BÁO CHÍ Thư mục Lưu Đình Triều LƯU ĐÌNH TRIỀU: Bút ký biên giới phía Bắc - * Pháo đài Trà Cổ

LƯU ĐÌNH TRIỀU: Bút ký biên giới phía Bắc - * Pháo đài Trà Cổ

Mục lục
LƯU ĐÌNH TRIỀU: Bút ký biên giới phía Bắc
* Qua những bản làng chiến đấu
* Hà Giang: trong - ngoài tầm pháo giặc
* Pháo đài Trà Cổ
* Những mẩu chuyện biên giới
* Biên giới... xin đừng quên
Tất cả các trang

 

Pháo đài Trà Cổ

 

Dù đã chuẩn bị tinh thần trước một đêm, tôi cũng không kềm được sự nôn nóng khi ngồi lên chiếc Uoat chạy ra Trà Cổ. Trà Cổ, cái bãi biển nức tiếng “nhan sắc” ở miền đông bắc của Tổ quốc! Đối với một người ở tận miền Nam xa xôi, được đến thăm Trà Cổ vào thời bình đã là chuyện khó, huống gì trong lúc tình hình biên giới đang căng thẳng. Bởi thế tránh sao trong lòng tôi ngọn lửa nôn nóng vẫn cứ âm ĩ cháy.

Vượt qua dốc 67, cách thị trấn Hải Ninh ( tỉnh Quảng Ninh) hơn cây số, xe bắt đầu chạy song song với một dãi đồi núi san sát nhau. Anh Sáng, cán bộ của huyện đi cùng, chỉ cho chúng tôi thấy một mỏm núi nhô cao nhất và cho biết đó là điểm cao 264 - nơi đặt đài quan sát của địch. Trong hai tháng 4 và 5 vừa qua, chính “đôi mắt cú vọ 264” hợp cùng lô cốt bắn tỉa - một ngôi nhà bốn tầng bằng đá hoa cương nằm sát đường biên, đã biến đầu con đường đi đến Trà Cổ thành trung tâm hứng chịu đạn pháo, đạn bắn thẳng. Rời khỏi khúc đường nguy hiểm đó, vượt qua sông Ka Long, xe bắt đầu đi vào thị trấn Móng Cái cũ.

Chính ở nơi đây, tháng 8-1978 đã diễn ra cuộc đấu tranh gay go, căng thẳng giữa cán bộ ta và địch tại cửa khẩu ở cầu Bắc Luân. Còn giờ đây, qua bao năm tháng chịu sự phá hoại nhiều mặt của những bàn tay nhám nhúa ở phía bên kia cầu, cái khu phố sầm uất ngày nào, chỉ còn lại những xác nhà đổ nát nằm lẫn bên những bụi cỏ lau um tùm. Đã thế trong hai ngày 16, 17-4 rồi, khu vực này còn bị bắn phá và nả cối vào. Dọc theo hai bên đường từ Móng Cái đến Trà Cổ, vốn hiếm hoi xe cộ qua lại, những cánh đồng vẫn nở rộ lúa chiêm xuân. Trong giọng tiếc nuối, anh Sáng cho biết: “Nếu không bị chiến tranh phá hoại nhiều mặt của bọn Trung Quốc, chúng tôi sẽ tráng nhựa con đường này để tiện phục vụ cho khách đi du lịch. Năm 1960, chúng tôi đã làm xong con đê ngầm vắt qua lạch biển, biển đảo Trà Cổ thành một bán đảo “đậu” sát bên mỏm Góp của đất liền rồi đấy chứ…”.

Xe giảm dần tốc độ khi bắt đầu đi vào xã. Và bất chợt, chiếc xe rẽ ngoặt, để rồi hiện ra trước mặt chúng tôi một mặt biển mênh mông, bát ngát. Trong cảm giác lâng lâng, say men sung sướng khi được tận mắt biết thêm một miền đất đẹp của Tổ quốc, chúng tôi chạy ngay ra bãi biển. Ấn tượng ghi nhận đầu tiên là bãi biển này na ná giống bãi Sau ở Vũng Tàu: sạch và thoáng. Có khác chăng, bãi dài hơn, uốn cong hơn, và ở trước mặt, chếch về phía phải có thêm đảo Vĩnh Thực che chắn, tạo cho dáng biển có phần xinh đẹp hơn bãi Sau. Chỉ tiếc rằng, dọc trên bờ biển, trơ ra những cây phi lao khẳng khiu, đen xạm và những ngôi nhà đang trong quá trình sụp đổ.

Người dân Trà Cổ chính gốc mà tôi được làm quen đầu tiên là anh lính trẻ Đoàn Xuân Hiền, 22 tuổi. Qua câu chuyện trao đổi ngắn ngủi. Hiền cố “bào chữ”: “Trước kia phi lao mọc dày san sát, đẹp lắm. Những tòa nhà của bên Du lịch và Công đoàn rất khang trang, thanh lịch chứ không như bây giờ đâu”… Rồi trong niềm say mê về một quá khứ yên lành, Hiền tiếp: “Thuở nhỏ, lúc thủy triều xuống tôi thường đi bắt cua, lượm sò huyết, ngán (một loại sò đặc sản của vùng biển Quảng Ninh) hay theo thuyền đi buông lưới ngoài khơi…”. Không riêng gì Hiền, cái âm vang quá khứ dịu êm luôn lắng đọng trong lòng dân Trà Cổ. Nhiều người còn nhớ rõ, năm 1961, Bác Hồ kính yêu đã đến thăm làng biển này, đã khuyên dân làng cố làm sao mau chóng biến đảo Trà Cổ thành đảo du lịch là tốt nhất. Lời dặn dò của Bác tạo nên một ước mơ lớn cho đảo: “Ngoài khơi xa dập dìu tàu thuyền đi đánh bắt hải sản, trên bờ tấp nập du khách trong và ngoài nước”.

Dù ở Trà Cổ chưa xảy ra những trận đánh lớn, nhưng mặt trận Trà Cổ vẫn gay go, nóng bỏng bởi các cuộc chiến đấu nhiều hình nhiều vẽ. Lợi dụng chung nhau một dòng sông, một cửa biển, vào thời gian đầu, kẻ thù đã lập những chợ trời trên sông, dùng hàng hóa mua chuộc những phần tử xấu, hư hỏng làm tay sai cho chúng, đưa nội gián đi tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối của chính phủ ta, rồi kích động gây bạo loạn, tổ chức các đợt lấn chiếm trên sông, trên biển, tung thám báo qua xâm nhập, dò la, hoạt động tình báo…

Đối phó vơi tình hình đó, dân và quân ở Trà Cổ phải bố trí tại nơi ăn chốn ở, chỗ lao động sản xuất và chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Những hàng chông mọc lên trên cát, những hầm hào khoét sâu vào đất… Dần dần, những cụm chiến đấu của dân và quân được dựng lên khắp nơi trong xã. Và như thế, bộ mặt Trà Cổ phải biến đổi nhiều.

Đi dọc theo con đường dài mấy cây số, từ Trà Cổ lên các điểm tựa phía trước, chúng tôi thấy cỏ dại, lau sậy đang bủa vây các ngôi nhà vô chủ. Đặc biệt, nhà thờ Tràng Lô - một trong những nhà thờ lớn của tỉnh Quảng Ninh, giờ chỉ giữ được cái vỏ ngoài cũ kỹ mang những đường nét đẹp của một kiểu kiến trúc xưa, còn bên trong trống trải. Sống ở cái thôn giáp biển này, chịu không nổi sự quấy phá thường xuyên của địch và để đảm bảo an toàn cho tính mệnh, tài sản của mình, giáo dân đã phải rời bỏ nơi lễ Chúa lui vào sinh sống, thờ cúng phía sau. Còn lại đây, trên mảnh đất này, những chiến sĩ, những họng súng chờ trừng trị đích đáng những kẻ ngoại xâm.

Dựa vào thời tiết xấu, nhiều sương mù, tầm quan sát của địch bị hạn chế, chúng tôi men dần ra ngã ba chỗ sông Bắc Luân đổ ra biển. Nơi đây có tên gọi là mỏm Sa Vĩ - đuôi cát nhưng lại là đầu của dãy đất chữ S. Cách chỗ chúng tôi đứng vài trăm mét, phao sắt số 3, một cột đường biên trên biển - đang bềnh bồng theo sóng nước. Với những người dân Trà Cổ yêu chuộng hòa bình, đất nước VN kéo về hướng đông bắc đến phao số 3 là hết. Nhưng với những cái bụng đại hán, lãnh thổ Trung Quốc xuôi hướng đông nam lại không chịu dừng nơi đó. Vì vậy cột mốc trên biển này trở thành chứng tích của bao vụ lấn chiếm.

Đứng bên này, nhìn qua màn sương, chúng tôi thấy mờ mờ một khối đen sù sì, to lớn. Đó là quân cảng Đầu Ruồi. Xuất phát từ hang ổ này, những thuyền buồm, thuyền mảng, được vũ trang hẳn hoi đã vượt qua phao số 3, xâm nhập hải phận của ta, vừa đánh bắt hải sản, vừa thăm dò tình hình. Các chiến sĩ trên chốt kể lại, những ngày thời tiết tốt, chúng dẫn sang đến ba, bốn mươi thuyền. Tất nhiên, trong trường hợp đó, các chiến sĩ của ta phải ra tay mạnh mẽ  mới tống cổ được các “vị khách không mời mà đến”. Gần đây hơn, đêm 6-4-1984, lợi dụng tối trời, một chiếc thuyền địch trang bị súng 12,7 ly đi sâu vào phía trong, cách mỏm Sa Vĩ gần một cây số. Nhưng cuối cùng chúng vẫn bị những đôi mắt tinh tường của các chiến sĩ ta phát hiện và bị đánh đuổi ngay tức khắc.

Ngay trong những ngày mưa bão như hôm nay, mặc những con sóng nổi cơn thịnh nộ cùng gió biển, tổ phối hợp dân quân và bộ đội vẫn thực hiện tuần tra trên biển. Lặng lẽ từng người một, những dấu chân nối nhau in rồi xóa, rồi lại in trên cát ướt. Như bao người trẻ tuổi khác, những chàng trai mặc quân phục, những cô gái tóc dài đến tận lưng kia nào có muốn dạo chơi trên biển kiểu người trước, người sau, giữ khoảng cách nhất định, mắt chăm chú, quan sát. Sống ở một góc biển đẹp như làng Trà Cổ này họ cũng thích có những lúc rảnh rỗi, tay trong tay sánh đôi bước chậm trên nền cát mịn.

Song như ước mơ lớn của toàn xã, cái ước mơ nhỏ bé này cũng không còn thực hiện được một khi kẻ thù chưa từ bỏ mộng bành trướng của chúng. Vậy thì đừng trách sao những đôi mắt đó lại rực lửa căm thù, những đôi tay lại ưa thích vót thêm chông, đào thêm hầm, hào, những ngón tay không ngại ngần xiết vào cò súng... Từ những con người như thế, một pháo đài sản xuất, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu dũng cảm được dựng lên trên Trà Cổ.

Đành phải tạm gác lại ước mơ xưa. Trà Cổ đã, đang và sẽ thực hiện tốt mong muốn mới của mình: làm một lá chắn vững chắc che chở cho góc biển nơi tuyến đầu của Tổ quốc.

 

L.Đ.T

(nguồn: Báo Tuổi Trẻ 23/61984)



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com