BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: "Má ơi, con muốn lấy anh thợ bào"

LÊ MINH QUỐC: "Má ơi, con muốn lấy anh thợ bào"

ma-oi-con-muon-laty-anh-tho-bao1-R

 

"Em là thứ bánh thường dùng/ Ngã vào mưa gió đùng đùng nổi lên/ Bỏ thêm dấu sắc vào bên/ Người người khiếp sợ tìm đường bỏ đi /Đố bạn, em là cái chi/ Mà bác thợ mộc có khi mới xài?". Mấy câu này, biết đâu ai đó vẫn còn nhớ thời đi học, thầy cô giáo đã từng đố là những chữ gì?

Khoan vội trả lời, hãy đọc lại một câu trong "Truyện Kiều": "Cỏ lan mặt đất, rêu phong dấu giày". Từ "phong" có nghĩa là gì? Hãy nghe cụ Đào Duy Anh giải thích: "Dấu giày ở trên sân hay trên đường vào nhà, rêu đã phong kín, nghĩa là từ lâu không có người đi, cho nên dấu giày đã bị rêu phủ". Rõ ràng, "phong" được hiểu theo nghĩa che phủ, bọc kín, gói kín. Nói cách khác, rêu đã bao lấy dấu giày. Tương tự, trong thơ Nôm Nguyễn Trãi có câu: "Thu im cửa trúc mây phủ/Xuân tịnh đường hoa gấm phong".

Nhằm diễn đạt từ "phong" theo nghĩa trên, lời ăn tiếng nói dân gian sử dụng dễ hiểu hơn: "bao". Dễ hiểu bởi nay vẫn đang tồn tại, đồng hành cùng thời đại của chúng ta, chẳng hạn, "Ngó lên đầu tóc em bao/ Chéo khăn em bịt, dạ nào không thương?". Cái bao này, thời nhỏ, tôi còn thấy mẹ tôi sử dụng, là túi lưới nhỏ mịn chỉ bằng nắm tay. Sau khi bới tóc có búi gọn gàng về phía sau ót, người ta dùng một cái túi lưới nhỏ bao/bọc tóc lại cho khỏi bung mối. Bao tóc ấy cũng là một cách làm đẹp của quý bà, quý cô ngày trước.

Trở lại với câu đố "Em là thứ bánh thường dùng". Vậy bánh gì? Do câu thứ hai, "Ngã vào" (thêm "dấu ngã") ắt "mưa gió đùng đùng nổi lên" nên ta thừa biết là "bão". Vậy, đích thị "em" ở đây là bao/bánh bao.

Câu đố: "Ngã vào mưa gió đùng đùng nổi lên", tưởng không gì phải tranh cãi nữa. Thế nhưng, "bão" trong một vài ngữ cảnh vẫn còn có cách hiểu khác nhau. Chẳng hạn, có người rơi vào tình cảnh trớ trêu, éo le như "Kẻ ăn rươi người chịu bão" - tương tự "Quýt làm cam chịu", "Kẻ ăn ốc người đổ vỏ", "Kẻ ăn mắm người khát nước"... Vậy "bão" trong câu thành ngữ trên, ta hiểu làm sao? "Từ điển tục ngữ Việt" của Nguyễn Đức Dương giải thích: "Kẻ muốn ăn rươi nhưng lại bắt người khác phải dầm mưa bão để vớt về cho mình. Hay dùng với ẩn ý ngồi mát ăn bát vàng". "Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam" của Nguyễn Lân cũng tương tự: "Mùa rươi là mùa hay có bão". Bão ở đây chỉ về thời tiết.

Trong khi đó, "Việt Nam từ điển" của Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ lại khác hẳn: "Mùa có con rươi để người ta hớt làm thức ăn là mùa trở trời, người ta hay đau bụng bão (đau bụng gió); thành ra lúc đó (lối tháng 9, tháng 10), người ăn rươi rất sung sướng đi hớt rươi về ăn, dầu có đau bụng cũng đành; người không ăn rươi, đau bụng mới oan. Nghĩa bóng, có làm có chịu đã đành, không làm mà bị hại lây mới đáng tội nghiệp". "Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam" của nhóm Vũ Dung cũng đồng tình: "Bão: đau bụng bão, đau bụng gió".

Cách giải thích thứ 2 hợp lý hơn. Gặp sự cố này, người ta còn chịu đựng được, hoàn toàn trong khả năng chịu đựng vì thế nó không "lớn chuyện". Hơn nữa, từ "ăn rươi" dẫn đến "đau bụng" là cách nói hợp lý, chứ nếu người khác phải chịu đựng "bão/giông bão" thì e đẩy vấn đề đi xa quá. Hơn nữa, kinh nghiệm dân gian cho biết: "Bao giờ cho đến tháng mười/Bát cơm thì trắng bát rươi thì đầy", chứ không nhất thiết phải bão mới có rươi. Thậm chí, nếu có bão cũng không phải môi trường lý tưởng cho rươi sinh sôi.

Câu đố trên: "Bỏ thêm dấu sắc vào bên" ắt là "báo/con báo", cho nên "Người người khiếp sợ tìm đường bỏ đi". Đang ngồi uống cà phê, thấy một người vừa đi ngang qua, anh A chỉ chỏ theo, nói với bạn: "Hắn ta nhà báo đấy". Anh B bĩu môi: "Ừ thì báo. Báo cô, báo đời thì có" - ý bảo kẻ đó không làm tròn phận sự của nhà báo bởi "báo cô, báo đời" là chỉ kẻ sống nhờ vào người khác, chẳng làm nên tích sự gì lại còn gây phiền nhiễu.

Cũng là báo, ta còn nghe có cả báo ngáo: "Cô Hai ở vậy là xong/Cô Ba không chồng báo ngáo bơ ngơ". Rõ ràng là cách nói của người Nam Bộ - nhằm chỉ bộ dạng ai đó ngơ ngác không rõ chuyện gì trong lúc ai ai cũng đều biết tỏng. Vậy nên thành ngữ có câu: "Bơ ngơ báo ngáo như ăn cháo lú mất hồn".

"Đố bạn, em là cái chi/ Mà bác thợ mộc có khi mới xài". Khỏi cần giải thích thêm, bằng thừa vì ai cũng biết là bào/cái bào - dụng cụ, đồ nghề của thợ mộc, lưỡi bằng sắt dùng để bào gỗ cho nhẵn. Lúc Kim Trọng chia tay Thúy Kiều: "Người lên ngựa, kẻ chia bào/Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san", cuộc chia tay ở đây có từ "bào" nhưng nó hoàn toàn không liên quan gì với nghĩa vừa nêu trên. Bào lại là cái áo tay dài và rộng. Một người khuyên bạn: "Cậu háo sắc quá, không khéo cô ta bào hết của" thì từ bào ở đây ta hiểu là vơ vét, bòn rút ngày một ít đến lúc hết tiền của.

"Má ơi, con muốn lấy anh thợ bào/Trườn lên tuột xuống nhát nào cũng êm". Câu ca dao dí dỏm này diễn tả hành động thoăn thoắt, nhịp nhàng của người thợ bào đấy thôi.

"Bao ăn", "bao sân", "bao lớn"

Từ "bao" này cũng "nhiễu sự" ra phết. Ngày nọ, anh A cao hứng bảo bạn bè: "Tối nay, mấy cậu đi ăn chè không? Tớ bao". Nghe vậy, có người khen: "Chà, cậu bao sân à? Bảnh quá hén". Có người còn hỏi thêm: "Có bao được mỗi người ăn 10 chén chè không?", anh A trả lời: "Bụng cậu bao lớn?". Ta hiểu, anh A chịu chi trả mọi phí tổn cho mọi người. Vậy "bao" trong ngữ cảnh này, còn được hiểu là đãi/thết đãi/đãi đằng. Còn "bao lớn" cũng như bao xa, bao nhiêu, bao sâu… là câu nghi vấn ngầm hiểu từ "nhiêu" trong "bao nhiêu" đã bị lướt qua, bỏ đi, không nhắc đến nữa.

LÊ MINH QUỐC
(nguồn: Báo Người lao động - chủ nhật 17.9.2017)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com