BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ - MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI

LÊ MINH QUỐC: Cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ - MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI


Nhà báo - Nhà văn - Nhà thơ Lê Minh Quốc và đôi lời nhận xét về cuộc thi truyện ngắn viết Phụ nữ - "Một nửa làm đầy thế giới" - chặng tháng 3 - 2019.

58749289_565648743926693_1205060981651144704_n


Trong tháng 3.2019, trung bình mỗi ngày, Ban Tổ chức Cuộc thi viết Phụ nữ - một nửa làm đầy thế giới, nhận được truyện ngắn mới. Điều này cho thấy chủ đề cuộc thi đã đáp ứng được nhu cầu của người viết. Một khi đến với “sân chơi” này, tức là lúc họ có dịp bộc bạch, trình bày những điều mà mình đã suy ngẫm và tâm đắc. Có thể nói, mỗi truyện ngắn là một lát cắt, một góc nhìn đa sắc và nhiều tình tiết thuyết phục bạn đọc lẫn ban giám khảo.

Tuy nhiên khi đọc hết các bài dự thi, có một điều khiến tôi cảm thấy phân vân nhất vẫn là cách viết còn dàn trải, mông lung, thiếu đi sự chắt lọc, chọn lọc lấy chi tiết đắt giá nhất. Chính vì thế, dù truyện ngắn nhưng tiếc thay đa phần lại viết quá dài, dài như một truyện vừa với cả chục ngàn từ! Nếu cắt ngắn gọn, mạnh dạn loại bỏ những chi tiết rườm rà, cà kê không cần thiết thì vẫn tốt hơn cho sự kiên nhẫn của người đọc.
 

Một khi nói, Phụ nữ - một nửa làm đầy thế giới, tất nhiên ta hiểu rằng, trong sóng gió cuộc đời, sự có mặt của họ hiểu theo nghĩa nào đó vẫn là ánh sáng của sự lạc quan. Không xuôi tay. Không bỏ cuộc nửa chừng. Nói như thế, không hề “sách vở” mà đâu đó quanh đây chúng ta đã gặp, đã chứng kiến. Và đó chính là chất liệu để tạo nên những truyện ngắn có nhiều chi tiết hằn vết sâu lắng, khó quên.

Tôi tin rằng, bạn đọc sẽ bị cuốn hút theo câu chuyện Cùng anh vào đời (Nguyễn Hiệp), ở đó, Ly - người vợ đã chăm chồng lúc chẳng may bị tai nạn phải nhập viện. Khoảng thời gian ấy, khủng khiếp biết chừng nào. “Vào được tới đây là sống rồi”, câu nói của một người bệnh đã giúp chị vững tin và nhẫm đi nhẫm lại trong trí nhớ. Có chi tiết cực kỳ ấn tượng, rằng, sau phẫu thuật đớn đau tột cùng, đến một ngày, người chồng có nhu cầu bài tiết. Không hề dễ dàng như mọi người bình thường, chứng kiến sự quằn quại đau đớn, khó nhọc của chồng, toan gọi bác sĩ, bỗng chị khựng lại: “Chợt Ly ngửi thấy mùi hôi bốc lên từ dưới tấm ra, Ly lặng người hít một hơi từ từ, xác định lại lần nữa có đúng cái mùi ấy không…”. Và lạ thay, chính nó “lại mang đến cho Ly một niềm hạnh phúc lớn đến như vậy”. Một chi tiết hay, nhiều chi tiết hay sẽ giúp truyện ngắn “vững” hơn và hoàn chỉnh hơn.

Bên cạnh đó, tôi cũng lưu ý đến truyện ngắn Nhà (Vũ Thị Huyền Trang), Vượt qua (Kiều Bích Hậu), cùng là câu chuyện cảm động của hai bà mẹ chăm con. Với con - một báu vật mà khi bị dị tật, bệnh bẩm sinh nào đó thì bằng mọi cách, người mẹ lại kiên trì cùng con chiến đấu, bất chấp mọi gian nan để vượt qua. Bao nhiêu năm dành dụm, tích cóp mới có được cái nhà nhưng vì con, người mẹ không nề hà gì sẵn sàng bán ngay. Vũ Thị Huyền Trang đã nói được một điều rất đúng: “Vợ chồng, con cái mới chính là cái hồn của những mái nhà. Nên chỉ cần con khỏe mạnh thôi thì có phải sống lại đời ở trọ ở bất cứ đâu cũng sẽ là nhà”.

Với Vượt qua lại là một hành trình tưởng chừng như quá sức chịu đựng của một người mẹ. Nhiều chi tiết ấn tượng. Kỳ lạ thay, ít ra với người đàn ông, có lẽ họ khó có thể thấu hiểu nổi vì sao lúc xa con, dù con đang chữa bệnh nhưng với người phụ nữ lại là một thử thách ghê gớm. Thử thách về sự nhớ thương quay quắt từng ngày. Phải là nguời mẹ mới có thể viết một câu đơn giản mà nặng trĩu một tấm lòng: “Dù dằn vặt nhưng rồi chị cứ nhịn, mỗi ngày đi qua mà chị nhịn được, để không còn mua vé đến trung tâm xem con ăn ở sinh hoạt thế nào, chị coi là một chiến thắng, chiến thắng chính mình. Nếu mẹ không vượt qua chính mình, thì làm sao chữa bệnh nổi cho con”. Vâng, chính những điều tương tự như thế này, đã góp phần lý giải vì sao, người phụ nữ - “một nửa làm đầy thế giới”.

Bên cạnh đó, tôi còn thích Người đàn bà canh biển (Võ Minh Huy), Như chưa từng có cuộc chia ly (Hồ Xuân Đà) với những chi tiết chân thật trong đời thường. Niềm vui người đàn bà canh biển là gì? “Đồng hồ đã điểm sang 1 giờ sáng. 50 chiếc tàu cá ở làng chị lần lượt được chị liên lạc, hướng dẫn tỉ mỉ cho từng tàu tìm đường tránh bão.... “Vậy là đã thoát bão” - chị lẩm bẩm một mình rồi đưa mắt nhìn về hướng bàn thờ, nơi có di ảnh chồng. Chị nhìn anh không chớp mắt như muốn khoe: “Đêm nay em đã canh biển thành công rồi anh ạ! Các tàu của bà con làng mình đều an toàn cả”. Dù chồng mất ngoài khơi xa trong ngày biển động, tôi tin anh vẫn ngậm cười hài lòng khi biết được việc làm của chị.

Sự lặng lẽ ấy, không gì to lớn ồn ào nhưng vẫn tạo ấn tượng cho người đọc. Cũng tựa như, người đàn bà trong Như chưa từng có cuộc chia ly, lúc còn sống thì người người chồng lăng nhăng mèo mỡ nhưng khi mất đi, người vợ vẫn chu toàn theo phận sự. Vì thế, thiên hạ phải phân vân, nghĩ ngợi: “Không lẽ chuyện ly dị trước đây chỉ là tin đồn?”. Đọc truyện ngắn này, tôi nghĩa đạo lý “nghĩa tử là nghĩa tận” của người Việt nói chung.

Cuộc thi hiện nay vẫn còn tiếp tục nhận bài thi đến ngày 22.08.2019, mong rằng, sẽ có thêm nhiều truyện ngắn hay nữa. Dù biết rằng, trong các thể loại thì truyện ngắn bao giờ cũng là một thử thách đối với nhà văn.

⚡⚡Lê Minh Quốc⚡⚡

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com