YỆU EM, ĐÀ NẴNG

Array In Array

yeu-em-da-nang

http://www.leminhquoc.vn/lmq/tho/tap-tho/731-yeu-em-da-nang.html

 

Lời thưa,

tôi kiếp trước và kiếp này là gió

đi qua trái đất rất vô danh

đi qua cơn điên bằng những bước chân

chậm rãi và vội vã

tôi sợ hãi đêm đen người đi chen như cá

đi hụt hơi

đi như bơi

chẳng biết đi đâu mà sắp hết nửa đời


 

Bến thơ sông Hàn


“Bến thơ tôi chính là bến sông Hàn”, câu thơ ấy chỉ một lần vang lên trong thơ Lê Minh Quốc, nhưng có sức chứa lớn và nặng. Đà Nẵng được anh nhớ, không dìu dặt như người khác nhớ Hà Nội hay náo nhiệt nhớ Sài Gòn mà thành phố ấy hiện ra khúc khuỷu, thảng thốt tình cờ triền miên.

Năm giờ sáng thức dậy giữa Sài Gòn, chợt gặp chú chuồn chuồn kim trong phòng tắm. Đối với nhiều người khác nghĩa lý gì đâu, nhưng với Lê Minh Quốc, con vật nhỏ nhoi ấy thật sự là bạn tri kỷ của anh: “Chao ôi chú chuồn chuồn kim quái quỷ / Sao mày biết tao nơi đây mà lại đến tìm? / Đà Nẵng – Sài Gòn một ngàn cây số / Gặp nhau rồi sao cứ lặng im?”. Và tâm hồn thi sĩ trân trọng âu lo: “Mày bay đi đâu? / Gương soi loáng thoáng khéo trượt chân? / Mày bay đi đâu? / Coi chừng vòi nước nóng”. Một hồn thơ biết nâng niu bảo vệ từ cái vật nhỏ nhoi như vậy, của quê hương, của tuổi thơ, sẽ luôn sống động và mạnh mẽ.

Đà Nẵng trong thơ Lê Minh Quốc hiện lên dưới nhiều góc độ, nhiều tâm trạng, nhưng lúc nào cũng đầy ắp tình người, tình đời. Anh đã vẽ thành phố quê hương và đã thốt lên: “Hoa khế rụng tím mặt đường ý tứ / Cầm tay nhau ấm áp khói lên xanh / Sương lơ đễnh vẫn còn bay cuống quít / Đà Nẵng ơi! Sao em quá hiền lành” (Cà phê). Thành phố ấy vừa thi vị nhưng cũng đầy chất con người bình thường: “Tôi nghe biển thét gào như em hoang dại / Lúc hờn ghen” (Mỹ Khê và Em). Nỗi nhớ ấy rất từng trải, già dặn nhưng bền lâu song cũng không kém phần hạnh phúc. Như một sáng xuân anh về Đà Nẵng ăn Tết: “Bất chợt một nhành mai / Huy hoàng như ánh sáng/  Ngồi xuống ngã tư đường / Chợ Cồn tô cháo trắng / Ngon như là quê hương”. Buổi gặp mặt giữa đứa con đi xa và ngôi nhà quê hương diễn ra thật mộc mạc và ấm áp. Phải có một tình yêu đằm sâu và trong sáng mới có thể vẽ được bức tranh xuân đẹp và gọn gàng với bố cục như vậy.

Sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, song trưởng thành ở Sài Gòn, hồn thơ Lê Minh Quốc được hạnh phúc nhớ. Yêu Đà Nẵng từng chân tơ kẽ tóc, từng đường phố, từng cơn mưa, từng khoảnh khắc nồng nàn tinh tế: “Hỡi thành phố lạ lùng như huyền thoại / Bất cứ ai hò hẹn trước cổng trường / Sẽ đều biết làm thơ để tặng người thương” (Gởi Đà Nẵng). Từ tình yêu riêng của nhà thơ với Đà Nẵng, bất cứ người đọc nào cũng cảm nhận được một thời tâm hồn trong đẹp nhất của mình. Thơ nâng cao tâm hồn con người lên cao là ở đó. Ký ức về Đà Nẵng trong thơ Lê Minh Quốc thấm đẫm chất thơ, một chất thơ có hình khối, âm thanh và mùi hương.
 

Hà Nội, tháng 11.1999
Đoàn Tuấn
(nguồn: Báo Thanh Niên số 1.12.1999)


Yêu em, Đà Nẵng

Lặng lẽ mà sôi nổi, Lê Minh Quốc đã có cách yêu Đà Nẵng - quê hương của anh - thật nồng nhiệt. Đọc tập thơ Yêu em, Đà Nẵng (*) vào lúc này, khi mà các tỉnh miền Trung chìm trong dòng lũ tai hại nhất của mấy thập kỷ thì càng yêu Đà Nẵng thêm lên.

Trong thơ Lê Minh Quốc có rất nhiều địa danh quê nhà như Đà Nẵng, sông Hàn Mỹ Khê, Tiên Sa, Sơn Trà, Cẩm Lệ, chợ Cồn, Ngũ Hành Sơn… Tất cả gần gũi và tự nhiên trong mạch thơ “về”, “đến”, “gửi”, “xa” và “từ biệt”, làm nên một câu chuyện bằng thơ khá sinh động. Bắt đầu từ tuổi thơ, người yêu… và lớn lao là Mẹ, là quê hương, Đà Nẵng với anh:

Tuổi thơ reo trong sân nhà ông ngoại
chỉ còn là thần thoại
tuổi 40
(Thay lời tựa)

Anh nhớ về, yêu thương, nhắn gửi rồi từ biệt Đà Nẵng với tâm trạng “lặng lẽ”:

Lặng lẽ sống, lặng lẽ yêu rồi sinh con đẻ cháu
tóc lặng lẽ bạc
tuổi bốn mươi làm sao tươi tắn nụ cười?

Lặng lẽ như thế nhưng “trong ngực tôi rộn ràng một trái tim đỏ thắm, tôi sẽ khắc tên em” (Thơ tình) nên Đà Nẵng rất gần gũi:

Chợ Cồn tô cháo trắng
ngon như là quê hương

(Quê hương)

Đà Nẵng “nơi ấy có quá nhiều mây trắng phiêu du trong trí nhớ” thật là dễ thương:

Ngọn đèn hột vịt nhỏ như hai con mắt
thắp sáng mỗi đêm chờ tôi về
(Ký ức của bàn chân)

Và Đà Nẵng thật cảm động khi “Mẹ đã đi về quê. Căn nhà như sững lại” và sau đó:

Suốt một ngày con mớ

Nghe tiếng mẹ cười giòn

Dăm ba ngày nửa tháng

Mẹ lại vào với con

(Chiều ra đứng ngõ sau)

Lê Minh Quốc có những câu thơ viết về quê hương thật hào phóng và lay động:

Đà Nẵng nhập vào tôi và tan ra qua hơi thở

tan ra qua mạch máu

tan ra qua tiếng kêu run rẩy đôi môi

em chính là sự sống của tôi

(Lộc biếc)

Giản dị chân thật mà đầy ấn tượng:

Đứa con xa quê từng đêm nằm nhớ

Thèm trong mơ được thấy quê nhà.

Và:
Nghìn năm sóng vỗ âm vang
 

Bến thơ tôi chính là bến sông Hàn.
 

(Gửi Đà Nẵng (1)

Anh có những câu thơ, đoạn thơ rất riêng, có sức ám ảnh người đọc. Những câu thơ “máu thịt” của một người xa xứ, uay quắt, đau đáu, thương nhớ quê nhà:

Có một điều rất riêng tôi biết trước

Xa Đà Nẵng thì tôi còn sống được

Nhưng một đời chỉ sống nửa trái tim…

(Mai xa Đà Nẵng)

Đà Nẵng mang hình giọt lệ rưng rưng

trên mí mắt em

(Giấc mơ tuổi nhỏ)

Lê Minh Quốc đã yêu từng ngày, sống từng đêm với vòm trời Đà Nẵng và anh vẫn thường tự nhủ: “Đường đi mông lung không một bóng người, sao không đưa tôi về Đà Nẵng”.

Những câu thơ của “tuổi bốn mươi” không còn “tươi tắn nụ cười” cũng chính là gam màu chính của thơ anh viết về quê nhà. So với sáu tập thơ đã in như Trong cõi chiêm bao, Ngày mai còn lại một mình tôi… Đất bên ngoài Tổ quốc (in chung với Đoàn Tuấn), Lê Minh Quốc có nét riêng, giản dị mà hào phóng, ngang tàng, một chút ngậm ngùi, trải nghiệm mà lặng lẽ… Và tập thơ Yêu em, Đà Nẵng của Lê Minh Quốc thật đáng yêu như “Sông Hàn xanh ray rứt vỗ đôi bờ” và “Một mùi hương nguyên vẹn buổi ban đầu”.

Trần Hữu Lục
(nguồn: báo Công An TP.HCM ngày 25.11.1999)


Khi đứa con lưu lạc trở về

(Bài thơ Về quê ăn Tết của Lê Minh Quốc)

Bạn có để ý thấy, hằng năm, cứ vào độ giáp Tết, xe đò từ Bắc vào Nam thường trống rỗng, còn xe đò từ Nam ra Trung, ra Bắc thì đầy nhóc những người là người. Tàu lửa cũng vậy. Chỉ có máy bay, cái phương tiện giao thông không dành cho những người lao động nghèo, là chưa biết thế nào. Xa xứ, quanh năm làm ăn vất vả nhưng lòng lúc nào cũng đau đáu ngóng về quê, ngày giáp Tết, những người miền Trung ở TP.HCM lại “tìm đường thăm quê”. Những chuyến tàu, chuyến-xe-một-chiều ấy thật cảm động. Bài thơ của Lê Minh Quốc chạm đúng nỗi niềm của người xa xứ khi chạm bàn chân xuống đất quê, chợt thấy “Chân đi không chạm đất…”:

Chuyến tàu lướt trong đêm

Đi về miền xa lắc

Tôi dỗ tôi ngủ yên

Mưa còn đang dè dặt

Bước xuống một sân ga

Lạnh run từng chân tóc

Tôi gặp lại quê nhà

Như chạm vào gió lốc

Trái tim bỗng run lên

Từng âm thanh khô khốc

Vòm cây ngủ ven đường

Thở thì thào mệt nhọc

Đi trên con đường quen

Thấy nhói trong lồng ngực

Người tình cũ lãng quên

Chập chờn trên ký ức

Hàng rào trước nhà em

Lẻ loi hoàng hoa cúc

Đà Nẵng đêm cuối năm

Sương lờ mờ trước mặt

Con đường Triệu Nữ Vương

Có tôi đang dè dặt

Trở về trên quê hương

Chân đi không chạm đất…

Một bài thơ ngũ ngôn, ý tân mà giọng cổ, nhưng trên tất cả, là cái tình thật với quê nhà của một đứa con xa, lâu ngày mới có dịp trở về. Tâm trạng của những đứa con lưu lạc khi chạm vào mặt đất quê hương, bao giờ cũng rối bời. Quá khứ, hiện tại, kỷ niệm, nhớ thương chợt trào lên cùng một lúc, dù giọng thơ kể lể, thì vẫn không giấu được cái không mạch lạc của hình ảnh, cái đột nhiên của tâm trạng. Không nghĩ ngợi gì, mà như thế là đúng, chỉ hoàn toàn cảm xúc, chỉ buông thả con người mình cho những xúc cảm, chỉ lâng lâng lên những nỗi niềm, muốn nói mà không nói hết được. Ai xa quê lâu ngày, có dịp về thăm lại, sẽ cảm nhận được tình cảm ấy.

“Tôi gặp lại quê nhà - như chạm vào gió lốc” - hai câu thơ rất hay, và rất chính xác. “Con đường Triệu Nữ Vương - Có tôi đang dè dặt” cũng là một tâm trạng đúng nữa: người con lưu lạc bao giờ cũng có những giây ngập ngừng, những thoáng dè dặt khi đặt bước chân ngay trên đất quê nhà. Biết những gì mình từng yêu thương, chia sẻ có còn nguyên vẹn hay đã đổi thay? Vui mà buồn, mừng và lo, hồi hộp và lạnh lùng, đầu nặng mà chân nhẹ… Quê nhà là như thế, và chỉ thế thôi cũng đủ cho một đời ta đau đáu, vọng tưởng, nhớ thương và nuối tiếc….

Thanh Thảo
(nguồn: báo Đà Nẵng cuối tuần ngày 27.2.2000)



Vũng Tàu gợi nhớ về… Đà Nẵng

PV: Là một nhà thơ anh đã đi nhiều nơi và đến nhiều chốn. Với Vũng Tàu, có để lại trong sáng tác của anh ấn tượng gì không?

L.M.Q: Mặc dù chưa có dịp đến Vũng Tàu nhiều lần, nhưng mỗi lần đến Vũng Tàu là tôi đều thấy khó ngủ. Tiếng sóng cứ bập bềnh. Giấc ngủ cứ lênh đênh. Những lúc như thế tôi có cảm giác là đang được trở về với quê nhà Đà Nẵng. Với tiếng sóng biển Mỹ Khê. Với đất trời thiên nhiên lồng lộng dễ gần gũi với thi ca. Những bài thơ tôi viết về biển Mỹ Khê nhưng thực chất bắt đầu từ cảm xúc của những lần đi nghỉ mát ở Vũng Tàu. Đi chung tập thể với cơ quan nên tôi ít có một khoảng thời gian cho riêng mình. Chỉ có những lúc thật khuya, một mình đi lang thang trên bãi biển thì tôi mới thật sự được sống trọn vẹn với Vũng Tàu, về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Biển nào cũng là biển. Nghe tiếng sóng là tôi nhớ về một mối tình đã xa. Xa từ phía Đà Nẵng. Và Vũng Tàu gợi nhớ để có những vần thơ:

người tình cũ đã có chồng tay bồng tay bế
 

xin nâng niu vệt son đỏ trên môi
 

bãi bờ Mỹ Khê từng đêm gió lộng
 

tâm hồn tôi ngu ngơ căng ra làm mặt trống
 

nghìn năm sóng vỗ âm vang

(Gửi Đà Nẵng)

Hoặc một mối tình khác trong lần đi nghỉ mát khác cũng tại Vũng Tàu. Đêm đó, tiếng sóng vỗ ầm ì trong khuya vắng, tôi chợt nhớ về Đà Nẵng:

nhắm mắt lại là tôi mơ thấy em

những hẹn hò sóng biển lênh đênh

cuộc tình của một thời ngây dại

có còn quay trở lại?

(Gửi Đà Nẵng)

Là chính được viết từ nỗi hoang mang khi được nghe điệp điệp trùng trùng Vũng Tàu sóng vỗ. Kỷ niệm đầu tiên trong đời được bước chân đến với Vũng Tàu cũng là lần đầu tiên lại ám ảnh về Đà Nẵng:

chưa về tắm biển quê hương

cùng tiếng sóng bóng trùng dương chập trùng

xa quê giấc ngủ lưng chừng

chợt nghe sóng dội tận cùng chiêm bao

Vì lẽ đó, tôi nhớ Vũng Tàu như nhớ về một cõi máu thịt trong tâm linh. Muôn đời bất biến.

P.V
(nguồn: báo Vũng Tàu chủ nhật ngày 23.6.1991)


 

Yêu em, Đà Nẵng
Với mạch thơ “nhớ về”, “gửi đến”, “chia sẻ” và “từ biệt” làm nên một câu chuyện thơ cảm động, Lê Minh Quốc vừa mới “trình làng” tập thơ thứ 7 của mình: Yêu em, Đà Nẵng. Đấy là những bài thơ của “tuổi 40” như một câu thơ của anh “Tuổi bốn mươi làm sao tươi tắn nụ cười”. Cũng có phần như vậy, thơ Lê Minh Quốc có chút gì lặng lẽ, trăn trở, những vẫn chân thật và tuôi chảy dào dạt, bởi vì “Trong ngực tôi rộn ràng một trái tim đỏ thắm”. Bố cục của tập thơ như bố cục một truyện thơ, bắt đầu là quê nhà đi vào thơ anh tự nhiên như đất trời, như hơi thở, như cuộc sống. Những tên đất, tên người cũng trở nên thân thuộc và bầu bạn. Có lúc thật say đắm:

Đà Nẵng, tôi thèm hôn em ngay giữa bến xe

Gió xoáy bụi mịt mờ

Đứa con xa quê từng đêm nằm nhớ

Thèm trong mơ được thấy quê nhà

(Gửi Đà Nẵng (2)

Đà Nẵng hiện ra trong thơ anh vừa rất riêng (qua dấu ấn kỷ niệm, vừa khá phổ biến). Chẳng hạn, “Đà Nẵng hiền lành và bẽn lẽn như một nàng dâu”… “Tà áo em khép lại buổi chiều xanh. Và chiều xưa muôn thuở vẫn còn xanh (Chiều xưa); “Đà Nẵng nhập vào tôi và tan ra qua hơi thở. Tan ra qua mạch máu. Tan ra qua tiếng kêu run rẩy đôi môi. Em chính là cuộc sống của tôi” (Lộc biếc). Những khi nhớ về quê nhà, anh có câu thơ thật da diết cảm động:

Quê nhà ở tận đâu đâu

Gặp đồng hương nhớ nôn nao quê nhà

Ở gần đây chứ đâu xa

Nghe giọng nói gặp quê nhà vậy thôi

(Quê nhà)

Có thể tìm thấy nhiều chi tiết về quê nhà, thật riêng tư, sâu sắc mà rất ấm nồng. Trong đó, hình ảnh Mẹ thật thân thương và biểu cảm:

Dù nuôi mẹ trong mơ

Trăm năm như chớp mắt

(Thơ của mẹ)

Mẹ đã đi về quê

Căn nhà như sững lại

(Chiều ra đứng ngõ sau)

Lê Minh Quốc “đã yêu từng ngày, sống từng đêm” với vòm trời Đà Nẵng, và cho đến tuổi 40, anh vẫn còn giữ “Một mùi hương nguyên vẹn buổi ban đầu”.

Trần Hữu Lục
(nguồn: Tạp chí Văn số 98 tháng 12.1999)


Thả hồn về Đà Nẵng

Mỗi người viết thường có một nơi chốn để bắt đầu ra đi, để mong mỏi trở về, để quay quắt nhớ thương trong lúc đời mình bồng bềnh trôi trong cô đơn hư ảo. Đó có thể là một làng quê bên sông, một xóm biển nép mình bên đồi cát trắng hay cả một phố thị đông vui, ồn ào sức sống như Đà Nẵng của Lê Minh Quốc.
Ở tuổi 40, Lê Minh Quốc bất chợt tính lại sổ đời và nhận ra:

Bạn bè tuổi thơ nào có còn ai

Đứa trúng đạn ở chiến trường Tây Nam

Đứa vượt biên qua Mỹ

Đứa kiếm ăn sang Lào

Lặng lẽ

Cái lặng lẽ dường như bàng bạc suốt tập thơ tạo cho người đọc cái cảm giác yên bình, nồng ấm, khác rất xa với cái vẻ bề ngoài ồn ào, cái sự chạy đua viết và sống của Lê Minh Quốc.

Đà Nẵng trong thơ Lê Minh Quốc là một thành phố của sự vọng tưởng, của mây nước, của những giọt cà phê buồn trong quán vắng đêm đông, của những chuyến trở về cuối năm như chớp biển. Vì thế mà anh đã tự hỏi mình:

Sao tôi không hóa ra thành mây

Bay phiêu lãng dưới vòm trời Đà Nẵng

Sao tôi không hóa thân làm con sóng

Trong hư vô réo gọi bến sông Hàn

Ra đi, trở về, rồi lại ra đi. Anh như con chim bay tìm nơi cầu thực, mỗi năm đến hẹn lại về. Cứ mỗi lần như vậy, Lê Minh Quốc dần cảm nhận được một điều rất riêng:

Xa Đà Nẵng thì tôi còn sống được

Nhưng một đời chỉ sống nửa trái tim.

Tôi cũng có một Đà Nẵng của mình, thành phố của cây và lá, của nắng và bão, của giày sô lính trận và khói lựu đạn cay, nhưng chưa bao giờ đạt tới cái tình yêu mà Lê Minh Quốc có:

Đà Nẵng nhập vào tôi và tan ra qua hơi thở

Tan ra qua mạch máu

Tan ra qua tiếng kêu run rẩy đôi môi.

Qua sáu tập thơ in riêng chung đã xuất bản, dường như anh vẫn còn lang thang đi kiếm tìm một điều gì đó lúc bổng lúc trầm, đến tập thơ thứ bảy: “Yêu em - Đà Nẵng” Lê Minh Quốc mới xác định:

Ngày rong chơi Sài Gòn

Đêm nằm ngủ thả hồn về Đà Nẵng

Phạm Sỹ Sáu
(Nguồn: báo Văn hóa- Thể thao - Du lịch số tháng 12.1999)



Lê Minh Quốc với ký ức Đà Nẵng

Nhiều nhà thơ từ miền Trung vào Sài Gòn sau một thời gian cứ tưởng mình là nhà thơ Sài Gòn chứ không còn chút chi của miền Trung. Nhưng ngược lại, có những nhà thơ ở Đà Nẵng nhưng làm thơ cứ phiêu du như đang ở Sài Gòn. Riêng anh thế nào?

- Nhà thơ L.M.Q: Theo tôi, với thơ hay thì tính địa phương không còn quan trọng. Có ai đọc một bài thơ của Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử… mà hỏi xem các ông này quê ở mô đâu? Có khoảng cách chăng, tôi nghĩ TP.Hồ Chí Minh hay Hà Nội là hai trung tâm văn hóa lớn của cả nước nên những tác phẩm thơ công bố tại đây được nhiều người chú ý theo dõi hơn. Báo Đà Nẵng cũng là nơi giới thiệu nhiều thơ của các bạn thơ Đà Nẵng. Qua đây, tôi cũng biết đến và rất thích đọc thơ của các anh Nguyễn Nhã Tiên, Nguyễn Minh Khôi, Nguyễn Quân… và nhiều người khác. Những tác giả này cũng thường đăng ở các báo chí Sài Gòn nên cũng khá nhiều độc giả biết đến…

Anh có thể kể với bạn đọc Báo Đà Nẵng những kỷ niệm thân thương nhất của anh về thành phố này?

- Tôi nghĩ với mỗi con người thì ký ức về tuổi thơ là khó phai nhạt nhất. Cũng có thể nói đó là những hồi ức không thể nào quên. Vì thế nói về Đà Nẵng, tôi không thể nào nói hết những kỷ niệm nào là thân thương nhất của mình. Bởi hình như Đà Nẵng là nơi xâu chuỗi tất cả những ký ức đẹp nhất. Tôi cũng đã có hẳn một tập thơ tập trung những bài thơ viết về thành phố: “Yêu em, Đà Nẵng” (Nhà Xuất Bản Trẻ, 1999). Chỉ cần bước đi trong lòng Đà Nẵng thì bất kể con đường nào, con phố nào cũng đều có thể gợi nhắc những ngày tháng thân quen của tôi. Như một bà mẹ dù bị mù vẫn có thể nghe thấy tiếng những bước chân và vẫn ước đoán được đứa con của mình đang đi xa hay trở về. Đà Nẵng đối với tôi thân thương như vậy.

Anh nghĩ như thế nào về hiện tượng thơ trẻ?

 - Tôi nghĩ, mọi tìm kiếm thể nghiệm cho thơ đều đáng được khích lệ với những nhà thơ trẻ. Bản thân tôi cũng có nhiều tìm kiếm để biểu lộ được tâm trạng của mình. Tập thơ “Tôi vẽ mặt tôi” cũng nằm trong sự tìm kiếm ấy. Thơ Việt Nam nói về ẩn ức cá nhân chưa phải là nhiều lắm. Hiện thơ nhục thể, báo chí phản ánh nhiều trong thời gian gần đây đứng ở góc độ nào đó thì khá mới, nhưng về bản chất thì không lạ bởi trên thế giới nhiều nhà thơ nổi tiếng cũng đã viết rồi. Viết thế nào cho hay mới là vấn đề của các nhà thơ trẻ.

N.H.H. Minh (thực hiện)

(nguồn: Báo Đà Nẵng cuối tuần 8.4.2001)


 

Yêu em, Đà Nẵng

Với 42 bài thơ viết về tuổi thơ, tình yêu, bạn bè, Mẹ và Đà Nẵng, Lê Minh Quốc đã “trình làng” một tác phẩm mới, phác họa chân dung thơ của mình. Trong thơ anh có rất nhiều tên đất đã trở thành ký ức tâm hồn như sông Hàn, Mỹ Khê, chợ Cồn, Sơn Trà, Tiên Sa, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn… và Đà Nẵng, tất cả gần gũi, tự nhiên và tuôn chảy dạt dào trong mạch thơ nhớ về, gửi đến, từ biệt làm nên một câu chuyện thơ thật cảm động. Dù như anh viết: “Tuổi bốn mươi làm sai tươi tắn nụ cười”, nhưng “Trong ngực tôi vẫn rộn ràng một trái tim đỏ thắm”. Và anh đã khắc họa Đà Nẵng, lúc thì dân dã và gần gũi:

Chợ Cồn tô cháo trắng

Ngon như là quê hương

(Quê hương)

Khi phóng túng mà lay động:

Đà Nẵng nhập vào tôi và tan ra qua hơi thở

Tan ra qua tiếng kêu run rẩy đôi môi

Em chính là sự sống của tôi

(Lộc biếc)
Anh có những câu thơ về Mẹ thật ám ảnh:

Mẹ đã đi về quê

Căn nhà như sững lại

(Chiều ra đứng ngõ sau)

Và những câu thơ về Đà Nẵng- quê hương anh thật da diết, nồng ấm trong các bài Gửi Đà Nẵng, Giấc mơ tuổi nhỏ, Về quê, Về Đả Nẵng… Lê Minh Quốc đã yêu từng ngày, sống từng đêm với vòm trời Đà Nẵng, với sông Hàn, biển Mỹ Khê… Tất cả vẫn là “Một mùi hương nguyên vẹn buổi ban đầu”. Tập thơ Yêu em, Đà Nẵng của Lê Minh Quốc thật đáng yêu.

 

(nguồn: Báo chuyên đề Đất Mũi số 15.11.1999)



Yêu em, Đà Nẵng
Trong vòng 10 năm, xuất bản tới 7 tập thơ, 5 truyện dài, 6 cuốn sách thể loại khác, Lê Minh Quốc là cây bút thật sung sức (chưa kể việc anh viết báo, nghề chính của anh).
Tập thơ mới ra lò của anh lần này tập trung vào một chủ đề: Tình cảm với quê hương Đà Nẵng. Đầy tiếc nhớ như trong những câu này:

em đi qua vườn bàn chân bước vội

nén nhang trên bàn thờ ông ngoại

thơm hoài mỗi nỗi buồn về khuya

có những lúc quay về đứng tần ngần

tìm đâu giọng nói ngày cũ

tìm đâu những con cá bơi hồn nhiên

tìm đâu cây ổi trĩu quả

quay về tuổi thơ không gặp ai

chỉ gặp trên mái ngói tiếng chim lăn dài

hàm răng nghiến chặt

TH.TH

(nguồn: báo Lao Động ngày 5.11.1999)


 

Tập thơ mới của Lê Minh Quốc

Yêu em, Đà Nẵng của Lê Minh Quốc gồm những bài thơ viết về nỗi nhớ đến quê nhà:

Bóng hình này của người ta

Nhưng kìa giọng nói như là giọng tôi

Hồn quê đặt ở trên môi

Tưởng nghìn cây số xa xôi vọng về

Có lẽ Lê Minh Quốc là người hoài hương nhất trong số những thanh niên cùng tuôi xa quê như anh.

Trong tập thơ Yêu em, Đà Nẳng, Lê Minh Quốc đã chứng tỏ  được sự tinh tế trong ngôn ngữ thi ca khi anh bày tỏ tình xưa với người yêu cũ, vẫn nồng nàn và tràn đầy hy vọng. Một tập thơ có nhiều thể loại thơ - tự do, lục bát, tứ tuyệt mà trong mỗi thể loại thơ ta lại thấy một Lê Minh Quốc khác nhau - ngang tàng như gió biển Mỹ Khê trong thơ tự do, lại tình tứ trong những vần thơ lục bát gieo nhẹ nhàng như hơi thở.

Trong cách đánh giá của nhiều người yêu thơ, tập Yêu em, Đà Nẵng là một tập thơ dễ đọc, đọc hay của Lê Minh Quốc.

Tất Dũng

(nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 2.11.1999)


 

Yêu em,  Đà Nẵng

Tập thơ thứ 7 và là đầu sách thứ 20 của Lê Minh Quốc.

Thật kỳ lạ là người ta có tểh diễn tả đến từng chi tiết run rẩy chân dung chính mình. Và trữ tình quá, trữ tình không chịu nổi, như cách nói của nhà thơ nữ Ônga Bécgôn. Lê Minh Quốc làm ra thơ, hay thơ làm nên một Lê Minh Quốc giàu có tâm hồn? Không rõ. Chỉ rõ anh là một nhà thơ hạnh phúc, vì đã chú giải được đến ngọn nguồn nỗi cô đơn thăm thẳm của mình, và những lời (thơ) chú giải đó đã cuốn hút người đọc lên đường tìm kiếm. Anh đã sử dụng đúng cái phương tiện trời dành cho một nhà thơ.

Nguyễn Thái Dương
(nguồn: Báo Mực Tím số 14.11.1999)


Yêu em,  Đà Nẵng

Bạn đọc Tuần san SGGP Thứ bảy quen thuộc với bút danh Lê Minh Quốc qua loạt bài “Mối tình đầu của danh nhân”. Anh còn có nhiều truyện dài, tiểu thuyết lịch sử… đã xuất bản. Song trên hết, anh là một nhà thơ, còn trẻ, sức sáng tạo còn khá mạnh. Trong mười năm qua, anh đã cho ra mắt 7 tập thơ. Tập mới nhất - do NXB Trẻ ấn hành trong tháng 9.1999 vừa qua - mang tên Yêu em, Đà Nẵng.

Ai xa nơi chôn nhau cắt rốn mà chẳng nhớ. Nhưng không phải ai cũng có thể diễn tả tình yêu quê hương của mình một cách tinh tế mà dữ dội như nhà thơ từng khoác áo lính này.
Mỗi lần về quê là một lần anh sống lại những giấc mơ xưa:

Cúi đầu chào những giấc mơ

Tôi về nhà cũ không ngờ gặp tôi

Gặp lại thơ ấu mừng vui

Cớ sao giọt lệ ngọt bùi ứa ra?

Giữa Sài Gòn tình cờ gặp một người có “giọng nói như là giọng tôi”, anh xáp lại ngay, không kể lạ-quen:

Ngồi gần. Gần nữa. Gần hơn

Chiêm ngưỡng ngan sắc rạ rơm quê nhà

Để rồi:

Hồn quê ở tận đâu đâu

Gặp đồng hương nhớ nôn nao quê nhà

Cho nên nguyện vọng cuối đời của nhà thơ là muốn hóa thân thành một phần tử của quê hương:

Tôi chỉ ước ao sau khi nhắm mắt

Thân thể đốt cháy thành tro than

Đem vung vãi khắp con đường Đả Nẵng

Ngày mai cây cối sẽ mọc lên

Che rợp mát những tà áo trắng

Tôi chưa thấy nhà thơ nào biểu lộ tình yêu quê nhà một cách độc đáo như tác giả “Yêu em, Đà Nẵng”

Hoàng Sông Hàn
(nguồn: SGGP tuần san số 16.10.1999)


Yêu em,  Đà Nẵng

Với hơn 40 bài thơ, tác giả đã giải bày nỗi niềm tâm sự về Đà Nẵng, về những vùng đất mà anh đã từng gắn bó một thời ấu thơ, trai trẻ.

Cơn mưa chiều, sóng Tiên Sa, bến sông Hàn, Đò Xu… với anh là một kỷ niệm đẹp, một cảm xúc cho thơ, một dấu ấn không bao giờ phai cho dù có đi nơi đâu chăng nữa:

Bóng hình này giống người ta

Nhưng kìa giọng nói như là giọng tôi

Hồn quê đặt ở trên môi

Tưởng nghìn cây số xa xôi vọng về

(Quê nhà)

Hay anh tâm sự:

Tôi gieo cảm hứng xuống sông

Ai đi gánh nước thong dong trong chiều

Vớt giùm một tiếng chim kêu

Lẫn trong bóng nước rải đều vào thơ

(Gửi bến sông Hàn)

Đọc thơ anh, tôi lại phát hiện thêm về những cái tiềm ẩn mà Đà Nẵng còn lưu giữ trong mình, tạo nên cái hồn cho người làm thơ, cho những người con xa quê và bạn bè có dịp đến với Đà Nẵng - sông Hàn - Tiên Sa - Non Nước.

Đôi lời ngắn gọn không thể nói hết được lòng mình và tâm sự của tác giả về một vùng đất mà có biết bao điều muốn nói bằng những câu chuyện ngọt ngào, kỳ thú và cả đôi lời thủ thỉ qua thơ.

Tuyết Minh
(nguồn: Báo Công An Đà Nẵng 26.10.1999)



Phần hồn Đà Nẵng của Lê Minh Quốc


Với tập thơ Yêu em, Đà Nẵng (NXB Trẻ - 1999) Lê Minh Quốc đã thể hiện nỗi khắc khoải của tuổi 40 với tình yêu quê nhà - Đà Nẵng. Khi tóc đã bạc, đường đời đã trải, khổ đau đã ngấm, niềm vui le lói như hoài niệm, thơ Lê Minh Quốc tự nhiên như một sự dàn trải với Ký ức của bàn chân, Thơ tình trong trí nhớ, Gửi Đà Nẵng, Thơ của mẹ, Sen hồng, Mỹ Khê và em… 40 tuổi bông lại rong ruổi trở về một tuổi thơ xa ngắt:

sao em không còn đặt trên môi

những âm thanh Quốc ơi

tôi già nua mà phố xa bình minh như trẻ nhỏ

mơ hồ nghe trong gió

ai đó

gọi tên tôi

dưới gót giày

Yêu em, Đà Nẵng nhịp điệu ấy vang vọng trong nỗi khắc khoải, bám chặt vào tâm hồn nhà thơ. Khi tâm hồn lắng đọng, Quốc bỗng cảm nhận ra vị mặn của muối, ngọn gió ngang tàng của sóng biển, sự sóng sánh của sông Hàn, một tô cháo trắng, con cá bống kho tiêu, khói ấm nồng nước mắm…

Lê Minh Quốc về làm báo ở Sài Gòn, nơi cũng có rất nhiều dân Đà Nẵng làm báo: “Sống nơi này  mà hồn gửi nơi kia”. Trong Yêu em, Đà Nẵng ta còn gặp một Lê Minh Quốc rong ruổi, cái rong ruổi của người đi bằng trái tim, bằng nỗi nhớ nhiều hơn đôi chân.Thấp thoáng trong thơ anh người tình xuất hiện như một “vệt son môi”, một “tiếng cười rúc rích”… Cái hay của Quốc là trong hồn thơ với Đà Nẵng là anh để cho người yêu thơ không đón đợi trước được cảm xúc của anh sẽ về đâu. Chính sự buông trôi ấy đã giúp Quốc tìm được những vần thơ không khuôn sáo, lấy được những âm điệu riêng của mảnh đất sinh ra anh. Như một nỗi lòng tri ân cho quê, một món quà cho tri kỷ và một cái gì không bờ không bến với chính mình, cuối cùng những dòng thơ cũng giúp bạn đọc nhận ra một Lê Minh Quốc đang hiện hữu:

cần quái gì suy tư về cái chết

như triết gia

cần quái gì chui tọt ở trong nhà

tìm không khí trên những tờ sách nát

tôi là gió và gió thì phải hát

Và một chuyến tàu của số phận đã trôi đi trên những thanh ray của của cuộc đời, đích đến là gặp mặt hay thêm một lần chia ly - chỉ biết rằng nhà thơ đã rời Đà Nẵng để ra đi, nhưng hồn quê luôn thổn thức:

tìm danh vọng là ném mình vào canh bạc

thua đến nhẵn tay

tôi hồn nhiên mộng du trên những đường ray

xe lửa chạy xe lửa dừng xin em đừng đưa tiễn

ngày đã hết và đêm thêm xao xuyến

Đà Nẵng ơi

tôi cúi xuống hôn em

Đã không còn thấy một Lê Minh Quốc đi rong trên phố, Quốc của tuổi 40 đã làm được nhiều điều hơn cho đời: viết kịch bản, kể chuyện danh nhân… Trong vòng 2 năm mà Quốc đã viết hàng chục đầu sách, vài kịch bản phim tài liệu, phim thiếu nhi, phim truyện và lấp đầy thơ cả một khoảng trống - thơ cho kẻ sĩ sông Hàn, cho cái ngang tàng của biển, cho mộng ảo phù du…

Việt Nga
(nguồn: báo Phụ Nữ TP.HCM 30.10.1999)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

may tinh bang-dien thoai vo go-sửa nhà

máy tính bảng-vỏ gỗ-sửa chữa nhà