TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Phỏng vấn LÊ MINH QUỐC - Chao ơi, cát bụi

LÊ MINH QUỐC - Chao ơi, cát bụi

Lê Minh Quốc đi bộ đội không phải vì câu thơ đã thuộc lòng trên ghế nhà trường: “Đi đánh giặc là niềm vui lớn”, mà vì nghĩa vụ. Quốc được bổ sung vào đơn vị C7.D8.E29.F307 sang chiến trường Campuchia.

Untitledrrrr-1

Điều may mắn thứ nhất: Quốc được giao làm chức quản lý đại đội (loại lính kiểng trong chiến tranh) phân phát gạo và thực phẩm. Thấy lính ăn đói mặc rách, Quốc không chịu được, cứ lặng lẽ tăng khẩu phần cho lính, còn mình vẫn ăn đúng suất cơm tiêu chuẩn… Lính anh nào cũng béo tốt, đẫy đà nhưng gạo và thực phẩm cạn dần, vì thế Quốc bị giáng chức xuống làm anh lính trơn.

Quốc dẫn đầu một tốp lính đi trinh sát, vướng phải mìn, quả mìn nảy lên ngang ngực, nhưng không nổ vì tra kíp ngược. Mặt Quốc tái xanh tái xám. Thoát chết. Đấy là điều may mắn thứ hai.

Còn may mắn thứ ba thuộc về bạn đọc. Bởi thế mà họ còn có một nhà văn, nhà thơ, nhà báo - Lê Minh Quốc…

Đã từng chạm mặt với cái chết, nên ông quý mạng sống của mình hơn rồi ông chuyển qua viết tiểu thuyết lịch sử, trong đó bộ Danh nhân y học Việt Nam được nhiều người biết đến một cách trân trọng. Hình như văn chương và ngành y gần với con người?

- Ở chiến trường, tôi đã vĩnh viễn chia tay với đồng đội giữa rừng già. Rồi những trận sốt rét kinh người, những mảnh đạn pháo găm vào da thịt… Nếu không có các thầy thuốc - chiến sĩ, chắc là tôi không có ngày hôm nay!

Tôi biết ơn vô hạn những con người đó. Ở đâu có họ thì ở đó còn sự sống, còn chim hót. Vì thế, sau nhiều năm sưu tầm tài liệu, gặp gỡ các nhân chứng, tôi quyết định viết bộ Danh nhân y học  Việt Nam, kể về cuộc đời, sự nghiệp các bậc tài danh như Hải tượng Lãn Ông, Hoàng Đôn Hòa, Nguyễn Tử Siêu, Trịnh Đình Ngoạn, Phạm Ngọc Thạch,  Hồ Đắc Dy, Nguyễn Văn Hưởng, Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Khắc Viện… như là một sự tri ân với những thầy thuốc đã cứu người, cứu đời. Và nói như bác sĩ Phạm Ngọc Thạch: “Tất cả vì Con người chứ không vì cái gì khác”. Họ đã sống đẹp biết nhường nào.

Rồi viết tiếp nữa chứ?
 - Vâng, thời nào mà chẳng có những thầy thuốc sáng ngời y đức và sống một cách nhân hậu cao cả. Viết về họ bao giờ cho đủ. Nếu có trở về cát bụi thì họ là “cát bụi tuyệt vời” như Tôn Thất Tùng, Đặng Đức Trạch, Nguyễn Quang Quyền… Ngày Tôn Thất Bách qua đời, giáo sư Sandré Gouaze từ Pháp đã gửi điện chia buồn: “Con người ta không chết khi đem mai táng, họ chỉ chết khi bị lãng quên”. Những thầy thuốc như thế, nhân dân mãi mãi biết ơn và không bao giờ lãng quên họ…

Tôi đã đọc tập thơ “Đất ngoài Tổ quốc” của ông và Đoàn Tuấn. Không ngờ ông có một đoạn đời cười ra nước mắt như vậy. Nếu không qua thử lửa chiến tranh, liệu ông có trở thành nhà văn, nhà thơ không? Kể chút gì vui vui về những năm tháng gian lao đời lính.

- Không phải ai trải qua chiến tranh máu lửa cũng đều trở thành nhà văn, nhà thơ và ngược lại. Nhưng những năm tháng ở chiến trường đã giúp tôi có cái nhìn về cuộc đời bình tĩnh và độ lượng hơn. Không ai có ý thức đi vào chiến tranh để trở thành ông này, bà kia, bởi lẽ chiến tranh là điều không bình thường, không ai muốn đối diện với nó cả. Thế nhưng, rồi cũng phải chấp nhận như một sự tự nguyện.

Kỷ niệm vui à? Đêm. Trăng sáng. Trên đường từ phm Choamser vào rừng, có một chiếc xe thùng đi lững thững, chở theo con bò đã chết. Trong rừng, những nông dân Campuchia đã đào một cái hố lớn để chôn con bò. Tôi và Dũng (người Hà Nội), bí mật bám theo. Sau khi họ bỏ đi, chúng tôi vội vã đào lên, rồi dùng liềm cắt thịt đem về…

Khi về lại căn cứ không dám đi cổng chính vì sợ đại đội phát hiện. Vậy là chúng tôi phải cắt rừng, không ngờ lại rơi ngay vào hướng phục kích của đơn vị. Tưởng bọn tôi là địch mò vào căn cứ, thế là một loạt đạn đinh tai nhức óc, chúng tôi hét toáng lên. May lắm không thì “tiêu” đời rồi. Nhắc lại kỷ niệm này, để thấy rằng thời đó chúng tôi sống gian khổ và đôi lúc cái chết cũng đến một cách lãng xẹt như thế.

Thơ viết cho Mẹ và Em trong những ngày ấy, có những bài những câu hay đến nao lòng. Mẹ và Em chiếm trọn phần hồn ông thế sao?

- Làm thơ, có nghĩa là lúc anh khai thác tận cùng cảm xúc trong tâm hồn mình. Chất liệu của thơ chính là nội tâm của anh, chứ nào ở đâu khác. Những lúc suy sụp niềm tin nhất, thì hình ảnh dịu dàng của Mẹ, của Em đã đến với tôi như nguồn suối trong trẻo, tinh khiết để tôi rửa sạch mọi nhọc nhằn cát bụi…

Ông ra lính, vào đại học với hai bàn tay trắng. Làm thơ viết báo để kiếm tiền ăn học, mặc dù trước đó ở Campuchia có người cho ông rất nhiều vàng và cả hạt xoàn mà ông không nhận. Vì thế, ông được cấp trên khen thưởng: “Không tham của lạ, giữ vững danh hiệu anh bộ đội Cụ Hồ”. Này… trong những lúc cơ hàn lận đận vì kiếm sống, có lúc nào ông chạnh lòng nghĩ tới màu vàng lấp lánh quyến rũ đó không?

- Thú thật, tôi chỉ mơ kiếm tiền đủ sống, vì không có nhu cầu gì nhiều và phải kiếm sống bằng những giọt mồ hôi lương thiện. Chẳng có cái gì tự nhiên đến với mình mà không phải trả giá. Do đó, tôi không nghĩ mình phải được nhận một thứ gì mà không đổ một giọt mồ hôi nào, kể cả danh vọng và quyền lực, chứ nào phải riêng vàng đâu!

Tôi tin ông vì nhiều lẽ. Bởi thế ông làm báo một cách nghiêm chỉnh, vừa viết báo một cách hài hước. Đấy là bề nổi để sống một cách lương thiện. Còn thơ là chiều sâu của tâm linh. Ông có những câu thơ rất lạ: Và anh gọi thầm ơi hoa cúc trắng/ Dù hoa cúc vàng bối rối lúc nhìn em / Ôi hoa cúc vàng, hoa cúc của ta đâu? Điều gì đã làm ông thảng thốt nhầm lẫn dễ thương đến vậy? Ám ảnh chiến tranh hay là mộng mị những ngày xưa cũ?

- Không phải ám ảnh chiến tranh hay mộng mị xưa cũ nào cả. Thơ - đó là tâm linh, là sự mặc khải ở ngoài tầm kiểm soát của nhà thơ. Hoa cúc từng đi về trong thơ tôi như một niềm an ủi, vỗ về… Đã lâu lắm rồi, tôi không còn thấy bóng dáng của hoa cúc trong những dòng thơ tôi viết nữa. Tại sao ư, tôi cũng không biết!

Ông Quốc này, tôi quen biết ông đã khá lâu. Thơ văn ông tôi đã đọc, nhưng tôi cứ ngờ ngợ khi ông tự vẽ chân dung mình: Tôi gọi tên Quốc / thằng uống rượu say, ăn mày kỷ niệm / suốt đời hoài hương như thằng đê tiện / thằng ươn hèn không nịnh hót ai / thằng giàu có vì tiền không dính túi / Thằng là thằng, chao ơi cát bụi / đi về mấy ngả trần ai? Trào lộng đến thắt lòng. Bài thơ không đề năm tháng. Chẳng biết đấy là Lê Minh Quốc thời nào? Còn bây giờ….

- Đó là tôi những năm quá khứ, hiện tại và tương lai…. Dù chân thật hay tráo trở thì gương mặt bi hài, trung nịnh… của ta chẳng đánh lừa được ai cả. Như đói thì ăn, mệt thì nằm nghỉ. Tôi làm thơ, viết báo, viết sách như tôi đã sống. Nhà thơ là diễn viên tồi trên sân khấu cuộc đời, hắn không đóng được vai nào ngoài vai nhà thơ - nếu hắn là nhà thơ thật sự!

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này. Mong ông vẫn là Lê Minh Quốc như ông đã từng vẽ mặt mình.

Trần Nhật Thu (thực hiện)


(nguồn: báo Sức khỏe & đời sống số 285 tháng 6.2004)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com