BÁO CHÍ Thư mục Lưu Đình Triều LƯU ĐÌNH TRIỀU: Hiệu quả từ một bài báo

LƯU ĐÌNH TRIỀU: Hiệu quả từ một bài báo

Một bài báo có thể ám sát một con người.

Cũng có thể cứu rỗi một số phận con người.

Tập sách Bật một que diêm http://www.leminhquoc.vn/lmq/bao-chi/thu-muc-luu-dinh-trieu/944-nhan-dinh-ve-sach-cua-luu-dinh-trieu.html?start=6 của nhà báo Lưu Đình Triều đã viết về những gương mặt vượt qua chính mình. Một cuộc "vượt cạn" được xác tín bằng chính nghị lực và niềm tin của họ.

Và từ đó, những trang viết của Lưu Đình Triều đã có tác động thay đổi nhiều số phận.

nhan_vat_LDT

Nhân vật của nhà báo Lưu Đình Triều năm 1989

Nhân kỷ niệm 30 năm của báo Tuổi Trẻ, một trong những nhân vật do Lưu Đình Triều phát hiện và viết   đã kể lại cuộc "lột xác" ấy.

Một trong những hạnh phúc của nhà báo, khi trang viết của mình đã tạo một hiệu quả, một tác động tích cực từ phía bạn đọc và dư luận.

Để khách quan, ở đây, tôi post lại bài báo do đồng nghiệp nhà báo Lưu Đình Triều ghi lại.

L.M.Q

XI.2012

 

Gương mặt trẻ: ngày ấy - bây giờ - Mừng sinh nhật 30 năm Tuổi Trẻ (2-9-1975 - 2-9-2005)

Báo Tuổi Trẻ: bước ngoặt cuộc đời tôi

TT - Ngô Đình Đức đã khẳng định như thế bởi sau bài báo “Không thể sống mà không có niềm tin” http://www.leminhquoc.vn/lmq/bao-chi/thu-muc-luu-dinh-trieu/1093-luu-dinh-trieu-song-dep-giua-doi-thuong.html?start=7 (tác giả Lưu Đình Triều - Tuổi Trẻ ngày 4-7-1989), những tấm lòng bạn đọc ở khắp nơi đã tìm đến với Đức...

 

nhanvat

Ngô Đình Đức và bà xã trong ngày mừng sinh nhật con trai 2 tuổi

 

Tấm lòng bạn đọc giữa chợ đời

... Những ngày đó, Đức sống một mình ở nơi vốn là bô rác cũ rộng hơn 2m2 nằm dưới lô nhà một chung cư ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM) và làm đủ thứ nghề: từ phụ bán phở, bánh cuốn, bánh tráng nướng đến nhồi bột, vác gạo, xách nước thuê, cày đất, làm giấy nhám, mài kéo và cả chở nước đá thuê.

Trước đó, “nhân vật trong bài báo” này phải đi kiếm sống từ năm lên 8 tuổi với xấp vé số lang thang trên khắp các đường phố, xóm chợ, bến xe. Đức không biết mẹ ruột mình là ai, mình được sinh ra ở đâu, thế nhưng vẫn ngày ngày cắp sách đến trường và là một HS tiên tiến của lớp 10A4 Trường THPT Thanh Đa, TP.HCM.

“Sau khi báo đăng, tôi nhận được rất nhiều thư. Nhiều gia đình muốn nhận làm con nuôi, đón về ở chung nhà, lo cho học hành. Tôi rất xúc động...” - Đức nhớ lại.

nhan_vat_LDT

Ngô Đình Đức trên trang báo Tuổi Trẻ (ngày 4-7-1989) - Ảnh: Lưu Đình Triều


Sau đó, dựa trên những đóng góp về vật chất của bạn đọc, báo Tuổi Trẻ đã thành lập quỹ học bổng dài hạn trao hằng tháng cho đến khi Đức tốt nghiệp lớp 12 (mức học bổng 300.000 đồng/tháng đủ đảm bảo tối thiểu cho cuộc sống của Đức lúc bấy giờ). Đức có cảm giác như sống trong mơ: “Tôi được toàn tâm toàn sức cho học hành, rũ bỏ nỗi lo canh cánh mỗi buổi sáng: hôm nay mình sẽ có gì để ăn?”.

Cuối năm lớp 12, Đức thi rớt đại học: “Tôi bị sốc, buồn không sao tả hết, vừa mặc cảm với bạn bè vừa có cảm giác phụ lòng những người đã giúp đỡ mình. Sau một thời gian tự gặm nhấm nỗi buồn, tôi vực mình dậy, vừa đi phụ hồ kiếm sống vừa quyết tâm ôn tập để năm sau thi lại…”. Năm 1992, khi biết tin thi đậu vào ĐH Bách khoa TP.HCM cũng là lúc Đức được nhận vào làm việc ở văn phòng một công ty xây dựng...

San sẻ yêu thương

Anh kể về cuộc hội ngộ với mẹ y như phim: “Cái tết của năm thứ 3 thời SV, thằng bạn thân quê ở Cần Thơ mời mãi, tôi quyết định về miền Tây ăn tết. Trên đường đi, xe dừng ở ngã ba Cái Bè (thuộc tỉnh Tiền Giang bây giờ), tôi sực nhớ ra trong giấy khai sinh của mình có ghi “xã Đông Hòa Hiệp, Cái Bè”...

Nổi hứng, tôi xuống xe đi tìm xã Đông Hòa Hiệp xem nơi sinh của mình như thế nào. Người dân miền Tây quả thật nhiệt tình và hiếu khách. Không những chỉ đường, họ còn hỏi lại tôi: “Tới đó làm gì? Có bà con nào ở đó?...”.

“Dây cà ra dây muống”, cuối cùng tôi đã được cả một nhóm người dẫn đi gặp mẹ: “bà Tư Hóa bán chuối chiên ngoài chợ chứ ai!”.

...Ghé căn nhà khang trang có khu vườn xanh mát với thật nhiều cây xanh nằm trên đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7, TP.HCM) của gia đình Ngô Đình Đức, tôi không khỏi ngạc nhiên: so với tấm hình đăng trên Tuổi Trẻ hồi năm 1989, Ngô Đình Đức bây giờ “bự” gấp đôi thuở trước với dáng vẻ khá đĩnh đạc. Tuy nhiên, cách nói chuyện vẫn cởi mở và đặc biệt dí dỏm, lanh lợi như ngày nào bươn chải giữa cuộc đời...

Hiện là kỹ sư phụ trách mảng quy hoạch ở Phòng Quản lý đô thị Q.7 nhưng Ngô Đình Đức lại bảo: “Sự thành đạt lớn nhất của đời mình là có một gia đình nhỏ đầy ắp tiếng cười. Ở đó có người vợ hiền hết lòng chăm lo cho chồng con, có hai nhóc tì một trai, một gái...”.

Chị Hiền, vợ anh, dịu dàng nói: “Mình thương vì thấy ảnh thật thà, nhân hậu và có nghị lực, một khát vọng sống thật sự - một tài sản lớn. Chứ hồi đó ảnh chỉ có duy nhất chiếc xe Angel 80 đang trả góp, hình thức thì cũng bình thường, chưa kể nước da có nguy cơ cháy phim khi chụp hình...”.

Một điều thú vị: người bạn trẻ một thời được bạn đọc cưu mang ấy đến nay đã hiến máu nhân đạo 20 lần và đã đăng ký hiến mô cho y học nếu chia tay với cuộc đời. “Có lẽ từ những tấm lòng mình đã nhận được ngày xưa. Phương châm sống của mình như tên gọi của bốn người trong nhà: Hiền (tên bà xã), Đức, Nhân, Tâm” - anh bảo.

HOÀNG HƯƠNG

(nguồn:  http://tuoitre.vn/Nhip-song-tre/93913/Bao-Tuoi-Tre-buoc-ngoat-cuoc-doi-toi.html

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com