LÊ MINH QUỐC: Tiễn người về cõi âm

Array In Array

Tọa đàm “Vận động không rải vàng mã khi đưa tang trên đường phố”:

TIỄN NGƯỜI VỀ CÕI ÂM

Vấn đề này không mới, nhưng tại sao đến nay vẫn chưa thực hiện được. Câu hỏi được đặt ra trong cuộc Tọa đàm Tọa đàm “Vận động không rải vàng mã khi đưa tang trên đường phố”- do Sỏ VH, TT và DL cùng UBND Q.11 tổ chức vào sáng ngày 29.7.2010 đã được đại biểu các giới quan tâm. Sau đây là một vài ghi nhận của PV báo PNTP.HCM.

kieu

Bản in năm 1965 - tư liệu L.M.Q



* Không phải tập tục của người Việt Nam

Với quan niệm đã ăn sâu trong suy nghĩ từ hàng ngàn năm: “Sự sanh như sự tử, sự vong như sự tồn”, nghĩa là người đã chết được thờ như người sống, do đó, khi đưa một người về cõi âm thì “người trần mắt thịt” cũng cung cấp theo những gì mà lúc sống họ đã từng sử dụng. Tất nhiên, tiền là một trong những yếu tố vật chất không thễ thiếu. Tập tục này có từ bao giờ và có phải là phong tục tập quán của VN?

Thượng tọa Thích Trực Giáo (Phật giáo Q.4) cho biết: “Khi nhà vua băng hà, triều đình đã bỏ thật nhiều vàng bạc vào trong áo quan để vua tiêu dùng. Sau, các quan bắt chước theo và từ đó lan nhanh đến dân chúng. Đây cũng chính là nguyên nhân đánh động lòng tham của bọn bất lương, như mộ vua Hán Văn Đế bị khai quật. Đến năm Khai Nguyên thư 26 đời Đường Huyền Tông ra sắc dụ cho phép dùng tiền vàng giả để thay thế. Không bao lâu sau, dân chúng chán bỏ thì thấy việc đốt vàng mã không hiệu nghiệm nên không đốt nữa. Vì không muốn thấy nghề gia truyền của ông cha mình bị mai một, do đó Vương Luân là con cháu của Vương Dư bèn lập mưu với người bạn thân, lên kế hoạch giả bộ chết, sau đó khâm liệm bỏ vào quan tài chờ ngày đem chôn. Đến ngày đưa đám Vương Luân đem giấy tiền vàng mã và những đồ dùng bằng giấy như nhà cửa, quần áo, hình nhân thế mạng, đích thân cúng tế, sau khi đốt xong thì tự nhiên quan tài rung động, ai nấy đều mục kích rõ ràng, cùng nhau mở nắp quan tài ra, rõ ràng người chết sống lại và kể rằng, chư thần dưới âm phủ nhận vàng mã và hình nhân thế mạng nên mới thả hồn ông về dương thế. Tin đó lan truyền đi rất nhanh và cũng từ đó, giấy tiền vàng mã lại thịnh như xưa”.

Khi văn hóa, phong tục tập quán Trung Quốc du nhập vào Việt Nam, tất nhiên có cả hình thức “tiễn người âm” như trên. Từ thông tin này, ta thấy đây không phải là “sáng kiến” của người Việt. Lập luận này còn được bổ sung bởi ý kiến của GS Thượng Minh Thanh (Trưởng ban đại diện Hội thánh Cao Đài tại TP.HCM). Bằng những chứng cứ văn bản học, ông cho biết, tuy chưa xác định tập tục này vào nước ta từ lúc nào nhưng qua áng văn Thập giới cô hồn quốc ngữ văn thời vua Lê Thánh Tông (Thế kỷ XV), trong đó không hề lưu lại dấu vết của tục đốt vàng mã, chỉ có “thí thực” đầy tính nhân đạo là bố thí thức ăn cho người sống thiếu đói. Nhưng đến thế kỷ XVIII, thì trong Vũ trung tùy bút, Phạm Đình Hổ cho biết bấy giờ đã có “đốt vàng mã là để giúp người chết tiêu dùng”; trong Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn  Du cũng có nhắc đến:

Đàn chẩn tế vâng lời Phật giáo

Của có chi, bát cháo, nén nhang

Gọi là manh áo, thoi vàng

Giúp cho làm của ăn đàng thăng thiên

hoặc trong Truyện Kiều cũng có câu:

Ngỗn ngang gò đống kéo lên

Thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay...

Đáng lưu ý là, lâu nay trong tâm thức dân gian vẫn cho đây là nghi tiết của Phật giáo, nhưng thật ra không phải, GS Thượng Minh Thanh cho biết trong Thiền uyển tập anh - một tác phẩm cổ về Phật giáo VN, được biên soạn từ đời Lý “không có dấu vết của tập tục này”. Ý kiến này đã được các đại biểu diện diện Phật giáo đồng tình.

* Có vận động không đốt, rãi vàng mã được không?

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa (Trường KHXH &NV TP.HCM) cho rằng: “Nhiều người cho rằng rải vàng mã đám ma là truyền thống lâu đời cho nên không thể và không nên bỏ. Nhận thức này không đúng trong  thực tế. Vì các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore đều là những nước chịu ảnh hưởng của Hán Hoa và Nho giáo nhưng ngày nay đều không có hiện tượng rải vàng mã trên đường phố, hay đường làng nữa, kể cả nông thôn Trung Quốc. Phổ biến nhất là họ đốt trước quan tài tại nơi quàn và trước, sau khi hạ huyệt. Như thế ở VN không có lý do gì để nói rằng chúng ta không thể từ bỏ hành động này”.

Về lý trí, chúng ta thấy đắt vấn đề là đúng. Nhưng trong nhận thức của toàn dân không dễ thay đổi một sớm một chiều. Ta thử hãy khảo sát tại Nhà tang lễ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Vị trí này rộng 1.833 mét vuông, có đến... 14 lò đốt tiền vàng mã! Người phụ trách Nhà tang lễ Nguyễn Ngọc Hà cho biết: “Khi đám tang động quan khiên ra khỏi cửa Nhà Tang lễ vẫn còn rải giấy tiền trên đường phố”. Rõ ràng hình ảnh này vẫn còn tồn tại nhiều trên địa bàn TP.HCM, cho dù từ nhiều năm nay UBND TP.HCM, Sở VH,TT và DL TP.HCM  đã ra nhiều văn bản Vận động toàn dân.

Tuy nhiên, từ những cuộc vận động này, tình hình đã có nhiều thay đổi khả quan. Một kinh nghiệm cho biết: tại Khu phố 4, phường 4 (Q.11) có 90% tỷ lệ người Hoa - vốn là cộng đồng từ xa xưa đã có quan niệm “cưới xin phải linh đình, tang lễ phải đủ lễ nghĩa” thế nhưng nay đã khác. Bà tổ trưởng Phạm Thi Kim The cho biết: “Trong nhiều năm qua, kể cả Tết Canh Dần vừa rồi địa bàn chúng tôi đã không có gia đình nào đốt vàng bạc trước cửa nhà trên trục đường Nguyễn Chí  Thanh, Nguyễn Bá Học, Phó Cơ Điều...”.  Với đặc điểm Q.11 có gần 45% dân tộc Hoa nên việc triển khai, vận động người dân thực hiện Chỉ thị 27/CT-TW cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng quan điểm “mưa dầm thấm lâu” của bà Nguyễn Thị Ngọc Anh - trưởng phòng VH và TT Q.11, được nhiều đại biểu tán thành.  Rõ ràng do xuất phát từ suy nghĩ  “dương sao âm vậy” nên  các cơ quan chức năng không thể áp dụng biện pháp hành chánh một cách máy móc mà phải tăng cường tuyên truyền, vận động giáo dục... Ông Phạm Ngọc Hà đề xuất một ý kiến đáng suy nghĩ: “Chúng  ta cần phối hợp với các hội chùa để khuyên bảo đám tang thực hiện không rải, đốt vàng mã khi đưa tang trên đường phố. Thông thường các gia đình khi có tang chế thường liên hệ với các hội chùa để xem ngày giờ và thỉnh thầy đến tụng kinh... nên họ rất tin và nghe các thầy chỉ bảo khi tổ chức tang lễ. Song song đó các cơ quan chức năng nên có những áp phích mang tính cổ động tuyên truyền đặt ở các nơi công cộng như nơi tổ chức tang lễ, khu dân cư, chùa chiền...”.

Tại Tọa đàm, phát biểu của thầy Thượng tọa Thích Trực Giáo đã được mọi người chia sẽ, tán thành: “Thay vì bỏ tiền ra mua giấy vàng mã, tại sao chúng ta không lấy tiền đó dùng vào những việc khác có lợi ích hơn như bố thí, cứu giúp những người cơ nhỡ, người gia neo đơn v.v... đem những việc mang tính từ thiện này, hồi hướng về cho người mất thì lợi lạc biết bao, đây gọi là chánh lý “Âm dương lưỡng lợi” đúng với quan điểm từ bi và trí tuệ của Đạo Phật”.

LÊ VĂN NGHỆ

(nguồn: báo Phụ Nữ 7.2010)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

may tinh bang-dien thoai vo go-sửa nhà

máy tính bảng-vỏ gỗ-sửa chữa nhà