THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo LÊ MINH QUỐC: NHÀ VĂN HỌC VĂN - BÀI 1: Phan Khôi - cuộc tìm về tiếng Việt

LÊ MINH QUỐC: NHÀ VĂN HỌC VĂN - BÀI 1: Phan Khôi - cuộc tìm về tiếng Việt

Mục lục
LÊ MINH QUỐC: NHÀ VĂN HỌC VĂN
BÀI 1: Phan Khôi - cuộc tìm về tiếng Việt
Bài 2: Tú Mỡ - học văn từ Tú Xương đến dân gian
BÀI 3: Nguyễn Công Hoan - mải mê học tiếng Việt
Tất cả các trang

 

Trong lịch sử cận đại Việt Nam, chí sĩ Trần Quý Cáp là bậc văn nhân duy nhất bị án “chém ngang lưng” - khiến tăng thêm phần đau đớn. Ông là thầy dạy chữ Hán cho Phan Khôi (1887-1959). Chắc chắn tính cách cương trực, quyết liệt, rạch ròi của thầy ít nhiều ảnh hưởng đến trò trong việc khai tâm. Khi đi thực địa ở Quảng Nam, tôi đã ghi chép được câu cửa miệng “Lý sự quá Phan Khôi”, tức lý sự đó cứ như thể Phan Khôi, không chịu thua kém ai. Muốn lý sự phải có trình độ, bản lĩnh, tri thức chứ không thể nói ngang cành bứa. Mà Phan Khôi là ai? “Ở một nhà cựu học như ông, người ta đã thấy nhiều cái rất mới, nhiều cái mà đến nhiều nhà tân học cũng phải cho là “mới quá. Đó thật là một sự chẳng ngờ” (Vũ Ngọc Phan - Nhà văn hiện đại, 1942).

Phan Khôi là con trai của Phó bảng Phan Trân - tri phủ Diên Khánh (nay thuộc Khánh Hòa), mẹ là cụ Hoàng Thị Lệ - con gái Tổng đốc Hoàng Diệu. Ngay từ nhỏ, ông đã nổi tiếng là người thông minh, học giỏi và hay... lý sự! Khi giải quyết chuyện gì bao giờ ông cũng lật ngược vấn đề để tìm hiểu một cách thấu đáo. Tính cách ấy phù hợp cho công việc mà sau này ông sẽ đeo đuổi: viết báo, làm văn và viết nghiên cứu. Năm 1905, vừa 18 tuổi, Phan Khôi thi đậu Tú tài Hán học, nhưng ông không thích dấn thân vào con đường khoa cử. Lúc này, ngọn gió Đông du và Duy tân của các chí sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp... đã thổi đến Quảng Nam. Phan Khôi hăng hái cắt tóc theo xu thế chung của thời đại mà câu ca dao hóm hỉnh đã diễn tả thực tế: “Văn minh khắp cả hoàn cầu/ Ông sư cũng cúp cái đầu 3 xu!”.

Năm 1907, trường Đông Kinh Nghĩa Thục được thành lập ở Hà Nội, Phan Khôi là một trong những người được phong trào Duy tân tại Quảng Nam gửi ra học tiếng Pháp. Khi phong trào bị đàn áp, Pháp theo dõi rất ngặt, Phan Khôi bỏ về quê và tiếp tục xin học Trường Dòng Pellerin ở Huế. Dù vậy, ông bị bắt buộc phải vào học lớp Nhì chung với bọn trẻ mới lên mười! Hai tháng đầu, ông đội sổ hạng chót, nhưng qua tháng thứ ba thì vọt lên đứng đầu.

Mới học dăm ba tháng thì nhận tin cha mất, ông trở về quê nhà thọ tang. Đây là thời gian ông bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà lao Hội An - vì trước đây từng phục vụ cho phong trào Duy tân. Vào trong tù, ông nhờ người nhà bí mật gửi sách Pháp vào để tiếp tục tự học! Đọc chỗ nào không hiểu, ông lật tự điển tra cứu. Nghe nói có thầy Ưng Diễn dạy giỏi, ông viết thư nhờ thầy ra bài và kiểm tra bài cho mình. Mới học được vài bài thì Án sát Quảng Nam phát hiện, tịch thu hết sách vở với câu hăm dọa: “Các anh còn học làm gì nữa, vì có ai cho các anh thi đâu mà học!”. Dù vậy, ông vẫn không nản chí.

Ra khỏi tù, ông cưới vợ và mở lớp dạy chữ Hán ở nhà và tự học tiếng thêm Pháp. Nhưng Phan Khôi cũng không thể yên tâm ngồi dạy học được nữa, vì sau một thời gian thăm dò, thực dân Pháp quyết định bãi bỏ khoa thi chữ Hán. Năm 1915 là khoa thi cuối cùng ở Nam kỳ; ở Trung Kỳ khoa thi cuối cùng là năm 1918. Phan Khôi thôi dạy, bảo học trò: “Dạy các anh cho giỏi chữ Nho, tôi vẫn dạy được nhưng thời buổi này các anh có học giỏi thì cũng làm được gì! Thôi, hãy học chữ Tây đi!”. Năm 1916, Phan Khôi ra Bắc, xuống Hải Phòng làm thư ký cho công ty Bạch Thái Bưởi nhưng ít lâu sau, ông nghỉ việc. Lúc đó, năm 1918, cử nhân Hán học Nguyễn Bá Trác giới thiệu ông vào làm việc ở Nam Phong tạp chí.

Tại đây, một lần trong lúc trà dư tửu hậu, Phạm Quỳnh có nói với Phan Khôi: “Các người đi giảng đạo Thiên Chúa thường lý luận giỏi nên ít ai bắt bẻ được, vì họ có học khoa lý đoán”. Phan Khôi ngớ người ra hỏi lại: “Lý đoán là gì?”. Môn này còn quá mới mẻ nên Phạm Quỳnh cũng chỉ đáp xuôi xị: “Lý đoán là... lý đoán!”. Không hài lòng với cách giải thích này, Phan Khôi tìm ngay sách chữ Hán và chữ Pháp để nghiên cứu về khoa lý luận học. Nhằm củng cố sự hiểu biết của mình, ông thường gặp gỡ trao đổi, tranh luận với các sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội.

Với lối học này, dần dần, Phan Khôi trở thành một trong những nhà báo đầu tiên có lối viết câu cú gẫy gọn, trình bày tư tưởng dễ hiểu, dễ thuyết phục độc giả. Do ham học, thích tìm hiểu những điều mới lạ nên ông đã nhận làm một việc bạo gan, đó là sử dụng bản chữ Hán đối chiếu với bản chữ Pháp để dịch Kinh thánh cho Hội Tin Lành. Thế nhưng lúc này, thực dân Pháp vẫn chưa buông tha, vẫn bí mật theo dõi nên năm 1922, ông bỏ đất Bắc để vào Nam. Không dừng chân tại Sài Gòn, ông xuống tận dưới Cà Mau. Trong thời gian tạm trú ở đồn điền của một người bạn, lúc nhàn rỗi, ông trau giồi thêm tiếng Pháp bằng cách viết thư bằng gửi cho nhà báo Pháp tiếng tăm lúc bấy giờ là Dejean - người cộng sự đắc lực của Nguyễn An Ninh khi xuất bản tờ La Cloche Fêlée. Nhận được thư, Dejean thành thật khen ngợi, khuyên ông nên cố gắng viết báo bằng tiếng Pháp.

Một khi đã trang bị thông thạo tiếng Hán, tiếng Pháp, Phan Khôi có điều kiện tiếp thu văn hóa Đông - Tây khiến nhiều người cho rằng “mới quá” là vậy. Tung hoành trong trường văn trận bút, Phan Khôi chính là người “châm ngòi nổ” cho nhiều cuộc bút chiến vang dội về báo chí, văn hóa từ Nam chí Bắc.

Có một điều bất ngờ, trong chín năm kháng chiến chống Pháp, Phan Khôi lại dành hết thời gian… nghiên cứu về tiếng Việt. Công trình giá trị này chính là Việt ngữ nghiên cứu, lần đầu tiên công bố tại Hà Nội vào năm 1954. Ông tâm niệm: “Các nhà giáo, nhà văn chúng ta có trách nhiệm phải làm cho tiếng Việt nước ta tiến lên một bậc hoàn mỹ. Tiếng nói có hoàn mỹ thì mới đẩy văn học, khoa học tiến lên được, mới phục vụ cho nhân dân, cho quốc gia, dân tộc đi nhanh trên con đường tiến hóa của hiện đại. Tiếng Việt Nam nếu còn cứ ở cái trình độ cũ thì dân tộc Việt Nam có tiến đi nữa cũng chậm lắm”. Theo nhà ngôn ngữ học Hoàng Tuệ (thân phụ của nhà văn Bảo Ninh): “Công trình này cần được đưa vào tủ sách các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học hiện nay, đặc biệt sinh viên đại học khoa Ngữ văn”.

Thật ra, ý thức “gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt” đã hình thành ở Phan Khôi từ năm tháng còn rất trẻ. Nhà thơ Hồng Tiêu (thân phụ của nhà văn Nguyễn Đông Thức) có thời gian làm việc chung với Phan Khôi ở Sài Gòn cho biết, một trong trong những điều khiến ông nổi nóng, cáu tiết và cãi đến đỏ mặt tía tai, cãi lại cho bằng được nếu đồng nghiệp… viết sai chính tả!

L.M.Q

(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 12.11.2018)



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com