TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định LÊ MINH QUỐC: Nghề thủ thư phải có niềm đam mê sách

LÊ MINH QUỐC: Nghề thủ thư phải có niềm đam mê sách


thu-thu-1
Thủ thư đang làm thủ tục cho bạn đọc mượn sách tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM sáng 25-2


“Tình yêu sách là cái quan trọng, là cái cốt lõi của kỹ năng giới thiệu sách. Nếu không đam mê sách, chúng ta không nên làm thủ thư mà hãy chọn một nghề khác”, đó là lời khuyên của nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc tại buổi nói chuyện về kỹ năng giới thiệu sách cho 30 thủ thư của Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM vào chiều 24-2 vừa qua.

 

Những điều kiện tiên quyết

Với kinh nghiệm trong thời gian 30 năm viết báo về lĩnh vực văn hóa văn nghệ, nhà thơ Lê Minh Quốc, một người từng giới thiệu rất nhiều sách nói rằng cho tới nay vẫn chưa có cuốn sách nào đề cập đến kỹ năng giới thiệu sách. Tuy nhiên theo nhà thơ, lòng yêu sách là điểm khởi nguồn cho những người muốn gắn bó với nghề thủ thư. Nhưng đó phải là niềm say mê mãnh liệt từ bé. Bản thân nhà thơ từ khi còn là học sinh lớp 7 đã có thơ thiếu nhi được đăng trên mặt báo. Anh cũng được nhà văn Nhật Tiến tặng cho rất nhiều sách và niềm đam mê sách của anh cứ thế mà lớn dần. Yếu tố tiếp sau niềm đam mê sách, nhà thơ khuyên các bạn trẻ hãy có thói quen tập mua sách. Vì theo kinh nghiệm của nhà thơ, không có cuốn sách nào không có lợi ích cho độc giả, có thể ngay hiện tại hoặc có thể đến 5-10 năm sau độc giả sẽ cần tới nó. Anh ví như một câu mà Quách Tấn đã viết: “Ngày xưa nếu biết vàng là quý, không ai mua sách chất chật nhà”. Và dù thực tế là vàng quý hơn, nhưng người ta yêu sách nên vẫn mua sách. Và chính vì mê sách như vậy, nên bây giờ trên văn đàn chúng ta mới có một thi sĩ Quách Tấn.

Bàn về vấn đề quan trọng khác của nghề thủ thư, nhà thơ lưu ý rằng anh không khuyến khích họ phải đọc hết cuốn sách rồi mới giới thiệu cuốn sách đó cho độc giả, nhưng họ cần tập thói quen đọc lướt qua, để biết được rằng trong cuốn sách nói cái gì, cũng như tất cả các sách đã nhập ở thư viện. Nhà thơ cũng nhấn mạnh khi muốn giới thiệu một loạt sách mới của nhà văn nào đó, cần lưu ý là không thể tách rời cuốn sách ra khỏi nhà văn, vì mỗi tác giả đều có sự định hình của họ và chúng ta cần nắm những điều căn bản về lĩnh vực chuyên môn của tác giả đó. Chẳng hạn như cầm một cuốn sách mới của Nguyễn Nhật Ánh thì ta biết đây là nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi, vấn đề là lần này ông viết về thiếu nhi như thế nào, viết về nhân vật gì. Hay như khi cầm cuốn sách của Tôn Thất Tùng, chúng ta lập tức biết ông là người bác sĩ chuyên về gan và là người mổ gan giỏi nhất thế giới.

Điều quan trọng mà các thủ thư cần quan tâm nữa trong kỹ năng giới thiệu sách đó chính là “Lời nói đầu”. Thông thường một cuốn sách tốt của một NXB có uy tín thì lời nói đầu đã cho chúng ta biết khoảng 80% nội dung cuốn sách, sau đó nếu sách có thêm lời bàn hoặc phần mục lục cũng cho ta thêm những thông tin cần thiết. Bên cạnh đó, nghề thủ thư không thể bỏ qua những buổi ra mắt sách hoặc trao đổi trực tiếp với nhà văn để nắm được những điều mà nhà văn ưng ý nhất hoặc những điểm mới nhất để lấy đó làm nền tảng giới thiệu cho bạn đọc. Đó là những yếu tố cần thiết trong những kỹ năng giới thiệu sách.


Kinh nghiệm của người đi trước

Theo kinh nghiệm của cụ Toan Ánh, khi người ta trả cuốn sách đã mượn chúng ta đừng bỏ vào tủ một cách máy móc và nghĩ rằng mình đã xong nhiệm vụ rồi, mà hãy hỏi cảm nhận của họ về cuốn sách như thế nào? Hay ở chỗ nào? Chi tiết nào là tâm đắc nhất? Những thông tin này sẽ là một kênh thông tin chính xác để sau này chúng ta giới thiệu cho bạn đọc.Thủ thư là một nghề nặng nhọc, đòi hỏi họ khi giới thiệu sách cho độc giả cần phải biết kiến thức của tất cả các lĩnh vực. Thế nên khả năng đọc không mệt mỏi của họ là điều cần thiết hơn bao giờ hết. Nhà thơ Lê Minh Quốc đã tinh tế bồi đắp thêm niềm hứng khởi cho họ bằng việc kể lại những tấm gương của các thế hệ trước như cụ Toan Ánh, người đã làm thủ thư ở Thư viện Khoa học Tổng hợp nhiều năm về trước. Cụ đã dành một thời gian rất dài để đọc và viết sách, sau đó sách của cụ đã được NXB Trẻ in. Hay như cụ Đỗ Văn Anh ở Viện Nghiên cứu và xã hội cũng là một người làm thư viện. Cụ viết những cuốn sách, trong đó được nhiều người biết đến là cuốn Từ điển về tên đường phố.

Bà Trần Thị Gìn, Phó giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp cho hay, nhằm thăm dò ý kiến độc giả hầu góp phần làm cho việc phục vụ độc giả ngày một tốt hơn, Thư viện Khoa học Tổng hợp đã tổ chức một cuộc bình chọn với tiêu chí “Thư viện thân thiện và tích cực”. Chương trình này đã được hơn 4.000 độc giả hưởng ứng. Và cuộc bình chọn đó gây ấn tượng rất tốt trong lòng độc giả cũng như động viên tinh thần đối với các thủ thư.

Cũng theo bà Gìn, ngoài việc mở khóa tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhân viên, Thư viện Khoa học Tổng hợp đang chú trọng đến mục tiêu từng bước chuyển dần từ một thư viện truyền thống thành một trung tâm thông tin bằng hình thức thư viện điện tử, hầu đáp ứng nhu cầu của độc giả ngày một tốt hơn.

                                                                                                                                                              Bài, ảnh: Bích Vân

Những điều cần ghi nhớ

thu-thu-2


Nhà thơ Lê Minh Quốc (ảnh) khẳng định: “Với một cuốn sách, người thủ thư cần lưu ý về tác giả, NXB, mục lục và lời bình. Tất cả những điều đó cho họ một khái niệm hình thành về một cuốn sách ở trong đầu. Một thư viện mênh mông cho họ ưu thế tiếp cận với sách từng ngày từng giờ, nghĩa là giúp họ nắm trong tay một kho tàng vĩ đại, nhiệm vụ của họ là phải truyền đạt đến người đọc những điều thú vị và tinh túy. Các bạn trẻ có niềm đam mê theo nghề thủ thư nên ghi nhớ thật kỹ những điều này”.

(nguồn: Báo Giáo dục TP.HCM ngày 26.2.2014/ http://giaoduc.edu.vn/print_page/van-hoa-661/nghe-thu-thu-phai-co-niem-dam-me-sach-223760.aspx)


Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com