DẤU ẤN TRẦN VĂN GIÀU: MÔT NHÂN CÁCH, MỘT TÀI NĂNG, MỘT TINH THẦN PHỤNG SỰ DÂN TỘC

Array In Array


  


GS-Tran-van-giau-1-nhan-cach

 

"Hãy tham gia và góp sức mình vài hệt thảy những việc gì đem lại ích nước lợi nhà". đó là lời mà GS, nhà cách mạng Trần Văn Giàu dặn dò con gái nuôi của ông.

Cả một đời ông phụng sự cho cách mạng, cả một đời ông phụng hiến cho dân tộc, cả một đòi không quản tâm lực, trí lực dành cho quốc gia, cho sự nghiệp kiến quốc, thống nhất đất nước, như lời cha ông đã từng dặn khi ông bị Pháp trục xuất do đấu tranh cho nước Việt yêu thương: "Tận trung cũng là tận hiếu".

 

* Nhà cách mạng chuyên nghiệp

“Yên Bái - Đây là cái từ nhắc nhở ta rằng không thể bịt miệng một dân tộc mà người ta không thể khuất phục bằng lưỡi kiếm của đao phủ…”.

Dưới ánh đèn điện mờ tại khu học xá của sinh viên Việt Nam tại Toulouse, nhiều sinh viên đã chuyền tay nhau bài thơ của nhà thơ cộng sản Louis Aragon. Sự kiện khởi nghĩa Yên Bái đã vọng sang đến nước Pháp. Thực dân Pháp điên cuồng ra lệnh xử tử những thủ lĩnh anh hùng Nguyễn Thái Học, Ký Con… Lập tức, Đảng Cộng sản Pháp hô hào quần chúng phản đối.

Từ Toulouse, sinh viên Trần Văn Giàu cùng nhiều người khác được cử lên Paris tham gia cuộc biểu tình ngay trước dinh Tổng thống Pháp. Sau sự kiện chấn động này, tháng 6.1930 sinh viên Trần Văn Giàu cùng 18 người khác bị trục xuất về nước. Có thể ghi nhận đây là bước đường tham gia cách mạng đầu tiên của một chàng trai mới hai mười xuân xanh, về sau sẽ trở thành một lãnh tụ chính trị, một nhà sử học, một nhà giáo lừng danh của nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam.

Năm 1928, trước ngày lên tàu thủy Cap Saint Jacques sang Pháp, cha mẹ ông Giàu là ông bà cụ Trần Văn Chơi và Nguyễn Thị Phụng buộc con mình phải làm đám hỏi. Sở sĩ phải như thế, vì ông bà sợ con trai mình sang kinh thành hoa lệ sẽ “phải lòng” một bà đầm nào đó. Người se duyên kết tóc cùng ông Giàu là cô Đỗ Thị Đạo. Từ đây, người phụ nữ rất mực thủy chung này chung sống với ông Giàu cho đến lúc cuối đời, dù cả hai không có con nhưng họ lại có rất nhiều con, đó là các lớp sinh viên học sinh mà ông Giàu đã đào tạo họ nên người.

Đêm ấy, dưới ánh trăng sáng ngời tại xã An Lục Long, huyện Châu Thành, Tân An (nay Long An), cầm lấy tay người bạn đời, ông Giàu không nói gì chỉ lặng lẽ trao tập thơ Lục Vân Tiên như một lời thề nguyền trăm năm chung sống đến răng long bạc tóc. Lật trang sách đến câu: “Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”, cô Đạo ứa nước mắt và biết rằng lời thề nguyền này sẽ mãi mãi đi trọn hai cuộc đời đã hòa chung thành một. Và chính họ sẽ cùng gánh vác những bão táp, sóng gió của thời cuộc sẽ ập đến. Nói như nhà thơ Viễn Phương, đó là cuộc đời của con người:

Sóng gầm biển lớn trai thành ngọc,

Sấm động non cao gỗ hóa trầm.

Trở về nước sau sau vụ biểu tình, bấy giờ Trần Văn Giàu đã là đảng viên Đảng Cộng Pháp, ông xin đi dạy tại trường tư thục trung học Huỳnh Công Pháp (Q.1, Sài Gòn) do ông Hoàng Minh Giám làm hiệu trưởng. Ngày tháng lặng lẽ này không thể dung nạp một tâm hồn đang có nhiều khát vọng dữ dội. Năm 1931, ông Giàu ngỏ ý với Xứ ủy Nam kỳ là ông Ung Văn Khiêm cho mình được sang Nga du học. Được sự đồng ý của tổ chức, ông bí mật xuất dương.

Sang đến Pháp, ông Nguyễn Văn Tạo - ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp giúp đưa sang Nga. Tại đây, ông Giàu theo học trường Đại học Phương Đông và tốt nghiệp xuất sắc với luận án Vấn đề ruộng đất ở Đông Dương. Có thể nói tư duy nghiên cứu với một tinh thần khoa học nghiêm túc ở ông Giàu đã lóe sáng ở thời điểm này. Nói như thế, vì không một ai có thể ngờ rằng, trong suốt cuộc đời từng vào nếm cơm tù Khám Lớn đến địa ngục trần gian Côn Đảo, nhưng ông Giàu đã để lại một tài sản văn hóa rất đồ sộ.

Đầu năm 1933, ông Giàu bí mật trở về Sài Gòn trên chiếc tàu Félix Roussel. Với một người tầm thường khác, có thể chọn lấy một công việc bình yên để êm ấm dưới mái gia đình, nhưng ông Giàu lại không. Ông bắt liên lạc được với Xứ ủy Nam kỳ qua ông Trương Văn Bang, chồng của bà Nguyễn Thị Một để tiếp tục dấn thân. Cuối năm đó, ông Giàu bị bắt tại Bà Hom (Bình Trị Đông) nhưng do không đủ chứng cứ, chúng chỉ kết án 5 năm tù treo. Tất nhiên, những hoạt động sôi nổi của ông như thực hiện tờ báo Cờ đỏ, tủ sách Cộng sản tùng thư đã bị thực dân Pháp theo dõi ráo riết. Tháng 4.1935, ông lại bị bắt, kết án 5 năm tù và đày đi Côn Đảo.

Thời điểm này, Mặt trận Bình dân lên nắm quyền tại Pháp, nhờ vậy, một số tù chính trị tại Đông Dương được ân xá trước thời hạn, nhưng ông Giàu lại không. Mãi đến tháng 5.1940, mãn hạn tù, ông Giàu mới được về đất liền. Lúc ấy, ông nghĩ rằng, sẽ tranh thủ thời gian về Long An thăm vợ, nhưng không, chỉ 9 ngày sau ông lại bị bắt. Lần này, chúng đưa ông giam tại Tà Lài. Song sắt nhà tù dù có kiên cố đến đâu cũng không thể giam cầm được khí phách của một người cộng sản chân chính. Chính ông Giàu đã cùng đồng chí cốt tử của mình là Tô Ký, Dương Quang Đông… đã tổ chức vượt ngục.

Có một điều ít ai ngờ là ngay lúc đào thoát, ông Giàu còn viết lá thư gửi cho chúa ngục: “Chúng tôi ra đi vì mục đích giải phóng dân tộc chúng tôi, giành lại độc lập dân tộc tự do cho đất nước chúng tôi…”. Trong thư ông còn so sánh việc làm của mình cũng tựa như bất kỳ một người Pháp yêu nước nào cũng phải làm như thế khi chống lại sự chiếm đóng của Hitler. Hành động rõ ràng, minh bạch này ít nhiều phản ánh đúng tâm thế “Lục Vân Tiên” ở ông Giàu - người con ưu tú của Nam bộ.

Về đến Sài Gòn trong thời điểm tình hình chính trị đang có nhiều biến động dữ dội, tháng 10.1943, ông Giàu được cử làm Bí thư Xứ ủy Nam kỳ. Khi Nhật lật Pháp, để thu hút các lực lượng chính trị, chúng hà hơi tiếp sức cho ra đời các tổ chức thân Nhật và kêu gọi mọi người cùng hợp tác với chúng. Vào cuối tháng 3.1945, Iđa - Quyền Tổng trưởng Thanh niên - thể thao Đông Dương đã tìm gặp bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Y ngỏ ý mời ông đứng ra thành lập tổ chức dành cho thanh niên Sài Gòn, tùy ông đặt tên gọi, cũng như nêu lên tôn chỉ mục đích và nội dung hoạt động.

Nhận được tin này ông Giàu cùng Xứ ủy Nam kỳ chủ trương “tương kế tựu kế”: giao Phạm Ngọc Thạch cùng trí thức và sinh viên yêu nước đứng ra tổ chức thanh niên một cách công khai, hợp pháp nhằm thu hút đông đảo lực lượng quần chúng đứng về phía cách mạng. Thanh niên Tiền phong ra đời là một sáng kiến táo bạo về chủ trương của ông Giàu, chính lực lượng này sẽ góp phần quyết định giành chính quyền thắng lợi trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8.1945 của Trung ương.

Lịch sử không bao giờ còn lặp lại một sự kiện hết sức lạ lùng: Ngày 2.9.1945, nhân dân cả nước tề tựu lắng nghe Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh phát ra từ Hà Nội, nhưng lúc ấy tại Sài Gòn đã đúng giờ như không ai nghe được (về sau mới biết là đài Hà Nội bị phá, không phát sóng được). Ngay lập tức, anh em Xứ ủy và Ủy ban Hành chánh đã cử ông Giàu - với cương vị Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam bộ - bước lên lễ đài tuyên bố độc lập.

Bản “tuyên ngôn” ứng khẩu của ông đã được các nhà báo tốc ký và ngày hôm sau đăng trên báo chí Sài Gòn. Sự kiện này đã được nhà báo kỳ cựu Trần Tấn Quốc ghi rõ trong tập sách Saigon septembre 45 và Hội thảo của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam sau này cũng đã xác nhận.

* Kỷ niệm với Chủ tịch Hồ Chí Minh

Giữa tháng 9.1945, Trần Văn Giàu được lệnh ra Bắc. Trong chuyến đi này, có hai kỷ niệm sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà suốt đời ông không quên. Trên báo Sài Gòn Giải phóng ra ngày 3.2.2007, ông có kể lại:

“Cụ Hồ chỉ thị tôi và bác sĩ Phạm Ngọc Thạch ra Bắc để báo cáo với Chính phủ về tình hình khởi nghĩa tại miền Nam, những vấn đề gì cần phải giải quyết… Đây cũng là lần đầu tiên tôi được gặp Cụ Hồ. Tôi ở trong Nam ra, lúc đi tôi không có bộ đồ Tây nào đàng hoàng, chỉ có quần áo sơ mi trông rất tềnh toàng. Khi ra Bắc tôi ở nhà ông Đỗ Đình Thiện vì ông là bạn học của tôi.

Hôm chuẩn bị vào gặp Cụ Hồ, ông Thiện dẫn tôi ra phố Hàng Trống để may một bộ đồ nỉ hết sức đẹp, có bộ cúc áo trông rất sang trọng. Ông Thiện nói với tôi: “Ông Giàu ở Sài Gòn ra phải mặc như vậy để vào gặp Cụ Hồ …”. Hôm vào gặp Cụ, tôi mặc bộ quần áo mới. Lúc gặp tôi, Cụ lại cầm tay áo xem cúc áo và khen: “Bộ quần áo nỉ đẹp quá, bộ cúc áo cũng thật đẹp!”. Lúc này ông Thiện nói nhỏ với tôi: “Ông Cụ đang phê bình ông đấy!”.

Khi về, tôi cất ngay bộ đồ này và lần sau đến gặp Cụ, tôi mặc bộ đồ kaki bình thường. Cụ bắt tay tôi niềm nở, không khen chê gì cả. Tôi hiểu, đó là cách Cụ “chỉnh” mình. Là cán bộ không được se sua, phải ăn mặc chỉnh tề, tươm tất, đàng hoàng, đơn giản như mọi người.

Trong khoảng thời gian ở miền Bắc gần một tháng, hàng ngày tôi đến ăn cơm trưa với Cụ tại Phủ Chủ tịch. Tuy nhiên có nhiều bữa ghế của tôi trống vì tôi không đến, Cụ Hồ hỏi những người ngồi ăn chung: “Chú Giàu dạo này ăn ở đâu, sao ít thấy đến ăn trưa ở đây vậy?”. Anh em nói với Cụ: “Chắc anh ấy đi ăn cơm ở nhà ông Đỗ Đình Thiện” (ông Đỗ Đình Thiện là một trong những nhà giàu bậc nhất Hà Nội khi đó và cũng là người đã đóng góp nhiều tiền vào kho bạc đang trống rỗng của chính quyền cách mạng).

Sau đó tôi có nghe anh em nói lại, khi nghe nói tôi đi ăn ở nhà ông Đỗ Đình Thiện, Cụ Hồ bảo: “Chắc ăn cơm với Bác khổ quá nên chú Giàu đến ăn cơm nhà ông Đỗ Đình Thiện ngon hơn”. Bản thân tôi cũng nghe Cụ Hồ nói: “Ăn cơm với Bác cực quá nên chú lại ăn cơm với ông Thiện phải không…”. Rất nhẹ nhàng nhưng với tôi đó là lời nhắc nhở thật thấm thía.

Trong lúc dân ta đang khổ, nạn đói năm 1945 đang còn ảnh hưởng đến bao người, đã là cán bộ phải biết khổ cùng với cái khổ của dân, phải sướng sau dân, vậy mà tôi là cán bộ cách mạng lại tìm đến chỗ cơm ngon để ăn thì quả là không được. Qua hai câu chuyện trên tôi thấy những gì Cụ dạy tôi rất sâu sắc và có tác dụng rất cao, cao hơn gấp nhiều lần nếu chỉ thẳng bảo tôi phải làm cái này, làm cái kia”.

Những kỷ niệm này để lại ấn tượng sâu sắc trong cuộc đời Trần Văn Giàu. Sau này, khi nghiên cứu về tư tưởng Hổ Chí Minh, Trần Văn Giàu nhấn mạnh: “Về nhân cách Cụ Hồ, theo tôi, kết tụ trong 7 điểm cơ bản, cũng là 7 phẩm chất được con dân nước Việt và thế giới ngợi ca”.

Đó là: 1.Ưu tiên đạo đức; 2.Tận tụy quên mình; 3. Kiên trì, bất khuất; 4- Khiêm tốn, giản dị; 5- Hài hòa, kết hợp; 6- Thương, quý người, nâng đỡ con người, thấu tình đạt lý; 7- Yêu thiên nhiên, hòa hợp với thiên nhiên”. Và ông kết luận: “Xin mượn ý của một nhà báo ở châu Đại Dương để tạm kết chủ đề luận về nhân cách Hồ Chủ tịch: Người ta không thể trở thành một Cụ Hồ Chí Minh, nhưng ở Cụ Hồ, mỗi người có thể học một số điều làm cho mình trở thành tốt hơn”.


*Một nhà giáo lừng danh

Lúc thực dân Pháp quay lại tái chiếm Nam bộ, tháng 11.1945, ông Trần Văn Giàu được lệnh ra chiến khu Việt Bắc. Trong hồi ký của mình, ông Giàu cho biết tâm trạng lúc ấy: “Nay lại xa nhà nữa, biết chừng nào mới sum họp được? Chưa hết chiến tranh thì làm sao có sự sum họp mong đợi? Mà chiến tranh còn kéo dài tới bao lâu? Ai biết? Bổn phận làm trai, làm dân tôi làm được; giỏi dở tùy đồng bào và lịch sử phán cho, không gì phải suy tư cho lắm, ít nhất cho tới nay. Còn bổn phận làm con, làm chồng thì tôi hoàn toàn không làm được gì” (Xưa & nay số tháng 11.2010).

Ra Bắc, Trần Văn Giàu được cử làm Tổng Giám đốc Nha Thông tin Việt Nam, theo Sắc lệnh số 34/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ít lâu sau do nguyện vọng của mình, ông được chuyển sang làm công tác giáo dục. Ông Giàu nhớ lại: “Vậy là từ năm 1951, tôi thực sự là Nhà giáo, đánh dấu bước ngoặt thứ ba của đời tôi: lần này từ một cán bộ chính trị chuyển hẳn sang làm thầy giáo thật sự, làm Giáo sư đại học”.

Có thể ghi thêm đôi dòng cụ thể để ta hình dung ra năm tháng ấy: 1951-1954, phó giám đốc kiêm giảng viên triết học tại Trường Dự bị Đại học (sau chuyển sang Trường Sư phạm cao cấp) ở Thành Hóa và Nghệ An. Tháng 11.1954, Bí thư Đảng ủy đầu tiên của Trường Đại học Sư phạm Văn khoa và Trường Đại học Sư phạm Khoa học ở Hà Nội. Năm học 1955-1956, được Nhà nước phong hàm Giáo sư.

Có một điều kinh ngạc, đáng khâm phục là từ năm tháng ấy cho đến lúc nghỉ hưu, năm 1975, Trần Văn Giàu đã thể hiện một bút lực ghê gớm. Khó ai có thể sánh nổi với ông về những gì ông đã đọc đã viết ròng rã trong hàng chục năm trời.

Chỉ xin nêu một thông tin lý về một con người đã tận tụy cống hiến cho khoa học, nghiên cứu không mệt mỏi: Để thực hiện Thư mục Trần Văn Giàu, năm 1996, Trung tâm nghiên cứu Việt Nam - Đông Nam Á (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) đã thống kê, phân loại tác phẩm của GS Trần Văn Giàu thành các mục: Lịch sử; Văn học; Triết học tư tưởng; Văn hóa -  xã hội; và nhiều tác phẩm về Văn hóa, lịch sử.

Chỉ cần nhìn bảng thống kê 20 trang “gạch đầu dòng” liệt kê tác phẩm thì hẳn mọi người đã choáng ngợp trước sức lao động bền bĩ của một bộ óc uyên thâm, siêu việt đã từng được tặng thưởng: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng I, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng I, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng I, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Danh hiệu Anh hùng Lao động, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng…

Nhìn nhận vấn đề này, GS Vũ Khiêu đã phải thốt lên kinh ngạc: “Chỉ nói riêng về hoạt động sáng tạo của một trí thức Việt Nam trong lãnh vực khoa học - xã hội và nhân văn, rất ít người có thể so sánh được với GS Trần Văn Giàu”;“Người ta thường nói về hiện tượng văn, triết, sử bất phân trong di sản trí tuệ Việt Nam và ở nhiều nước phương Đông. Người ta thấy rõ điều này qua các tác phẩm của GS Trần Văn Giàu. Các tác phẩm về sử học của GS đều có sự hấp dẫn của văn và chiều sâu của triết. Ở GS trong văn có triết và trong triết có văn. Cả hai đều được lý giải vững vàng, gắn liền với sự chứng minh của sử học”.

Không ai khác, chính GS Trần Văn Giàu là người đã viết những bộ sách mẫu mực như Chống xăm lăng, Lịch sử giai cấp công nhân Việt Nam, Lịch sử cận đại Việt Nam, Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám… Những công trình này đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh. Trong sự nghiệp trồng người, ông cũng là người đào tạo nhiều nhà sử học, nhiều nhà giáo Việt Nam tầm cỡ như Trần Quốc Vượng, Phan Huy Lê, Bùi Khánh Thế, Bùi Hữu Khánh… Nói như nhà sử học Dương Trung Quốc thì Trần Văn Giàu là “Ông thầy của các thầy tôi”.

Về cuối đời, bằng tài sản riêng của mình, Giải thưởng Trần Văn Giàu được thành lập như một lời kêu gọi trí thức Việt Nam hãy cống hiến nhiều hơn nữa cho nền học thuật của nước nhà. Tháng 7.2002 Giải thương Trần Văn Giàu được công bố. Bấy giờ, với tư cách là nhà báo, tôi đã nhận được Thông cáo báo chí là bản Điều lệ của giải thưởng này. Nay tôi trích lại nhăm cung cấp thêm tư liệu cho những ai quan tâm đến cuộc đời và sự nghiệp của một nhà cách mạng, nhà giáo đáng kính: Giải thưởng này được đặt ra dành cho các tác phẩm có giá trị mới công bố hoặc chưa công bố trên hai lãnh vực: Lịch sử và lịch sử tư tưởng, có liên quan đến vùng đất Nam bộ, Nam Trung bộ và TP.HCM (không xét các sáng tác văn học, hồi ký…). Bấy giờ,  Văn phòng Ủy ban Giải thưởng Trần Văn Giàu ở 149 Pasteur, Q.3, TP.HCM.

* Vĩ thanh

Ít ai biết, lúc mừng thọ GS Trần Văn Giàu thượng thọ 85 xuân, GS-NGND Hoàng Như Mai có thơ mừng vợ chồng ông:

Làm sao tròn vẹn cả riêng chung,

 Trướng liễu thương ai chịu lạnh lùng.

Người ấy,  anh em đầy bốn biển,

Lòng đây, mong nhớ gửi muôn trùng.

Chiếu chăn bốn tháng vừa êm ấm,

Gió bụi mười năm vẫn mịt mùng.

Đâu chỉ một bà Bùi Hữu Nghĩa,

Vì chồng lận dận chốn lao lung.

GS Hoàng Như Mai kể lại, có lần ông Trần Văn Giàu tâm tình: “Tôi lấy vợ rất sớm mà cưới xong chỉ ở với nhau được bốn tháng rồi tôi đi làm chính trị, bị tù đày. Tôi cảm thông với câu thơ của Phan Thanh Giản: “Trướng liễu thương ai chịu lạnh lùng”. Khi đọc 2 câu kết, ta biết đó là sự tôn vinh vai trò của bà Đỗ Thị Đạo suốt một đời vì chồng. Dù cả hai không có cao, nhưng họ lại tự hào, hạnh phúc đã có hàng ngàn người con mà ông đào tạo bằng tâm thế: “Học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện" (Học không biết chán, dạy người không biết mệt).

Những câu thơ của GS Hoàng Như Mai, đọc lại lại những lời gan ruột ấy khiến chúng ta cảm động và càng hiểu thêm về tình cảm riêng tư trong tâm hồn của Trần văn Giàu. Do hoạt động cách mạng và nhiều lần bị tù đày, ít gần gũi với gia đình. Có lần quay về nhà gặp mẹ, ông nhớ lại: “Má tôi già đi nhiều, tóc đã bạc phơ, răng cửa còn hai chiếc. Mặt, cổ, vai tôi đều ướt nước mắt của má: “Con về lần này ở nhà với má, tía con chết rồi, má hiu quạnh quá con ơi”. Nghe đứt ruột, tôi và vợ tôi xuống ruộng, đi đến mộ tía, thắp hương quỳ lạy tội bất hiếu. Nhớ ngày nào tía tôi có bảo: “Tận trung là chí hiếu rồi đó”, biết vậy nhưng tôi vẫn thấy mình lỗi đạo làm con”.

Nhớ đến nhà cách mạng lão thành Trần Văn Giàu, chúng ta tự hào  về một Con Người từng sống trong xích xiềng nô lệ đã đem nhiệt huyết của mình để viết lên những trang sử mới của một nhà nước độc lập. Không chỉ là nhân chứng mà GS, nhà cách mạng Trần Văn Giàu còn là người tạo dựng nên một khoảnh khắc của lịch sử.

Lê Bằng Hữu

(nguồn: Báo ANTG cuối tháng số 189 tháng 5.2017)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

may tinh bang-dien thoai vo go-sửa nhà

máy tính bảng-vỏ gỗ-sửa chữa nhà