THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo LÊ MINH QUỐC: Chữ Quốc ngữ từ thuở phôi thai đến nay - 1. Thuở bình minh của chữ Quốc ngữ từ thời Alexandre de Rhodes...

LÊ MINH QUỐC: Chữ Quốc ngữ từ thuở phôi thai đến nay - 1. Thuở bình minh của chữ Quốc ngữ từ thời Alexandre de Rhodes...

Mục lục
LÊ MINH QUỐC: Chữ Quốc ngữ từ thuở phôi thai đến nay
1. Thuở bình minh của chữ Quốc ngữ từ thời Alexandre de Rhodes...
2. Chữ Quốc ngữ trên bước đường du nhập tiếng nước ngoài
3. Vấn đề cải cách chữ Quốc ngữ đã diễn ra như thế nào?
Tất cả các trang

Thuở bình minh của chữ Quốc ngữ từ thời Alexandre de Rhodes...

 

Với sự ra đời của quyển Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latium của Alexandre de Rhodes do Bộ truyền giáo in tại Roma ngày 5.2.1651, ta có thể xem đây là cột mốc quan trọng trong việc ra đời của chữ Quốc ngữ. Cho dù, chữ Quốc ngữ đã được sáng chế trước đó rất nhiều năm - nhưng cụ thể ở tháng năm nào thì ta đành ...chịu ! Sách này dày gần 500 trang, mỗi trang chia làm hai cột, cả tập sách có hơn 900 cột. “Sự phát minh của chữ viết, chỉ riêng nó thôi, có thể khẳng định còn quan trọng hơn toàn bộ những trận đánh trên thế giới”. Một nhà học giải uyên bác đã nhận định như thế. Thử đặt câu hỏi, thuở ấy chữ Quốc ngữ được viết như thế nào ?

Nhiều tài liệu khẳng định, ban đầu nó không có dấu. GS Thanh Lãng cho biết: “Căn cứ theo tài liệu cuốn Lịch sử đạo Thiên Chúa trên đất Việt Nam, thì Christophoro Bori (1853- 1632), một giáo sĩ dòng Tên người Ý giảng đạo ở nước ta từ 1618 - 1621, có nhắc đến trong tập ký thuật của ông cách giảng đạo ngớ ngẩn trước thời giáo sĩ Francesco Busomi (1576- 1659) bằng câu này: “Con gno muon bau plom laom Hoalaon chiam?”( Con nhỏ muốn vào trong lòng Hòa Lan chăng ?). Cũng theo cuốn này thì câu nói ngớ ngẩn trên đây đã được giáo sĩ Busomi, truyền đạo ở Việt Nam từ 1615- 1639 sửa lại như sau: “Muon bau dau Christiam chiam ?” (Muốn vào đạo Christiam chăng ?). Ngoài ra trong tập ký thuật đó còn có những chữ Quốc ngữ không dấu, chẳng hạn: “Da an nua, daan het” (Đã ăn nữa, đã ăn hết: chỉ nhật thực); “omgne” (ông nghè); “Tui ciam biet” (Tôi chẳng biết). Căn cứ vào mấy tài liệu trên đây, nhiều người phỏng đoán hồi đầu chữ Quốc ngữ chưa mang dấu như ngày nay”.

Như chúng ta đã biết khi biên soạn Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latium thì A.de Rhodes có tham khảo quyển từ điển An Nam - Bồ của d’ Amaral (mất 1646) và từ điển Bồ - An Nam của Barbosa (mất 1647). Không ai có thể khẳng định, với hai quyển từ điển trên thì chữ Quốc ngữ đã có đấu hay chưa ? Nhưng đến thời  của A. de Rhodes thì nó đã có dấu và đã được hệ thống hóa gần như hoàn chỉnh. Đây là một bước cải tiến quan trọng của chữ Quốc ngữ thời phôi thai. Điều đáng chú ý trong quyển từ điển này, A. de Rhodes đã ghi chép khá đầy đủ lời ăn tiếng nói của người Việt thời đó, mà bây giờ ta có thể thấy được sự tiến hoá của chữ Quốc ngữ.

Nhiều người đồng tình với nhà nghiên cứu Hồng Duệ Nguyễn Khắc Xuyên khi đưa ra nhận xét xác đáng: “Tra từ điển mà chúng ta có cảm tưởng như đọc một cuốn Việt Nam văn hoá sử cương thế kỷ XVII”.  Chẳng hạn như tiếng “bà láo” (bà lão) là một bà đáng kính, sang trọng; còn “bà già” mới là người đàn bà đã có tuổi; “bà sang” là một vị cung phi của nhà vua đã quá cố v.v... Trong quá trình biên soạn, A. de Rhodes có cho biết: “Tiếng Bắc Kỳ có hết các thứ chữ như tiếng chúng ta mà chỉ có thiếu chữ Z. Thực ra họ không có chữ F của chúng ta mà chỉ có chữ Ph hay đúng hơn là F Hy Lạp. Tuy vậy, chúng tôi vẫn cứ dùng chữ Ph cho dễ dàng hơn và tiện lợi hơn cần sao tránh được sự hiểu lẫn lộn. Ngoài ra còn phải thêm bốn chữ mới để phát âm thành mấy tiếng riêng biệt mà trong tiếng Châu Âu không có. Bốn chữ đó là hai chữ nguyên âm Ơ và U và hai phụ âm (alpha) và Đ”. Sau đây là sự phân tích của A. de Rhodes về các mẫu tự của chữ Quốc ngữ mà ông đã ghi nhận được. Có thể xem là tài liệu quý báu này cho bất cứ ai quan tâm đến sự phát triển, thay đổi của tiếng Việt từ thuở bình minh đến nay.

Chẳng hạn, chữ A theo ông thì Việt Nam có hai chữ A: một đọc rõ như chữ a âm Pháp (ví dụ “an”: yên ắng); một chữ đọc âm miệng nhưng không mở toét hẳn (ví dụ: “ẩn”: cất giấu một thứ gì đó) - như vậy ông không phân biệt â, ắ; hoặc chữ B thì theo ông cũng có hai chữ B: “Một chữ giống như B của chúng ta như Ba, tức số 3, tuy vậy nó cũng không giống như chữ b của chúng ta. Khi đọc chữ đó không được thở hơi ra mà phải hít khi vào cũng giống như người muốn đọc chữ M, rồi sau mới phát hơi ra. Chữ B thứ hai đọc hầu giống như chữ (bêta) Hy Lạp chẳng hạn như khi đọc tiếng (alpha) eaò (vào). Thực ra nó cũng không giống hẳn chữ V của chúng ta vì khi đọc nó không nên rít mạnh lắm, mà chỉ cần mở môi ra như kiểu đọc của người Do Thái chứ không đọc bằng răng” v.v...

Qua đó chúng ta thấy gì? Quả là ở thế kỷ XVII, chúng ta không có chữ V mà chỉ có một chữ gì đại khái cũng tương tự như chữ B của Pháp và chữ (bêta) Hy lạp hoặc “Chữ T vừa dùng ở đầu và ở cuối chữ như chữ Tật. Khi dùng ở chữ đầu nó cũng giống như chữ T tiếng Pháp chúng ta, thí dụ Tin; khi đặt ở cuối thì lúc đọc phải uốn lưỡi lên lợi, thí dụ chữ Bụt. Khi T đi với R thì cũng phải đọc uốn như vậy, thí dụ chữ Tra”... Và cuối cùng là chữ X “Nó cũng rất thông dụng và đọc giống cách đọc của người Bồ Đào Nha, hay như đọc chữ Se trong tiếng Ý Đại Lợi, thí dụ chữ Xe, Xa”...

Tất cả những cứ liệu trên đây cho thấy A. de Rhodes không chỉ là một nhà truyền giáo mà ông còn là một nhà ngôn ngữ học tài ba. Riêng về dấu sắc huyền hỏi ngã nặng... thì ông cho rằng đó là linh hồn của tiếng Việt “Cũng giống như những “gam” trong nhạc Châu Âu”! Lời nhận xét ấy thật thú vị khi ta từng nghe người người ngoài cảm nhận rằng, tiếng Việt khi phát âm líu lo giống như tiếng chim! Để hoàn thành bộ sách giá trị này, ta không thể không nhắc đến sự giúp đỡ của những nhân vật mà GS Hoàng Tuệ gọi là “vô danh”- như trong lời tựa Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latium ông có cho biết không những nhờ tham tham khảo hai quyển từ điển của d’ Amaral và Barbosa mà còn: “Chính những người bản xứ đã giúp tôi học tiếng gần 12 năm trong suốt thời kỳ tôi ở Đàng Trong và Đàng Ngoài”. Nay ta thử đọc lại một đoạn văn ngắn mà A. de Rhodes đã viết: “Ta cầu cũ (cùng) đức chúa blời (trời) giúp sức cho ta biết tỏ tưầng đọa chúa là nhuầng (nhường) nào, vì bậy (vậy) ta phải ăn ở thế gian này chẳng có ai sóũ (sống) lâu; vì chưng kẻ đến bảy tám mươi tuẩi (tuổi) chẳng có nhềo (nhiều) ...”. Có thể thấy rằng đến nay đã có một vài phụ âm đã biến mất. Chẳng hạn, bl đổi thành gi (ví dụ: blả ơn: giả ơn), thành l (thí dụ: blúc blắc: lúc lắc), thành tr (thí dụ: blái núi: trái núi); phụ âm tl nay đổi thành tr (thí dụ; ăn tlộm: ăn trộm)... Rõ ràng, thời ấy, A. de Rhodes còn lúng túng lẫn lộn giữa B và V; giữa TR, TL,BL; các vần tận cuối còn thiếu: ong viết là aõ (thí dụ: saõ = song); ông viết là oũ (thí dụ: sóũ = sống); ung viết là ũ (thí dụ: cũ = cung); uôn viết là uân (thí dụ; muấn = muốn); ương viết là  ưâng (thí dụ : tưầng = tường) v.v...

đến thời Pigneau de Béhaine và Tabert

Từ năm 1651 cho đến cuối thế XVIII, chữ Quốc ngữ lại được ghi nhận thêm một cột mốc lớn: Năm 1773, Pigneau de Béhaine đã biên soạn xong bộ Dictionnarium Anamitico Latinum, dày 732 trang, cỡ 35,5 x 24 cm, bản thảo viết tay. Trong đó phần tra cứu chiếm 67 trang và phần chính văn chiếm 622 trang (không kể vài ba trang phụ). Nếu so với quyển từ điển của A.de Rhodes thì từ điển của Pigneau de Béhaine thì qua đó, ta thấy hệ thống chữ Quốc ngữ ở giai đoạn này đã thay đổi và đạt đến hình thức ổn định - chẳng hạn hình thức ghi các phụ âm kép bl, pl, ml, tl đã không còn tồn tại... Ta thử đọc bài thơ Tới thành Macao của linh mục Felippe do Rosario (tên Việt là Philiphê Bỉnh) viết “Giáp dần niên, ngày mòũ (mồng) 4 tháng chạp năm 1794” để hình dung ra đôi nét về bước đường thay đổi của chữ Quốc ngữ sau A.de Rhodes gần 150 năm:

Tôi đang gưởi gấp chốn Ma cao

Hai chữ thanh nhàn xiết kể bao

Hôm sớm phần hồn dầu mặc sức

Tháng ngày việc xác chẳng tơ hào

Xoay vần tám tiết hằng lo ấm

Đáp đổi tứ mùa khỏi khát khao

Gần chợ gần soũ gần núi bể

Trăm mùi khoũ chút vẻ tanh tao.

Sau đó, năm 1832, căn cứ vào Dictionnarium Anamitico Latinum, giám mục Tabert cùng với một số người Việt Nam khác hoàn thành quyển Từ điển Annam - Latinh và Latinh - Annam. Cải tiến đáng kể của hai quyển từ điển trên là loại bỏ những ngoại lệ như : a = aong; ch = chue, chuen; y = ym,yn; k= khuia, khuiếc, khuinh v.v... Về cơ bản, chữ Quốc ngữ định hình từ thời Tabert đến nay hầu như không thay đổi bao nhiêu. Tuy nhiên gần đây để tiện viết các từ mượn cả tiếng nước ngài, ta thấy có xu hướng thu nhập thêm vào chữ viết của ta các phụ âm như F,J, W, Z...




Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com