Hai tập sách mới của NGUYỄN THÀNH NHÂN

Array In Array

 

HAI-TAP-SAQCH-MOI-CUA-NGUYEN-THANH-NHAN

 

HAI-TAP-SAQCH-MOI-CUA-NGUYEN-THANH-NHAN2R

 

Giới thiệu VŨ ĐIỆU BUỒN CỦA CHỮ


Vũ điệu buồn của chữ bao gồm một số bài viết đã đăng báo hoặc trên các blogs, websites của nhà văn Nguyễn Thành Nhân. Gọi là tạp văn, nhưng rải rác trong tập sách bạn đọc sẽ tìm thấy những vần thơ, đó cũng là một điểm lạ lùng và khác biệt của tập sách này.

Dường như tác giả rất yêu thơ, và có lẽ đã từng viết nhiều thơ, nhưng lại không hài lòng với những đứa con tinh thần của mình. Anh thổ lộ: “Muốn viết, mê viết mà viết ngày càng không ra chữ. Muốn làm thơ ngây thơ hồn hậu như hồi mới lớn, mới biết yêu, cứ nghĩ thế nào thì tuôn ra thế ấy cũng không thể nào được nữa. Thơ chẳng còn bao dung dễ dãi với tôi. Làm thơ không tiến bộ nổi, tôi chuyển sang... viết văn xuôi. Nhưng những gì tôi viết ra chẳng mấy khi làm tôi hài lòng.” (Vũ điệu buồn của chữ). Trong một tạp văn khác (Qua những miền xuân cũ), chúng ta biết nguồn gốc của bài thơ đầu tay mà chính bản thân tác giả cũng không còn nhớ, anh viết: “Tôi ra ngồi ngó những con bướm vàng bay chấp chới trên những đóa hoa vàng, và nảy ra một vài câu thơ xuân đầu tiên trong trí óc. Tôi chép lại mấy câu thơ đó và còn giữ được chúng vài năm, lý do để giờ đây còn nhớ tới sự tích ra đời của chúng, nhưng chẳng thể nào nhớ nổi mình đã viết gì. Chao ôi, tôi chỉ có tâm hồn thi sĩ, nhưng lại chẳng có thi tài. Từ bài thơ đầu tay đó tới giờ tôi làm thơ không nhiều, không liên tục nhưng cũng kha khá.”

Qua một số bài viết như Qua những miền xuân cũ, Đêm thánh vô cùng, Vũ điệu buồn của chữ, Về thăm chiến trường xưa… người đọc có thể hiểu thêm chút ít về cuộc đời của tác giả, chỉ những chi tiết rất nhỏ, nhưng chúng gợi lên một thời kỳ, một giai đoạn xã hội anh đã trải qua. Một số bài viết khác như Nghĩ về nhà thơ Quang Dũng, Đọc Tây tiến viễn chinh, Đọc Như mơ thấy bướm của Ngô Khắc Tài, Đêm mưa đọc Sài Gòn giữa cơn mưa, Mạc Can, người nói tiếng bồ câu, Đọc lại Dưới ánh sao thu của Knut Hamsun… phản ánh với chúng ta những cảm nhận, cảm xúc của Nguyễn Thành Nhân đối với những tác phẩm hay tác giả mà anh đã đọc.

Những suy tư trằn trọc của anh về nghề (viết và dịch) về vấn đề sáng tác, xuất bản, về thế thái nhân tình và cả những cảm xúc vui buồn rất đời thường của anh cũng thể hiện qua một số bài như Nắng nhớ, Dân đen, Cám ơn em và những bài hát cũ, Dịch thuật - con dao hai lưỡi, Lại một đêm mất ngủ vì thơ, Một phát hiện mới về Mrs. Dalloway…

Với giọng văn có khi hiền lành dung dị, có lúc lại táo tợn “ba gai”, toàn tập “Vũ điệu buồn của chữ” gợi cho người đọc nhiều cảm xúc và suy ngẫm. Và chúng ta cũng có một cái nhìn mới hơn về tác giả sau khi đọc tác phẩm này của anh.
Với những lý do trên, Nhà xuất bản Tổng hợp Tp.HCM xin trân trọng giới thiệu tập sách này với bạn đọc. Rất mong nhận được những ý kiến đóng góp từ quý vị.

(Nguồn: NXB Tổng hợp TP.HCM)

 

TÓM TẮT TIỂU SỬ Virginia Woolf (1882-1941)

 

“Một người phụ nữ phải có tiền và một căn phòng riêng nếu muốn viết văn; và điều đó, như bạn sẽ thấy, khiến cho vấn đề lớn lao về bản chất đích thực của phụ nữ và bản chất đích thực của văn chương vẫn còn bỏ ngỏ chưa giải quyết.”

Câu nói trên trích từ Chương 1 của tập tiểu luận nhan đề A Room of One’s Own  (Một căn phòng riêng) của nữ tiểu thuyết gia, tiểu luận gia, nhà phê bình văn học người Anh Virginia Woolf (1882-1941). Câu trích dẫn này vẫn thường được mọi người nhắc đến khi đề cập tới Virginia, bởi lẽ tất cả những tác phẩm và chính cuộc đời đầy sóng gió và bi kịch của bà thật sự là những nỗ lực không ngừng để đạt tới mục đích bình dị vô song đó: Tiền và một căn phòng riêng để viết – hay nói cách khác, sự độc lập về mặt vật chất (và cả tinh thần) của một phụ nữ muốn sáng tạo văn chương nghệ thuật.

Nhũ danh của Virginia Woolf là Adeline Virginia Stephen. Bà là con gái của nhà biên tập và phê bình Leslie Stephen và Julia Prinsep Stephen (nhũ danh Jackson), một nữ nhiếp ảnh gia nổi tiếng. Cha mẹ bà đều đã từng kết hôn và con riêng, do đó gia đình bà bao gồm con cái của ba cuộc hôn nhân. Julia có ba con riêng là George, Stella và Gerald Duckworth. Leslie có một con gái với người vợ trước, tên là Laura Makepeace Stephen. Leslie và Julia có chung bốn người con: Vanessa Stephen, Thoby Stephen, Virginia và Adrian Stephen.

Leslie vốn là con rể của nhà văn William Thackeray (ông là chồng góa của con gái út của Thackeray), bên cạnh đó thân hữu của cả hai vợ chồng ông đều là những nhà văn, nghệ sĩ nổi tiếng của nước Anh vào thời bấy giờ. Do vậy con cái của ông được nuôi dạy trong một môi trường chịu nhiều ảnh hưởng của giới văn học nước Anh. Bổ sung cho những ảnh hưởng này là tòa thư viện rộng mênh mông ở nhà của Stephen, nơi mà Virginia và Vanessa  được dạy các môn học như ngoại ngữ, triết học, văn chương, lịch sử, nghệ thuật và văn học Anh.

Theo Woolf, những hồi ức tuổi thơ mạnh mẽ nhất của bà không phải là ở London mà là ở thị trấn St. Ives thuộc hạt Cornwall, nơi gia đình bà dùng để nghỉ hè cho tới năm 1895. Ngôi nhà nghỉ hè của gia đình Stephen, Talland House, nhìn ra vịnh Porthminster, và vẫn còn cho tới ngày nay, dù đã thay đổi ít nhiều. Ký ức về những ngày nghỉ gia đình này và những ấn tượng về phong cảnh ở đó, đặc biệt là ngọn hải đăng Godvry, đã được thể hiện lại trong quyển tiểu thuyết được xem là hay nhất của Woolf vào những năm sau này, quyển To the Lighthouse).

Trong thời gian nghiên cứu ở đại học đường King’s College Cambridge và King’s College London, bà quen biết với một số văn nghệ sĩ và trí thức cấp tiến như nhà kinh tế học John Maynard Keynes, thi sĩ E. M. Forster, nhà văn chuyên viết tiểu luận và tiểu sử Lytton Strachey và nhà văn, lý thuyết gia chính trị người Anh gốc Do Thái Leonard Woolf (1880-1969), người mà bà kết hôn vào năm 1912. Họ trở thành những thành viên sáng lập của Bloomsbury Group, một nhóm các bạn bè thân hữu sống và hoạt động gần khu Bloomsbury, London, thường xuyên có những buổi họp mặt thảo luận về đủ mọi đề tài. Tác phẩm của Nhóm Bloomsbury đã có một ảnh hưởng sâu rộng tới các mặt văn chương, mỹ học, phê bình và kinh tế học, cũng như đưa ra những quan điểm hiện đại về thuyết nam nữ bình quyền, chủ nghĩa hòa bình và quan hệ tính dục.

Năm 1917, hai vợ chồng Woolfs mua lại một xưởng in thủ công nhỏ và sáng lập ấn quán Hogarth Press, xuất bản những tác phẩm của nhóm Bloomsbury, của Katherine Mansfield cũng như bản dịch các tác phẩm của Freud. Virginia Woolf sống một cuộc đời sôi động giữa bằng hữu và gia đình, viết lách và diễn thuyết ở các trường đại học.

Cái chết của mẹ vào năm 1895 và của chị gái cùng mẹ khác cha Stella hai năm sau đó đã dẫn tới những cơn suy nhược thần kinh đầu tiên của Virginia Woolf. Và cái chết của cha bà vào năm 1914 đã khiến cho bà suy sụp hoàn toàn, phải vào bệnh viện để điều trị một thời gian ngắn. Các cơn suy nhược và những thời kỳ trầm cảm sau này cũng còn chịu ảnh hưởng bởi sự lạm dụng tình dục mà bà và Vanessa gánh chịu từ hai người anh cùng mẹ khác cha là George và Gerald Duckworth. Woolf  đã nhắc lại chuyện này trong các tiểu luận A sketch of the Past (Một phác họa về quá khứ) và 22 Hyde Park Gate (Nhà số 22 phố Hyde Park Gate). Trong suốt đời mình, Virginia Woolf luôn bị quấy rầy bởi những cơn trầm cảm và những chứng bệnh liên quan. Dù các cơn đau này thường gây ảnh hưởng tới hoạt động xã hội của mình, bà vẫn tiếp tục sáng tác với một vài thời kỳ gián đoạn cho tới khi qua đời do tự tử.

Càng về sau này, Virginia càng thường xuyên chịu đựng các cơn suy nhược thần kinh. Bà thẳng thắn tự nhận là mình “bị điên”, bảo rằng bà thường nghe thấy những tiếng nói và nhìn thấy những ảo ảnh: “Đối với tôi, bộ não của tôi là thứ thiết bị bất khả lý giải nhất – luôn luôn kêu vo ve, o o, vút lên, gầm rú, lao xuống, và rồi bị vùi chôn trong bùn. Và tại sao?...” (trích một lá thư đề ngày 28/12/1932) Sợ làm phiền đến chồng mình, bà đã tự tử một đôi lần nhưng thất bại. Trong lá thư cuối cùng gửi cho chồng, bà viết:

“Em cảm thấy chắc chắn rằng em sắp sửa điên trở lại. Em cảm thấy chúng ta sẽ không thể vượt qua những thời khắc kinh khủng đó thêm nữa. Và lần này em không thể hồi phục lại. Em bắt đầu nghe thấy những giọng nói, và em không thể tập trung. Vì thế em sẽ thực hiện cái điều mà dường như là điều tốt nhất để làm. Anh đã cho em niềm hạnh phúc lớn nhất có thể có. Theo bất kỳ cách thức nào anh đã là tất cả những gì mà bất kỳ một người nào có thể là. Em không nghĩ rằng có thể có hai người nào từng hạnh phúc hơn (chúng ta) cho tới khi căn bệnh khủng khiếp này đến. Em không thể chiến đấu thêm được nữa. Em biết rằng em đang phá hỏng cuộc đời anh, rằng nếu không có em anh có thể làm việc được. Và anh sẽ làm được, em biết. Anh thấy đó, thậm chí em không thể viết được lá thư này cho hợp cách. Em không thể đọc. Điều em muốn nói là em mắc nợ anh về tất cả những hạnh phúc của đời mình. Anh đã hoàn toàn nhẫn nại với em và tốt đến không thể tin nổi. Em sẽ không tiếp tục phá hỏng đời anh nữa. Em không nghĩ rằng có thể có hai người nào lại từng hạnh phúc hơn chúng ta.”

Đêm 28-3-1941, Virginia Woolf nhét đầy đá vào những túi áo khoác rồi đi bộ tới con sông Ouse gần nhà và tự trầm mình. Cho tới ngày 18-4, thi thể hầu như chỉ còn xương của bà mới được phát hiện ra. Chồng bà chôn phần thi thể còn lại của bà dưới một gốc cây trong khu vườn nhà của họ tại Rodmell, Sussex.

Sau Thế chiến thứ hai, sự chú ý đối với các tác phẩm của bà giảm đi nhiều, nhưng từ đầu thập niên 1970 cho tới nay, do sự phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa nữ quyền ở phương Tây, ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu về tác phẩm cũng như bản thân cuộc sống sáng tác và hoạt động của bà. Bộ môn văn chương Anh ở tất cả các trường đại học danh tiếng trên thế giới đều dành một học phần quan trọng để nghiên cứu về các tác phẩm của Virginia Woolf. Các trước tác của bà được tái bản nhiều lần và dịch ra nhiều thứ tiếng trên khắp thế giới. Hiện nay bà được đánh giá là một trong các tác giả vĩ đại nhất của thế kỷ 20, đồng thời cũng là một nhân vật trọng yếu trong lịch sử văn chương Anh ngữ với tư cách một người bênh vực nữ quyền và một người theo chủ nghĩa hiện đại; một trong những người sáng lập nên trào lưu Chủ nghĩa Hiện đại bao gồm T.S. Eliot, Ezra Pound, James Joice và Gertrude Stein.

Trong quãng đời ngắn ngủi và chiến đấu thường xuyên với căn bệnh thần kinh của mình, Virginia Woold đã trước tác một lượng khổng lồ các tác phẩm với đủ thể loại:  8 tiểu thuyết (The Voyage Out – 1915; Night and Day – 1919; Jacob’s Room – 1922; Mrs. Dalloway  – 1925; To The Lighthouse – 1927; The Waves – 1931; The Years – 1937; Between The Acts – 1941); 14 tập tiểu luận, trong đó nổi bật nhất là A Room of One’s Own (1929) và Three Guineas  (1938); sáu tập truyện ngắn; ba tập tiểu sử, trong đó nổi bật nhất là quyển Orlando: A Biography (1928), một tiểu sử hư cấu lấy cảm hứng từ nhà thơ nữ Vita Sackville-West; sáu tiểu sử tự thuật và nhật ký; và một vở kịch (Freshwater: A Comedy – công diễn 1923; xuất bản 1976). Ngoài ra còn có vô số thư từ liên quan tới cuộc sống và công việc của bà đã được xuất bản bao gồm ba quyển Congenial Spirits: The Selected Letters (1993), The Letters of Virginia Woolf 1888-1941 (sáu tập, 1975-1980) và Paper Darts: The Illustrated Letters of Virginia Woolf (1991).

Cuộc đời và sự nghiệp phong phú, phức tạp của Virginia Woolf cũng đã được nghiên cứu rộng và sâu bởi gần ba mươi tác giả khác nhau dưới hình thức các tác phẩm tiểu sử và phân tích phê bình.

Chú thích:
1.Căn phòng riêng, Trịnh Y Thư dịch, NXB Tri Thức, 2009.
2. Tới ngọn hải đăng, Nguyễn Thành Nhân dịch, NXB Hội nhà văn, 2011.

 

Giới thiệu ORLANDO của Virginia Woolf


Orlando, A Biography xuất bản lần đầu vào ngày 11/10//1928 (cũng là thời điểm ở đoạn kết của tiểu thuyết). Virginia Woolf xem tác phẩm này như một sự thư giãn tinh thần, một “writer’s holiday” sau những tác phẩm đòi hỏi khắt khe hơn về cấu trúc, chủ đề như Căn phòng của Jacob, Bà Dalloway, Tới ngọn hải đăng… Tuy nhiên, dù chính tác giả không kỳ vọng, Orlando lại chính là tác phẩm được đọc nhiều nhất của bà, và ngay trong lần tái bản thứ hai, số lượng bản in bán ra là 6.000, gấp đôi so với Tới ngọn hải đăng. Thủ pháp dòng ý thức trong tác phẩm này cũng đi tới chỗ cực kỳ điêu luyện và tinh tế. Và có lẽ chính vì được viết với tình yêu và cảm hứng tột cùng, những vấn đề sâu thẳm nhất về ý nghĩa của cuộc đời, tình yêu và sáng tạo được thể hiện trong Orlando, ở một số khía cạnh nhất định, vượt xa hơn rất nhiều so với các tác phẩm khác của Virginia.

Cho tới nay, nhiều tiểu luận, phê bình và luận văn tiến sĩ cũng đã soi rọi nhiều ánh sáng khác nhau lên tác phẩm, và những tranh luận vẫn còn tiếp diễn, dù nói chung tất cả các văn bản này đều xem Orlando là một tác phẩm “avant-garde” về nữ quyền và tình dục đồng giới nữ.

Trước khi đọc Orlando, một tiểu thuyết hay tiểu sử giả cách (fake biography), có lẽ các độc giả cũng cần biết qua hai yếu tố sau:

Thứ nhất, tác phẩm này được đề tặng cho V. Sackville-West,  (sau đây viết tắt là VSW) bạn thân và người tình của Virginia Woolf.  Theo lời của Nigel Nicholson , con trai của VSW, đây là “lá thư tình dài nhất và dễ thương nhất trong văn học, trong đó [Virginia] khám phá Vita… đẩy bà từ giới tính này sang giới tính khác… buông một màn sương mù xung quanh bà.”  VSW cũng là nguyên mẫu của nhân vật chính Orlando, với một số chi tiết đời thật của bà được hư cấu hóa.

Thứ hai,  các chi tiết trong tác phẩm dựa trên lịch sử của gia tộc Sackvilles, và có bối cảnh chủ yếu dựa trên các thực tế về Knole House , một trong số ít gia thự cổ và lớn nhất hiện còn tồn tại ở Hạt Kent, Anh Quốc. Knole House được thiết kế theo niên lịch của một năm, gồm 365 phòng (365 ngày), 52 cầu thang gác (52 tuần), 12 cổng vào (12 tháng) và bảy sân trong (bảy ngày trong tuần). Những phần lâu đời nhất của ngôi nhà này do Thomas Bourchier, Tổng Giám mục xứ Canterbury xây dựng vào khoảng giữa 1456 và 1486. Sau nhiều lần đổi chủ, năm 1566, nó thuộc quyền sở hữu của Thomas Sackville , em họ của Nữ hoàng Elizabeth I,  cụ kỵ của VSW.

Khi viết về Orlando, hầu hết những nhận định của các nhà nghiên cứu và phê bình văn học Âu Mỹ đều nhấn mạnh tới sự táo bạo và đi trước thời đại của Virginia khi xóa nhòa ranh giới của giới tính trong tình yêu; hoặc sự sáng tạo đậm nét trào phúng của bà khi pha trộn giữa phong cách viết tiểu sử và tiểu thuyết, pha trộn giữa hiện thực và những ảo tượng. Những lý luận đó đều na ná như nhau và đều không có gì mới mẻ hay khai phá. Tuy nhiên, Ted Gioia  có một cách nhìn mà người dịch thấy khá mới mẻ và thú vị, ông cho rằng Orlando nhìn xa hơn nhiều vào tương lai so với bất kỳ tác phẩm nào trong lĩnh vực khoa học viễn tưởng.

Và ông cũng nhấn mạnh tới dòng văn xuôi đẹp như thơ của tác phẩm: “Nhưng không tóm lược cốt truyện nào có thể đánh giá đúng những phẩm chất đặc biệt của cuốn tiểu thuyết này. Cái mà độc giả sẽ nhớ tới là những tình tiết ly kỳ, sắc thái và bầu không khí. Tôi đọc cuốn sách của Woolf lần đầu trong những năm đại học, sau khi tới tham quan Knole House, một trong những thái ấp miền quê lớn nhất ở Anh Quốc… Trong ký ức của tôi, kết cấu của cuốn tiểu thuyết nhòa vào những sắc màu và hình ảnh của các bức tranh và những tấm thảm thêu ở Knole House. Tràn ngập các trang sách là một không khí huyền thoại, thể hiện một dạng tồn tại được cách điệu và nâng cao, không phải  cuộc sống thật sự chúng ta vẫn sống, mà giống như một ảo ảnh hay một giấc mơ. Nhưng ngày nay, khi đọc lại tác phẩm, tôi thu lượm được rất nhiều so với hồi ở lứa tuổi hai mươi. Giờ đây tôi khá quen thuộc với các tác phẩm khác của Woolf, và quay lại với bà vì vẻ đẹp đích thực trong ngôn ngữ của bà cũng như chính bản thân câu chuyện. Trong lịch sử ngôn ngữ Anh, có rất ít nhà văn viết hay hơn, trên nền tảng câu nối tiếp câu, hay đi xa hơn trong việc xóa nhòa các ranh giới giữa văn xuôi và thơ. Nhưng trên hết, ngày nay Orlando nổi bật lên với tư cách một tác phẩm đi đầu, tiên báo cho rất nhiều tiểu thuyết sau này – từ The Left Hand of Darkness cho tới Middlesex – những tác phẩm thể hiện giới tính với sự thay đổi không ngừng thay vì cố định, và đã biến nữ tính và nam tính thành những chủ đề bề mặt thay vì những giả đoán bất định trong tiểu thuyết đương thời.”

Ở đây, nhân tiện, từ gợi ý của Ted Gioia, người dịch chợt nghĩ có khi nào Orlando cũng là tác phẩm đầu tiên đã mở đường cho dòng văn học hiện thực huyền ảo (magic realism) với đại diện lẫy lừng nhất của nó là García Márquez hay chăng?

Ở các tác phẩm khác của Virginia Woolf, thời gian và cái chết thường là một nỗi ám ảnh, một yếu tố can thiệp thô bạo vào đời sống hàng ngày, nhưng với Orlando, bà đã phá tan quyền lực tuyệt đối của thời gian và cái chết. Diễn tiến của tiểu thuyết này trải dài qua bốn thế kỷ, từ 1588 đến 1928. Với nhân vật chính là Orlando, ban đầu là nam giới, rồi biến thành nữ giới sau một giấc ngủ dài, ở tuổi ba mươi, và dừng lại ở tuổi ba mươi sáu vào thời điểm tác phẩm kết thúc.

Tiểu thuyết này cũng đặt ra những câu hỏi và lời giải đáp cực kỳ tế vi và sâu sắc về ý nghĩa của cuộc sống, tình yêu và sáng tạo. Tình yêu và Sáng tạo hiện ra, song song như hình với bóng, với từng khía cạnh say đắm, chán chường, ê chề, lố bịch, và cuối cùng là sự chấp nhận, sự tuân phục theo sức mạnh vô hình của “tinh thần của thời đại” trong cuộc đời kéo dài dằng dặc hơn ba trăm năm của Orlando.

TÌNH YÊU

Chàng, với tư cách một người đàn ông, đã yêu đắm đuối Sasha, Công chúa nước Nga, và bị phụ tình. Chàng bỏ chạy khỏi nước Anh, sang làm Đại sứ ở Constantinople để thoát khỏi sự theo đuổi của Harriet, một nàng công chúa người Roumania vô duyên, kệch cỡm.

Sau một giấc ngủ dài, chàng bỗng biến thành phụ nữ, và sống lang thang phiêu bạt cùng một bộ lạc dân du mục (quãng thời gian này khoảng chừng một thế kỷ).

Rồi tình yêu quê hương trỗi dậy, nàng quay lại Anh. Sau một thời gian ẩn dật, nàng cảm thấy phải trở lại London. Ở đây, nàng lại bị theo đuổi lần nữa bởi Hoàng tử Harry (tức Công chúa Harriet), kẻ trước kia đã cải trang thành phụ nữ để tán tỉnh nàng, vì lúc đó nàng còn là một nam thanh niên. Tình yêu với nàng trở thành một trò đùa, nhưng nàng vẫn cần có tình nhân, bất kể nam hay nữ, vì thỉnh thoảng nàng lại cải trang thành đàn ông để du hí tìm vui. “Cuộc sống và một tình nhân,” đó là ý nghĩa của đời nàng. Sau đó, chán những mối tình hời hợt, có cũng như không, nàng lại trở về ngôi nhà ở quê hương. Rồi cuối cùng nàng nhận ra mình phải tuân theo tinh thần của thời đại, phải có một ông chồng. Nàng gặp Shelmerdine, một gã khoái lãng du giữa trùng khơi sóng dữ; hai người yêu nhau nhanh hơn chớp giật. Nàng kết hôn với chàng. Nhưng gió Tây nam nổi lên, chàng lại nổi máu hải hồ, dong buồm đi rong ruổi ở khu vực Mũi Sừng. Nàng lại sống một mình, có chồng cũng như không. Rồi một đêm chồng nàng quay trở lại, đó cũng là kết thúc của câu chuyện hơn ba trăm năm trôi nổi với tình yêu của Orlando.

SÁNG TẠO

Ở đầu câu chuyện, chàng thiếu niên mười sáu tuổi đã nhận ra sự khác biệt giữa ngôn ngữ và thực tại: “Tuy nhiên, cuối cùng chàng dừng bút. Chàng đang mô tả thiên nhiên, như tất cả mọi nhà thơ trẻ tuổi xưa nay luôn mô tả, và để tìm một sắc xanh chính xác, chàng nhìn vào (và ở đây chàng tỏ ra táo bạo hơn hầu hết mọi người) chính bản thân sự vật đó; ấy là một bụi nguyệt quế mọc bên dưới cửa sổ. Sau đó, dĩ nhiên, chàng không thể viết nữa. Màu xanh thiên nhiên là một chuyện, màu xanh trong văn chương lại là chuyện khác. Dường như thiên nhiên và những con chữ có một ác cảm tự nhiên với nhau; cứ đưa chúng tới gần nhau và chúng sẽ xé nhau thành từng mảnh. Sắc xanh lúc này Orlando trông thấy đã phá hỏng mất vần và nhịp của chàng.” (Chương I)

Sau khi bị Nick Greene mang ra làm trò cười trong một bài thơ trào phúng, Orlando, lúc này là một thanh niên, cảm thấy chán ghét giới văn nghệ sĩ tiếng tăm. Giờ đây những mộng tưởng của chàng về tình yêu, về thi ca đã tan hoang sụp đổ:

“Như vậy, ở tuổi ba mươi, hay khoảng đó, chàng quý tộc trẻ tuổi này không chỉ có mọi kinh nghiệm mà cuộc sống đã mang tới, mà còn nhìn thấy sự vô giá trị của tất cả những kinh nghiệm đó. Tình yêu và tham vọng, phụ nữ và những nhà thơ, tất cả đều hão huyền như nhau. Văn học là một vở hài kịch trớ trêu. Cái đêm sau khi đọc tác phẩm “Tới thăm một quý tộc ở miền quê” của Greene, chàng gom năm mươi bảy sáng tác thơ đốt trong một đống lửa lớn, chỉ giữ lại “Cây Sồi”, vốn là giấc mơ trẻ con của chàng và rất ngắn. Giờ chỉ còn lại hai thứ mà chàng đặt hết mọi niềm tin vào đó: những con chó và thiên nhiên; một con chó săn Na Uy và một bụi hoa hồng. Thế giới, trong toàn bộ sự đa dạng của nó, cuộc sống trong toàn bộ sự phức tạp của nó, đã thu nhỏ thành hai thứ đó. Lũ chó và một bụi hoa là toàn thế giới.”

Sau rất nhiều suy tư và tự vấn, cuối cùng chàng đã đi tới một kết luận cho mình:

“Suốt một hồi lâu chàng chìm vào những ý nghĩ sâu xa như giá trị của sự vô danh, và niềm vui của việc không có tên tuổi, giống như một lượn sóng quay về với thân thể sâu thẳm của biển khơi; suy nghĩ về cách thức sự vô danh giải thoát tâm hồn khỏi sự quấy rầy của lòng ganh ghét và thù hằn; cách thức nó tạo ra trong huyết mạch dòng chảy tự do của sự khoan dung và lòng cao thượng; và cho phép người ta cho đi hoặc đón nhận mà không cần tới những lời cảm tạ hay ca ngợi; hẳn đó phải là cách thức của tất cả những thi sĩ lớn, chàng nghĩ (dù kiến thức của chàng về Hy Lạp không đủ để chàng khẳng định), bởi lẽ, ắt hẳn Shakespeare phải viết như thế, những người thợ xây dựng nhà thờ đã xây dựng như thế, không cần lời cám ơn hay tên tuổi, mà chỉ cần công việc của họ vào ban ngày và có lẽ một cuộc chè chén vui vẻ lúc đêm về… ‘Đó thật là một cuộc sống đáng ngưỡng mộ biết bao!’ Chàng nghĩ, duỗi thẳng tứ chi ra bên dưới táng sồi. ‘Và vì sao không tận hưởng nó ngay khoảnh khắc này?’

Ý nghĩ này xuyên qua chàng như một viên đạn. Tham vọng rơi xuống như một hòn chì ở đầu dây dọi. Thoát khỏi quả tim bỏng cháy vì tình yêu bị khước từ, thoát khỏi sự trách móc của thói phù hoa, và tất cả mọi gai góc dưới cái đáy tổ cuộc đời từng châm chích chàng đau buốt khi chàng còn giữ lòng tham danh vọng, nhưng không thể nào động chạm tới một kẻ không màng tới vinh quang; chàng mở mắt ra, vốn dĩ chúng vẫn mở to trong mọi lúc nhưng chỉ nhìn thấy những ý nghĩ, và nhìn thấy ngôi nhà, nằm trong thung lũng nhỏ bên dưới chân chàng.”

Trong cuộc nổi dậy ở Constantinople, chàng ngủ một giấc dài và khi tỉnh lại nhận ra mình đã trở thành một phụ nữ, một cách thản nhiên và lãnh đạm.

Nàng đi theo một ông già du mục, rời khỏi thành phố và tới sống với những người dân du mục lang thang, tiếp tục sửa chữa, bổ sung cho tập thơ “Cây Sồi” với phương tiện vô cùng hạn hẹp: mực làm từ quả mọng, không có giấy nên nàng buộc phải viết bên lề và chen vào giữa những dòng đã viết trước đó. Tình yêu đối với thi ca là đốm lửa chập chờn nhưng không hề tắt trong quả tim nàng. Sau đó, khi đã trở lại Anh, nàng sống ẩn dật một thời gian, rồi lại trở lên London hòa nhập vào xã hội thượng lưu, tiếp xúc với giới quý tộc và nghệ sĩ, rồi lại quay trở về quê nhà, sống một cuộc đời bình thản, vẫn luôn suy tư trăn trở với ý nghĩa của cuộc sống, thi ca. Rồi một hôm nàng hoàn thành tập thơ, kết thúc một tác phẩm đã được bắt đầu và viết đi viết lại suốt hơn ba trăm năm. Văn phong của nàng đã trưởng thành chín chắn, tài năng của nàng rốt cuộc đã lên tới đỉnh điểm của nó trong tập “Cây Sồi”, và nàng chợt nhận ra một điều:

“Cuốn bản thảo thơ nằm bên trên quả tim nàng bắt đầu cựa quậy và đập thình thịch như thể nó là một sinh vật, và điều kỳ lạ hơn nữa, cho thấy có một sự đồng cảm tuyệt vời giữa họ, Orlano, bằng cách nghiêng đầu sang bên, có thể đoán ra ý nghĩa của những gì nó nói. Nó muốn được đọc. Nó phải được đọc. Nó sẽ chết trong lòng nàng nếu nó không được đọc. Bởi đây là lần đầu tiên trong đời mình nàng quay sang chống lại tự nhiên bằng bạo lực. Lũ chó săn Na Uy và những bụi hoa hồng đang quây quần xung quanh nàng. Nhưng không cá thể nào trong số những con chó săn và những bụi hoa hồng có thể đọc. Đây chính là sự sơ sót đáng tiếc của Đấng Hóa Công, điều mà nàng chưa bao giờ nhận ra trước đó. Duy chỉ con người được phú cho khả năng này.”

Nàng trở lên London, gặp lại Greene, giờ đã trở thành một quý ông với nhiều tước vị. Nàng không định đưa tập thơ cho ông ta, nhưng tình cờ tập thơ rơi khỏi ngực áo nàng, Greene đề nghị được đọc, và đã giúp nàng xuất bản nó. Tập thơ được trao giải. Quá trình sáng tạo của nàng chấm dứt. Nhưng thi ca và sáng tạo vẫn quay đi quay lại trong những mộng tưởng của nàng.

Thi ca là cơn mộng mị của nàng, và giống như hình ảnh con ngỗng trời ở cuối truyện, thi ca mãi mãi là cái gì đó sẽ bay ngang qua đời sống và mất hút. Hình ảnh ẩn dụ này rất tiếc không được nhiều nhà phê bình chú ý tới:

“‘Bị ma ám!’ Nàng kêu lên, đột ngột nhấn ga. ‘Bị ma ám! Ngay từ lúc mình còn là một đứa nhóc. Con ngỗng trời bay tới đó. Nó bay ngang qua cửa sổ để ra biển. Mình đã nhảy lên (nàng xiết chặt bánh lái) và với tay theo nó. Những con ngỗng trời bay nhanh quá. Mình đã nhìn thấy nó, ở đây… ở đó… ở đó – Anh, Ba Tư, Ý. Nó luôn bay nhanh ra biển và mình luôn ném theo nó những từ giống như những tấm lưới (tới đây nàng vung tay ra) co rúm lại vì mình đã từng nhìn thấy những tấm lưới co rúm lại trên boong tàu, bên trong chỉ toàn rong biển; và đôi khi có một phân bạc – sáu từ – ở đáy của tấm lưới. Nhưng không bao giờ có con cá to sống trong những rặng san hô.’ Tới đây nàng cúi đầu, trầm ngâm rất mực.”

Và rốt cuộc nàng cũng nhận chân được một điều:

“Lúc đó nàng đã nghĩ tới cây sồi trên đỉnh đồi này, và cây sồi có liên quan gì tới việc này, nàng đã tự hỏi. Sự ca tụng và danh vọng có liên quan gì tới thi ca? Bảy đợt xuất bản (cuốn sách đã bán hết sạch) có liên quan gì tới giá trị của nó? Không phải làm thơ là một công việc ẩn mật, một tiếng nói đáp lại một tiếng nói hay sao? Vậy là tất cả những câu nói rối ra rối rít, ca tụng, trách móc và việc gặp những người hâm mộ lẫn những người không hâm mộ đều không ăn nhập gì với bản thân sự việc – một tiếng nói đáp lại một tiếng nói. Cái gì có thể ẩn mật hơn, nàng nghĩ, chậm chạp hơn, và giống với sự trao tặng nhau của những cặp tình nhân hơn câu trả lời ấp úng mà nàng đã thực hiện suốt bao năm nay để đáp lại bài ca lao xao xưa cũ của cánh rừng, của những nông trại, và lũ ngựa nâu đang đứng ở cổng, cổ kề bên cổ, và lò rèn, nhà bếp, và những cánh đồng đang nhọc nhằn nuôi dưỡng những cây lúa mì, những cây cải củ, cỏ, và những đóa hoa diên vĩ và bối mẫu đang bung nở trong vườn?”

Người dịch xin được kết thúc phần giới thiệu tại đây. Rất mong các bạn đọc tìm được nhiều giá trị khác của tác phẩm Orlando từ bản dịch này. Trân trọng.

Sài Gòn, tháng 03/2016

Nguyễn Thành Nhân

Chú thích:

3. Bà Dalloway, Nguyễn Thành Nhân dịch, NXB Tổng hợp TP.HCM 2016.

4. Ba đồng ghi-nê, Nguyễn Thành Nhân dịch, Ban Tu thư Đại học Hoa Sen và NXB Hồng Đức, 2014.

5. Victoria Mary Sackville-West, Phu nhân Nicolson (1892 – 1962), tên thường gọi là Vita Sackville-West, thi sĩ, tiểu thuyết gia, nhà thiết kế vườn người Anh.

6. Trong một lá thư gửi cho con trai là Nigel Nicolson, VSW viết rằng trong mối tình giữa bà và Virginia Woolf, cả hai chỉ ngủ chung với nhau hai lần, và ngay cả khi ấy, họ vẫn mặc quần áo (engaged in “bundling”), vì VSW nhận thức được sự yếu ớt cực kỳ về cảm xúc của Woolf và không muốn gây ra cho bà một cú sốc tâm thần với một quan hệ tình dục mãnh liệt. Tham khảo Nigel Nicolson, Portrait of a Marriage (Chicago: University of Chicago).

7. Nigel Nicholson (1917-2004), nhà văn, chính khách, chủ nhà xuất bản người Anh.

8. Nguồn: https://www.brainpickings.org/2013/10/11/virginia-woolf-orlando-lesbian-readings/

9. Năm 1922, VSW xuất bản tác phẩm Knole House and The Sackvilles, được xem là một tác phẩm cổ điển về lịch sử gia thự ở Anh.

10. Thomas Sackville, Đệ nhất Bá tước xứ Dorset (1536-1608)

11. Xem chú thích trong Chương I.

12. Ted Gioia (21/10/1957) nhà phê bình nhạc jazz kiêm sử gia âm nhạc người Mỹ.

13. Nguồn: http://www.conceptualfiction.com/orlando.html

 Tham Khảo:

•    https://en.wikipedia.org/wiki/Orlando:_A_Biography

•    https://en.wikipedia.org/wiki/Vita_Sackville-West

•    https://en.wikipedia.org/wiki/Knole_House

•    https://archive.org/stream/knolesackvilles00sack#page/48/mode/2up

•    Orlando: A Biography (Annotated and edited by Mark Hussey- 2006)

•    http://www.tetterton.net/orlando/orlando95_talk.html

•    http://www.conceptualfiction.com/orlando.html

•    http://study.com/academy/lesson/virginia-woolfs-orlando-summary-analysis-quiz.html

•    http://www.newstatesman.com/culture/culture/2013/02/shape-shifter-joyous-transgressions-virginia-woolf%E2%80%99s-orlando

•    http://marywhipplereviews.com/virginia-woolf-orlando-2008/

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

may tinh bang-dien thoai vo go-sửa nhà

máy tính bảng-vỏ gỗ-sửa chữa nhà