THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo LÊ MINH QUỐC: Chữ Quốc ngữ từ thuở phôi thai đến nay - 2. Chữ Quốc ngữ trên bước đường du nhập tiếng nước ngoài

LÊ MINH QUỐC: Chữ Quốc ngữ từ thuở phôi thai đến nay - 2. Chữ Quốc ngữ trên bước đường du nhập tiếng nước ngoài

Mục lục
LÊ MINH QUỐC: Chữ Quốc ngữ từ thuở phôi thai đến nay
1. Thuở bình minh của chữ Quốc ngữ từ thời Alexandre de Rhodes...
2. Chữ Quốc ngữ trên bước đường du nhập tiếng nước ngoài
3. Vấn đề cải cách chữ Quốc ngữ đã diễn ra như thế nào?
Tất cả các trang


Chữ Quốc ngữ trên bước đường du nhập tiếng nước ngoài

 

Tại sao phải du nhập tiếng nước ngoài ?

Đi theo gót chân xâm lược của thực dân Pháp đến Việt Nam, ngoài vũ khí và âm mưu muốn mở rộng thị trường kinh tế, để truyền đạo v.v... còn có ngôn ngữ để giao tiếp. Khi những người lính chiến dạn dày trận mạc đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, thì những kẻ đi xâm lược phải nghĩ đến công cuộc “khai hóa” cho người dân bản xứ! Vấn đề đặt ra đầu tiên là làm sao để tiếp xúc, giao thiệp với nhau khi mà cả hai đều bất đồng ngôn ngữ? Có hai cách, hoặc chúng ra sức học tiếng nói, chữ viết của người Việt Nam (nhưng chữ Hán, chữ Nôm không phải là dễ học, học đến lúc thông thạo thì mất thời gian quá dài); hoặc dạy người Việt Nam học và nói tiếng Pháp (nhưng đội ngũ giáo viên hiện có không đáp ứng nổi).

Vậy là, cả hai biện pháp này đều không dễ dàng thực hiện nhanh chóng trong một sớm, một chiều được.

Cuối cùng, chúng chọn giải pháp là cả đôi bên cùng “hợp tác” dùng mẫu tự La tinh để ghi âm lại tiếng Việt Nam. Nhưng việc trước mắt là phải có những người trung gian để giúp đôi bên có thể hiểu nhau. Do đó, tại Nam Kỳ, ngày 21.9.1861, chúng lập trường thông ngôn mang tên Pigneau de Béhaine (1741 - 1700) tức Bá Đa Lộc; tại Bắc Kỳ, tháng 1.1886, chúng cũng lập trường thông ngôn ở phố Jean Dupuis, tức Đồ Phổ Nghĩa, sau chuyển ra Yên Phụ. Đây là những bước đầu tiên để tiếng Pháp du nhập vào Việt Nam. Trong quá trình giao tiếp, có những sản phẩm vật chất và tinh thần của người Pháp mà chữ Quốc ngữ  chưa diễn tả được nên phải vây mượn hoặc sáng tạo ra chữ mới để gọi đúng sự vật đó.

Cho biết một ví dụ mà thuở đó trong sách giáo khoa các thầy giáo Việt Nam đã vây mượn?

Chẳng hạn quyển Thiệt hành điễn học của thầy “Alexis Lân, Ingénieur Electricien” biên soạn, Imprimerie F.H Schneider xuất bản năm 1917 tại Sài Gòn là “Sách dạy những điều cần kíp cho những thợ Annam làm các máy điển khí và những học trò các trường Bá Nghệ”.  Đây là bài toán số 8 (trang 77):  “Hai cái đèn thắp bằng than sức nó là 10 ampères mà câu en série theo một mạch hơi là 120 volts. Mình biết cái différence de potentiel của mỗi cái đèn không có quá trên 45 volts phải độ một cái résistance mà câu en série với hai cái đèn đó đặng cầm bớt volts cho vừa theo sức nó”. Hoặc trong sách giáo khoa Trưởng học toán pháp của thầy Hồ Ngọc Cẩn ta cũng thấy có một số từ vẫn giữ nguyên, chẳng hạn taux (tiền lời) hoặc temps (thời gian)...Vậy thầy mới đặt thơ cho học trò dễ thuộc:

Tìm taux, tìm vốn, tìm temps

Lời, trăm, niên, nguyệt thì bằng đặt trên

Tìm lời thì có luật riêng

Taux, temps và vốn đặt trên hoài hoài.

Trong sự vây mượn này, nếu ghi âm sang chữ Quốc ngữ thì cách viết có gì khác?  Tất nhiên là có sự khác biệt. Trong quyển Từ điển các từ tiếng Việt gốc Pháp (Hội nghiên cứu giảng dạy văn học TP.HCM - XB 1992) đồng tác giả Nguyễn Quảng Tuân - Nguyễn Đức Dân đã phân tích vấn để này. Sau đây là một vài dẫn chứng: “Chẳng hạn, các phụ âm /k/, /m/,/n/ khi vào tiếng Việt hầu như giữ nguyên ở mọi từ như kilo : ký-lô, canot : ca-nô... Những âm đầu và âm cuối nào không có trong tiếng Việt sẽ được chuyển thành một âm gần gũi về phương thức và vị trí phát âm. Chẳng hạn, tiếng Việt không có các âm tắc /b/,/d/,/g/ hoặc các âm xát /s/,/h/,/z/ đứng cuối nên các âm cuối này khi vào tiếng Việt đều bị chuyển đổi. Chẳng hạn, khi là âm cuối, /b/ chuyển thành /p/ như double: đúp...; khi là âm cuối /d/ được chuyển thành /t/ như acide: a-xít...Trước đây, âm /p/ không thể làm âm đầu nên khi là âm đầu, /p/ chuyển thành /b/ như pardessus: ba-đờ-xuy v.v...” hoặc cũng một chữ nhưng chúng ta thấy có nhiều “biến thể” khác nhau khi viết bằng chữ Quốc ngữ như pomme: bôm, bơm, bôôm ; savon: xà phòng, xà bông; crique: xiếc, xiệc; bonjour: bông dua, bông sua, sua v.v...

Một khi đã “nhập tịch” vào kho tàng tiếng Việt thì có thể xem đó là một chữ thuần Việt? Có lẽ cũng nên mạnh dạn khẳng định như thế. Chẳng hạn, khi viết một chữ dù vây mượn nhưng theo cách ghi âm của chữ Quốc ngữ với đầy đủ các dấu hỏi ngã thì bất cứ người Việt nào cũng cảm nhận rõ ý nghĩa của nó. Ví dụ: khi viết cà phê thì người Việt nào dù không biết tiếng Pháp vẫn viết đó là... cà phê, nhưng nếu viết đúng như tiếng Pháp (café) thì có người đành... chịu! Nhà thơ Phùng Quán có kể cho một nhà ngôn ngữ học biết là khi đến một nông trường ở miền Bắc ông thấy trên tấm bảng có ghi “Nơi đây sản xuất cà”. Như vậy cũng là café nhưng khi qua tiếng Việt chỉ còn mỗi một chữ cụt ngũn... cà ! Còn phê là gì thì họ không hiểu nên bỏ luôn! Ngoài ra, ta còn có thể kể thêm những thứ thông thường như bơ, phô-mát, xúc xích... dù viết bằng chữ Quốc ngữ thì ai ai cũng biết đó là beurre, fromage, saucisse của người Pháp.. .Đặc biệt, có những từ chỉ địa danh các nước ngoài lại được Việt hóa hoàn toàn như Pháp, Đức, Ý, Ba Lan, Hòa Lan... Có lẽ, khi viết bằng chữ Quốc ngữ như thế không phải ai ai của người nước đó cũng biết là ta đang viết về địa danh của nước họ (tất nhiên trừ trường hợp ngoại lệ).

Vậy thì ta nên suy nghĩ như thế nào về trường hợp nêu trên?

Nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo khẳng định: “Những tên nước như Pháp, Đức, Ý, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ... đã từ lâu trở thành những từ của tiếng Việt. Cũng như cái tên nước của tất cả các thứ tiếng khác, đó là những cái tên mà bản ngữ đặt cho các nước ngoài và trở thành một truyền thống. Vì những nguyên nhân lịch sử không có gì khó hiểu, cái tên đó có thể thật không chính xác”.  Và thật thú vị khi ông còn cho biết thêm một người bạn Ba Lan phát biểu: “Tôi rất lấy làm vinh dự là nước tôi ở trong số các nước có một cái tên Việt Nam. Điều đó chứng tỏ Ba Lan đã đi vào văn hóa của các bạn từ xưa, cũng như Pháp, Anh, Đức, Ý, Nga, Mỹ, tuy còn thua các nước này ở chỗ chưa được đơn tiết hóa. Nhưng tôi biết sở dĩ như vậy chỉ là vì chữ Ba, nếu không có chữ Lan, sẽ trùng với quá nhiều từ thông dụng của tiếng Việt”. Điều này cho thấy một khi ta du nhập thêm một từ mới của nước ngoài, ghi âm lại bằng chữ Quốc ngữ thì không những làm giàu cho vốn từ tiếng Việt mà còn là niềm tự hào của chính nước mà ta vây mượn. Nói như vậy không chủ quan, khi ta biết tự điển nước ngoài cũng có ghi những chữ Quốc ngữ của ta như áo dài, nước mắm v.v... cho dù chưa hẳn họ vây mượn của ta nhưng phải ghi đúng như thế để chỉ đúng một sự vật mà họ đang đề cập đến.

Vậy thì những từ chỉ tên riêng cũng nên ghi âm qua chữ Quốc ngữ như trên chăng?

Lâu nay, vẫn có người thực hiện như thế vì nghĩ là giúp cho những người không biết tiếng nước ngoài dễ đọc. Nhưng nhược điểm lớn nhất là mỗi người phiên âm một kiểu nên nhiều khi chỉ một người nhưng người ta lại tưởng là... nhiều người. Ví dụ khi ta viết bằng chữ Quốc ngữ Ri-gân, Ri- gơn, Rêi-gân tưởng là ba người khác nhau nhưng thật ra là cũng chỉ để nhằm vào...mỗi một ông Reagan mà thôi! Chúng tôi tán đồng với ý kiến của nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo, đối với cách viết tên riêng nước ngoài trên văn bản tiếng Việt thì không nên phiên âm như trên: “Vấn đề người bản ngữ có đọc dễ không không nên đặt ra, vì không ai đòi hỏi họ đọc đúng. Vả lại làm sao đọc đúng được tất cả các tên riêng của mấy trăm thứ tiếng?... Đã biết được điều đó, thì tốt nhất là hy sinh cách đọc để ít ra cũng được cách viết. Vả lại vấn đề đặt ra ở đây là “nên viết như thế nào”, chứ không phải là “nên đọc như thế nào”. Tên Reagan mà trước đây các báo phiên là Rigân, nếu có ai cứ đánh vần ra mà đọc “Re-a- gan” chẳng hạn, thì cũng chẳng hại gì hơn. Một đằng không biết phải đọc như thế nào, phải hỏi người khác; một đằng thì nắm chắc 80% là đọc sai- và có lẽ là vĩnh viễn đọc sai- đằng nào hơn ? v.v... Để hiểu rõ hơn về vấn đề này mời các bạn đọc thêm các bài viết của các nhà ngôn ngữ học đã công bố.

Trong khi  vây mượn các từ nước ngoài mà  ta thiếu, từ chỗ mượn nguyên chữ như trên đã nêu, thì đến thời điểm nào chữ Quốc ngữ mới có thể đảm đương nổi nhiệm vụ  của mình ?

Ở đây chúng tôi chỉ xin đề cập đến những hạn chế của chữ Quốc ngữ trong lãnh vực khoa học kỹ thuật. Mãi đến  năm 1944, giáo sư Hoàng Xuân Hãn mới ra quyển Danh từ khoa học (Toán, Lý, Hóa, Cơ Thiên Văn) nhằm Việt hóa các từ cần thiết để tiếng Việt ngày càng phong phú, đa dạng và trong sáng hơn. Có thể ghi nhận đây là một trong những đóng góp rất quan trọng trong hệ thống giáo dục Việt Nam nói chung và cho chữ Quốc ngữ nói riêng. Tất nhiên, trước và sau GS Hoàng Xuân Hãn cũng có những học giả tâm huyết thực hiện cộng việc khó nhọc này - nhưng Danh từ khoa học vẫn là cột mốc quan trọng nhất. Ngoài ra có lẽ cũng nên đề cập đến hai sự kiện giáo dục đáng kể nhất ở thế kỷ XX, có ảnh hưởng lớn trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ sâu rộng trong quần chúng và khiến mọi người tin tưởng ở tiền đồ của chữ Quốc ngữ là sự ra đời của trường Đông Kinh Nghĩa Thục (3.1907) do cụ Lương Văn Can làm Thục trưởng và Hội truyền bá Quốc ngữ (25.5.1938) do cụ Nguyễn Văn Tố Hội trưởng. Và chính hàng triệu con dân yêu chữ Quốc ngữ, yêu tiếng Việt đã ra sức bảo vệ, gìn giữ, sáng tạo để nó tồn tại và phát triển qua bao thăng trầm của lịch sử.

Phải chăng chữ Quốc ngữ nghèo nàn nên phải vây mượn như thế?

Với sự vây mượn (hoặc tiếp nhận) như thế này nhiều người lầm tưởng tiếng Việt, chữ  Quốc ngữ không đủ để trình bày... tư tưởng của mình nên đâm ra rẻ rúng nó! Thật ra, qua sự vây mượn này tiếng Việt ngày càng phong phú, đa dạng mà thực tế đã chứng minh rằng, tiếng Việt và chữ Quốc ngữ ngày càng hoàn hảo và đủ sức để diễn đạt bất cứ vấn đề gì. Trong tâm lý của người Việt, các từ vây mượn một khi du nhập vào kho tàng tiếng Việt thì người ta sử dụng nó tự nhiên như một từ thuần Việt. Nhưng lại không chấp nhận những ai dùng tiếng nước ngoài, hoặc viết bằng chữ nước ngoài để biểu lộ một sự vật, một tình cảm nào đó mà trong vốn từ tiếng Việt đã có.




Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com