LÊ MINH QUỐC: Đau đáu với thơ

Array In Array

 

DAU-DAU-VOI-THO-1-R

 

Trên đời này, dù quen biết hoặc không nhưng y vẫn quý, vẫn trọng những ai cần mẫn làm việc mỗi ngày. Kiếm sống bằng nghề nghiệp lương thiện. Vẫn biết thế, nhưng rồi lại tự trách rằng, dạo này y lười đi xa quá. Một phần do công việc bề bộn, lúc bài vở, khi họp hành ở cơ quan nên cứ nấn ná, chần chừ rồi từ chối nhiều lời mời. Hôm thứ 6 vừa rồi, anh em có về Vĩnh Long đưa ma. Nhà văn Đoàn Thạch Biền kể, chuyến đi đó, có nghe được câu này: “Trẻ làm ma, già làm hội”. Có thể hiểu khi một người chết trẻ, gia đình, xóm giềng làm tang ma thương xót; còn một người sống đã thọ khi được về cõi trên thì con cháu, láng giềng làm hội tiễn đưa vui vẻ.

Quan niệm này hay, thiết thực quá. Có phải chỉ ở Nam bộ mới có câu này hay các vùng miền khác cũng thế? Thử lật quyển Kho tàng tục ngữ Việt Nam (NXB VHTT- 2002) tra cứu thử xem. Cả 2 tập, dày 2.946 trang, tiệt nhiên không hề ghi nhận câu: “Trẻ làm ma, già làm hội”. Lật thêm các quyển từ điển khác về thành ngữ, tục ngữ khác cũng không có nốt.

Thế mới biết đời sống bên ngoài phong phú, đa dạng, tươi mới biết chừng nào. Trong khi đó, y chỉ là công chức “Sáng vác ô đi, tối vác về”. Nghĩ mà chán cho y. Đời sống ngoài kia mới là chất liệu sống quý báu cho trang viết, chứ nào phải tầm chương trích cú mỗi ngày.

Nhớ chưa?

Vâng, xin nhớ.

Trong Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan ghi nhận trường hợp: “Hiện nay nhà văn mà được nam nữ thanh niên yêu chuộng, được họ coi là người hiểu biết tâm hồn họ hơn cả, có lẽ chỉ Khái Hưng… Khái Hưng là văn sĩ của thanh niên Việt Nam cũng như Alfred de Musset là thi sĩ của thanh niên Pháp thuở xưa”. Cha đẻ của Chí Phèo không được chọn đưa vào Nhà văn hiện đại, thế nhưng bây giờ đọc lại Nam Cao vẫn còn thấy hấp dẫn, hiện đại. Một tác phẩm văn học, có thể hôm nay nhiều người tìm đọc, qua ngày mai thiên hạ đã quên béng. Vẫn biết thế. Mà chẳng gì ngại. Cứ viết. Viết như một thú vui ở đời. Chẳng ham hố gì. Có như thế, mới có thể viết lặng lẽ mỗi ngày.

Thế thì cứ viết ư?

Sáng nay, trên dương đi tình cờ nghe anh Biền buột miệng nói một câu vu vơ mà lạnh cả người: “Chữ nghĩa nó phản như chơi”.

Vâng, cũng có thể trong đầu nghĩ thế này, nhưng lúc đặt bút lại viết thế kia. Chính người viết chẳng rõ lúc ấy “Ma đưa lối, quỷ đưa đường” thế nào lại nhầm. Còn nhớ tờ báo nọ đã rút tít thế này: “Hôm nay, dời chợ chó X”. X là tên nhân vật lịch sử. Oái oăm chưa? Khi viết, cứ viết một cách tự nhiên chứ chẳng hàm ý xỏ xiên. Lẽ ra phải là "Hôm nay, dời chợ chó đường X”. Bản thảo qua nhiều khâu biên tập, nhưng rồi vẫn “lọt lưới” như thường. Có ai chịu khó hỏi han các nhà báo về những sai sót “chết người” ắt ghi nhận được nhiều chuyện dở khóc, dở cười. Cái trò chữ nghĩa đôi khi nó lạ lùng đến vậy. “Chữ nghĩa nó phản như chơi” cũng là một cách giải thích chăng?

Mấy đêm nay, đọc lại Giai thoại hồng của Hồ Trường An in ở Mỹ năm 1989. Có những từ quen thuộc của miền Nam, nay hầu như ít ai sử dụng: kiểu tóc demi garcon, nhiễm, trổ mã, xệ (nghĩa như mắc cỡ, xấu hổ)… Chẳng hạn, bà chị cứng đầu của tôi nã cho tôi một tràng “rốc kết”; nấu rề sô đốt bằng dầu hỏa; ba tôi đến thăm bị chị quạt phải dội ngược trở ra; hách xì xằng; đi picnic; viết feuilleton cho nhựt báo; đừng có théc méc, cô ta đang chạy chọt gì đây, chẳng ra cái thá gì hết; cho de; buồn ơi bỏ qua đi Tám v.v..

Quyển này viết về kỷ niệm với các nữ nhà văn, nhà thơ tên tuổi trên văn đàn miền Nam trước 1975. Tự nhiên bùi ngùi cảm thương mấy thế hệ cầm bút: Nguyễn Thị Vinh, Trần Thị Tuệ Mai, Linh Bảo, Minh Đức Hoài Trinh, Vân Trang, Minh Quân, Thanh Phương, Phương Đài, Quỳnh Hương, Tuệ Nga, Như Hiên, Hương Khuê, Hoàng Hương Trang, Lê Thị Ý, Thanh Nhung, Trùng Dương, Nhã Ca, Dung Sài Gòn, Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Đỗ Phương Khanh, Lệ Hằng v.v… Sách của các tác giả này đến lúc nào đó có thể được tái bản lại chăng? Nếu thật lòng ''gạn đục khơi trong", không gì là không thể.

Đã từ lâu rất thích ca từ của Phạm Duy: “Như con giun ngước lên trời, yêu trăng sao vời vợi. Làm sao nói được tình tôi?”. Những kẻ thất tình, đớn đau gan ruột, khi nghe ai đó cất lên tiếng hát ắt ôm mặt khóc hu hu suốt đêm dài cho đến rạng sáng. Ca từ thống thiết quá. Tình cờ đọc quyển Những sự gặp gỡ của Đông phương & Tây phương trong ngôn ngữ & văn chương của Vũ Bội Liên (1912-1947). Trong đó, ông Liên có viết câu này: “Kẻ si tình của Victor Hugo tự ví mình như một con giun khốn nạn dám mê một vì sao: “Misérable ver de terre amoureux d'une étoile”. Giật mình. Rõ ràng, Phạm Duy viết ca từ trên do ảnh hưởng từ văn hóa Pháp.

Ngay cả câu thơ nổi tiếng của Xuân Diệu: “Yêu là chết trong lòng một ít” cũng lấy ý từ câu thơ Pháp. Thơ của Edmond Haraucourt (1856 -1941), tác giả bài Rondel de l’adieu. Câu thơ “Partir, c’est mourir un peu” (Đi, là chết trong lòng một tí) Xuân Diệu chỉ thay đổi 1 chữ và cũng lặp đi lặp lại đúng ba lần như nguyên bản. Đọc nhiều, đôi khi nhập vào trí nhớ, cứ ngỡ của mình là vậy. Mấy hôm nay, trên Facebook có sự tranh luận về một bài thơ đã phổ nhạc. Tìm đọc lại tập thơ Sầu ở lại của Tạ Ký, bản in năm 1970 do cơ sở ấn loát Quế Sơn - Võ Tánh, trang 11-12 có bài thơ Buồn như (tặng Tôn Thất Trung Nghĩa). Nguyên văn như sau:

Buồn như ly rượu cạn

Không còn rượu cho say

Buồn như ly rượu đầy

Không còn một người bạn


Buồn như đêm khuya vắng

Qua cửa sổ trông trăng

Buồn như em nói rằng:

Nhớ anh từng đêm trắng


Buồn như yêu không được

Dù người yêu có thừa

Buồn như mối tình xưa

Chỉ còn dòng lưu bút


Buồn như buồn như thế,

Buồn như một kiếp người

Đây cõi lòng quạnh quẽ

Buồn như đóa hoa rơi!

Đọc xong, lại thấy quen quá chừng. Một người bạn thơ nữ cũng viết na ná. Lạ nhỉ? Trong tập thơ này còn có bài lấy tựa Tôn Thất Trung Nghĩa. Đọc thấy ngồ ngộ, hay hay:

Từng đêm chợ Đũi đẫm sầu

Ly la-ve đổ gội đầu tóc xanh

Người sơn dã lạc kinh thành

Ngả nghiêng đáy cốc độc hành đêm khuya

Chợ Đủi ở đâu? Theo anh bạn nhà báo Trần Nhật Vy khi viết tập sách Từ Bến Nghé đến Sài Gòn, anh khảo sát bản đồ Saigon năm 1896 và ghi nhận: “Chợ Đũi nằm ở góc đường Chasseloup Laubat - Thuận Kiều (Nguyễn Thị Minh Khai - Cách mạng tháng Tám)”, cụ thể: “Sài Gòn xưa có một vùng đất mang tên là Chợ Đũi kéo dài từ Phạm Ngũ Lão cho đến giáp đường Nguyễn Thị Minh Khai và có lẽ chiều ngang từ Cách mạng tháng Tám đến giáp nhà bảo sanh Từ Dũ trên đường Cống Quỳnh”.

Bài thơ lục bát của Tạ Ký, chữ nghĩa đậm đặc âm hưởng từ thời Trần Huyền Trân, Thâm Tâm, Nguyễn Bính nhưng xếp cạnh bia la-ve khiến bài thơ tếu táo hẳn lên. Nhộn ở chỗ lấy bia gội đầu! Chỉ say mới thế. Hóa ra trên đời này, muốn đạt đến sự chuyên nghiệp thì việc gì, dẫu chỉ ăn nhậu nhưng bao giờ cũng khó.

Thời buổi này, mạng xã hội đã là nguồn thông tin cần thiết cho nhiều người. Bất kỳ kỳ ai cũng có thể chia sẻ, đón nhận cùng cộng đồng. Phải nói thật, thỉnh thoảng y cũng lướt qua nhiều trang Facebook. Chỉ lướt qua với tâm thế của một người sau giờ làm việc, vươn vai bước ra trước nhà xem xe cộ ngược xuôi cho vui con mắt, tán gẫu với bà hàng xóm vài câu vơ vơ đỡ nhạt miệng. Chẳng bận tâm gì.

Thế nhưng hôm nay, cả ngày nhoay nhoáy gõ phím, sáng nay tình cờ lạc vào trang cá nhân của người bạn thơ. Anh bình tập thơ lục bát Thức cùng bóng tối (NXB Hội Nhà văn) của nhà thơ khiếm thị Nguyễn Việt Anh ở Hà Nội. Nhà thơ chuyên nghiệp bình thơ, rõ ràng đáng tin cậy. Tuy nhiên, y lại ngờ ngợ không rõ anh bạn có “bốc đồng” hay không? Chừng mươi năm trước, anh đến tòa soạn Báo Phụ Nữ TP.HCM, hào hứng thông báo vừa ra phát hiện nhân tài thơ mới toanh, ấn luôn cả tập thơ vào tay: “Q. đã biết tác giả thơ này chưa? Chưa à? Thiếu sót trầm trọng đấy nhé. Cô ta ở Bình Dương, còn trẻ, làm cơ quan Nhà nước, thơ cực hay, hay cực kỳ. Nói thật, tớ phải ngã mũ chào”. Đại khái thế, anh khen bốc lên tận mây xanh, ca ngợi trên vài tờ báo và hiện nay, tác giả thơ đó chìm nghỉm vô âm tín. Hãy đọc những câu lục bát của một người khiếm thị:

…Giọt mưa làm ướt nỗi buồn
Hay buồn làm ướt tâm hồn giọt mưa?

…Nâng ly bóng chạm với hình
Tưởng ta cay đắng một mình mà đôi

…Trong ta ngọn lửa chập chờn
Muốn hôn lại sợ nụ hôn cháy bùng

…Nhặt những hòn sỏi ven bờ
Ném vào vô định mặt hồ du dương

Thú vui tưởng rất bình thường
Ai ngờ chú cá bị thương một ngày

…Em tin trong cõi vô hình
Có bàn tay đỡ tay mình không em?

…Gồng mình lên để nói không
Chi bằng nói có cho lòng nhẹ vơi

Đọc những câu thơ hay, lòng nhẹ nhàng. Tự dưng thấy rằng, biết rằng đâu đó trong dòng đời chảy xiết vẫn còn những tâm hồn đau đáu với thơ.

L.M.Q

(nguồn: Tạp chí Kiến thức ngay nay số ra ngày 20.10.2016)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

may tinh bang-dien thoai vo go-sửa nhà

máy tính bảng-vỏ gỗ-sửa chữa nhà