BÁO CHÍ Thư mục Lưu Đình Triều LƯU ĐÌNH TRIỀU: Bút ký biên giới phía Bắc - * Qua những bản làng chiến đấu

LƯU ĐÌNH TRIỀU: Bút ký biên giới phía Bắc - * Qua những bản làng chiến đấu

Mục lục
LƯU ĐÌNH TRIỀU: Bút ký biên giới phía Bắc
* Qua những bản làng chiến đấu
* Hà Giang: trong - ngoài tầm pháo giặc
* Pháo đài Trà Cổ
* Những mẩu chuyện biên giới
* Biên giới... xin đừng quên
Tất cả các trang

 

Qua những bản làng chiến đấu


* Những máng nước dưới chân núi Mẫu Sơn

Xã Yên Khoái (Lộc Bình - Lạng Sơn) sát biên giới Việt -Trung, nằm dưới chân núi Mẫu Sơn, quê hương của những quả đào to bằng nắm tay giòn, thơm, ngọt nổi tiếng của Lạng Sơn, của những sợi thuốc lá vàng óng. Nhưng ở hội nghị “Tuổi trẻ đoàn kết xây dựng và bảo vệ biên giới phia Bắc”, người ta lại chú ý đến Yên Khoái vì một lẽ khác: đó là chuyện làm thủy lợi.

Trước đây, xã có tổng số diện tích canh tác 567 hecta, 636 trâu bò; sau cuộc chiến tranh tháng 2-1979, bị giặc bành trướng Bắc Kinh phá hủy, phải bỏ hoang dọc đường biên giới 217 hecta, cả xã chỉ còn trông chờ vào khoảng đất còn lại. Trâu bò bị chúng cướp lùa về Trung Quốc 450 con, xã thiếu sức kéo trầm trọng. Giặc còn phá hoại tài sản nhân dân gây thiệt hại hàng triệu đồng. Mức ăn của bà con từ 19kg/tháng chỉ còn 9kg… Đất thì ít, dân bản làng thì đông, làm sao giải quyết đời sống cho bà con? Không còn cách nào khác là phải thâm canh tăng vụ. Vậy là tuổi trẻ trong toàn xã đã xung kích lao vào khâu “đầu mối” này. Từ 1980 đến nay xã đã xây dựng được bốn công trình dẫn nước tưới tiêu. Nhờ vậy thêm 100 hecta nữa được tưới tiêu, phần lớn ruộng đã làm hai vụ.

Đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên: nếu sau chiến tranh mức ăn chỉ 9kg thì năm 1980 tăng lên 13kg, năm 1981 là 15kg và nay là 19kg.

Anh Chu Văn Hầu - bí thư Xã đoàn Yên Khoái còn sôi nổi kể thêm với các bạn ở hội nghị:

- Công trình thứ tư của chúng tôi sắp xong, đó là công trình cho thôn Long Đầu, đắp đập đưa nước từ lưng núi Mẫu Sơn về. Vậy là chúng tôi đã làm được hơn 50.000 mét máng, mương dẫn nước. Nhờ thủy lợi, dân xã lại no”.

 

Bát Đại Sơn, xã anh hùng

Quê hương Bát Đại Sơn (Quảng Ba - Hà Tuyên) của Phan Chỉn Dìn có núi cao vòi vọi, có rừng sâu, và có 7km đường biên giới với xã Pà Pũ, huyện Mà Lỳ Pố (Vân Nam) bằng con sông Nậm Rào uốn khúc quanh xã.

Từ lâu bà con xã Bát Đại Sơn hiểu rằng tuy chung một dòng sông nhưng cái bụng người bên kia khác người bên nầy, nên người Dao cũng như người H’Mông đã luôn cảnh giác, súng lúc nào cũng bên lưng.

Lúc đó là tháng 2-1979, cả xã đi sản xuất chỉ có bố Dìn ở nhà, thì một em bé chăn trâu phát hiện bọn Trung Quốc súng ống đầy đủ, hùng hổ tràn sang cột mốc số 6… Bố Dìn bảo em bé báo cho Dìn biết để đưa bà con xã viên sơ tán, còn ông cùng với Dìn và Thảo Mí Chính vào công sự chiến đấu.

Đạn thì còn nhiều, nhưng các đồng chí trong nhóm quân dân đi lấy lương thực chưa về. Súng K44 của bố Dìn bị hóc, không bắn được. Nhưng Dìn vẫn bình tĩnh: “Mình phải chiến đấu để bảo vệ đất mình, không để cho chúng cướp phá điên cuồng”. Hai bố con, người quan sát, người bắn hạ tại chỗ hai tên giặc và làm nhiều khác bị thương. Khi các đơn vị vũ trang đến, bọn chúng bắn vãi lung tung và hốt hoảng rút lui.

Lần khác, ba anh em Tần Sẻo Ngãi, Tần Sẻo Kính và Tần Sẻo Châu lên nương trồng ngô cho hợp tác xã lúc trời còn sớm đã bị một trung đội Trung Quốc tập kích bất ngờ, bắn Ngãi rơi xuống sông chết. Châu và Kính bị thương. Nhưng Kính đã nhanh nhẹn nhịn đau bắn chết ba tên xâm lược và hai tên khác bị thương.

Tần Chỉn Dung trong khi lấy củi đã phát hiện và bắt được một thám báo mang dao, súng, bản đồ của xã, lương khô và cả thuốc độc. Nhiều tên khác đã bị bà con phát hiện và giao cho đội dân quân của đoàn thanh niên xã. Anh Thèo Mã Sự, Giàng Mì De, em Giàng Mí Lự 11 tuổi còn bắt được bằng hoa và truyền đơn mà bọn Trung Quốc thả theo dòng sông, đem đến nộp cho Phan Chính Dìn.

Xã đã tổ chức tốt phong trào an ninh bảo vệ xóm làng, kết hợp với đơn vị bộ đội bảo vệ chặt chẽ tuyến biên giới, giáo dục cho thanh niên và bà con trong xã thấy được âm mưu của kẻ thù, không buôn bán, trao đổi, nhận hàng của địch, nhiều thanh niên có tinh thần cảnh giác cao đã bắt được thám báo Trung Quốc. Xã Bát Đại Sơn được tuyên dương là xã anh hùng, đoàn xã được tặng cờ “Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc”. Riêng Dìn - bí thư chi đoàn xã - dân tộc Dao, 24 tuổi cũng đã nhận một huy chương khen thưởng.

 

Quảng Đức canh gác, bắn súng giỏi

“Vua người Dao là ở Trung Quốc, do đó dân tộc Dao phải sang Trung Quốc mới làm ăn được”. Bọn xấu tuyên truyền rêu rao như thế ở xã Quảng Đức (huyện Quảng Hà - tỉnh Quảng Ninh) – một xã có 90% là người Dao. Kèm theo luận điệu xằng bậy đó, nhiều “chợ âm, chợ dương” mọc lên trên 20km đường biên giới, chợ bán phích nước, vải mộc, chỉ kâhu, nước hoa, v.v… với giá rẻ mạt nhằm gạ gẫm, lôi cuốn bà con đi buôn, gây rối loạn sản xuất, v.v…

Hiểu được âm mưu sâu độc đó, Trương Dùng Ớn, bí thư xã đoàn, cùng với các bạn của mình ngày đêm đi vận động, chỉ cho bà con thấy cái đúng cái sai. Sau nhiều lần theo dõi, phát hiện ra có 11 người còn thường xuyên lui tới đất Trung Quốc, xã đoàn cùng thanh niên tìm mọi cách để thức tỉnh họ, đồng thời lập trạm kiểm tra để cắt đứt đường đi. Dần dần số bà con đó thấy cái sai của mình, sửa chữa nhiều. Đặc biệt có Tưởng Dùng Bình là một thanh niên xấu nhưng sau lần tự kiểm điểm đã sửa chữa và trở thành một nhân viên tốt của hợp tác xã mua bán Quảng Đức.

Xã đoàn còn phối hợp với bộ đội biên phòng đào mương dẫn nước vào ruộng, vận động bà con học tập người kinh chăm sóc lúa bằng phân chuồng, phun thuốc trừ sâu… Vụ mùa này năm suất lúa Quảng Đức đạt hơn hai tấn/hecta. Kết quả đó làm bà con càngtin chắc “Cái đất Quảng Đức đúng là đất của mình, không nên bỏ nó mà đi”. Bà con còn nhắc: “Lá chuối không bao giờ thành lụa, bọn phản động Trung Quốc không bao giờ tốt với mình”.

“Cái đất là của mình, vậy phải lo gìn giữ nó!”. Anh em thanh niên nói vào tai nhau như thế, 13 tổ an ninh được thành lập ở 13 khe bản. Thằng thám báo nào mò sang, hệ thống mỏ báo động liên hoàn khua vang, và không đầy năm phút sau, tổ thanh niên xung kích cơ động đã bắt đầu truy bắt thám báo rồi. Để thằng thám báo không sang được, mà lũ giặc cướp Trung Quốc cũng không dám bén mảng, thanh niên Quảng Đức cố gắng bắn thật trúng cái hồng tâm trong những lần tập bắn. Đợt kiểm tra vừa rồi 95% bắn đạt yêu cầu và 65% đạt khá giỏi. Tới đợt khám nghĩa vụ, không ai nhắc ai, 100% thanh niên đều đi khám vì “trốn thì xấu cái mặt thằng giặc nó cười cho”.

Ngồi rù rì tâm sự với tôi trong hội trường Bộ tư lệnh biên phòng, Trương Dùng Ớn thường nhắc lại câu nói: “Thằng giặc có lẽ nó biết thanh niên Quảng Đức bây giờ canh gác, bắn súng giỏi nên bớt mò sang tuyên truyền, kích động phá rối”.

Bích Triều

(nguồn: Báo Tuổi Trẻ 28.11.1982)



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com