TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định KỂ CHUYỆN DANH NHÂN VIỆT NAM - 1.Lê Minh Quốc Kể chuyện danh nhân việt Nam

KỂ CHUYỆN DANH NHÂN VIỆT NAM - 1.Lê Minh Quốc Kể chuyện danh nhân việt Nam

Mục lục
KỂ CHUYỆN DANH NHÂN VIỆT NAM
1.Lê Minh Quốc Kể chuyện danh nhân việt Nam
2. Một bộ hữu ích
3.Nhà thơ Lê Minh Quốc: 10 năm kể chuyện danh nhân
4. Nhà thơ Lê Minh Quốc: “Kể chuyện danh nhân Việt Nam”
5. Lê Minh Quốc - nhà thơ mê… lịch sử
Tất cả các trang

Lê Minh Quốc Kể chuyện danh nhân việt Nam

07/04/2009 23:32

136053802

Các tập trong bộ sách Danh nhân văn hóa Việt Nam - Ảnh: Giao Hưởng


Sau 10 năm biên soạn, bộ sách Kể chuyện danh nhân Việt Nam của nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc gồm 10 tập vừa được NXB Trẻ (TP.HCM) in vào đầu tháng 4.2009.

Đó là bộ sách khá công phu do Lê Minh Quốc biên soạn từ năm 1999. Từng tập trong bộ sách đã được tái bản nhiều lần, đến nay được NXB Trẻ phát hành trọn bộ với 2.574 trang, đề cập đến 207 danh nhân Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực: văn hóa, khoa học, sư phạm, chính trị, quân sự... trải dài từ thời các vua Hùng dựng nước đến thời hiện đại.

Trong đó, với lối viết dưới dạng kể chuyện dễ đọc, Lê Minh Quốc viết về cuộc đời Chử Đồng Tử - ông tổ nghề buôn, về sức sống bền vững và biến hóa diệu dụng của thánh mẫu Liễu Hạnh, về ông tổ nghề đúc đồng Nguyễn Minh Không - Dương Không Lộ, về Nguyễn Công Truyền - tổ nghề gò đồng, công chúa Thiều Hoa - tổ nghề dệt lụa, Phạm Đôn Lễ - tổ nghề dệt chiếu, Lê Công Hành - tổ nghề thêu, Trần Lư - tổ nghề sơn, Lương Nhữ Học - tổ nghề khắc bản in, Đinh Lễ và Bạch Hoa - tổ ca trù, Trần Quốc Đĩnh - tổ nghề hát xẩm, về các ông tổ khác của nghề kim hoàn, nghề mộc, nghề làm giấy, nghề bốc thuốc Nam... (tập 1: Các vị tổ ngành nghề Việt Nam).

Các tập tiếp theo, Lê Minh Quốc giữ bố cục trình bày các danh nhân theo lối “biên niên”, kèm theo phần chú thích cần thiết về địa danh, quan chế, trào lưu văn học, cũng như các chi tiết liên quan đến danh nhân trong sách, như: Lê Văn Hưu - người soạn quốc sử đầu tiên của Việt Nam, Đặng Minh Khiêm - người mở đầu loại thơ vịnh sử Nam bằng chữ Hán, Thoại Ngọc Hầu - dấu ấn đầu thế kỷ 19 trên dòng kinh phương Nam, Tống Hữu Định - người có sáng kiến “ca ra bộ” mở đầu nghệ thuật sân khấu cải lương, Nguyễn Đình Nghị - người quyết định sự nghiệp hiện đại hóa sân khấu chèo nửa đầu thế kỷ 20, Cao Văn Lầu - cha đẻ của bài “vọng cổ”, Tạ Duy Hiển - cánh chim đầu đàn của nghệ thuật xiếc Việt Nam, Phan Khôi - người khởi xướng phong trào thơ mới, Hoàng Tích Chu - người tiên phong cách tân báo chí Việt Nam, Tam Lang - người mở đầu thể loại phóng sự ở Việt Nam, Bạch Thái Bưởi - người đầu tiên khai thác vận tải đường thủy đầu thế kỷ 20, Trương Văn Bền - người đầu tiên vinh danh xà bông Việt Nam, Nguyễn Lộc - người sáng lập môn phái Vovinam... (tập 2: Những người Việt Nam đi tiên phong). Bên cạnh chuyện kể, tác giả còn giới thiệu nhiều hình ảnh minh họa về các danh nhân và các sự kiện lịch sử, các bối cảnh liên quan đáng ghi nhận là các tranh dân gian, tranh khắc gỗ, những tấm bưu thiếp lưu hành cách đây hơn một thế kỷ.

“Bộ sách đã được in từng tập trong vòng 10 năm qua, trong thời gian đó nhà thơ Lê Minh Quốc vẫn tiếp tục viết, bổ sung tư liệu và chỉnh lý để nâng cao chất lượng. Đáng ghi nhận là ngay từ bản in đầu tiên, sách được Bộ Giáo dục – Đào tạo chọn làm sách tham khảo cho học sinh các trường phổ thông trung học”

ông Nguyễn Thế Truật, Phó giám đốc NXB Trẻ.

Những tập tiếp đó, khi biên soạn, và qua các lần tái bản của từng tập, Lê Minh Quốc liệt kê thêm một số điểm khác nhau của các nguồn tư liệu về một sự kiện chính trị, văn hóa nào đó, hoặc về một danh nhân được đề cập trong bộ sách, để bạn đọc có cơ sở tham khảo thêm qua: Danh nhân khoa học Việt Nam (tập 3), Danh nhân văn hóa Việt Nam (tập 4), Danh nhân quân sự Việt Nam (tập 5), Danh nhân cách mạng Việt Nam (tập 6), Những nhà cải cách Việt Nam (tập 7), Các vị nữ danh nhân Việt Nam (tập 8), Danh nhân sư phạm (tập 9), Các nhà chính trị (tập 10).

Không chỉ kể chuyện về các danh nhân lịch sử xưa kia như: Lý Công Uẩn - người dời đô, tính kế muôn đời sau, Trần Thủ Độ - người mở đầu sự nghiệp dựng nước và giữ nước thời Trần, Hồ Quý Ly - người chủ trương nhiều cải cách táo bạo, Lê Thánh Tông - nhà cải cách toàn diện nhất ở thế kỷ 15, tác giả còn đề cập đến những nhân vật của nửa cuối thế kỷ 20 như: Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Bút Tre, Nguyễn Thị Định, Trần Đức Thảo, Ngô Gia Hy, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Văn Hiệu, Hoàng Tụy, Văn Cao, Từ Chi...

Gặp Lê Minh Quốc trước ngày phát hành bộ sách, hỏi anh có viết tiếp các tập mới hay không, anh trả lời đại ý danh nhân Việt Nam còn nhiều vị kiệt xuất lắm, nên vẫn đang cầm bút phác họa thêm theo cách của mình những chân dung vang bóng vượt thời gian...

Giao Hưởng

http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/200915/20090407233212.aspx

 



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com