LÊ MINH QUỐC: Nếp nhà LƯU QUANG VŨ

Array In Array

 

Theo thông tin báo chí: Năm nay kỷ niệm 25 năm ngày mất của nhà thơ - nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (1988 - 2013), Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức Liên hoan các tác phẩm kịch Lưu Quang Vũ vào đầu tháng 9 tới với sự tham gia của nhiều đơn vị nghệ thuật nhà hát, đoàn nghệ thuật sân khấu trong cả nước.


Luu_Quang_VuRR

Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (nguồn: Internet)


Dịp này, tôi viết Nếp nhà Lưu Quang Vũ - nhằm cung cấp cung cấp cho bạn đọc trang www.leminhquoc.vn vài tư liệu về một "Molière của Việt Nam". Nói như nhà phê bình Ngô Thảo: “Bóng rợp của tài năng Lưu Quang Vũ đã trùm lên che mát cho cả một vùng sân khấu rộng lớn trải dài theo chiều dài đất nước trong một thập niên”. Qua bài viết ngắn này, ta có dịp hiểu thêm về vai trò của các dòng họ, gia tộc đã có nhiều đóng góp chung cho diện mạo văn hóa Việt Nam.

 

L.M.Q

(VII.2013)


 

BỖNG MỘT NGÀY EM ĐẾN GIỮA LÒNG ANH


“Khánh ơi, nếu anh nhớ không sai thì chính vì Quán Thăng Long mà em đã đủ mức tình cảm để nhận lời anh khi anh hỏi em làm vợ. Anh nhờ ngòi bút mà có được em. Anh sẽ chỉ cậy vào ngòi bút mà làm cho em lo ít vui nhiều. Hạnh phúc lớn nhất của đời anh, có lẽ là được mở trang giấy ngồi viết bên cạnh em, và đêm khuya mỏi vai mệt đầu được xếp giấy bút mà gối đầu lên tay em. Đêm nay anh tâm sự với em, và bỗng tìm ra một điều giản dị: em là người tri kỷ hiểu anh nhất trên đời. Và nếu kiểm kê tài sản đời anh, chắc chắn em là cái gì quý giá nhất mà anh đã tìm được và suốt đời yêu quý mãi”.

Những dòng chữ nồng nàn, âu yếm ấy đã cho thấy tình cảm yêu thương của nhà thơ Lưu Quang Thuận dành cho người tình đầu tiên và cũng cuối cùng: bà Vũ Thị Khánh.

Ông Thuận quê Đà Nẵng, năm 1943, ông ra Hà Nội hoạt động sân khấu, và bắt đầu nổi tiếng qua các vở kịch nói, kịch thơ về đề tài lịch sử như Lê Lai đổi áo, Yêu Ly, Cô Giang, Hoàng Hoa Thám, nhất là với Quán Thăng Long. Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, vở diễn này được trình diễn nhiều nơi và công chúng rất hoan nghênh. Nhờ đó, ông Thuận có dịp làm quen với cô Vũ Thị Khánh - một nữ sinh trường Đồng Khánh, nhà ở phố Ngõ Gạch, người Hà Nội gốc.

Bấy giờ, cả hai cùng đang làm việc ở Việt Nam Quốc gia Ấn thư cục, cùng tham gia phong trào Bình dân học vụ. Tình cảm nẩy nở ngày một sâu đậm, họ quyết định kết duyên trăm năm. Đám cưới được tổ chức ngày 2.11.1946 tại Hà Nội. Nhà phê bình văn học Lưu Khánh Thơ - con gái của họ cho biết: “Cha tôi kể lại rằng, ngày ăn hỏi mẹ tôi, ngoài những lễ vật thông thường, ông nội tôi còn cho người đội ba mâm sách vở, giấy bút làm đồ sính lễ. Sau đó chỗ sách vở này được tặng cho lớp bình dân của tiểu khu Ô Quan Chưởng, nơi mẹ tôi tham gia dạy học”. Sau lễ cưới, ông Thuận dành nhiều thời gian dẫn vợ đi thăm cảnh đẹp ở miền Bắc và  ông hứa sẽ dẫn vợ về thăm nơi chôn rau cắt rốn của mình. Kế hoạch này chưa kịp thực hiện thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ.

Tháng 12.1946, họ khăn gói lên đường đi kháng chiến. “Đoàn giải phóng quân một lần ra đi / là có sá chi đâu ngày trở về…”, ông Thuận vẫn tiếp tục sáng tác, biểu diễn trong Đoàn Văn hóa Kháng chiến và là một trong những người đầu tiên sáng lập tổ chèo trong Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương - đơn vị chèo đầu tiên của sân khấu cách mạng.

 

5_vochong6RR

Ông bà Lưu Quang Vũ và con trai đầu lòng: Lưu Quang Vũ

 

Vào giữa trưa nắng đẹp, ngày 17.4.1948 tại Phú Thọ, đứa con trai đầu lòng của họ cất tiếng khóc chào đời, đặt tên Lưu Quang Vũ. Đón nhận hạnh phúc lớn lao, ông Thuận sung sướng quá, không biết làm gì giúp vợ, ông cứ chạy ra chạy vào gặp ai cũng khoe. Còn ông nội của Vũ là cụ Lưu Quang Hòa đang ở Ngòi Khế nhận được tin vui, lập tức, cụ sai người phi ngựa mang thư khẩn đến chúc mừng. Trong thư chỉ vỏn vẹn mấy chữ nhưng mừng rỡ xiết bao: “Hoan hô Lưu Quang Vũ! Hoan hô Vũ Thị Khánh!”. Vũ ăn khỏe và chóng lớn. Những ngày chồng đi công tác, bà Khánh thường ru con bằng những vần thơ của chồng:

Súng nổ ngày đi, sáu tháng qua

Đây vườn bưởi chín cạnh rừng hoa

Con vừa 6 tháng răng chưa mọc

Chiến sĩ hành quân giục trước nhà…

Những ngày gian khổ này vẫn còn hằn trong trí nhớ bà Khánh: “Tôi nuôi con nhỏ thiếu sữa mà không đến một hạt đường. Cháu toàn phải ăn nước cháo với muối. Chiếu cũng không có, thường phải trải giấy báo và lá chuối khô để nằm”. Vũ vẫn là đứa con được cha cưng nhất nhà, bài học đầu tiên của Vũ là ghép chữ thành những vần thơ, câu ca dao do cha dạy. Từ đó, chỉ mới lên 6 nhưng Vũ đã biết ru em bằng những vần thơ mà cậu đã thuộc, ai cũng tấm tắc khen có trí nhớ tốt. Không những thế Vũ vẽ rất đẹp, họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ bảo: “Sau này cho Vũ theo nghề của bác”. Năng khiêu vẽ về sau còn là phương tiện giúp Vũ kiếm sống lúc gian khó nhất.

Cuộc kháng chiến thành công. Họ trở về thủ đô, sau vài lần thay đổi chỗ ở, năm 1958, cơ quan Hội Văn nghệ phân cho họ căn nhà số 96 A phố Huế. Lưu Khánh Thơ cho biết: “Suốt thời gian ấy có biết bao gian nan vất vã, có cả những thiếu thốn cơ cực, nhưng cuộc sống của cha mẹ tôi rất hạnh phúc, lúc nào cũng đẹp cũng ngọt ngào. Cha tôi đã dành cho mẹ tôi một tình yêu hết sức trẻ trung và mãnh liệt. Trong gia đình hầu như rất ít khi cha mẹ tôi nặng lời với nhau. Những khi có điều gì không vừa ý, cha tôi chỉ cau mặt và lắc nhẹ đầu. Hoặc có khi bực mình quá không muốn để chúng tôi hiểu, ông nói với mẹ tôi một tràng tiếng Pháp.”.

Còn bà Khánh cũng giữ mãi hình ảnh: “Nhà tôi là một người rất say mê văn chương, nghệ thuật. Anh đã truyền cho các con niềm say mê bất tận ấy... Trong các tật xấu ở đời, nhà tôi ghét nhất thói ích kỷ, độc ác và sự dửng dưng, xa lạ với nỗi đau khổ của người khác. Nhiều lúc bưng bát cháo lên ăn, anh nói với các con: “Giá có bát cháo này thì cụ Vitali đã không chết” - tên một nhân vật trong cuốn Không gia đình của Hecto Malo”.

Do nhà gần rạp Đại Nam nên mỗi lần có tập vở mới, ông đều dẫn các con theo để xem các nghệ sĩ diễn tập. Khi trở về nhà, ông thường dành thời gian phân tích các hay, các đẹp trong vai diễn, các làn điệu chèo Ru xuân, Con gà rừng, Làn thảm... giúp các con hiểu sâu hơn. Lúc bạn bè đến nhà chơi cũng là dịp để các con ông tiếp cận với nghệ thuật. Lần nọ, nghệ sĩ Tào Mạt đến thăm, ông Thuận đề nghị bạn diễn trích đoạn vở Bài ca giữ nước. Tào Mạt diễn rất hay khiến lũ nhóc trong khu tập thể kéo đến xem kín nhà. Do ngấm dần tình yêu nghệ thuật từ thuở bé nên sau này, các con ông đều hướng theo con đường hoạt động văn hóa, giáo dục.

Dù thương con, nhưng ông Thuận cũng hết sức nghiêm khắc. Có lần, con trai ông mới lên 9 hỏi: “Bố ơi! Tàu chạy từ Hà Nội vào Sài Gòn thì đến Nghệ An hay Quảng Bình trước?”. Ông nghiêm nét mặt:  “Con phải học lại đi. Bố không thể chấp nhận một đứa con lại kém hiểu biết về địa lý nước mình như vậy”. Tưởng mắng vậy thôi, nào ngờ sáng hôm sau, ông đã tìm mua cho con quyển lịch bỏ túi có ghi rõ ràng tên các địa phương, các nhà ga từ Bắc vào Nam. Những lo toan,chăm sóc chu đáo ấy đã khiến các con gần gũi với bố hơn.

Trong những ngày cuối đời, Lưu Quang Thuận dành một thời gian dài để về sống ở Đà Nẵng. Tại quê nhà, ông đã viết cho vợ rất đỗi tình tứ, đằm thắm -  nói như nhà phê bình Hoài Thanh là “những vần thơ trung hậu”:

Bỗng một ngày em đến giữa lòng anh

Như bông cúc vàng thắm cả mùa xanh…


 

ƯƠM MẦM TÀI NĂNG VÀ VUN ĐẮP TÌNH YÊU


Từ năm 1958, về sống ở căn nhà 96 A Phố Huế, vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Thuận đã ươm mần và vun xới một tài năng của đất nước: Lưu Quang Vũ. Mới 13 tuổi, Vũ đã có truyện ngắn Đám trẻ con làng Á đăng báo và giành cả giải thưởng về văn và họa của Hà Nội. Không những thế, ngoài giờ học cậu còn tham gia buổi phát thanh Măng Non của Đài Tiếng nói Việt Nam, lồng tiếng cho phim hoạt hình thiếu nhi.

Bấy giờ, ông Thuận có hai vở chèo thành công là Tấm Cám, Mối tình Điện Biên rất thành công. Mỗi lần tập vở, ông thường dẫn Vũ theo, chắc chắn tình yêu sân khấu đã nẩy nở dần trong lòng Vũ. Là một học sinh luôn đạt nhiều thành tích trong học tập, theo quy chế, Vũ có thể được tuyển thẳng vào Đại học nhưng khi Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, Vũ lại xung phong đi bộ đội.

Do chỉ mới 17 tuổi nên không thể gia nhập quân đội, sau phải nhờ chú ruột là nhà thơ Lưu Trùng Dương - cán bộ sư đoàn 324 can thiệp nên Vũ mới toại nguyện. Trước ngày lên đường, Vũ đã viết tặng mẹ những câu thơ:

Từ giã những tà áo tuổi thơ, từ giã mẹ

Con khoác lên mình áo bộ đội xanh

Màu xứ sở ru con từ thuở bé

Nay cùng con gìn giữ đất quê mình

Thế nhưng chất nghệ sĩ tài hoa của Vũ không thích ứng được đời sống quân ngũ, dù trong hội diễn toàn quân chủng phòng không vở chèo Đôi bạn quê hương của anh được đơn vị đánh giá cao.

Với những chuyện vặt vãnh như trả phép không đúng hẹn, nói năng thiếu ý tứ đã khiến anh bị xếp vào loại thiếu gương mẫu. Đã thế, vị chỉ huy của Vũ lại xem việc làm thơ là biểu hiện của sự yếu đuối nên cấm ngặt. Làm sao cấm được mây bay trên và gió reo ngoài nội? Biết tâm trạng buồn phiền của con, ông Thuận viết thư động viên con, lời lẽ thật chí tình: “Con ra đời gặp sóng gió, bố mẹ rất đau lòng. Nhưng bố mẹ luôn mong mỏi và tin rằng con sẽ vượt qua. Một lần vấp ngã là một lần rút ra bài học cho mình. Cốt nhất là con không được buông xuôi, không được chán nản…Vẫn phải tin, vẫn phải làm việc, vẫn phải hy vọng, ngay cả trong những lúc mà chỉ sống cũng đã là một việc khó khăn”.

Nhà thơ Phùng Quán có lần viết: “Có những lúc ngã lòng / Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Với Vũ, anh đã “vịn” vào những lá thư của  cha luôn kịp thời nhắc nhở và động viên anh. Trong sổ tay, anh còn ghi câu nói của thi sĩ Pháp Alfred de Musset: “Không có gì làm cho ta lớn bằng một nỗi đau khổ lớn, những tiếng hát tuyệt vọng là tiếng hát tuyệt vời nhất” - như một cách tự an ủi mình và dũng cảm vượt qua khó khăn lúc ấy.

Vài năm sau, Vũ xuất ngũ và đã có vợ là nghệ sĩ Tố Uyên. Thế nhưng hạnh phúc đổ vỡ chóng vánh. Hoàn cảnh đất nước chiến tranh, gia đình nghèo khó, làm gì để sống? Vũ ghi câu “tuyên ngôn” và dán ngay nơi góc bàn làm việc: “Làm việc, làm việc để chiến thắng thời gian và bóng tối”. Ít ai biết, những ngày này, Vũ có viết tập thơ rất hay Cuốn sách xếp nhầm trang đã phản ánh một tâm trạng dằn vặt, đớn đau:

Cuộc chiến tranh tàn ác

xô thàng ngày vỡ nát nối nhau trôi

điều anh tin không có ở trên đời

điều anh có không giúp gì ai được

gương mặt em chỉ còn là kỷ niệm

mối tình xưa anh cũng đã quên rồi…

Năm tháng dần dà trôi, Vũ bước sang một trang mới. Như sự sắp đặt của số phận, anh đã gặp nhà thơ Xuân Quỳnh. Nghe tin này, mẹ anh - bà Vũ Thị Khánh hoảng hồn. Con mình dở dang với người vợ diễn viên, nay lại kết duyên người văn nghệ sĩ, đã thế lại lớn tuổi hơn, liệu hạnh phúc có bền?

Khác với vợ, bằng sự linh cảm và tình cảm cha con, ông Thuận biết Vũ và Xuân Quỳnh đến với nhau chỉ vì tình yêu nên không việc gì phải âu lo và ông tán thành cuộc tình này. Năm 1973, Vũ và Quỳnh tổ chức “đám cưới” giản dị tại cửa hàng Mỹ Kinh ở phố Hàng Buồm. Hôm ấy chỉ có người thân trong gia đình và 2 người bạn chí cốt.

Ông Thuận thường bảo với vợ: “Mình phải hết sức yêu quý con dâu vì không mất công đẻ, không mất công nuôi mà bỗng dưng lại được thêm đứa con”. Những lúc đọc báo thấy có in thơ, bài phê bình thơ của con dâu là ông cất giữ cẩn thận, trao lại cho con. Cảm động trước tình cảm của bố mẹ chồng, Xuân Quỳnh đã viết được những vần thơ rất hay thuộc loại “gối đầu giường” của nhiều thế hệ:

Phải đâu mẹ của riêng anh

Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi

Mẹ tuy không đẻ không nuôi

Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong…

Thật lạ lùng, nếu Xuân Quỳnh dành cho mẹ chồng những vần thơ nặng tình như vậy thì bố chồng của chị cũng từng nghĩ về mẹ vợ:

Đời anh sẽ nghèo đi biết mấy

Nếu mẹ hiền ngày trước chẳng sinh em

Cầm tay nhau rạng rỡ mắt em nhìn

Cám ơn mẹ những năm dài vất vả...

Một sự trùng hợp độc đáo trong gia đình văn nhân của nước ta. Khi viết những truyện ngắn thiếu nhi như Ông nội, ông ngoại là Xuân Quỳnh xây dựng từ hình ảnh của bố chồng. Chị viết: “Ông kể cho Minh nghe những chuyện xảy ra trong các phố và nhắc lại những tên phố cũ ngày xưa, không chỉ đi chơi suông đâu, mỗi lần đi chơi ông đều cho Minh ăn kem. Cái món kem dừa ở bờ hồ là Minh thích nhất, vừa thơm vừa mát lạnh. Ông nội bảo khi Minh còn bé hơn nữa, lúc ba tuổi ấy, Minh ăn kem thấy khói, tưởng kem nóng, nên cứ ra công mà thổi. Nghĩ lại buồn cười?”. Minh là hình ảnh của Lưu Quang Vũ ngày thơ ấu.

Ngay sau cưới nhau, Lưu Quang Vũ viết trong thư gửi em trai đang học ở nước ngoài: “Sau bao nhiêu sóng gió, thế là anh Vũ, chị Quỳnh đã được sống bên nhau. Chị Quỳnh là người tốt, rất hiểu và yêu anh. Mong và tin rằng sẽ sống được bên nhau suốt đời, sẽ làm được nhưng việc có ích”. Từ hai bàn tay trắng, Lưu Quang Vũ kiếm sống bằng nghề vẽ pa-nô, in bưu thiếp, xếp đặt cho các cuộc triển lãm, rồi làm thơ viết kịch, vẽ tranh minh hạo cho báo, bồi giấy làm bìa… Anh làm việc với một sức lực phi thường. Động lực thúc đẩy anh chính là từ tình yêu mới.

Năm 1979, từ sự gợi ý của đạo diễn Phạm Thị Thành, Lưu Quang Vũ hoàn thành Sống mãi tuổi 17, dựa trên kịch bản Ông Nhỏ - viết về Lý Tự Trọng của Đào Duy Kỳ và nhận được Huy chương Vàng trong Hội diễn Sân khấu toàn quốc. Vở diễn đầu tay đã báo hiệu sự chín muồi của một tài năng lớn. Thực hiện câu nhắc nhở “Phải sống có ích” từ người cha mà anh rất mực kính yêu, Vũ đã làm việc miệt mài và đạt kết quả phi thường. Đúng như nhà phê bình sân khấu Ngô Thảo nhận định: “Bóng rợp của tài năng Lưu Quang Vũ đã trùm lên che mát cho cả một vùng sân khấu rộng lớn trải dài theo chiều dài đất nước trong một thập niên”. Mãi đến nay vẫn chưa ai có thể thay thể vai trò của Lưu Quang Vũ với sức lao động kinh khiếp ấy.

Thật éo le, khi con bước lên trên đỉnh vinh quang chói lọi thì ông Thuận không có dịp chứng kiến. Ông mất đúng vào lúc mở màn vở kịch Kẻ đốt đền ở Nhà hát lớn Hà Nội - vì cơn đau tim đột ngột. Tựa dịu dàng vào vai vợ, ông đã đi về cõi hư vô. Kim đồng hồ chỉ đúng 19g 40 phút ngày 21.2.1981, lúc ấy, Lưu Quang Vũ đang làm việc với đạo diễn Dương Ngọc Đức sau Nhà hát lớn.


 

CON HƠN CHA, NHÀ CÓ PHÚC

 

Trước cái chết đột ngột của nhà thơ Lưu Quang Thuận, các con ông tự nhủ phải làm việc nhiều hơn và luôn tu dưỡng nhân cách như lời dạy của cha:

Ta dặn dò các con

Giữ lòng thơ mắt sáng

Vấp ngã học điều khôn

Chớ lừa thày phản bạn

Là con trai cả trong nhà, Lưu Quang Vũ đã nhắc nhở các em rất kỹ điều này.

Ít ai biết, khi ông Thuận mất đi trong túi áo chỉ có vài hào lẻ và một cái vé bóng đá chưa kịp đi xem; còn lại là ngỗn ngang bản thảo chưa hoàn thành. Điều này khiến Lưu Quang Vũ thấu hiểu nỗi lòng đau đáu của cha trong sáng tạo nghệ thuật. Một cán bộ nhà nước, phải nuôi đàn con mà 23  năm chưa một lần được tăng lương thì còn làm sao có thể toàn tâm toàn ý với trang viết? Có giai thoại rằng, mười ngay sau khi ông mất, có người cầm đến nhà trao Quyết định tăng bậc lương cho ông, bà Khánh bảo hãy… đem ra nghĩa trang!

Đọc bản thảo của cha, Lưu Quang Vũ rất thích kịch bản Nàng Sita mà ông Thuận đã lấy cảm hướng từ truyện cổ Kampucha. Vũ bắt tay vào viết tiếp những gì cha mình còn dang dở. Vở này khi công diễn lần đầu năm 1982, lập tức gây tiếng vang lớn trong dư luận. Thấy việc làm tích cực của con, bà Khánh tự hào: “Viết xong kịch bản còn bỏ dở của cha với tốc độ nhanh chóng lạ thường, Vũ đã báo hiếu cha một cách xứng đáng”. Gần đây, nhân kỷ niệm Nhà hát Chèo Hà Nội kỷ niệm 60 ngày thành lập, một lần nữa vở Nàng Sita của cha con nhà thơ Lưu Quang Thuận lại tạo nên một hiện tượng lạ, độc đáo của sân khấu chèo.

Giữa lúc tài năng đang phát triển sáng chói nhất, vợ chồng Lưu Quang Vũ đã qua đời đột ngột vì tai nạn giao thông. Bấy giờ bà Khánh đang ở tại Sài Gòn. Trước ngày bà lên ga Hà Nội, Vũ nắm tay bà: “Hôm nay con bận làm việc nên không tiễn mẹ được. Hôm nào mẹ ra con sẽ đi đón”. Và anh còn cẩn thận cầm bút ghi lên lịch treo tường: “Ngày 8.9 mẹ ra, có mặt”. Thế nhưng chuyến xe định mệnh từ Hải Phòng về Hà Nội lúc 13g 30 ngày 29.8.1988 đã dập tắt mọi dự định lớn lao trong đời anh. Vợ anh, nhà thơ Xuân Quỳnh và bé Mí (tức Lưu Quỳnh Thơ), 13 tuổi cũng chung số phận bi thảm.

Thật lạ lùng cho sự dự báo trong thơ Lưu Quang Vũ, ngay lúc hạnh phúc nhất, anh đã tiên đoán:

Phút cuối cùng tay vẫn ở trong tay

Ta đã sống những ngày vui sướng nhất

Đã uống cả men nồng và rượu chát

Đã đi qua cùng tận của con đường

Sau vô biên chỉ có vô biên

Buồm đã tới và cánh đồng đã gặt

Lạ lùng thay, đó cũng chính là hình ảnh cuối cùng của đôi uyên ương tài hoa này.

Bà Vũ Thị Khánh nhớ lại: “Lúc tai nạn xẩy ra, tôi đang ở Đà Lạt. Chiều tối ngày 30.8, tôi mới về nhà cô em gái ở TP.HCM. Về đến nhà, tôi đã thấy có chuyện gì không bình thường xẩy ra. Nhà rất đông người, bạn bè, họ hàng đều ân cần, chu đáo chăm sóc tôi. Sau ít phút để tôi nghỉ ngơi sau một chặng đường dài, cậu em rể mới dám báo tin dữ với tôi. Nhưng chỉ nói là Quỳnh đã mất và đang lo bố trí cho tôi ra Hà Nội bằng chuyến bay ngày mai. Cả đêm hôm đó, tôi không chợp mắt một phút nào, nghĩ thương Quỳnh quá. Tôi đinh ninh là Quỳnh mất vì trở bệnh đột ngột, chứ có đâu ngờ! Ngay hôm sau, tôi về đến nhà thì xe tang vừa đi khỏi ít phút. Tất cả mọi người đều giấu không cho tôi biết là tin Vũ và Mí đều đã mất. Sợ tôi không thể chịu đựng nổi”. Không riêng gì người thân mà cái chết đột ngột của vợ chồng Lưu Quang Vũ lúc ấy rất được dư luận quan tâm vì không ai có thể lý giải được vì sao tai nạn có thể xẩy ra bất ngờ đến vậy…

Với người vợ đầu là nghệ sĩ Tố Uyên, Lưu Quang Vũ có con trai Lưu Minh Vũ. Do cuộc hôn nhân đầu đời đổ vỡ khiến anh luôn áy náy khi nghĩ về con. Lúc con mới lên ba, anh có viết bài thơ Nói với con cuối năm:

Con ơi con hãy tha thứ cho cha

cha chẳng thể nào sống cùng mẹ được

đời cha nắng gắt

mẹ con cần suối mát của đồng vui

con khôn lớn trên đời

hãy yêu thương mẹ

và hãy hiểu cho cha

Nhìn Lưu Minh Vũ, ta thấy anh giống cha như đúc và anh cũng nối nghiệp cha khi là phóng viên của Đài Truyền Việt Nam. Thật khó có thể nói trước điều gì nếu bé Mí - con trai của anh với nhà thơ Xuân Quỳnh thoát khỏi tai nạn định mệnh ấy, bởi ngay từ nhỏ bé Mí đã bộc lộ tài hoa qua sáng tác thơ, vẽ tranh mà nhiều người phải ngạc nhiên, khâm phục.

 

IMG_1100RR

Lưu Khánh Thơ (hàng đầu, giữa) tại hội thảo về lý luận phê bình (2013) tại Tam Đảo

 

Trong gia đình nhà thơ Lưu Quang Thuận, không chỉ Lưu Quang Vũ mà các em của anh cũng nối nghiệp của cha. Cô con gái được cha cưng nhất nhà là PGS - TS Lưu Khánh Thơ hiện là cây bút phê bình thơ có tiếng. Sau khi tốt nghiệp Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, chị đã về công tác tại Ban Văn học hiện đại Viện Văn học và thực hiện những công trình nghiên cứu về thơ Xuân Diệu, phong trào Thơ mới, thơ Việt Nam hiện đại… Ngoài ra, chị đã dành nhiều công sức biên soạn những tập sách như Lưu Quang Thuận - thơ và sân khấu; Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ, tình yêu và sự nghiệp; Lưu Quang Vũ - Thơ và đời… Đây là những tư liệu đáng tin cậy về các tên tuổi trên mà người ngoài khó có thể biên soạn, sắp sếp, phân tích đầy đủ hơn. Em của chị là nhà báo Lưu Quang Định, trước công tác ở báo Lao Động, nay là Tổng biên tập báo Nông thôn ngày nay cũng là người yêu và am hiểu nhiều về văn hóa nghệ thuật. Con gái đầu của chị hiện nay cũng theo nghiệp của chú Định ở lãnh vực truyền hình.

Nếu lật Kỷ yếu Hội nhà văn Việt Nam, ta thấy ba cha con Lưu Quang Thuận, Lưu Quang Vũ, Lưu Khánh Thơ cùng có tên trong danh sách. Nếu Lưu Quang Thuận được trao Giải thưởng Nhà nước, thì Lưu Quang Vũ lại được Giải thưởng Hồ Chí Minh. Con hơn cha là nhà có phúc. Hiện nay, tại Đà Nẵng - nơi sinh quán của nhà viết kịch lỗi lạc, lừng danh nhất của Việt Nam trong thập niên 1980 của thế kỷ XX, ta thấy có tên đường Lưu Quang Vũ và Lưu Quang Thuận.

Nhớ đến cha, nhà phê bình Lưu Khánh Thơ tâm sự: “Điều lớn nhất ông để lại cho cho chúng tôi là nhân cách của một người nghệ sĩ một đời trong sạch. Tình yêu và niềm tự hào về cha mình đã đi theo chúng tôi suốt đời. Ngay cả khi cha tôi đã mất, chúng tôi vẫn cố gắng sống và làm theo những điều mong mỏi của ông. Chúng tôi vẫn sợ làm ông phiền lòng nếu như mình làm điều gì đó không đúng. Phải chăng ý nghĩ và tình cảm đã giúp chúng tôi nên người?”.


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

may tinh bang-dien thoai vo go-sửa nhà

máy tính bảng-vỏ gỗ-sửa chữa nhà