BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Viết Tựa tập sách ADN TÌNH YÊU của DONA ĐỖ NGỌC

LÊ MINH QUỐC: Viết Tựa tập sách ADN TÌNH YÊU của DONA ĐỖ NGỌC

 

donadongoc-ADN-tinh-yeu-1R


Đọc tập sách ADN tình yêu (NXB Văn Học) của đồng nghiệp Đỗ Ngọc, với tôi, là một sự hài lòng. Hơn cả thế, với nhiều người còn là sự bất ngờ nữa. Thì ra, câu nói quen thuộc: “Văn là người”, đôi khi phải xét trên từng trường hợp cụ thể. Đã từng làm việc chung với Đỗ Ngọc, tôi nhận thấy chị là mẫu người quyết đoán, rạch ròi, không “nửa nạc nửa mỡ”, đâu ra đó, không “ba rọi”. Ấy là tính cách của một người mạnh mẽ, xông xáo, trực tính, tất nhiên, phải cứng cỏi, nặng về lý.

Tôi đã nhầm to. Nhầm thật đấy chứ. Không ngờ, đọc kỹ những gì chị đã viết, tôi bất ngờ nhận ra trong góc khuất của tâm hồn ấy lại chứa chan một sự đa cảm, nhậy cảm và biết quan sát, có góc nhìn tinh tế. Những đoản văn, cảm xúc bất chợt, ngẫu hứng trong ADN tình yêu chạm đến nhiều lãnh vực. Không bó khuôn vào nơi một nào cố định. Cảm xúc như nước chảy tràn bờ, việc gì phải “quy hoạch”? Vì lẽ đó, chị đã viết thong dong, thỏa mái nhất, không ngại một ràng buộc nào cả. Nó có nhiều gam màu khác nhau. Đôi lúc, bạn đọc lại cười xòa theo lối đùa nghịch, tếu táo. Nhộn ra phết. Có thể kể đến Tôi cũng muốn có vợ. Nói xấu chồng, Làm gì khi vợ… về hưu. Phụ nũ và… bóng đá, Nghịch lý Adam & Eva v.v…

Và trong lúc đọc, có đôi lúc tôi reo lên một cách khoái trá bởi ghi chép ấy tinh tế lắm, có thể “gia cố” thành một truyện ngắn hay. Chẳng hạn, tình huống: “Một lần âu yếm người yêu, giữa lúc mê đắm cô chợt nhận ra bên hông chàng có vết xăm tên Mỹ Liên”. Phải xóa đi? Đúng thế. Phải xóa sạch. Vêt xóa ấy đã thành sẹo. Nhưng rồi: “giữa phút âu yếm mê đắm của hai người, phải khựng lại khi những ngón tay cô trong lúc vuốt ve đã chạm phải vết sẹo lồi”.  Vết sẹo ấy làm sao có thể phai đi trong nhớ? Nghiệt thật.

Ngoại tình cũng là một tình huống khó quên, đại khái, ở góc đường vắng vẻ nọ, có đôi tình nhân thường hẹn hò lén lút, thiên hạ không thích nhìn thấy cảnh đó. “Chị hàng xóm gần nhà tôi móc máy: “Sao cô để cái thứ mèo mả gà đồng hẹn hò lăng nhăng trước nhà mình cho xui xẻo?”. Tìm cách đẩy họ đi nơi khác? Tất nhiên. Rồi chuyện gì đã xẩy ra khiến tác giả “chốt hạ” bằng một câu bàng hoàng quá đỗi: “Mà tôi, chỉ là người xa lạ”.  

Có những cái kết bất ngờ trong tản văn của Đỗ Ngọc, âu cũng là  một thủ pháp neo giữ lại cảm xúc của bạn đọc đấy thôi.

Biết quan sát và may mắn nữa, đôi lúc người viết có thể tìm ra những sự thật khó có thể tưởng tượng. Chẳng hạn, “Anh nóng nảy la cô ấy rồi quên đi. Buổi chiều, thằng con méc: “Ba ơi, sao mẹ nấu bếp mà lại khóc?”. Mẹ nó giọng nghèn nghẹt trả lời con: “Mẹ cay mắt vì thái hành còn ạ”. Mà, cuộc đời người phụ nữ biết bao lần thái hành phải rơi nước mắt?”.  Dứt một cây văn, tự dưng buồn thăm thẳm….

Có thể nói, nhũng đoản văn khiến tôi (và nhiều người) phải mềm lòng ở chỗ những suy nghĩ của chị về thân phận nữ giới. Đàn bà. Hai từ ấy, không hề âm vang một cách kiêu hãnh mà ở đây có gì đó bùi ngùi. “Đàn bà vẫn là đàn bà thôi”; “Đàn bà nhẹ dạ lắm, chả thế mà có câu “Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”. Chả thế mà giận nhau tưng bừng với chồng, nước mắt nước mũi ngập lụt, thậm chí bị các lão xáng cho bạt tai, đấm đá như võ sĩ Vovinam... thế mà nhẹ dạ khi các lão áp dụng nghệ thuật làm lành, dân số nước ta thế nào cũng thêm một trẻ”. Đỗ Ngọc nhủ thế.

Mà thật là thế, qua những tình huống chị đã kể trong Đàn ông, đàn bà; Trên đỉnh mù sương; Hoa ngày thường... là những sẻ chia cảm động. Thế nhưng, dù thế nào đi nữa ở con người ấy, họ không thèm, không cần sự thương hại: “Không ít phụ nữ “hạnh phúc một mình”, họ không gục ngã, lạc lối. Không đặt cược tất cả trông mong vào một người đàn ông, họ an nhiên, vui sống với những gì mình có. Không để cô đơn gặm nhấm trái tim, họ thắp một ngọn lửa tự sưởi ấm trái tim mình và mạnh mẽ bước đi. Phía sau một người đàn ông thành công thường là một người phụ nữ và ngược lại. Cũng phía sau không ít phụ nữ, là... chính họ. Họ là điểm tựa cho mình và cho những người họ thương yêu!”. Đỗ Ngọc gọi đó là Vẻ đẹp đàn bà. Còn lâu bọn mày râu mới có suy nghĩ này, nếu họ đến mọi người đàn bà như một kẻ cả ban ân huệ, làm phước, ban ơn…

Tôi còn dừng lại khá lâu với câu chuyện của người phụ nữ góa chồng, Đỗ Ngọc phát hiện ra chi tiết đắt giá: “Hai năm trôi qua, chị bắt đầu đi ra ngoài nhiều hơn. Người đàn bà hiền lành được chồng cưng chiều bảo bọc xưa giờ bươn bả, tính toán để nuôi sống gia đình. Mọi việc dần ổn. Sang nhà chị chơi, tôi thấy trên bàn thờ anh ngày nào cũng có hoa trái, loại anh thích. Chị đã đánh son môi màu tươi trở lại, mặc áo dài hoa văn nhẹ nhàng đi làm. Trước khi rời nhà, chị nhỏ nhẹ "Chào anh em đi làm” với bức ảnh người đàn ông trên bàn thờ có nụ cười ấm áp và ánh mắt nheo nheo hóm hỉnh”.

Đọc chậm, đọc nhẩn nha ADN tình yêu ta sẽ nhận ra nhiều suy nghĩ tinh tế, sâu lắng. Ấy là sức hấp dẫn của tản văn, tạp bút, chứ không phải ở chỗ tung tẩy chữ nghĩa. Với nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Ngọc qua tập sách này và một phần đã in chung trong tập Đàn bà liêu xiêu (NXB Văn hóa Thông tin - 2014), chị đã dựng lên một cảm xúc nội tâm của chính mình, từ sự quan sát, cảm nhận về thế giới xung quanh qua mỗi ngày. Vậy nhé. Ngọc, cuộc sống này, đời sống này, có biết bao nhiêu chuyện cần ghi lại. Trái tim phải biết lắng nghe. Và chắc lọc. Rất tin bạn mình ở điều này.

Lê Minh Quốc
(II.2017)

(Nguồn: Tập tạp văn ADN tình yêu của Dona Đỗ Ngọc - NXB Phụ Nữ 2017)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com