LÊ MINH QUỐC: Lý giải “ma lực” Nguyễn Nhật Ánh

Array In Array


Trong nhà văn có một nhà sư phạm


(TT&VH) - Sáng qua 31/5 tại công viên Tao Đàn TP.HCM, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có buổi giao lưu bạn đọc nhân dịp phát hành tác phẩm mới Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ (NXB Trẻ). Như nhiều tác phẩm khác của ông, Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ được in với số lượng khủng: 21 ngàn bản bìa mềm và 2 ngàn bản bìa cứng. Tại sao tác phẩm nào của Nguyễn Nhật Ánh cũng được đón đọc rất nhiều?

Thật trùng hợp, ngày 25/6 tới đây, nhà thơ Lê Minh Quốc được NXB Kim Đồng ấn hành cuốn sách biên khảo về Nguyễn Nhật Ánh. Trong đó, Lê Minh Quốc dành một dung lượng tương đối lớn lý giải tại sao sách của Nguyễn Nhật Ánh lại đều đặn tái bản và mỗi khi ra sách mới đều trở thành sự kiện.

TT&VH có cuộc trò chuyện với “nhà nghiên cứu” Lê Minh Quốc về hiện tượng Nguyễn Nhật Ánh.

LeMinhQuoc-Custom


Nhà thơ Lê Minh Quốc. Ảnh Phương Thảo

Nguyễn Nhật Ánh = nhà văn + nhà sư phạm

* Thưa anh Lê Minh Quốc, anh nhìn nhận thế nào về vị trí của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đối với văn học thiếu nhi?

- Với dòng văn học thiếu nhi và tuổi mới lớn, Nguyễn Nhật Ánh đang giữ một vị trí đặc biệt. Khó có người thay thế. Khi liệt kê tên tuổi và tác phẩm của một thế hệ nhà văn, hội đồng làm văn học sử có thể nhớ đến người này và quên béng đi người kia. Có thể chọn người này và bỏ sót người kia. Nhưng với Nguyễn Nhật Ánh, người ta không thể, dù cố tình hoặc vô ý. Cùng thế hệ cầm bút với anh, hiếm có một nhà văn nào khi tung ra tác phẩm mới, lập tức lại tạo nên dư luận xã hội. Hiếm có nhà văn nào hầu hết các tác phẩm đã viết đều được tái bản liên tục, cứ “đến hẹn lại lên” nhằm đáp ứng nhu cầu của bạn đọc. Nhu cầu đó có thật, chứ không phải vì một tác động, một quyền lực nào ngoài văn học.

* Theo anh, tại sao công chúng thích tìm đọc tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh?

- Sử dụng thành thạo và thể hiện được sự trong sáng, phiêu linh, giàu có của tiếng Việt là tài năng của nhà văn. Văn chương của họ, dù viết ở góc độ nào cũng thể hiện được sự mạch lạc, lôi cuốn và đúng ngữ pháp. Câu văn trong sáng như nó vốn có, như lời ăn tiếng nói ta tiếp nhận hằng ngày, không cần phải “lên gân”, không cần phải ma mị son phấn, uốn éo điệu đàng, phô trương làm dáng mà vẫn hấp dẫn. Trong số đó có Nguyễn Nhật Ánh. Anh đã chọn đúng cách viết phù hợp với tâm lý đối tượng bạn đọc. Khảo sát tác phẩm của anh, ta nhận ra điều này rất rõ nét.

* Một nhà văn chuyên nghiệp đều tự ý thức gánh lấy một sứ mệnh của riêng mình. Nói cách khác, thông qua tác phẩm là họ gửi đến bạn đọc một thông điệp xuyên suốt. Thông điệp của Nguyễn Nhật Ánh là gì?

- Từ góc độ của một nhà văn chuyên viết cho đối tượng bạn đọc chưa nhuốm bụi trần, chưa bị ái, ố, hỉ, nộ làm hoen ố cái nhìn về thế giới xung quanh - Nguyễn Nhật Ánh cho rằng: “Trong tâm hồn nhà văn phải có một nhà sư phạm mẫu mực nữa. Với những đối tượng khác - những đối tượng đã tự nhận thức, đã tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình thì nhà văn có thể lột trần sự việc để bạn đọc tự cảm nhận và chọn lọc. Nhưng với đối tượng thiếu nhi và tuổi mới lớn thì không thể”. Theo Nguyễn Nhật Ánh, vai trò của nhà sư phạm trong nhà văn sẽ điều chỉnh, chọn lọc những tình tiết phù hợp với lứa tuổi đó nhằm đạt đến hiệu quả cuối cùng là sự hướng thiện. Nếu nhà văn cay cú với cuộc đời, ném vào trang viết của mình những suy nghĩ thô lỗ, những tình tiết bỉ ổi thì người hứng chịu trước nhất là con em của nhà văn và kế đến là độc giả.

Chính điều này đã lý giải vì sao tác phẩm của anh, không chỉ lứa tuổi đó mà ngay cả các bậc phụ huynh cũng yêu thích, bởi họ tìm thấy ở đó đạt được yếu tố “hai trong một”: giải trí và giáo dục. Cả hai được kết hợp hợp lý và xuyên suốt trong toàn bộ tác phẩm của anh.

Đi thực tế để hiểu “lũ nhóc thời @”

* Ngoài tính “giáo dục, giải trí”, trong văn Nguyễn Nhật Ánh có gì để người đọc nhiều lứa tuổi mê đắm?

- Hầu hết các trang văn thơ mộng nhất của Nguyễn Nhật Ánh đều gợi lên không khí của một miền quê yên ả. Khi tốc độ công nghiệp hóa ngày càng dữ dội thì cái lũy tre làng, chiếc cầu bắt qua sông, những vàng hoa bươm bướm… lại là ấn tượng trong tâm trí của nhiều người (nhất là người trẻ đã lớn lên từ thành phố). Nguyễn Nhật Ánh quan niệm: “Đường phố đô thị chỉ đơn giản là những trục đường giao thông, phục vụ cho công việc di chuyển, nhưng với con đường quê thì nó lại mở ra biết bao kỷ niệm trong lòng người”. Đọc kỹ tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh, ta thấy miền quê ấy không chỉ là Quảng Nam quê anh, mà nó đã được khái quát thành một không gian chung. Do Nguyễn Nhật Ánh xuất phát từ nhà thơ, nên khi viết về kỷ niệm, trang viết của anh được dịp phiêu lãng nhẹ nhàng và giàu cảm xúc. Đó cũng là một lợi thế của nhà thơ khi viết văn xuôi.

* Lâu nay, người cầm bút nào cũng bảo mình là nhất, anh cũng cầm bút như Nguyễn Nhật Ánh, tại sao anh lại viết sách “ca ngợi” nhà văn này?

- Tôi kính nể sức lao động khủng khiếp của Nguyễn Nhật Ánh! Khối lượng tác phẩm của anh đã in là rất lớn. Ít ai biết rằng, để có chất liệu hoàn thành các bộ sách dành cho thiếu nhi và lứa tuổi mới lớn thì anh cũng “đi thực tế”. Trong một lớp học ban đêm dành cho các em thanh thiếu niên, cơ nhỡ thất học, các thầy cô giáo ngạc nhiên khi thấy có nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng vào... học. Đó là cách anh tiếp cận với đối tượng mà mình sẽ viết. Từng đêm anh lân la, trò chuyện, đùa nghịch để hiểu các em nhiều hơn. Điều này sẽ lý giải vì sao, dù đã qua lứa tuổi học trò nhưng trang văn của anh vẫn gần gũi, thu hút được độc giả nhí. Giữa anh và độc giả của anh không có khoảng cách. Chính điều này đã làm các đồng nghiệp ngạc nhiên về anh: Tại sao anh lại có thể hiểu lũ nhóc thời @ này đến thế?

* Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện này.

Thanh Kiều (thực hiện)

(nguồn:

http://thethaovanhoa.vn/173N20120601060617002T133/le-minh-quoc-ly-giai-ma-luc-nguyen-nhat-anh-trong-nha-van-co-mot-nha-su-pham.htm

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:

may tinh bang-dien thoai vo go-sửa nhà

máy tính bảng-vỏ gỗ-sửa chữa nhà