BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Lòng thanh thản lật từng tờ giấy ngoan

LÊ MINH QUỐC: Lòng thanh thản lật từng tờ giấy ngoan

longthannh-than-lat-tung-to-giay-ngoanm1R



“Ngồi dưới một vòm lá xanh/ Tháng giêng bước đến, tôi thành trẻ thơ/ Tay không vướng chút bụi mờ/ Lòng thanh thản lật từng tờ giấy ngoan/ Tôi ngồi đọc sách hân hoan/ Bao nhiêu ý tưởng rộn ràng vây quanh/ Tưởng chừng như chiếc lá xanh/ Và tôi phút chốc hóa thành tháng giêng”. Ấy là cảm giác, một hình ảnh khó quên trong ký ức. Mỗi lần nhớ lại, y vẫn còn giữ nguyên sự cảm phục: Một buổi trưa, vừa bước ra ngoài hiên đứng ngó đất nhìn trời, bất ngờ, thấy một chiếc xích lô dừng lại trước cửa nhà. Từ trên xa bước xuống là chị Ái, chị ruột của y, ối dào, trên tay chị kệ nệ là sách, được gói cẩn thận, có cả nơ xanh, đỏ đính theo.

Sau khi chị bước vào nhà, y mới biết đó là phần thưởng của nhà trường dành cho học sinh giỏi. Những quyển sách ấy, chị cho mượn đọc, với y, từ năm tháng tuổi thơ là “bè bạn” chân tình. Y đã đọc ngấu nghiến, đọc từng trang và ước mơ sau này cũng được thầy cô tặng phần thưởng là sách. Bấy giờ, phần thưởng nhà trường dành cho học trò chỉ là sách. Suốt năm tháng tiểu học, rồi sau này lên bậc trung học, thế hệ y đã bước đầu làm quen với sách từ niềm vui trong trẻo như thế.

Ngoảnh lại với thời gian, chẳng ngờ, bây giờ không phải đứa trẻ nào cũng có niềm vui ấy. Đơn giản chỉ là, do không có nhiều thời gian đưa con đi nhà sách, tự tay lựa sách cho con; vì thế, lúc con ngoan, đạt điểm cao hoặc nhân sinh nhật, dịp vui nào đó, bố mẹ thường chọn cách “nhanh, gọn, lẹ” bằng câu hỏi: “Con thích gì, ba mẹ mua cho con”. Câu hỏi ấy, đơn giản nghĩ rằng, cho con chọn tức đã khiến con hài lòng, thích thú với món quà đó. Mà ở đứa trẻ, sự yêu thích sách không phải ngẫu nhiên mà có. Nó còn cần được sự tác động, định hướng, hướng dẫn từ các bậc phụ huynh nữa.

Làm thế nào để thay đổi một quan niệm về cách tặng quà? Khó lắm. Khó ở chỗ hiện nay, thói quen tặng sách cho con, tặng cho người thân hầu như không còn mấy ai chú trọng. Nghĩ rằng, một khi đã tặng thì phải tặng vật gì đó đắc giá, “đáng đồng tiền bát gạo”, không “đụng hàng” càng tốt ắt mới đẳng cấp, sang trọng và người nhận mới hài lòng. Dần dần mọi người mặc nhiên thừa nhận phải là vậy. Tặng sách à? Dễ quá. Giá tiền chẳng bõ bèn gì, ai cũng có thì có gì là “độc”?

Nghĩ thế là sai lầm.

Khi tặng một/nhiều quyển sách, tức bản thân ta đã biểu lộ sự tôn trọng về tri thức, nhân cách, sự am tường của người nhận. Rồi sau này, có dịp, ta cùng người đó tranh luận, trao đổi, chia sẻ về những câu chuyện, triết lý, vấn đề trong những quyển sách đó, há chẳng phải là tri kỷ, tri âm cùng có chung thú vui tao nhã đó sao?

Hiện nay, vào các chung cư đố ai nhìn thấy chủ đầu tư bố trí phòng đọc sách dành cho cư dân nơi đó. Hầu như không có. Ngày kia, có một bạn văn đã làm một điều khiến y cảm động và thán phục: Sau nhiều năm công tác tại nhà xuất bản, được sở hữu một số lượng sách không nhỏ, lúc về hưu chị đã dành tặng toàn bộ cho khu chung cư đang ở. Chị mong muốn rằng, nơi này, phải có thư viện mi ni dành chung cho mọi người. Việc làm này, sau đó đã được nhiều người chung tay tiếp sức. Để hình thành một thói quen, trước hết, phải có người thắp lên ngọn lửa từ những việc làm tốt đẹp. Dần dần, nó mới có sức lan tỏa từ sự kết nối của nhiều nơi, nhiều chốn.

Vấn đề tặng quà là sách cũng vậy thôi. Bắt đầu từ đâu? Từ ngay từ trong gia đình mình. Và chắc chắn những quyển sách đó sẽ là bạn đồng hành cùng người được tặng. Rồi lúc nhìn sách, họ sẽ nhớ đến người đã tặng. Đành rằng, các món quà khác cũng vậy nhưng quà là sách thì sao? Thưa rằng, nó không chỉ là sách mà ở đó là những con chữ mở ra biết bao điều cần nói mà người tặng muốn gửi gắm.

Nói đi cũng phải nói lại. Trách làm sao được, bởi do mối quan hệ lâu nay, họ chẳng hề được tặng sách mà chỉ được tặng rượu thì sao? Thế thì, gia chủ cần xem lại chính mình. Cả đời không đọc sách, không yêu quý sách thì hà cớ gì người ta phải tặng sách? Một khi mình có yêu, có thích thì người ta mới biết mà “gãi đúng chỗ ngứa” chứ? Đúng lắm. Y có chị bạn đang làm ở HTV, hễ đến ngày sinh nhật, chị luôn có món quà yêu thích nhất: Sách. Do bản thân cô nhóc cũng thích sách bởi ngay từ lúc còn bé, người mẹ đã từng tặng sách, tập thói quen thích đọc sách cho con.

Khi người ta mua sách, dù chưa chắc có thời gian đọc liền ngay nhưng điều quan trọng nhất: Thói quen này góp phần thay đổi một thẩm mỹ, một nhận thức về giá trị của cái đẹp. Từ thập niên 1930, nhà văn Vũ Trọng Phụng từng tâm sự với nhà văn Lan Khai: “Trong đời tao, tao không oán gì bằng cái tủ chè. Thực tế cái dân An Nam này đã khốn khổ và còn khốn khổ vì cái tủ chè đểu giả ấy không biết đến bao giờ! Mày thử xem, trong mỗi nhà, cái chỗ tốt đẹp nhất đáng lẽ phải để tủ sách, treo những tác phẩm về mỹ thuật hay đặt máy truyền thanh, người mình chỉ kê cái tủ chè” (Tạp chí Tao Đàn số tháng 12.1939).

Nhìn rộng ra một chút, đừng nói đâu xa, Singapore vẫn là nơi ta dành nhiều thiện cảm nhưng người đứng đầu đất nước ấy vẫn chưa hài lòng. Trước lúc Trường Đại học Nam Dương và Đại học Singapore hợp nhất thành Trường Đại học Quốc lập Singapore, ngày 20.5.1980, Thủ tướng Lý Quang Diệu đã có buổi nói chuyện với giáo chức của hai trường này. Ông cho biết, lúc bất ngờ đi thăm một số gia đình: “Điều làm cho tôi nhiều lần ngạc nhiên, là chỉ thấy các thiết bị âm thanh, những đồ dùng gia đình đắt tiền, những máy thu hình màu, mà chưa bao giờ tôi thấy một tủ sách hoặc một giá sách. Tôi rất ít thấy tranh vẽ” (Tuyển tập chính luận của Lý Quang Diệu - NXB Chính trị Quốc gia - 1994).

Trở lại với kỷ niệm cũ từ năm tháng tuổi thơ, y nghĩ gì? Rằng, bà chị ruột đã mất, đã về suối vàng, những quyển sách mà chị nhận phần thưởng ngày xa xưa ấy cũng đã mất. Thế nhưng những gì đã đọc, những dòng chữ từ trang sách ấy vẫn còn, vậy chị y vẫn còn chứ nào đâu đã mất. Đúng không nào? Bằng tâm thế đó, sáng này 8.1.2017, y đã đến tại Đường Sách tham dự giao lưu giữa bạn đọc với bốn nghệ sĩ (NS):  Kim Cương, Thành Lộc, Hữu Châu và Quế Trân.

Có ý kiến cho rằng, trở thành nghệ sĩ là do người đó có gen di truyền từ trong máu thịt. Ngay từ lúc lọt lòng, thậm chí còn nằm trọng bụng mẹ, họ đã được “thai giáo” bằng nghệ thuật. Ý kiến này đúng mà chưa đủ. Hãy nghe NSND Kim Cương tâm sự: “Có một điều thiệt thòi cho anh em NS nước ta là họ không được học hành bài bản, đến nơi đến chốn, rất ít người có bằng cấp thạc sĩ, tiến sĩ. Ý thức được điều này nên tôi và nhiều NS khác đã bổ sung bằng cách đọc sách và học từ các đồng nghiệp”. Bà kể, ngày trước nhờ quen với một thủ thư nên có cơ hội mượn được nhiều sách và bà thích nhất là đọc các tác phẩm văn học nước ngoài. Thời gian gần đây, tìm hiểu và yêu thích triết lý nhà Phật, NS Kim Cương “gối đầu gường” bắng các sách của các vị Nguyễn Tường Bách, Cao Huy Thuần, Thích Thanh Từ… Từ đó, bà tìm được nguồn vui sống qua những việc làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo.

NS Hữu Châu có bật mí đoàn hát của NS Kim Cương ngày trước còn trang bị thêm một tài sản rất quý: rương sách. Rương sách này, cùng đi theo họ trong những chuyến lưu diễn. Nói cách khác, chính NS Kim Cương luôn khuyến khích anh em trong đoàn đọc sách, khơi dậy tâm hồn họ một tình yêu về sách. Điều thú vị, theo nhà báo Thanh Hiệp là Hữu Châu luôn giữ thói quen khi bắt gặp tập sách hay, đều mua tặng đồng nghiệp như một cách cách chia sẻ.

Với NS Thành Lộc, anh hào hứng cho biết từ thời còn sinh viên đã đọc tìm Dostoevsky dù không hiểu gì mấy. Nhưng sau này, đọc lại lần nữa, anh mới thật sự thấm thía. Điều này bình thường thôi, bởi nói như nhà văn hóa Lâm Ngữ Đường, đọc sách cũng tựa như xem vầng trăng qua mỗi thời kỳ, thuở bé thấy thế này, rồi lúc lớn lên lại phát hiện thêm vẻ đẹp khác. Còn nhớ, trong kiệt tác Tội ác và trừng phạt, Dostoevsky có viết: “Chàng chỉ thừa nhận tội lỗi của mình ở mỗi một điểm đó: chẳng qua chàng đã không qua được cuộc thử thách và đã ra tự thú”. Rõ ràng, áp lực của lương tâm còn ghê gớm, khiến người ta còn sợ hãi hơn cả các ràng buộc của luật pháp. Nếu trước đó, “cái tiếng nói thì thầm” của Raskolnikov kịp thời lên tiếng, chắc chắn mọi việc đã khác.

Thấu hiểu điều này, vì thế, khi nhập tâm vào nhân vật dằn vặt về sự trừng phạt của cái ác từ nội tâm, Thành Lộc phải diễn thế nào để lột tả tinh thần ấy. Và anh nói rất thật rằng, nếu không đọc, không thẩm thấu các tác phẩm của Dostoevsky, Molière, Shakespeare…  và nhiều kiệt tác khác, anh khó có thể diễn đạt được những câu thoại giàu tính văn học. Cũng câu thoại ấy, nếu một NS không đọc sách, không am hiểu thì khó lột tả hết sắc thái của nó.

Còn NS Quế Trân tâm sự, các vai diễn về nhân vật lịch sử, để có thể diễn tốt nhất, ba của cô là NS Thanh Tòng dạy rằng phải biết quan sát, học hỏi cách diễn của lớp đàn anh, đàn chị; và điều quan trọng nữa là phải trang bị sự hiểu biết từ sách sử nước nhà để có sự phối hợp hoàn chỉnh.

Sực nhớ, từ thập niên 1970, lúc chủ bút tạp chí Văn Học, nhà báo Phan Kim Thịnh cho biết, số lượng phát hành nhiều nhất vẫn là miền Trung. Khảo sát từ tạp chí Văn, Phổ Thông, Bách Khoa… ngày trước in ấn tại miền Nam, y nhận ra rằng trong mục “Hộp thư cộng tác” nhiều nhất vẫn từ độc giả ở miền Trung. Chỉ mỗi người miền Trung ham đọc sách? Không phải đâu, người Việt bất kỳ vùng miền nào cũng có thói quen đọc sách. Có lẽ thói quen ấy hình thành từ môi trường giáo dục của gia đình. Không phải ngẫu nhiên, cổ nhân dạy rằng: “Để lại cho con một rương vàng không bằng để lại quyển sách quý”.

Y may mắn có sở thích, hễ thấy sách có giá trị là mua. Mua mọi lãnh vực, dù chẳng hề có nhu cầu sử dụng vì biết đâu có lúc sẽ sử dụng đến? Có những quyển sách với mình chẳng hữu ích gì, dù tò mò lật ra cũng chẳng hiểu gì nhưng rồi lúc tặng cho người khác, nhìn thấy sự sung sướng của họ hiện rõ trên gương mặt, tự dưng mình cũng vui lay.

Đừng bao giờ ngốc ngếch nghĩ rằng, chỉ có văn nghệ sĩ, chính khách, nhà báo, nhà giáo… mới thích đọc sách. Đọc sách là nhu cầu của mọi người, mọi giới, không là độc quyền của một ai. Xin đơn cử một trường hợp, hiện nay tại Đường sách, ở các tiệm bán sách trên đường Trần Nhân Tôn, Nguyễn Chí Thanh, Trần Huy Liệu… nếu nhiều lần lui tới mua sách ắt ta phát hiện, làm quen với không ít nhân vật kỳ khôi.

Y quen dăm người dù học hàm, học vị chẳng có gì, chỉ là lao động bình thường “kiếm cơm” bằng nghề bán sách, thế nhưng khi trò chuyện lại ngạc nhiên về vốn kiến thức, sự am hiểu của họ ở nhiều lãnh vực. “Nhờ đâu?”, trả lời câu hỏi này, một người cười khà khà: “Có những cuốn sách mà khách săn lùng ráo riết, mình hỏi vì sao tìm mua, sau nghe họ giải thích, mình cũng tìm đọc cho biết”. Chình từ chỗ “cho biết” đó, ban đầu chỉ là người đi tìm nguồn sách bán kiếm lời, họ đã đọc và tự nâng tri thức của mình lên. Đúng vậy, các ông Vương Hồng Sển, Toan Ánh, Nguyễn Đình Tư… trở thành nhà nghiên cứu của nhiều bộ sách đồ sộ, có giá trị, họ không giấu giếm là nhờ thời gian làm thủ thư ở thư viện, có thời gian đọc nhiều sách.

“Tay không vướng chút bụi mờ/ Lòng thanh thản lật từng tờ giấy ngoan/ Tôi ngồi đọc sách hân hoan/ Bao nhiêu ý tưởng rộn ràng vây quanh”. Khi thể hiện về sự ham thích đọc sách, cũng chính là lúc người ta gieo vào trong hồn mình về một hạt mầm hướng thiện.

L.M.Q

(nguồn: Tạp chí Kiến thức ngày nay XUÂN 2018)

Ghi chú:

Bài tạp bút 1 trong tập sách NGÀY QUA BÓNG NGÀY đang in & sẽ phát hành sau Tết 2018)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com