TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Phỏng vấn LÊ MINH QUỐC: Đứng trước gương

LÊ MINH QUỐC: Đứng trước gương

Mục lục
LÊ MINH QUỐC: Đứng trước gương
* Ai cũng có một thời tuổi xanh
* “Làm thơ hay viết văn cũng là để thể hiện chính mình”
* Lê Minh Quốc: Đứng trước gương
* Trò chuyện với cây bút trẻ Lê Minh Quốc: “Lực lượng viết trẻ ở Tiền Giang rất mạnh,
Tất cả các trang

bia-4

Bìa 4 tập thơ dầu tay Trong cõi chiêm bao (NXB Văn Nghệ TP.HCM - 1989)

 

Những bài phỏng vấn còn nhiều, sẽ post dần dần. Đọc lại tư liệu, sao lúc ấy lại siêng trả lời đến thế? Những trao đổi này, đọc lại vẫn thấy năm tháng của ngày vừa có vài tác phẩm được xuất bản. Và những suy nghĩ của lúc ngoài ba mươi. Như một kỷ niệm. Vậy thôi.

L.M.Q

IX. 2012



Ai cũng có một thời tuổi xanh

thoituoixanh

PV: Với tuổi xanh đã qua, anh còn nhớ lại và giữ lại những kỷ niệm gì?

L.M.Q: Kỷ niệm thì nhiều, nhưng tôi vẫn không quên những tháng ngày tập tễnh bước vào con đường sáng tác (giống hệt như các bạn trẻ bây giờ). không rõ do trời xui đất khiến như thế nào mà lớp Ngữ văn (niên khóa 1983 -1987) của trường Đại học Tổng hợp TPHCM lại quy tụ nhiều “nhân tài” đến thế! Bạn bè tôi một số người bây giờ đã thành danh như Trương Nam Hương, Nguyễn Quốc Chánh, Kiều Kim Loan, Lê Đại Anh Việt, Trần Việt Dũng… Sau một vài năm ra trường đều có tác phẩm xuất bản.

Còn nhớ trong căn phòng ở ký túc xá - chúng tôi gọi đùa là “phòng số 6” vì nhại theo tên truyện ngắn của văn hào Sê-khốp, mà trong đó chỉ chứa toàn người… điên (!) - chúng tôi đã nằm bên nhau với cái bụng đói meo để bàn luận hết sức nghiêm túc về… thơ! Rồi những bài thơ được gửi đăng báo. Rồi những đêm đọc thơ cho nhau nghe v.v… Trương Nam Hương bò dài trên chiếc giường sắt hai tầng để viết thơ tình. Có lẽ, trong nhóm chúng tôi, anh là người có thơ in sớm nhất.

Nhớ hồi đó có một em sinh viên khoa sử yêu Hương, hàng đêm vẫn lặng lẽ gửi cho Hương dăm ba điếu thuốc. Dần dần cả phòng 6 chúng tôi đều… yêu em! Còn tôi, thì cũng trong thời gian đó được in thơ trên báo Công Nhân Giải Phóng (bây giờ đổi là Người Lao Động). Tôi còn nhớ là trong bài thơ đó có câu: “Tôi ngồi công viên làm thơ ghi trên cỏ”. Muốn sống như nhân vật trong thơ, sau khi lãnh nhuận bút xong thì tôi cũng vào công viên với tâm hồn ngơ ngác như thơ, sau đó, tai họa đổ ập xuống tôi là bị lừa mất chiếc xe đạp  một tài sản quý báu bậc nhất lúc bấy giờ.

PV: Anh có đọc nhiều thơ của các bạn trẻ bây giờ không?

L.M.Q: Trên báo Tuổi Xanh, Mực Tím, Áo Trắng thường có đăng thơ của những người trẻ hiện nay. Tôi vừa được tặng tập thơ Bỏ Hoa Về Phố (NXB Trẻ - 1993) và đã đọc thích thú. Nhưng cây bút mới như Nguyễn Hữu Hồng Minh, Quốc Sinh, Đa Mi, Nguyễn Hồng Lam, v.v… đã gợi nhớ trong tôi những ngày tháng còn là sinh viên. Và theo tôi, đáng kể nhất là các bạn trong Bút nhóm Vòm Me Xanh của báo Mực Tím, những Lê Khắc Cường, Gia Bảo, v.v…. đã quyến rũ được bạn đọc bằng tác phẩm của họ. Hoặc mới đây nhất là trên TUỔI XANH tôi được đọc sáng tác của Lê Thu Thủy và Nguyễn Quyến trong mục “Giới thiệu cây viết mới”…. Nghĩ cho cùng, tôi thích đọc thơ của các bạn trẻ vì tìm được đó những niềm vui mới.

PV: Vâng, cám ơn anh. Nhân tiếp xúc với bạn đọc Tuổi Xanh, anh có thể tặng một bài thơ nào về tuổi xanh?
L.M.Q. Cám ơn Tuổi xanh đã dành cho tôi sự gặp gỡ này. Và đây là bài thơ “Không phải chuyện cổ tích” -  chắc rằng ai cũng có một thời tuổi xanh như thế.

P.V

(nguồn Tạp chí Tuổi Xanh số 1.1994)


“Làm thơ hay viết văn cũng là để thể hiện chính mình”

lmq-2

Lê Minh Quốc là nhà thơ trẻ. Đầu năm nay, anh cho ra mắt tập thơ thứ hai “Ngày mai còn lại một mình tôi” (NXB Trẻ). Thế nhưng mấy tháng nay, anh đã chuyển sang viết văn xuôi. Truyện dài “Sân trường kỷ niệm” (tủ sách Áo Trắng, NXB Trẻ) của anh đã không còn trên sạp sách. NXB Trẻ  lại sắp phát hành tiểu thuyết “Mùa thu đứng trước cổng trường” của anh. Bữa ghé báo Phụ nữ TP.HCM tôi lại gặp Lê Minh Quốc đang đánh máy bản thảo tiểu thuyết “Về nơi nào để nhớ” đã được NXB Văn Nghệ TPHCM “đặt cọc”. Tôi hỏi thẳng anh suy nghĩ trong đầu.

- Ông viết sung đấy. Xin chúc mừng. Nhưng xin hỏi thật: Viết vì đam mê hay vì cuộc sống? Thế còn thơ?

Lê Minh Quốc có vẻ gật gù, rồi nói:

- Làm thơ hay viết văn cũng là để thể hiện chính mình. Trước khi làm thơ thì chúng ta đều xuất hiện với tư cách công dân. Công dân ấy có thể vừa làm thơ vừa viết tiểu thuyết hoặc bất cứ thể loại nào khác, nếu thật sự có sự thôi thúc của nội tâm cần giãi bày, nên ông đừng có ngạc nhiên khi một số nhà thơ chuyển sang viết “văn xuôi” như Đoàn Vị Thượng với “Chuyện tình chim hót”, Bùi Chí Vinh với “Yểu điệu thục nữ” và chị Phạm Thị Ngọc Liên, các anh Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Quốc Chánh, Trần Hữu Dũng… cũng vậy. Viết văn xuôi tùy theo động cơ của từng người nhưng tôi cho rằng là họ viết vì chính họ chứ không hẳn là vì tiền nong, tất nhiên là nhuận bút văn xuôi cao gấp mấy lần thơ.

Theo tôi, dù sao, sự thể nghiệm ngòi bút sang một thể loại khác bằng tất cả nỗ lực của mình thì đó là điều đáng khuyến khích.

- Nhưng phải công nhận, qua mấy đầu sách văn xuôi, cuộc sống của ông được “cải thiện” nhiều?

-  Hiện tại tôi vẫn sống hệt như một chàng sinh viên mà trước đây tôi đã sống. Ở nhà thuê, ăn cơm quá, có khác chăng là có được chiếc xe cub 79 của mẹ mua cho. Với tôi, làm thơ viết văn cũng chỉ là một trò chơi đúng nghĩa nghiêm túc nhất. Nghề nghiệp nuôi sống tôi cũng vẫn là nghề phóng viên của báo Phụ nữ thành phố này, một nghề không phải lúc nào cũng hỗ trợ cho công việc viết văn làm thơ.

- Vậy thì ông nghĩ gì về việc thơ đang ế ẩm?
-  Đó là một sự thật cay đắng. Theo tôi, chỉ nên trách nhà thơ là đổ lỗi cho độc giả. Nhưng dù vậy, hiện thực là thơ văn ra đều đều, mỗi năm vài chục tập thơ. Thủy chung với thơ nào có gì đâu ngoài tấm lòng mình. Cay đắng, ế ẩm nhưng tôi vẫn cứ làm thơ ông ạ…

Huỳnh Kim (ghi)


Lê Minh Quốc: Đứng trước gương

lmq-1

Áo Trắng: Đã có câu thơ nổi tiếng “Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc”, còn tựa truyện dài của anh là “Hoa cúc không phải màu vàng”. Phải chăng anh muốn tạo một sự nghịch lý để hấp dẫn người đọc?

Lê Minh Quốc: Trong nghệ thuật mượn điều nghịch lý để nói về điều hợp lý sẽ đạt hiệu quả hơn. Truyện dài của tôi kể về sinh hoạt của học sinh lớp 12A2. Họ học tập, vui chơi và tình yêu đã diễn ra không phải như họ tưởng là “hoa cúc luôn luôn màu vàng”.

AT: Từ truyện dài đầu tay “Mùa thu đứng trước cổng trường” đến truyện dài mới nhất, anh đều viết về lứa tuổi áo trắng. Vậy theo anh viết cho lứa tuổi này có khó không?

L.M.Q: Viết cho lứa tuổi áo trắng rất khó, vì tôi đã trải quá lứa tuổi đó khá lâu. Bây giờ tôi viết bằng hoài niệm về lứa tuổi này nên các bạn trẻ hiện nay có thể không thấy bóng dáng mình trong đó. Viết cho lứa tuổi áo trắng hay nhất vẫn là các cây bút trẻ đang còn mặc áo trắng.

AT: Nếu phải lựa chọn giữa thơ và văn, anh chọn viết thể loại nào?

L.M.Q: Với tôi, thơ đã đến thì phải viết chứ không thể lựa chọn được. Còn văn, tôi có thể chọn đề tài, sắp xếp bố cục và viết khi rảnh rỗi.

AT: Quê hương miền Trung có để lại dấu ấn trong tác phẩm của anh?

L.M.Q: Tôi đã viết nhiều thơ về miền Trung. Những bối cảnh, sự kiện trong truyện của tôi đều dính dáng đến miền Trung. Cụ thể là thành phố Đà Nẵng, nơi tôi đã sinh ra.

AT: Trong những sáng tác đó, anh có thường sử dụng tiếng địa phương miền Trung?

L.M.Q: Tôi tránh đưa những tiếng địa phương “mô tê răng rứa” vào tác phẩm. Theo tôi, viết truyện phải dùng ngôn ngữ chuẩn toàn quốc. Còn mô tả địa danh và nhân vật như thế nào để người đọc biết được cá tính của người vùng đó là thành công.

AT: Anh đang dự định viết tiểu thuyết về đề tài gì?

L.M.Q: Tiểu thuyết hiện nay thiếu loại tiểu thuyết hoạt kê, trào phúng như “Số Đỏ” của Vũ Trọng Phụng, “Khao” của Đồ Phồn… Tôi muốn viết loại tiểu thuyết đó về những Xuân tóc đỏ của xã hội hiện nay.

AT: Nếu là người thực hiện tuyển tập thơ Áo Trắng, anh sẽ làm gì để tuyển tập hay hơn?

L.M.Q: Tôi cũng chỉ có thể làm như ban biên tập hiện nay đang làm. Ưu ái với những cây viết trẻ. Áo Trắng đã phản ánh được lực lượng sáng tác trẻ hiện nay, đấy là điều mà những tờ báo khác chưa làm được.

A.T
(nguồn: tập san Áo Trắng)



Trò chuyện với cây bút trẻ Lê Minh Quốc:
 

“Lực lượng viết trẻ ở Tiền Giang rất mạnh,
nhưng báo chí mình giới thiệu chưa được bao nhiêu…”

lmq-3

Cộng với hai tập thơ “Về nơi nào để nhớ” là đầu sách thứ năm của anh trong vòng ba năm nay, trong khi anh mới 33 tuổi?

- Nó nằm trong “bộ ba” truyện dài viết về những kỷ niệm của một thời sinh viên của mình. Sân trường kỷ niệm, Mùa thu đứng trước cổng trường và Về nơi nào để nhớ. Thế là xong.

Thế là xong? Nó có bổ ích gì cho lớp sinh viên đang đi đến năm 2000?

- Nếu cái cơ chế giáo dục hiện tại vẫn tồn tại tới năm 2000 thì lúc đó họ cũng không khác chi chúng tôi những năm qua: không thể nào không quan tâm đến cái ăn, cái ở, cái ngủ, cái… dân sinh trong môi trường đại học của mình. Vấn đề hướng đời ta ra với xã hội, với những vùng trời trong bể đời kiến thức… tôi chưa tin là có nếu nền giáo dục của ta vẫn cứ như vậy.

Có phải vì vậy mà anh đã chuyển đề tài? Nghe nói nhà xuất bản Trẻ đang chuẩn bị in một tiểu thuyết mới của anh viết về người lính?

- Không. Bởi vì tôi đã là một người lính những năm 77 - 83, trước khi vào đại học. Tôi đã âm ỉ về đề tài này. Nay nhà xuất bản thôi thúc. Tôi không hiểu vì sao người ta lại tránh hoặc rất ít viết về người lính. Và tôi cứ viết về những gì tuổi trẻ chúng tôi đã từng sống một thời, trước khi chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra.

Anh bắt đầu từ thơ, nay lại “sa đà” vào truyện. Có thể nói gì về hai lĩnh vực này?

- Tôi cảm thấy viết truyện dễ hơn làm thơ. Một bài thơ ưng ý nó có thể làm mình sướng cả một đời. Còn cuốn truyện, chưa ra thì mình náo nức, nhưng khi đã tặng bạn bè xong, nó như trở thành dĩ vãng. Viết truyện theo tôi thì cần cảm xúc hơn làm thơ, cần nhất sự siêng năng và có chí. Dễ nhưng không phải là dễ dãi. Bên truyện, bằng sự cần mẫn, mỗi sáng ngồi vào bàn anh có thể viết được vài ba trang. Trong khi làm thơ, nếu cảm xúc không có, thậm chí không “cháy âm ỉ” từ cả chục ngày trước đó, chưa chắc anh làm được một bài thơ.

Vậy lâu nay anh vẫn làm thơ chớ?

- Vẫn còn làm nhưng không ưng ý lắm.

Anh làm việc cho báo Phụ nữ TPHCM, phụ trách trang “Nữ sinh viên”, anh sắp xếp việc viết văn ra sao?

- Tôi tự đặt cho mình kỷ luật, sáng tôi viết từ 6 giờ đến 9 giờ. Đi làm, nếu ở tòa soạn rảnh, tôi gõ máy chữ tiếp dù chung quanh mọi người có nói chuyện vẫn không ảnh hưởng tới dòng suy tưởng trong tôi. Và tới 4 giờ chiều về nhà tôi viết tiếp tới 8 giờ tối.

Anh có đọc được nhiều không? Nhất là mảng sáng tác của các cây viết trẻ ở đồng bằng Cửu Long?

- Tôi vẫn đọc. Nhưng đọc sáng tác của các anh chị ở đồng bằng thì ít, vì rất lạ, sách của họ ở Sài Gòn ít thấy bán. Cả cuốn truyện của “bà bán xăng” Thanh Huệ tôi cũng không tìm thấy. Nhưng tôi biết lực lượng viết trẻ ở đồng bằng, nhất là ở Tiền Giang đang nở rộ, sung sức nhờ cách tổ chức các trại và quan tâm đầu tư của nhà xuất bản địa phương. Chỉ tiếc là báo chí mình nhất là báo chí ở TPHCM ít giới thiệu, phổ biến về sáng tác của họ quá. Tôi nghĩ đây là cái lỗi của báo chí, của giới phê bình văn học.

Có lẽ trong đó có cả anh và tờ báo của anh nữa, đúng không?
- Đúng, thiếu một sự giao lưu báo chí trước hết. Nhưng trước tiên tôi phải có sách đọc thì mới dám nhận xét phê bình giới thiệu được.

Xin cảm ơn và chúc anh đừng “coi như xong” đề tài sinh viên!

- Không đâu. Mình đang thai nghén một tiểu thuyết về tình yêu sinh viên. Sẽ lấy một câu thơ của Nguyễn Nhược Pháp làm tựa sách “Mê nàng bao nhiêu người làm thơ”.

Huỳnh Kim (thực hiện)
(nguồn: báo Ấp Bắc chủ nhật ngày 16.6.1991)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com