BÁO CHÍ Thư mục Lưu Đình Triều LƯU ĐÌNH TRIỀU: Đời không cằn khô

LƯU ĐÌNH TRIỀU: Đời không cằn khô

 

TT - Khoảng 10.000 bài dự thi thơ Lời tỏ tình đầu tiên trên Facebook! Đúng là một con số không mơ thấy nổi đối với các cuộc thi thơ thông thường trên báo, tạp chí. Chẳng trách gì một nhà báo mạnh miệng gọi đây là cuộc thi “độc nhất vô nhị” (tính đến thời điểm này).

 

bia-thi-tho-fb

 

Nhớ cách đây hơn hai tháng, tình cờ ngồi cà phê sáng với hai thành viên chủ chốt của cuộc thi: giám đốc Công ty Sách Sài Gòn Phạm Thanh Long và nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc. Khi ấy “bào thai cuộc thi” chưa tượng hình. Anh Long mới gia nhập làng “phây” được gần một năm. Trên mạng xã hội, nhiều người “chém gió” đủ loại chuyện, nhưng anh nhận thấy cũng có không ít người làm thơ rất hay. Là người yêu thơ, cộng với chút ngẫu hứng, anh nảy ra ý tưởng thử mở một cuộc thi trên mạng cho những người yêu thích thơ ca trổ tài và anh sẵn sàng... móc tiền túi ra để làm. Nhà thơ Lê Minh Quốc ủng hộ ngay, vì theo anh, Facebook là một mảnh đất lý tưởng để thơ ca lên tiếng trong thời buổi công nghệ thông tin và tình hình sách báo không mặn mà lắm với thơ. Người sáng tác chỉ cần một cú nhấp chuột là có thể đưa đến độc giả ngay tức khắc những cảm xúc của họ, để quảng bá và nhận phản hồi nhanh, gọn.

“Ngẫu hứng lý... thi thơ’’ nhưng không thể ngẫu hứng trong việc tổ chức. Cuộc thi thể hiện sự chơi mà nghiêm túc, bằng một ban giám khảo khá hùng hậu: các nhà thơ Văn Lê, Nguyễn Trọng Tạo, Hồng Thanh Quang, Lê Minh Quốc, Nguyễn Phong Việt. Giá trị các giải thưởng khá khiêm nhường khi ngước lên các cuộc chơi truyền hình thực tế, nhưng nếu ngoái nhìn các cuộc thi văn học hằng năm lại thấy nhỉnh hơn.

Hào hứng nhập cuộc chơi trong thế giới ảo, song ban tổ chức không ảo mộng chút nào khi ngầm đặt ra chỉ tiêu: hai, ba ngàn bài thơ là đã thành công!

Cuộc sống nhan nhản những chuyện đời thường bất nhẫn, bạo lực khiến tâm hồn con người dễ chai sạn cằn khô... Sự tàn tật của tâm hồn giữa một thế giới công nghệ ồn ã... Trong một xã hội loang loáng đổi thay, giữ được một cảm hứng thơ rất khó... Những nhận xét như thế bàng bạc khá nhiều trong xã hội thực lẫn ảo, có lẽ đã làm những người tổ chức lo lắng cuộc chơi của mình khó tìm ra người chơi đông đảo? Dù trong xã hội ảo, con người ta dễ mở lòng chia sẻ cảm xúc, nhưng cũng rất thoải mái cho những từ ngữ “ném đá”, “bình loạn”, “chặt chém” người khác. Điều này có thể làm cho các nguồn cảm hứng vừa tuôn trào đã sớm cạn kiệt (?). Nỗi lo ngấm ngầm về sự hiu quạnh của cuộc chơi là một điều rất thực.

Tôi đã thử nhiều lần rảo qua “sân chơi“. Đúng là có một hạnh phúc nhỏ nhoi mà ấm lòng dành cho người thi, khi bài thơ của mình vừa viết ra đã có người đọc rồi chia sẻ tức thì. Như ngày 13-5, một thí sinh đưa lên những vần thơ mộc mạc: Em giấu một giọt buồn trên khóe mắt/ Lúc anh về... nó bỗng thoắt bay đi.../ Nắm tay nhau tuy chưa nói câu gì/ Sầu tan biến thật diệu kỳ lạ quá? Rất nhanh như một bản tin nóng bỏng, bài thơ nhận ngay sự chia sẻ: “Sóc thích bài Lời tỏ tình đầu tiên thật tuyệt, làm em nhớ lại hồi xưa quá!”...

Cứ thế, những cảm xúc, kỷ niệm của hồi xưa lẫn thời nay lần lượt đổ về. Những tâm hồn thơ ca ẩn khuất ở nhiều nơi - trong lẫn ngoài nước, được chắp thêm đôi cánh, bay lên...

Với những người quan sát như tôi, khoảng 10.000 cảm xúc thơ đã dậy lên trong lòng cảm giác: Ngạc nhiên chưa! Thú vị chưa! Đến giờ, dù chưa thể khẳng định được sức lan tỏa hay giá trị của các tác phẩm thơ xuất sắc, nhưng rõ ràng cuộc thi đã tạo ra một cú hích, thúc đẩy những tâm hồn thơ bay bổng, bất chấp một cuộc sống đang còn quá nhiều điều nặng lòng.

 

L.Đ.T

(nguồn: http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Thoi-su-suy-nghi/555456/doi-khong-can-kho.html)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com