BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Xây bản sắc văn hóa đô thị TP. HCM

LÊ MINH QUỐC: Xây bản sắc văn hóa đô thị TP. HCM

13-chot-16057051402631011711860

Những gì tiền nhân đã tạo dựng để lại cho mai sau ở vùng đất Sài Gòn - TP HCM, thế hệ sau không chỉ không được lãng quên mà còn phải thể hiện lòng tri ân. Trong ảnh: Tên đường Lê Văn Duyệt vừa được đặt trên con đường bên cạnh lăng mộ Tả quân Lê Văn Duyệt Ảnh: HOÀNG TRIỀU

 

Xây bản sắc văn hóa đô thị TP HCM: "Bán bà con xa mua láng giềng gần"

 


Khi đời sống đô thị ngày càng hiện đại, dẫn đến thực trạng "đèn nhà ai nấy sáng", lối sống vị kỷ khiến mối quan hệ cộng đồng ngày càng nhợt nhạt, lỏng lẻo; việc xây mối quan hệ gắn kết cộng đồng dân cư đô thị càng có ý nghĩa cấp bách và thiết thực

Văn hóa gắn kết cộng đồng với người xa lạ, không thân tộc, huyết thống càng được khuyến khích và chú trọng phát triển đối với người Việt lưu dân, nhất là từ năm 1558, khi lưu dân người Việt theo chúa Nguyễn đi vào Đàng Trong mở cõi - để từ đó, mở ra vùng đất trù phú phương Nam, văn hóa này lại càng có ý nghĩa.

Ý thức đùm bọc nhau để sinh tồn

Một trong những yếu tố quan trọng mà lịch sử đã chứng minh là lưu dân đi về phương Nam có nhiều thành phần khác nhau, họ cùng có đặc điểm chung là che giấu tông tích, vì thế vấn đề lập gia phả cho con cháu đời sau biết gốc gác gia tộc từ văn minh sông Hồng, từ Ngũ Quảng hầu như không phải là mối quan tâm hàng đầu. Sự gắn kết mưu sinh, tồn tại và phải tồn tại cho bằng được trên vùng đất mới: "Muỗi kêu như sáo thổi/ Đỉa lội như bánh canh/ Cỏ mọc thành tinh/ Rắn đồng biết gáy" - trước hết là từ mối quan hệ trong cộng đồng, từ những con người gần gũi, cùng thân phận "Thương người xa xứ lạc loài đến đây". Họ ý thức từng cá thể phải đoàn kết, bảo vệ nhau, đùm bọc nhau, nương nhau, có như thế mới có thể cùng sống. "Quê nhà xa lắc xa lơ đó/ Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay" (Nguyễn Bính), nơi đất mới phương xa không thể nhờ cậy được vào "giọt máu đào", vì thế phải cần đến láng giềng cùng cảnh ngộ.

Trải dài theo năm tháng, cư dân vùng đất phương Nam, trong đó có Sài Gòn - TP HCM đã hình thành nên tính cách này. Nhà văn Sơn Nam khái quát: "Ta còn nghe mấy tiếng "điệu nghệ giang hồ", thái độ hào hiệp, không thành văn bản mà người trong cuộc phải tuân theo" (Người Sài Gòn, NXB Trẻ - 1990, tr.37). Sở dĩ có nếp nghĩ này bởi đây là vùng đất: "Nhiều ràng buộc phong kiến đã bị xóa, ngoài ý muốn, vì sanh kế phức tạp ở xứ lạ, không như việc cày ruộng ngày nào ở nông thôn. Tình nghĩa bạn bè gắn bó hữu cơ với sinh kế, tạo sự cân bằng về tinh thần, khiến người xa phương bớt nhớ nhà. "Ở đâu ta có nhiều bạn bè là quê hương ta ở đó". Tin vào bạn, làm cho bạn tin cậy mình" (Sđd, tr.34).

Tính cách của con người Sài Gòn - TP HCM là vậy. Hàng trăm năm qua, lưu dân đã kề vai sát cánh, chia sẻ buồn vui, gian nan, hoạn nạn: "Bớ chiếc ghe sau chèo mau anh đợi/ Kẻo khúc sông này bờ bụi tối tăm"… Có nghĩa có tình là thế, để rồi ngày sau, thế hệ chúng ta mới có thể hào hứng cất lên tiếng kêu như reo như hát: "Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai/ Từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay/ Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi này/ Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi! (Y Vân).

Đất lành chim đậu. Yếu tố cốt lõi nào làm nên đặc tính của một vùng đất? Xin thưa, vẫn là tính cách, cốt cách của cư dân nơi đó. Đất và người có tác động lẫn nhau để làm nên bản sắc tinh thần của từng vùng miền mà vẫn nằm trong giá trị văn hóa của người Việt từ Nam chí Bắc. Dù là dân lưu tán tứ xứ đến đây nhưng so với các chủng tộc khác: "Duy người Việt ta vẫn theo phong tục cũ của Giao Chỉ" - theo "Gia Định thành thông chí".

Đã thành cốt cách người bản địa

"Bán bà con xa mua láng giềng gần" là tính cách, cốt cách của con người Sài Gòn - TP HCM. Nó hình thành từ thực tế của các thế kỷ trước, ngay từ trong thăng trầm cuộc sống hằng ngày chứ không phải lý thuyết suông. Có như thế thì mới chung vai sát cánh để cùng tồn tại đến ngày nay. Nhà văn Sơn Nam lý giải: "Xa họ hàng, ở nơi mà công ăn việc làm đa dạng, thì Trời Phật chiếu cố cũng không bằng bạn bè giúp đỡ trước mắt. Thái độ hiếu khách xuất phát từ tâm lý ấy" (Sđd, tr.40). Không phải bây giờ, ngay từ "ngày xửa ngày xưa" đã thế. Hãy nghe nhà sử học Trịnh Hoài Đức nói về sự hiếu khách, đối đãi cùng bà con láng giềng, kể cả người nơi xa đến: "Ở Gia Định, khách đến thì mời ăn trầu trước, thết đãi nước chè rồi đến ăn cơm bánh, cốt phải phong hậu. Không kể người thân hay sơ, lạ hay quen, tông tích thế nào, đã đến tất phải tiếp nhận thết đãi".

Nếu đất tạo nên tính cách con người, nói theo Trịnh Hoài Đức là do Sài Gòn - TP HCM: "Ở về phương Nam, chỗ gần ánh sáng mặt trời, người phần nhiều trung dũng khí tiết, khinh của trọng nghĩa, dù đàn bà con gái cũng thế". Nay, ta có thể nói một cách nôm na, sở dĩ như thế, vì trước đây khi mới chân ướt chân ráo vào cư ngụ vùng đất này, họ cũng sống trong tâm thế "Bán bà con xa mua láng giềng gần", đã từng được bầu bạn, người xa lạ giúp đỡ, nay có điều kiện thì họ sẵn lòng cưu mang người đến sau. Đơn giản vậy thôi, chứ huống hồ gì bà con chòm xóm đã từng chung lưng đấu cật, tối lửa tắt đèn có nhau. Sự giúp đỡ qua lại này làm nên một nét đẹp ấn tượng, nghĩ cho cùng, đây cũng là giá trị của tinh thần "người trong một nước phải thương nhau cùng".

Khi chúng ta bàn về giá trị tinh thần cốt lõi của Sài Gòn - TP HCM trong bối cảnh hội nhập toàn cầu - tức là đặt nó trong xu thế của mối quan hệ gắn kết cộng đồng dân cư đô thị thì vấn đề này càng có ý nghĩa cấp bách và thiết thực. Bởi vì rằng đời sống đô thị ngày càng hiện đại đã dẫn đến thực trạng "đèn nhà ai nấy sáng", ai chết mặc ai, lối sống vị kỷ, kín cổng cao tường khiến mối quan hệ cộng đồng ngày càng nhợt nhạt, lỏng lẻo.

Vậy nên, xây dựng văn hóa "Bán bà con xa mua láng giềng gần" cũng là một trong những phương thức tạo lại sự gắn kết của từng cá thể - vốn đã là lợi thế của cư dân vùng đất này từ hàng trăm năm trước. Nếu đánh mất đi, chính mỗi chúng ta đã bỏ quên sức mạnh tinh thần lẫn vật chất mà tiền nhân đã tạo dựng.


Bắt đầu từ đâu?

Vẫn từ giáo dục từ trong mỗi nếp nhà hướng theo tinh thần thấu hiểu, cảm thông, tương thân tương ái, chia sẻ cho nhau cùng vun đắp cuộc sống an lành, hạnh phúc. Nói cách khác, đây cũng là thông điệp "Mình vì mọi người"; "Một nhà có việc, cả làng cùng lo"; sâu xa hơn cũng là ý thức của người Việt đã hình thành từ ngàn xưa: "Nước lụt thì lụt cả làng/ Đắp đê chống lụt, thiếp chàng cùng lo"... Có như thế mới tạo nên sức mạnh đoàn kết trong thời đại ngày nay.

 
LÊ MINH QUỐC

(nguồn: Báo Người Lao Động ngày 18.11.2020)


Xây bản sắc văn hóa đô thị TP HCM: Giữ đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"

 

Bài học về "Uống nước nhớ nguồn" không chỉ được giáo dục, bồi dưỡng từ nhà trường mà còn sinh động từ ngay trong dòng chảy của đời sống

"Gánh lấy ca dao/ Bế bồng tục ngữ/ Vác đình làng văn hiến 4.000 năm/ Phù sa, bùn đen còn bám riết gót chân/ Cư dân Ngũ Quảng/ Xuôi về phương Nam". Vì nhiều lý do, đi về phương Nam là một trong những yếu tố tồn tại của người Việt. Có thể nói, lưu dân từ Sài Gòn đến đồng bằng sông Cửu Long hầu hết là dân Ngũ Quảng: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (Thừa Thiên - Huế), Quảng Nam và Quảng Ngãi, nói rộng ra là đến từ văn minh sông Hồng. Chính họ là những con người mở ra vùng đất trù phú phương Nam ngày nay, trong đó có Sài Gòn - TP HCM.

Phải thể hiện lòng tri ân

Khi nhìn về vùng đất này, thế hệ sau có thể tìm thấy trong nhiều tài liệu ghi chép công phu và đáng tin cậy, có thể kể đến "Gia Định thành thông chí" của nhà sử học uyên bác Trịnh Hoài Đức. Những trang ghi chép về công cuộc mưu sinh của lưu dân ngày ấy cực kỳ gian nan, không chỉ đổ mồ hôi sôi nước mắt vì miếng cơm manh áo, khai khẩn đất hoang, cải tạo thiên nhiên mà còn lấy xương máu của mình để giữ lấy vùng đất mới. Nhìn lại hành trình dài dằng dặc theo năm tháng ấy, ta đồng thuận với cách nói khái quát của Trịnh Hoài Đức: "Núi là xương của đất, nước là máu của đất, ấp ủ lưu thông để làm ra đất đai một phương. Những anh hùng hào kiệt, trung thần liệt nữ cũng từ đó mà sinh ra kho báu tàng trữ của cải, không vật gì là không đủ". Vì lẽ đó, những gì tiền nhân đã tạo dựng nên đã để lại cho mai sau ở vùng đất Sài Gòn - TP HCM, thế hệ sau không chỉ không được lãng quên mà còn phải thể hiện lòng tri ân.

Sự thể hiện của lòng biết ơn, "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ kẻ trồng cây",… chính là phẩm chất làm nên cốt lõi của văn hóa người Việt. Xét cho cùng, đây cũng chính là một trong những yếu tố hun đúc nên tấm lòng yêu lấy vùng đất mình đã an cư lập nghiệp và xây dựng ngày một tốt đẹp hơn. Tình yêu ấy hòa nhập vào dòng chảy chung để làm nên tình yêu non sông gấm vóc thống nhất từ ải Nam Quan vào đến tận mũi Cà Mau. Tình yêu ấy được thể hiện qua nhiều cách làm tích cực khác nhau, trong đó có thể nhìn nhận từ ẩm thực đến các di tích lịch sử, văn hóa. Nói như thế, bởi làm nên sự khác biệt văn hóa của mỗi địa phương, không nói đâu xa, còn chính là từ "đất lề quê thói", nếp ăn nếp ở của cư dân nơi đó.

Lưu dấu người xưa

Với người Việt nói chung, trong đó có con người Sài Gòn - TP HCM thì tính cách thiện lương được thể hiện qua lòng yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Vậy, ta có thể nhìn thấy từ đâu? Một câu hỏi, có thể chúng ta dễ dàng trả lời nhưng với bè bạn năm châu đến đây họ tìm câu trả lời từ đâu? Có phải trước hết từ các bảo tàng? Đúng vậy. Chính các địa chỉ này là nơi giúp họ có thể khái quát được lịch sử, nét đặc trưng, sự hình thành của cư dân, của vùng đất đó một cách linh hoạt nhất. Hiện nay, ta đã đáp ứng được điều này chưa? Tôi không dám lạm bàn, chỉ nghĩ rằng, đâu là bảo tàng lưu giữ lại dấu ấn khai hoang của tiền nhân trên bước đường lập nghiệp ở Sài Gòn - TP HCM?

Hỏi như thế bởi sử sách chép lại rằng thuở xa xưa đó, không chỉ đối mặt với phong thổ chướng khí, rừng thiêng nước độc, người xưa còn phải đương đầu với thú dữ hùm, beo, cọp, sấu… nữa. Nó được tái hiện thế nào? Đây chỉ là một trong rất nhiều hiện vật cần có trong không gian bảo tàng văn hóa nhằm tái hiện đời sống của lớp người khai cơ, khai canh tại đây.

Với nhiều bảo tàng hiện đại, khi vào tham quan, ta không chỉ tận mắt nhìn hiện vật, nghe thuyết minh mà còn là phòng chiếu bóng với những thước phim tài liệu sống động… Với sinh hoạt mua bán, trên bến dưới thuyền của cảng biển Sài Gòn, Bến Nghé, Chợ Lớn… cũng cần được thể hiện lại một cách bài bản. Tất nhiên, không chỉ dừng lại đó mà còn là những dấu vết thăng trầm của biến động lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội về sau nữa. Thí dụ, về văn hóa, đâu là nơi để du khách có thể hình dung ra từ nói thơ Sáu Trọng, thầy Thông Chánh, Hai Nhỏ… đến đờn ca tài tử rồi hình thành nghệ thuật cải lương? Loại hình này ngày càng đơm hoa kết trái như hôm nay, chính là nhờ từ hệ thống rạp hát, gánh hát đã hội tụ nơi này. Sự đặc sắc này, không một địa phương nào có thể sánh kịp. Vậy bảo tàng nào là nơi khắc họa được hành trình độc đáo này?

Với du khách từ xa đến bất kỳ vùng đất nào, ngoài việc tìm hiểu lai lịch của một vùng đất, còn là dịp họ thưởng thức đặc sản. Câu hỏi đặt ra, tưởng dễ nhưng chắc gì đã tìm được câu trả lời đồng thuận, thí dụ, đâu là món ăn tiêu biểu nhất của con người Sài Gòn - TP HCM? Hay chỉ là nơi tổng hợp món ăn của địa phương khác được chế biến theo gu ẩm thực riêng? Theo tôi, rất cần có nhiều nhà hàng bày bán thức ăn thức uống của thời khẩn hoang, vì đây vẫn là nơi tiêu biểu nhất của cư dân phương Nam nói chung. Ăn ở đây không chỉ là thưởng thức mà còn là dịp để chúng ta cùng tìm về nếp ăn của một thời "dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um" của một thời để có được ngày hôm nay. Biết không chỉ để mà biết. Biết còn là lúc hồi tưởng, tưởng nhớ về tiền nhân đã gian nan dày công tìm mọi cách để tồn tại trong ý thức "ăn, ở, mặc" đặng gìn giữ đất đai.

Và một khi nói đến Sài Gòn - TP HCM là nói đến sự hội tụ của "đất lành chim đậu". Cùng với cư dân bản địa, những tinh hoa từ nơi khác tìm đến đã góp phần làm nên diện mạo con người của vùng đất này. Các địa phương khác khó có thể sánh. Dấu vết của họ nay đâu?

Thiết nghĩ, khi ta chú tâm thực hiện các điều này, không chỉ phục vụ du khách mà còn giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Bài học về "Uống nước nhớ nguồn" không chỉ được giáo dục, bồi dưỡng từ sách giáo khoa, nhà trường mà còn sinh động từ ngay trong dòng chảy của đời sống… Bài học này dễ nhớ lại khó quên.

Một cách tôn vinh và biết ơn thế hệ tiền bối

Hiện nay, tại TP HCM đã có một vài nhà lưu niệm của văn nghệ sĩ nổi tiếng được gia đình xây dựng và bảo quản, chúng tôi thiết nghĩ Hội Nhà văn địa phương và Hội Nhà văn Việt Nam nên quan tâm và giúp đỡ nhiều hơn nữa. Vì đây cũng là một cách tôn vinh và biết ơn thế hệ tiền bối. Câu hỏi đặt ra là tại sao hiện nay các công ty du lịch không đưa vào tour tham quan các nhà lưu niệm tại TP HCM là văn nghệ sĩ cho du khách, kể cả khách nước ngoài? Những tên tuổi lẫy lừng như Tản Đà, Ngô Tất Tố, Á Nam Trần Tuấn Khải, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính... bằng thơ văn, đã vượt ra ngoài phạm vi của một quốc gia. Những tên tuổi ấy sẽ góp phần không nhỏ cho mọi người hiểu thêm phần nào bản sắc văn hóa của Sài Gòn - TP HCM.


LÊ MINH QUỐC

(nguồn: Báo Người Lao Động ngày 19.11.2020)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com