BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Mép thợ ngôi nói dóc như thầy hù

LÊ MINH QUỐC: Mép thợ ngôi nói dóc như thầy hù

  

 

mep-tho-ngoi-noi-doc-nhu-thay-hu

 

 

Mấy hổm rày, tóc tai đã dài, bờm xờm như tổ quạ nhưng làm sao cắt/ hớt cho gọn? Khó lắm. Đang trong thời gian nhà nhà chấp hành nghiêm túc mệnh lệnh “ai đâu ở yên đấy”, nội bất xuất ngoại bất nhập, không thể xuống phố, nếu không có lý do chính đáng. Thôi thì, tóc dài một chút cũng “chẳng chết thằng tây đen nào”.

 

Này cô Hai, tôi đây ngồi nghĩ lan man mới thấy, cùng một nghề - nghề cắt tóc nhưng hai miền Nam Bắc có cách gọi khác nhau. Dám nói hồ đồ rằng, thì, mà, là ngày xửa ngày xưa ngoài Bắc gọi thợ ngôi, do cách gọi này đã mất dấu vết, vì thế, nếu gọi thợ ngòi/ thợ ngõi/ thợ ngợi đều không đúng. Dân gian đã đúc kết qua lời ăn tiếng nói thuở ấy vẫn là “Xoen xoét như mép thợ ngôi”, Mép thợ ngôi, môi thợ cạo”, “Quan trẩy rồi, thợ ngôi cũng tếch”...

 

Hiểu ra làm sao về cái mép của thợ ngôi?

 

Cái sự dông dài, lằm lời, “bà tám”, từ chuyện nọ xọ chuyện kia, tràng giang đại hải, từ chuyện con cóc ngồi trong hang, con gà bươi xó bếp đến thời sự “Tùng tùng trống đánh ngũ liên/ Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa” ở Tây, Đông, kim cổ nọ kia, trên trời dưới đất, từ chyện cô làng kia chửa hoang đến nhà nọ mất gà gì gì đi nữa thì thợ ngôi cũng có thể khua môi múa mép. Sở dĩ biết nhiều chuyện là do ngày ngày qua tháng nọ, họ cắp trắp đựng dao lược đi hang cùng ngõ hẻm qua làng này xóm nọ “đè đầu cỡi cổ” cạo sạch tóc cho thiên hạ, nhờ thế, họ thu thập được nhiều thông tin.

 

Lúc hành nghề, khách ngồi yên, mình múa tay thì chẳng lẽ cái mồm miệng nin thinh? Không, phải nói. Nói câu chuyện làm quà cho khách nghe chơi. Nghe cho sướng con ráy. Nói từ chuyện thật qua chuyện bịa, hoặc dặm thêm muối mắm cho tăng phần li kỳ hấp dẫn. Cái sự “đặc thù” này, không riêng gì ở nước Nam ta, ngay cả bên trời Tây xa tít tắp cũng thế thôi, vì thế mới có giai thoại kể về nhà văn lớn Bernard Shaw của nước Anh khi bước vào tiệm hớt tóc, ông thợ hỏi: “Hớt kiểu gì?”. Vốn vui tính, thích trào lộng, ông cười mà rằng: “À, hớt theo kiểu… im lặng”, tức là đừng nói gì cả, cứ lẳng lặng hớt, còn hớt kiểu nào cũng được, được thế là đã tốt lắm rồi.

 

Nếu ngoài Bắc gọi thợ ngôi, trong Nam lại gọi thầy hù và có câu thành ngữ “Nói dóc như thầy hù”. Thế nào là hù? Dễ ẹt. Tưởng là dễ, nhưng cơn cớ làm sao Việt Nam tự điển (1931) do Hội Khai Trí Tiến Đức lại không ghi nhận? Chỉ có “hu, hú, hủ, hũ”. Mà, đã nói đến hù, lập tức ta liên tưởng đến dọa/ hù dọa, tự điển này giải thích: Dọa: Nộ nạt, đe loi, làm cho sợ: dọa trẻ con, dọa đi kiện”. Xét ra, dọa khác với hù. Trong Nam, từ năm 1895, ông Huình Tịnh Paulus Của cho biết: “Hù: Tiếng nhát sợ, nhứt là nhát con nít giả tiếng cọp kêu; rên. Cọp hù: Tiếng cọp bộ vằn vằn”. Bộ là vóc dáng, hình thù. Sau này, Việt Nam tự điển (1970) của Lê Văn Đức cũng giải thích: “Hù: Dọa cho người giựt mình bằng cách vừa chụp vừa hô to tiếng ấy. Hăm dọa, đặt điều nói dọa: Phải hù nó trước rồi sẽ đưa điều kiện”.

 

Từ cách giải thích của ông Của, suy luận rằng, người Nam đã mượn tiếng hù từ cọp hù, nói gọn lại hù là ngụ ý nói đến cọp. Chỉ cần nghe hù, thế là ai nấy đã sợ vãi đái, xanh mặt xanh mày, hồn vía lên mây, chứ huống gì con nít. Đất phương Nam thuở ấy nhiều cọp:“U Minh, Rạch Giá thị quá sơn trường/ Dưới sông sấu lội trên rừng cọp đua”, “Cà Mau khỉ khọt trên bưng/ Dưới sông sấu lội trên rừng cọp um”. Sấu, cọp nhiều đến độ, người ta vận dụng vào lời ăn tiếng nói: “Đứa nào được Tấn quên Tần/ Xuống sông sấu ních, lên rừng cọp tha” v.v… Do thời ấy, còn thấy/ gặp nhiều cọp nên tiếng hù ra đời, mượn từ con cọp hù là thế.

 

Chà, dông dài với từ hù rồi, không khéo “Mép thợ ngôi” là cái chắc. Chi bằng, ta hãy quay lại với thợ hù. Tại sao gọi thợ hù? Nói có sách, mách có chứng, nhân chứng của một thời đã sống từ đầu thế kỷ XX vắt qua thế kỷ XXI là học giả Vương Hồng Sển, trong hồi ký Hơn nữa đời hư (NXB TH TP.HCM - 1992) giải thích: “Thầy hù là danh từ xưa, gọi các thợ hớt tóc cạo râu dạo. Có lẽ vì thuở đó, chung quanh những năm lối một ngàn chín trăm mười mấy, mỗi lần cạo đầu hay hớt tóc cho trẻ con, chúng trẻ thường khóc la không ưng cho cạo hớt, khiến cho thợ phải hù phải dọa, lâu ngày thành tục, hễ nhớ đến thợ hớt tóc thì nhớ lão hay hù hay doạ dẫm, rồi thành danh luôn: “thầy hù”. Nhưng cho đến bao giờ, trẻ nít vẫn còn khóc la và, thợ hớt tóc cũng ba hoa chích chòe, nói luôn miệng trong khi làm việc, và nói thét cạn đề phải xoay qua đặt điều nói dối, thành thử ngày nay còn sót lại thành ngữ “Nói dóc như thầy hù”. Thêm nữa, có nhiều thợ dở quá, mỗi lần váy tai móc cứt ráy, người bị móc đau thấu trời xanh, và muốn phi tang nỗi bất tài của mình, thợ vừa rút móc ra, vừa thổi “hù” một cái vào lỗ lai, “hù! hù”, thổi hai lần khi nào trời xanh chưa thấu, và như vậy họ mang tên thầy hù cũng đáng (tr. 88).

Vậy, từ hù thời ông Huình Tịnh Paulus Của qua thời ông Vương Hồng Sển đã có khác. Hù từ chỗ ám chỉ con cọp hù đã thành động tác thổi hù/ thổi hù hù. Cái sự ác ôn, éo le tiếng Việt chính là chỗ này, càng đi sâu vào tìm hiểu càng phát hiện ra nhiều chuyện bất ngờ ra phết, phải không cô Hai?

Nói tắt lại một câu, thợ ngôi, thầy hù cũng đều là thợ cắt tóc. Đôi lúc, dù không xuất hiện từ “tóc” nhưng ai cũng hiểu “cắt trọc” là cắt tóc, cắt sát da đầu đến mức trọc lóc/ trọc lốc/ trọc tếu/ trọc tếch/ trọc lóc bình bôi… Lóc có nghĩa là trọc. Từ điển từ Việt cổ (NXB Văn hóa Thông tin - 2001) của Nguyễn Ngọc San, Đinh văn Thiện cho biết: “Lóc: Bị mất vật che đồ trang sức. “Đầu thì trọc lóc, áo không tà” (Hồ Xuân Hương). Lóc đầu: trọc đầu” (tr.179). Từ điển Việt-Bồ-La (1651) đã ghi nhận trọc bằng cách ghi “tlọc” và giải thích: “Tlọc đầu: Cả đầu không có tóc, cạo cả đầu. Trọc. Cùng một nghĩa”. Tại sao lại là từ trọc đi chung với lóc? Ông Huình Tịnh Paulus Của cho rằng: “Trọc lóc: Đầu gọt sạch như đầu cá lóc”. Nếu giải thích này đúng, rõ ràng là một điều quá thú vị.

 

Phương ngôn xứ Bắc có câu: “Vân Sa để tóc, cắt trọc Kẻ Mơ”, Kho tàng tục ngữ người Việt của Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian (Nguyễn Xuân Kính chủ biên - NXB VHTT-2002) giải thích: “Thôn Vân Sa thuộc xã Tản Hồng, huyện Ba Vì; Kẻ Mơ (tức Thanh Mai) cũng huyện Ba Vì (nay thuộc Hà Nội), xưa có tục đàn ông để tóc dài, đàn bà đã có con thường cắt trọc”. Chắc chắn, câu này đã thuộc về quá khứ của cái thời thằng Tây mắt xanh mũi lõ chưa nghênh ngang cắm ngọn cờ Tam Tài trên nước ta. Thời buổi này, đàn bà cắt trọc thì trông “gấu” lắm, “hầm hố” lắm.

“Nắm đứa có tóc, không ai nắm kẻ trọc đầu”, ta hiểu “trọc đầu” là do đã cắt trọc - nhưng theo nghĩa bóng, lại chỉ kẻ “trên răng, dưới khố” như ngôn ngữ thời @ phải là “trên răng, dưới ca tút”, không có tài sản gì đáng kể, dẫu có bắt vạ nó cũng chẳng kiếm chác được gì.

“Cái răng, cái tóc là cái gốc con người”. Trong quan niệm của người Việt thời trước: “Búi tóc củ hành, đàn anh thiên hạ”. Thế nào là “tóc củ hành”? Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyền giải thích: “Ngày trước đàn ông không cắt tóc, tóc dài thường búi về phía đỉnh đầu. Câu tục ngữ này ý nói người thượng lưu ít tóc, búi tóc chỉ nhỏ như củ hành, song vẫn là bậc ở trên của mọi người” (Nguyễn Khuyến tác phẩm - NXB TP.HCM - 2002, tr. 582). Củ hành thì dễ hiểu rồi, không cần nói gì thêm. Tuy nhiên, đôi khi nó lại còn  ám chỉ qua nghĩa khác, chẳng hạn, dân gian có câu vần vè: “Tóc bạc thì nhuộm cho xanh/ Cơ bản giữ được củ hành cho tươi Hỏi anh, anh chỉ mỉm cười:/ Cứ trồng “đất lạ” là tươi củ hành”.

Củ hành là cái quái gì thế? Có phải nó đích thị là loại củ trong câu cửa miệng “Lanh chanh như hành không muối”, “Xoi xói như thầy bói đâm hành”? Đâm ở đây có nghĩa là giã, là cầm cái chày giã cho nát của hành. Không phải à? Thế, củ hành này là củ gì? Khó quá đi mất. Bèn hỏi ông Xương, thi sĩ trào phúng trứ danh bậc nhì - xếp sau Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương bậc nhất của nước Nam thì nghe câu trả lời: “Củ từ”. Cũng khó hiểu nốt, trả lời cứ như đánh đố. Gặn hỏi thêm, ông Tú cười mà rằng: “Gặp ván bài đen đã chẳng ù/ Ai ngờ lại gặp chú phi lu/ Bỡn thì xin trả ngay cho tớ/ Chẳng trả thì xơi cái củ từ". Ai hiểu thế nào thì hiểu. Không dám bàn thêm, đã thế cũng xin lờ đi hai từ “đất lạ” oái oăm kia.

 

Một khi tóc dài, nếu không thả/ xõa thì búi lại, còn gọi bới/ bối. “Chị kia bới tóc cánh tiên/ Chồng chị đi nói một thiên cá mòi”. Búi tóc cũng gọi búi tó, gọi hóm hỉnh trêu chọc là tổ quạ/ tổ chí. Chí còn gọi là chấy. “Đầu ai chấy nấy” ngụ ý ai cũng “có những niềm riêng làm sao nói hết”, có khuyết tật, nhược điểm, nổi khổ riêng mà người ngoài khó có thể hiểu, cảm thông. Thường ở người nữ, tóc dài không chỉ bới mà còn tết/ thắt/ vấn. Trong một truyện dài, nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ viết: “Tóc Khương đánh bính rồi bao lưới, cài thêm cái nơ bằng nhung đen”. Đánh bính cũng có nghĩa như trên. Dần dà về sau, không chỉ có thế, người phụ nữ còn uốn tóc nữa.

 

Chị kia bới tóc đuôi gà

 

Nắm đuôi chị lại hỏi nhà chị đâu

 

Hỏi nhà bằng cách nắm lấy đuôi tóc - phần tóc sau khi đã bới lên, vấn xong, còn thừa thả xuống trông như đuôi gà, thế mà có kẻ giật ngược lại mà hỏi, chỉ có thể hành động xấc láo của kẻ du côn du kề. Đã thế, hắn không gọi gọi “tóc đuôi gà” mà miệt thị “đuôi chị” như ám chỉ cái đuôi của con vật. Tức oái máu. Giận cành hông. Chẳng lẽ chỉ mặt mắng luôn cho bỏ ghét? Không dại, nơi vắng vẻ người qua kẻ lại, mình lớn tiếng, to tiếng, nếu xẩy ra cớ sự gì đó, biết kêu ai, cầu cứu ai? Cô gái này bèn khôn khéo chọn cách trả lời nhẹ nhàng để hắn ta không nổi đóa gây khó dễ, bất lợi: “Nhà tôi ở dưới đám dâu/ Ở bên đám đậu đầu cầu ngó qua/ Ngó qua đám bắp trổ hoa/ Đám dưa trổ nụ, đám cà trổ bông”.

 

Chỉ nhà nhưng thật ra không chỉ gì cả. Nhìn đi, chỉ thấy: “Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu/ Ngàn dâu xanh ngắt một màu”, vậy, cụ thể nơi đâu? Không thể biết. Rồi, giữa mênh mông đó, còn là rẫy bắp, dưa, cà nữa, biết đâu mà lần? Âu cũng là một cách xử trí thông minh của cô gái lúc giữa đồng không mông quạnh, đơn thân độc mã. Chỉ đôi ba dòng nhưng đã dựng lên một màn đấu trí, hay cực.

 

Khi chùm tóc được thắt bím thả dài sau lưng, còn gọi là bín. Người Tàu gọi đuôi sam. Mà, bện tóc thành bím cũng gọi là kết. Thành ngữ “Kết tóc xe tơ” lại chỉ chuyện kết hôn/ kết duyên. “Đã thương cắt tóc trao tay/ Tha hồ én liệng, nhạn bay mái ngoài”, lại là cắt tóc thề nguyền, giữ lấy lọn tóc để làm tin, minh chứng cho tình yêu thủy chung son sắt. Trong bài thơ Màu thời gian, “Không ngờ cái đầu đề có tính cách triết học như thế lại dùng để nói một câu chuyện tâm tình” (Hoài Thanh), Đoàn Phú Tứ viết:

 

Tóc mây một món chiếc dao vàng

 

Nghìn trùng e lệ phụng quân vươn

 

hoặc lúc lúc thề nguyền, giữa Thúy Kiều và Kim Trọng vẫn là:“Tóc mây một món, dao vàng chia đôi”. Chiếc dao ấy, rõ ràng cùng để cắt tóc. Tùy mỗi thời, tùy dụng cụ sử dụng có nhiều cách gọi những vẫn đồng nghĩa, chẳng hạn, cạo/ gọt/ cắt/ húi/ cúp/ hớt. Nhiều người lớn tuổi có tóc sâu, tức tóc ngứa; “Da mồi tóc bạc” tức tóc hạc, tóc trắng. Nếu mái tóc đen chen trắng lại gọi tóc hoa râm, tóc sương tức trắng lấm tấm như trên tóc có hột sương lấm tấm, còn gọi tóc muối tiêu. Những người trẻ thường tóc xanh, quái lại, xanh ở đây lại chỉ… màu đen. “Tóc còn xanh, nanh còn sắc” thì nanh cũng được hiểu là… răng. Sống trên đời, chẳng ai muốn rơi vào tình huống “Mặt xanh nanh vàng”, chỉ ước mơ “Trắng da dài tóc” ăn sung mặc sướng.

Đã xa vắng dấu vết của một thời…

L.M.Q

(nguồn: Báo ANTG cuối tháng - số 241 tháng 9.2021)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com