngày vã mồ hôi với những nhà biện luận, những kẻ đua tranh
Tôi không chê bai, không tranh cãi, tôi chứng kiến, tôi chờ
(Walt Whitman)

         Trời rét lạnh. Những vòm cây đã trút lá. Khẳng khiu cành. Mây xám. Dạo một vòng quanh thủ đô Washington D.C, tôi lại có cảm giác như đang đi trong một thành phố châu Âu nào đó, ít ra cũng là Hà Lan mà tôi đã từng đến. Đường phố dưới chân đi. Những bước đi xa lạ. Đường phố không có bụi bặm. Đường phố sạch sẽ, ngăn nắp và có vẻ đẹp của một thiếu nữ đã qua tuổi xuân xanh mắt biếc để hồi xuân trong sự đằm thắm và nền nã. Điều này không lạ, bởi kiến trúc ở đây mang dấu ấn của nhiều nền văn hóa khác nhau. Không phải nhà nghiên cứu, nhưng đọc lịch sử Mỹ biết được sự thành của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, cho phép tôi nhận ra điều đó. Nhìn những ngôi nhà thờ rét mướt trong mưa, dìu hiu trong gió, cửa đóng kín và chìm trong bóng cây che khuất lòng tôi chợt ấm áp. Chiêm ngưỡng phong cảnh lạ với tôi cũng dạt dào cảm xúc như đắm đuối một phụ nữ đẹp. Vậy có thích làm thơ không? Thích chứ? Thơ rằng:


Khói xe mù mịt đất trời
Tìm đâu một chỗ ta ngồi hôn em?
Ngày vừa xuống đêm vừa lên
Động cơ náo nhiệt vang rền tiếng xe
Lặng im ta lắng tai nghe
Tiếng chim khản giọng vỉa hè... Có đâu!


       Viết như thế là một sự ngớ ngẩn, nếu nhằm miêu tả một đại lộ ở trung tâm thủ đô nước Mỹ. Tưởng rằng, với một xã hội công nghiệp hóa hiện đại như Mỹ thì phố xá sẽ mù mịt bụi khói. Không hề. Nhiều bạn bè ở đây cho biết, các loại xe hơi sử dụng đều gắn thêm một bộ lọc nhằm hạn chế tối đa khói xe.


     Washington D.C hình thành từ năm 1790. Tôi có mặt vào dịp lễ hội hoa anh đào nên nhan sắc lại càng rực rỡ. Đi dạo dưới những vòm cây thỉnh thoảng lại nghe tiếng chim kêu ríu ríu. Buổi chiều lạnh tê tái, tím môi. Trước mắt tôi cả một rừng hoa sắc hồng nhạt, rất nhạt, nhạt như một chút son còn sót lại lơ đễnh trên môi người tình phụ. Nghe đâu có khoảng 3.750 cây hoa anh đào với 17 giống khác nhau đã bén rễ nơi này. Những bông hoa ánh lên vòm trời nhạt nắng, tôi có cảm tưởng như đang nhìn một bức tranh thủy mạc. “Đào hoa y cựu tiếu đông phong”. Câu thơ Đường bất chợt vọng về nhẹ nhàng trong trí nhớ. Nao lòng.


        Lâu nay, tôi nghĩ, đi du lịch phải đạt được ba yếu tố: chiêm ngưỡng danh lam thắng cảnh nơi ấy; ăn một món ăn đặc trưng nơi ấy; và cuối cùng nơi ấy phải để lại trong trái tim mình dấu môi hôn của một cuộc tình vội vã. Nay thì không. Tôi lặng lẽ đi với nhà báo Phạm Thu Nga, và nhà thơ Bùi Thanh Tuấn - những đồng nghiệp trẻ dễ mến. Rừng hoa anh đào khiến du khách lưu luyến là món quà kỷ niệm tình hữu nghị giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản do thị trưởng Tokyo Yukio Ozaki tặng cho nhân dân Washington DC vào năm 1912. Ngắm hoa, tôi lại liên tưởng đến cây tre Việt Nam và tự hỏi, bao giờ có rừng tre của Thánh Gióng được mọc lên nơi đây? Nếu có một rừng tre xanh bao bọc chung quanh hồ Tidal thì tuyệt vời nhỉ? Lạc trong rừng hoa quanh hồ Tidal, bên bờ sông Potomac trong một chiều sắp tắt nắng, tôi lại nhớ  mẹ tôi - một người phụ nữ thuần hậu, bình dị, cần kiệm rặt tính cách Quảng Nam, suốt một đời chỉ đi từ nhà đến chợ, một năm mười hai tháng, một tháng ba mươi ngày cũng chỉ biết từ chợ về nhà. Tôi tự hỏi: “Biết lúc nào mẹ mình ở quê nhà mới được nhìn cảnh đẹp như thế này. Chắc chắn không bao giờ”. Đột nhiên bùi ngùi...


     Đột ngột dâng lên trong tôi một niềm thương cảm khi bước đến Khu tưởng niệm cựu chiến binh Mỹ. Những người lính đã bỏ xác vô ích tại chiến trường Việt Nam. Trước mắt tôi là hai bức tường đá granite đen dựng chụm vào nhau và có xu hướng thấp dần ở hai bên, tạo thành chữ V. Mỗi cạnh của chữ V, tôi đếm có 74 phiến đá lớn. Mỗi phiến đá rộng và cao hơn 1 mét được ghép lại. Trên bức tường chữ V đó khắc tên của hơn 58.000 lính Mỹ chết trận. Đây là một trong mười kiến trúc đẹp nhất của nước Mỹ. Cái đẹp ghi nhớ về sự chết chóc và sai lầm trong một cuộc chiến do chính quyền Mỹ gây ra. Rải rác dưới chân bức tường tưởng niệm, tôi thấy có những bó hoa tươi. Hoa tươi như máu. Trước đây với chiến tranh Việt Nam, công dân Mỹ đã bị đẩy vào cái chết phi lý của một cuộc chiến phi lý. “Đáng ân hận và hỗ thẹn” như một cựu chiến binh Mỹ đã thừa nhận. Lỗi không phải tại họ. Lỗi tại chính quyền Mỹ. Ngay phía bên ngoài bức tường này, dưới vòm cây xanh, tôi thấy có vài bệ gỗ cao, trên đó người ta đặt quyển sổ lớn ghi toàn bộ danh sách lính Mỹ đã chết. Đó là Veterans memorial - directory of names 1959 - 1975, dày 766 trang, bọc nhựa từng trang để khách tham quan dễ dàng tra cứu. Cuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân Việt Nam đã đi qua. Trang sử cũ sai lầm của người Mỹ đã khép lại. Dưới chân tượng đá này, khoát lại áo ấm, tôi ghi một ý nghĩ chợt đến:


Lạnh từ trong xương
Buốt từ chân tóc
Anh ngước mắt nhìn
Con đường cao tốc
Một mắt liếc dọc
Một mắt nhìn ngang
Nước Mỹ xa xăm
Dẫn anh đi dạo
Đi từ trang báo
Đến cái truyền hình
Đi từ báo cáo
Đến cõi nhân sinh
Ngày tháng chiến tranh
Qua như ác mộng
Để sớm mai này
Gió chiều lồng lộng
Anh nghe tiếng sóng
Vỗ từ trời cao
Anh thấy bể dâu
Chỉ còn trong sách
Vó ngựa binh đao
Từng ngày hóa thạch
Chào Washington
Anh đang thầm nhắc
Đào hoa khoe sắc
Mở rộng vòng tay
Trong anh nắng ấm
Lên men ngày ngày...


   Khép lại cuốn sổ tay. Phóng một tầm mắt, tôi nhìn thấy tượng đài kỷ niệm Washington, cách điện Capitol về phía đông chừng 1.500 m. Tượng đài này cao 169,29 m, được xây bằng đá cẩm thạch, granite, sa thạch và mọi người thường gọi bằng cái tên nôm na, dễ nhớ “Tháp bút chì”. Từ trong tháp này, chỉ cần leo lên 898 bậc thang hoặc bằng thang máy, ta có thể ngắm nhìn được toàn cảnh thủ đô từ các vòm cửa sổ. Từ phía bắc, ta thấy Nhà Trắng, tư thất, văn phòng của tổng thống Mỹ. Từ của sổ phía Nam, ta thấy đài tưởng niệm tổng thống Jefferson bên bờ sông Tidal. Từ phía tây, ta nhìn thấy đài tưởng niệm tổng thống Abraham Lincoln. Chị Quý - người phiên dịch của chúng tôi cho biết, chính phủ Mỹ quy định các nhà ở thủ đô không được xây cao hơn tượng đài Washington.

         Tôi rủ Nga đi đến đài tưởng niệm Abraham Lincoln. Bước lên những bậc thang cấp, trước mắt chúng tôi hiện ra pho tượng của vị tổng thống có hàm râu quai nón rất đẹp, ngồi uy nghi trong một ghế bành lớn, hai tay đặt trên thành ghế, đôi mắt trìu mến, u buồn nhìn xuống. Tượng này cao 5 m 80 làm bằng 8 khối đá, được đặt trên một cái bệ cũng bằng đá cẩm thạch trắng. Từ mẫu thạch cao của nhà điêu khắc Daniel Chester French, những người thợ ở New York phải thực hiện ròng rã trong vòng 4 năm trời mới hoàn thành. Tôi yêu quý Abraham Lincoln, bởi ông là hiện thân của tinh thần chống sự phân biệt chủng tộc, không ai khác, chính ông là người tuyên bố bãi bỏ chế độ nô lệ ở Hoa Kỳ. Nhìn tượng Abraham Lincoln, tôi thấy đôi mắt ông đượm một nỗi buồn thăm thẳm. Dường như ông đang suy nghĩ một điều gì đó. Vẻ buồn rất đỗi trầm mặc ấy khiến tôi nhớ đến câu thơ “u uẩn chiều lưu lạc” của Quang Dũng. Đôi mắt ấy đã từng khóc. Năm 1865, lần đầu tiên gặp gỡ những thân phận da đen nô lệ ở miền Nam được giải phóng, ông nói với họ: “Các bạn hãy quỳ xuống cám ơn Thượng đế vì đã được hưởng tự do. Tôi chỉ là kẻ thi hành ý muốn của Thượng đế”. Lúc mọi người chắp tay, ngửa mặt lên trời thì ông đã khóc vì cảm động. Giọt nước mắt ấy thành thật biết bao nhiêu... Tại đây, ngày 28.8.1963 một nhân vật da đen rất nổi tiếng là Tiến sĩ thần học Mục sư Luther King, nhận giải thưởng Hòa bình Nobel năm 35 tuổi, đã đọc bài diễn văn rúng động lòng người “Tôi đã nằm mơ”. Mơ về sự hòa hợp chủng tộc da đen và da trắng, mơ về một ngày Thượng đế phán xử con người trên công đức của họ chứ không từ màu da... 29 vạn người đã có mặt để lắng nghe và chia sẻ thông điệp này. Giấc mơ cao đẹp này vĩnh viễn là niềm tin của nhân loại. Cả Abraham Lincoln và Luther King cũng đều bị ám sát bởi viên đạn của sự man rợ. Nếu không tin vào sự bình đẳng của các màu da trên thế giới, và điên rồ triệt tiêu sự bình đẳng ấy tôi nghĩ đó là sự man rợ.


       Sau khi tham quan, tôi và Nga đi thang máy xuống tầng dưới cùng. Không ngờ lại thấy có cửa hàng lưu niệm. Quan sát một lát, tôi nhận ra người Mỹ rất tôn sùng những cá nhân đã để lại dấu ấn trên đất nước họ. Họ rất có ý thức kết hợp tuyên truyền chính trị trong việc phổ biến văn hóa. Tôi đã ngạc nhiên khi nhìn thấy họ bày bán văn hóa phẩm là... các tài liệu chính trị! Đó là thủ bút bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ ngày 4.7.1776 với đầy đủ các chữ ký của người có trách nhiệm; là bản viết tay của tổng thống Abraham Lincoln; là hình ảnh 43 tổng thống Mỹ, từ George Washington  đến George W. Bush v.v... Tất cả được in trên một loại giấy cũ, úa vàng, khổ chừng 30 x 40 cm để người mua có thể lồng vào kính treo trong nhà. Đặc biệt, để tăng thêm phần hấp dẫn, các quà lưu niệm này có kèm cả cây bút lông ngỗng nhằm gợi nhớ đến kiểu viết của người xưa! Tôi trầm ngâm nghĩ đến bản đánh máy Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản viết tay Kêu gọi Toàn quốc Kháng chiến, Di chúc... của Người tại sao ta không phổ biến bằng cách này? Hoặc cũng có thể bằng cách khác, chẳng hạn, vài năm trước đây khi đến Thái Lan, tôi thấy họ cũng nghĩ ra lắm “độc chiêu”. Trong các siêu thị, trên đường phố Bangkok bày bán rất nhiều tranh dân gian, phong cảnh, tôn giáo, nguyên thủ quốc gia Thái Lan được in bằng phương pháp thủ công, đường nét thật sắc sảo, sắc nét trên vải lụa. Vâng, họ in trên lụa, nhưng giá rất rẻ, chỉ khoảng vài chục “bat”. Sao ta không phổ biến các giá trị văn hóa truyền thống, dấu ấn danh nhân của ta trên vải lụa hoặc bằng nhiều thể loại, nhiều hình thức đa dạng khác nhau, đủ kích cỡ để bán cho du khách năm châu? Với chất liệu quý, lập tức nó hoàn toàn khác với tranh giấy dó chỉ lưu giữ trong bộ sưu tập, thì nay có thể treo trên tường cho mọi người cùng chiêm ngưỡng v.v...


     Phải chăng trong cách làm văn hóa, người Mỹ luôn chú trọng đến yếu tố phát huy dấu ấn của người nổi tiếng? Tại khu vui chơi Disneyland ở thành phố Orlando, tôi đã thấy tấm hình trắng đen chụp hình tổng thống Lincoln cùng cậu con trai, chỉ nhỏ bằng cỡ bao thuốc lá nhưng giá bán lên đến... 120.000 USD. Đơn giản chỉ vì trên bức ảnh gốc đó có chữ ký của ông. Tương tự, cây gậy của Thủ tướng Anh Winston Churchill cũng được bán với giá 12.500 USD... Ai sẽ mua những món hàng này? Chưa rõ. Nhưng chai rượu Talbot có chữ ký của nữ tài tử gợi cảm nhất thế kỷ XX Marilyn Monroe bán với giá 69.95 USD, tôi đoan chắc một nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam, nếu đến đây thì sẽ lọt vào tay ông:


Trời xanh úp mặt nghe tin
Thôi rồi! Em Má Rí Lyn đi rồi
Từ nay ta bỏ ngai trời
Thu thời gian đập tơi bời càn khôn
Giữa hư vô nếu em còn
Nhớ ta xin gửi cái hồn cho ta
Úp môi ôm mặt khóc òa
Cồn lê lên miệng là ba bốn lần 


      Đó là trung niên thi sĩ Bùi Giáng. Ông viết bài thơ này sau khi nghe tin Marilyn Monroe về chín suối, năm 1962. Giá trị của văn hóa đích thực không có biên giới. Từ gầm trời nào đi nữa, nó vẫn có một ma lực hấp dẫn lạ thường. Say đắm nhan sắc như Bùi Giáng cũng là lẽ thường tình vậy. Hoặc ở Bảo tàng nhạc Jazz tại thành phố Kansas còn lưu giữ được cây kèn saxophone “made in London” của tài danh Charlie Parker. Cây kèn này năm 1997 bán đấu giá lên đến 140.000 USD, nay giá còn cao hơn rất nhiều lần. Cao như thế, vì nó được “bảo kê” bởi tài năng của Charlie Parker, chứ không phải của “người trần mắt thịt”!


       Không phải ai cũng biết rằng, người Mỹ còn cho in cả giấy bạc trị giá... 1 triệu USD để du khách mua làm lưu niệm. Tờ giấy bạc này có kích cỡ bằng tờ USD thật, in sắc nét, mặt này in hình Nữ thần Tự do, còn mặt kia in hình gì? Đó là hình bức tượng 4 vị tổng thống Mỹ được khắc trên ngọn núi đá Rushmore cao 1.829 mét tại vùng Black Hills thuộc tiểu bang South Dakota. Để hoàn thành kiệt tác này người ta đã mất ròng 17 năm trời lao động miệt mài. Theo thứ tự, trước nhất là George Washington - người được coi như cha đẻ của nước Hoa Kỳ, tổng thống đầu tiên của nước Mỹ; Thomas Jefferson- người khởi thảo Tuyên ngôn Độc Lập nổi tiếng. Riêng câu “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn lại trong Tuyên ngôn Độc lập của nước ta và ghi nhận “lời bất hủ”; kế đến Theodore Roosevelt - người đã có nhiều đóng góp đối với sự phát triển của nước Mỹ trong thế kỷ XX; và cuối cùng là Abraham Lincoln - một con người vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng người nô lệ.


     Ngoài ra, trên những tiểu bang đã đi qua, trên các đường phố lớn tôi đều thấy tượng các danh nhân của nước Mỹ, phía dưới chân tượng còn có thêm vài dòng tiểu sử nữa. Tại quảng trường Tự Do rộng lớn tại Washington D.C, tôi lại ngạc nhiên khi thấy ngay dưới chân mình, người Mỹ lại phổ biến bản đồ thành phố này. Nó được thể hiện cách điệu một cách hài hòa. Trên nền gạch hoa cương ấy, tôi còn thấy có khắc cả những câu nói của các nhân vật nổi tiếng như Abraham Lincon, Martin Luther King...; kể cả nhà văn như Charles Dickens v.v... nhằm giúp cho du khách có thể hiểu được một cách khái quát về sự hình thành của thành phố này.


           Trên cổng bước vào khu phố cổ Sacramento, tôi đã thấy một bức tường dài vẽ chân dung và ghi tiểu sử của nhiều nhân vật lừng danh như Charles Crocker, Mark Hopkins... Tôi dừng lại khá lâu trước chân dung ông Leland Stanford - một trùm tư bản đường sắt. Phải dừng lại trong giây lát, vì từ năm 1891 ông đã mở Đại học Stanford tại Palo Alto (bang California). Những ai bỏ tiền xây trường là làm việc đức cho đời sau và xứng đáng được đời sau ngưỡng mộ. Ngôi trường của ông Leland Stanford được xếp thứ hai, chỉ sau Đại học Harvard với ý nghĩa: “Đại học có mục đích tạo điều kiện để sinh viên thành đạt và hữu ích cho đời, đại học phải chăm lo sức khoẻ của cộng đồng nhân danh văn minh và nhân loại, đại học phải chỉ rõ ân huệ của tự do điều tiết bởi luật pháp, đại học phải dạy dỗ lòng yêu mến và niềm kính trọng những nguyên tắc cơ bản của việc trị nước xuất phát từ những quyền bất biến, quyền được sống, quyền được hưởng hạnh phúc của con người”. Một tư bản giàu nứt đố đổ vách mà nói được một câu như thế thì đáng khâm phục quá đi chứ! Rồi ngay trong phòng đợi của sân bay San Francisco tôi lại thấy hình ảnh các nhân vật nổi tiếng khác được trưng bày trang trọng... Có thêm một điều lạ, hầu hết ở các công sở, những nơi công cộng đều có treo cờ Mỹ, bất kể các ngày trong tuần, chứ không chỉ trong các dịp lễ... Từ Mỹ, nhìn về quê nhà tôi sực nhớ lâu nay Hội Sử học Việt Nam cũng đã phát động có hiệu quả phong trào “Một giọt đồng đúc tượng danh nhân” - góp phần không nhỏ đưa các thế hệ ý thức “về nguồn”.


     Ngoài việc dựa vào những tên tuổi lừng danh để quảng bá, “làm sang” cho đất nước mình, người Mỹ còn có ý thức tạo dựng những biểu tượng văn hóa mới ngay trong chính thời đại họ đang sống.


          Có thật vậy không?


         Nếu so với Việt Nam “vốn xưng nền văn hiến đã lâu” (Nguyễn Trãi), chúng ta có nhiều khả năng, nhiều thuận lợi hơn người Mỹ trong tạo dựng một biểu tượng văn hóa. Biểu tượng văn hóa vật thể và phi vật thể của ta phổ biến trên toàn cầu là gì? Là Hạ Long, Văn Miếu, Chùa Một Cột, Thánh Gióng, áo dài, nón lá, nước mắm, phở... Là gì nữa? Với người nước ngoài, họ sẽ chọn lấy gì? hoặc khi ta đưa ra hình ảnh gì, thế giới biết ngay đó là biểu tượng văn hóa của Việt Nam?


     Với người Mỹ dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng họ cũng đã thành công trong việc tạo dựng cho Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ một biểu tượng văn hóa mới. Tôi muốn nói đến tập đoàn Walt Disney của ngành công nghiệp giải trí của Mỹ. Họ đã tạo dựng các khu vui chơi bậc nhất thế giới là Disneyland, Disney World. Qua đó, hình ảnh chú chuột thông minh, láu lĩnh Mickey đã có thể sánh cùng Tượng Nữ thần Tự do. Chú chuột Mickey này do chính thế hệ của họ tạo dựng, chứ không thừa hưởng từ di sản văn hóa đã có trước, nó chỉ mới xuất hiện lần đầu tiên từ năm 1928 trong bộ phim “Stemboat Willie” đấy thôi.


              Tại Orlando, tôi đã nhìn thấy “lá cờ” in hình chú chuột Mickey tung bay ngạo nghễ trong công viên lừng danh Walt Disney World. Phải gọi công viên này là một “thành phố” mới đúng - một địa điểm, một “kỳ quan” mà bất cứ một đứa trẻ nào trên thế giới cũng một lần ước mơ được đặt chân đến chiêm ngưỡng. “Thành phố” này có diện tích chừng 110 km vuông, toàn bộ các con đường trong đó đều được đặt tên riêng. Ngoài hệ thống đường xá trải nhựa dành cho xe ô tô thì trên không chằng chịt hệ thống motorail khiến tôi có cảm giác đã từ nhà ga này đến nhà ga khác. Muốn vào đó, người ta có thể mua vé từ một ngày đến 10 ngày. Cụ thể vé dành cho người mười tuổi trở lên, giá từ 71 USD (1 ngày) đến 225 USD (10 ngày); dưới tuổi đó giá từ 60 USD (1 ngày) đến 187 USD (10 ngày). Trên chiếc vé có ghi một câu slogan “Tại đây luôn có những điều mới lạ mỗi ngày”.


          Khi vào cổng, ta đặt tấm vé vào một ô nhỏ trên cái bàn đặt ngay trước mặt và áp ngón tay vào, lập tức của mở ra. Chiếc vé như thế đã “vô hiệu hóa”, lần sau không thể sử dụng lại và thêm một lợi ích khác, không tốn nhân công phải thu dọn vé. Cả hàng ngàn lượt người trong mỗi ngày cũng là một lượng rác không nhỏ. Hầu hết các khu vui chơi ở Mỹ hiện nay đều thực hiện cách làm này. Đã vào cổng, người ta vui chơi theo nhiều sở thích và di chuyển theo nhiều phương tiện khác nhau. Muốn tàu thuyền, có; muốn motorail, có... Chắc chắn trong một ngày không ai có thể tham quan hết các khu vực, tham dự hết các trò chơi, các show diễn nghệ thuật... Ai muốn vào đâu thì vào, không phải đã có vé vào cổng, nhưng muốn chơi trò chơi gì thì xin cứ việc... xìa thêm tiền! Đó là sự bất nhẫn, bởi phụ huynh nghèo sẽ giải thích với con em mình như thế nào nếu nó không được chơi trò này, trò kia như mọi đứa trẻ khác?


           Không riêng gì đây mà các khu vui chơi công cộng khác, một điều đã làm tôi “kinh ngạc” không thể lý giải nổi khi không hề thấy có... một cọng rác, dẫu là một mẩu thuốc lá! Lẫn trong du khách là những người phục vụ mặc quần áo trắng, đội mũ trắng nhẫn nại gắp từng cọng rác. Nhìn hình ảnh tận tụy này, không một ai có thể nhẫn tâm vứt rác một cách bừa bãi. Chính vì nó sạch sẽ nên một người cẩu thả như tôi cũng phải tìm đúng nơi để vứt rác. Trong những ngày lang thang trên nhiều đường phố Mỹ, tôi luôn tự hỏi, người ta đã quét rác vào lúc nào mà mọi con đường bao giờ cũng sạch sẽ? Có lẽ cách trả lời đúng nhất là họ không xả rác bừa bãi nên mới có được cảnh quang như thế chăng?




6.
Đây thăm thẳm chiều sâu và chiều cao, nơi gương mặt tôi phản chiếu
Đây bản thân tôi tư duy chìm đắm và trổ được đường ra

(Walt Whitman)

              Nói thật, nhưng không khéo có người cho là đùa. Trong suốt gần một tháng ở Mỹ, tại các cửa hàng sách công cộng tôi chỉ... một lần duy nhất thấy có bày bán công khai các tạp chí chuyên về sex. Thế nhưng cái phần “nhậy cảm” nhất, cần xem nhất (!?) lại bị che lại bằng một tấm gỗ đen, chỉ thấy mỗi cái tựa của tạp chí! Hỏi ra mới biết, những nơi công cộng thường có trẻ em đi theo nên không thể! Thậm chí khi vào quán uống rượu, người ta còn đóng trên tay mình một dấu vuông xanh lè, chứng nhận đã trên 21 tuổi mới được “làm bạn với Lưu Linh”! Thiên hạ thường bảo “tửu sắc”, nhưng ở San Francisco, tôi vào xem “múa cột” giá 20 USD để tận mắt nhìn những mỹ nhân luân phiên khoả thân gợi cảm mà chỉ được uống... nước ngọt miễn phí! Có người bảo, nước Mỹ là “thiên đường” của sex, nhưng thú thật tôi không được “thổ địa” đưa đến nên đành chịu. Có người bảo, đến Mỹ nếu không đến sòng bạc Las Vegas là một thiếu sót trầm trọng. Trầm trọng cỡ nào? Cũng tựa như ăn thịt chó thiếu lá mơ, ăn mì Quảng thiếu bánh tráng, ăn bún bò Huế thiếu trái ớt xanh... hoặc lần đầu tiên mời người yêu vào nhà hàng nhưng lại quên tiền ở nhà! Biết thiếu sót trầm trọng vậy, nhưng tôi vẫn không đến, dù có người tình nguyện đưa đi. Tại sao? Kỳ lạ cho sức ám ảnh của sách vở, dù chỉ một câu ta đã đọc. Thuở học trò, tôi đã đọc một câu trong tự thuật của Phạm Đình Hổ - tác giả Vũ trung tùy bút. Ông cho biết ngay từ nhỏ trước những trò thanh sắc, cờ bạc, hoặc ai đó rủ rê chơi đùa thì “bịt tai lại không muốn nghe”; và lúc lớn lên “các sách kim cổ, thơ cổ, thường xem, không lúc nào rời tay” tôi đã ám ảnh đến giờ và luôn nguyện bắt chước theo.


          Không sòng bạc Las Vegas, ta đi xem các bảo tàng, nhà hát nhé! Đi để tìm hiểu người Mỹ đã thực hiện các biện pháp như thế nào để nuôi dưỡng và phát huy yếu tố văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng? Một câu hỏi không dễ trả lời.


           Khi nói đến dân tộc Mỹ, người ta thường dùng khái niệm “nồi hầm nhừ” (melting pot) quan niệm này do một người Pháp sống ở Mỹ là Crèvecoeur đưa ra từ năm 1782: “những cá nhân thuộc đủ các dân tộc trà trộn nhuần nhuyễn thành một chủng tộc mới” để từ đó xuất hiện “con người mới với những đặc điểm mới”. Nói cách khác, theo nhà văn Trần Kiêm Đoàn, người Mỹ: “Họ cho rằng mọi đặc tính và hình thái văn hóa ngoại lai mang vào Mỹ sẽ bị trộn lại với nhau cùng với văn hóa Mỹ trong một “Nồi súp de văn hóa nóng chảy”.


        Đến nay giá trị của nó thế nào?


          Cũng theo ông Đoàn: “Phải cần cả trăm năm sau người ta mới nhận ra rằng, cái nồi Melting Pot đó đặt hoài trên lò bát quái của văn hoá mà không bao giờ chịu sôi lên để nóng chảy. Thực tế chỉ có một nền “Đa văn hóa” (Cultural pluralism) vẫn tồn tại và trơ gan cùng tuế nguyệt”. Theo Hồ sơ văn hóa Mỹ do nhà nghiên cứu Hữu Ngọc chủ biên: “Thực tế cho thấy “nồi hầm nhừ” chỉ là một ước vọng, một sự lý tưởng hóa đôi khi dùng để cổ vũ hay tuyên truyền. Sự hòa đồng thật tương đối và tính dân chủ và bình đẳng cũng chỉ áp dụng cho một số người da trắng có đặc quyền. Nhiều dân tộc ra khỏi lò tôi luyện mà không biến cải, họ sống đối diện với nhau hơn là sát cánh với nhau”. 


     Điều này có lẽ đúng.


     Tôi nghĩ, dù nước Mỹ trải hơn hai trăm năm lập quốc đã hình thành một chủng tộc mới với đặc điểm mới, cùng hòa nhập và tồn tại chung trong một thể chế chính trị. Nhưng vẫn không thể hình thành một bản sắc văn hóa mới riêng biệt, tiêu biểu của người Mỹ.


           Nói như thế liệu có mẫu thuẫn với suy nghĩ mà tôi đã trình bày về “biểu tượng văn hóa mới” là chú chuột Mickey của tập đoàn ngành công nghiệp giải trí hàng đầu Walt Disney? Thật ra, chú chuột Mickey là biểu tượng nhằm cung cấp cho người nước ngoài một cái nhìn khái quát về văn hóa Mỹ. Nếu đi sâu vào nền văn hóa của Mỹ, qua thực tế và chiêm nghiệm, ta sẽ nhận ra ở đó là sự đa dạng với bản sắc riêng biệt của từng sắc tộc. Dấu ấn Mỹ da đen, dấu ấn Mỹ da đỏ... là “tài sản” của nước Mỹ hôm nay đấy chứ! Nhưng phần hồn sâu thẳm, phần cốt lõi máu thịt của nền văn hóa này nhìn từ góc độ tâm linh, nếu không là người bản địa thì ta sẽ không hiểu hết, không cảm nhận được hết. Một tiếng kèn saxo man dại của Charlie Parker - người đã cách tân thể loại jazz bằng lối chơi đẩy nhanh tiết tấu - thì liệu chúng ta có cảm nhận được hết thân phận Đen không? Một tiếng hú vang vọng trong đêm trăng mờ mịt như sói gọi trên đồng hoang của một người da đỏ, liệu ta có cảm nhận được nỗi cô đơn khắc khoải của chính họ không? Không riêng gì chúng ta, những người nước ngoài, mà ngay cả người Mỹ “chính hiệu con nai vàng” cũng thế. Điều này cho thấy sức sống bền bỉ của văn hóa mà mỗi dân tộc đang có. Chỉ họ mới có thể thể hiện hoặc chia sẻ đến từng “chân tơ kẻ tóc” của loại hình nghệ thuật nào đó mà họ đã và đang gìn giữ từ đời này qua đời nọ. Bản sắc văn hóa ấy không gì có thể tiêu diệt nổi, không gì có có thể đồng hóa nổi. Với chúng ta, một ngàn năm chống lại áp lực xâm lăng văn hóa Trung Hoa, dù họ có tham vọng bành trướng văn hóa của họ xuống phía Nam bằng mọi thủ đoạn dã man nhất nhưng cũng chỉ “nhử đẳng hành khan thủ bại hư” (Lý Thường Kiệt). Với Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ dù sử dụng “nồi hầm nhừ’, dù các thành viên có tự nguyện nhảy vào đó thì cũng không thể “chảy ra” một dòng văn hóa thuần chủng Mỹ!


       Sau nhiều ngày “mỏi gối chồn chân” bởi mỗi ngày sáng, trưa, chiều, tối đều có mặt tại các bảo tàng, nhà hát, khu vui chơi từ Washington D.C lên Kansas ngược về San Francisco rồi xuống Florida, nhằm quan sát và tìm hiểu nền văn hóa Mỹ tôi nhận ra rằng: Mô hình văn hóa của người Mỹ đa dạng nhưng thống nhất trong một chỉnh thể chung để cùng tồn tại.


        Tại Washington D.C ngay sau khi làm việc với bộ phận thiết kế chương trình khách tham quan quốc tế đến Mỹ, Christopher Schewb đưa chúng tôi đến Bảo tàng của người Mỹ gốc châu Phi. Nơi này có khá nhiều hình ảnh và hiện vật liên quan đến quá trình có mặt của người da đen tại Mỹ. Thậm chí còn có cả những giấy viết tay thể hiện sự mua bán người nô lệ ngày xưa. Những trang giấy mỏng mảnh, chữ viết tay gợi lại một quá khứ bi thảm của đất nước Mỹ... Theo ông Robert Hall - người phụ tá giám đốc về vấn đề giáo dục của bảo tàng:


    -Chúng tôi không chỉ trưng bày các hiện vật đã có mà còn phải “làm mới” bằng các hoạt động gắn với nhu cầu thiết thực của công chúng. Chẳng hạn, nơi này từng triển lãm về... chuột! Tại sao lại là chuột? Đơn giản chỉ vì có lúc dân cư trong vùng than phiền về sự xuất hiện bất thường của chuột, họ muốn biết chuột mang lại bệnh tật như thế nào, tác hại như thế nào v.v... Không những thế, đây còn là nơi dạy ngoại khóa cho trẻ em trong vùng về các kỹ năng sống, chẳng hạn cách làm... một ngôi nhà! Những hoạt động này cũng nhằm tạo ra nguồn kinh phí “nuôi” bảo tàng bên cạnh kinh phí của nhà nước rót xuống.


     Đến Gallery Nghệ thuật Arthur M. Sackler, ngay cổng vào đã mở ra trước mắt tôi là một không gian rộng rải, nhiều tòa nhà được liên kết nhau bằng những vườn hoa tulip đang mùa chín rực rỡ. Vàng nõn. Tím nhạt. Trắng tinh. Và những thảm cỏ xanh biếc ùa vào hai con mắt. Đây cũng là nơi những ngày văn hóa Việt Nam lần đầu tiên trên đất Mỹ được tổ chức vào từ ngày 9 đến ngày 10.7.2005 sau chuyến viếng thăm thành công của Thủ tướng Phan Văn Khải và nhân dịp kỷ niệm 10 năm bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ. Tại phòng trưng bày các hiện vật Đông Nam Á, tôi sung sướng nhìn thấy các hiện vật gốm cổ xưa của người Việt đã từng làm lay động xúc cảm thẩm mỹ của người Mỹ. Muốn tìm hiểu  nghệ thuật làm gốm của Việt Nam, tôi chỉ cần thao tác trên màn hình vi tính là được xem một bộ phim sống động. Điều này cũng tương tự như tôi đã từng xem ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nằm trên đường Nguyễn Văn Huyên, Quận Cầu Giấy (Hà Nội). Thật bất ngờ, bà Louise Cort - người phụ trách phòng nghệ thuật gốm - cho biết nơi này cũng có mối liên hệ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và ngược lại, cũng không ngoài mục đích học tập lẫn nhau. Bà nói:


   -Chúng tôi còn tổ chức các chương trình biểu diễn ca nhạc, chương trình gia đình, chương trình học đường... Bảo tàng không là nơi dành cho “người già”, trẻ em cũng có thể tham gia bằng những chương trình như... thi làm thơ! Chẳng hạn, các nhóc có tinh thần yêu thơ sau khi ghi tên tham dự, được phát cho những bức tranh đời nhà Minh, nhà Thanh... để nhìn vào đó mà “tức cảnh sinh tình” bằng thơ; hoặc được phát những bài thơ để đọc, rồi vẽ lại thành tranh. Những “tác phẩm” này được trưng bày hoặc trình diễn. Công chúng muốn thưởng thức phải mua vé.


        Tôi đã được xem những bức tranh ngộ nghĩnh của các “mầm non văn nghệ” ấy. Ngoài ra, Bảo tàng này còn in nhiều catalogue, nhiều tập sách rất đẹp cũng không ngoài việc tìm thêm nguồn kinh phí! Đi tìm nguồn kinh phí hoạt động, có thể nói đây là một trong những điều cốt lõi mà những người làm văn hóa ở Mỹ luôn quan tâm. Chỉ mới đầu tháng 4, nhưng khi xem chương trình tôi thấy họ đã lên “kín” lịch đến hết năm 2008 từ trình diễn văn nghệ, biểu diễn kịch nghệ, âm nhạc, nghệ thuật sắp đặt... đến chiếu phim v.v... Đã thế, tại đây, tôi còn thấy có cả thư viện, nhà hàng sang trọng... Rõ ràng, họ đã kết hợp sinh động nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa khác nhau trong một “địa chỉ văn hóa” đặng thu hút, hấp dẫn đông đúc nhiều hơn nữa các “tầng lớp nhân dân”. Đây chính là cái ý nghĩa “thực dụng” của người Mỹ - họ luôn tính đến hiệu quả của công việc đang thực hiện. Nghĩ cho cùng, một trong những mục tiêu của công tác văn hóa vẫn là tìm mọi cách phổ biến dấu ấn văn hóa đến mọi tầng lớp nhân dân, kể cả du khách năm châu bằng nhiều hình thức khác nhau.


          Vào một sáng se lạnh, tiếp đón chúng tôi tại Trụ sở Nghiên cứu báo chí ở Washington D.C, ông giám đốc Gene Matter có kể một mẩu chuyện nhỏ, nghe ra buồn cười, nhưng cũng đáng suy ngẫm. Ông kể:


          -Sau khi tổ chức cho một đoàn nhà báo Trung Quốc tham quan Thư viện Quốc hội Mỹ, họ gật gù bảo: “Ủa! Nước Mỹ cũng có... văn hóa đấy chứ!


          Thư viện này nằm trên đồi Capitol, gồm 3 tòa nhà có mặt sàn sử dụng rộng tới 29 ha. Khi tôi đến, những vòm cây trước thư viện đã rụng hết lá. Chờ sang mùa trổ lộc mới. Chỉ còn những nhánh cây khẳng khiu in đậm trên nền trời xanh. Theo chị Liên Hương, người phụ trách mạng lưới sách khu vực Việt Nam và Đông Nam Á, thì hiện nay thư viện này có gần... 30 triệu cuốn sách,13 triệu tấm ảnh, 4,8 triệu bản đồ, 2,7 triệu băng cassette, băng video, microfilm, 5 triệu vật phẩm âm nhạc và nhất là đang lưu giữ 58 triệu bản thảo chép tay! Khi tham quan, chúng tôi được nhắc nhở là không được chụp hình trong phòng đọc sách. Trước mắt tôi, trên các kệ sách là các cuốn sách được đóng bìa da cẩn thận, ngoài khắc chữ mạ vàng. Những cuốn sách đứng ngay hàng thẳng lối, gợi cho tôi cảm giác nhớ đến đội ngũ người lính chấp hành kỷ luật, sẵn sàng chờ mệnh lệnh...


Thư viện này rộng đến nỗi dù làm việc lâu năm, nhưng khi dẫn chúng tôi ra ngoài, chị Liên Hương đã lính quýnh đến độ dẫn nhầm hướng ra cổng! Tại đây có một thông tin khiến tôi ấm lòng là mỗi tháng thư viện này dành kinh phí để bổ sung thêm 200 quyển sách xuất bản tại Việt Nam hoặc liên quan đến Việt Nam viết bằng tiếng Việt. Bà Patricia Gray - phụ trách phần văn chương cũng cho biết một trong những hoạt động đều đặn hàng tháng là sinh hoạt của... câu lạc bộ thơ! Những chương trình này đều có bán vé. Tương tự, Bảo tàng nhạc Jazz tại thành phố Kansas mỗi đêm đều có biểu diễn nhạc. Tất nhiên muốn vào cũng phải mua vé.  Một lần nữa, khi đến những đây tôi thêm xác tín phương thức hoạt động “khép kín” và đa dạng hoạt động là then chốt trong cách làm văn hóa của người Mỹ. Bảo tàng không chỉ là nơi trung bày hiện vật mà nó phải “sống” theo nhịp sống hiện tại. Qua đó, không chỉ thu hút khách mà còn là biện pháp tạo ra nguồn kinh phí để tái hoạt động. 


          Nhưng như thế vẫn chưa đủ.


       Họ còn kêu gọi sự đóng góp của các nhà hảo tâm. Bà Louise Cort - phụ trách phòng nghệ thuật gốm của Bảo tàng Nghệ thuật ở Washington D.C gọi đó là “hội viên danh dự”. Với mức tiền đóng góp, thấp nhất là 1.000 USD còn nhiều hơn nữa “tùy vào lòng hảo tâm”, họ được hưởng nhiều quyền lợi mà, chẳng hạn được xem miễn phí trong năm các chương trình diễn tại Bảo tàng. Ngay cả Thư viện Quốc hội Mỹ, Bảo tàng của người da đỏ, Bảo tàng nhạc jazz, Câu lạc bộ bóng chày của người da den, các Nhà hát lớn... cũng thế. Khi chúng tôi đến tham quan Thư viện Quốc hội Mỹ, thấy mọi người đang bận rộn trang trí hoa, đèn chiếu sáng tại một khán phòng lớn. Hỏi ra, chị Liên Hương - quản thủ thư viện - cho biết đêm đó có yến tiệc để chiêu đãi những “hội viên danh dự”. “Danh dự” vì trong các yến tiệc họ có dịp được gặp gỡ các quan chức cấp thành phố...


        Với việc tìm sự hỗ trợ kinh phí từ các nhà hảo tâm, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng đã thực hiện. Tương tự như tại Gallery Nghệ thuật Arthur M. Sackler, các nhà tài trợ cũng được quyền lợi như ưu tiên tham dự những hoạt động có tính chất đặc biệt, dự những buổi thuyết trình, tham gia các cuộc hội thảo; được ghi nhận trong bản tin hàng quý, được Bằng ghi nhận đóng góp; được những quyền lợi khác khi đến tham quan v.v..


       Nhưng như thế vẫn chưa đủ.


      Hầu hết các quầy hàng lưu niệm tại đây đều bày bán những sản phẩm mang một dấu ấn riêng biệt Nếu vào Sea World tại thành phố Orlando tôi thấy có tất tần tật thú nhồi bông cá voi, cá heo, sư tử biển...; các mũ, áo, giày, dép v.v... gắn nhãn hiệu Sea World. Nếu vào Khu phố cổ tại thủ phủ Sacramento của tiểu bang California - nằm kế bờ sông Sacramento, tôi thấy còn có cả mô hình đãi cát tìm vàng dành cho du khách! Nếu muốn tìm hiểu lịch sử vùng đất này, ngoài việc vào bảo tàng tham quan, ta còn có thể mua được rất nhiều sách, nhiều hiện vật chỉ có bày bán tại đây... Nếu vào Bảo tàng nhạc Jazz, ta lại gặp hình ảnh các nghệ sĩ nổi tiếng, nhạc cụ liên quan đến loại hình âm nhạc này. Nhìn chung các hiện vật này được thực hiện phong phú bằng nhiều hình thức, có thể là in trên áo, trên mũ hoặc là tài liệu sách vở v.v... Du khách chỉ có thể mua được khi đến nơi này, chứ không thể tìm được nơi khác. Nghĩa là họ ý thức tạo cho “địa chỉ văn hóa” của mình có một nét độc đáo, một bản sắc riêng, không lẫn lộn với nơi khác. Có như thế, mới hấp dẫn du khách, nếu không, chỉ cần đến một nơi là đủ, cần gì phải đến thêm nơi khác? Tất nhiên, những nơi này cũng không thể thiếu... các loại nhà hàng ăn uống, giải khát với giá cả, đẳng cấp khác nhau!


         Ngẫm nghĩ ra, ta thấy cách làm này đơn giản nhưng hiệu quả. Hiệu quả ở chỗ, mỗi khu du lịch này đều là một “hệ thống” khép kín, phục vụ đầy đủ, chu đáo mọi nhu cầu của du khách đặng khai thác túi tiền của họ một cách nhiều nhất, hợp lý nhất! Có một điều lạ, hầu hết các sản phẩm văn hóa, quà lưu niệm ở các khu vui chơi tại Mỹ đều là “made in China”. Mà không riêng gì Mỹ, tại châu Âu cũng thế thôi. Hàng Trung Quốc cũng tràn ngập!



7.
Bài hát của tôi không phải những chữ mòn lề thói
Nó cộc lốc đặt vấn đề, nhảy sang tận bên kia sự vật nhưng vẫn đem sự vật lại gần hơn
(Walt Whitman)

          Những chiều ở thành phố Kansas (bang Missouri) lạnh khủng kiếp. Mây xám xịt. Lất phất mưa. Đủ ướt tóc. Đường phố vắng hoe. Cỏ dại oằn mình chìm dưới những cơn gió lốc. Buốt lạnh. Trong thâm tâm tôi bỗng bật ý nghĩ ngộ nghĩnh “Bước ra khỏi khách sạn là bước vào... tủ lạnh”.


          Đã bảo rồi, không chịu nghe, anh bạn Đỗ Trung Quân nửa đêm không ngủ được, khoác áo ấm bước xuống phố. Lang thang một mình trong gió buốt. Buốt tận xương. Bỗng anh rùng mình, đưa tay quẹt ngang mũi, thấy một dòng máu nóng chảy ra. Đáng đời nhé. Cũng chả đáng đời gì. Nhờ thế, anh mới có thể cảm nhận: “Những khu da đen bỏ hoang đã hơn một thế kỷ nơi ngoại ô hoang vắng... Những hàng cây mùa đông xơ xác và văng vẳng tiếng kèn đồng buồn bã… Kansas ám ảnh bởi ấn tượng hiu quạnh ấy. Nhưng chính sự buồn bã của âm nhạc, từ những số phận buồn thảm - đầu thế kỷ cũ, người da đen không được vào trung tâm thành phố, họ quần tụ nơi ngoại ô của mình. Chính những nơi này họ - những nghệ sĩ đường phố, thứ màu da bị ruồng bỏ đã tặng cho nền văn hóa Mỹ cái thể loại âm nhạc bất hủ: jazz & blues”.
Thành phố Kansas nổi tiếng vì thế.


        Chúng tôi đã đến thăm một “di tích” của nhạc jazz còn sót lại. Đó là ngôi nhà màu hồng, tường xây bằng gạch đỏ sậm, phía trên cao ghi dòng chữ lớn “Mutual Musicians - Foundation Inc”. Ngôi nhà này có từ năm 1904, cũng nhỏ thôi, gợi nhớ đến một bar rượu. Bước vào trong, sau khi nhìn các hình ảnh liên quan đến sự ra đời của thể loại nhạc này, từ thập niên 20 của thế kỷ XX, chúng tôi đã bước lên một cầu thang gỗ cũ kỹ. Tầng này, sàn cũng bằng gỗ, là một một sân khấu biểu diễn và quanh tường chỉ có thể là những ảnh của những tên tuổi lừng danh như Count Basie, Charlie Parker, Mary Lou Williams... và nhiều nghệ sĩ khác từng biểu diễn tại đây.


        Nếu ở đây chưa “đã” con mắt nhìn, chưa no nê con mắt ngắm, chưa rót đầy âm nhạc vào tai thì ta có thể đến Bảo tàng nhạc jazz. Nơi này không cho phép chụp ảnh. Chỉ quan sát bằng mắt, không thể sờ vào hiện vật, tất cả đều được ngăn lại bằng kính trong suốt. Ngoài ra ta có thể tìm hiểu thêm qua hệ thống máy vi tính đặt trong phòng. Tôi đã dừng khá lâu tại nơi trưng bày hình ảnh của huyền thoại Charlie Parker. Từ hình ảnh thuở lên 7 đến những “pha” biểu diễn để đời của ông. Đây là nhân vật đã được dựng tượng tại một công viên ở Kansas. Tượng Charlie Parker màu xanh ngọc, đôi mắt ông khép hờ lại, nhìn xuống và đôi môi dày nhô ra. Bức tượng này chỉ có mỗi một cái đầu người nghệ sĩ tài hoa, nhưng nhìn ngang ta sẽ thấy hình thù bản đồ châu Phi. Âm nhạc, hay nói rộng ra là di sản văn hóa của người da đen đã để lại trong tôi nhiều tình cảm. Biết trong đoàn có những người ít nhiều liên quan đến hoạt động nghệ thuật, một nghệ sĩ da đen cao hứng bước lên sàn diễn. Anh đã biểu diễn nhạc jazz bằng tất cả cảm hứng nồng nhiệt. Ngoài đường vẫn gió lạnh. Nghe xào xạc lá cây trong gió thốc. Mọi người lặng im lắng nghe. Tôi nhìn một cô gái da đen có đôi mắt buồn thăm thẳm:


Chảy xuống từ trời đen một dòng đen
âm nhạc đen thế giới màu đen
nhẹ nhàng nốt nhạc đen
như dòng lệ em
lăn qua tình yêu đen
thời gian khoảnh khắc đen
từng giọt đen
từng giọt
từng giọt
tôi đưa tay che lấy ngực
một dòng đen đang nhói trong tim
tiếng kèn man dại
đen đen đen
những thân phận da đen
tiếng nấc lên men
cỏ dại hoa hèn
ngàn năm từ đá
bật lên những chồi đen
hy vọng...


           Nếu trước đó, gặp những người da đen ở thành phố San Francisco (bang California) tôi sẽ không có bài thơ này. Những người da đen vô gia cư, thất nghiệp, lang thang... đã làm tôi thất vọng. Họ có thể ngửa tay xin du khách từng mẩu thuốc lá, từng đồng cent. Không thèm quan tâm đến những ánh mắt miệt thị từ nhiều phía. Có những khu phố ngay trung tâm, nhưng người ta dặn dò ban đêm không nên lảng vảng một mình đến đó. Có thể bị trấn lột. Và tại trước tòa thị chính của thành phố này, trong một khuôn viên nắng ấm, tôi đã nhìn thấy một người đàn ông da đen nằm co quắp, che phủ bằng một cái mền chuột gặm, nhầu nát, đói rách... Trên đường phố, mỗi sáng, tôi lại thấy những người thất nghiệp đứng xếp hàng, chờ đến phiên mình nhận phần ăn. Những hình ảnh trái ngược của một nước Mỹ giàu có... 


          Nhìn hình ảnh bệ rạc đó, bất chợt tôi nhớ đến một tác phẩm đã tố cáo sự man rợ của chế độ nô lệ da đen. Nó đã “đổ dầu thêm lửa” làm bùng nổ cuộc “nội chiến” nước Mỹ. Đó là Túp lều của bác Tôm của nhà văn nữ E Beecher Stowe, ra đời năm năm 1852. Ban đầu bà nghĩ chỉ là một câu chuyện tầm thường, nhưng từ lúc được in ra đến cuối năm đó đã bán hết 300 ngàn cuốn, rồi phải tám máy in chạy suốt ngày đêm mới đủ số lượng cung cấp cho độc giả. Tổng thống A. Lincoln khi gặp bà lần đầu tiên đã ngạc nhiên: “Hóa ra bà chính là người phụ nữ nhỏ bé đã viết cuốn sách làm bùng lên cuộc chiến tranh vĩ đại”. Đó là cuộc chiến tranh giải phóng người da đen nô lệ. Nhưng nay chính người da đen đã làm tôi thất vọng. Tôi lại nhớ đến văn hào Lỗ Tấn. Năm 1916 nhân xem phim chiến sự Nga - Nhật, ông thấy người lính Nhật chém đầu người Trung Quốc bị tình nghi là gián điệp của Nga, thế mà những người Trung Quốc chung quanh lại dửng dưng vô sự. Lỗ Tấn bị xúc phạm dữ dội và nhận thức ra rằng, dân một nước mà tinh thần còn nhu nhược thì cơ thể có khỏe mạnh cũng trổ thành đớn hèn, vô dụng. Thế là Lỗ Tấn bỏ học ngành Y để để xướng phong trào văn nghệ mới. Thì ra, cái sự khỏe mạnh của thân xác cũng vứt đi, nếu trong đầu óc của anh không có gì khác ngoài việc ngày qua ngày chầu chực một miếng ăn. Tôi lại gặp những người da đen to cao lửng thững, thất thỉu đi trên phố. Không rõ trong đầu họ nghĩ gì?


         Đường phố San Francisco luôn gợi cho tôi một cảm giác bất ổn. Khi đến Hà Lan, trở về tôi viết tập bút ký Du lịch của người câm, trong đó có đoạn: “Một ngày ở Amsterdam, nếu bình tâm ta sẽ nghe nhiều hồi chuông vang lên nhịp nhàng. Khi dài, khi ngắn, khi mơn trớn, khi gióng giả... Có lẽ tùy theo đó mà người ta có thể đoán giờ hoặc những hồi chuông ấy mang theo một tín hiệu nào đó cần thông báo đã được quy ước trước trong cộng đồng chăng? Mỗi một ngày được nghe những hồi chuông của sự khoan dung thì lòng ta sẽ nhẹ nhàng hơn. Khi hỉ nộ ái ố níu lấy tâm hồn ta để nhấn chìm xuống bụi bặm thì tiếng chuông sẽ kịp thời vọng đến để thức tỉnh. Nghĩ như thế, tôi cảm tình với những hồi chuông lãng đãng thỉnh thoảng vọng đến và chờ đợi lắng nghe”. Tại San Francisco khác hẳn. Dù nằm trên tầng lầu 11 của khách sạn Nikko, cửa đóng kín nhưng thỉnh thoảng tôi lại nghe những tiếng còi xe rú lên thảng thốt. Giật mình. Vén rem nhìn xuống đất có lúc nhìn thấy xe cảnh sát vừa phóng qua...


          Chiều nay, chúng tôi vào thăm Bảo tàng Nghệ thuật châu Á, cách Tòa thị chính San Francisco không xa. Vào Tòa thị chính uống cà phê, xem tranh ảnh nghệ thuật, chụp hình lưu niệm; hoặc nếu ai đó “lỡ dại” ký kết chung sống trăm năm với người mình thương, mình yêu, mình nhớ thì cứ việc rủ nhau vào đây làm lễ cưới. Cứ vô tư bước vào đi, không e ngại một ai làm khó dễ. Nhưng muốn Bảo tàng phải mua vé đấy nhé!


          Vừa đẩy tấm cửa kiếng trong suốt, bước chân vào Bảo tàng tôi đã gặp bức tượng ông Avery Brundage (1888- 1975), một tay vận động viên, giàu có do buôn bán bất động sản, nhờ đi nhiều nơi trên thế giới và ý thức rằng “nếu nhân loại có sự trao đổi văn hóa thì họ sẽ hiểu biết nhau hơn”. Thế là toàn bộ tài sản được đem ra mua các hiện vật nghệ thuật - chủ yếu của châu Á - và khi qua đời ông đã hiến cho nhà nước. Nhiều thành phố muốn nhận, nhưng ông ta chỉ ưu tiên cho San Francisco, vì từ thành phố này chỉ vượt qua Thái Bình Dương, đã là cửa ngõ bước sang châu Á. Món quà vô giá này, ước định khoảng từ 3 đến 5 tỷ USD. Trong đó có nhiều hiện vật của Việt Nam. Vị trí  Bảo tàng này nguyên trước đây là Thư viện của thành phố, xây dựng từ năm 1917. Để trở thành Bảo tàng, người ta phải bỏ thêm 160 triệu USD cải tạo. Tiền đâu? Chủ yếu cũng từ phía những nhà hảo tâm có tâm hồn yêu nghệ thuật. Có một chi tiết ít người biết, kể cả người Mỹ, để bảo vệ sự an toàn tuyệt đối cho các hiện vật được trưng bày người ta đã làm gì? Thưa, khi làm móng xây toà nhà này, người ta đã đặt 250 tấm cao su khổng lồ, có sức co giãn nếu chẳng may xẩy ra động đất!


          Khi đến San Francisco, chúng tôi đi tham quan cây cầu Cổng Vàng (Golden Gate Bridge) nổi tiếng - một trong những cây cầu đẹp nhất thế giới. Nó trải dọc hai bờ vịnh San Francisco nhìn ra Thái Bình Dương. Tại cây cầu này có gắn những “đường dây nóng” nhằm hạn chế kẻ muốn lìa bỏ trần gian trong lúc quẫn trí. Trước lúc kết liễu cuộc đời, nếu kẻ chán đời trong một tích tắc muốn để lại lời trăng trối, muốn nghe một lời khuyên thì các nhà tư vấn tâm lý của đường dây điện thoại này sẽ lắng nghe, chia sẻ, khuyên can... để họ bỏ ý định điên rồ... Đứng trên cây cầu này, nhìn qua qua dòng sông đang cuồn cuộn chảy ta sẽ thấy đảo Alcatraz. Nơi đó có nhà tù cùng tên đứng trên một chỏm núi quay mặt ra biển. Cứ theo thiên hạ kháo nhau, rằng đây là nhà tù duy nhất trên thế giới mà tù nhân được tắm nước nóng, nếu quen nước lạnh họ sẽ có thể vượt biển vào đất liền (!?); rằng đây là nơi đã từng giam những “đặc sản” của gangster nổi tiếng nước Mỹ như Al Capone, Machine Gun Kelly, Robert Stroud... Từ năm 1963, nhà tù này đóng cửa và trở thành một địa điểm thu hút khách du lịch. Trên đường đi du lịch có những điều cần nghe, cần ghi, cần nhớ nhưng cũng có những điều nghe qua rồi bỏ. Nay, tôi ghi một vài thông tin ngay tại chân cầu Cổng Vàng. Tại đây, tôi đã nhìn thấy bức tượng kỹ sư thiết kế Joseph Baermann Strauss, ngay chân tượng là những thông số về cây cầu. Chẳng hạn, đường dây cáp có chiều dài 2.331.7 mét, đường kính 92.4 mét... Tôi thầm mơ ước sẽ có ngày kỹ sư, công nhân Việt Nam cũng sẽ thực hiện một chiếc cầu tương tự như thế. Tại sao không?


     Vượt qua cầu này, chỉ khoảng 1km 2 ta sẽ vào thành phố Sausalito. Đến đây vào lúc xế chiều, ngước nhìn những ngôi nhà mọc trên núi và nhô ra biển, tôi thấy đẹp mê hồn. Bỗng thèm thuồng có một ngày được đẫm mình trong sóng nước ở đây. Dù chỉ một lần. Giống như đàn bà, sóng biển luôn gợi một tình yêu để ta ngu ngơ đến với nó. Đến vì tưởng sóng biển chỉ tung tăng, hiền hòa, dịu dàng... chỉ biết mơn trớn ve vuốt nhưng ai ngờ giấu trong đó là những đợt sóng ngầm khủng khiếp? Người đưa tôi đến Sausalito là Anh, một giáo viên dạy học ở Oakland  một thành phố nằm ở bờ Đông của Vịnh San Francisco, nép mình vào đồi Berkeley. Anh chàng này có một niềm tin hồn nhiên như trẻ thơ, tin rằng nhà thơ Quang Dũng đã viết hai thơ này tặng riêng cho mẹ anh:


Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội giáng kiều thơm


     Mẹ của anh nay đã ngoài 80, thời xuân sắc là thành viên của ban kịch Thế Lữ, có làm thơ với bút danh Giáng Kiều thường làm thơ xướng họa với các nhà thơ thời Thơ Mới như Vũ Hoàng Chương, Đỗ Huy Nhiệm... Xem ảnh, tôi thấy bà cụ thuở thanh xuân có nét đẹp mê hồn. Nghĩ cũng lạ, khi sáng tác, nhà thơ phóng bút như chơi. Có những câu thơ đi qua trí nhớ của thời gian, có những câu thơ trôi tuột vào lãng quên. Nhưng đời sau, chỉ cần biết chắc (hoặc tưởng tượng) câu thơ đó tặng cho người thân mình, thì trong lòng đã dạt dào một niềm tự hào, một niềm vui vô bờ bến. Điều này có an ủi cho nhà thơ của thời đại chúng ta không? Tôi sực nhớ đến một nhà thơ đoạt giải Nobel cách đây dăm năm, bà kể buổi đọc thơ của bà có chừng mười người đến dự. Trong đó có sáu người thân và dăm người tình cờ tạt vào trú mưa! Nghe ứa nước mắt. Hầu như ngày nay, thơ không còn là mối quan tâm của thiên hạ. Ở Việt Nam cũng thế, chứ huống gì ở Mỹ. Khi đến thăm toà soạn báo San Francisco Chronicle, The Star (Kansas City), Trụ sở Báo chí Hoa Kỳ tại Washington tôi luôn hỏi trên báo họ có... in thơ hay không? Chỉ là những cái lắc đầu và không mấy hào hứng. Những ngày tại nhà Hà ở thành phố Fort Lauderdale, mỗi sáng người ta đưa đến chừng mười tờ báo, nhưng tôi lật vào trang trong tìm thơ cũng mỏi con mắt.


       Nếu trước đây, người Mỹ quan niệm “Tờ báo là con gà đẻ trứng vàng” thì nay không còn đúng nữa. Các nhà báo Steve Paul, Brian McTavish - những người phụ trách tờ The Star cho biết như thế. Nó đã bị sự cạnh tranh khốc liệt của internet. Tờ báo này ra đời năm 1888, do William Rockhill Nelson sáng lập (1841- 1915). Thế mạnh của tờ báo này phát hành vào buổi chiều, sau thêm xuất buổi sáng; nhưng từ năm 1990 bỏ hẳn xuất buổi chiều. Đơn giản chỉ vì hạn chót phóng viên phải giao bài lúc 13 giờ, nhưng đến lúc 18 giờ phát hành báo thì tin tức đã “nguội”. Trong khi đó, internet có thể post lên trong nháy mắt, sẵn sàng nhu cầu “săn” tin nóng của độc giả. Tương tự, nhà báo David Wiegand - người phụ trách phần nghệ thuật của tờ San Francisco Chronicle cho biết, trước đây hằng ngày họ phải in thông tin về thị trường chứng khoán New York, nay thì không vì mạng internet đã “nhanh chân” hơn gấp nhiều lần.


         Hiện nay, trong nền suy giảm về kinh tế, báo chí Hoa Kỳ cũng bị ảnh hưởng về quảng cáo. Những người phụ trách tờ The Star cho biết: Muốn tồn tại họ phải thu về 80 % quảng cáo và chỉ 20 % tiền bán báo. Chỉ tiêu này đã còn không còn dễ dàng. Do đó không ít tòa soạn sa thải nhân viên. Một nhà báo phải gánh thêm nhiều việc hơn. Có thể vừa viết thể thao kiêm luôn bình luận văn nghệ chứ không “độc lập tác chiến” như trước. Ban biên tập phải lập trang web cho tờ báo của mình, nhưng không post tất cả bài vở, nếu thế ai sẽ mua báo in? Trong tình thế khó khăn này, báo chí Hoa Kỳ ngày càng có khuynh hướng giảm số trang in; giảm các trang bình luận về văn hóa văn nghệ như điểm phim và nhất là... các bài “điểm sách” - phê bình, giới thiệu một tác phẩm văn chương! Chao ôi! Cách đây hơn nửa thế kỷ cụ Tản Đà - thi sĩ ngông số một của Việt Nam đã than thở “Văn chương hạ giới rẻ như bèo”, không ngờ nay báo chí ở Mỹ cũng đối xử với nó như thế thôi! Dù giảm trang in, nhưng họ “chống chọi” lại thế mạnh của internet bằng cách cho ra đời nhiều ấn phẩm khác nhau, chủ yếu cũng là các tập san chuyên quảng cáo các sản phẩm mới. Chẳng hạn, ngoài hàng chục ấn phẩm chính, tờ The Star còn phát hành cuối tuần chỉ dành cho đối tượng nhà giàu với cái tựa rất oách “Cứ xài tiền”... Than ôi! Thơ không đẻ ra tiền. Vậy thơ đứng ở nơi nào trên các trang báo ở Mỹ?


         Thử hỏi, người Mỹ có quan tâm gì đến báo chí tiếng Việt của người Việt tại Mỹ? Khoan nói về chất lượng, họ không quan tâm, tôi quả quyết như thế chỉ vì họ không có thời gian. Thế thôi! Ngay cả các loại báo của người Mỹ cũng đã quá nhiều rồi, không sao đủ thời gian “ngốn” cho hết.  Tại khách sạn, mỗi sáng tôi đã thấy người phục vụ đặt sẵn chừng mười loại báo khác nhau ngay trước cửa phòng, nặng chừng mươi ký chứ không ít. Rồi khi về nhà bạn bè ở miền Nam nước Mỹ, cũng không khác. Hằng ngày, người đưa báo đều đặn, chăm chỉ bỏ trước cửa nhà một tập báo, đủ loại rồi mỗi tháng đến thu tiền. Người ta có quá nhiều nguồn thông tin để chọn lựa - chưa kể truyền hình, internet... đang là thế mạnh! Vậy báo chí tiếng Việt sống như thế nào? Vào các nhà hàng ăn người Việt, ta đều thấy có nhiều tờ báo tiếng Việt, chất đầy một góc, từ số “mới ra lò” đến số phát hành cách đây chừng... nửa năm! Thực khách nào quan tâm? Xin mời! “Tình cho không biếu không”! So sánh nào cũng khập khiễng. Tôi chỉ đưa ra nhận xét, các loại tạp chí của người Việt ở Mỹ, từ nội dung đến hình thức không bằng sản phẩm cùng loại phát hành trong nước. Hầu hết nó chỉ in trên loại giấy rẻ tiền, kỹ thuật trình bày cũ kỹ, các chuyên mục lộn xộn nhưng chán nhất là đầy lỗi chính tả. Lật hết một số báo bất kỳ, tôi thấy bên cạnh bài vở hoài niệm về quá khứ, bình luận về chiến sự, thời cuộc cách đây gần nửa thế kỷ, xem bói, tử vi, góp nhặt tin tức trong nước, một vài tin thế giới, cáo phó... thì phần quảng cáo vẫn “ưu thế”. Tất nhiên những quảng cáo này chỉ nhằm phục vụ cho cộng đồng người Việt.


       Thú thật, trong những ngày ở Mỹ, ấn tượng nhất với tôi vẫn là được vào Bảo tàng truyền thông báo chí (NewSeum) tại Washington D.C trên đại lộ Pennsylvania vừa khai trương vào ngày 11.4.2008 với kinh phí xây dựng lên tới 450 triệu USD. Đứng trên tầng thứ sáu, ta có thể nhìn thấy toà Bạch Ốc và tòa nhà Quốc Hội. Tên của nó là sự kết hợp giữa News (tin tức) và Museum (bảo tàng) được đánh giá “Bảo tàng có tính tương tác nhất thế giới” với những kỹ thuật tân kỳ mới nhất của thời đại. Nếu ai có muốn hoàn thành xuất sắc một công trình nghiên cứu về lịch sử báo chí, từ lúc có chữ viết đầu tiên trên đất sét đến đến thời đại computer cứ việc “ăn dầm nằm dề” tại đây khoảng một năm chuyên cần tìm hiểu, ghi chép... sẽ toại nguyện. Nếu ai muốn tìm hiểu nỗi nhọc nhằn tác nghiệp, hiểm nguy săn tin của một nhà báo chuyên nghiệp hãy dành một tháng tìm hiểu tại đây sẽ có thể chia sẻ, đồng cảm...
Còn tôi, tôi đã đến đây một ngày, tôi cảm nhận được những gì?




8.
Đường ơi ta bước lên nhìn trước nhìn sau, ta tin chắc ngươi chưa phải là tất cả những gì đang có
Ta tin chắc nơi đây vẫn còn nhiều thứ ta không nhìn thấy
(Walt Whitman)

            Tôi sẽ kể một câu chuyện có thật, nhưng người Mỹ và người Việt ở Mỹ sẽ bảo chuyện cổ tích. Không ai tin. Không ai cho rằng chuyện này đã xẩy ra trên đất Mỹ, nếu có chỉ trong giấc mơ. Nghe xong, họ sẽ cho tôi bịa. Bạn thân mến, trên đời này có những chuyện không ai ngờ đến, thế mà vẫn xẩy ra. Ấy mới là muôn mặt của đời sống. Ấy mới là... Mà thôi, chuyện gì  ghê gớm đến độ phải rào trước đón sau?


          Từ San Francisco, chúng tôi đi xe về Sacramento - thủ phủ của bang California, đến chơi với gia đình một người bạn, Hùng. Cuộc hội ngộ này không thể thiếu rượu. Làm sao có thể thiếu rượu - bởi một trong những phát minh vĩ đại nhất của nhân loại từ ngày khai thiên lập địa đến nay vẫn là rượu, chỉ đứng sau chữ viết. Trước mắt tôi, những chai rượu xếp hàng ngang trên bàn như cuộc ra quân hùng hậu của một binh đoàn thiện chiến. Binh đoàn của Napoléon “bách chiến bách thắng” chứ không đùa. Sau nhiều ngày không ngốn nổi thức ăn Mỹ, không được lang chạ với Lưu Linh, tôi và bốn người bạn cũng “ăn như rồng cuốn, uống như rồng leo”. Chuyện trò rôm rả. Gần 1 giờ sáng, tất cả say mềm. Say ngất ngư. Say quắt cần câu. Mềm như cọng bún. Tôi bật người ra ghế nằm chềnh ềnh đánh một giấc ngon lành. Trong khi đó, những người bạn khác phải chếnh choáng, chềnh choàng đứng dậy. Họ phải ra về, dù ở Mỹ ít ai say rượu dám lái xe. Nhưng phải về vì mai đi làm sớm, vì vợ đợi con mong, vì... Cả hàng trăm lý do đưa ra. Cuối cùng, Hùng không thể níu được khách, đành dứt áo để họ “quyết chí lên đường”.


           Lúc tôi đang chập chờn giấc ngủ, bỗng Hùng hoảng hốt lay dậy. Mặt mày tái mét. Tưởng chuyện gì ghê gớm sắp xẩy ra, tôi nín thở. Hùng thì thầm: “Anh Hà vừa bị cảnh sát thổi còi”. Chỉ có thế sao Hùng lại căng thẳng đến thế? Anh Hà dính líu vào vụ buôn bán, chuyên chở ma túy à? Lái xe cán chết người à? Không thể. Tôi chưa kịp hỏi, Hùng nói ngay: “Vì... vượt đèn đỏ”.


       Trời ơi! Tưởng gì, chuyện này có gì phải lo lắng? Đóng phạt là xong! Tôi lầu bầu và xoay lưng ngủ tiếp.
Sáng thức dậy, một cú điện thoại của anh Hà gọi vào điện thoại cầm tay của tôi: “Chiều nay đến nhà mình nhé! Ăn mừng! Ăn mừng!”. Nghe giọng nói “hồ hởi phấn khởi” lắm lắm. Tôi ngạc nhiên. Chưa kịp hỏi tại sao, anh đã cúp máy. Hùng từ trên nhà bước xuống bảo: “May quá! Nếu không mình sẽ ân hận dài dài”. May cái nỗi gì? Ân hận cái nỗi gì? Tôi chẳng hiểu mô tê ất giáp gì cả. Chưa kịp hỏi, Hùng đã vội vã ra xe đi làm. Còn tôi, một người bạn khác cũng đưa xe đến đón.


           Chiều. Đúng hẹn. Tôi đến nhà anh Hà. Đến nơi, đã thấy những gương mặt của đêm hôm qua. Ai nấy đều tươi roi rói. Mặt mừng ra mặt. Sau khi “Nghiêng chai rót xuống huy hoàng/ Chạm ly hoành tráng sổ sàng niềm vui”, anh Hà kể:


           -Dù quen biết nhau chừng mươi năm nay, nhưng đêm qua là lần đầu mình đến nhà Hùng. Ở Mỹ là vậy, chỉ một cú điện thoại là xong, chẳng mấy khi đến nhà thăm nhau. Do không biết đường, khi đến mình phải bám sau xe Hoàng. Khi về, cũng thế. Trên đường về, xe chạy bon bon không có gì phải nói, nhưng khi đến giao lộ xe Hoàng vượt qua trước. Sợ lạc, mình cũng phải bám sát theo đuôi. Không ngờ ngay lúc ấy đèn đỏ! Lập tức cảnh sát xuất hiện. Tim mình vọt ra khỏi lồng ngực. Mất toi 5.000 USD là cái chắc! Vừa say rượu, vừa vượt đèn đỏ không khéo ngồi tù như chơi! Chao ôi cái kiếp con rệp. Trong lúc ấy mình lanh trí thò vào túi tìm cây chewinggum nhai cho át mùi bia rượu, nhưng khổ nỗi không có! Khi bước xuống xe mình run như cầy sấy. Tay cảnh sát còn trẻ, tuổi cỡ con trai đầu của mình, nói những điều mình vi phạm, tất nhiên mình không cãi. Sau đó, y hỏi tại sao vượt đèn đỏ? Mình thành thật kể lại mọi chuyện. Kể xong, mình thở dài và chắc nẫm thế nào cũng bị phạt. Mà bị phạt đã là may, chứ không khéo còn bị tù nữa là khác! Khiếp quá!


           Tôi vội chen vào:


     -Khiếp gì! Phạt thì mình trả tiền, chứ làm gì phải bỏ tù người ta?


         Anh Hà cười khì:


       -Đó là luật Mỹ. Để mình kể tiếp. Không hiểu sao, tay cảnh sát này nghe mình nói xong, trả lại giấy tờ xe cho mình và cho lên xe đi tiếp! Trời ơi trời! Đất ơi  đất! Mình không tin vào tai mình nữa! Quả là một chuyện lỳ lạ nhất trên đời! Mình không thể tưởng tượng nổi!


         Ai ai cũng ồ lên như thế! Cứ như đang nghe kể một câu chuyện lạ lùng nhất trên đời.


         Tôi ngẩn tò te.


       Tôi không thể nào hiểu được, vì sao cái chuyện “nhỏ như con thỏ” với người ta lại “chuyện lớn” như thế, lớn đến độ chiều nay phải có một bữa tiệc ăn mừng! Dường như hiểu được sự thắc mắc của tôi, Hùng giải thích, đại khái rằng...


        Ở Mỹ, vi phạm luật giao thông như phóng nhanh, vượt đèn đỏ, lấn đường… ngoài chuyện trả tiền phạt chừng vài trăm đến cả ngàn đô, thì còn bị ghi vào hồ sơ cá nhân (Driving Record). Vì vậy, mỗi lần vi phạm càng tăng thêm điểm xấu trong hồ sơ. Khi có nhiều điểm xấu, ngoài việc đóng tiền bảo hiểm phải tăng thêm (từ vài trăm đến vài ngàn USD một năm), còn là tình tiết tăng nặng mỗi khi gặp chuyện liên quan đến luật pháp.


          Ở Mỹ không riêng gì xe, mà tất tần tật mọi thứ đều phải mua bảo hiểm. Bảo hiểm nhà, bảo hiểm xe, bảo hiển nhân thọ... Trăm thứ hầm bà lằn, không sót thứ nào! Nếu ta lái xe phạm luật, các hãng sẽ căn cứ vào đó buộc ta phải đóng thêm tiền bảo hiểm! Bia rượu trong lúc lái xe làm điều tối kỵ, tiếng Mỹ gọi là DUI (driving under the influence) xem như bị tội phạm hình sự.


             Trường hợp như anh Hà chỉ cần đo nồng độ rượu trong người từ 8 phần ngàn, tức uống khoảng hai lon bia là “xong phim”! Nếu dưới nồng độ đó, cảnh sát cũng có thể bắt vì cho rằng lái xe như thế không an toàn! Thậm chí, cho dù không uống nhưng rượu bia để trong xe, bên cạnh chỗ ngồi cũng bị bắt, ngoại trừ để sau cốp xe. Người vi phạm có thể bị tước quyền lái xe từ sáu tháng đến ba năm và nếu tái phạm, có thể bị cấm lái xe vĩnh viễn.


     Tôi hốc há mồm:


        -Thế thì quá quắt thật!


          Hùng vẫn chậm rải:


         -Trong các vi phạm về giao thông, lái xe khi say rượu là tội nghiêm trọng nhất. Dù không vi phạm gì, vẫn đủ tỉnh táo chạy đúng luật, chạy đúng tốc độ cho phép nhưng nếu bị cảnh sát phát hiện, ta vẫn có thể bị bắt giữ. Khi một người lái xe gây tai nạn chết người, phát hiện trong người có nồng độ rượu, sẽ bị truy tố tội cố sát cấp một. Người vi phạm, ngoài việc bị phạt tiền vài ngàn USD, còn có thể bị buộc đi lao động công ích vài tuần lễ, thậm chí còn có thể bị ngồi tù. Luật này không ngoại lệ đối với bất cứ ai. Chẳng hạn, cuối năm 2007, cả thế giới xôn xao đưa tin về vụ nàng Paris Hilton - một nữ diễn viên điện ảnh giàu có, nổi tiếng của nước Mỹ phải ngồi tù hai tuần lễ về tội lái xe khi đang say. Với trường hợp của anh Hà, thông thường cảnh sát đối xử như một tội phạm, họ tra ngay vào tay một cái còng số tám chắc nịch, đưa về sở cảnh sát giam giữ trong vòng 24 tiếng! Khỏi cần “thanh minh thanh nga” gì sất!


     Tôi thật thà:


         -Ta có thể “đút lót” được không?


        -Không thể nào!


         -Nếu ta phóng xe chạy luôn?


       -Chỉ có “từ chết đến bị thương”. Lập tức, toàn bộ các ngả đường đều bị cảnh sát phong tỏa, và nếu cần họ huy động ngay... máy bay quần trên bầu trời, từ trên cao đèn chiếu sáng rọi xuống để xem ta chạy đâu cho thoát!


            Tôi lè lưỡi. À! Thì ra lâu nay mình đọc mấy mẩu chuyện cười liên quan đến lái xe và rượu, nay tôi ngờ rằng chỉ có thế xuất phát từ nước Mỹ. Chuyện như thế nào nhỉ? Chuyện rằng: Xe của cô gái đụng phải xe của người đàn ông. Cô gái leo ra khỏi xe và nói: “-Thật kì lạ! Hãy nhìn xem! Xe của chúng ta hoàn toàn bị phá huỷ nhưng thật may mắn không ai bị thương cả. Đây có lẽ là cơ duyên kiếp trước xui khiến chúng ta gặp nhau?”. Người đàn ông ngây thơ gật đầu. Ai lại không gật đầu trước một thiếu nữ xinh đẹp và ăn nói thanh lịch như thế? Tôi cũng thế thôi. Cô ta nói tiếp: “-Xe bị hỏng nhưng chai rượu này vẫn còn nguyên, chúng ta hãy uống để mừng ngày gặp gỡ”. Đúng quá rồi chứ còn gì nữa? Như các bậc trượng phu khác trên trái đất, người đàn ông này hào hứng ngửa cổ tu nhiều ngụm rồi đưa chai rượu cho cô gái. Nhưng cô ta... cất chai rượu vào xe. “-Ủa cô không uống sao?”. Lập tức đàn ông này ngất xỉu, ngay sau khi nghe câu trả lời! Câu gì vậy? Cô ta nói ngon ơ: “-Không, tôi đang đợi... cảnh sát đến!”.


           Thì ra, hệ thống luật pháp của mỗi dân tộc cũng ảnh hưởng đến tiếng cười của người dân xứ sở đó. Không để cho tôi lan man, Hùng nói tiếp:


           -Cảnh sát đến là rách việc. Ta sẽ phải hầu tòa, dứt khoát phải móc ra khoảng gần 2.000 USD nộp phạt. Còn gì nữa? Bằng lái sẽ bị tịch thu chờ xét duyệt lại, khoảng sáu tháng. Muốn “xóa án” ta phải ngoan ngoãn đóng tiền phạt và đi học lại luật lệ giao thông! Muốn có lại bằng lái, không chỉ nhiệt tình tham gia khóa học cai rượu, ta còn bị bắt buộc lao động công ích vài tuần! Chưa hết, chiếc xe của ta có thể còn bị đặt máy thử rượu vào ổ khóa. Mỗi lần lên xe nổ máy, ta phải thổi vào đó. Nếu trong hơi thở có nồng độ rượu, xe sẽ không nổ máy! Nếu vẫn tái phạm, ta có thể... ngồi chơi xơi nước trong tù vài ba năm và đừng hòng có mơ một ngày đẹp trời ngồi xe cầm volant đưa người tình dạo phố! Thế là hết. Ở Mỹ, không được lái xe xem như cụt giò!  


        Hùng còn nhấn mạnh:


        -Ở Mỹ cái tội “lái xe dưới ảnh hưởng của rượu” được ghi vào hồ sơ lý lịch. Quan trọng hơn, người mang hồ sơ này rất khó xin được việc làm. 


       Tôi thắc mắc:


         -Làm sao cảnh sát và các công ty biết được các vi phạm đó trong hồ sơ của người khác?


        Hùng đáp:


        -Mỗi người ở Mỹ đều có hai hồ sơ cá nhân, một được quản lý bằng hệ thống điện toán của chính quyền, và một do hệ thống điện toán của một công ty tư nhận quản lý. Hồ sơ do chính quyền quản lý thì tập trung vào các hoạt động và hành vi liên quan tới luật pháp, mà phổ biến nhất là các vi phạm về luật giao thông. Hồ sơ do công ty tư nhân quản lý tập trung nhiều vào chuyện thu nhập, nghề nghiệp, các hoạt động kinh doanh, và tín dụng. Nhưng dù được thiết lập và quản lý từ hai cơ quan khác nhau, hai hồ sơ này liên hệ mật thiết với nhau và bổ sung cho nhau.


       Nghe ớn quá!


         Sau này tôi xuống bang Florida, trong một dịp trà dư tửu hậu, anh Tâm - chồng nhạc sĩ, ca sĩ Tâm Khanh cũng cho biết những thông tin tương tự như vậy. Anh bảo, thang điểm của bằng lái xe tại tiểu bang này là 10. Nếu vượt đèn đỏ, không ngừng hẳn xe ở bảng STOP v.v... bị trừ 3 điểm và bị phạt tiền từ 200 USD đến 350 USD. Nếu bị trừ 6 điểm (chỉ cần vượt đèn đỏ 2 lần) phải đi học lại luật giao thông, nếu không sẽ bị treo bằng lái từ 3 đến 6 tháng! Nếu ai vượt quá thang điểm, bằng lái bị rút luôn vĩnh viễn. Nếu chạy quá tốc độ? Ta bị phạt tiền một cách lũy tiến tùy thuộc vào số vận tốc vượt quá. Có nhiều nơi phạt gấp đôi giá bình thường khi đã có thông báo trước. Tiền phạt rất cao thường từ vài trăm đến vài ngàn USD! Ngồi trên chiếc xe còn có không ít ràng buộc, chỉ cần chủ xe lơ tơ mơ để đèn xe chết bóng đèn cũng bị “thổi còi” ngay, phải thay bóng và đem lại cho Sở Cảnh sát duyệt!


         Tôi quá đỗi ngạc nhiên trước những thông tin này. Như vậy ta lý giải chuyện của anh Hà như thế nào? Không vội, ta hãy nghe anh Hà nói:


         -Vấn đề không chỉ bị phạt tiền, phạt tù điều mình sợ nhất vẫn là lưu lại một vết đen trong lý lịch của mình. Khi ấy vợ con, anh em bạn bè nghĩ mình như thế nào? Vậy hóa ra bao nhiêu năm sống đàng hoàng, nay phạm tội phóng nhanh vượt ẩu, vi phạm luật pháp còn “ăn làm sao nói làm sao” với mọi người?


     Gió ngoài vườn vẫn lồng lộng. Những bông hoa nghiêng trong nắng. Vạt cỏ vẫn xanh. Đâu đó có tiếng chim kêu khắc khoải. Tôi thoáng nghĩ, để giữ phẩm giá một con người vẫn là mối quan hệ cộng đồng. Mối quan hệ đó có nhiều ràng buộc khiến ta phải tự giữ mình. Điều đó đôi khi còn quan trọng hơn cả hệ thống luật pháp đang hiện hành. Nhưng muốn được như thế, cộng đồng ấy phải ổn định về an ninh, tăng trưởng kinh tế, văn hóa và hệ thống pháp luật phải chặt chẽ nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mỗi thành viên. Thú thật nghe câu chuyện này xong, tôi hết dám... nâng ly hào sảng như đêm qua nữa vì đường về nhà còn xa mà người bạn lái xe cũng đang nốc tì tì. Nắng nhạt dần. Gió lạnh. Tôi mở sổ tay và hý hoáy ghi lại cảm xúc vừa đến:


Tưởng rằng cỡi ngựa xem hoa
ngờ đâu hoa đè oằn lưng ngựa
ngựa suýt quỵ chân bon
đi một ngày hiểu biết nhiều hơn
tiếc rằng tuổi đang ít, sức khỏe đang ít
và nhiệt tình cũng ít
chẳng thiết ghi chép
nhạt dần mây trời ngày xuân
gió đã thổi từng mùa
bạc tóc
ngựa vẫn cỡi xem hoa
dìu hoa về trong óc
mệt nhọc...


         Thấy tôi ngồi trầm ngâm làm thơ giữa bàn nhậu, anh Hà bảo:


    -Uống đi! Mời các bạn cạn ly chúc mừng cho sự may mắn thần kỳ vừa rồi của mình.


       Mọi người hào hứng nốc cạn. Và câu chuyện vẫn tiếp tục lý giải về “câu chuyện cổ tích” của anh Hà. Mọi người bảo thật ra tay cảnh sát ấy không phải vì cao hứng, vì “nhân đạo” gì cả. Vì lý do gì? Hùng nói với tôi:


         -Anh à! Mỗi công dân Mỹ được quản lý bởi một con số gọi là số SS (Social Security). Số này mỗi người chỉ có một, không thay đổi và vĩnh viễn theo mình cho đến khi về bên kia thế giới. Muốn làm thẻ tín dụng, bằng lái xe... hay bất cứ chuyện gì quan trọng đều dùng số SS này cả. Bằng lái xe ở Mỹ giống như một thẻ căn cước điện tử. Mỗi cảnh sát Mỹ đều có mang theo máy quét (scanner) nhỏ, để đọc tóm tắt hồ sơ tư pháp của người lái xe ngay khi họ kiểm tra. Còn khi đến xin việc ở đâu, người xin việc phải ký vào giấy chấp thuận cho bên thuê muớn được đọc hồ sơ cá nhân của mình. Với giấy chấp thuận này, thông qua mạng điện toán, bên thuê mướn có thể phát hiện ngay những điểm tốt xấu trong lý lịch của người xin việc. Vì vậy ở Mỹ, một khi đã vi phạm luật pháp, thì anh khó có thể xoá được dấu vết.


      Như thế, khi anh Hà đưa giấy tờ ra, cảnh sát đã biết được về nhân thân anh. Họ biết anh không phải là tay bợm nhậu chuyên nghiệp, chưa từng tiền án tiền sự mà nay chỉ vì một lý do, mà lý do ấy chính đáng nên họ bỏ lỗi cho qua. Thế thôi.




9.
Tôi không gọi người này là lớn lao, người kia là bé nhỏ
Ai lấp đầy thời gian và vị trí của mình đều ngang hàng với bất cứ ai
(Walt Whitman)

     Sống ở Mỹ có vui không? Câu hỏi ngớ ngẩn. Nếu bộp chộp trả lời thì cũng ngớ ngẩn nốt. Mà tranh cãi nhau làm gì chứ? Vào một buổi chiều nắng vàng như tơ, nắng hiền lành như lụa, vợ chồng Hà đưa tôi đi dọc theo bờ biển ở miền Nam nước Mỹ - Fort Lauderdale. Nước xanh biếc. Sóng vỗ vào bờ. Sóng dạt ra khơi. Sóng tạo nên một âm thanh kỳ diệu của ngàn năm. Chợt nhớ, có lần nhà văn Đoàn Thạch Biền bảo tôi, sóng biển nhắc nhở ta luôn sống tốt với mọi người. Nghe lạ. Anh tâm sự, một lần nọ đi biển, anh đã bị sóng cuốn và cái chết đến trong nháy mắt. Cái chết đến quá đỗi nhanh chóng, không chuẩn bị, không định hướng khiến anh chưa kịp suy nghĩ một điều gì cả. Thoát chết, anh nhận ra cái chết có thể đến quá nhanh, quá bất ngờ... Vậy khi sống hãy sống tốt với mọi người để, chẳng may có như thế thì chẳng gì tiếc nuối. Ngẫm thấy anh nói đúng. Nay, trên vạt cát trắng dài thênh thang không thể tìm thấy một cọng rác, tôi đã thả những bước chân lãng du. Ngước mắt nhìn ra biển thấy sóng. Quay  mặt lại phía sau, trước mắt tôi là một dãy khách sạn, nối nhau dài tít tắp tưởng chừng như vô tận... Khách sạn nhiều đến nỗi tôi phải tự hỏi, lấy đâu ra người để lấp hết những phòng ốc tại đây? Từ khách sạn, chỉ cần bước qua một con đường tráng nhựa là đến biển. Biển đang trước mặt tôi. Và tôi nhớ ngàn năm trước, vào một chiều đẹp trời cũng có thể như chiều này, thầy Trang Tử cùng thầy Huệ Tử gặp nhau. Họ không đứng trước biển mà đứng trên cầu hào thành nhìn xuống đàn cá đang bơi lội tung tăng. Thầy Trang Tử nói:


     -Cá xanh bơi lội thung dung. Cá vui đó.


           Thầy Huệ Tử bắt bẽ:


      -Ông không phải cá, sao biết cá vui?


Thầy Trang Tử không vừa:


      -Ông không phải tôi, sao biết tôi không biết?


Thầy Huệ Tử cũng không thua:


           -Tôi không phải ông, nên không thể biết được ông, còn ông không phải cá, ông cũng không thể biết cái vui của cá.


Trang Tử cười khì:


       -Xin xét lại câu đầu. Ông hỏi tôi “làm sao biết được cá vui?”. Đã biết là tôi biết nên ông mới có hỏi “làm sao mà biết”... Thì đây, làm thế này: tôi đứng trên hào thành mà biết được.


       Chiều này, tôi không đứng trên cầu hào thành như hai bậc hiền nhân quân tử, tôi đứng trên bờ biển Fort Lauderdale. Bước qua bên kia đường, đến nơi neo đậu đầy thuyền du lịch tôi nhìn người Mỹ làm cá. Tại đây có những thuyền đi câu cá và đem về bán cho du khách. Họ chất đầy cá trong các thùng lạnh, ai muốn mua cá gì cứ việc chọn. Thấy người Mỹ làm cá mà “choáng”. Họ bỏ đầu, đuôi, ruột, da, xương... không thương tiếc. Chỉ chọn phần thịt ngon nhất. Những thứ còn lại họ ném xuống biển. Lúc ấy, từ dưới nước quẫy lên tung tóe những cá là cá. Trời ạ! Cá to như bắp chuối! Chúng tranh ăn với nhau, tranh luôn với lũ chim từ trên trời sà xuống! Lúc ấy lũ cá háu ăn kia có vui không? Không phải cá sao biết cá vui?
Trở lại câu hỏi “Sống ở Mỹ có vui không?”. Thưa, tôi không phải người Mỹ cũng không phải Việt kiều Mỹ. Tôi chỉ có cái nhìn, cách nhìn. Liệu có xác thực và có thể “cân đong đo đếm” được không? Được lắm chứ, đó là cái nhìn của một người đang sống bằng tâm thế:


Chân đi ắt hẳn không chạm đất
Lạc giữa trần gian bước hững hờ
(Hồ Dzếnh)


         Qua những ngày du lịch, tôi nhận thấy ở Mỹ người ta rất có ý thức bảo vệ thú vật! Ngay trên nhiều đại lộ lớn của nước Mỹ, tại các khu trung tâm, ngay trước khách sạn, giữa tiếng xe lao vun vút, âm thanh náo nhiệt, lại thấy từ trong bụi cây lùm cỏ ven đường là những chú sóc bé tẹo, dễ thương thản nhiên nhìn tôi bằng con mắt tròn xoe vô tội. Gợi lên một sự bình yên. Rồi trong những lần dạo phố, tấp nập người qua lại, tôi lại thấy cả đàn bồ câu bé bỏng sà xuống ngay dưới chân. Gợi lên một sự thân thiện.


     Đã từng nghe nhiều người kháo nhau, ở Mỹ thú vật nuôi trong nhà được chăm sóc chu đáo, nhưng bên này tôi đã đi từ ngạc nhiên của Lý Toét đến ngớ ngẩn của Xã Xệ. Trong quyển The Real yellow page của thành phố San Francisco, tôi thấy có cả hàng chục trang, từ trang 1073 đến 1080 liên quan đến... chó, mèo, két, thỏ, chuột bạch! Có cả hàng trăm địa chỉ, trang web phục vụ việc chăm sóc “thú cưng”, từ nơi bán thức ăn thức ăn “ngon bổ rẻ” đến bệnh viện thú y... Tất nhiên còn có cả hình ảnh nữa! Thậm chí trên trụ đèn đường thỉnh thoảng tôi thấy có dán những tờ giấy tương tự như “tìm trẻ lạc”. Chẳng hạn, in hình một chú két vừa sổ lồng, miêu tả chi tiết về nó và hứa hẹn nếu ai tìm được, trả lại cho khổ chủ thì được thưởng 1.500 USD! Nghe đâu tại New York, người ta đã tổ chức một show diễn đặc biệt “Tuần lễ thời trang thú nuôi”! Khi lững thững bước vào các siêu thị để giết thời gian, tôi đã thấy người ta trang bị “tận răng” cho súc vật. Không thiếu một thứ gì! Tôi ngớ người khi nhìn thấy các sản phẩm như thuốc làm mượt lông chó: hộp 300 gr: $ 24.95, hộp 120 gr: $ 69.95; thiết bị để chó mèo không béng mãng đến nơi nào đó: $ 29.95; nhà dành cho mèo ngủ ngon giấc: $ 99.95; thuốc khử mùi trên lông chó: $ 7.95; dụng cụ cắt lông chó: $ 34.95; cầu thang cho chó từ trên xe hơi bước xuống đất: $ 119.00; thiết bị đeo vào cổ chó để theo dõi nó: $ 99.95; thảm đặt trong nhà để chó “restroom”; vòi nước giải khát tự động cho chó mèo: $ 69.95 v.v... Khiếp chưa? Chưa khiếp đâu! Khi tôi đến Orlando, thì người Mỹ nơi này đang rộ lên cái sở thích nuôi heo mọi, cho nó được phép tung tăng trong nhà, từ nhà bếp lên phòng ngủ!


       Khi giết một con thú, ta có thể chụp hình rồi trưng bày cho công chúng xem? Khi làm việc với Trung tâm giao lưu nghệ thuật của vùng San Francisco, tôi được nghe kể câu chuyện: Các nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ đã “đi thực tế sáng tác”, họ về đến một vùng nông thôn tìm hiểu, quan sát quá trình sản xuất thực phẩm, từ việc giết gia súc đến chế biến v.v... Tất nhiên, họ ghi nhận lại bằng hình ảnh ở góc độ nghệ thuật. Những hình ảnh này được trưng bày trong một cuộc triển lãm. Vài ngày sau, các thành viên của Hội bảo vệ súc vật cũng đến xem, họ đã chỉ trích nặng nề, phản ứng kịch liệt vì sao phơi bày hình ảnh độc ác này trước mắt công chúng? Do áp lực này, ban tổ chức phải hủy cuộc triển lãm, buộc đóng cửa trước thời hạn, không kèn không trống!


      Thế nhưng hầu như trong nhà người Việt ở Mỹ, tôi không thấy họ nuôi chó, mèo gì sất! Có lẽ do nhu cầu mưu sinh hằng ngày đã “bở hơi tai” nên không ai rỗi thời gian chăng? Cô em tôi, Minh, cho biết: “Ở Mỹ, một gia đình bình thường phải chi phí những khoản tiền chính sau đây trong một tháng:

 

        1) Tiền nhà: Nếu còn nợ nhà băng trung bình phải trả từ 1.000 USD đến 2000 USD, trong đó tính cả tiền mua bảo hiểm cho căn nhà của mình. Còn nếu ở nhà thuê thì cũng trả khoảng đó.


          2) Tiền điện, nước: Những vùng lạnh như tiểu bang em đang ở thì phải tính luôn tiền trả cho máy sưởi nữa, còn vùng nóng như Texas thì trả thêm tiền điện cho máy lạnh... Nói chung tiền điện, nước, điện thoại, gas v.v... khoảng từ 400 USD đến 600 USD mỗi tháng.


          3) Tiền chợ (thực phẩm): trung bình một tháng từ 400 USD đến 600 USD cho một gia đình khoảng 2 - 3 người.


          4) Tiền bảo hiểm xe: Trung bình mỗi tháng 100 USD cho một chiếc xe hơi.


        5) Tiền bảo hiểm sức khỏe: Nếu mình đi làm thì bảo hiểm không phải mua ngoài, mỗi tháng mình phải trả khoảng 40 USD đến 50 USD. Nếu không đi làm thì phải mua bảo hiểm tư nhân trung bình một người phải trả 300 USD một tháng tùy theo tuổi tác.


          Đó là những cái chi tiêu chính trong cuộc sống, ngoài ra với người Mỹ trong một tuần họ phải đi ăn nhà hàng ít nhất 2 lần, trung bình bữa ăn ngoài tùy theo nhà hàng cao cấp hay bình thường, một bữa ăn 2 người khoảng 50 USD hoặc cao hơn. Một năm họ phải đi vacation (hay đi chơi xa) ít nhất 2 lần trong một năm - trung bình một chuyến đi cho 2 tuần chi phí cho 2 người gồm tiền máy bay, tiền hotel, tiền giải trí khoảng 1.000 USD đến 2.000 USD v.v...


         Ngoài ra, lúc này tiền xăng tăng giá nên trung bình mỗi tháng phải trả 100 USD đến 200 USD tiền đổ xăng cho một chiếc xe hơi. Riêng phần em đi làm xa nên một tháng em phải trả tiền đổ xăng khoảng 450 USD.


       Tất cả những chi tiết trên dành cho một gia đình công chức bình thường của nước Mỹ, chưa kể những chi phí nếu có con nhỏ như tiền sửa, tiền tã, v.v... còn rất nhiều”.

         Thú thật, nghe xong tôi thấy... “choáng”.


          Có quá nhiều khoảng tiền phải chi trong một tháng. Tôi ngờ rằng, một công chức bình thường ở Mỹ, họ chỉ đủ sống, không dư dả nhiều. Nhưng bù lại, thu nhập của họ ổn định. Sống ở Mỹ, ai cũng có thể “bằng chị bằng em”. Bởi “cơ chế” kinh doanh của Mỹ cho phép công dân của họ được... nợ ngân hàng! Bạn được vay tiền mua trước tất tần tật mọi thứ, từ cây kim đến sợi chỉ đến chiếc máy bay, từ chiếc xe hơi “hoành tráng” đến căn nhà to “vật vã”. Tất nhiên số tiền bạn được vay cỡ bao nhiêu còn tùy thuộc vào lý lịch bản thân, vào thu nhập hàng tháng... Ngân hàng cho vay căn cứ vào đó.


        “Liệu cơm gắp mắm” là thế, với một lao động bình thường, có công ăn việc làm ổn định ở Mỹ thì họ có quyền hưởng thụ mọi tiện nghi vật chất như bất cứ ai khác. Đó là sự bình đẳng trong một xã hội nếu ai cũng đổ sức lao động kiếm sống. Cứ việc xài, cứ việc mua sắm, nhưng đã nợ thì phải trả. Luật pháp của Mỹ không biết đùa. Điều này, nhìn rộng ra đã hỗ trợ nhiều cho giới kinh doanh Mỹ khi họ thực hiện chính sách “bán trả góp”, thúc đẩy sức tiêu thụ hàng hóa. Điều này nhìn rộng ra, nó cũng buộc người ta phải lao động nhiều hơn, bền bỉ hơn và nhất thiết là cầu trời... đừng đổ bệnh! Đổ bệnh ở Mỹ là rách việc. Ngay cả người Mỹ cũng sợ điều này, họ có khuynh hướng chữa bệnh bằng cách kết hợp với du lịch ở các nước khác. Rẻ tiền hơn gấp nhiều lần so với viện phí tại Mỹ. Anh Tâm cho biết, nếu người nhà cấp cứu cứ việc gọi 911, chỉ trong nháy mắt sẽ có xe y tế đến. Họ rất chu đáo. Đừng lo. Nhưng sau đó, ta phải trả viện phí cao ngất trời. Nếu ta đã đóng bảo hiểm, không sao, còn không cũng... “xanh máu mặt”. Vì thế, ở Mỹ ai ai cũng mua bảo hiểm. Với bảo hiểm, ta sẽ mua cao hơn, thậm chí không được mua như mọi người khác nếu ta vi phạm luật pháp! Chà! Nói thế nào nhỉ? Nói như một câu trong Truyện Kiều “Nói điều ràng buộc là tay cũng già”. Đúng phóc!


     Sống ở Mỹ vui không?


       Vui lắm chứ! Ai đời, người dân phải tự giác... đóng thuế! Khi vào khách sạn Nikko San Francisco, tôi ở phòng giá 142 USD, nhưng buộc phải trả thêm  thuế 19.97 USD. Ở khách sạn The Quarterage, giá phòng 94 USD, nhưng phải trả thêm 16.52 USD tiền thuế. Người ta tính thẳng vào hóa đơn. Ngay cả khi... mua lẻ cũng thế. Tất tần tật đều phải đóng thuế. Tất nhiên xã hội nào cũng vậy, nhưng ở Mỹ người ta ý thức đóng thuế một cách tự giác. Họ nghĩ rằng, khi về già, mất sức lao động thì được hưởng tiền trợ cấp, tiền lương hưu của nhà nước. Vậy tiền đóng thuế là tiền “để dành” của mình, chứ mất đi đâu mà sợ? Muốn tạo được suy nghĩ lành mạnh này phải là một xã hội ổn định và phát triển.


           Nghĩ cũng lạ. Có bao giờ bạn được một tài phiệt ở Mỹ tặng cho căn nhà trị giá vài triệu USD nằm trong vịnh Fort Lauderdale, dù đang thất nghiệp, đang cù bơ cù bất nơi ăn chốn ở nhưng bạn lại... không dám nhận? Đơn giản chỉ vì bạn sẽ không đủ tiền để... đóng thuế đất hàng năm, thậm chí không đủ tiền để tu bổ, sửa chữa cảnh quang để “sánh” với các nhà chung quanh. Mà nhà cửa ở Mỹ là thế. Người hàng xóm có thể gọi điện thoại báo cho cảnh sát, nếu thấy... thảm cỏ trước nhà bạn đìu hiu héo hắt, thiếu chăm sóc! Hầu như giữa các ngôi nhà đều không có hàng rào ngăn cách, họ tự quy ước nhau để có được khoảng sân chung, cùng hưởng vạt cỏ xanh liên hoàn đẹp mắt. Tôi đã đến những ngôi nhà, khi mở cửa hông bước ra vườn nhà lại nối liền với công viên. Cỏ vườn nhà và cỏ công viên giống hệt như nhau, không phân biệt được khoảng cách... Có điều tôi lấy làm lạ, hầu như ở đây người ta rất chểnh mảng trong việc khóa cửa. Nhà đậu xe hơi có biết bao thứ đắt tiền, nhưng họ cứ để cửa trống hoác. Giày dép, xe đạp... cứ việc để trước cửa không sợ hàng xóm cầm nhầm! Vào trong các công viên cũng thế, các ông cha bà mẹ nếu bế con vào xem các show diễn cứ việc bỏ chiếc xe đẩy bên ngoài. Trên xe lỉnh khỉnh bao nhiêu thứ, nhưng họ cũng mặc. Tôi đã thấy vài chục chiếc xe đẩy đặt đểnh đoảng như thế. Hỏi ra mới biết, ở Mỹ không có những nơi mua đồ cũ nên những tay đạo chích nếu có chôm được cũng không biết tiêu thụ ở đâu!


        Sống ở Mỹ vui không?


         Nhiều người ảo tưởng rằng nước Mỹ là thiên đường, đặt hy vọng quá nhiều vào “giấc mơ Hoa Kỳ” nên có thể thất vọng khi va chạm thực tế. Đã có quá nhiều trường hợp của sự ngộ nhận này. Khi đến Mỹ, tôi đến thăm căn nhà tuyệt đẹp của bạn X trên ngọn đồi ở Oakland. Bước vào nhà anh, sự bừa bãi đã tố cáo lâu nay không có bàn tay quán xuyến của người phụ nữ. Anh buồn rầu cho biết vừa... ly dị vợ! Sau khi có công việc ổn định, theo lời giới thiệu của bạn bè anh về Việt Nam cưới vợ. Cô vợ người Hà Nội làm nghề biểu diễn thời trang. Nàng cứ ngỡ chồng Việt kiều, lại đang sống ở Mỹ thì sang đó được sống ở cõi thiên đường, cái gì cũng có, tiền bạc tiêu xài thỏa mái, ít ra cũng hơn ở trong nước! Nhưng không. Chàng chỉ là giáo viên, có nhà riêng nhưng chưa trả hết nợ ngân hàng, có xe hơi riêng nhưng là loại đời cũ... Chàng chi tiêu dè sẻn, tính toán thu nhập từng tháng, phải một mình “cày sâu cuốc bẩm” nuôi vợ con ở Mỹ là điều không thỏa mái chút nào. Đã thế, lúc chàng đi làm thì nàng phòng the vò võ một mình, đèn nhà ai nấy sáng, không thể sang hàng xóm “buôn dưa lê” và nhất là không thể shopping tùy thích... Thế là nàng ôm con tếch về Việt Nam “sống sướng hơn”! Anh thở dài:


     -Vợ tôi không hiểu rằng muốn sống sung túc ở Mỹ thì phải tiết kiệm, có làm mới có ăn, tay làm hàm nhai, tất bật từng ngày với công việc, muốn mua sắm gì cũng được nhưng sau đó phải đi cày trả nợ...


         Anh A là nhà thơ, đang công ăn việc làm ổn định thì được vợ bảo lãnh sang Mỹ. Thôi thì mình đi cũng vì vợ, vì con và nhất là danh tiếng sẽ lừng lẫy hơn., sẽ được người Mỹ biết đến... Nhưng chỉ nửa năm sau anh vỡ mộng! Nàng không thể còng lưng nuôi thêm một ông chồng vô công rỗi nghề, tiếng Anh không biết nói, xe không biết lái, đường sá thì mù tịt; còn chàng không thể tiếp cận được với đời sống ở Mỹ, vợ gì mà suốt ngày đi không gặp mặt, mở mắt ra nàng đã phóng xe đến sở làm, chiều tối mịt mới về, bếp nhà lạnh tanh... Đôi uyên ương chia tay nhau. Hiện nay, chàng đang sống bằng trợ cấp xã hội. Trong mắt mọi người, họ đánh giá chẳng ra gì những ai ở độ tuổi còn lao động lại sống bằng tiền trợ cấp!


        Anh B cũng nhà thơ, chủ nhà in, lúc ở Việt Nam dù “lên ngựa xuống xe” nhưng cũng muốn đổi đời, vì tin rằng “thiên đường” đất Mỹ mở ra nhiều cơ hội để làm giàu, giàu hơn nữa. Đôi vợ chồng giả vờ ly dị nhau. Cả hai làm hôn thú giả với người khác để được bảo lãnh sang Mỹ. Số tiền phải trả cho mỗi vụ kết hôn giả tròm trèm chừng 30.000 USD hoặc nhỉnh hơn. Sang đến nơi, vợ anh lại “thật” với người giả. Đơn giản chỉ vì người “giả” mới là người “thật” của đời sống Mỹ. Còn anh dù “thật” nhưng trở nên “giả” vì không thể thích ứng với lối sống, ứng xử văn hóa của đất nước Mỹ. Cuối cùng, từ  mâu thuẫn thật giả lẫn lộn ấy anh đành bùi ngùi chấp nhận một sự thật cay đắng: Gà trống nuôi con, phải làm lại từ hai bàn tay trắng...
Đã nói đi thì phải nói lại. Những trường hợp này không chỉ xẩy ra tại Mỹ, ta có thể bắt gặp nhiều hoàn cảnh tương tự của người Việt xa xứ trên nhiều nước khác. Nhưng tôi tin rằng, ở Mỹ tần số xuất hiện vẫn cao hơn. Chỉ vì trong suy nghĩ lâu nay của không ít người Việt “Mỹ là nhất”, ngay cả Việt kiều Mỹ vẫn “ngon” hơn Việt kiều các nước khác. Điều đó đã khiến nhiều người trong nước nếu không được chuẩn bị trước, khi đặt chân đến Mỹ với tâm nguyện sống lâu dài sẽ bẽ bàng, vỡ mộng. Esther Wanning - một nhà nghiên cứu người Mỹ -  gọi là “Sốc văn hóa Mỹ”.  


     Sống ở Mỹ vui không?


       Với người Mỹ, họ dùng từ “manicurist” (thợ cắt sửa móng tay), còn người Việt chỉ gọn lỏn “thợ nail”. Trên tạp chí Trẻ chủ yếu phát hành tại Orlando, bất kỳ số nào tôi cũng đọc thấy hàng trăm mẩu quảng cáo về nghề này. Theo đó, lương thợ khoảng từ 700 USD đến 1.000 USD trong một tuần. Giá cả thu nhập mỗi tiệm có thể khác nhau, nhưng bất kỳ mẩu quảng cáo nào cũng có thòng thêm một câu để hấp dẫn thợ đến xin việc. Đó là các ông bà chủ nhấn mạnh tiệm nail của mình: “khách đa phần khách là người Mỹ da trắng”, hoặc “trong khu da trắng” hẹn có nhiều tiền tips... Theo nguồn tin của nhiều người sống lâu năm tại Mỹ, cộng đồng người Việt gần như chiếm độc quyền nghề nail, đã có hơn 47% người làm nghề này trên nước Mỹ; riêng tiểu bang California lên đến 80%. Họ cũng cho biết, phụ nữ Việt không chỉ phát huy đức tính chịu thương chịu khó, “năng nhặt chặt bị” mà còn khéo tay nên đủ sức cạnh tranh, thậm chí còn trội hơn các đồng nghiệp của nhiều cộng đồng khác.


      Bên cạnh đó cũng có một bộ phận không ít nam giới làm nghề cắt cỏ thuê hoặc lái taxi... nhưng chủ yếu chỉ phục vụ bà con người Việt, nói cách khác là “làm chui”. Nhờ thế, họ có thể hưởng trọn số tiền thu nhập, không phải đóng thuế. Họ phải cần đến báo chí tiếng Việt quảng cáo. Nghĩ cũng lạ, có người Việt sống ở Mỹ vài chục năm, kiếm cơm bằng nghề lái taxi nhưng lại không hề biết tại sân bay Mỹ nếu đi các chuyến bay nội địa của hãng A, B, C... nào đó thì check in tại đâu? Chuyện cứ như đùa. Từ Sacramento tôi ra phi trường San Francisco bằng taxi của một người Việt, đến nơi, anh ta ú a ú ớ không biết phải đưa tôi làm thủ tục nơi nào để đi Orlando. Tôi thuộc dạng “du lịch của người câm”, còn anh cũng gà mờ tiếng Anh, không thể đọc được những bảng hướng dẫn, chỉ có thể hỏi chuyện bằng tiếng bồi nên lần chần mãi trong một góc sân bay. Mãi đến lúc tìm đến nơi thì máy bay của hãng Untied đã... bay lên chín tầng mây xanh! Tôi đành tặc lưỡi tự an ủi: Sân bay Mỹ rộng lớn quá, nhiều nhà quá, nhiều tầng quá, nếu không đi thường xuyên thì thiên hạ cũng chào thua như mình vậy (!?).


          Tôi còn thấy lạ một điều là hầu như có rất nhiều người Việt dù sống lâu năm ở Mỹ, nhưng họ lại chưa một lần đặt chân đến các khu du lịch, các địa điểm “ăn chơi nhảy múa” tại nơi họ đang sống, chứ đừng nói ở các tiểu bang khác. Khi nghe tôi nhắc về bảo tàng này, thư viện nọ, công viên kia họ ngẩn tò te và thú thật có nghe nói chứ chưa đến lần nào. Tại sao? Công ăn việc làm hàng ngày đã chiếm hết thời gian chăng? Đúng rồi. Nhưng theo tôi vẫn là do tâm lý, thói quen, phẩm chất của người Việt sống xa xứ. Dù có nhu cầu du lịch, mua sắm nhưng họ lại tằn tiện, thu vén... Sự dành dụm ấy không phải dành cho mình mà vì người thân của mình. Đây cũng là điểm khác biệt trong văn hóa Mỹ. Với người Mỹ, mỗi người phải tự thân vận động, tự khẳng định tài năng và sức bật của mình trong xã hội, không ai muốn dựa giẫm, nhờ cậy ai. Họ có thể lao động cật lực để rồi có khoảng thời gian xách va li đi ngao du đây đó. Tiêu xài xứng đáng với đồng tiền đổ mồ hôi sôi nước mắt làm ra. Con cái ư? Tự nó phải lo lấy thân nó. Cha mẹ già ư? Có nhà dưỡng lão chăm sóc. Với người Việt xa xứ thì không, họ luôn nghĩ về người thân của mình. Họ sống trong tâm lý “tối lửa tắt đèn có nhau”, mẹ phải lo cho con, chị phải lo cho em... Cái nỗi lo thường trực và tự giác ấy đã không cho phép họ thực hiện sở thích của riêng mình. Nếu có du lịch, thường về lại quê nhà, về nơi chôn rau cắt rốn, về lại với sự hoài niệm của quá khứ... Hơn nữa cái tâm lý “áo gấm về làng” cũng khiến nhiều người khó xử, phân vân, chần chừ khi quyết định về thăm quê nhà. Chả nhẽ bao nhiêu năm xa quê, lại sống ở Mỹ, Mỹ giàu đến thế mà chả có quà cáp gì cho ai? Tôi hiểu như thế, suy luận như thế nên càng thấy thương, thấy yêu, thấy mến những người Việt sống xa xứ, sống tại Mỹ.


       Sống ở Mỹ vui không?


           Nói ra điều này, không khéo có người cho rằng “chảnh”, thú thật, những ngày ở Mỹ trong đầu tôi luôn nghĩ đến một câu hỏi: “Anh sống thế nào mà mọi người thương anh đến thế?”. Tôi đã hỏi tôi một cách nghiêm túc. Mình qua đây chỉ đôi ba bộ quần áo tuềnh toàng, tiếng A tiếng U không rành, bạn bè chỉ sơ giao nhưng đi đến đâu cũng nhận được sự tiếp đón niềm nở. Còn gì cảm động hơn khi giữa tôi và Tâm Khanh chỉ mới biết nhau qua thơ, qua nhạc nhưng vợ chồng nàng đã tiếp đón tôi như cố nhân? Còn gì cảm động hơn khi anh bạn Tình Nguyễn từ Orlando phóng xe xuống Fort Lauderdale, chừng 400 km cũng chỉ để uống với nhau một ly rượu như lời tiễn thượng lộ bình an dành cho ngày tôi về cố hương? Đó là ngày cuối cùng ở nhà vợ chồng Hà, tôi khép lại sổ tay ghi chép:


đêm cuối ở Florida
ngoài trời mưa lơ phơ lất phất
run run từng giọt
bia ngon cũng nhạt
cố hương ngày về
đêm nay ngủ
nhớ em
đêm nay ngủ
xa em
tóc hương sen
chuyện tình xa lắc đường cao ốc
building cao ngất
che khuất mặt
ngày về
mai ra sân bay nhớ mặc thêm áo khoác


   Tôi lại hỏi, “Anh sống thế nào mà mọi người thương anh đến thế?”. Cuối cùng tôi nghiệm ra rằng, người Việt sống xa Tổ quốc luôn dành nhiều tình cảm tốt đẹp cho đồng hương mới chân ướt chân ráo sang đây. Sự suy đoán về tình cảm tốt đẹp này có được là do tôi cảm nhận từ... mảnh sân vườn của người Việt ở Mỹ! Họ luôn cố gắng tạo ra một cảnh quan mang dáng dấp quê nhà bằng tình cảm thân thiết nhất, thế thì họ chia ngọt xẻ bùi với chính người Việt dù sơ giao, dù cố tri vừa từ quê nhà sang đây cũng phải lẽ.


        Chỉ vì yêu nước Việt, lưu luyến nước Việt không nguôi trong tâm tưởng nên mảnh sân vườn của người Việt mới có nét đặc thù khác hẳn của người Mỹ. Chính cái sân vườn ấy đã góp phần tạo nên hồn Việt trên nước Mỹ. Sống ở Mỹ là hít thở trong... máy lạnh. Vào nhà, máy lạnh chạy rù rì 24/ 24; bước ra khỏi nhà, lên xe hơi lại máy lạnh; xuống xe hơi, vào nhà hàng, vào công sở... cũng máy lạnh! Thế có chán không chứ! Chán đến tận cổ!


       Vậy muốn tận hưởng khí trời trong lành chỉ còn cách bước ra mảnh vườn sau nhà. Mảnh vườn ấy không phải vài ba cây cối đặc trưng của xứ người, con mắt ta nhìn lạ lẩm, xa lạ. Mà phải là hình ảnh của quê hương thu nhỏ. Quê hương thấp thoáng từ cây trái, từ các loại rau mà ta đã được mẹ cho ăn từ ngày thơ ấu, phải mọc lên ở đó. Là hình ảnh cây bí, cây bầu, cây nhãn, cây xoài, cây hoa ngọc lan, cây cà chua, cây ớt...; rồi những luống rau thơm hợp khẩu vị như dấp cá, tía tô, húng, quế...; rồi rau muống, rau cải... đang trong vườn nhà đấy thôi. Hầu như gia đình người Việt nào ở Mỹ cũng đều dành cho mình một khoảng sân vườn để “gieo trồng” một hình bóng quê nhà.


          Trong những ngày ở miền nam Florida mỗi chiều tôi thường thẩn thơ ra vườn nhà Hoàng ngồi ngắm mây bay. Mây bay xa tít tắp, cũng như tôi đang lạc đến một cõi xa xăm, may mà có “người dưng” đưa bàn tay ra đón, may mà có vườn cây thân mật vỗ về. Ngồi dưới một bóng cây râm mát, nhìn qua nhà bên kia, chỉ cách một hàng rào gỗ là những trái bơ lủng lẳng, đu đưa; ngó xuống cuối vườn là giàn khổ qua trồng chung với bầu, với bí đã bắt đầu có trái... Chợt thấy ấm lòng. Thảm cỏ xanh mát mắt. Nằm dài trên cỏ với một tâm hồn vô tư lự nhìn trời, nhìn mây, nhìn nắng, nhìn gió tôi nguôi ngoai nỗi nhớ nhà. Trong sâu thẳm còn lòng tôi, bất chợt vọng lại ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “Một sớm lên đường, mẹ ra sau vườn hỏi thăm trái bí trên giàn còn xanh... Này thôi bí nhé lên đường cùng me. Bí nằm bí ngủ đường xa, trên vai mẹ già bao nhiêu vốn liếng, nhớ tới một đời đã xới vun..” đã khiến tôi nhớ về góc vườn nhà tôi, cũng cây cau, cũng dàn hoa leo... Nơi ấy mẹ tôi mỗi chiều một mình lủi thủi ra vào. Quê nhà hiện về trong trí nhớ đến nhói lòng... Góc sân vườn cây nhà của vợ chồng Hà cũng vậy, những rau thơm, rau húng, rau dăm, ớt... trở nên thân thiết đến lạ thường. Thế thì, cây trái quê nhà của người Việt mọc trên đất Mỹ chính cũng xuất phát từ một tâm lý chung. Tâm lý dù sống xa quê, nhưng hình ảnh quê hương vẫn còn hiện hiện trong mắt mình mỗi ngày... Có như thế, con người ta mới sống nổi, mới có thể chịu đựng và vượt qua được những rào cản hữu hình và vô hình trên đất khách.


         Mảnh vườn của người Việt trên nước Mỹ còn là nơi người ta gửi gắm nhiều nỗi niềm bàng bạc nhớ quê.
Tôi chỉ mới sắp già, mới xa nhà dăm ngày đã cảm thấy não lòng như thế, huống gì những người già lụ khụ sống lâu dài ở Mỹ. Không có cây trái mang gương mặt quê hương thì mỗi lúc quạnh hiu họ lấy gì chia sẻ? Đợi con cái đi làm về ư? Thì nó sắp về. Khói bếp ư? Nhà chỉ nấu bằng gas. Cả một hệ thống làm bếp hiện đại. Làm gì có thấy được Trong làn nắng ửng khói mơ tan như thơ của Hàn Mặc Tử; làm gì có được:


Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm

   như trong thơ Bằng Việt. Truyền hình ư? Cũng là những tiếng nói lạ, phong cảnh lạ. Muốn nghe xuống xề sáu câu vọng cổ để nhớ về mênh mông sông nước, lục bình hoa tím lờ lững ven sông tìm đâu ra?
Chỉ còn có mảnh vườn sau nhà.


        Những ngày rảnh rỗi, đi shopping mãi cũng chán, dán mắt vào truyền hình mãi cũng nản vợ bèn rủ chồng xắn tay áo làm vườn bên hông nhà nào cuốc xới, lên luống, lên vồng... Nơi này trồng vài cây ớt; nơi kia vài gốc bí, mồng tơi, rau muống; chỗ nọ vài cây cà... Sáng sáng chồng đi làm sớm không quên dặn vợ nhớ ra vườn tưới nước; chiều chiều vợ dặn dò chồng đưa con về nhà đừng quên bón thêm phân, tưới thêm nước... Họ có thêm niềm vui từ hạt đã gieo. Từ mầm xanh mới nhú. Thỉnh thoảng vợ rủ chồng ra sau vườn ngắm nghía, bình phẩm... “Mình thấy chưa? Em đã nói là rau muống cũng trồng được trên đất Mỹ mà”. Chồng không dám cãi, cãi vợ là dại, đành lảng qua chuyện khác: “Kìa em, cây cam cũng sắp ra hoa đấy”. Rồi đến ngày nọ cuối tuần, đang cơm nước bỗng chồng vênh mặt bảo vợ: “Mình ơi ra sau vườn hái trái ớt xanh! Ớt Mỹ ăn không sướng cái lưỡi”. Vợ nguýt: “Anh ăn ớt cứ như két”. Nguýt là thế, lườm là thế nhưng vợ cũng ngoan ngoãn vâng lời. Chồng cầm hai tay vuốt ve, ngắm nghía trái ớt xanh nõn do bàn tay mình trồng, sung sướng cắn luôn cả nửa trái, xuýt xoa: “Ớt cay thật! Mình ghen lắm nên ớt cay là phải”. Nói xong cười hơn hớn, vợ cũng cười theo đồng tình. Chỉ có bé nhóc mới lựng chựng biết đi không hiểu mô tê ất giáp gì cũng cười.


        Cuộc đời cũng lạ, trong khi làm vườn với một tâm thế hướng về quê nhà, tìm lại những hình ảnh cũ thì cũng chính lúc ấy người Việt xa quê bắt đầu chớm lên tình yêu gắn bó với vùng đất đai của xứ sở mới... Ba của Hoàng khi về Việt Nam, lúc nào gọi điện thoại sang Mỹ cũng hỏi đến vườn cây sau nhà... Hoàng cũng vậy, nôn nóng không biết mùa này tuyết đã phủ ngập mảnh vườn sau nhà, luống rau xanh có chịu đựng nổi không, hoa đang xanh nụ có đậu trái không?


         Có một điều thú vị, dù nước Mỹ cấm đem các giống cây lạ vào nước họ, bởi họ sợ loại thảo mộc mới làm biến đổi hệ sinh thái thiên nhiên. Thế nhưng, cây trái của Việt Nam dần dần xuất hiện trên đất Mỹ. Trong những lần đi chợ Việt Nam, tôi đã thấy hầu như không thiếu bất kỳ loại rau nào.


           Sống ở Mỹ có vui không?


         Không phải trả lời câu hỏi đó nữa. Từ chuyến bay UA 1597 tại sân bay Fort Lauderdale, quá cảnh tại Chicago, dừng lại ở Hong Kong, tôi đã về lại quê nhà yêu dấu vào lúc nửa khuya. Đã mọc lên những ngôi sao thấp thoáng phía chân trời. Quay về nhà, nhìn vào gương soi tôi lại gặp tôi hồn nhiên, đa tình và muôn đời thơ dại:


Mặt tôi quê mùa như nước mắm
Một giọt thơm lâu giữ nếp nhà
Vạn dặm đường xa không đổi mặt
Mặt nào cũng giống mặt người ta



LÊ MINH QUỐC
(Washington D.C - TP. Hồ Chí Minh,  14.7.2008)


 

LỜI BẠT

ĐI MỘT NGÀY ĐÀNG

Nhà văn DẠ NGÂN

       Chúng tôi, nhà báo cánh Hà Nội và nhà báo cánh Sài Gòn đi từ hai hướng rồi mới hợp nhất thành một đoàn hẳn hoi ở Washington D.C. Đi Mỹ ư, tha hồ háo hức nhưng có đi thì mới thấy nó giống như chuyện kết hôn. Lặn vặn, nhiêu khê, mỏi mệt nhưng đầy ắp những ấn tượng ngất ngây và nếu bảo đi lần nữa thì e mình đã ngán ngại nỗi trần ai đường dài. Riêng tôi, nghe cánh Sài Gòn có Đỗ Trung Quân, Lê Minh Quốc và Thuý Nga thì đã thấy hào hứng thêm lên. Làng văn và làng báo, đọc nhau coi như đã biết, nếu từng là bạn nữa thì chuyến đi nhất định sẽ thú vị hơn nhiều.


         Vai ra vai, tóc ra tóc, nhìn từ phía sau thấy rõ tấm lưng to bản đã hơi gù gù những tuổi tác và gánh nặng. Ai vậy? Nhất định đây là một người Việt Nam made in nội quốc. Vì sao có thể phân biệt dễ dàng như vậy khi chưa thấy mặt mũi và nghe tiếng nói? Vì sao ư? Rất khó định nghĩa một cách ngắn gọn nhưng tổng thể ở chúng ta đều có dáng điệu lầm than của một quốc gia nhiều loạn lạc nếu đứng giữa trời đất của những nơi quá cách biệt với mình về mọi thứ. Gì nữa, người đó mặc một chiếc áo khoác bludông mỏng dành để đi xe máy, áng chừng đây là một người Sài Gòn đang bối rối với cái lạnh 11 độ giữa thủ đô nước người. Quốc hả, Lê Minh Quốc đúng không, đằng sau quay xem nào! Đúng là Quốc rồi, nước da màu đồng, nụ cười tin cậy và hiền từ như một chú gấu rừng hoang dại. Cái gì lù lù đây? - tôi chỉ vào hai chiếc thùng giấy to đùng bên chân Quốc ở cửa khách sạn. Thì ra đây là những suất hàng thủ công của Việt Nam được cánh Sài Gòn chuẩn bị để souvenir cho những người mà đoàn sẽ gặp gỡ. Thì ra, không ai có thể cáng đáng việc khuân vác ấy bằng chàng thi sĩ gấu rừng vừa sốt sắng tốt bụng vừa có vẻ tráng niên thực thụ so với nhà thơ có phần hư vô thể xác Đỗ Trung Quân.


            Tôi biết Lê Minh Quốc lần đầu tiên vào năm 1989, cũng là lần duy nhất hai đứa ngồi cà phê thong thả với nhau để sau đó không có dịp nào như vậy nữa. Một buổi chiều Sài Gòn sau lễ phát giải Cuộc thi truyện ngắn của báo Tuổi Trẻ, lúc đó chúng tôi đều còn nguyên vẻ thanh tân với văn chương và thời cuộc, chúng tôi đã nhìn thấy nẻo đường riêng tây của mình và sảng khoái hẹn nhau sẽ viết nhiều hơn. Quả nhiên không lâu sau Lê Minh Quốc đã được tiếng là nhà thơ trẻ mạnh bạo và là nhà báo viết nhanh viết nhiều không thua kém những người làm báo lão luyện của đất Sài Gòn. Thấm thoát đã gần 20 năm, không có dịp gặp nhau thêm lần nào nhưng nghe kỹ, biết kỹ và đọc đều của nhau. Không ngờ lần cà phê thứ hai này lại ở trên đất Mỹ, đúng là “thiên lý tương năng” không biết sao mà tiên liệu trước.     

       
       Gần hai mươi năm Hà Nội - Sài Gòn mà chúng tôi không gặp nhau lần nào nghe có vẻ phi lý gần bằng với việc gặp nhau lần thứ hai ngay trước cửa một khách sạn ở thủ đô Hoa Kỳ. Quốc hỏi chộp: “Chị “chiến đấu” với tiếng Anh được chút gì không, tôi thì nửa chữ cũng không xong!”. Tôi trố mắt và chỉ muốn kêu lên: Bạn ơi, đó không phải bất ngờ mà là kinh ngạc! Nhưng thôi, vẻ tự thú chân thành này rất giống những người “thà chết chứ không để ngoại ngữ nó quấy rầy” như Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường, Bảo Ninh, Lê Minh Khuê... và nghe đâu, cả Trần Đăng Khoa nữa! Thật ra, trong tập bút ký Du lịch của người câm (NXB Trẻ - 2005), Quốc “tự thú”: “Biết thêm một ngoại ngữ là sống thêm một cuộc đời nữa. Nhưng than ôi! Tôi chỉ là người “câm” vì không rành một ngoại ngữ nào! Khổ thế! Mà câm cũng phải thôi. Tôi thuộc thế hệ phải gánh chịu sự vận hành của một nền giáo dục kỳ lạ trong thập kỷ trước. Ngày còn trẻ ở bậc trung học, dù tôi đã được học tiếng Pháp, nhưng vào đại học không được học tiếp thứ tiếng này nữa mà bắt buộc phải học tiếng Nga. Cuối cùng ngày ra trường, tiếng Pháp chỉ còn nhớ lõm bõm mà tiếng Nga thì cứ trượt ra ngoài trí nhớ! Nó trượt nhanh đến nỗi cứ như người tình phụ một khi đã bỏ ta đi thì nghiến răng “một đi không trở lại”! Sau gặp cô giảng viên dạy tiếng Nga cho tôi ngày trước, được biết cô đã chuyển sang dạy... tiếng Anh”. Dẫu sao tôi cũng phải thắc mắc, giữa đất Sài Gòn năng động vậy mà Quốc vẫn cố thủ “gấu rừng” thì đáng mừng hay đáng trách đây?


        Trong bản khai của mười người chúng tôi giống hệt nhau ở chỗ “no previous U.S travel” (chưa từng tới Mỹ) dù có người đã đi gần giáp châu Âu. Tuổi tác so le và dĩ nhiên, dấu ấn lỡ nhịp của thế hệ trung niên với ngoại ngữ cũng rất rõ. Đỗ Trung Quân già lão nhất, không rõ trình độ tiếng Anh cỡ nào mà vẫn tự tin và tự xoay xở rất cừ. Thuý Nga không mù mờ nhưng quen kiểu “tổ chức bài” chứ ít phải “xung trận”. Tôi chỉ có thể xếp trên Lê Minh Quốc mỗi khi tự mình đi đứng và lo thân. Quốc bắt đầu trầm tư ngay từ ngày thứ hai ở Washington D.C và hứa nhỏ với mọi người rằng kỳ này về sẽ dốc sức học tiếng Anh may ra còn kịp. Bản khai của bạn cho tôi một suy nghĩ, Quốc tốt nghiệp cử nhân Ngữ văn năm 1987, cũng có nghĩa là thời học sinh và sinh viên của Quốc ở vào thời điểm “ghét Mỹ thì không đâu thèm dạy tiếng Anh!”. Tôi cũng không tài giỏi gì hơn, vào thập kỷ 80 của thế kỷ XX, tôi đã từng ghi danh học tiếng Nga ban đêm và khi có dịp để học tiếng Anh thì tôi bị mất căn bản trầm trọng vì phải học chung với những học sinh phổ thông, thế hệ không còn ai chưa được vỡ lòng tiếng Anh như mình cả! Quốc không sĩ diện, Quốc vui vẻ đánh vật với từng từ tiếng Anh khi cần ghi chép vào nhật ký đi đường và cứ thế, không lúc nào Quốc thôi nhặt nhạnh. Hình ảnh gã nhà thơ lầm lừ ấy càng khiến ấn tượng về một con gấu trong tôi đậm hơn và chừng như mỗi mét đường, gấu ta càng thêm ngộ nghĩnh vì được ngao du giữa cánh rừng mà chỗ nào cũng là mật ong và cá hồi vậy.


       Kansas City là nơi đoàn chúng tôi được chia thành ba nhóm để đi party với ba gia đình người Mỹ trong diện những người thiện nguyện với Chương trình Khách tham quan quốc tế tự nguyện. May mắn Quốc và tôi được ngồi chung một nhóm. Đã sang ngày làm việc thứ 5, ai nhanh nhẹn ai rề rà, ai cầu tiến ai khủng khỉnh, ai chan hoà ai “đổ bê tông” đều đã bộc lộ ra. Quốc hay được các bạn cánh Sài Gòn giục “xông ra” ở những nơi cần trao đổi, tìm hiểu hoặc tranh luận. Tôi có kinh nghiệm rằng “đừng nhìn Quốc nói mà hãy nghe nội dung Quốc trình bày”. Bởi vì “gấu rừng” rất hay mở đầu bằng “Tôi hỏi nè nghe”, một đề nghị mà như một lời doạ khiến không ai nhịn được cười. Nhưng những vấn đề Quốc đặt ra trong quá trình trao đổi để tăng cường học hỏi và hiểu biết thì ai dù khó tính cũng phải thừa nhận sức nặng của một trái tim mẫn cảm và một cái đầu ưa suy nghĩ. Đến giữa chặng đi thì Quốc đã nghiễm nhiên thành một người gồng gánh theo nghĩa đen lẫn nghĩa tốt đẹp nhất của từ này trong quan hệ ta với ta và ta với bạn.    


               Đỗ Trung Quân và Quốc và tôi hay thích ngồi với nhau vào bữa sáng vì “cái phận già ăn khó ngủ khó”, hơn thế, cũng chỉ khi đó mới có dịp san sẻ những cảm nhận về nước Mỹ và người Mỹ đang nóng sốt trong đầu mình. Chương trình thật sự dựng được bề sâu bởi tiết mục party ở những gia đình Mỹ. Chúng tôi đã chuẩn bị thật chu đáo, thật trang trọng cho buổi party chắc chắn là không thể lặp lại cho dù mỗi chúng tôi có thể đi Mỹ n lần nữa. May mắn nhiều hơn khi nhóm của Quốc và tôi được tháp tùng với người trẻ nhất trong ba người phiên dịch cho đoàn. Trong khi tôi cầm chắc sự thú vị của nhóm mình thì ngay sau khi kết thúc bữa ăn với bà Karen Hernandez, thi sĩ gấu rừng của chúng ta bỗng lăn ra ngủ. Chao ơi, tôi cũng đang thấm thía nỗi mệt nhọc của việc bay xuyên đại dương rồi lên xe xuống xe với liên hồi kỳ trận những tham quan và tiếp xúc, nhưng chẳng lẽ những người còn lại trong nhóm cũng ngủ vùi như “gấu”? Trong khi chúng tôi nhảy từ chuyện người da đen và nhạc Jazz, rồi chuyện người da đỏ và vết thương nước Mỹ, rồi lại chuyện những bức tường cho trẻ em được phép vẽ bậy ở Kansas City đến chuyện “khoan cắt bê tông” ở Hà Nội để cầm cự với thời gian trong khi chờ ông Gene Hernandez làm việc muộn trở về thì Quốc đã có một giấc ngủ vụng trộm nhưng chắc chắn là thành thật nhất trong đời. Nhờ vậy mà khi ông chủ nhà xuất hiện thì “gấu rừng” đã hết sức tươi tỉnh để tiếp tục đưa lại cho chúng tôi sinh khí giao lưu hồ hởi quen thuộc.


       Chặng cuối ở San Francisco, đoàn chúng tôi có hẳn 5 ngày để khám phá vùng đất nhiều người da màu vào loại nhất nhì nước Mỹ. Đỗ Trung Quân và Quốc cùng vài bạn nữa thiết kế cho tôi được diễm phúc đi gặp những kiều bào của mình đang phải tha hương xứ người. Đến khi ấy, “gấu rừng” mới thực sự là “tay anh chị” trong quan hệ mà vị trí xông xáo ở Sài Gòn đã tạo cho. Tôi nhìn thấy ở Quốc một tấm lòng trải ra với những người Việt chung với chúng ta máu đỏ da vàng, thấy ở Quốc một chiếc cầu chân thành để bạn bè có thể qua lại một cách hữu ích và tôi cũng luôn thấy ở Quốc thứ tình người vừa bản năng vừa dào dạt khiến người ta muốn nối dài quan hệ cho dù hai bên có thể cách nhau bằng cả Thái Bình dương.


             Quốc hứa với chúng tôi là sẽ viết sách về chuyến đi ngắn ngủi này. Tôi thành thật hoan nghênh và tin cậy, bởi cũng chỉ có thêm 1 ngày với một bạn văn gần 20 năm mới gặp lại, tôi đã chứng kiến Quốc suy tư và thành thật như thế nào trong hành xử cũng như trong công việc và trong văn chương...      

              
D.N

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com