TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định Chút thong dong tặng người bận rộn

Chút thong dong tặng người bận rộn

Mục lục
Chút thong dong tặng người bận rộn
* Cuộc hội ngộ giữa sách và sơn & Một quan niệm tiếp thị bằng văn hóa
* Từ những người trong cuộc
*Chút thong dong quý hiếm
* Thong dong trong bận rộn
Tất cả các trang

 

Tập sách này ra đời còn ghi dấu một kỷ niệm khó quên giữa những người viết - công ty P.R  - đơn vị kinh doanh. Lần đầu tiên, một sản phẩm vật chất được quảng bá dưới hình thức sách.

Sản phẩm đó là sơn và trong tập sách đó, người viết không đề cập đến một nhãn hiệu sơn cụ  thể, chỉ viết về sự an bình, thong dong, nghĩ ngơi... trong căn nhà của mình. Người đọc được sở hữu một tập sách văn học với chủ đề như vậy.

thong-dong-A

Bìa báo Doanh nhân Sài Gòn số 225  - Hàng trước (từ trái sang phải): Đại diện công ty Sơn ICI, doanh nhân Nguyễn Ngọc Phương Thảo; nhà văn Trần Nhã Thụy; hàng sau: Nhà thơ Lê Minh Quốc, nhà báo Lưu Đình Triều.

Ngẫm lại mà xem, khi sở hữu một tập sách có giá trị văn học, người ta sẽ gìn giữ lâu dài. Nhờ vậy, sản phẩm đó, nhãn hiệu đó sẽ còn ở lại lâu dài với người đọc, với thời gian.

Khi đọc các tập sách đầu thế kỷ XX, chúng ta biết được nhiều nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa cách đây hàng trăm năm cũng là do người ta biết đến cách tiếp thị này.

Chỉ xin đưa một vài thí dụ: Tập sách Thời sự cẩm nang in toàn bộ vấn đề thời sự Nam kỳ năm 1925, dày 600 trang  - do nhà in Nguyễn Văn Của ấn hành năm 1926, ngoài bìa ghi rõ: “Các quan chủ tỉnh trong Nam kỳ có mua một ngàn cuốn đặng phát cho các làng dùng”. Ta hiểu tập sách này có tính chất tổng hợp các công văn, nghị định do thống đốc, toàn quyền...  ký và ban hành. Thế nhưng, trong đó vẫn có các trang quảng cáo đủ loại sản phẩm lúc bấy giờ; hoặc các tập sách khác của nhà văn ở Nam kỳ thời điểm đó cũng tương tự.

Đừng nói đâu xa, chỉ mới trước 1975 thôi, hầu hết các tập sách viết về thú chơi cổ ngoạn, thú đọc truyện Tàu, chơi chim ca cảnh... của Vương Hồng Sển đều ghi rõ do một công ty dược phẩm đứng ra in. Nhờ vậy đến nay ta vẫn còn nhớ đến sản phẩm của công ty đó. Tôi hiểu, khi một sản phẩm vật chất gắn liền với sách thì sự tồn tại của nó lâu dài với thời gian hơn bất kỳ hình thức nào khác.

Với Chút thong dong tặng người bận rộn (NXB Trẻ) là sáng kiến của chị Minh Hương - giám đốc của Công ty Golden Event - PR. Hơn cả những cách làm trên, ở đây, trong sách không có trang quảng cáo, không phải viết về sản phẩm đó... Vậy mà tác động của nó lớn hơn, bởi thông qua suy nghĩ của nhà văn, nhà báo khi viết về một vấn đề cụ thể; hoặc chỉ là sự chiêm nghiệm về cảm xúc sẽ giúp người đọc có cảm tình với sản phẩm đó nhiều hơn.

Tại sao?

 

EVA_181557296RRR

Bìa tập sách Chút thong dong tặng người bận rộn

 

Vì sản phẩm đó góp phần tích cực nếu người đọc muốn được chia sẻ, tận hưởng những cảm xúc tương tự như người viết. Tiếp thị như thế này, nếu phân tích kỹ, ta sẽ thấy có khá nhiều điều lý thú về hiệu quả lâu dài của nó; và tác động của nó đối với người viết - thông qua những bài viết giàu chất văn học.

Chỉ tiếc rằng, cách làm tiên phong của chị Minh Hương hiện nay ít có đơn vị kinh doanh nào thực hiện kế tiếp.

Có thể do thời đại này quá nhiều thông tin, nhịp sống vội vã nên người ta nghĩ rằng đã P.R thì phải trực diện hơn chăng, phải ồn ào hơn chăng? Có thể là vậy, nhưng tôi nghĩ chiến lược xây dựng thương hiệu cho một sản phẩm, đó chưa phải là biện pháp hữu hiệu nhất.

Ở đây, tôi chỉ post lại các bài viết tiêu biểu liên quan đến tập sách Chút thong dong tặng người bận rộn, để thấy được tác động và hiệu quả của một sáng kiến mới, một sáng tạo khi thực hiện một lợi ích cho doanh nghiệp đối với cộng đồng.

L.M.Q

XI.2012



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com