BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Duyên tri âm ngành sư phạm

LÊ MINH QUỐC: Duyên tri âm ngành sư phạm


duyen-tri-am-ngnh-su-pham

“Lý Văn Phức - Tiểu sử và thi văn” - một tác phẩm của học giả Dương Quảng Hàm mà ít ai biết đến - là tập sách của nhà giáo thế hệ sau viết về sự nghiệp của đồng nghiệp thế hệ trước.

Dương Quảng Hàm (1898-1946) được ghi nhận là một trong những nhà giáo ưu tú, nhà nghiên cứu đã có công thực hiện những công trình văn học sử phổ thông bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam. Trong sự nghiệp giáo dục của ông, còn phải kể đến tác phẩm cuối cùng, ít ai biết đến: “Lý Văn Phức - Tiểu sử và thi văn”.

Yêu nước, uyên bác

Ngày 14-7-1993, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia, Viện Khoa học Giáo dục cùng Viện Văn học đã tổ chức lễ kỷ niệm và hội thảo khoa học về học giả Dương Quảng Hàm. Đọc lại các tham luận tại hội nghị quan trọng này, tôi không thấy ai nhắc đến tác phẩm nêu trên. Ngay cả bộ sách đồ sộ “Tự điển văn học” (NXB Khoa học Xã hội - Hà Nội, 1983), ở vần D trang 179, khi viết về ông cũng không thấy đề cập.

Nhớ đến Dương Quảng Hàm, chúng ta luôn nhớ đến một nhà giáo yêu nước, đồng thời cũng là người nghiên cứu lịch sử văn học dân tộc uyên bác.
Duyên tri âm ngành sư phạm

Từ ngày 21-12-1917, Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut ban hành nghị định “Quy chế chung về ngành giáo dục ở Đông Dương”. Với quy chế này, ở bậc trung học Pháp - Việt mỗi tuần có 27 giờ rưỡi lên lớp thì 12 giờ chuyên học tiếng Pháp, 8 giờ học toán, lý, hóa… cũng bằng tiếng Pháp, còn lại học chữ Quốc ngữ và chữ Nho - mà không được dạy quá 3 giờ.

Nhắc lại điều này mới thấy hết tấm lòng yêu quốc văn của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Năm 1943, ông đã cho xuất bản một công trình gồm hai tập: “Việt Nam văn học sử yếu” và “Việt Nam thi văn hợp tuyển”. Công trình này được GS-TS Phạm Minh Hạo nhận định: “Là một quyển sách văn học sử đầu tiên của nước ta được biên soạn công phu, có hệ thống và khoa học”. GS Phong Lê đánh giá: “Nó còn là sản phẩm, tâm huyết của một nhà giáo, một học giả yêu nước, yêu dân tộc”. Còn nhà nghiên cứu, nhà văn Nguyễn Hiến Lê đã coi nó “là bộ sách quý nhất trong tủ sách của tôi”.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân lúc tưởng nhớ đến người thầy kính yêu Dương Quảng Hàm đã có thơ: “Trường Bưởi noi gương cụ giáo Hàm/Một nhà học giả thực phi phàm/Làu thông Âu, Á, say nghiên cứu/Ham dạy sử, văn, lợi chẳng ham”.

Hầu hết các nhận định thống nhất rằng các bộ sách giáo khoa, công trình biên soạn của “cụ giáo Hàm” đều mẫu mực, có giá trị to lớn và lâu dài. Thật đáng tiếc khi mà tập sách “Lý Văn Phức - tiểu sử và văn chương” hầu như không mấy ai biết đến.

Theo nguồn tài liệu thu thập được, chúng tôi đã có thể xác định: nhà giáo Dương Quảng Hàm hoàn thành tập sách này vào năm 1945. Trong đó, ông đã chú giải, hiệu đính các tác phẩm tiêu biểu của Lý Văn Phức (1785-1849) như “Nhị thập tứ hiếu diễn âm”, “Tự thuật ký”, “Bất phong lưu truyện”, “Thanh tâm tài nhân đề vịnh”. Tất nhiên, về tác phẩm “Gia huấn ca” có phải của Lý Văn Phức hay không, thời nhà giáo Dương Quảng Hàm chưa mấy ai đề cập nên câu hỏi này còn bỏ ngỏ. Tuy nhiên, trên Báo Người Lao Động số ra ngày 8-5-2016, từ tài liệu của Tạp chí Hán Hôm thuộc Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tôi đã đưa ra chứng cứ chính là tác phẩm của Lý Văn Phức.

Sau khi hoàn thành “Lý Văn Phức - Tiểu sử và văn chương”, nhà giáo Dương Quảng Hàm đã giao bản thảo cho Thanh Hoa thư xã (Hà Nội) - chủ nhiệm lúc bấy giờ là ông Phan Thế Roanh. Sau đó, ông Roanh vào Sài Gòn và làm giám đốc học vụ Trường Đại học Sư phạm. Thời gian này, ông Roanh đã trao bản thảo cho NXB Nam Sơn. Sách in dày 88 trang, khổ 14 x 20,5 cm, trong đó có chú giải và in khá đầy đủ tác phẩm của Lý Văn Phức (1785-1849) như: “Tự thuật ký”, “Bất phong lưu truyện”, “Nhị thập tứ hiếu diễn âm” và “Thanh tâm tài nhân đề vịnh” nhưng nay đã tuyệt bản.

Nếu đặt vấn đề, cụ thể di cảo này đã in tại Sài Gòn vào năm nào thì chúng tôi còn đang phân vân. Chỉ biết rằng lúc bấy giờ, nhà in Nam Sơn đặt ở số 36 Nguyễn An Ninh, quận 1, Sài Gòn. Đường này thời Pháp thuộc mang tên Amiral Courbet, mãi đến ngày 22-3-1955 mới đổi tên là Nguyễn An Ninh. Như vậy, suy ra “Lý Văn Phức - Tiểu sử và văn chương” đã được in sau năm 1955.

Từ bản in này, được biết hiện nay, NXB Hội Nhà văn đang trân trọng tái bản lại tập sách “Lý Văn Phức - Tiểu sử và văn chương” nhằm phục vụ tinh thần hiếu học, say mê văn chương nước nhà của bạn đọc. Qua đó, cũng là dịp chúng ta được tường lãm một công trình biên soạn của nhà giáo Dương Quảng Hàm đã dày công nghiên cứu đầy đủ nhất về đồng nghiệp tiền bối: Lý Văn Phức.

“Toàn tập” về Lý Văn Phức

Nhắc đến Lý Văn Phức, lập tức chúng ta nhớ đến một kẻ sĩ luôn nặng lòng Tổ quốc. Nhà văn hóa Nguyễn Đổng Chi nhận định: “Ông xứng đáng là vị sứ thần không làm nhục sứ mệnh. Ông còn xứng đáng là nhà văn tài hoa có cái dũng khí và tự trọng của người cầm bút”.

Không chỉ là vị quan mẫn cán, Lý Văn Phức còn là một nhà giáo mẫu mực. Vì thế, trong nhiều tác phẩm, ông bàn luận rất sâu về đạo lý, hiếu nghĩa làm người nhằm giảng dạy môn sinh. Chẳng hạn, với “Bất phong lưu truyện”, nhà giáo Dương Quảng Hàm cho biết: Bài này tác giả làm năm Giáp Ngọ (1834) khi ông về dạy học ở làng Thế Lại. Đại ý tác giả nói mình cũng muốn theo đòi các cách ăn chơi phong lưu, nhưng sợ hư thân mất nết nên không dám bắt chước người đời mà cứ chịu thực bần cư tiện để làm trọn bổn phận làm con và làm tôi: “Mảnh son hãy giữ cho bền/Phận mình mình biết cựa kèn ai chi/Phong lưu truyện cũ thiếu gì/Bất phong lưu mới chép ghi truyện này”.

Riêng về kiệt tác “Truyện Kiều”, Lý Văn Phức cũng có 20 bài Tập Kiều mà ít ai biết đến, ngay cả từ điển mở Wikipedia hiện nay cũng bỏ sót. Tôi trích lấy hồi thứ 9: “Trông người lại ngắm đến ta/Khi vào dùng dắng, khi ra vội vàng/Ma đưa lối, quỉ đem đường/Hỏi ra mới biết là chàng Sở Khanh/Oan kia theo mãi với tình/Bấy giờ mới nổi tam bành mụ lên/Mập mờ đánh lận con đen/Cành hoa đem bán cho thuyền lái buôn”.

Riêng về “Nhị thập tứ hiếu”, hiện nay lưu truyền nhiều dị bản khác nhau. Theo tôi, bản của Dương Quảng Hàm là chuẩn hơn cả vì ông đã “khảo sát nguyên văn và các bản chép khác”: Bản của hiệu Cẩm Văn Đường Hà Nội (1871); bản in của hiệu Quảng Thịnh Hà Nội; bản của Nguyễn Ngọc Xuân (1914). Với sự cẩn trọng của một nhà giáo, ông cho biết: “Trong việc khảo sát nguyên văn, chúng tôi so sánh cả 4 bản ấy, rồi theo ý nghĩa, âm vận mà chọn lấy một bản làm bản chính in lên trên, còn các chữ khác của các bản kia chua xuống dưới trang và nói rõ xuất xứ”.

Cho đến nay, theo ghi nhận của tôi, “Lý Văn Phức - Tiểu sử và văn chương” của nhà giáo Dương Quảng Hàm do NXB Hội Nhà văn đang tiến hành tái bản, trong chừng mực nào đó, có thể xem đây “toàn tập” về Lý Văn Phức. Việc tái bản tập sách cuối cùng của nhà giáo Dương Quảng Hàm càng có ý nghĩa nhân dịp cả nước chào đón ngày Nhà giáo Việt Nam và cũng tròn 70 năm ngày mất của “một nhà học giả thực phi phàm”.

Hơn nữa, “Lý Văn Phức - Tiểu sử và văn chương” còn là tập sách của nhà giáo thế hệ sau viết về sự nghiệp của đồng nghiệp thế hệ trước, há chẳng phải là duyên tri âm trong ngành sư phạm đó sao?

Không làm nhục sứ mệnh

Thiết tưởng cũng nên nhắc lại chuyến đi sứ của Lý Văn Phức vào năm 1831. Lúc ấy, nhân có người Trung Quốc đi biển bị dạt vào vùng biển nước ta, vua Minh Mạng sai ông cùng đoàn tùy tùng đưa họ về nước để tỏ tình thân thiện với nước láng giềng.

Lúc đến Phúc Kiến, sau khi lên bộ, Lý Văn Phức được đưa đến nhà công quán. Đến nơi, một dòng chữ đập vào mắt khiến ông nổi giận đùng đùng: “Việt Nam quốc di sứ cống quán” (Nhà công quán tiếp sứ rợ nước Việt Nam). Lập tức, ông biện bạch rành mạch. Đuối lý, họ phải lột bỏ dòng chữ nhảm nhí đó, thay bằng “Việt Nam quốc sứ quan công quán” (Nhà công quán tiếp quan sứ nước Việt Nam). Không chỉ vậy, Lý Văn Phức còn viết ngay bài “Biện di luận” dán lên ở cổng quán, được đông đảo người đến xem.

Theo GS Nguyễn Đổng Chi, “so với bài “Biện di thuyết” của Nguyễn Tư Giản sau này (1868), tác phẩm của Lý Văn Phức, nhất là đoạn cuối có sức tác động mạnh hơn” (“Văn học Việt Nam trên những chặng đường chống phong kiến Trung Quốc xâm lược” - NXB Khoa học Xã hội - Hà Nội, 1981).

Năm 1946, khi cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu, từ căn nhà 98 Bis Hàng Bông (Hà Nội), gia đình nhà giáo Dương Quảng Hàm tản cư ra vùng kháng chiến nhưng ông lại mắc kẹt ở thủ đô. Sau đó, ông mất ở đâu, lúc nào, hoàn cảnh nào, không ai rõ. Chỉ biết, lúc đó người ta chôn ông ở chợ Âm Phủ - cạnh Tòa án Tối cao.

LÊ MINH QUỐC

(nguồn: Báo Người Lao Động số ra ngày 20.11.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com