TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định MỐI TÌNH CỦA CÁC DANH NHÂN VIỆT NAM - 2. Nhan sắc phụ nữ trong cuộc đời danh nhân

MỐI TÌNH CỦA CÁC DANH NHÂN VIỆT NAM - 2. Nhan sắc phụ nữ trong cuộc đời danh nhân

Mục lục
MỐI TÌNH CỦA CÁC DANH NHÂN VIỆT NAM
1. Nhà thơ viết sử
2. Nhan sắc phụ nữ trong cuộc đời danh nhân
3. Chuyện tình của các danh nhân Việt Nam
4. Khi viết về tình yêu của những người nổi tiếng
Tất cả các trang


Nhan sắc phụ nữ trong cuộc đời danh nhân

(Đọc Mối tình của các danh nhân Việt Nam -  Lê Minh Quốc -  NXB Thanh niên 2000)

Có lẽ, đây là quyển sách đầu tiên đề cập khá nhiều chuyện tình của những danh nhân Việt Nam. Muốn được như vậy, rõ ràng người biên soạn phải tham khảo một khối tượng tư liệu rất đa dạng. Khi đề cập đến chuyện khá tế nhị này, công chúng khó chấp nhận người viết hư cấu hoặc thêm chi tiết không có thật. Chúng ta có thể thấy sự cẩn trọng của tác giả qua “tài liệu tham khảo” đáng tin cậy dưới mỗi bài viết. Đó cũng là một cách thể hiện của nhà báo, nhà thơ Lê Minh Quốc.

Trong đời sống, tình yêu và trách nhiệm đã làm cho con người sống trọn vẹn hơn. Dường như phía sau sự nghiệp của các danh nhân đều có nhan sắc của một người phụ nữ với vai trò rất lớn. Nếu nhà thơ Bùi Hữu Nghĩa không có bà Nguyễn Thị Tồn, nhà giáo Lương Văn Can không có bà Lê Thị Lễ, nhà nông học Lương Định Của không có bà Nobuko Nakamura, nhà văn Nam Cao không có bà Trần Thị Sen, nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan không có bà Hằng Phương, nhà văn Vũ Trọng Phụng không có bà Vũ Mỹ Lương, nhà văn Nguyễn Tuân không có bà Vũ Thị Huệ… thì có lẽ họ khó tạo dựng nên sự nghiệp của mình. Chính người phụ nữ Việt Nam đã biết sống quên mình, lo toan tất cả mọi điều để người “bạn đời” của mình yên tâm lo sự nghiệp lớn.

Nhà văn Nguyễn Tuân đã phát biểu rất thấu tình đạt lý: “Chúng tôi sống với nhau hòa hợp cho đến bây giờ cũng là lúc đầu bạc răng long rồi chứ còn gì nữa. Chung quy phải nói là do ở nơi bà cả. Tôi là thằng phá đình phá chùa, vì vậy cái người chịu đựng được tôi lại còn chung thủy và tận tụy săn sóc mình, thì cũng như người đúc tượng đúc chuông chứ còn gì nữa” (trang 388).

Và điều lạ lùng trong tình yêu, là dù không nên duyên nợ, nhưng nhan sắc của người tình đầu cũng là cảm hứng để các danh nhân của chúng ta có những trang tuyệt bút trong văn học sử. Chúng ta lại nhớ đến mối tình đầu của nhà thơ Phạm Thái với bà Trương Quỳnh Như, nhà thơ Tản Đà với bà Đỗ Thị Chính, nữ sĩ Tương Phố với ông Thái Văn Du, nhà thơ Phạm Hầu với bà Tôn Lệ Minh, nhà thơ Bích Khê với bà Song Châu v.v… Đúng như Lê Minh Quốc đã viết: “Mối tình đầu chỉ thoáng qua nhưng nó lại sâu sắc biết chừng nào” (trang 73).

Với 430 trang sách, kể lại 83 mối tình của danh nhân Việt Nam, chúng ta không thấy ở đó sự phản trắc, lọc lừa, mà khi yêu, họ đã yêu “hết mình”, bằng tất cả rung động của trái tim. Chẳng hạn, dù không đến được với chí sĩ Phan Bội Châu, nhưng o Diên vẫn giữ nguyên vẹn trong tâm trí hình ảnh tuyệt đẹp: “Ngày xưa, cụ Phan là nhà nho xinh trai, tài bộ, chữ tốt, văn hay, đàn địch giỏi. Gia dĩ tâm tình lại vui vẻ hoạt bát vô cùng. Bao nhiêu con gái trong vùng đều phải ngây ngất say sưa. Đó là họ chưa thể đoán trước được, cụ sẽ là bậc chí sĩ của nước nhà” (trang 43). Hoặc trường hợp bà sư già chùa Huê Cầu khi gặp lại người tình đầu là Hải Thượng Lan Ông, bà chỉ bùi ngùi: “Tôi không có chồng, phải cô độc, khổ sở như thế này cũng bởi số mệnh của tôi, chứ có dám trách ai đâu!”. Và bà cụ chỉ xin một cỗ áo quan để lo hậu sự (trang 139). Thật cảm động xiết bao.

Được biết, 83 mối tình của danh nhân đã từng được in nhiều kỳ trên tuần san “Sài Gòn Giải phóng” và được dư luận đánh giá tốt. Hiện nay, Lê Minh Quốc vẫn tiếp tục viết để có thể in tiếp tập thứ hai.

Phan An

(nguồn: báo Phụ nữ TP.HCM 25.3.2000)



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com