Tập sách NỔI TIẾNG CÓ PHẢI LÀ MỘT MÓN QUÀ? của ĐINH THU HIỀN

Array In Array

noitineg-dinhthu-hien-1-R

noitineg-dinhthu-hien-3-R


 

THÔI ĐÀNH THƠM THẢO VỚI MÌNH

 

Nhà báo Đinh Thu Hiền còn là một nhà thơ. Tôi thích hai câu trong bài thơ Tháng ba của Hiền: Gió tháng ba xoay những điều xưa cũ/ Thôi đành thơm thảo với mình. Tôi mượn một câu thơ của Đinh Thu Hiền làm tựa cho bài thay Lời giới thiệu cuốn sách bạn đọc đang cầm trên tay.

Nổi tiếng có phải là một món quà? Nhiều người cho rằng những người nổi tiếng ở các bộ môn như: âm nhạc, hội họa, văn chương, sân khấu, điện ảnh, thể thao… là do năng khiếu bẩm sinh - một món quà “Trời cho ai nấy hưởng”. Bởi chính các bậc sinh thành ra họ cũng không có được năng khiếu đó để… di truyền cho họ.

Món quà đó sẽ đem lại cho họ niềm vui, giàu có, hạnh phúc… Nhưng món quà đó đôi khi cũng mang lại niềm cay đắng. Nghệ sĩ ảo thuật Hoàng Lộc khi nổi tiếng cho biết: “Không giữ được mái ấm gia đình, tôi vẫn là người đàn ông thất bại!”.

60 người nổi tiếng được giới thiệu trong cuốn sách này, mỗi người mỗi hoàn cảnh. Nhưng tất cả đều có mẫu số chung: Tay trắng làm nên sự nghiệp. Đấy là nhờ họ đã đam mê với nghề nghiệp mà họ tự chọn, và nỗ lực làm việc không ngừng để có được thành công. Không ai có thể “ăn may” sự nổi tiếng lâu dài. Phương châm của họ là: Làm việc, làm việc và làm việc. Nhờ vậy họ đã “ứng” vào câu thơ của thi hào Nguyễn Du: “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”.

noitineg-dinhthu-hien-2-R


Đinh Thu Hiền lần lượt ký họa chân dung 60 người nổi tiếng trong các buổi trò chuyện riêng với từng người. Có thể trong bức ký họa đó, bạn đọc nhận ra nghệ sĩ  X còn thiếu một cái sẹo ở gò má trái. Điều đó không quan trọng. Hiểu rõ một người bình thường đã khó, huống chi hiểu rõ một người nổi tiếng, bởi chính họ đôi khi cũng không hiểu tại sao mình đã làm như vậy! Trong ký họa chân dung các nhân vật, Đinh Thu Hiền nhấn mạnh một điểm ấn tượng nhất theo chị, để bạn đọc có thể hiểu họ và thông cảm với họ. Như trong chân dung siêu mẫu Xuân Lan, Hiền đã đặc tả đôi mắt: “Tôi thích nhất là zoom cận cảnh vào mắt của Xuân Lan. Ở đó, bao nhiêu sự hãnh diện, bao nhiêu niềm u uẩn và bao nhiêu niềm vui sướng được trộn lại, tạo nên sự khác biệt”.

Đinh Thu Hiền không chỉ viết về những nghệ sĩ nổi tiếng trong giới showbiz, chị còn viết về những người bình thường đã nổi tiếng nhờ thể hiện tài năng trong công việc của họ. Tôi ít thích đi giày, trừ những dịp lễ tiệc bắt buộc mình phải đi giày theo phép lịch sự. Thường ngày tôi chỉ đi sandal vì nghĩ “ốc chưa mang nổi vỏ ốc còn đòi mang giày cho nặng... chân!”. Do đó tôi ít quan tâm đến những người thợ sửa giày. Nhưng đọc bài ký sự nhân vật “Chương sửa giày”, tôi rất thích thú vì đó như một bài học về kỹ năng sống. Chương có một tiệm sửa giày nhỏ ở ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Thánh tôn. Anh đã làm việc ở đó được 20 năm và rất đông khách. Chương nổi tiếng vì khi sửa đôi giày hàng hiệu hay giày bình thường, anh đều sửa cẩn thận như nhau, nâng niu như nhau, không phân biệt giày sang hay giày hèn. Bây giờ Chương đã khá giả, đủ tiền để thuê nhà mặt tiền mở một tiệm sửa giày đàng hoàng, nhưng anh vẫn thích ngồi vỉa hè. Theo Đinh Thu Hiền: “Đến nắng mưa còn quen tên anh thợ sửa giày, thì chuyển đi đâu làm gì cho khách mất công tìm kiếm”.

Có thể bạn đọc chưa thỏa mãn cuốn sách này vì có ít chuyện “thầm kín” của những người nổi tiếng bị nhà báo “phanh phui”. Đinh Thu Hiền tên hiền như người nên chị không có “ác ý” viết những điều ấy để “câu bạn đọc”. Khi gặp gỡ nghệ sĩ Đỗ Hương, Hiền nói: “Chị cho em chạm vào chị, thì em mới viết được”. Cho nên những điều Đinh Thu Hiền muốn viết là để chúng ta hiểu tài năng của những người nổi tiếng đến từ đâu, chúng ta sẽ đồng cảm với họ và thầm ước mơ cũng sẽ thực hiện được như họ.

Đinh Thu Hiền có lần trao đổi với tôi, chị đã lên kế hoạch viết báo trong 30 năm và chia làm 3 giai đoạn: 10 năm đầu, Hiền đi nhiều để tích lũy vốn sống, viết phóng sự và đã in hai cuốn sách: Phóng sự Tình; Đi bụi. 10 năm tiếp theo, Hiền viết ký sự nhân vật và cũng đã in hai cuốn sách: Người nổi tiếng, tôi biết; Nổi tiếng có phải là một món quà. 10 năm tiếp theo nữa, Hiền sẽ dành thời gian đi du lịch khắp nơi để viết du ký. Theo kế hoạch ấy, Đinh Thu Hiền đang ở giai đoạn hai và còn 3 năm nữa để viết ký sự nhân vật. Tôi là một trong những độc giả của Hiền. Tôi mong vẫn được đọc tiếp những bài ký sự nhân vật của chị, không phải tôi muốn được gần những người nổi tiếng để mình sẽ nổi tiếng theo vì “gần đèn thì sáng”. Trong những ký sự nhân vật Hiền viết, một số người là bạn tôi. Vậy mà tôi không thấy điểm “sáng” nào của họ, cho đến khi đọc bài viết của Đinh Thu Hiền. Với cái nhìn tinh tế, Hiền đã chỉ cho tôi thấy những “hạt vàng” trong biển cát một đời người.

Đạo diễn Phan Đăng Di đã nói: “Không có ai đau khổ và cũng không có ai hạnh phúc tất cả. Vậy thì nên hóa giải để mọi điều được nhẹ nhõm và thanh thản hơn”. Vậy hãy thơm thảo với nghề nghiệp của mình. Mọi tốt lành nhất định sẽ tới.

ĐOÀN THẠCH BIỀN

(nguồn: Nổi tiếng có phải là một món quà? - trang 5-7, NXB Phụ Nữ - 2016)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

may tinh bang-dien thoai vo go-sửa nhà

máy tính bảng-vỏ gỗ-sửa chữa nhà