LÊ MINH QUỐC: Nhăn mày, nhíu trán như ông cụ non thì chơi với ai?

Array In Array

nham-may-nhiu-tranh-thi-ho-voi-ai-1-R


Những người thích đùa là tập truyện ngắn châm biếm nổi tiếng của nhà văn Axit Nexin. Khoảng thập niên 1980, đọc qua bản dịch của Thái Hà, bạn đọc Việt Nam hoan nghênh ghê gớm. Đi đến đâu cũng nghe bạn bè hỏi: “Đã đọc Những người thích đùa chưa?” Còn nhớ lúc đó cười lăn cười bò với Hội nghị các nhà phẫu thuật. Đại khái tại thành phố nọ diễn ra một hội nghị y học mang tầm quốc tế. Các nhà bác sĩ, các nhà chuyên môn tài ba, lỗi lạc nhất thế giới cùng về dự tranh tài. Có người báo cáo đã thí nghiệm thành công việc thay đổi vân tay trên đầu các ngón tay; có người giới thiệu phát minh về một loại keo dán lại đầu người dù nó đã lìa khỏi cổ nhưng người đó vẫn sống trơ trơ; có người báo cáo công trình “cải lão hoàn đồng” cho một phụ nữ 65 tuổi trở thành thiếu nữ 18 xuân xanh v.v… Tóm lại, công trình của vị bác sĩ phẫu thuật nào cũng khiến cả hội nghị trầm trồ, thán phục, kinh ngạc.

Cuối cùng, giải nhất thuộc về ai?

Có một vị bác sĩ bước lên diễn đàn trình về phẫu thuật cắt amiđan! Cả phòng cười rộ lên trước “cái trò trẻ ranh ấy”. Có nhiều truyện ngắn hay, rất thâm thúy, sau khi đọc xong, có thể quên hết các chi tiết dẫn chuyện. Thế nhưng với câu “chốt hạ” cuối cùng, nếu “nặng ký”, sáng giá và bất ngờ thì lập tức nó sẽ “đóng đinh” trong trí nhớ người đọc. Càng tạo nên hiệu quả về giá trị nghệ thuật. Chẳng hạn, câu kết trong truyện ngắn Đôi mắt của Nam Cao là một thí dụ: “Tài thật! Tài thật! Tài đến thế là cùng! Tiên sư anh Tào Tháo”.

Với truyện ngắn Hội nghị các nhà phẫu thuật, câu kết thúc thế nào khiến “Vẻ giễu cợt trên mặt các quan khách vụt biến mất, nhường chỗ cho vẻ kính phục sâu sắc đối với diễn giả. Những tràng vỗ tay vang lên như sấm. Toàn thể các nhà phẫu thuật dự Hội nghị quốc tế lần thứ mười đều nhất trí thừa nhận phẫu thuật cắt amiđan của các vị bác sĩ ấy là sự kiện lừng lẫy nhất trong lịch sử y học”?

Qua các đối thoại, bạn đọc được biết vị bác sĩ này đã cắt amiđan cho một nhà báo. “Các đại biểu lại phá lên cười rũ rượi: - Nhà báo, nhà buôn, viên chức hay anh lính thì có khác gì nhau?”. Đúng thế, chẳng có gì quan trọng cả. Hãy nghe nhà văn Axit Nexin đặt vào mồm nhân vật câu này: “Xin các vị trật tự! Vâng, thưa các vị, không có gì khác nhau. Nhưng vì hồi đó vừa ban hành luật báo chí, các nhà báo không sao mở mồm ra được, nên tôi buộc lòng phải cắt amiđan cho anh ta thông qua đường… hậu môn!”.

Những truyện ngắn hiện thực phê phán trước năm 1945 của nhà văn Nguyễn Công chẳng kém cạnh gì, thậm chí còn nổi trội hơn nữa là khác.

Nhắc lại mẩu chuyện này vì mới đây thôi, trong ngành phẫu thuật nước nhà vừa xẩy ra sự cố bi hài đến khiếp. Đố Axit Nexin có thể tưởng tượng ra nổi. Đó là chuyện của bệnh nhân nọ đau chân trái nhưng bác sĩ bệnh viện Việt-Đức (Hà Nội) mổ nhầm chân phải! Oái oăm chưa? Ly kỳ chưa? Kỳ diệu chưa? Đồng nghiệp Mr. Bim bình luận ngắn mà xốc: “Đến hột vịt lộn còn lộn huống hồ bác sĩ. Xui thôi, xem như được khuyến mãi đi”.

Khi nhắc đến từ “khuyến mãi” ắt người tiêu dùng, đi mua hàng, nhất là các bàn nội trợ khoái chí nhào vào ngay. Miêu tả cảm giác của sự hào hứng ấy, còn nhớ thời trước có cụm từ “Sướng rêm mé đìu hiu”, nay đã thay đổi, ví như “Phê như con tê tê”. Ai cũng biết, “hột vịt lộn” là trứng vịt đã ấp thành  con ở bên trong, và “lộn” là nhầm lẫn, lẫn lộn. Cả hai đồng âm, chẳng ăn nhậu gì với nhau, đứng cạnh nhau hóa ra gây cười một cách lý thú.

Đang làm quyển Tiếng Việt lắt léo. Tiếc không có thời gian để toàn tâm toàn ý. Đang viết cái này phải lộn qua thứ kia. Về từ “lộn”, thành ngữ có câu: “Lộn thừng, lộn chão/ Nói lộn rồng lộn rắn/ Lộn chồng trốn chúa/ Lộn con toán, bán con trâu” ắt hiểu theo nghĩa lẫn lộn, chung chạ, rối rắm, lộn đầu lộn đuôi chẳng bề nào ra bề nào. “Tốt như rồng lộn”, nay ít nghe ai sử dụng, từ điển của Huình Tịnh Pauslus Của giải thích: “Rồng uốn mình quanh lộn; bộ lịch sự, xinh tốt”. Từ “rồng lộn” qua cách giải thích trên - từ năm 1895 đến thập niên 1930 đã khác. Bằng chứng trong tập Dòng nước ngược, qua bài thơ Lỡm cô Ngọc Hồ, nhà thơ Tú Mỡ có câu: “Hồ tù ngán nỗi con rồng lộn/ Ngọc vết thương tình kẻ cố đeo”. Sướng chưa? Đọc lái đi. Ngày còn thơ bé, những đứa trẻ lúc tinh nghịch quá thế, thường bị mẹ mắng: “Con ranh con lộn”. Mắng là mắng thế, nhưng mẹ vẫn thương con nhất nhà.

Trong một ngữ nghĩa nào đó, “lộn” cũng có nghĩa là “lên” chăng? Nếu “lộn ruột” là điên tiết; đau cả ruột thì “lên ruột” cũng được hiểu như thế. Bằng chứng từ thập niên 1960, trên tạp chí Phổ Thông của nhà thơ Nguyễn Vỹ có chuyên mục Thơ lên ruột. Các bài thơ tếu táo, châm biếm, đả khích, Nguyễn Vỹ ký bút danh Cô Diệu Huyền.

Quái lạ, cho sự liên tưởng thông qua những gì đã đọc. Từ cái hột vịt lộn, lại nhớ thời bé đã đọc truyện ngắn Thời nhỏ, có lần đọc truyện ngắn Miếng thịt vịt của nhà văn Vũ Hạnh. Thích quá. Trưa qua, thức dậy, với lấy trên đầu gường, lật đúng y trang có truyện ngắn đó. Đọc lại. Lại không còn cảm giác thích như trước nữa. Chỉ thích chi tiết này: “Thủ Tự có được bốn con bò cái tuy cày hơi yếu, nhưng vùng đất cát người ta chỉ cần sức cuốc. Nuôi bọn bò cái vì nó đái nhiều, tốt phân. Hai anh bò đực thiệt lớn, ráng sức đái một trận không bằng một chị bò cái xề xề đái rất lửng lơ”. Đoạn văn này quan sát quá giỏi. Không phải ngẫu nhiên thành ngữ có câu: “Đái như bò đái”. Nhà văn, nếu không biết quan sát thì viết cái gì?

Trong trương văn trận bút luôn có những người chỉnh chu, cẩn trọng và rất ý thức với công việc đang làm. Xin kể chuyện này: Nhà văn Trần Thanh Phương được bạn đọc cả nước thán phục là do mấy chục năm qua vợ chồng anh bền bĩ, kiên nhẫn cắt, dán các bài báo và sưu tập theo từng chủ đề. Nhờ vậy, mới đây thôi, anh đã công bố một quyển sách mà trước đó chưa có ai làm.

Trước lúc đặt bút viết đề cương, vợ chồng anh nấu một mâm cơm cúng chung những người đã về cõi âm sẽ xuất hiện trong tập sách này. Sau khi sách in xong, anh ghi rõ ở bìa bốn: “Sách không bán”. Rồi lại làm mâm cơm cúng như một cách tạ ơn lần nữa. Anh lầm rầm khấn vái: “Trước hương khói, người sống chỉ cố gắng nhắc lại thật tóm tắt đôi điều tốt đẹp nhất của người quá cố. Và đó là những lời cuối cùng thương tiếc nặng lòng nhất của người đang sống gửi qua sông núi, mây trời vào nơi nhà văn, nhà thơ còn nán lại ít phút cuối cùng trước khi đi xa mãi mãi. Nếu chết mà có linh hồn, xin người ở cõi âm nhận tấm lòng thành của người cõi dương”.

Cảm động quá. Nghe rưng rưng.

Tập sách này có tên Lời cuối với nhà văn đã đi xa (NXB Hội Nhà văn-2016), là điếu văn của 107 nhà văn quá cố. Xưa nay, ở Việt Nam ta chưa hề có một tập sách kiểu như thế này. Đọc và nhận ra rằng, cách đọc điếu văn mỗi thời mỗi khác. Trước đây, ngay lúc hạ huyệt người trong ban tổ chức (hoặc gia đình) đọc và sau đó đốt luôn điếu văn; nay, điếu văn đã đọc khi quan tài còn đặt tại tư gia, nhà tang lễ. Cách làm nào cũng được, miễn chân thành, ấm cúng, xúc động nhằm tưởng nhớ, thương tiếc người đã khuất. Việc làm của nhà văn Trần Thanh Phương trong thời buổi này có thể ghi nhận “hiếm” và “lạ”. Trân trọng và đáng quý ở chỗ cái tình, cái nghĩa. Tình nghĩa ấy bất vụ lợi.

Đôi khi chẳng cần đi Đông đi Tây, đội đá vá trời, chỉ làm những việc nho nhỏ cũng đã là một đóng góp chung.

Cuộc sống nhố nhăng ra làm sao thì kệ. Con người ta vẫn buộc phải sống. Mà sống ắt phải kiếm việc làm đặng tự nuôi sống bản thân, chứ chẳng lẽ suốt đời ăn bám lấy bố mẹ? Kiếm việc làm thời buổi này có dễ dàng không? Câu hỏi nghiêm túc và "trầm trọng" ấy, có thể trả lời qua một bài thơ, được không? Ơ hay, sao lại không? Vừa rồi bài thơ lục bát “Thực trạng sinh viên ra trường” được dân cư mạng đã dành hơn 11.000 lượt "like", 4.000 lượt chia sẻ và vô số bình luận khác nhau. Bài thơ này được cho là của một tác giả có tên H.M.N.

Đầu đường Xây dựng bơm xe
Cuối đường Kinh tế bán chè đậu đen
Ngoại thương mời khách ăn kem
Các anh Nhạc viện thổi kèn đám ma

Ngân hàng ngồi dập đô la
In giấy vàng mã, sống qua từng ngày
Sư phạm trước tính làm thày
Giờ thay kế toán, hàng ngày tính lô.

Điện lực chẳng dám bô bô,
Giờ đang lầm lũi phụ hồ trên cao.
Lập trình chả hiểu thế nào,
Mở hàng trà đá, thuốc lào... cho vui

Nông nghiệp hỏi đến ngậm ngùi
"Số em chắc chỉ tiến lùi theo trâu"
Nhìn quanh, Thương mại đi đâu?
Hóa ra là đã nhảy tàu đi buôn....

Ngoại ngữ vẻ mặt thoáng buồn
Đang ngồi viết sớ, kiêm luôn bói bài.
Báo chí buôn bán ve chai
Giao thông đi chở thuê ngoài Đồng Xuân.

Bách khoa cũng gặp đôi lần
Buôn đồ điện hỏng, kiếm cân dây đồng
Mỹ thuật thì đang chổng mông
Đục khắc bia mộ, cũng mong lên đời

Mỏ địa chất mới hỡi ôi
Sáng thồ hai sọt, chào mời mua than
Thuỷ sản công việc an nhàn
Sáng cân mớ cá, cuối làng ngồi rao...!

Hàng hải ngồi gác chân cao
Bao giờ trúng số mua tàu ra khơi
Bác sĩ, y tá có thời
Học xong về huyện được mời chích heo...

Đọc xong bài thơ dù chua chát nhưng lại bật cười. Cười bởi cái sự “nói vống” lên, do đó, tự nó đã mang yếu tố hài hước. Sống, cần hài hước một chút.  Chứ nhìn gì cũng "vấn đề, rất vấn đề", "tình hình rất tình hình" khiến mặt, mày, miệng, mũi, mắt, môi lúc nào cũng khó đăm đăm, nhăn mày, nhíu trán như ông cụ non thì chơi với ai?

L.M.Q

(nguồn Báo ANTG số 103 - tháng 8.2016)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

may tinh bang-dien thoai vo go-sửa nhà

máy tính bảng-vỏ gỗ-sửa chữa nhà