TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định MỘT NGÀY Ở MỸ - 4.Lê Minh Quốc với

MỘT NGÀY Ở MỸ - 4.Lê Minh Quốc với

Mục lục
MỘT NGÀY Ở MỸ
2. Bạn tôi… đi một ngày đàng
3. Lê Minh Quốc “Đi một ngày đàng...”
4.Lê Minh Quốc với
Tất cả các trang

Lê Minh Quốc với "Một ngày ở Mỹ"

611


Đi Mỹ về, nhà thơ Lê Minh Quốc viết cuốn bút ký Một ngày ở Mỹ (NXB Trẻ), vừa phát hành trong tháng 8.2008.

Phần đầu sách lướt qua đôi nét về lịch sử, địa lý nước Mỹ, cũng như nhắc đến người Việt Nam đầu tiên đến Mỹ và người Mỹ đầu tiên đến Việt Nam. Tiếp đó là những ghi nhận thú vị về chuyến đi từ Washington lên Kansas, ngược về San Francisco, rồi xuống Florida, thăm các bảo tàng, các nhà hát lớn, các điểm văn hóa và vui chơi...

Vào một nhà hàng ở khu Sea World, anh quan sát thấy, sau khi ăn tất cả thực khách đều tự giác dọn bàn sạch sẽ, "lúc họ đứng lên là người khác có thể ngồi vào ngay. Hình ảnh tốt đẹp này lặp lại nhiều lần ở nhiều nhà hàng khác". Nhắc vài điều tương tự, Lê Minh Quốc viết: "Tính cách ấn tượng nhất (với người Mỹ) trong mắt tôi vẫn là sự tự giác", dễ nhận ra nhất là thói quen xếp hàng. Hoặc "tự giác phục vụ cho chính mình dù mình phải trả tiền, chẳng hạn, khi vào cây xăng, ta phải... tự đổ xăng, sau khi đã đưa card tín dụng vào đó". Một người bạn của tác giả nói: "Muốn sống ngon lành ở Mỹ, phải thuộc nằm lòng thêm chữ S nữa!". Nghĩa là gì? Đó là save - tiết kiệm. Tiết kiệm thời gian, tiết kiệm tiền bạc, khi giao tế mọi người đi thẳng vào nội dung công việc chứ không cà kê. Anh cũng lý giải "văn hóa share - chia đều" ở Mỹ: "Anh và tôi cũng như nhau. Không việc gì tôi phải nhận một khoản tiền từ sức lao động của anh và ngược lại... Không ai dựa dẫm ai, lợi dụng ai...".

Là một nhà thơ, nhà báo, Lê Minh Quốc cũng quan sát, hỏi han chuyện văn chương báo chí. Những người phụ trách tờ The Star đã cho anh biết về sự cạnh tranh khốc liệt của internet với làng báo Mỹ hiện nay, khiến tờ báo có 120 tuổi này (thành lập năm 1888), phải bỏ suất phát hành buổi chiều vì tin tức trong ngày đã được internet đưa lên tràn lan, báo in ra bị "nguội". Tờ San Francisco Chronicle không còn in thông tin thị trường chứng khoán như trước đây vì internet đã "đi trước" họ. Hiện báo Mỹ đang "ngày càng có khuynh hướng giảm số trang in". Đặc biệt là "siết" chặt nội dung sao cho khớp với nhu cầu bạn đọc, "giảm các trang bình luận về văn hóa văn nghệ", không in... thơ. Tác giả sực nhớ đến "một nhà thơ nữ đoạt giải Nobel cách đây không lâu, đã kể buổi đọc thơ của bà có chừng... 10 người đến dự. Trong đó có 6 người thân và vài người khác tình cờ dạt vào trú mưa". So ra, ở Việt Nam thơ cũng còn có chỗ dung thân...

GIAO HƯỞNG

(Báo Thanh Niên 2.9.2008)


Chia sẻ liên kết này...



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com