BÁO CHÍ Thư mục Lưu Đình Triều LÊ MINH QUỐC: LƯU QUÝ KỲ - Hành trình vượt tuyến

LÊ MINH QUỐC: LƯU QUÝ KỲ - Hành trình vượt tuyến

Tôn trọng Hiệp định Gienève, vào lúc 0 giờ ngày 22.7.1954, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam ra lệnh ngưng bắn trên toàn chiến trường Việt Nam. Từ ngày 19.8.1954, bộ đội tình nguyện Việt Nam ở Campuchia và Nam vĩ tuyến 17 lần lượt chuyển quân ra Bắc tập kết. Trong tâm thức của nhiều người, chỉ trong vòng hai năm tổng tuyển cử, đất nước thống nhất thì Nam - Bắc lại đoàn tụ một nhà. Nhà thơ Xuân Miễn có viết bài thơ Gói đất miền Nam, nói lên tình cảm của bà mẹ tiễn con đi tập kết thật cảm động: "Tiễn ra tận bến tàu/ Đưa con một gói đất nâu/ Vịn vai mẹ dặn:/ “Con về Thủ đô/ Đem dâng cụ Hồ/ Gói đất miền Nam/ Thưa dù núi cách, sông ngăn/ Đồng bào Nam bộ vẫn gần bên Cha/ Tình yêu thắm thiết đậm đà/ Nam là của Bắc, Bắc là của Nam...”

Tuy nhiên, do hoàn cảnh riêng tư của mỗi người, lúc ấy nhà báo, nhà hoạt động cách mạng Lưu Quý Kỳ đã thốt lên: “Thật là khó xử. Mang hai con theo chúng tôi tập kết ra Bắc thì má vợ tôi buồn. Mà để lại chúng trong Nam thì lòng chúng tôi đau như cắt”. Ông Kỳ là một trong những cây bút tiêu biểu của báo chí cách mạng Việt Nam. Trong thời điểm tập kết ông đã trải qua cương vị chủ chốt ở Nam bộ như giám đốc Sở thông tin, giám đốc Đài tiếng nói, Chi hội trưởng Hội văn nghệ, chủ bút tạp chí Thống nhất - cơ quan Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Nam bộ, chủ bút báo Nhân dân miền Nam - cơ quan của Trung ương Cục. Giây phút bịn rịn người đi kẻ ở, mẹ vợ ông bảo:

- Bây giờ ta đánh thắng Tây rồi, chúng bây ra Bắc, có bạn có đôi có anh em bè bạn, có Cụ Hồ, có Chánh phủ mình... Chúng bay phải để hai đứa nhỏ ở lại với tao cho khuây khỏa tuổi già. Hai năm nữa, chúng bay về...

Vợ ông Kỳ buột miệng:

-Chắc gì hai năm về, hở má?

Thế là bà cụ vặn lại ngay:

-Chúng mày cũng chưa tin là hai năm, vậy mà chúng mày lại nói với tao “Má chịu khó, chỉ  hai năm thôi!”.

Trước lý lẽ này, vợ chồng ông Kỳ đành phải để hai con lại cho bà ngoại. Nước họ mắt ràn rụa. Sau này, ông nhớ lại: “Cùng với các bạn chiến đấu ở chiến trường miền Tây Nam bộ, bước lên xuồng để ra Sóc Trăng, tôi nhìn lên bờ kênh Phó Sinh qua một làn nước mắt. Không phải là thứ nước măt “sinh ly tử biệt” thường tình. Nó là sự pha trộn bao nhiêu thứ tình cảm lớn, nhỏ, vui, buồn, bực, giận. Đó là nước mắt của tình đồng bào, đồng chí, bạn chiến đấu. Trên bờ bao nhiêu người nhìn theo đưa cao hai ngón tay, hẹn hai năm sau”.

Lúc ấy mưa càng nặng hạt. Gió dập duyềnh trên bờ kênh. Nước lao xao như tràn vào be xuồng càng tạo thêm sự lưu luyến, bịn rịn không nguôi...

Bấy giờ, để thực thi nhanh chóng các điều khoản đình chiến, theo thỏa thuận chung thì máy bay Pháp phải chở một số cán bộ sĩ quan của ta từ Bắc vào Nam và ngược lại. Nhưng bất ngờ, chuyến bay từ Sài Gòn đến Sóc Trăng đột ngột bị bốc cháy, vì thế vợ chồng ông Kỳ và các sĩ quan khác phải quay về Cao Lãnh để ra Bắc bằng tàu thủy. Khi đến nơi, ông đã thấy chiếc tàu đổ bộ L.C.M của Pháp đang “há mồm” chờ sẵn tại bến. Đông nghẹt hai bên bờ là hàng vạn đồng bào đưa tiễn, họ phất phới cờ hoa và ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh... Cả một rừng người kiêu hãnh cất lên tiếng hát Chiến sĩ Việt Nam trầm hùng: “Hồn sông núi khí thiêng ghi muôn đời / Ngựa phi nơi xa kìa nghe súng vang / Bên trời điệu kèn rộn ràng/ Là trang nam nhi / Quyết chiến sa trường / Sống thác coi thường/  Mong xác trong da ngựa bọc thân thể trai / Bừng nghe dư âm mênh mông / Khúc anh hùng ca reo nơi biên cương / Bao chiến mã lên đường / Giục lòng dân quân thi can trường / Nguyền tranh đấu cho giống nòi...”. Cả ngàn bộ đội ta trong quân phục áo ka ki màu xanh lá cây nhịp nhàng hát theo và lần lượt xuống tàu, chuẩn bị xuôi dòng Cửu Long ra Thái Bình Dương. Bỗng ông Kỳ nghe tiếng gọi với theo:

-Xuống tàu của tụi nó, phải đề phòng kỹ nghen!

Chuyện bất trắc gì sẽ xẩy ra? Đêm ấy, cũng như các đồng đội khác, ông Kỳ không thể ngủ được. Họ ôm súng giữa ngực và chăm chú đọc sách báo với thái độ cảnh giác. Ông Kỳ quan sát thấy trong đám lính Pháp có một người ra vẻ đăm chiêu, bỗng y tách khỏi đồng bọn và lẩn vào chỗ bộ đội như muốn nói một điều gì đó. Thấy lạ, một đại đội trưởng của ta đã nhanh chóng bố trí cho y đến gặp ông Kỳ. Y nói trong vội vã:

-Các anh hãy coi chừng! Trong tàu này có ba người Việt Nam, nhưng không thuộc cánh các anh. Họ ngồi đằng sau mấy cái lỗ tròn để theo dõi các anh đấy!

Ông Kỳ giật mình! Cuộc chiến đấu rõ ràng vẫn chưa chấm dứt.

Khi tàu đến Vũng Tàu, bộ đội ta được chuyển qua tài “Gatscônhơ” của Pháp. Nhưng ngay lúc này, lại diễn ra một sự việc bất thường. Không hiểu sao, bữa ăn hôm ấy bộ đội ta lại thiếu một bữa ăn. Có thể do nhà bếp vô tình (?) hay đây là một sự cố ý của phía Pháp? Đại diện của ban chỉ huy ta gặp đại điện phía Pháp phản đối. Cuộc tranh cãi kéo dài mấy tiếng đồng hồ liền, nhưng điều khiến cho Pháp phải ngạc nhiên là cả ngàn bộ đội vẫn chấp hành kỷ luật, không một ai to tiếng. Thậm chí khi binh lính Pháp  chìa bánh mì, xúc xích, dăm bông... ra mời thì tất cả đều từ chối lịch sự. Tàu “Gatscônhơ” vẫn lặng lẽ hướng ra phía Bắc. Nhiều sĩ quan Pháp bày tỏ sự ngạc nhiên, họ không hiểu vì sao sự việc trên rất dễ xẩy ra “va chạm”, nhưng bộ đội Cụ Hồ vẫn bình tâm, không “manh động” ồn ào...

Ba giờ sáng hôm sau, trong lúc đang ngủ say thì bộ đội ta được đánh thức dậy. Chuyện gì nữa đây? Một chiến sĩ của ta vừa từ trần, vì bệnh đau dày và do vết thương trong chiến đấu. Ông Kỳ nhớ lại: “Chúng tôi chưa qua được cơn đau buồn thì một sự công phẫn đã đến với chúng tôi: bọn chỉ huy Pháp đòi ném xác đồng đội tôi xuống biển! Bọn chúng lấy lý lẽ là luật quốc tế không cho phép để xác chết trên tàu quá hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Còn bốn hôm nữa tàu mới đến Sầm Sơn”.

Trước tình huống bất ngờ này, bộ đội ta sẽ giải quyết như thế nào?

Bằng mọi cách phải giữ lại xác của người chiến sĩ, anh phải được ngủ yên trong lòng Đất Mẹ. Đây không chỉ là “nghĩa tử nghĩa tận”mà còn là chủ trương lớn của Quân đội Nhân dân, vì nhân dân chiến đấu. Ban chỉ huy họp khẩn trương và đề ra ba biện pháp: Thứ nhất, đấu khẩu với chúng và chuẩn bị đội ngũ sẵn sàng chiến đấu; thứ hai, huy động lực lượng bộ đội ta tạo áp lực buộc chúng phải chùn tay; thứ ba, nếu chúng vẫn giữ ý định, xông vào cướp xác thì tùy tình hình mà đối phó, nếu cần, sẽ sẵn sàng nổ súng!

Cuộc thương lượng giữa đôi bên rất căng thẳng.

Nếu Pháp có cái lý là phải tuân theo luật pháp quốc tế và không nên vì một xác chết mà làm bùng cháy lại ngọn lửa chiến tranh; thì bộ đội ta cũng có cái lý bác bỏ lập luận trên, rằng dù luật quốc tế gì đi nữa thì cũng không thể vượt qua tình đồng đội, đã từng sống chết có nhau. Thật vậy, trong chiến tranh công tác thương binh tử sĩ của quân đội ta rất chu đáo,  dù bất cứ một lý do gì, khó khăn gì cũng phải đưa đồng đội về nơi chôn cất tử tế. Sau nhiều giờ “đám phán”, phía Pháp đành phải nhượng bộ. Chúng  bất ngờ khi chứng khiến, chỉ ngay sau đó, người chiến sĩ này đã được yên nghỉ trong chiến quan tài đóng bằng ván, trên phủ lá cờ đỏ sao vàng do những bàn tay khéo léo của đồng đội anh thực hiện.

Dăm ngày sau, tàu “Gatscônhơ” đến Sầm Sơn (Thanh Hóa) vào lúc 11 g đêm. Tàu thả neo cách bờ chừng năm, sáu cây số. Mọi người ngạc nhiên khi thấy có nhiều thuyên nhỏ, đèn đuốc sáng choang đang lao ra. Thì ra, biết bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc, đồng bào đã chủ động hân hoan ra đón. Lúc này một vấn đề khó khăn khác đặt ra trước mắt: đưa bộ đội lên bờ phải thể hiện được tình cảm đoàn kết Bắc Nam, nhưng làm sao đồng thời cũng thể hiện được tình cảm đồng đội với người chiến sĩ vừa mất? Cuối cùng mọi người thống nhất với ý kiến: khi đoàn sà lan đưa bộ đội lên bờ thì chiếc quan tài tiến lên trước, còn bộ đội lần lượt bước theo sau.

Đặt chân lên đất Bắc, trong tình cảm yêu thương ruột thịt của đồng bào miền Bắc, cũng như nhiều bộ đội khác ông Kỳ tự nhủ: “Có thật hai năm không? Nhưng mà tôi nghĩ rằng chuyến tập kết này là chuyến đầu tiên mà cũng là chuyến cuối cùng trong lịch sử dân tộc Việt Nam ta. Nước ta là một. Nam Bắc phải chung một nhà”.

Đây cũng là suy nghĩ của nhiều người.

LÊ MINH QUỐC

(nguồn: Báo Phụ nữ TP.HCM 6.2004)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com