BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC viết Tựa tập sách HÀ ĐÌNH NGUYÊN

LÊ MINH QUỐC viết Tựa tập sách HÀ ĐÌNH NGUYÊN

Lời Tựa

bong_hong_trong_th_nhac

       Bằng sự sáng tạo, người nghệ sĩ có thể vượt qua sự lãng quên, kể cả cái chết. Chất men hiệu nghiệm nhất để làm nên sự sáng tạo là gì? Thưa, tình yêu. Lúc ấy, trái tim rung lên lên những nhịp đập như vó ngựa điên cuồng. Như thuyền xé gió ra khơi. Nhưng cũng có thể chỉ lặng lẽ như nắng ngã qua truông của một ngày trút gió. Đau đớn. Bàng hoàng. Rồ dại. Và gì nữa? Chẳng rõ. Nhưng chắc chắn, thơ nhạc được viết lúc ấy sẽ có bóng dáng của người tình thầm thương trộm nhớ trong từng phút, từng giây của đời sống. Viết như một lẽ sống. Không một âm mưu. Không một thủ đoạn. Không một toan tính. Viết, như thầm gọi tên của một người trong khắc khoải ngày mơ đêm nhớ… Từng con chữ, từng giai điệu đi vào đời sống này như một lẽ tự nhiên.

         Nếu Beethoven không gặp Giucciardi; nếu A.Dumas không gặp Mélanie; nếu Apollinaire không gặp Linda; nếu Hàn Mặc Tử không gặp Thương Thương, Mộng Cầm; nếu Phạm Thái không gặp Trương Quỳnh Như; nếu thuyền không gặp bến; nếu mây không gặp gió; nếu nước không gặp lửa v.v… Đại khái thế, nếu mọi sự lặng yên, lặng lẽ, lặng im không gì gặp nhau thì liệu công chúng có dịp nào để lắng nghe, chia sẻ nỗi lòng thầm kín của người nghệ sĩ, của thiên nhiên bốn mùa thay lá? Tác phẩm ấy viết cho một người. Nhưng khi bước xuống dòng đời lại hóa thành của mọi người. Mọi người tìm thấy tâm trạng của chính mình qua tác phẩm đó.

        Thế thì, khi thưởng  thức một tác phẩm, ta biết ơn người đã sáng tạo ra nó. Đành rồi. Nhưng còn phải biết cám ơn chất men kỳ diệu đã làm nên sự sáng tạo ấy. Nó cách khác phải cám ơn những bóng hồng trong thơ nhạc đã từng được công chúng yêu mến.

        Hà Đình Nguyên là nhà báo kỳ cựu của báo Thanh Niên. Trên dưới hai mươi năm sống bằng nghề cày từng trang bản thảo như một gã nông dân cày sâu cuốc bẫm, anh đã gặp gỡ khá nhiều người nổi tiếng và được họ thổ lộ nhưng buồn vui sâu kín, đã giấu kín trong lòng.

         Tập sách Những bóng hồng trong thơ nhạc - bạn đang cầm trên tay - chỉ một phần nhỏ, rất nhỏ trong hàng trăm bài báo về nhân vật mà anh đã viết. Từng nghe “Thúy ơi, Thúy quá vô tình. Ví dù em có hay dỗi hờn. Cũng vẫn hơn là bến tình anh lê gót cô đơn…” (Y Vân); “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn. Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương. Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi, phút gần gũi nhau mất rồi, tạ từ là hết người ơi…”; (Thanh Sơn): “Em tôi hay đứng nhìn trời xanh xanh, mang theo đôi mắt buồn vương giấc mơ. Vu vơ đắm đuối theo ngàn áng mây. Bao đêm thầm đếm trên tời đầy sao sáng…” (Lê Trạch Lựu); “Em ra đi mùa thu, mùa thu không trở lại.Em ra đi mùa thu, sương mờ giăng âm u. Ngày em đi, nghe chơi vơi não nề. Qua vườn Luxembourg. Sương rơi che phố mờ, buồn này ai có mua? Từ chia ly, nghe rơi bao lá vàng, ngập dòng nước sông Seine. Mưa rơi trên phím đàn, chừng nào cho tôi quên?... Em ra đi mùa thu, mùa thu không còn nữa. Đếm lá úa mùa thu, đo sầu ngập tim tôi…”. (Phạm Trong Cầu); “Ngoài hiên mưa rơi rơi, lòng ai như chơi vơi. Người ơi nước mắt hoen mi rồi. Đừng khóc trong đêm mưa, đừng than trong câu ca…Buồn ơi trong đêm thâu, ôm ấp giùm ta nhé: người em thương mưa ngâu, hay khóc sầu nhân thế…Trời sao chưa thôi mưa, ôi mắt người em ấy. Từ đây thôi mờ, nước mắt buồn mi em thơ ngây…” (Trịnh Công Sơn)... thì đôi lúc chúng ta băn khoăn tự hỏi: nhan sắc nào đã tạo nên chất men cho ca từ và giai điệu ấy? Hỏi, để mà thương người nghệ sĩ đã có một khoảng thời gian đã đắm đuối tình si trong nỗi niềm của sự tuyệt vọng. Họ, người nghệ sĩ ấy đã gánh trên vai cây Thập Tự Giá của một (hoặc nhiều) Cuộc Tình - có thể tình phụ, tình quên, tình đơn phương, tình đớn đau gai nhọn… Và dù tình gì đi nữa thì họ đã nói hộ cho nỗi lòng của chính chúng ta đấy thôi. Vì thế, họ hóa thành “người ơn” đã nuôi dưỡng mỹ cảm của ta và không những thế, ta còn phải cám ơn chất men đã làm nên thú đau thương hóa thành giai điệu phiêu bồng đâu đó trong trí nhớ lúc quên, lúc nhớ…

         Tập sách của nhà báo Hà Đình Nguyên đã thỏa mãn được một nhu cầu có thật của nhiều người yêu thơ nhạc. Tuy nhiên, tập sách vẫn còn khiêm tốn về nhân vật. Tôi hy vọng anh sẽ bổ sung thêm, cho những lần tái bản sau. Chắc là thế. Bởi trong đời sống này, Hà Đình Nguyên có năng khiếu của một nhà báo chuyên nghiệp. Anh biết hỏi, biết lắng nghe để người nổi tiếng có thể tin cậy phơi lòng cùng anh, không e dè và giấu giếm…

LÊ MINH QUỐC

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com