THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo LÊ MINH QUỐC: 50 NĂM HƯƠNG RỪNG CÀ MAU - * Tham luận của Lê Minh Quốc

LÊ MINH QUỐC: 50 NĂM HƯƠNG RỪNG CÀ MAU - * Tham luận của Lê Minh Quốc

Mục lục
LÊ MINH QUỐC: 50 NĂM HƯƠNG RỪNG CÀ MAU
* Tham luận của Lê Minh Quốc
* Hương rừng không chỉ ở Cà Mau
* Hào khí Nam bộ trong Hương rừng Cà Mau
Tất cả các trang

 

 

50 NĂM HƯƠNG RỪNG CÀ MAU

I/ Hoàn cảnh ra đời của Hương rừng Cà Mau:

Sau Hiệp định Genève, từ U Minh Rạch Giá, nhà văn Sơn Nam lên Sài Gòn sống bằng nghề viết văn. Việc đầu tiên của ông là mua ngay tấm bản đồ Sài Gòn, sau đó ông đã gặp những nhà văn từng có thời sống trong chiến khu như Dương Tử Giang, Lý Văn Sâm... rồi làm quen với nhà nghiên cứu Nguyễn Thiệu Lâu, Vương Hồng Sển v.v.... Vấn đề đặt ra trong thời điểm này của Sơn Nam là viết cái gì và viết như thế nào? Là “người của thời 9 năm” nên buộc ông dù viết đề tài nào cũng phải đạt hai yêu cầu:

toadam

Lê Minh Quốc phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: http://petrotimes.vn/news/vn/van-hoa-giai-tri-the-thao/50-nam-huong-rung-ca-mau.html)

1.Thứ nhất, anh em “trong khu” nếu có đọc được thì cũng không buồn Sơn Nam, ông vẫn là người của thời “chín năm” chứ không đổi dạ thay lòng. Đây cũng là lương tri và trách nhiệm của ông đối với kháng chiến.

2. Thứ hai, những sáng tác, biên khảo này (trong đó có truyện ngắn) không chỉ phù hợp với “khẩu vị” của người đọc đương thời mà qua đó phải ngụ ý rằng, thiên nhiên và con người ở mảnh đất chót vót cực Nam của Tổ quốc là một phần máu thịt không thể tách rời non sông nước Việt.

Suy nghĩ này, đến nay vẫn còn ý nghĩa tích cực lâu dài. Độc đáo của Sơn Nam là sống trong vùng tạm chiếm thời đó, ông đã xác tín một điều đã thuộc về chân lý mà chắc chắn ông đã ý thức từ thời chống Pháp: “Nam bộ mà máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định.

Trong hồi ký, Sơn Nam cho biết chính Bình Nguyên Lộc - “nhà văn mà tôi yêu mến nhất” là người đã bàn bạc, gợi ý giúp ông “rất nhiều về cách làm quen với làng báo nhất là báo tuần ở Sài Gòn”, ngay cả chọn đề tài nào để viết. Ông tâm sự: “Khi lên Sài Gòn, nhà nghèo, ở hang cùng ngõ hẻm - thì làm sao tôi có thể viết hay được mảng khiêu vũ, nhà hàng? Do đó, tôi viết về văn minh miệt vườn mà tôi am tường ít nhiều”.

Sau khi đã xác định đề tài, nhà văn không chỉ trông cậy vốn sống, thực tế mà còn phải tra cứu thêm nhiều tài liệu khác.

1. Về tài liệu: Thư viện chính là nơi nhà văn Sơn Nam lui tới nhiều nhất. Đáng chú ý nhất, ông được nhà khảo cổ Vương Hồng Sển giới thiệu vào thư viện của Hội Nghiên cứu về Đông Pháp, trụ sở đặt tại tầng một của Nhà Bảo tàng Lịch sử (Thảo Cầm Viên), thư viện của Hội Khảo cứu Ấn Hoa (SEI) và kể cả thư viện của học giả Vương Hồng Sển - người sở hữu một kho sách khổng lồ.

Nhờ mối quan hệ thân tình, Sơn Nam đã tìm đọc rất nhiều sách báo xưa, trong đó gần như đủ bộ Lục tỉnh tân văn tại nhà ông Sển. Đây là một trong những tờ báo đầu tiên của Nam kỳ, do Trần Chánh Chiếu chủ trương, chủ yếu bàn về vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội với tư tưởng cấp tiến. Bộ báo quý hiếm này đã giúp Sơn Nam rất nhiều trong khảo cứu sau này. “Sẵn trớn ấy, tôi mượn của ông Sển mấy quyển tư liệu xa hơn về Thiên điạ hội ở Nam Dương. Đây là những tư liệu tạm gọi là tiền thân của các giáo phái ở Nam bộ”. Nhờ những tài liệu này, về sau ông viết được nhiều tập sách giá trị, trong đó có Hương rừng Cà Mau.

2. Vốn sống: Với nhà văn, tài liệu trong thư viện vẫn chưa đủ mà còn là trí tưởng tượng đặng dẫn dắt câu chuyện, thêm thắt các tình tiết, khắc họa tính cách nhân vật nhằm xây dựng một cốt truyện hợp lý, có như thế mới lôi cuôn bạn đọc. Dù tưởng tượng phong phú đến đâu nhưng nó phải được hư cấu từ cơ sở hiện thực của đời sống.

Với nhà văn Sơn Nam, lúc bấy giờ, do cảnh giác sự theo dõi của mật vụ Sài Gòn và cũng chưa có giấy tờ tùy thân hợp pháp nên ông thường len lỏi trở về Cần Thơ, Hà Tiên, Hậu Giang... Có thể ghi nhận đây là những chuyến đi thực tế rất quan trọng để ông có thêm nhiều tài liệu điền dã đưa vào tập truyện ngắn lừng danh Hương rừng Cà Mau.

II/ Chủ đề của Hương rừng Cà Mau

Nói đến miền Nam là nói đến công cuộc khai hoang từ nhiều thế kỷ của người Việt. Theo nhà văn Sơn Nam: “Đi khẩn hoang là theo nếp sống tùy tiện. Thấy bầy vịt của ai đó lội trên sông, cứ bắt một con mà ăn thịt, nếu chủ hay thì cứ xin lỗi là yên vui. Gặp ai yêu mình, mình cứ yêu trở lại, muốn kết nghĩa vợ chồng thì hãy tùy hoàn cảnh. Gặp ai rao giảng đạo lý nào thì cũng nghe, gẫm lại có từ bi bác ai, làm lành tránh dữ là được. Đem việc khẩn hoang là đề tài “ăn khách” vì nó còn lẫn quẩn trong ký ức tập thể của người Sài Gòn và các tỉnh lỵ phía đồng bằng. Đánh cọp, bắt sấu, lươn rùa ếch rắn... Mô tả việc khẩn hoang thời Pháp thuộc để khơi dậy sự đấu tranh chống thiên nhiên, chống cường hào ác bá thời Pháp. Viết nghiêm túc, thật lòng, không cường điệu, tức là mình đã có chánh nghĩa.

Kiểu “dã sử hiện đại” này được ưu điểm là không khiêu khích chính quyền lúc bấy giờ tự xưng là dựng nước Việt Nam độc lập (về hình thức) nhưng người đọc hiểu ngay vì nó đánh động tiềm thức, gợi lòng yêu nước, nhớ ông bà. Hào khí Nam bộ trong Hương rừng Cà Mau ngay lập tức được những người có lương tri ủng hộ”.

Những truyện ngắn này, lần đầu tiên được công bố lai rai trên tập san văn nghệ Nhân loại do Anh Đào, chủ nhiệm kiêm chủ bút; nhà văn Ngọc Linh, Thư ký tòa soạn. Sau đó vào năm 1962, các truyện ngắn này được NXB Phù Sa in thành sách, gồm 18 truyện ngắn:

1- Hòn Cổ Tron

2- Ông già xay lúa

3- Cây Huê xà

4- Bác vật xà bông

5- Ðảng Cánh Buồm Ðen

6- Con Bảy đưa đò

7- Chiếc ghe "gho"

8- Cô Út về rừng

9- Miễu Bà Chúa Xứ

10- Mùa len trâu

11- Một cuộc biển dâu

12- Ðóng gông ông thầy Quít

13- Tình nghĩa giáo khoa Thư

14- Hát bội giữa rừng

15- Hương rừng

16- Bắt sấu rừng U Minh Hạ

17- Người mù giăng câu

18- Sông Gành Hào

“Thay lời mở đầu” là một bài thơ nổi tiếng của Sơn Nam, mà hiện nay hai câu thơ trong đó được khắc trên bia mộ ông:

Phong sương mấy độ qua đường phố

Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê

Loạt truyện ngắn này ngay từ khi in công bố lập tức tạo tiếng vang trong dư luận. Trong tập sách “Sống và viết với…” nhà văn Nguyễn Ngu Í có hỏi Sơn Nam: “Những chuyện trong Hương rừng Cà Mau đều có thiệt hay “dựng đứng” lên?”. Ông trả lời:

- Anh không phải là người đầu tiên hỏi tôi về điểm này. Phần tập tục (ta hiểu phong tục), anh tin rằng tôi nếu không chính mắt thấy tai nghe thì cũng là mấy ông lão ở địa phương cung cấp tư liệu. Còn sự việc thì tôi bịa ra, nhưng bịa ra cách nào mà người địa phương xem xong, bảo việc này có thể xẩy ra ở đây” (tr. 209).

Số phận của tựa sách này lạ lùng, vì về sau nó có thể làm tựa chung cho các loạt truyện ngắn khác cùng chủ đề.

Thử hỏi tại sao bộ sách Hương rừng Cà Mau do NXB Trẻ mua bản quyền và ấn hành năm 2003 lại có đến 66 truyện ngắn - nghĩa là tăng gấp bốn bản in lần thứ nhất năm 1962?

Lý do như sau: Ít ai biết, cũng trong khoản thời gian này, nhà văn Sơn Nam còn cộng tác với tập chí Hương Quê. Tạp chí này hiện nay ít ai còn lưu trữ, ngay cả Thư mục báo chí Việt Nam (NXB Chính trị Quốc gia -1999) do PGS - TS Tô Huy Rứa chủ biên cũng bỏ sót. Cũng một phần do nó chỉ “tặng miễn phí” (có ghi rõ ngoài bìa) chứ không phát hành ngoài thị trường, nó được thực hiện nhằm “Phục vụ nông thôn - Cải tiến nông nghiệp”, mỗi kỳ chỉ in một truyện ngắn hoặc Sơn Nam hoặc Bình Nguyên Lộc. May mà trong kho tư liệu của tôi có sưu tập được tạp chí này, nhờ vậy có gần 30 truyện ngắn được giới thiệu với thế hệ trẻ. Khi công bố bản in đã mua tác quyền, NXB Trẻ tạm gọi các truyện ngắn ấy là Hương rừng Cà Mau 2. Dần dà về sau, do nhiều đóng góp khác nên bạn đọc lại có tiếp Hương rừng Cà Mau 3.

Đến nay, tôi dám quả quyết rằng, số lượng này chưa dừng lại đó. Một chi tiết trong cuộc trò chuyện giữa Sơn Nam và Nguyễn Ngu Í trong tập sách mà tôi vừa nêu, nhà văn Sơn Nam có cho biết là ông còn viết loạt truyện ngắn chủ đề Hương rừng Cà Mau và đã in trên tờ Tiểu thuyết thứ năm. Tra cứu lại, tôi biết tuần báo này số đầu tiên ra ngày 16.1.1964. Cung cấp thêm vài tư liệu để những ai nghiên cứu về Sơn Nam tiếp tục sưu tập lại các truyện ngắn này.

III/ Ý nghĩa của Hương rừng Cà Mau

1. Khi ở lứa tuổi “xưa nay hiếm” nhìn lại Hương rừng Cà Mau, nhà văn Sơn Nam cho biết: “May phước cho tôi, một cuốn sách chỉ có giá trị khi ra đời đúng lúc. Hương rừng Ca Mau nếu ra chậm vài năm, khi Mỹ - Diệm mở chiến dịch bình định nông thôn, đề cao ruộng đồng, đề cao nông dân, nếu lúc đó tôi viết Hương rừng Cà Mau sẽ bị hiểu lầm là ủng hộ chiến dịch của Mỹ ngụy, lấy tiền của CIA...

2. “Viết về vùng đất mình sinh ra là chọn con đường đi đúng hướng, để qua đó sống lại với đời sống tâm linh nguồn cội. Đời sống tâm linh là cần, nhưng cái tâm linh dạt dào sức sống ấy phải thúc đẩy con người nhìn ra thế giới, với các nước láng giềng. Tự tôn với cái “tâm linh thuần túy” của mình là tự sát. Phải tạo ra cái vật chất, phải có khoa học kỹ thuật, phải tồn tại và tồn tại cho bằng được”.

Điều này, tôi hiểu, khi viết lại “chuyện xưa tích cũ” với Sơn Nam không chỉ đơn thuần chủ giải trí, mua vui trong chốc lát - mà qua đó, nó phải có tác động tích cực đến thời cuộc, đến xã hội hiện tại. Phân tích kỹ điều này, sẽ góp phần lý giải vì sao tác phẩm của Sơn Nam có sức sống lâu bền.

3. Hương rừng Cà Mau là một đóng góp quan trọng nhằm chứng minh cụm từ “văn minh miệt vườn” của nhà văn Sơn Nam.

Theo ông, “Miệt vườn” là từ có sẳn nhưng tại sao ông lại thêm tiếng “văn minh” kèm theo trước? Nhà văn lý giải: “Trong hoàn cảnh địa lý và lịch sử đặc biệt, dân Việt đã sáng tạo một nếp sống hùng mạnh, phóng khoáng, đã chinh phục (vùng đất đó). Lẽ dĩ nhiên, nếu người Tây Ban Nha, người Nhựt, người Lào, người Cam Bốt gặp một hoàn cảnh lịch sử, địa lý tương tự thì họ có phản ứng khác, cất nhà, cày cấy theo hình thức khác. Vì họ không nằm trong văn minh Việt Nam”.

Hầu hết các truyện ngắn trong Hương rừng Cà Mau hấp dẫn ở chỗ Sơn Nam đều lấy bối cảnh từ đồng bằng sông Cửu Long. Từ tính cách nhân vật cho đến ngôn ngữ đối thoại cũng đậm đặc bản sắc của con người miền Nam nước Việt. Những địa danh lạ lẫm như sông Trèm Trẹm, kinh xáng Xà No, rạch Xẻo Quao... dần dần trở nên thân thuộc với người đọc. Đó là thế mạnh của Sơn Nam.

Những truyện ngắn này còn có ý nghĩa ở chỗ, được viết trong thời điểm các nhà văn “thời danh” của Sài Gòn khai thác cảnh “phồn hoa đô hội” trong vùng tạm chiếm, thì ông quay về với sinh hoạt, phong tục, cảnh vật của vùng đất xa xôi như Rạch Giá, Cà Mau, Gò Quao, Hòn Tre... để đem lại cho bạn đọc một cái nhìn thân thiện của nơi “khỉ ho gà gáy”. Thì ra, ở đó vẫn còn có những tay anh hùng, giang hồ mã thượng, những tài trí linh loạt, những mối tình đẹp như trong tiểu thuyết thời Tự lực văn đoàn... Đó là nhân vật Út Một trong Ba kiểu chạy buồm, là Tư Liệt trong Chim trời cá nước, là Đơn Hùng Tín trong Súng bắn không chết, là ông thầy bắt rắn trong Cây Huê Xà… Đó cũng là nơi dân đen dù nghèo nhưng trọng nghĩa khinh tài, tiêu biểu nhất là “đôi bạn” Tư Có và thầy phái viên nhà báo Chim Trời trong Tình nghĩa quốc văn giáo khoa thư v.v…

Rõ ràng “văn minh miệt miệt” trong tâm thức của nhà văn Sơn Nam gắn chặt với cội nguồn của máu thịt nước Việt. Thật bất ngờ và cảm động khi tại nơi mà không phải bất kỳ người Việt nào cũng từng nghe đến: ấp Cà bây Ngọp, lại có hai người rặt Nam bộ bình luận về bộ sách  giáo khoa lừng danh ở ngoài Bắc như sau: “Văn chương nghe như đờn Nam Xuân: Nước mềm đá rắn, thế mà nước chảy mãi đá cũng phải mòn. Sợi dây nhỏ, cây gỗ lớn thế mà dây cưa mãi gỗ cũng phải đứt, con kiến nhỏ cái tổ to, thế mà kiến tha lâu cũng đầy tổ. Người ta cũng vậy…”

Thành công lớn của Hương rừng Cà Mau là qua tính cách nhân vật, bối cảnh lịch sử, địa lý…  nhà văn Sơn Nam đã chứng minh phép ứng xử văn hóa, nếp sống, bản lĩnh của người Nam bộ đã hình thành nên “văn minh miệt vườn”. Và văn minh đó (nếu được gọi như thế) là một bộ phận không thể tách rời của một nước Việt Nam thống nhất. Hiểu như thế, cảm nhận như thế nên bạn đọc thế hệ này và sau này vẫn còn yêu mến Hương rừng Cà Mau là lẽ tất nhiên.

LÊ MINH QUỐC

(18.12.2012)

 

Cùng một chủ đề:

LÊ MINH QUỐC: SƠN NAM - Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê




Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com