BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết Lê Minh Quốc: Thơ bóng đá của Sài Gòn xưa

Lê Minh Quốc: Thơ bóng đá của Sài Gòn xưa

 

tho-bonvgda-cua-nguoi-viet-xua

 

'Trận bóng đá đầu tiên tổ chức tại Sài Gòn vào năm 1905. Đó là cuộc thi đấu giữa hai đội tuyển: Tuyển Sài Gòn và Chiến hạm King Alfred khi chiến hạm này đến thăm Sài Gòn' và 'Đội bóng đá VN được thành lập đầu tiên vào năm 1907 - đội Gia Định Sport'. Tài liệu này được trích từ tập sách Những cột mốc 100 năm bóng đá Việt Nam (NXB Trẻ - 2012, tr.14). 

Tuy nhiên cũng có tài liệu cho biết trước đó, từ những năm 1896, tại Jardin de la Ville (nay là công viên Tao Đàn) thì hằng tuần thường có một nhóm người nước ngoài tụ tập chơi bóng đá. Với người dân Sài Gòn, trò chơi này ngộ nghĩnh, mới lạ và họ cũng tụ tập hò reo, cổ vũ. Bấy giờ, tên gọi bóng đá chưa ra đời. “Hồi đầu gọi là bóng tròn, phân biệt với bóng bầu dục - đến Sài Gòn rồi khoảng mười năm sau mới lan ra miền Bắc” (SĐD, tr.18).

Hơn 100 năm trước người Việt đã chơi bóng đá

Xét ra, hơn trăm năm trước, người Việt đã làm quen với môn thể thao này. Tất nhiên, với các chàng thi sĩ nước Nam thì từ đây, họ đã có thêm cảm hứng để sáng tác thơ - một đề tài mà trước đó chưa hề xuất hiện. Khi tìm đọc các vần thơ viết về bóng đá, ta nhận ra rất rõ một điều là qua đó, tinh thần thượng võ của người Việt đã có dịp ngợi ca như một cách truyền cảm hứng đến cầu thủ.

Từ năm 1955, nhà thơ Tam Nguyên đã có bài thơ Sân banh, đây là nơi: “Các hội banh hùng dũng khắp hoàn cầu/Không phân biệt màu da và ngôn ngữ”. Câu thơ này cho biết chi tiết ít ai lưu ý, thuở ấy, gọi “hội banh” chứ không gọi “đội bóng” như hiện nay. Và tác giả đã miêu tả các “chiến binh” tung hoành trên sân cỏ thật ấn tượng: “Mang tài ba mong lập được đầu công/Tiếng hoan hô ầm ầm như sấm nổ/Tiếng vỗ tay rào rào như thác đổ/Những chàng trai lồng lộng tựa thiên thần/Chạy theo banh bay nhảy khắp trên sân/Những bắp thịt phồng to trong nắng dội/Những mớ tóc bồng cao trong gió thổi/Mắt mở to lóng lánh ánh thần đăng/Mình lao đi vùn vụt tựa sao băng”. Những câu thơ khỏe khoắn này, hoàn toàn khác với vần điệu vịnh trăng, hoa, tuyết, nguyệt đã quá quen thuộc.

Những danh thủ vượt thời gian

Với các “túc cầu giáo”, họ làm sao không nhớ đến những danh thủ “vượt thời gian” như hậu vệ Trần Hữu Tường (tự Xường), trung phong Phan Văn Tốt, thủ môn Phạm Văn Rạng, huyền thoại Trương Tấn Bửu, thủ quân Phạm Huỳnh Tam Lang… Và, họ đã có thơ ca ngợi các tài năng này, chẳng hạn, tác giả T.N viết về Phạm Văn Rạng: “Thủ môn quốc tế Sài thành/Dẻo dai, vững chắc, khôn lanh, tuyệt vời/Rạng danh tay nhựa một thời/Anh em tín nhiệm mọi người mến yêu”. Do tài nghệ “Bắt banh bay bướm mỹ miều” nên giới mộ điệu kháo nhau lúc trà dư tửu hậu rằng, trong cuộc so tài luân lưu thì cả ba lần Phạm Văn Rạng đều bắt được bóng từ cú sút 11 m của vua bóng đá Pele! Lời đồn thổi, thêu dệt này cho thấy Rạng xứng danh với lời khen tặng “thủ môn số 1 châu Á” của người đương thời.

Về danh hiệu “bàn tay nhựa” trong làng bóng đá nước nhà, còn có thể kể thêm danh thủ Duy Bỉnh Koóng, từng làm mưa làm gió, tung hoành trong các trận đấu quốc tế. Từ năm 1959, nhà thơ Tú Hào đã có thơ ngợi ca: “Ánh nắng mây lướt chim đầu cành/Một ngày khổ luyện biết bao canh/Đèn sáng bóng lăn người bay bổng/Áo quần thấm ướt nhớ thương anh”.

Về trung phong Phan Văn Tốt, hậu vệ Nguyễn Văn Vàng, nhà thơ Đinh Nguyên có thơ ca ngợi: “Tài ba nghệ thuật phô trương/Nhiều pha diễm ảo, cầu trường say mê… Tới lui, lên xuống bất ngờ/Làm cho đối thủ ngẩn ngơ khó lường/Đường thêu vẽ nhiều phương biến ảo/Nghệ tinh vi khéo tạo nên “bàn”/Đang cơn rối loạn hoang mang/Sút tung lưới nghịch, cả đoàn nên danh”. Những vần thơ viết về các danh thủ đã cho thấy sự khâm phục về tài trí, sức lực của người Việt trên sân cỏ.

Có một điều thú vị, thơ bóng đá còn lừng lững đi vào sách giáo khoa dành cho học sinh ở miền Nam. Khi biên soạn sách Tập đọc lớp Nhất (in năm 1969), nhà giáo Bảo Vân đã miêu tả Trận cầu quốc tế, dù “Tuyển thủ nước nhà hơi nhỏ bé/Nếu so cùng cầu tướng ở phương xa” nhưng tại sao vẫn thắng? “Ta tuy bé so đồng lòng cố gắng/Biết nêu cao gương đoàn kết, đấu tranh/Khi giao banh, khi phá lưới, hãm thành/Nên đoạt giải, dù địch to gấp bội”. Tương tự, trong sách Quốc văn toàn thư lớp Nhứt (in năm 1973), nhà giáo Hùng Sơn cũng lý giải: “Quân nhà tuy nhỏ chẳng nhường/Gan lì, nhanh lẹ mở đường tranh phong”.


Đã nói về bóng đá, ta nghĩ ngay đến những con người có thể chất khỏe mạnh, phơi phới yêu đời, có tinh thần thượng võ vì màu cờ sắc áo. Và sức hấp dẫn của trò chơi này đã lôi cuốn niềm say mê, cổ vũ của nhiều hạng người. Ngay cả thi sĩ nổi tiếng từng bầu bạn với “nàng tiên nâu” là Đinh Hùng cũng có lúc hào hứng, nhiệt thành: “Lướt đường banh tung bách chiết thiên ma/Lượn sân cỏ tựa trường xà, mãnh hổ/Nào những lúc nghe trời nghiêng, đất lở/Nào những “pha” ôi quỷ khốc thần sầu/Khi chuyền bay, khi đá sệt, khi “cúp tết”, khi rót đầu/Nghỉ một lúc lâu lâu rồi lại đá/Đá như thế, ai mà không muốn đá/Đá bằng chân mà thiên hạ cúi đầu/Cầu vương làm lệch địa cầu”.

Trải theo năm tháng, các nhà thơ lớp sau, sau năm 1975 cũng tìm cảm hứng từ bóng đá. Có thể kể đến những Trương Nam Hương, Đoàn Tuấn, Thanh Thảo, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Thái Dương, Đoàn Vị Thượng… Nhưng đáng kể nhất vẫn là Bùi Chí Vinh, hầu như bất kỳ các trận bóng nào, anh cũng đều có… thơ!

L.M.Q
(nguồn: Báo Thanh Niên ngày 08/07/2018)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com