LÊ MINH QUỐC: Văn chương nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta như thế nào?

Array In Array

Đây là đề cương của bài nói chuyện ngoại khóa với các em học sinh lớp 10 trường Song ngữ Quốc tế  Horizon - Q.2 từ năm 2007. PV của báo Mực Tím đã tường thuật lại như sau qua bài báo Giờ học với một người nổi tiếng:

Giohoc


Tớ vốn chẳng khoái môn Văn “lém lém” thế mà giờ học Văn vừa rồi của lớp tớ (lớp 10 trường Song ngữ Quốc tế  Horizon - Q.2) đã “dụ” được tớ và các bạn cùng lớp thay đổi ý thích đấy. Bởi vì, giáo viên hôm ấy là một… người nổi tiếng, nhà thơ Lê Minh Quốc. Giờ học có chủ đề: “Văn chương nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta như thế nào?” được nhà thơ Lê Minh Quốc “đạo diễn” trở nên nhẹ nhàng như… thơ. Cách viết đúng chính tả thông qua những ví dụ về thơ văn và những trải nghiệm, những câu đố thú vị của thầy làm học trò mê tít. Học xong, ba bạn tích cực phát biểu nhất còn được nhận quà là cuốn sách Chuyện tình các danh nhân Việt Nam cùng chữ ký của người nổi tiếng này, đáng ghen tị há.


Thanh Truyền (ghi trong lúc ngồi… học ké)

Những lời khuyên cho việc đọc sách của nhà thơ Lê Minh Quốc với học sinh trường Horizon
- Chọn sách đọc qua giới thiệu của cha mẹ, anh em, thầy giáo hoặc căn cứ vào “thươnghiệu” của NXB hoặc tác giả tên tuổi.
- Nên đọc những sách cao hơn tầm hiểu biết của mình, với suy nghĩ đang muốn săn đuổi, tìm kiếm, khám phá một vấn đề hơn là giải trí đơn thuần.
- Sau khi đọc, cần suy nghĩ những vấn đề trong sách đặt ra, điều gì mình đồng ý và không đồng ý để tự phản biện. Nên ghi lại suy nghĩ của mình sau khi đọc một cuốn sách hay.

(báo Mực Tím số 12.4.12.4.1007)

 

Đề cương

VĂN CHƯƠNG NUÔI DƯỠNG TÂM HỒN CHÚNG TA NHƯ THẾ NÀO?


I. Thử nêu một vài ích lợi từ văn chương

1. Khơi dậy trí tượng tượng

Trong thời đại ngày nay, hầu hết các bạn trẻ nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên ngày càng ít đọc sách bởi  các em có quá nhiều “kênh” thông tin để tiếp nhận. Chẳng hạn, truyền hình, lướt net, games... Tuy nhiên đó chỉ là cách nhận thông tin một cách thụ động.

Tại sao thụ động?

Sự tiếp nhận này không đòi hỏi các em phải phát huy khả năng tưởng tượng. Trong khi đó, trí tưởng tượng rất cần thiết để hình thành nhân cách của một đứa trẻ.

GS Hoàng Tụy: “Dân ta thông minh, hiếu học, chuộng tri thức như ai cũng biết (tuy gần đây cái động cơ và phương pháp tìm đến và sử dụng tri thức đã bị méo mó khá nhiều). Nhưng còn nghèo trí tưởng tượng. Nói ra điều đó có thể xúc phạm tự ái nhiều người. Nhưng ai còn nghi ngờ xin hãy bình tĩnh đảo mắt nhìn qua một lượt các kiểu nhà biệt thự mới mọc lên ở thành phố trong thời kỳ mở cửa, và dạo qua các cửa hiệu, các chợ đầy ắp hàng Trung Quốc, hàng Thái Lan đang nghiễm nhiên tràn ngập thị trường. Từ quần áo, đồ chơi trẻ em, đồ dùng văn phòng, cho đến xe đạp, quạt máy v.v... nhiều hàng nội của ta không cạnh tranh nổi vì thua kém các mẫu mã, hình dáng, chủng loại, giá cả, và nhiều khi cả chất lượng, công dụng. Thật ra đã từ lâu, chúng ta đã quá quen sao chép, ít chịu khó nghĩ ra ý tưởng mới. Nhìn lại từ cái bàn, cái ghế, cái giường cho đến cây bút, cái cặp sách thời bao cấp mới thấy rõ sao mà ta chậm đổi mới đến vậy, có thể nói 50 năm không hề thay đổi.

Einstein đã có nói một câu nổi tiếng: “Trí tưởng tượng còn quan trọng hơn tri thức”. Điều gây ấn tượng mạnh cho tôi trong những chuyến công tác ở nước ngoài mấy năm gần đây là tại nhiều đại học phương Tây câu nói ấy giờ đây đã được coi như một khẩu hiệu, một phương châm đào tạo. Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà người ta thấy cần nêu cao phương châm đó trong thời đại mà ai cũng biết và tin rằng tri thức là yếu tố quyết định sự phồn vinh của các quốc gia.

Đương nhiên tri thức là cực kỳ quan trọng, thời nay còn quan trọng hơn bất cứ thời nào trong lịch sử. Ý nghĩa thời sự của câu nói của Einstein khi chúng ta chuẩn bị bước vào thế kỷ XXI là, hơn bất cứ thời nào trong lịch sử, tri thức mà thiếu tưởng tượng dễ biến thành tri thức chết, tri thức không có tiềm năng phát triển”.

Dưới dòng nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha
Nao nao dòng nước uốn quanh
Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắt sang
Sè sè nấm đất bên đàng
Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh

(Nguyễn Du)

Đoạn thơ trên buột ta khi đọc phải phát huy tối đa trí tưởng tượng để có thể hình dung ra vẻ đẹp của nó. Trong khi đó, nếu ở các loại hình nghệ thuật khác (hội họa, điện ảnh, nhiếp ảnh...) vẫn có thể đưa cho thấy hình ảnh đó, nhưng theo chủ quan của họ, chứ không phải theo cách cảm nhận của ta v.v...

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà  ai Pha Luông mưa xa khơi

(Quang Dũng)

Câu thơ vẽ lên hình ảnh trong trí người đọc như thế nào?

Tài cao, phận thấp chí khí uất
Giang hồ mê chơi quên quê hương

(Tản Đà)

Âm điệu câu thơ nói lên điều gì?

Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm ngiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ

(Hoàng Cầm)

Test trí tưởng tượng các em qua vài câu đố:

1.Núi kia ai đáp mà cao
Sông kia ai vét ai đào mà sâu?

2. Hai người ngồi dựa loan phòng
Tóc mây dợn sóng có chồng hay chưa?
(Bánh gì?)

3.Này chồng, này mẹ, này cha
Này là em rể, này là chị dâu?

4.Sông không đến, bến không vào
Lơ lửng giữa trời mà sao có nước?
(Trái gì?)

5. Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen
(ca dao)

Đâu là điều mà ta cần phải tưởng tượng?

2.Giúp ta có nhiều cách lựa chọn trong diễn đạt

Chẳng hạn cũng là vầng trăng:

Trăng từ viễn xứ
Đi khoan thai lên ngự đỉnh trời tròn
(Xuân Diệu)
 

Vầng trăng từ độ lên ngôi
Năm năm bến cũ em ngồi quay tơ
(Lưu Trọng Lư)

Trăng nằm sóng xoải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
(Hàn Mặc Tử)

Chẳng hạn cũng là tiếng gà gáy:

Tiếng gà gáy rụng trăng đầu hạ
Tôi giật mình lên giận sửng sờ
(Hàn Mặc Tử)

Xao xác gà trưa gáy não nùng
(Lưu Trọng Lư)

Tuổi thơ gà gáy ran đầu bếp
(Huy Cận)

Chẳng hạn cũng sắc màu:

Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
(Nguyễn Du)
 

Hoa cúc vàng như nỗi nhớ day dưa
(Tế Hanh)

Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong
(Thâm Tâm)

Bến xưa tìm lối cũ
Nhớ ai hoa tím buồn
(Huy Cận)

Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe
Trăng thở sao lùa nước Hạ Long
(Huy Cận)   

Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm
(Xuân Diệu)

Sau khi dẫn chứng có phân tích để các bạn hiểu hơn vẻ đẹp của câu thơ.

Test trí tưởng tượng các em qua vài đoạn văn xuôi:

“Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường.
Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nẩy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.

Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và đầy gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần. Nhưng lần này tôi tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật xung quanh tôi đều thay đổi, vì chính trong lòng tôi dang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học".

a.Tác giả của bài tập làm văm này là ai?

b.Đọc đoạn văn ngắn này, chúng ta thấy tác giả buộc ta phải tưởng tượng đến đều gì nhiều nhất? Tại sao?

3.Vun đắp tình yêu quê hương đất nước:

Dù không nhắc đến một địa danh cụ thể, như nhà thơ cũng vun đắp cho tâm hồn ta tình yêu về quê hương đất nước. Chẳng hạn:

Hoa bưởi thơm rồi: đêm đã khuya
(Trần Đặng Khoa)

Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối
(Phan Thị Thanh Nhàn)

Phân tích cho các em thấy dù cũng là hoa bưởi nhưng mỗi tác giả diễn đạt khác nhau. Qua đó nó còn gợi sự liên tưởng đến hoa bưởi của chính người đọc. Ở đây, qua câu thơ, đoạn văn dù viết về hoa trái, thiên nhiên nhưng nó cũng giợ cgho người đọc về sự liên tưởng của chính mình. Từ đó ta thấy sự vật gần gũi hơn, thắm thiết hơn.

Test trí tưởng tượng các em. Không có địa danh nhưng văn chương cũng gợi cho ta liên tưởng đến một vùng đất cụ thể:

Vòm sấu ủ tiếng ve
Hoa phượng xếp hồng trang giấy
(Vương Trọng)

Tán bàng xanh đến suốt đời còn nhớ
Chiều thứ bảy leng keng xe điện đầu ô
(Vũ Đình Minh)

Con sông dùng dằng  con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu
(Thu Bồn)

Cái vầng sáng bồn chồn thương nhớ ấy
Cứ đêm đêm nức nở gọi ta về
(Lê Anh Xuân)

4.Giúp cho ta viết đúng chính tả:

Kinh nghiệm cá nhân: Trong quá trình đọc sách, các mặt chữ hiện rõ lên trong óc và đi vào trong tìm thức một cách ngẫu nhiên. Đến một lúc nào đó, khi thấy một chữ viết sai chính tả thì lập tức ta phát hiện ra ngay.

5. Thông cảm với số phận con người

Khi xem một bộ phim, nhân vật trong phim qua các tình tiết, thậm chí gương mặt của diễn viên v.v... khiến ta yêu thích hoặc căm ghét nhân vật đó. Nhưng để đọng lại lâu dài trong trí nhớ thì phim ảnh không có sức hút lâu dài bằng văn chương. Tại Sao? Vì tâm lý nhân vật, suy nghĩ của nhân vật không được thể hiện rõ nét bằng cách đọc sách. Chẳng hạn, với tác phẩm Chí Phèo, khi đọc thì ta sẽ cảm nhận được rõ nét chuyển biến tâm lý nhân vật mà diễn viên dù tài ba đến đâu cũng khó có thể diễn tả nỗi. Chẳng hạn, về gương mặt Thị Nở, nhà văn Nam Cao viết:

“Cái mặt của thị thực là một sự mỉa mai của hóa công: nó ngắn đến nỗi người ta có thể tưởng tượng bề ngang hơn bề dài, thế mà hai má lại hóp vào thật là tai hại, nếu má phính phính thì mặt thị lại còn được hao hao như mặt lợn, là thứ mặt vốn nhiều hơn người ta tưởng tượng trên cổ người. Cái mũi thì vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành, bành bạnh muốn chen lẫn nhau với cái môi củng cố to cho không thua cái mũi; vì có lẽ cố quá cho nên chung nứt như rạn ra. Đã thế thị còn lại ăn trầu thuốc hai môi dày được bồi cho dày thêm một lần, cũng may quết trầu sánh lại, che cái màu thịt trâu xám nghoách”.

Nếu điện ảnh làm đúng như nhà văn miêu tả thì chắc chắn sẽ gây một hiệu quả ngược lại. Nhưng ở đây qua một đoạn văn ngắn, ta thấy cảm thông và thương cảm cho nhan sắc của Thị Nở. Mà văn chương xưa nay, bao giờ cũng lên tiếng bảo vệ và bày tỏ sự thương cảm với con người (phân tích thêm).

Theo GS Hoàng Như Mai, chỉ một đoạn văn trong tập Quốc văn giáo khoa thư đã đọc thưở nhỏ, mà mỗi lần đứng trước một sân ga, một bến đò thầy luôn liên tưởng đến giây phút bịn rịn của kẻ ở người đi: “Cơm nước xong rồi, thầy mẹ tôi, anh chị em tôi, cả đến người ăn kẻ ở trong nhà đều tiễn tôi ra tận bờ sông, chỗ thuyền đậu.  Thuyền nhổ sào, ai nấy đều chúc cho tôi thuận buồm xuôi gió. Thuyền đi đã xa mà tôi còn đứng nhìn trở lại, nhìn mãi cho tới lúc không cion trông thấy nhà nữa mới thôi. Ôi cái cảnh biệt ly sao mà buồn vậy”


II. Vậy phải đọc sách như thế nào?

1.Lê Minh Quốc đọc bài thơ của mình: “NGƯỜI GIỮ THỜI GIAN CHO MỌI NGƯỜI”

“Nếu anh muốn trò chuyện với những người thành thật của các thế kỷ qua
Thì hãy đọc sách”
Nhà triết học Descarte đã từng khuyên như thế
Sáng hôm nay một mình anh ra bể
Thấy sóng bao la vạm vỡ tận chân trời
Ta có thể lấy điều gì so sánh?
Xin thưa anh: “Tri thức của loài người”

Sáng hôm nay một mình anh lên núi
Thấy ngàn năm mây trắng nõn nà phơi
Mây cuồøn cuộn không gì sánh nổi?
Xin thưa anh: “Có kiến thức trên đời”

Nguồn Sống ấy nằm trong trang sách
Từ đời cha truyền lại đến đời con
Lưu giữ mãi một Tình Yêu trong sạch
Sách mở ra vô tận những tâm hồn

Trang sách chứa bao điều mới lạ
Những tinh khôn từ vạn cổ chí kim
Ai giữ sách để người sau được đọc
Để tri âm - tri kỷ biết nhau tìm?

Điều đơn giản mọi người cùng chia sẻ
Là những thủ thư trong thư viện hiền hòa
Họ yêu sách như duyên tình vạn kiếp
Suốt một đời duyên nợ chẳng lìa xa

Họ giản dị như mọi người giản dị
Nhưng có uy quyền là giữ được Thời Gian
Thời gian ấy nằm trong trang sách
Quyển sách hay sánh với một rương vàng

Nếu có được quyền lực cao chót vót
Thì anh làm gì với quyền lực của anh?
Anh sẽ lấy sách
Gieo khắp bốn bề trái đất
Để hành tinh này tươi thắm một màu xanh

Hành tình này tươi thắm một màu xanh
Nếu trên đời vẫn còn nhiều thư viện
Trang sách mở ra tri thức của loài người
Dạy cho chúng ta biết làm người lương thiện

2.Chọn sách mà đọc (có nhiều cách lựa chọn như qua giới thiệu của cha mẹ, anh em, thầy cô giáo hoặc “thương hiệu” của NXB  hoặc tên tác giả...)

3.Phải chọn sách hay. Thế nào là sách hay? Là những quyển sách khơi dậy cho ta nhiều điều mới mẻ; lựa những tác giả phù hợp với tâm hồn mình...

4.Nếu được thì đọc nguyên bản, hơn là đọc qua bản dịch.

5.Một quyển sách hay ta có thể đọc đi đọc lại nhiều lần.

6.Đọc những sách cao hơn tầm hiểu biết của mình.

7.Nên đọc với suy nghĩ là mình đang muốn săn đuổi, tìm kiếm, khám phá về một vấn đề gì hơn là giải trí đơn thuần.

8..Sau khi đọc, cần suy nghĩ những vấn đề trong sách đặt ra. Điều gì mình không đồng ý và đồng ý để tự phản biện. Nên ghi lại suy nghĩ của mình sau khi đọc một cuốn sách hay.

8.Nên hạn chế đọc truyện tranh:

a.Hình ảnh trong sách hạn chế trí tưởng tượng...

b.Sai lỗi chính tả, cách hành văn cộc lốc...

LÊ MINH QUỐC

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

may tinh bang-dien thoai vo go-sửa nhà

máy tính bảng-vỏ gỗ-sửa chữa nhà