LÊ MINH QUỐC: Chữ Quốc ngữ từ thuở phôi thai đến nay

Array In Array


Chu-Quoc-ngu-L-Minh-Qu-c

 

Loạt bài này, tôi viết đã lâu, in 3 kỳ trên tạp chí Thế giới mới (từ số 415 ngày 4.12.2000).  Tự nghĩ, vẫn còn thấy hữu ích nên post lên trang web www.leminhquoc.vn. Trước khi in, nhà thơ Trần Quốc Toàn - người biên tập của Thế giới mới - cùng tôi đến nhà riêng của nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo nhờ ông đọc thẩm định giúp.

Với ông Cao Xuân Hạo, tôi lại nhớ đến một kỷ niệm mà người bạn Nga đã kể, ngày đó có lúc cô không muốn tiếp xúc với bất kỳ người Việt nào. Do đó, điện thoại tại nhà, người trực tiếp nghe và lời là con gái của cô. Khi sang Nga, ông Hạo đã gọi điện thoại đến cô, tất nhiên nói bằng tiếng Nga, con gái của cô nghe xong reo lên: "Mẹ ơi! Có người cần gặp mẹ". Cô hỏi lại con: "Người Nga hay người Việt?". Một câu trả lời quả quyết: "Người Nga chứ không phải người Việt".

Điều này cho thấy ông Hạo nói tiếng Nga rất chuẩn và rất giỏi. Khi tôi hỏi về giai thoại dịch sách của ông, nghe thiên hạ đồn rằng, trong một lúc ông có thể dịch luôn hai, ba cuốn khác nhau về ngôn ngữ? Ông gật đầu. Thì ra, lúc đó trước mặt ông là các tập sách tiếng Anh, Nga, Pháp chẳng hạn, ông đọc đến đâu thì dịch luôn ra tiếng Việt cho người khác ghi lại. Người ghi bản dịch tiếng Anh, người ghi bản dịch tiếng Nga... trong cùng một lúc. Sau đó, ông xem lại và chỉnh sửa lần cuối trước khi in. Cách dịch này quả xưa nay hiếm.

Riêng tờ Thế giới mới, hiện nay đã đình bản.

L.M.Q


Thuở bình minh của chữ Quốc ngữ từ thời Alexandre de Rhodes...

 

Với sự ra đời của quyển Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latium của Alexandre de Rhodes do Bộ truyền giáo in tại Roma ngày 5.2.1651, ta có thể xem đây là cột mốc quan trọng trong việc ra đời của chữ Quốc ngữ. Cho dù, chữ Quốc ngữ đã được sáng chế trước đó rất nhiều năm - nhưng cụ thể ở tháng năm nào thì ta đành ...chịu ! Sách này dày gần 500 trang, mỗi trang chia làm hai cột, cả tập sách có hơn 900 cột. “Sự phát minh của chữ viết, chỉ riêng nó thôi, có thể khẳng định còn quan trọng hơn toàn bộ những trận đánh trên thế giới”. Một nhà học giải uyên bác đã nhận định như thế. Thử đặt câu hỏi, thuở ấy chữ Quốc ngữ được viết như thế nào ?

Nhiều tài liệu khẳng định, ban đầu nó không có dấu. GS Thanh Lãng cho biết: “Căn cứ theo tài liệu cuốn Lịch sử đạo Thiên Chúa trên đất Việt Nam, thì Christophoro Bori (1853- 1632), một giáo sĩ dòng Tên người Ý giảng đạo ở nước ta từ 1618 - 1621, có nhắc đến trong tập ký thuật của ông cách giảng đạo ngớ ngẩn trước thời giáo sĩ Francesco Busomi (1576- 1659) bằng câu này: “Con gno muon bau plom laom Hoalaon chiam?”( Con nhỏ muốn vào trong lòng Hòa Lan chăng ?). Cũng theo cuốn này thì câu nói ngớ ngẩn trên đây đã được giáo sĩ Busomi, truyền đạo ở Việt Nam từ 1615- 1639 sửa lại như sau: “Muon bau dau Christiam chiam ?” (Muốn vào đạo Christiam chăng ?). Ngoài ra trong tập ký thuật đó còn có những chữ Quốc ngữ không dấu, chẳng hạn: “Da an nua, daan het” (Đã ăn nữa, đã ăn hết: chỉ nhật thực); “omgne” (ông nghè); “Tui ciam biet” (Tôi chẳng biết). Căn cứ vào mấy tài liệu trên đây, nhiều người phỏng đoán hồi đầu chữ Quốc ngữ chưa mang dấu như ngày nay”.

Như chúng ta đã biết khi biên soạn Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latium thì A.de Rhodes có tham khảo quyển từ điển An Nam - Bồ của d’ Amaral (mất 1646) và từ điển Bồ - An Nam của Barbosa (mất 1647). Không ai có thể khẳng định, với hai quyển từ điển trên thì chữ Quốc ngữ đã có đấu hay chưa ? Nhưng đến thời  của A. de Rhodes thì nó đã có dấu và đã được hệ thống hóa gần như hoàn chỉnh. Đây là một bước cải tiến quan trọng của chữ Quốc ngữ thời phôi thai. Điều đáng chú ý trong quyển từ điển này, A. de Rhodes đã ghi chép khá đầy đủ lời ăn tiếng nói của người Việt thời đó, mà bây giờ ta có thể thấy được sự tiến hoá của chữ Quốc ngữ.

Nhiều người đồng tình với nhà nghiên cứu Hồng Duệ Nguyễn Khắc Xuyên khi đưa ra nhận xét xác đáng: “Tra từ điển mà chúng ta có cảm tưởng như đọc một cuốn Việt Nam văn hoá sử cương thế kỷ XVII”.  Chẳng hạn như tiếng “bà láo” (bà lão) là một bà đáng kính, sang trọng; còn “bà già” mới là người đàn bà đã có tuổi; “bà sang” là một vị cung phi của nhà vua đã quá cố v.v... Trong quá trình biên soạn, A. de Rhodes có cho biết: “Tiếng Bắc Kỳ có hết các thứ chữ như tiếng chúng ta mà chỉ có thiếu chữ Z. Thực ra họ không có chữ F của chúng ta mà chỉ có chữ Ph hay đúng hơn là F Hy Lạp. Tuy vậy, chúng tôi vẫn cứ dùng chữ Ph cho dễ dàng hơn và tiện lợi hơn cần sao tránh được sự hiểu lẫn lộn. Ngoài ra còn phải thêm bốn chữ mới để phát âm thành mấy tiếng riêng biệt mà trong tiếng Châu Âu không có. Bốn chữ đó là hai chữ nguyên âm Ơ và U và hai phụ âm (alpha) và Đ”. Sau đây là sự phân tích của A. de Rhodes về các mẫu tự của chữ Quốc ngữ mà ông đã ghi nhận được. Có thể xem là tài liệu quý báu này cho bất cứ ai quan tâm đến sự phát triển, thay đổi của tiếng Việt từ thuở bình minh đến nay.

Chẳng hạn, chữ A theo ông thì Việt Nam có hai chữ A: một đọc rõ như chữ a âm Pháp (ví dụ “an”: yên ắng); một chữ đọc âm miệng nhưng không mở toét hẳn (ví dụ: “ẩn”: cất giấu một thứ gì đó) - như vậy ông không phân biệt â, ắ; hoặc chữ B thì theo ông cũng có hai chữ B: “Một chữ giống như B của chúng ta như Ba, tức số 3, tuy vậy nó cũng không giống như chữ b của chúng ta. Khi đọc chữ đó không được thở hơi ra mà phải hít khi vào cũng giống như người muốn đọc chữ M, rồi sau mới phát hơi ra. Chữ B thứ hai đọc hầu giống như chữ (bêta) Hy Lạp chẳng hạn như khi đọc tiếng (alpha) eaò (vào). Thực ra nó cũng không giống hẳn chữ V của chúng ta vì khi đọc nó không nên rít mạnh lắm, mà chỉ cần mở môi ra như kiểu đọc của người Do Thái chứ không đọc bằng răng” v.v...

Qua đó chúng ta thấy gì? Quả là ở thế kỷ XVII, chúng ta không có chữ V mà chỉ có một chữ gì đại khái cũng tương tự như chữ B của Pháp và chữ (bêta) Hy lạp hoặc “Chữ T vừa dùng ở đầu và ở cuối chữ như chữ Tật. Khi dùng ở chữ đầu nó cũng giống như chữ T tiếng Pháp chúng ta, thí dụ Tin; khi đặt ở cuối thì lúc đọc phải uốn lưỡi lên lợi, thí dụ chữ Bụt. Khi T đi với R thì cũng phải đọc uốn như vậy, thí dụ chữ Tra”... Và cuối cùng là chữ X “Nó cũng rất thông dụng và đọc giống cách đọc của người Bồ Đào Nha, hay như đọc chữ Se trong tiếng Ý Đại Lợi, thí dụ chữ Xe, Xa”...

Tất cả những cứ liệu trên đây cho thấy A. de Rhodes không chỉ là một nhà truyền giáo mà ông còn là một nhà ngôn ngữ học tài ba. Riêng về dấu sắc huyền hỏi ngã nặng... thì ông cho rằng đó là linh hồn của tiếng Việt “Cũng giống như những “gam” trong nhạc Châu Âu”! Lời nhận xét ấy thật thú vị khi ta từng nghe người người ngoài cảm nhận rằng, tiếng Việt khi phát âm líu lo giống như tiếng chim! Để hoàn thành bộ sách giá trị này, ta không thể không nhắc đến sự giúp đỡ của những nhân vật mà GS Hoàng Tuệ gọi là “vô danh”- như trong lời tựa Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latium ông có cho biết không những nhờ tham tham khảo hai quyển từ điển của d’ Amaral và Barbosa mà còn: “Chính những người bản xứ đã giúp tôi học tiếng gần 12 năm trong suốt thời kỳ tôi ở Đàng Trong và Đàng Ngoài”. Nay ta thử đọc lại một đoạn văn ngắn mà A. de Rhodes đã viết: “Ta cầu cũ (cùng) đức chúa blời (trời) giúp sức cho ta biết tỏ tưầng đọa chúa là nhuầng (nhường) nào, vì bậy (vậy) ta phải ăn ở thế gian này chẳng có ai sóũ (sống) lâu; vì chưng kẻ đến bảy tám mươi tuẩi (tuổi) chẳng có nhềo (nhiều) ...”. Có thể thấy rằng đến nay đã có một vài phụ âm đã biến mất. Chẳng hạn, bl đổi thành gi (ví dụ: blả ơn: giả ơn), thành l (thí dụ: blúc blắc: lúc lắc), thành tr (thí dụ: blái núi: trái núi); phụ âm tl nay đổi thành tr (thí dụ; ăn tlộm: ăn trộm)... Rõ ràng, thời ấy, A. de Rhodes còn lúng túng lẫn lộn giữa B và V; giữa TR, TL,BL; các vần tận cuối còn thiếu: ong viết là aõ (thí dụ: saõ = song); ông viết là oũ (thí dụ: sóũ = sống); ung viết là ũ (thí dụ: cũ = cung); uôn viết là uân (thí dụ; muấn = muốn); ương viết là  ưâng (thí dụ : tưầng = tường) v.v...

đến thời Pigneau de Béhaine và Tabert

Từ năm 1651 cho đến cuối thế XVIII, chữ Quốc ngữ lại được ghi nhận thêm một cột mốc lớn: Năm 1773, Pigneau de Béhaine đã biên soạn xong bộ Dictionnarium Anamitico Latinum, dày 732 trang, cỡ 35,5 x 24 cm, bản thảo viết tay. Trong đó phần tra cứu chiếm 67 trang và phần chính văn chiếm 622 trang (không kể vài ba trang phụ). Nếu so với quyển từ điển của A.de Rhodes thì từ điển của Pigneau de Béhaine thì qua đó, ta thấy hệ thống chữ Quốc ngữ ở giai đoạn này đã thay đổi và đạt đến hình thức ổn định - chẳng hạn hình thức ghi các phụ âm kép bl, pl, ml, tl đã không còn tồn tại... Ta thử đọc bài thơ Tới thành Macao của linh mục Felippe do Rosario (tên Việt là Philiphê Bỉnh) viết “Giáp dần niên, ngày mòũ (mồng) 4 tháng chạp năm 1794” để hình dung ra đôi nét về bước đường thay đổi của chữ Quốc ngữ sau A.de Rhodes gần 150 năm:

Tôi đang gưởi gấp chốn Ma cao

Hai chữ thanh nhàn xiết kể bao

Hôm sớm phần hồn dầu mặc sức

Tháng ngày việc xác chẳng tơ hào

Xoay vần tám tiết hằng lo ấm

Đáp đổi tứ mùa khỏi khát khao

Gần chợ gần soũ gần núi bể

Trăm mùi khoũ chút vẻ tanh tao.

Sau đó, năm 1832, căn cứ vào Dictionnarium Anamitico Latinum, giám mục Tabert cùng với một số người Việt Nam khác hoàn thành quyển Từ điển Annam - Latinh và Latinh - Annam. Cải tiến đáng kể của hai quyển từ điển trên là loại bỏ những ngoại lệ như : a = aong; ch = chue, chuen; y = ym,yn; k= khuia, khuiếc, khuinh v.v... Về cơ bản, chữ Quốc ngữ định hình từ thời Tabert đến nay hầu như không thay đổi bao nhiêu. Tuy nhiên gần đây để tiện viết các từ mượn cả tiếng nước ngài, ta thấy có xu hướng thu nhập thêm vào chữ viết của ta các phụ âm như F,J, W, Z...



Chữ Quốc ngữ trên bước đường du nhập tiếng nước ngoài

 

Tại sao phải du nhập tiếng nước ngoài ?

Đi theo gót chân xâm lược của thực dân Pháp đến Việt Nam, ngoài vũ khí và âm mưu muốn mở rộng thị trường kinh tế, để truyền đạo v.v... còn có ngôn ngữ để giao tiếp. Khi những người lính chiến dạn dày trận mạc đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, thì những kẻ đi xâm lược phải nghĩ đến công cuộc “khai hóa” cho người dân bản xứ! Vấn đề đặt ra đầu tiên là làm sao để tiếp xúc, giao thiệp với nhau khi mà cả hai đều bất đồng ngôn ngữ? Có hai cách, hoặc chúng ra sức học tiếng nói, chữ viết của người Việt Nam (nhưng chữ Hán, chữ Nôm không phải là dễ học, học đến lúc thông thạo thì mất thời gian quá dài); hoặc dạy người Việt Nam học và nói tiếng Pháp (nhưng đội ngũ giáo viên hiện có không đáp ứng nổi).

Vậy là, cả hai biện pháp này đều không dễ dàng thực hiện nhanh chóng trong một sớm, một chiều được.

Cuối cùng, chúng chọn giải pháp là cả đôi bên cùng “hợp tác” dùng mẫu tự La tinh để ghi âm lại tiếng Việt Nam. Nhưng việc trước mắt là phải có những người trung gian để giúp đôi bên có thể hiểu nhau. Do đó, tại Nam Kỳ, ngày 21.9.1861, chúng lập trường thông ngôn mang tên Pigneau de Béhaine (1741 - 1700) tức Bá Đa Lộc; tại Bắc Kỳ, tháng 1.1886, chúng cũng lập trường thông ngôn ở phố Jean Dupuis, tức Đồ Phổ Nghĩa, sau chuyển ra Yên Phụ. Đây là những bước đầu tiên để tiếng Pháp du nhập vào Việt Nam. Trong quá trình giao tiếp, có những sản phẩm vật chất và tinh thần của người Pháp mà chữ Quốc ngữ  chưa diễn tả được nên phải vây mượn hoặc sáng tạo ra chữ mới để gọi đúng sự vật đó.

Cho biết một ví dụ mà thuở đó trong sách giáo khoa các thầy giáo Việt Nam đã vây mượn?

Chẳng hạn quyển Thiệt hành điễn học của thầy “Alexis Lân, Ingénieur Electricien” biên soạn, Imprimerie F.H Schneider xuất bản năm 1917 tại Sài Gòn là “Sách dạy những điều cần kíp cho những thợ Annam làm các máy điển khí và những học trò các trường Bá Nghệ”.  Đây là bài toán số 8 (trang 77):  “Hai cái đèn thắp bằng than sức nó là 10 ampères mà câu en série theo một mạch hơi là 120 volts. Mình biết cái différence de potentiel của mỗi cái đèn không có quá trên 45 volts phải độ một cái résistance mà câu en série với hai cái đèn đó đặng cầm bớt volts cho vừa theo sức nó”. Hoặc trong sách giáo khoa Trưởng học toán pháp của thầy Hồ Ngọc Cẩn ta cũng thấy có một số từ vẫn giữ nguyên, chẳng hạn taux (tiền lời) hoặc temps (thời gian)...Vậy thầy mới đặt thơ cho học trò dễ thuộc:

Tìm taux, tìm vốn, tìm temps

Lời, trăm, niên, nguyệt thì bằng đặt trên

Tìm lời thì có luật riêng

Taux, temps và vốn đặt trên hoài hoài.

Trong sự vây mượn này, nếu ghi âm sang chữ Quốc ngữ thì cách viết có gì khác?  Tất nhiên là có sự khác biệt. Trong quyển Từ điển các từ tiếng Việt gốc Pháp (Hội nghiên cứu giảng dạy văn học TP.HCM - XB 1992) đồng tác giả Nguyễn Quảng Tuân - Nguyễn Đức Dân đã phân tích vấn để này. Sau đây là một vài dẫn chứng: “Chẳng hạn, các phụ âm /k/, /m/,/n/ khi vào tiếng Việt hầu như giữ nguyên ở mọi từ như kilo : ký-lô, canot : ca-nô... Những âm đầu và âm cuối nào không có trong tiếng Việt sẽ được chuyển thành một âm gần gũi về phương thức và vị trí phát âm. Chẳng hạn, tiếng Việt không có các âm tắc /b/,/d/,/g/ hoặc các âm xát /s/,/h/,/z/ đứng cuối nên các âm cuối này khi vào tiếng Việt đều bị chuyển đổi. Chẳng hạn, khi là âm cuối, /b/ chuyển thành /p/ như double: đúp...; khi là âm cuối /d/ được chuyển thành /t/ như acide: a-xít...Trước đây, âm /p/ không thể làm âm đầu nên khi là âm đầu, /p/ chuyển thành /b/ như pardessus: ba-đờ-xuy v.v...” hoặc cũng một chữ nhưng chúng ta thấy có nhiều “biến thể” khác nhau khi viết bằng chữ Quốc ngữ như pomme: bôm, bơm, bôôm ; savon: xà phòng, xà bông; crique: xiếc, xiệc; bonjour: bông dua, bông sua, sua v.v...

Một khi đã “nhập tịch” vào kho tàng tiếng Việt thì có thể xem đó là một chữ thuần Việt? Có lẽ cũng nên mạnh dạn khẳng định như thế. Chẳng hạn, khi viết một chữ dù vây mượn nhưng theo cách ghi âm của chữ Quốc ngữ với đầy đủ các dấu hỏi ngã thì bất cứ người Việt nào cũng cảm nhận rõ ý nghĩa của nó. Ví dụ: khi viết cà phê thì người Việt nào dù không biết tiếng Pháp vẫn viết đó là... cà phê, nhưng nếu viết đúng như tiếng Pháp (café) thì có người đành... chịu! Nhà thơ Phùng Quán có kể cho một nhà ngôn ngữ học biết là khi đến một nông trường ở miền Bắc ông thấy trên tấm bảng có ghi “Nơi đây sản xuất cà”. Như vậy cũng là café nhưng khi qua tiếng Việt chỉ còn mỗi một chữ cụt ngũn... cà ! Còn phê là gì thì họ không hiểu nên bỏ luôn! Ngoài ra, ta còn có thể kể thêm những thứ thông thường như bơ, phô-mát, xúc xích... dù viết bằng chữ Quốc ngữ thì ai ai cũng biết đó là beurre, fromage, saucisse của người Pháp.. .Đặc biệt, có những từ chỉ địa danh các nước ngoài lại được Việt hóa hoàn toàn như Pháp, Đức, Ý, Ba Lan, Hòa Lan... Có lẽ, khi viết bằng chữ Quốc ngữ như thế không phải ai ai của người nước đó cũng biết là ta đang viết về địa danh của nước họ (tất nhiên trừ trường hợp ngoại lệ).

Vậy thì ta nên suy nghĩ như thế nào về trường hợp nêu trên?

Nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo khẳng định: “Những tên nước như Pháp, Đức, Ý, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ... đã từ lâu trở thành những từ của tiếng Việt. Cũng như cái tên nước của tất cả các thứ tiếng khác, đó là những cái tên mà bản ngữ đặt cho các nước ngoài và trở thành một truyền thống. Vì những nguyên nhân lịch sử không có gì khó hiểu, cái tên đó có thể thật không chính xác”.  Và thật thú vị khi ông còn cho biết thêm một người bạn Ba Lan phát biểu: “Tôi rất lấy làm vinh dự là nước tôi ở trong số các nước có một cái tên Việt Nam. Điều đó chứng tỏ Ba Lan đã đi vào văn hóa của các bạn từ xưa, cũng như Pháp, Anh, Đức, Ý, Nga, Mỹ, tuy còn thua các nước này ở chỗ chưa được đơn tiết hóa. Nhưng tôi biết sở dĩ như vậy chỉ là vì chữ Ba, nếu không có chữ Lan, sẽ trùng với quá nhiều từ thông dụng của tiếng Việt”. Điều này cho thấy một khi ta du nhập thêm một từ mới của nước ngoài, ghi âm lại bằng chữ Quốc ngữ thì không những làm giàu cho vốn từ tiếng Việt mà còn là niềm tự hào của chính nước mà ta vây mượn. Nói như vậy không chủ quan, khi ta biết tự điển nước ngoài cũng có ghi những chữ Quốc ngữ của ta như áo dài, nước mắm v.v... cho dù chưa hẳn họ vây mượn của ta nhưng phải ghi đúng như thế để chỉ đúng một sự vật mà họ đang đề cập đến.

Vậy thì những từ chỉ tên riêng cũng nên ghi âm qua chữ Quốc ngữ như trên chăng?

Lâu nay, vẫn có người thực hiện như thế vì nghĩ là giúp cho những người không biết tiếng nước ngoài dễ đọc. Nhưng nhược điểm lớn nhất là mỗi người phiên âm một kiểu nên nhiều khi chỉ một người nhưng người ta lại tưởng là... nhiều người. Ví dụ khi ta viết bằng chữ Quốc ngữ Ri-gân, Ri- gơn, Rêi-gân tưởng là ba người khác nhau nhưng thật ra là cũng chỉ để nhằm vào...mỗi một ông Reagan mà thôi! Chúng tôi tán đồng với ý kiến của nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo, đối với cách viết tên riêng nước ngoài trên văn bản tiếng Việt thì không nên phiên âm như trên: “Vấn đề người bản ngữ có đọc dễ không không nên đặt ra, vì không ai đòi hỏi họ đọc đúng. Vả lại làm sao đọc đúng được tất cả các tên riêng của mấy trăm thứ tiếng?... Đã biết được điều đó, thì tốt nhất là hy sinh cách đọc để ít ra cũng được cách viết. Vả lại vấn đề đặt ra ở đây là “nên viết như thế nào”, chứ không phải là “nên đọc như thế nào”. Tên Reagan mà trước đây các báo phiên là Rigân, nếu có ai cứ đánh vần ra mà đọc “Re-a- gan” chẳng hạn, thì cũng chẳng hại gì hơn. Một đằng không biết phải đọc như thế nào, phải hỏi người khác; một đằng thì nắm chắc 80% là đọc sai- và có lẽ là vĩnh viễn đọc sai- đằng nào hơn ? v.v... Để hiểu rõ hơn về vấn đề này mời các bạn đọc thêm các bài viết của các nhà ngôn ngữ học đã công bố.

Trong khi  vây mượn các từ nước ngoài mà  ta thiếu, từ chỗ mượn nguyên chữ như trên đã nêu, thì đến thời điểm nào chữ Quốc ngữ mới có thể đảm đương nổi nhiệm vụ  của mình ?

Ở đây chúng tôi chỉ xin đề cập đến những hạn chế của chữ Quốc ngữ trong lãnh vực khoa học kỹ thuật. Mãi đến  năm 1944, giáo sư Hoàng Xuân Hãn mới ra quyển Danh từ khoa học (Toán, Lý, Hóa, Cơ Thiên Văn) nhằm Việt hóa các từ cần thiết để tiếng Việt ngày càng phong phú, đa dạng và trong sáng hơn. Có thể ghi nhận đây là một trong những đóng góp rất quan trọng trong hệ thống giáo dục Việt Nam nói chung và cho chữ Quốc ngữ nói riêng. Tất nhiên, trước và sau GS Hoàng Xuân Hãn cũng có những học giả tâm huyết thực hiện cộng việc khó nhọc này - nhưng Danh từ khoa học vẫn là cột mốc quan trọng nhất. Ngoài ra có lẽ cũng nên đề cập đến hai sự kiện giáo dục đáng kể nhất ở thế kỷ XX, có ảnh hưởng lớn trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ sâu rộng trong quần chúng và khiến mọi người tin tưởng ở tiền đồ của chữ Quốc ngữ là sự ra đời của trường Đông Kinh Nghĩa Thục (3.1907) do cụ Lương Văn Can làm Thục trưởng và Hội truyền bá Quốc ngữ (25.5.1938) do cụ Nguyễn Văn Tố Hội trưởng. Và chính hàng triệu con dân yêu chữ Quốc ngữ, yêu tiếng Việt đã ra sức bảo vệ, gìn giữ, sáng tạo để nó tồn tại và phát triển qua bao thăng trầm của lịch sử.

Phải chăng chữ Quốc ngữ nghèo nàn nên phải vây mượn như thế?

Với sự vây mượn (hoặc tiếp nhận) như thế này nhiều người lầm tưởng tiếng Việt, chữ  Quốc ngữ không đủ để trình bày... tư tưởng của mình nên đâm ra rẻ rúng nó! Thật ra, qua sự vây mượn này tiếng Việt ngày càng phong phú, đa dạng mà thực tế đã chứng minh rằng, tiếng Việt và chữ Quốc ngữ ngày càng hoàn hảo và đủ sức để diễn đạt bất cứ vấn đề gì. Trong tâm lý của người Việt, các từ vây mượn một khi du nhập vào kho tàng tiếng Việt thì người ta sử dụng nó tự nhiên như một từ thuần Việt. Nhưng lại không chấp nhận những ai dùng tiếng nước ngoài, hoặc viết bằng chữ nước ngoài để biểu lộ một sự vật, một tình cảm nào đó mà trong vốn từ tiếng Việt đã có.



Vấn đề cải cách chữ Quốc ngữ đã diễn ra như thế nào?


Chữ Quốc ngữ là một lối chữ viết ghi âm dùng chữ cái Latin, theo nguyên tắc cơ bản “phát âm thế nào thì viết thế ấy”. Từ đó, ta thấy một nhược điểm lớn nhất của chữ Quốc ngữ là có quá nhiều từ đồng âm, khó phân biệt. Hơn nữa lối ghi âm này chưa hoàn thiện, còn bộc lộ nhiều bất hợp lý. Trải qua năm tháng đã có nhiều tổ chức, nhiều người tiến hành cải cách chữ Quốc ngữ với mong muốn nó ngày hoàn thiện hơn. Từ năm 1868, Le Grand de la Liraye, Aymonier... là những người tiên phong đưa ra nhiều đề nghị cải tiến chữ Quốc ngữ. Sau đó, cuối năm 1902, tại Hà Nội, Hội nghị Quốc tế khảo cứu về Viễn đông lần thứ 1 cũng không thể không đề cập đến vấn đề này. Đến năm 1906, tại Hội đồng cải lương học của chính phủ Pháp ở Đông Dương lại tiếp tục đưa ra những cải cách khác.Nhìn chung các hội nghị trên không giải quyết được gì và cuộc tranh luận chấm dứt vào năm 1907 khi Hội đồng cải lương học lần thứ hai thông qua kiến nghị về việc nên giữ nguyên chữ Quốc ngữ, không cải cách. Vấn đề vẫn chưa dừng lại ở đó.

Về sau các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ như Tản Đà, Nguyễn Triệu Luật, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Bạt Tụy v.v... lại tiếp tục đưa ra những cải cách khác. Những tâm huyết này, ta có thể tóm gọn trong một câu nói nổi tiếng của học giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882- 1936) : "Nước Nam ta mai sau hay dở là ở chữ Quốc ngữ".  Hầu như ở thời điểm nào cũng có những ý kiến cải cách chữ Quốc ngữ.

  

Từ một ý kiến trên báo Hà Nội mới của ông Nguyễn Kim Hoạt....

Trong phạm vi của bài viết này, chúng tôi chỉ xin lướt qua các đề nghị cải cách chữ Quốc ngữ từ năm 1995 trở lại đây. Trên báo này số ra ngày 23.9.1995, ông Nguyễn Kim Hoạt đặt vấn đề "Có nên cải cách chữ Quốc ngữ không?". Theo ông thì: "Chữ Việt, thường gọi là chữ Quốc ngữ ra đời dựa trên hai cơ sở:1. Sử dụng hệ chữ cái Latinh; 2. Do các cố đạo người nước ngoài khởi xướng. Từ đó dẫn đến hai vấn đề tồn tại: Một là hệ chữ cái La tinh có 26 chữ cái mà chữ Việt mới sử dụng có 22 (không kể một chữ cái xuất thân từ chữ cái Latinh, nhưng chỉ có chữ Việt dùng, đó là chữ Đ (đờ), còn chữ D (dê - đọc theo âm tiếng Pháp) trong chữ cái Latinh được chuyển thành chữ "dờ" trong tiếng Việt ). Như vậy, còn có 4 chữ cái Latinh mà chữ Việt chưa dùng tới: Z (dét), F (phờ), J (gi) và W (vờ kép). Hai là các cố đạo người nước ngoài, tác giả của việc mã hóa tiếng Việt bằng chữ cái Latinh, cho dù đã cư trú lâu ở Việt Nam, nhưng cũng không thể đi sâu nghiên cứu đầy đủ tiếng Việt như một học giả người Việt được. Hơn nữa các giáo sĩ đó mã hóa tiếng Việt nhằm mục đích truyền giáo (in kinh thánh), mà lại truyền giáo trong điều kiện lịch sử là bị chính quyền phong kiến Việt Nam coi đạo Thiên chúa là tà giáo và bị cấm. Do đó, các tác giả làm công việc mã hóa tiếng Việt bị hạn chế cả về thời gian và không gian. Trong hoàn cảnh bất lợi về chủ quan và khách quan ấy, chắc chắn việc mã hóa tiếng Việt chưa thể hoàn chỉnh được".

Đề nghị cải cách của ông có mấy điểm chính như: không thay chữ cái D bằng bất kỳ chữ cái nào khác; không nên thay Z cho GI và F cho PH; nên thay J cho GI (ví dụ:giặt giạ = jặc jịa) và bỏ phụ âm kép GH (ví dụ: Ghênh = gênh); do ta đánh vần a nhờ ANH, ê nhờ ÊNH, i nhờ INH vậy thì o nhờ ONH, chứ không thể là ONG được (ví dụ: ngóng = ngónh). Dường như đề nghị này không vọng lại tín hiệu đáng kể nào trên mặt báo.

đến ý kiến của ông Bùi Ngọc Sánh trên báo Sài Gòn giải phóng và...


Sau đó, trên báo Sài Gòn giải phóng số ra ngày 24.6.1996 có in ý kiến: "Chừng nào mới đổi mới cách viết chữ Quốc ngữ" của ông Bùi Ngọc Sánh từ Paris gửi về. Đại khái, theo ông: "Chấp nhận chuẩn hóa để C thay K; K thay KH; Q thay QU; Z thay D; D thay Đ; F thay PH; J thay GI; G thay GH; NG thay NGH; A thay Ă ; O thay Ơ; U thay Ư" v.v... và "Trong đoạn kế tiếp sau đây, xin được viết bằng những chữ mới" đại loại như: "Tiếng Việt Nam, tiếng nói chữ viết, cũng là một, là của cải, là tài sản, là vốn qý jữ jìn, chống chọi với mọi sự đồng hóa của tiếng nước ngoài, vun trồng, cải tiến, fát triển là sự nghiệp chung của cả zân tộc. Chung sức chung tài dốc lòng DÔI MỚI, thật sớm, là trách nhiệm của mọi nguoi zân, của mỗi chúng ta, thành viên của cộng đồng Việt ngu". Ý kiến này lập tức có ngay thông tin phản hồi, trao đổi lại.

các ý kiến tranh luận lại.

Cũng trên báo Sài Gòn giải phóng số ra ngày 17.8.1996 có đăng bài viết như của các ông Phùng Đình Cung không tán thành vì thấy có chỗ chưa ổn: "Tiếng Việt mang bản sắc Việt Nam với những nét riêng rất Việt Nam, ổn định và hình thành thói quen trong cách viết, cách đọc của người Việt Nam rất nhuần nhuyễn và sâu đậm. Muốn chuyển đổi, cải cách nó phải tính đến những đặc điểm ấy, phải được nghiên cứu thật sâu, thật kỹ, tập trung trí tuệ công khai, tập thể của những nhà ngôn ngữ, sinh ngữ học, những cơ quan chức năng để kết luận thống nhất, không thể chỉ trong một nhóm, một số người và hời hợt, giản lược được" và “Tôi thấy còn có chỗ chưa ổn, như dùng nguyên âm o thay ơ, u thay ư trong khi ngôn ngữ Việt Nam thường gặp nhiều từ có hai nguyên âm ư và ơ đứng liền nhau, viết theo mẫu chữ mới của ông Sánh nêu ta sẽ thấy nó rậm mắt, nặng nề cho con chữ và ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ nữa”;

Còn ông Huyền Viêm cho rằng về đề nghị đổi mới cách viết của ông Bùi Ngọc Sánh thật ra cũng không phải là mới, mà "còn thêm rối rắm có ích gì đâu?" và cho biết nhiều thông tin thú vị: "Khoảng 40 năm trước, ngành bưu điện đã tự đổi mới cách viết để dùng trong việc đánh điện tín và còn dùng đến ngày nay, vì chữ trong các bức điện không có dấu. Theo cách đánh điện ấy thì chữ Ă thay bằng AW, Ê thay bằng EE, Ô thay bằng OO, Ơ thay bằng OW, Ư thay bằng UW, dấu sắc thay bằng chữ S, dấu huyền thay bằng F v.v… Nhưng bưu điện dùng thì cứ dùng, còn dân chẳng ai theo. Rồi cách đây khoảng 30 năm, một số nhà thơ ở Sài Gòn như Phan Trần Tử Hương, Bùi Giáng, Nguyễn Ngu Í (tức Nguyễn Hữu Ngư) cùng một số bạn hữu đã đề xuất ý kiến cải cách chữ Quốc ngữ, và tất cả những gì ông Sánh đề nghị đổi mới thì các thi sĩ trên đây cùng bạn hữu đã làm 30 năm trước rồi. Xin nêu một ví dụ. Nhà thơ Phan Trần Tử Hương viết:

Mười hai bến nước biêt về đâu (biết)

Ôm trọn ngàn năm một kối sầu (khối)

Ngọc ngà năm tháng đà qên hết (quên)

Đã lỡ còn đâu nửa nhịb cầu (nhịp)

"Các nhà thơ ấy còn đi xa hơn ông Bùi Ngọc Sánh nữa, bằng cách đề nghị: - Thay tất cả những Y bằng I (như yêu= iêu; Nguyễn = Nguiễn); thay chữ P bằng B ở cuối chữ (như hiệb thay cho hiệp; đáb thay cho đáp) như vậy trong chữ Quốc ngữ không còn chữ P nữa, vì PH đã được thay F rồi; bỏ tất cả các dấu sắc ở những chữ không thể đọc khác được: CAC thay cho CÁC, NHÂT thay cho NHẤT".

Qua số báo ra ngày 19.8.1996, có in  ba ý kiến của ba người khác: ông Nguyễn Hoàng cho rằng: "Về cơ bản, tôi hoàn toàn tán thành lập luận cũng như các đề nghị sửa đổi của tác giả Bùi Ngọc Sánh. Duy có điểm tôi muốn mọi người xem xét thêm: Nên sử dụng thêm chữ cái Latinh W với quy ước thay thế cho các phụ âm ghép NG và NGH hiện nay"; theo ông Huy Chính thì : "Tiếng Việt ta rất giàu về âm, về nghĩa, về diễn đạt tình cảm, về thói quen thẩm mỹ… qua mẫu tự. Ví dụ câu thơ của Hồ Xuân Hương "Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa" mà viết thành "Zee cỏn buoòn siình húc zaạu thiia" thì ôi thôi văn chương khó mà lý giải cho hay được". Rồi ông Nguyễn Hữu Cảm cũng không tán đồng việc cải cách như trên mà "muốn nói đến âm NGH. Đúng là thay âm NGH bằng NG thì tiếng Việt sẽ đơn giản hơn và hầu như không có xáo trộn gì đáng kể".

Tại Hội nghị "Chữ Quốc ngữ và sự phát triển chức năng xã hội của tiếng Việt" (tổ chức ngày 11.4.1996 tại trường Đại học Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh), trong tham luận "Mấy nhận xét về chữ Quốc ngữ", GS Cao Xuân Hạo cho biết: "Có lẽ chữ Quốc ngữ chỉ nên đổi một điểm duy nhất là bỏ h sau ng (chứ không phải sau g)". Ngoài ra, từ nhiều năm nay, chúng ta vẫn thấy trên báo chí có những cuộc tranh luận, trao đổi đại loại như có nên thay Y bằng I hoặc giữa dấu hỏi và dấu ngã có nên bỏ bớt đi một dấu? hoặc nên hay không nên phiên âm tiếng nước ngoài ra tiếng Việt?... Nhìn chung, các vấn đề trên chưa ngã ngũ. Chẳng hạn, về vấn đề thay Y hay I thì có ba xu hướng đã xuất hiện. Một là thay Y bằng I trong những từ có Y  đứng liền sau các phụ âm H,K,L,M,T (như hy=hi); hai là thay Y bằng I trong tất cả các từ, nếu việc thay thế không thay đổi cách phát âm (như y tế = i tế); ba là không cần phải thay thế v.v...

Tất cả đang còn là vấn đề tranh luận và phải chờ ý kiến xác đáng của các nhà ngôn ngữ học. Chúng ta biết ơn những người đã nhiệt tâm muốn cải cách, thay đổi chữ Quốc ngữ ngày càng hoàn thiện hơn, nhưng vấn đề này không dơn giản. Từ những năm 40 của thế kỷ XX, GS Hoàng Xuân Hãn đã khẳng định: “Tiếng hiện thời của các nước đều là đầy những sự vô lý. Nhưng đố ai cải cách nó được”. Thiết nghĩ, chữ Quốc ngữ đã trở thành máu thịt thiêng liêng trong tâm trí, đời sống tình cảm của mỗi con dân nước Việt. Từng con chữ không chỉ có xác, mà còn có hồn - hồn của một dân tộc ẩn hiện trong đó. Do đó, dù chữ Quốc ngữ còn có những khiếm khuyết chưa thật hoàn thiện, nhưng người ta không thể cải cách, thêm bớt một cách tùy tiện theo chủ quan của mình.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

may tinh bang-dien thoai vo go-sửa nhà

máy tính bảng-vỏ gỗ-sửa chữa nhà