TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Phỏng vấn Nhà thơ LÊ MINH QUỐC: Sao tôi cứ lạc lối đoạn trường…

Nhà thơ LÊ MINH QUỐC: Sao tôi cứ lạc lối đoạn trường…

Nhà thơ Lê Minh Quốc hiện đang công tác tại báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh trong vai trò Trưởng ban Văn hóa văn nghệ. Ngoài ra anh còn viết sách và hiện đang là tác giả của những bộ sách rất nổi tiếng như “Kể chuyện Danh nhân Việt Nam”, “Mối tình đầu của các Danh nhân Việt Nam”, “Tướng quân Hoàng Hoa Thám…”, nhưng ít ai biết nhà thơ Lê Minh Quốc ngoài đời cũng có đời sống nghiệt ngã và đầy bất hạnh -  như chính anh tự nhận. Năm mới, nhà thơ có một ước ao nho nhỏ “có mái ấm gia đình”.

sao-toi-lmq

Nếu tôi được viết “Mối tình đầu” của nhà thơ Lê Minh Quốc, tôi sẽ phải viết mối tình nào?

- Mối tình đầu của tôi ư? Ai ta? A, đó là năm lớp 10, tôi yêu cô ấy và chỉ lẽo đẽo theo sau cho đến khi tôi đi bộ đội, cô vẫn không biết là tôi yêu. Đó là mối tình đẹp nhất của tôi, đẹp ở chỗ là người ta không biết mình yêu họ, đẹp ở chỗ chưa bao giờ ngỏ lời với người ta. Yêu sâu đậm lắm, vì đó lần đầu tiên trong đời mình biết rung cảm với cái đẹp, biết thế nào là người phụ nữ đẹp.

Lúc đó anh làm thơ chưa?

-Tôi làm thơ từ năm lớp 7 khoảng 14 tuổi, thơ tôi hay in trên tờ Thiếu Nhi do nhà văn Nhật Tiến làm chủ bút. 17 tuổi thì bắt đầu biết yêu cô đó. Lúc đó tôi đang ở Đà Nẵng, cô ấy cùng lớp, nhà ở đối diện nhà tôi. Sau này cũng có nhiều mối tình để lại dấu ấn sâu đậm. Sâu đậm rồi cũng qua đi. Chỉ có mối tình đầu tiên là đẹp nhất. Có một số bài thơ tôi viết cho cô ấy khi đi bộ đội. Nằm trong rừng rú, nhớ đến cô ấy và làm thơ. Nhưng chưa bao giờ hoặc có thể là không bao giờ công bố vì muốn giữ lại một kỷ niệm đẹp của riêng mình.

Gọi anh là gì thì đúng?

- Gọi tôi là người “cần cù bù thông minh” (cười)

Sao anh khiêm tốn vậy, làm sao nhà thơ mà cần cù được. Thơ vốn là sự sáng tạo?

- Thật ra trong tôi có hai con người, một con người lấy cần cù bù thông minh. Và một con người luôn đi tìm tâm trạng của mình và may mắn là tâm trạng nó luôn đi tìm nàng thơ để giãi bày. Con người thứ hai là tự khai thác tâm hồn của chính mình. Tâm hồn của tôi có quá nhiều giông bão. Giông bão về cuộc đời, về sống và về tình ái. Tình ái quá nhiều cho nên lúc nào cũng có thể làm thơ. Ngoài ra công việc viết báo, khảo cứu, viết tiểu thuyết… cũng chiếm nhiều thời gian của tôi rồi.

Nhưng thấy anh nổi tiếng ở khảo cứu hơn là tiểu thuyết, thậm chí có lúc hơn cả thơ?

- Đúng. Tôi cũng viết rất ít và chỉ viết tiểu thuyết về danh nhân như ông Nguyễn Thái Học - một tiểu tư sản chịu chơi và có mối tình rất… hay. Cuộc đời ông chỉ có một người đàn bà duy nhất và trong buổi hôn lễ, thay vì trao nhẫn, ông trao cho bà… khẩu súng, và nói, nếu ông mất trong cuộc chiến đấu, bà hãy dùng đến nó và bà nói: “Em sẽ dùng khẩu súng này để theo anh xuống tuyền đài”. Tôi ái mộ ở chỗ mới ở tuổi là một sinh viên, ông đã tổ chức được một cuộc Cách mạng. Nguyễn Thái Học cũng có câu nói nổi tiếng: “Không thành công thì cũng thành nhân”.

Thứ hai là ông Hoàng Hoa Thám. Từ nhỏ tôi đã mê Hoàng Hoa Thám rồi, không có cuộc kháng chiến nào bền bỉ, ngoan cường bằng cuộc khởi nghĩa của Đề Thám, kéo dài 30 năm, tất nhiên trước khi có sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nhân vật thứ ba mà tôi viết là Nguyễn An Ninh, ông này đáng nể vô cùng. Từ nhỏ ông bị cà lăm vậy mà những năm đầu 1920, tại miền Nam không ai diễn thuyết hay hơn Nguyễn An Ninh, nói như giáo sư Trần Văn Giàu: Đó là thần tượng của thế hệ trẻ Việt Nam đầu thế kỷ 20.

Nhân vật thứ tư là nhân vật Tôn Thất Tuyết, theo tôi đó là một nhà yêu nước chống Pháp. NXB Văn học in và NXB Kim Đồng tái bản hàng loạt. Sau khi quyển sách ra đời, báo Nhân Dân đã viết bài khen. Để nói về trước đó, tôi đã được NXB Trẻ đặt hàng với các tập sách về Danh nhân Việt Nam. Tôi viết đề cương bộ sách “Kể chuyện danh nhân” với 10 chủ đề: danh nhân quân sự, danh nhân văn hóa, danh nhân cách mạng, nữ danh nhân, danh nhân sư phạm… và đã in được 26 tập, mỗi tập 160 trang, giới thiệu 8 đến 10 danh nhân. Bộ sách này cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức đưa vào hệ thống sách tham khảo cho học sinh các trường từ năm 1997.

Cơ duyên nào đưa anh đến với việc viết sách về các Danh nhân?

- Tôi có nhiều sách lắm, dù không đọc tôi vẫn mua. Một ngày báo Vũng Tàu gọi điện cho tôi đặt bài cho chuyên mục thường kỳ  “Mỗi tuần một danh nhân”. Từ đó tôi bắt đầu bắt tay vào việc khảo cứu, tự xây dựng tủ sách tham khảo theo đề tài, chủ đề. Tôi viết rất kỹ. Viết theo biên niên sử của từng người và có hình ảnh đàng hoàng. Có 3 nguồn ảnh: từ báo chí, từ các tập sách ảnh và từ Internet.

Thật ra tôi đang đi theo con đường của cụ Nguyễn Hiến Lê. Tôi nhớ như in một câu nói trong hồi ký của cụ, rất quan trọng với tôi: “Khi muốn tìm hiểu về vấn đề gì, tốt nhất là ta viết về một cuốn sách về vấn đề đó”. Đúng như cụ đã nêu gương: không có gì bằng tự học. Tôi cho rằng mình có tinh thần tự học rất cao. Tôi nằm lòng lời các vị tiền bối đã dạy: “Cứ ngồi vào viết mà không cần đợi hứng đến”. Nguyên tắc làm việc của tôi là khi viết về đề tài gì thì phải tập trung cho xong. Xong rồi thì không bàn đến nữa.

Nhưng thú thật là đôi lúc tôi cũng thấy… chán đời lắm. Vì không biết mình viết nhiều như thế, làm nhiều như thế… để làm gì? Nhưng rồi cứ lặp lại. Tôi bất hạnh ở chỗ là đã bị “lập trình”: đúng 6 giờ ngồi vào vi tính, check mail xong rồi thoát ra đi làm. Đến 3 giờ chiều, thì ngồi viết đến 5,6 giờ nếu không ai rủ đi nhậu thì về nhà, lại ngồi vào bàn viết đến 10 giờ đi ngủ, chấm hết một ngày.

Anh có lần đã nói với bạn bè “tôi là người bất hạnh”, anh nói chơi trong lúc “trà dư tửu hậu” hay là biện minh cho sự cô độc của mình?

- Tôi là người bất hạnh, bất hạnh thật chứ biện minh gì. Đã hai lần lập gia đình rồi hai lần ly hôn. Bây giờ vẫn sống một mình, chưa con chưa cái, lâu lâu mẹ già vào thăm, ở lại chăm sóc được vài ba tháng. Mẹ cứ nhìn tôi mà tặc lưỡi: “Con ơi, sao không lấy vợ đi”. Tôi, giờ đây thường xuyên thèm cảnh có được một gia đình bình thường thôi, có vợ có chồng và có con, mà không được, đến giờ đó là ước mơ cháy bỏng của tôi. Tôi cũng đang yêu, thậm chí là yêu đến suýt chết, vậy mà mới đây thôi, cô gái của tôi lại nói: “Em không lấy anh đâu,  em sắp có con với người ta. Mình chia tay nhé”. Tôi hụt hẫng và đau khổ. Một hôm, nhìn nắng chiều xuống, đẹp quá, nắng tơ vàng đẹp đến nỗi tôi nghĩ nếu không vì một chút ước ao nhỏ nhoi là làm sao để sống một cuộc sống gia đình chỉ một ngày, rồi tôi sẽ đi theo nắng vàng khuất núi. Đến giờ đời tôi chưa có một ngày như thế. Chế Lan Viên viết:  “Đóng cửa phòng văn hì hục viết - Nắng trôi đi oan uổng biết bao ngày”. Được người ta khen viết nhiều sách, viết nhiều thơ… để làm gì, lúc đó chỉ cần có một cuộc điện thoại của tình nhân thì còn gì hơn nữa.

Bây giờ, vì nàng thơ, anh còn dám yêu không và có khi nào anh tự hỏi “hay là người ta không dám yêu mình?”

- “Hay là người ta không dám yêu mình” ư? Cũng có lý. Có một câu thơ của tôi đã vận vào tôi như thế này “Chấp nhận yêu tôi là một cuộc lưu đày”. Không cô nào yêu tôi mà cuộc sống sau này được trọn vẹn, cứ trúc trắc trục trặc hoài. Tôi đang yêu một cô, nhưng cô này chảnh chọe hoài, khi thì yêu, khi thì không yêu… chuyện chẳng tới đâu. Chỉ tiếc là sau khi ly dị vợ, tôi đã yêu cô ấy rất nhiều. Tôi thấy số phận mình kỳ cục quá. Cũng là một người đàn ông đàng hoàng, có nhà cửa, có một chút tiếng tăm, không thiếu tiền bạc. Thôi, nói tóm lại tôi không cần gì hết nữa, chỉ cần một mái ấm gia đình. Tôi hy vọng là năm nay mình sẽ có.

Ngân Hà

(nguồn: tạp chí Sài Gòn mới số tháng 8.2006)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com