BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Đẳng cấp ĐÀM VĨNH HƯNG

LÊ MINH QUỐC: Đẳng cấp ĐÀM VĨNH HƯNG

Đêm qua, 21.7.2012, tôi cùng mẹ Chị Đẹp và chị đi xem chương trình Số phận - kỷ niệm 15 năm ca hát của Đàm Vĩnh Hưng tại sân Lan Anh. Tôi thất vọng. Có một chút tấu hài, có một chút ảo não, có một chút diễn trò, có một chút phiêu bồng lãng đãng, nhưng không đọng lại một ấn tượng nào. Nghe và quên. Thấy và quên. Chuyện đó cũng bình thường. Sân khấu vẫn đông. Sân khấu vẫn đẹp. Tiếng vỗ tay vẫn rộn ràng. Người ra về vẫn lác đác. Nay, post lại bài tôi viết về chương trình Dạ tiệc trắng của anh vào năm 2008. Đêm ấy, tôi thật sự ấn tượng và nhớ đến bây giờ. Còn bây giờ, chương trình mới diễn ra lại quên.

22.7.2012

Lê Minh Quốc

damvinhhungRjpg

(nguồn: Cô gái Đồ Long)

“Từ em tiếng  hát lên trời
Tay xao dòng tóc, tay mời âm thanh

Câu thơ của thi sĩ Hoàng Trúc Ly tặng ca sĩ Thanh Thúy trong thập niên 60 của thế kỷ trước bỗng vọng về trong trí nhớ của tôi khi đến với sân chơi Dạ tiệc trắng. Tất cả đều màu trắng, từ trang phục của người tham dự đến các lẳng hoa tặng cho “nhân vật chính” Đàm Vĩnh Hưng. Để đưa “tiếng hát lên trời”, anh đã xuất hiện với những năm bộ quần áo cũng màu trắng như “quy định” do chính anh đặt ra. Trong khán phòng của khách sạn White Place đêm 1.10.2008 đã hiện lên một gam màu trắng của tình yêu và âm nhạc. Gam màu ấy có lúc lặng lẽ, có lúc cuồng nhiệt cũng không ngoài mục đích giữ chân khán giả vào phút cuối. Cuộc chơi này cũng là dịp kỳ niệm sinh nhật của anh. Có người bảo đây là một cuộc chơi ngông của Đàm Vĩnh Hưng. Không ngông sao được khi anh cho biết sẽ hát một lúc… 50 ca khúc để ghi tên vào kỷ lục Việt Nam - một việc làm mà chưa ca sĩ nào dám “lều lĩnh” tuyên bố.

Với cách xuất hiện trên sân khấu giản dị mà chân tình, đôi lúc pha chút dí dỏm có thể nói Đàm Vĩnh Hưng đã tạo được tình cảm đến mọi người. Cũng là câu nói khi anh hát Giọt nước mắt cho đời: “Tôi muốn gặp từng người để nói rằng, tôi biết ơn bạn! Xin trả ân tất cả mọi người đã từng yêu tiếng hát của tôi, luôn nhớ mãi những ánh mắt, tiếng võ tay, reo hò của các fans, cảm tạ những ân nhân đã từng cho Hưng cơ hội…” -  nhưng khi vang lên trong khung cảnh thân tình này đã tạo được một hiệu ứng tích cực. Chúng ta thấy trong đêm diễn này còn có các fans ái mộ anh đến từ nhiều vùng miền, kể cả Việt kiều nước ngoài… Và trong sự “đùm bọc” áp áp và hạnh phúc đó, nói như Xuân Diệu “như con chim đến từ núi lạ, ngứa cổ hát chơi”, anh đã “hát chơi” bằng tất cả sự cuồng nhiệt, đam mê và đôi lúc tôi có cảm giác thót tim ngỡ anh sẽ có thể bật ngã trên sân khấu! Đó là lúc anh “điên cuồng” thể hiện những ca khúc đã tạo nên “dấu ấn” của anh như Unbreak my heart , Cho em một ngày, Mãi yêu , Lạc mất mùa Xuân , Bình minh sẽ mang em đi , Yêu dại khờ , My all… đã tạo nên những tràng pháo tay không dứt.

Với cách biễu diễn “không giống ai” bởi đầy ngẫu hứng khi được sống và hát trong xúc cảm của giai điệu,  Đàm Vĩnh Hưng đã chứng tỏ một bản lĩnh làm chủ được sân khấu. Thật ra, không phải bất kỳ một ca sĩ nào khi bước ra sàn diễn, họ cũng chủ động làm được một việc tưởng chừng rất đơn giản ấy. Với anh, sàn diễn này không còn là sàn diễn, anh kêu gọi mọi người hãy sống như anh trong giây phút này, cứ thật tự nhiên, cứ thật thỏa mái. Và tiếng hát của anh đã níu chân mọi người đến… 2 giờ sang. Khi anh hát đến ca khúc 50 thì nhiều người đã thở phảo nhẹ nhỏm như chia vui cùng anh, tôi nhìn vào đồng hồ đã là 1g 22 phút! Quả là một nội lực phi thường. Nhưng kìa, trên sân khấu, Đàm Vĩnh Hưng vẫn cứ nhẹ nhàng như không, cũng tưng tửng khi phát biểu, cũng quyết liệt cất lên giọng hát khiến ta ngỡ anh đang “nhập đồng” trong Dạ tiệc trắng.

Đến nay, Đàm Vĩnh Hưng đã tạo “một mình một ngựa” chạy cuộc marathon không đối thủ về phía chân trời sáng tạo. Sáng tạo không bao giờ có điểm dừng. Vì thế, cho dù đã từng khoát lên quá nhiều hào quang bằng những giải thưởng, thậm chí có lúc anh thẳng thắn từ chối nhận giải thưởng vì muốn “dành cơ hội cho thế hệ sau” nhưng anh như còn đang muốn khám phá cảm xúc của chính mình. Anh không giấu diếm “chiêu” của mình khi có tham vọng muốn vươn đến một số đối tưởng độc giả khác. Ngoài những ca khúc đã đưa tên tuổi anh đến với khán giả trẻ, thì anh trở nên lịch lãm, điềm tĩnh và… cô đơn hơn qua những ca khúc từng in dấu trong trí nhớ của người yêu nhạc trước năm 1975 như Thành phố buồn, Định mệnh, Chuyện hẹn hò, Hàn Mặc Tử, Mưa rừng, Nửa đêm ngoài phố, Qua cơn mê... Những những ca khúc này đã có nhiều “danh ca” thể hiện, nhưng Đàm Vĩnh Hưng đã “làm mới” lại khi đẩy tiết tấu nhanh hơn, sôi nổi hơn để “tách” phần ca từ ra khỏi không gian của sự bi thảm, chán chường. Mà thật ra phải như thế, khi mà ngọn gió của thời đại này đã khác trước khiến thẩm mỹ tiếp nhận của người nghe cũng đã khác trước.

Thêm một chi tiết khó quên trong chương trình này là cùng với các đồng nghiệp khác, anh đã tổ chức bán đầu giá thành công đĩa VCD mạ vàng Qua cơn mê để lấy tiền giúp các bạn sinh viên nghèo hiếu học, bị bệnh tim. Với mức khởi điểm 3.000 USD, cuối cùng người sở hữu nó là một vị  nữ  giám đốc điều hành của Trường ngoại ngữ Dương Minh khi chấp nhận với giá 25.000 USD. Thì ra cuộc chơi của Đàm Vĩnh Hưng cũng “có ích” cho những số phận bất hạnh đấy chứ.

Đến nay, trong thế hệ ca sĩ của Đàm Hưng Hưng ta không thể chối bỏ một sự thật anh đang là người thành công nhất. Thành công ấy là do anh đã luôn ý thức vượt qua áp lực chính mình. Tuy nhiên “sức bền” của một giọng hát “trời cho” như Đàm Vĩnh Hưng ở phía tương lai sẽ còn sang tạo như thế nào, ta chưa thể đoán trước, nhưng anh hoàn toàn có lý khi tâm sự: “Tôi đi lên bằng con đường tự học, tôi đã học ở rất nhiều thần tượng của mình. Vấn đề là học được gì ở thần tượng. Tôi thích học ở người đi trước tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc và biết nhìn lại mình để loại bỏ những khiếm khuyết”. Nhờ vậy, anh đã tạo được một đẳng cấp mà không ít ca sĩ cùng thế hệ hoặc thế hệ sau anh đang thèm thuồng và ao ước.

LÊ VĂN NGHỆ

(nguồn: báo Phụ Nữ TP.HCM 10.2008)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com