THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo LÊ MINH QUỐC: Chữ Quốc ngữ từ thuở phôi thai đến nay - 3. Vấn đề cải cách chữ Quốc ngữ đã diễn ra như thế nào?

LÊ MINH QUỐC: Chữ Quốc ngữ từ thuở phôi thai đến nay - 3. Vấn đề cải cách chữ Quốc ngữ đã diễn ra như thế nào?

Mục lục
LÊ MINH QUỐC: Chữ Quốc ngữ từ thuở phôi thai đến nay
1. Thuở bình minh của chữ Quốc ngữ từ thời Alexandre de Rhodes...
2. Chữ Quốc ngữ trên bước đường du nhập tiếng nước ngoài
3. Vấn đề cải cách chữ Quốc ngữ đã diễn ra như thế nào?
Tất cả các trang


Vấn đề cải cách chữ Quốc ngữ đã diễn ra như thế nào?


Chữ Quốc ngữ là một lối chữ viết ghi âm dùng chữ cái Latin, theo nguyên tắc cơ bản “phát âm thế nào thì viết thế ấy”. Từ đó, ta thấy một nhược điểm lớn nhất của chữ Quốc ngữ là có quá nhiều từ đồng âm, khó phân biệt. Hơn nữa lối ghi âm này chưa hoàn thiện, còn bộc lộ nhiều bất hợp lý. Trải qua năm tháng đã có nhiều tổ chức, nhiều người tiến hành cải cách chữ Quốc ngữ với mong muốn nó ngày hoàn thiện hơn. Từ năm 1868, Le Grand de la Liraye, Aymonier... là những người tiên phong đưa ra nhiều đề nghị cải tiến chữ Quốc ngữ. Sau đó, cuối năm 1902, tại Hà Nội, Hội nghị Quốc tế khảo cứu về Viễn đông lần thứ 1 cũng không thể không đề cập đến vấn đề này. Đến năm 1906, tại Hội đồng cải lương học của chính phủ Pháp ở Đông Dương lại tiếp tục đưa ra những cải cách khác.Nhìn chung các hội nghị trên không giải quyết được gì và cuộc tranh luận chấm dứt vào năm 1907 khi Hội đồng cải lương học lần thứ hai thông qua kiến nghị về việc nên giữ nguyên chữ Quốc ngữ, không cải cách. Vấn đề vẫn chưa dừng lại ở đó.

Về sau các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ như Tản Đà, Nguyễn Triệu Luật, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Bạt Tụy v.v... lại tiếp tục đưa ra những cải cách khác. Những tâm huyết này, ta có thể tóm gọn trong một câu nói nổi tiếng của học giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882- 1936) : "Nước Nam ta mai sau hay dở là ở chữ Quốc ngữ".  Hầu như ở thời điểm nào cũng có những ý kiến cải cách chữ Quốc ngữ.

  

Từ một ý kiến trên báo Hà Nội mới của ông Nguyễn Kim Hoạt....

Trong phạm vi của bài viết này, chúng tôi chỉ xin lướt qua các đề nghị cải cách chữ Quốc ngữ từ năm 1995 trở lại đây. Trên báo này số ra ngày 23.9.1995, ông Nguyễn Kim Hoạt đặt vấn đề "Có nên cải cách chữ Quốc ngữ không?". Theo ông thì: "Chữ Việt, thường gọi là chữ Quốc ngữ ra đời dựa trên hai cơ sở:1. Sử dụng hệ chữ cái Latinh; 2. Do các cố đạo người nước ngoài khởi xướng. Từ đó dẫn đến hai vấn đề tồn tại: Một là hệ chữ cái La tinh có 26 chữ cái mà chữ Việt mới sử dụng có 22 (không kể một chữ cái xuất thân từ chữ cái Latinh, nhưng chỉ có chữ Việt dùng, đó là chữ Đ (đờ), còn chữ D (dê - đọc theo âm tiếng Pháp) trong chữ cái Latinh được chuyển thành chữ "dờ" trong tiếng Việt ). Như vậy, còn có 4 chữ cái Latinh mà chữ Việt chưa dùng tới: Z (dét), F (phờ), J (gi) và W (vờ kép). Hai là các cố đạo người nước ngoài, tác giả của việc mã hóa tiếng Việt bằng chữ cái Latinh, cho dù đã cư trú lâu ở Việt Nam, nhưng cũng không thể đi sâu nghiên cứu đầy đủ tiếng Việt như một học giả người Việt được. Hơn nữa các giáo sĩ đó mã hóa tiếng Việt nhằm mục đích truyền giáo (in kinh thánh), mà lại truyền giáo trong điều kiện lịch sử là bị chính quyền phong kiến Việt Nam coi đạo Thiên chúa là tà giáo và bị cấm. Do đó, các tác giả làm công việc mã hóa tiếng Việt bị hạn chế cả về thời gian và không gian. Trong hoàn cảnh bất lợi về chủ quan và khách quan ấy, chắc chắn việc mã hóa tiếng Việt chưa thể hoàn chỉnh được".

Đề nghị cải cách của ông có mấy điểm chính như: không thay chữ cái D bằng bất kỳ chữ cái nào khác; không nên thay Z cho GI và F cho PH; nên thay J cho GI (ví dụ:giặt giạ = jặc jịa) và bỏ phụ âm kép GH (ví dụ: Ghênh = gênh); do ta đánh vần a nhờ ANH, ê nhờ ÊNH, i nhờ INH vậy thì o nhờ ONH, chứ không thể là ONG được (ví dụ: ngóng = ngónh). Dường như đề nghị này không vọng lại tín hiệu đáng kể nào trên mặt báo.

đến ý kiến của ông Bùi Ngọc Sánh trên báo Sài Gòn giải phóng và...


Sau đó, trên báo Sài Gòn giải phóng số ra ngày 24.6.1996 có in ý kiến: "Chừng nào mới đổi mới cách viết chữ Quốc ngữ" của ông Bùi Ngọc Sánh từ Paris gửi về. Đại khái, theo ông: "Chấp nhận chuẩn hóa để C thay K; K thay KH; Q thay QU; Z thay D; D thay Đ; F thay PH; J thay GI; G thay GH; NG thay NGH; A thay Ă ; O thay Ơ; U thay Ư" v.v... và "Trong đoạn kế tiếp sau đây, xin được viết bằng những chữ mới" đại loại như: "Tiếng Việt Nam, tiếng nói chữ viết, cũng là một, là của cải, là tài sản, là vốn qý jữ jìn, chống chọi với mọi sự đồng hóa của tiếng nước ngoài, vun trồng, cải tiến, fát triển là sự nghiệp chung của cả zân tộc. Chung sức chung tài dốc lòng DÔI MỚI, thật sớm, là trách nhiệm của mọi nguoi zân, của mỗi chúng ta, thành viên của cộng đồng Việt ngu". Ý kiến này lập tức có ngay thông tin phản hồi, trao đổi lại.

các ý kiến tranh luận lại.

Cũng trên báo Sài Gòn giải phóng số ra ngày 17.8.1996 có đăng bài viết như của các ông Phùng Đình Cung không tán thành vì thấy có chỗ chưa ổn: "Tiếng Việt mang bản sắc Việt Nam với những nét riêng rất Việt Nam, ổn định và hình thành thói quen trong cách viết, cách đọc của người Việt Nam rất nhuần nhuyễn và sâu đậm. Muốn chuyển đổi, cải cách nó phải tính đến những đặc điểm ấy, phải được nghiên cứu thật sâu, thật kỹ, tập trung trí tuệ công khai, tập thể của những nhà ngôn ngữ, sinh ngữ học, những cơ quan chức năng để kết luận thống nhất, không thể chỉ trong một nhóm, một số người và hời hợt, giản lược được" và “Tôi thấy còn có chỗ chưa ổn, như dùng nguyên âm o thay ơ, u thay ư trong khi ngôn ngữ Việt Nam thường gặp nhiều từ có hai nguyên âm ư và ơ đứng liền nhau, viết theo mẫu chữ mới của ông Sánh nêu ta sẽ thấy nó rậm mắt, nặng nề cho con chữ và ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ nữa”;

Còn ông Huyền Viêm cho rằng về đề nghị đổi mới cách viết của ông Bùi Ngọc Sánh thật ra cũng không phải là mới, mà "còn thêm rối rắm có ích gì đâu?" và cho biết nhiều thông tin thú vị: "Khoảng 40 năm trước, ngành bưu điện đã tự đổi mới cách viết để dùng trong việc đánh điện tín và còn dùng đến ngày nay, vì chữ trong các bức điện không có dấu. Theo cách đánh điện ấy thì chữ Ă thay bằng AW, Ê thay bằng EE, Ô thay bằng OO, Ơ thay bằng OW, Ư thay bằng UW, dấu sắc thay bằng chữ S, dấu huyền thay bằng F v.v… Nhưng bưu điện dùng thì cứ dùng, còn dân chẳng ai theo. Rồi cách đây khoảng 30 năm, một số nhà thơ ở Sài Gòn như Phan Trần Tử Hương, Bùi Giáng, Nguyễn Ngu Í (tức Nguyễn Hữu Ngư) cùng một số bạn hữu đã đề xuất ý kiến cải cách chữ Quốc ngữ, và tất cả những gì ông Sánh đề nghị đổi mới thì các thi sĩ trên đây cùng bạn hữu đã làm 30 năm trước rồi. Xin nêu một ví dụ. Nhà thơ Phan Trần Tử Hương viết:

Mười hai bến nước biêt về đâu (biết)

Ôm trọn ngàn năm một kối sầu (khối)

Ngọc ngà năm tháng đà qên hết (quên)

Đã lỡ còn đâu nửa nhịb cầu (nhịp)

"Các nhà thơ ấy còn đi xa hơn ông Bùi Ngọc Sánh nữa, bằng cách đề nghị: - Thay tất cả những Y bằng I (như yêu= iêu; Nguyễn = Nguiễn); thay chữ P bằng B ở cuối chữ (như hiệb thay cho hiệp; đáb thay cho đáp) như vậy trong chữ Quốc ngữ không còn chữ P nữa, vì PH đã được thay F rồi; bỏ tất cả các dấu sắc ở những chữ không thể đọc khác được: CAC thay cho CÁC, NHÂT thay cho NHẤT".

Qua số báo ra ngày 19.8.1996, có in  ba ý kiến của ba người khác: ông Nguyễn Hoàng cho rằng: "Về cơ bản, tôi hoàn toàn tán thành lập luận cũng như các đề nghị sửa đổi của tác giả Bùi Ngọc Sánh. Duy có điểm tôi muốn mọi người xem xét thêm: Nên sử dụng thêm chữ cái Latinh W với quy ước thay thế cho các phụ âm ghép NG và NGH hiện nay"; theo ông Huy Chính thì : "Tiếng Việt ta rất giàu về âm, về nghĩa, về diễn đạt tình cảm, về thói quen thẩm mỹ… qua mẫu tự. Ví dụ câu thơ của Hồ Xuân Hương "Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa" mà viết thành "Zee cỏn buoòn siình húc zaạu thiia" thì ôi thôi văn chương khó mà lý giải cho hay được". Rồi ông Nguyễn Hữu Cảm cũng không tán đồng việc cải cách như trên mà "muốn nói đến âm NGH. Đúng là thay âm NGH bằng NG thì tiếng Việt sẽ đơn giản hơn và hầu như không có xáo trộn gì đáng kể".

Tại Hội nghị "Chữ Quốc ngữ và sự phát triển chức năng xã hội của tiếng Việt" (tổ chức ngày 11.4.1996 tại trường Đại học Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh), trong tham luận "Mấy nhận xét về chữ Quốc ngữ", GS Cao Xuân Hạo cho biết: "Có lẽ chữ Quốc ngữ chỉ nên đổi một điểm duy nhất là bỏ h sau ng (chứ không phải sau g)". Ngoài ra, từ nhiều năm nay, chúng ta vẫn thấy trên báo chí có những cuộc tranh luận, trao đổi đại loại như có nên thay Y bằng I hoặc giữa dấu hỏi và dấu ngã có nên bỏ bớt đi một dấu? hoặc nên hay không nên phiên âm tiếng nước ngoài ra tiếng Việt?... Nhìn chung, các vấn đề trên chưa ngã ngũ. Chẳng hạn, về vấn đề thay Y hay I thì có ba xu hướng đã xuất hiện. Một là thay Y bằng I trong những từ có Y  đứng liền sau các phụ âm H,K,L,M,T (như hy=hi); hai là thay Y bằng I trong tất cả các từ, nếu việc thay thế không thay đổi cách phát âm (như y tế = i tế); ba là không cần phải thay thế v.v...

Tất cả đang còn là vấn đề tranh luận và phải chờ ý kiến xác đáng của các nhà ngôn ngữ học. Chúng ta biết ơn những người đã nhiệt tâm muốn cải cách, thay đổi chữ Quốc ngữ ngày càng hoàn thiện hơn, nhưng vấn đề này không dơn giản. Từ những năm 40 của thế kỷ XX, GS Hoàng Xuân Hãn đã khẳng định: “Tiếng hiện thời của các nước đều là đầy những sự vô lý. Nhưng đố ai cải cách nó được”. Thiết nghĩ, chữ Quốc ngữ đã trở thành máu thịt thiêng liêng trong tâm trí, đời sống tình cảm của mỗi con dân nước Việt. Từng con chữ không chỉ có xác, mà còn có hồn - hồn của một dân tộc ẩn hiện trong đó. Do đó, dù chữ Quốc ngữ còn có những khiếm khuyết chưa thật hoàn thiện, nhưng người ta không thể cải cách, thêm bớt một cách tùy tiện theo chủ quan của mình.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...




Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com