TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định ĐẤT BÊN NGOÀI TỔ QUỐC - 5. Đất bên ngoài Tổ quốc - tiếng lòng của những người lính

ĐẤT BÊN NGOÀI TỔ QUỐC - 5. Đất bên ngoài Tổ quốc - tiếng lòng của những người lính

Mục lục
ĐẤT BÊN NGOÀI TỔ QUỐC
*Gửi Tuấn gửi Quốc và...
2. Đất bên ngoài Tổ quốc
3. Tập thơ “Đất bên ngoài Tổ quốc”
4.* Đất bên ngoài, Tổ quốc trong tim
5. Đất bên ngoài Tổ quốc - tiếng lòng của những người lính
6.Đất bên ngoài Tổ quốc- đất trong trái tim anh
7.Những vần thơ viết bằng chính cuộc đời
8.Đọc thơ của những người cùng thế hệ
9.Tiếng lòng của một thế hệ
10. Đất bên ngoài Tổ quốc
11. ĐẤT, NGƯỜI LÍNH và THƠ
Tất cả các trang

DU-LUAN-2

* Đất bên ngoài Tổ quốc  - tiếng lòng của những người lính
Thời gian như ngưng đọng lại khi tôi nhìn vào hai tấm hình của hai người bạn: Đoàn Tuấn và Lê Minh Quốc - một gầy gò non choẹt, một hiền như con gái... Dường như họ cũng chính là chân dung những người lính mà tôi đã từng gặp trên chiến trường Campuchia trong những năm 1979-1989?
Từ nơi xa xôi trở về, hai bạn đã mang vần thơ của lửa máu về theo:

Chúng mình chôn Vận xuống
Tử thi còn thiếu một chân
Máu thấm ống quần héo như tàu chuối rụng
Máu tuổi hăm hai gửi cho cỏ cho trời

Đó là những câu thơ buồn trong bài Vận ơi của Đoàn Tuấn. Có lẽ chỉ có những người đi qua chiến tranh, phải chứng kiến nhiều cái chết mới có thể thấu hiểu nỗi ước mơ khắc khoải, thiêng liêng của người lính:

Ước gì Vận vẫn nằm đội điều trị tiền phương
Như dạo nọ
Chúng mình chạy về thăm
Được cởi trần tung tăng trên trảng cỏ
Tuổi thơ nào mây trắng trời xanh...

Cứ tuôn trải, như một nhu cầu được giãi bày, tâm sự, tập thơ Đất bên ngoài Tổ quốc mang đến cho bạn đọc những cồn cào của người lính, những ngày khát đêm mưa, những rừng sâu và viên đạn như những bóng ma vô hình... Cả nỗi cồn cào về những đơn côi, về giấc mơ mong đoàn tụ với mẹ, với em.

Tôi không thể sống thiếu người đã mất
Tôi sống bằng cái chết của bạn tôi
Tổ quốc nặng sâu hơn bởi tình yêu mảnh đất
Đất bên ngoài Tổ quốc, Việt Nam ơi!
(Đất bên ngoài Tổ quốc - Đoàn Tuấn)

Nếu như Đoàn Tuấn để lại nhiều vần thơ như lửa con tim, ở đó có lý tưởng, có chân lý và cả sự giải thích tại sao những người lính chấp nhận sự hy sinh, thì Lê Minh Quốc - chàng lính mộng mơ - lại bắt đầu lấp lánh những vần thơ dịu ngọt:

Đã từng bốn mùa ngang dọc
Áo toạc vai súng lội qua rừng
Bên cánh võng có lần nghe cỏ hát
Mường tượng về đôi mắt người thương
...
Mai xa rồi riêng anh vẫn nhớ
Chiều vàng bình yên em chải tóc bên thềm
(Bài thơ về hoa cúc)

Thế rồi đến cái đêm từ biệt “Đất bên ngoài Tổ quốc”, người thi sĩ trong người lính của anh lại bồng bềnh một nỗi niềm:

Chỉ còn đêm nay, đừng vội đánh thức ban mai
Xin yên tĩnh cho cánh rừng đang ngủ
...
Kỷ niệm chất đầy trong chiếc ba lô
Tuổi trẻ đi qua ngọn gió rừng phóng khoáng
Chậm chút nữa đêm ơi! Trời đừng vội sáng
Lần đầu tiên chúng tôi biết tương tư
(Trời đừng vội sáng)

Trong tập thơ của Đoàn Tuấn và Lê Minh Quốc có rất nhiều bài thơ hay và cũng không ít những dòng thơ như những dòng lưu bút của một đời lính. Sau này, cả hai người lính ấy đều đã thành đạt trên con đường thơ văn. Đoàn Tuấn đã có vài đầu sách thơ, tiểu thuyết, sách dịch và một số kịch bản đã được dựng thành phim. Lê Minh Quốc thì ngược xuôi với nghề báo, in khá nhiều sách, thơ, truyện thiếu nhi, và gần đây là một số đầu sách về danh nhân lịch sử.
Dẫu có thể gọi hai anh bạn lính này là nhà thơ, nhà văn, nhà biên kịch, nhưng trong cái mênh mông của đời sống trần trụi ấy, họ vẫn đậm đặc chất lính. Đọc Đất bên ngoài Tổ quốc, các bạn trẻ có thể sẽ tìm thấy ý nghĩa cuộc đời theo cách cảm nghĩ riêng của một thế hệ, một thời không thể nào quên.

VIỆT NGA
(Báo Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh số 25.2.1998)



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com