HỘI HOẠ Bài viết Kỷ niệm 200 năm ngày mất đại thi hào Nguyễn Du (1820 - 2020):Tranh lụa Kiều của nữ họa sĩ Việt được chọn in tem Pháp

Kỷ niệm 200 năm ngày mất đại thi hào Nguyễn Du (1820 - 2020):Tranh lụa Kiều của nữ họa sĩ Việt được chọn in tem Pháp


Mẫu tem đang phát hành tại Pháp lấy từ nguyên bản bức tranh lụa vẽ Kiều của nữ họa sĩ Ngọc Mai, sinh trưởng tại Sài Gòn - hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM, vừa được trưng bày và công bố trong triển lãm Truyện Kiều và các bản dịch tại Paris.
Họa sĩ Ngọc Mai :  /// NVCC
Họa sĩ Ngọc Mai :
NVCC

 

Những ngày này, trong và ngoài nước tiến hành nhiều hoạt động tưởng niệm 200 năm ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du (1766 - 1820). Nguyễn Du mất vào ngày 10.8 âm lịch năm Canh Thìn (tức ngày 16.9.1820), năm nay tính dương lịch là ngày 26.9.2020. Bên cạnh các sự kiện đã và sẽ diễn ra, điều khiến chúng ta bất ngờ là tại Pháp đang có triển lãm Truyện Kiều và các bản dịch tại Paris (từ ngày 12 - 26.9) ở hiệu sách Sudestasie do Hội Huynh đệ Việt Nam tại Pháp kết hợp với Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp tổ chức. Đây cũng là dịp trưng bày và công bố mẫu tem lấy từ nguyên bản bức tranh lụa vẽ Kiều của nữ họa sĩ Ngọc Mai.
Cho đến nay, trong giới mỹ thuật nước nhà, có lẽ nữ họa sĩ Ngọc Mai là người “có duyên” với Truyện Kiều nhiều nhất. Còn nhớ trước đây vào ngày 17.9.2011 tại Nhà Triển lãm TP.HCM, chị đã triển lãm chủ đề Tranh lụa Kiều, gồm 28 bức, khổ 60 x 80 cm và đã trở thành sự kiện hội họa, tạo tiếng vang lớn trong dư luận bấy giờ. Sau đó, Trung tâm kỷ lục Việt Nam xác lập chị là “Nữ họa sĩ vẽ tranh lụa về Truyện Kiều nhiều nhất”. Bộ tranh này, về nghệ thuật, được họa sĩ Nguyễn Thị Tâm nhìn nhận có sự “suy tư lãng mạn đầy nữ tính, đưa ta vào trạng thái hư hư thực thực của Truyện Kiều”.
Điều bất ngờ là năm nay, bức tranh Cung đàn bạc mệnh trong bộ Tranh lụa Kiều do chị vẽ từ cảm hứng của câu thơ “Ngọn đèn khi tỏ khi mờ/Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn lòng” đã chính thức xuất hiện trên loại tem Lettre verte - sử dụng cho các loại thư đến 20 gr đang phát hành tại Pháp. So giữa tem với tranh nguyên bản, có thể nhận thấy kỹ thuật in rất chuẩn, và đường viền xanh, vàng nhạt rất thanh nhã.
Tranh lụa Kiều của nữ họa sĩ Việt được chọn in tem Pháp1

Mẫu tem Pháp lấy từ nguyên bản bức tranh vẽ Kiều của họa sĩ Ngọc Mai

Ít ai biết, hiện nay ở Pháp có 2 loại tem nội địa: Lettre verte là tem chuyển 2 ngày tới, để phân biệt với tem Lettre Prioritaire ưu tiên chuyển phát nhanh, chỉ 1 ngày là tới. Lettre verte tiếng Pháp có nghĩa là Tem xanh. Thư dùng tem Lettre verte thì không đi máy bay (trừ khi phải gửi ra đảo hoặc hải ngoại thuộc Pháp) nên bảo vệ môi trường. Đối với người tiêu dùng, tem Lettre verte tiết kiệm hơn. Khung tem màu xanh, phân biệt với tem Lettre Prioritaire khung màu ghi. Ngoài ra, có một số loại khác nữa tùy theo nhu cầu sử dụng của người dùng, và giá cước khác nhau. Sự xuất hiện tranh lụa của nữ họa sĩ Việt Nam đương đại trên tem Pháp, ngoài ý nghĩa vinh dự cho tác giả, còn là một cách quảng bá Truyện Kiều đậm nét văn hóa Việt.
Trao đổi về sự lựa chọn này, chị Nguyễn Thị Sông Hương - thạc sĩ văn học (Việt Nam), thạc sĩ truyền thông, công nghệ tri thức và quản lý thông tin (Pháp), hiện công tác tại NXB của Trường Nghiên cứu cao cấp về khoa học xã hội ở Paris, cho biết: “Được sự hỗ trợ của Đại sứ Việt Nam tại Pháp, Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO và Giám đốc Trung tâm văn hóa Việt Nam ở Pháp cũng như các nhà khoa học ở các nơi, chúng tôi chuẩn bị nhiều chương trình liên quan nhân kỷ niệm 255 năm ngày sinh và tưởng niệm 200 năm mất của Nguyễn Du. Về ấn hành tem, ngoài tranh minh họa Truyện Kiều của họa sĩ Claudia Borchers (Đức), sở dĩ bức tranh lụa của họa sĩ Ngọc Mai được chọn vì bộ tranh lụa vẽ Truyện Kiều của chị Ngọc Mai đậm chất Việt Nam - từ trang phục, bối cảnh, hình ảnh nhân vật đến chất liệu lụa truyền thống, nét vẽ mềm mại, hài hòa”.
Tranh lụa Kiều của nữ họa sĩ Việt được chọn in tem Pháp2

Nguyên bản tranh lụa Cung đàn bạc mệnh

“Cung đàn bạc mệnh là một trong những bức tranh đẹp nhất trong bộ sưu tập của chị. Tranh vẽ lúc Kiều đánh đàn cũng là hình ảnh lặp đi lặp lại nhiều lần trong Truyện Kiều, đánh dấu những bước ngoặt của số phận. Tiếng đàn nhiều cung bậc trong các lần gặp gỡ, giao duyên như diễn tả hết tâm trạng của cuộc đời Kiều sau này cũng như tình duyên đứt đoạn của nàng với Kim Trọng. Nguyễn Du lấy thơ để tả nhạc và họa, còn họa sĩ Ngọc Mai lấy họa để chuyển tải thơ và nhạc: cuộc hội ngộ của nhân vật, giữa nhân vật và tác giả, giữa tác giả với tác giả thật thú vị”, thạc sĩ Nguyễn Thị Sông Hương nhận định.
Nhìn thấy con tem ấn hành tại Pháp trong dịp này, nữ họa sĩ Ngọc Mai khiêm tốn tâm tình: “Góp được công sức nhỏ bé trong việc quảng bá Truyện Kiều tại Pháp qua hình ảnh con tem, với tôi là một niềm vui hòa chung với lòng tri ân của hậu thế dành cho đại thi hào Nguyễn Du”.
Ngày 24.9, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm đại thi hào Nguyễn Du (ở TT.Tiên Điền, H.Nghi Xuân, Hà Tĩnh), Sở VH-TT-DL tỉnh Hà Tĩnh tổ chức triển lãm tranh minh họa Truyện Kiều và các tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Du diễn ra từ ngày 24 - 28.9. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi tuần lễ kỷ niệm 255 năm ngày sinh và 200 năm ngày mất của danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du. Triển lãm trưng bày 150 bức tranh minh họa Truyện Kiều, 500 ấn phẩm Truyện Kiều qua các thời kỳ và di sản văn chương của đại thi hào Nguyễn Du. Triển lãm nhằm tuyên truyền, quảng bá kiệt tác Truyện Kiều và các tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Lê Minh Quốc

(nguồn: Báo Thanh Niên ngày 25.9.2020)

Cùng một chủ đề:

ẤN TƯỢNG NỮ HỌA SĨ NGỌC MAI

 

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com