BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết Sách ấn bản sai sót nhiều, do đâu?

Sách ấn bản sai sót nhiều, do đâu?

13-chot-1560519642017386048061

Hai cuốn sách nội dung lịch sử tiêu biểu gây tranh cãi sau khi xuất bản

Ngoài biên tập viên chưa am hiểu lĩnh vực biên tập, còn do NXB chưa được phép sử dụng các chuyên gia tham gia một cách chính danh. Hiện nay, ngày càng có nhiều cuốn sách xuất bản bị bạn đọc phát hiện không ít sai sót trong nội dung. Nguyên nhân chính là sai sót từ bản thảo nhưng để những ấn phẩm sai sót này đến bạn đọc là lỗi của khâu biên tập.

Thiếu cẩn trọng

Cuốn "Lịch sử Việt Nam phổ thông" tập 2 (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật), thuộc danh mục sách nhà nước đặt hàng, trong đó có cả phần về nguồn gốc, "gia phả" của anh hùng Lý Nam Đế với nhiều thông tin mới. Lâu nay, các sử gia phong kiến như Lê Văn Hưu (đời Trần), tác giả bộ "Đại Việt sử ký"; Ngô Sĩ Liên và các sử thần đời Lê trong bộ chính sử "Đại Việt sử ký toàn thư" viết về Lý Nam Đế như sau: "Vua họ Lý, tên húy là Bí, người Thái Bình, Long Hưng. Tổ tiên là người Bắc, cuối thời Tây Hán khổ vì việc đánh dẹp, mới tránh sang ở đất phương Nam, được 7 đời thì thành người Nam. Mậu Thìn (548). Mùa xuân, tháng 3, ngày Tân Hợi, Nam Đế ở động Khuất Lão lâu ngày nhiễm lam chướng, ốm chết". Thế mà nay, lại có các thông tin trước đó chưa ai đề cập đến. Nếu am hiểu sử học thì biên tập viên (BTV) phải trao đổi lại với tác giả.

Sách ấn bản sai sót nhiều, do đâu? - Ảnh 1.

Hai cuốn sách nội dung lịch sử tiêu biểu gây tranh cãi sau khi xuất bản

Theo tôi, nhìn về lịch sử, mỗi thời kỳ hầu như các nhà nghiên cứu đều có cách nhìn khác, có thể phong phú hơn, đa dạng hơn do quá trình khám phá, tìm tòi thêm từ nhiều nguồn tài liệu nhằm làm rõ, bổ sung thậm chí chỉnh lý về nhân vật, sự kiện… mà thế hệ trước chưa có điều kiện tiếp cận. Điều này, cần thiết và hết sức bình thường trong nghiên cứu về sử nói chung. Thế nhưng, những thông tin đó một khi chưa có kết luận cuối cùng của Hội Khoa học Lịch sử thì nó vẫn được xem là tài liệu tham khảo, là một gợi ý, phát hiện mới mẻ để người khác hoặc chính người đó hoàn thiện để thuyết phục hơn. Sự cẩn trọng này là không thừa.

Nhưng những thông tin đó được đưa vào tập sách sử có tính chất phổ thông - như bộ "Lịch sử Việt Nam phổ thông", về trường hợp anh hùng Lý Bí - nên sách in xong đã gây nhiều ý kiến là vậy.

Bên cạnh đó, nhiều nhân vật lịch sử khác cũng đã thông tin chưa đúng. Chẳng hạn, trong quyển "Vang mãi khúc quân hành" (NXB Hội Nhà văn) có nhà nghiên cứu cho rằng từ thời trẻ, trung tướng Nguyễn Bình "Sớm theo Bác Hồ trước Cách mạng Tháng Tám". Câu này không thể không "nhặt sạn" vì nếu ai am tường sử học đều biết Nguyễn Bình thời trẻ tham gia Việt Nam Quốc dân đảng, mãi sau này, sau khi ở tù Côn Đảo về mới gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam…

Nhắc lại một, hai chi tiết đơn giản để thấy rất nhiều sai sót trong các ấn bản không chỉ do trình độ BTV yếu mà còn có thể do BTV đó không am tường lĩnh vực mình phải biên tập.

Chứng chỉ biên tập chỉ để được đứng tên

Nhằm chấn chỉnh sai sót trong xuất bản, vài năm gần đây, Cục Xuất bản có quy định là cán bộ BTV tại các NXB phải theo học lớp biên tập về nghiệp vụ. Điều này thoạt tưởng là một trong những biện pháp tích cực nhưng rồi sai sót vẫn… sai sót. Vậy vấn đề cốt lõi nằm ở đâu? Để trả lời câu hỏi này, tôi xin nêu ý kiến của một nhà làm sách tư nhân tại TP HCM - đơn vị làm sách của anh nổi tiếng đã làm được nhiều ấn bản "nặng ký" từ hình thức đến nội dung.

Anh bảo: "Trước khi đưa bản thảo qua NXB làm thủ tục liên kết xuất bản, đội ngũ nghiệp vụ của chúng tôi đã biên tập chỉn chu. Bên đó, chỉ xem lại nội dung theo Luật Xuất bản, còn lại về chuyên môn thì không phải thay đổi, chỉnh sửa gì cả". Tôi ngạc nhiên hỏi: "Tại sao? BTV của các NXB được trả lương để làm việc này cơ mà?". Anh cười và chỉ tay lên kệ sách, tôi nhìn thấy các tập sách về triết học, lịch sử, văn minh Đông Tây kim cổ: "Các loại sách này, thử hỏi cán bộ biên tập dù tốt nghiệp đại học mà không thuộc chuyên ngành được đào tạo thì liệu họ có hiểu tường tận? Do đó, khi xuất bản các ấn phẩm này, chúng tôi phải thuê các vị giáo sư, tiến sĩ giỏi thuộc chuyên ngành đó thẩm định chất lượng bản thảo và biên tập trước".

Theo chúng tôi, đây là một cách làm sáng tạo, linh hoạt nhằm tránh sai sót. Chứ hiện nay, do quy chế chỉ những ai có chứng chỉ biên tập thì mới được đứng tên trang nộp lưu chiểu. Mà trình độ biên tập dù có "giỏi bằng trời" đi nữa làm sao có thể am hiểu, thấu hiểu mọi lĩnh vực?

Thật ra, sáng kiến này không quá mới. Tôi còn nhớ là khi NXB Trẻ mới thành lập, nhằm bung ra tìm nhiều đầu sách hay, giá trị phục vụ bạn đọc, bấy giờ giám đốc là anh Trương Văn Khuê đã nhờ cậy đến chất xám của các trí thức thực thụ tài giỏi. Dù không phải cán bộ của NXB nhưng với kiến văn uyên bác, họ đã giúp ích nhiều cho NXB khi xử lý bản thảo nào đó. Việc làm này là cần thiết và là kinh nghiệm quý báu trong tình hình xuất bản hiện nay.

Được quyền thuê người biên tập, sao không?

Trong thời buổi thị trường sách đang có nhiều sai sót về nội dung, nên chăng cơ quan quản lý xuất bản "bật đèn xanh" cho các NXB được quyền thuê biên tập một cách chính danh. Chính danh ở đây hiểu là người đó phải đứng tên ở trang lưu chiểu bình đẳng như BTV đã có chứng chỉ hành nghề biên tập, tức họ có ý thức phải chịu trách nhiệm trước công luận, thậm chí pháp luật về những gì mình đã biên tập.

ANH LƯU

(nguồn: Báo Người lao động -ngày 15.6.2019/ https://nld.com.vn/van-nghe/sach-an-ban-sai-sot-nhieu-do-dau-20190614204204055.htm)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com