LÊ MINH QUỐC: Vài góp ý về sách giáo khoa môn lịch sử

Array In Array

Tại sao sinh viên học sinh (SVHS) hiện nay không yêu thích môn sử? Câu hỏi này đã gióng lên hồi chuông báo động về một thực trạng đáng buồn, nhưng đến nay chúng ta vẫn có chưa biện pháp giải quyết thỏa đáng. Thậm chí, theo giáo sư Phan Huy Lê đã đến lúc cần phải biên soạn lại sách giáo khoa (SGK) môn lịch sử. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi khảo sát SGK môn học này từ lớp 6 đến lớp 12 đang được giảng dạy trong nhà trường nhầm góp phần tìm câu trả lời đang đặt ra.

 


 

1. CẤU TRÚC KHÔNG HỢP LÝ

Ngay từ lớp 6, ở cái tuổi “ăn chưa no lo chưa tới” nhưng HS buộc phải tiếp thu một vấn đề quá lớn như Khái quát lịch sử cổ đại, từ xã hội nguyên thủy đến quốc gia cổ đại phương Tây, phương Đông, kể cả Văn hóa cổ đại, Lịch sử VN từ nguồn gốc đến thế kỷ X. Các nhà biên soạn SGK sẽ có lập luận của họ khi lý giải vấn đề này. Nhưng xin thưa, ta sẽ lý giải ra sao khi các em phải tiếp cận, phải trả lời những câu hỏi mà chính người lớn cũng... bí rị? Chẳng hạn, chỉ xem một tấm hình khắc trên lăng mộ Ai Cập thế kỷ XIV trước công nguyên mà “Em  hãy miêu tả cảnh làm ruộng của người Ai Cập” (!), “Thử đánh giá các thành tựu văn hóa lớn của thời cổ đại?”. Bên cạnh đó HS còn phải tiếp cận những từ như luật Ham-mu-ra-bi, giấy Pa-pi-rút, chiếm hữu nô lệ, thời nguyên thủy trên đất nước ta với những các câu hỏi “hóc búa” như “Vì sao nhà Hán giữ độc quyền về sắt?”, “Thời dựng nước đầu tiên để lại gì cho đời sau?” v.v...

Có một khó hiểu là từ năm lớp 6, HS đã học “Lịch sử VN từ nguồn gốc đến thế kỷ X”, nhưng lên lớp 10 thì lại học “Lịch sử VN từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX”. Như vậy, những vấn đề trên được lặp lại nhưng cách trình bày lại không nhất quán. Chẳng hạn, về các cuộc khởi nghĩa giành độc lập dân tộc thời Bắc thuộc, SGK 6 đề cập đến các cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí, Triệu Quang Phục, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Khúc Thừa Dụ, Dương Đình Nghệ và Ngô Quyền; còn SGK 10  lại loại cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu, Mai Thúc Loan (?).

Sự cấu trúc không hợp lý này ta còn gặp ở các tập khác. SGK 8, HS học “Lịch sử VN từ năm 1858 đến năm 1918”, thì SGK 11 lại là “Lịch sử VN (1858- 1918)”! Cả hai tập này, do thông tin đưa ra không nhất quán nên ta có thể hỏi, chẳng hạn “Hoạt động của nghĩa quân Yên Thế có thể  chia làm bốn giai đoạn” (SGK 11), hay chỉ ba giai đoạn (SGK 8)?; Pháp tấn công đồn Chí Hòa vào “Ngày 23.2.1861” (SGK 11) hay “Đêm 23 rạng ngày 24. 2.1861” (SGK 8)?; Pháp đánh Bắc kỳ lần thứ nhất từ sự việc của tên lái buôn “Giăng Duy-puy” (SGK 11) hay “Duy-puy” (SGK 8)? Khi Pháp đánh Thuận Hóa, “Ngày 20.8.1883, chúng đổ bộ lên bờ. Quân ta anh dũng chống trả” (SGK 11) hay “Đến ngày 20.8.1883, chúng đổ bộ lên khu vực này. Triều đình hoảng hốt xin đình chiến”? (SGK 8) v.v... Chỉ một câu như thế, đừng tưởng đơn giản, công tội nhà Nguyễn cũng được nhìn nhận từ đó. Căn cứ Tân Hòa của Trương Định ở đâu, trong SGK 11 không nói rõ. Phong trào kháng thuế năm 1908, cũng chỉ ghi nổ ra ở Trung kỳ rất chung chung. Cách viết đơn giản như thế không thể hiện hết tầm vóc cuộc chống sưu thuế vĩ đại này. Vì ban đầu nó diễn ra ở Quảng Nam, nhưng sau đó mới lan rộng cả Trung kỳ. Về mô hình giáo dục nổi tiếng Đông Kinh nghĩa thục, “Đây là một kiểu trường học xây dựng theo mô hình của Nhật Bản, xuất hiện từ thời Duy tân Minh Trị” (SGK 11) hay “Đông Kinh là tên cũ của Hà Nội, nghĩa thục là trường tư làm việc vì lợi ích chung” (SGK 8)? v.v...

Về vai trò đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành, SGK 8 (trang 149) và SGK 11 (trang 154) đều viết giống nhau từ dấu chấm, dầu phẩy, nhưng đáng ngạc nhiên là SGK l1 có thêm một câu: “Người còn tham gia đấu tranh đòi cho binh lính và thợ thuyền VN sớm hồi hương”. Dù cùng một ê kíp biên soạn, tại sao SGK 8 lại bỏ câu này?

Nhìn chung cấu trúc của các bộ SGK này chưa thật sự khoa học, dễ gây nhàm chán cho HS từ văn phong đến cách đặt vấn đề. Tương tự, SGK 9 đề cập đến “Lịch sử VN từ năm 1919 đến nay” thì SGK 12“Lịch sử VN từ năm 1919 đến 2000” (?). Như vậy HS phải tiếp cận lại những vấn đề đã học, kể cả hình ảnh minh họa và những đoạn văn ná nhau hoặc bê nguyên xi từ tập này qua tập kia. Nhưng điều khó hiểu ở đây vẫn là sự không nhất quán. Chẳng hạn, Tân Việt cách mạng Đảng do tù chính trị “cùng một số sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội lập” (SGK 12) hay do “một số sinh viên Trường Cao đẳng  Đông Dương” lập (SGK 9)? Hoặc theo SGK 10“năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy niên hiệu Gia Long” nhưng SGK 7 Nguyễn Ánh “năm 1806 lên ngôi Hoàng đế” v.v...


2. NHỮNG SAI SÓT CẦN CHỈNH SỬA

Lâu nay, ta vẫn quan niệm SGK là pháp lệnh, không thể sai sót nhưng các bộ sách dành cho HS hiện nay chưa đạt đến chuẩn mực mà chúng ta mong muốn. Thứ nhất, điều đáng phàn nàn nhất vẫn là văn phong hành chánh của nhóm biên soạn. Chẳng hạn, về sự hy sinh lẫm liệt của Hai Bà Trưng, lâu nay ta vẫn nhớ đến hình ảnh hào hùng, bi tráng Hai Bà gieo mình xuống dòng Hát Giang. Nay HS được tiếp nhận bằng văn phong khô khốc, lạnh lùng “đã hy sinh oanh liệt trên đất Cẩm Khê” (SGK 6)! Thậm chí, chỉ là “Hai Bà Trưng hy sinh” (SGK 10)!

Đọc SGK nhưng ta lại có cảm giác như đọc một bản báo cáo chính trị. Thử liệt kê theo SGK 7 khi đánh giá về nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử cuộc khởi nghĩa Lam Sơn: nhân dân có lòng yêu nước, bất khuất, quyết tâm giành độc lập, đoàn kết, có đường lối chiến lược, chiến thuật đúng đắn, sáng tạo của bộ tham mưu đứng đầu, biết dựa vào dân, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ giải phóng đất nước... (trang 93). Với “mô hình” đánh giá rất chung chung này, chỉ cần thay đổi một số từ là có thể áp dụng cho các cuộc khởi nghĩa khác. Đơn cử, khi đánh giá về phong trào Tây Sơn, ta vẫn thấy SGK lặp lại những “gạch đầu dòng” ấy (tr. 131)!

Dù dài dòng, nhưng với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, SGK vẫn không nêu được, đã bỏ sót tư tưởng chiến lược và sách lược của nhà tư tưởng, nhà biện luận thiên tài Nguyễn Trãi: “mưu phạt tâm công”. Nó sẽ lý giải vì sao không tương quan lực lượng, nhưng nghĩa quân Lam Sơn đã giành được thắng lợi cuối cùng. Có phân tích được thì sau này học về giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, HS mới hiểu rõ hơn nữa về sự sáng tạo của Đảng Cộng sản VN trong thời đại mới đã kế thừa, nâng cao và hoàn thiện hơn nữa chiến lược đó như thế nào.

Lịch sử là sự vận động, một sự tiếp nối không ngừng, chứ không phải những “lát cắt” biệt lập. Tương tự, trong phần học về “Thực hiện kế hoạch nhà nước 5 năm 1976- 1980”, SGK 10 đã không phân tích sự hạn chế, sai lầm khi chúng ta thực hiện công cuộc cải tạo công thương nghiệp trong quá trình xây dựng XHCN. Trong khi đó, Văn kiện ĐH đại biểu toàn quốc lần VI đã nêu rõ “sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện” thì SGK lại né tránh. Như thế khi học đến học về công cuộc Đổi mới từ Đại Hội VI, làm sao HS có thể thấy hết ý nghĩa quyết tâm Đổi mới của Đảng để nâng cao nhận thức của mình?

Không chỉ với văn phong khô khan và liệt kê con số mà SGK còn bộc lộ những bất cập khác. Xin đơn cử từ SGK 7: Thời nhà Lê “Đa số dân đều có thể đi học, đi thi trừ những kẻ phạm tội và làm nghề ca hát”, những hạng người trên chỉ  cấm đi thi chứ không cấm đi học, lệ này bãi bỏ dưới thời vua Lê Dụ Tông, chứ không phải áp dụng xuyên suốt thời nhà Lê; “Nguyễn Hoàng được cử vào trấn thủ Thuận Hóa, Quảng Nam”, do Nguyễn Hoàng sợ Trịnh Kiểm ám hại nên xin chúa Trịnh đi, “cao chạy xa bay” chứ chả “được cử” gì ở đây cả v.v...

SGK 8: “Cho đến năm 1919, Pháp vẫn duy trì chế độ giáo dục thời phong kiến”. Thưa, năm 1915: khoa thi  Hương cuối cùng ở Bắc kỳ, năm 1918: khoa thi hương cuối cùng ở Trung kỳ, rồi ngày 21.12.1917 Toàn quyền Đông Dương A. Sarraut đã ra Nghị định ban hành Quy chế chung về ngành giáo dục ở Đông Dương thì “vẫn duy trì” cái gì nữa?; “Tháng 3. 1909, Phan Bội Châu buộc phải rời khỏi Nhật Bản. Phong trào Đông Du tan rã. Hội Duy tân ngưng hoạt động”, mãi đến đầu tháng 2.1912 cụ Phan cùng các đồng chí mới quyết định cải tổ Hội Duy tân thành Việt Nam Quang phục Hội kia mà.

SGK 10: “Bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu là bộ sử chính thống của nhà nước được biên soạn” lẽ ra phải cho HS biết đây là “bộ quốc sử đầu tiên của nước ta”; chỉ từ thế kỷ XVI - XVIII “Kinh nghiệm “Nước - phân - cần - giống” được đúc kết qua sản xuất”, vậy hóa ra trước đó nhà nông ta chưa có kinh nghiệm này? Vô lý! “Thời Trần suy vong, Tể tướng Hồ Quý Ly thực hiện cuộc cải cách lớn”, thời Trần không gọi Tể tướng, với cương vị tương đương phải gọi đúng tên là “Phụ chính thái sư nhiếp chính Hồ Quý Ly”; “bộ sử thi bằng chữ Nôm Thiên Nam ngữ lục”, không phải sử thi đây là tập diễn ca lịch sử Việt Nam; “về y học có bộ sách y dược của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác”, phải gọi đúng tên “Hải Thượng y tôn tâm lĩnh”...

SGK 12: “Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt tại Thượng Hải (TQ), kết án tù rồi đưa về an trí ở Huế”. Thưa, Pháp kết án tù cụ Phan ở Thượng Hải hay tại Hà Nội? “Một số đảng chính trị như Việt Nam nghĩa đoàn, Hội Phục Việt, Đảng Thanh niên (đại biểu là... Nguyễn An Ninh v.v...)”. Thưa, Nguyễn An Ninh không liên quan gì đến các tổ chức trên.



3. THỬ ĐƯA RA MỘT GIẢI PHÁP

Chỉ mới khảo sát phần lịch sử VN, chúng ta đã phát hiện ra những bất cập trên. Liệu phần lịch sử thế giới từ cổ đại, trung đại đến năm 2000 cũng có những va vấp tương tự? Theo chúng tôi, do mong muốn nhồi nhét một lượng kiến thức khổng lồ cho HS nên các nhà biên soạn SGK bộc lộ nhiều lúng túng. Họ đứng trước áp lực phải trình bày lịch sử cả thế giới (trong đó VN) một cách chi tiết nên họ không thể đi sâu vào từng vấn đề cụ thể nào. Do đó cách lựa chọn của họ là bám theo biên niên lịch của sự kiện. Vì thế, cách trình bày rất khô khan, nặng về số liệu khiến chúng ta có cảm giác như đọc các bản báo cáo chính trị.

Chúng ta thử xem bài học của HS lớp 7 khi học về “Phong trào Tây Sơn” (bài 25). Sau đây là các phần mà HS phải học: I. Khởi nghĩa nông dân Tây Sơn: 1. Xã hội Đàng Trong nửa sau thế kỷ XVIII; Khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ.  II. Tây Sơn lật đổ chính quyền họ Nguyễn và đánh tan quân xâm lược Xiêm: 1. Lật đổ chính quyền họ Nguyễn;  Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (1785). III. Tây Sơn lật đổ chính quyền họ Trịnh: 1. Hạ thành Phú Xuân- tiến quân ra Bắc Hà diệt họ Trịnh; Nguyễn Hữu Chỉnh mưu phản- Nguyễn Huệ thu phục Bắc Hà. IV. Tây Sớn đánh tan quân Thanh: 1. Quân Thanh xâm lược nước ta; 2. Quang Trung đại phá quân Thanh (1789); 3. Nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử của phong trào Tây Son (từ trang 119 - 131). Chao ôi! HS phải trả lời đến 11 câu hỏi, trong đó có những câu rất “thuộc lòng” như “Lập niên biểu hoạt động của phong trào Tây Sơn từ năm 1771- 1789)”. Liệu có cần thiết không? Đã thế, qua 13 trang dài dằng dặc như thế, nhưng các nhà biên soạn SGK lại không tóm tắt những ý chính làm các “toát yếu”; hoặc “bài học” thì HS làm sao nhớ nổi tất tần tật các sự kiện trên?

Cần thay đổi một quan niệm, học sử là nhằm hình thành nhân cách, chứ không phải để thuộc các con số “ngày nào? tháng nào?”. HS rút ra được ý nghĩa gì, bài học từ mỗi sự kiện của quá khứ để vận dụng cho tương lai mới là điều mà SGK cần hướng đến. Nhà sử học Dương Trung Quốc hoàn toàn có lý khi cho rằng: “Cái quan trọng nhất của lịch sử (tạm gọi) là tính ngụ ngôn hay những bài học của lịch sử, thấm vào thế hệ trẻ không phải tri thức đơn thuần. Hiện, chúng ta mới nhìn lịch sử như là trí nhớ, trong khi phải tìm thấy bài học lịch sử gắn với ngày hôm nay thì mới có ý nghĩa”.

Đã thế, cách bố cục dàn bài cho mỗi tập SGK lại trùng lắp nhau, khiến HS phải học đi học lại một vấn đề. Do nặng về các sự kiện lịch sử nên các nhân vật cụ thể chỉ được các nhà biên soạn SGK viết thoáng qua. Nếu viết về cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông mà SGK viết thật hay, hình vẽ thật đẹp về những tấm gương Trần Hưng Đạo, Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão...; làm nổi bật câu nói như “Đầu tôi chưa rơi xin bệ hạ đừng lo”, “Nếu muốn hàng giặc, bệ hạ hãy chặt đầu tôi”, “Thà là ma nước nam còn hơn làm vương đất Bắc” v.v... thì HS sẽ thích thú, sẽ nhớ lâu hơn các con số, sẽ thấy rõ hơn ý nghĩa của cuộc kháng chiến đời Trần. Sử là một học của tình cảm, đành rằng có lúc phải nhớ đến năm tháng cụ thể (vì đó là những sự kiện lớn bắt buộc phải nhớ) thì điều quan trọng là nó phải tác động đến tình cảm thương, ghét của của HS. Cách biên soạn SGK của chúng ta chưa thỏa mãn được yếu tố này.

Trước thực trạng này, đã đến lúc chúng ta cần phá bỏ sự “độc quyền” trong biên soạn và phát hành SGK đã tồn tại vô lý nhiều năm nay. Biên soạn SGK là trách nhiệm của mọi nhà sư phạm, mọi nhà nghiên cứu chứ không phải “lãnh địa” của riêng ai. Thiết nghĩ, Bộ GD & ĐT cần ban hành chương trình chung cho tất cả môn học từ tiểu học đến trung học, căn cứ vào định hướng này các nhà làm SGK sẽ biên soạn tùy theo tư duy sư phạm của họ. Như thế, SGK đưa ra thị không đi chệnh hướng của Bộ mà lại có nhiều sắc màu, phong phú và đa dạng. Chính chất lượng của bộ sách sẽ quyết định các nhà trường chọn bộ sách nào để dạy  cho HS. Họ có nhiều chọn lựa, chứ không chỉ có một và “chỉ một mà thôi” như hiện nay. Nếu bộ SGK nào kém chất lượng thì cơ chế thị trường sẽ đào thải. Có như thế, Bộ ta mới huy động và phát huy được hết chất xám của trí thức hiện nay cùng góp sức nhằm hoàn thiện SGK. Sự “độc canh” lãnh vực SGK của một nhóm người và “độc quyền” xuất bản đã cho thấy những bất cập mà đến lúc chúng ta cần phải mạnh dạn thay đổi. Nếu không chính HS là người thiệt thòi trước nhất.

Tuy còn nhiều vấn đề cần trình bày, nhưng trong khuôn khổ bài báo ngắn chúng tôi tạm dừng tại đây. Rất mong nhận được sự phản hồi từ phía người biên soạn SGK và bạn đọc.

LÊ MINH QUỐC

(nguồn: tạp chí Xưa & nay - 2009)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

may tinh bang-dien thoai vo go-sửa nhà

máy tính bảng-vỏ gỗ-sửa chữa nhà